MANG VIÊN LONG


Hướng Đi Của Một Con Đường
Tạp Bút

Tôi có người bạn văn đã ở vào tuổi 80, là một nhà nghiên cứu biên khảo, nhưng anh không sử dụng được máy vi tính để viết, mà chỉ viết tay thôi. Có những bản thảo dày năm trăm, đến ngàn trang - toàn là được anh chăm chút viết tay. Vậy mà những tháng năm qua, anh đã cho xuất bản lần lượt 30 đầu sách nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật công phu, giá trị. Có lần ghé thăm anh, tôi được nghe anh kể lại chuyện của một “bạn văn trẻ” nọ khi đến thăm chơi, nhìn thấy anh cặm cụi, cần mẫn bên xấp bản thảo dày cộm, đã kêu lên: “Trời ơi! Sao bác làm chi cho mệt vậy? Tuổi già, nên thư giãn, vui chơi không sướng hơn sao?”.
Tôi hỏi: “Anh đã trả lời thế nào?”.
Anh cười, nói chỉ kể cho cậu ấy nghe mẫu chuyện nhỏ, vui vui nầy thôi: “Ngày kia, ngựa và lừa nghe nói Đường Tăng sẽ đi Tây Thiên thỉnh kinh, con lừa cảm thấy chuyến đi này khổ nạn trùng trùng, liền bỏ cuộc; còn ngựa thì lập tức tự nguyên xin theo. Trải qua 81 kiếp nạn, cuối cùng đã thỉnh được chân Kinh trở về.
Lúc về lại quê hương, con lừa hỏi: “Người anh em, có phải là rất vất vả không?”.
Ngựa nói: “Kỳ thực, trong khoảng thời gian tôi đi sang Tây Thiên thỉnh kinh, con đường mà cậu ở nhà đã đi, nếu đem so với tôi thì cũng không thua kém gì, ngoài ra cậu còn bị người ta bịt mắt, đánh đập. Thật tình, tôi thấy sống những tháng ngày không có lý tưởng thì còn mệt mỏi hơn!”.
Cảm giác “mệt mỏi” mà con ngựa đã nói với lừa, có lẽ mỗi người - đôi khi, cũng đã cảm nhận được như vậy! Nếu được nhàn nhã (ở không/ăn rồi nằm) đã “mỏi”, còn nếu ăn rồi làm những chuyện bị bắt buột, bị kiềm chế, không ích lợi gì cho ai - nhất là lòng không vui thích, thì càng “mệt” hơn nhiều! Con ngựa đã chọn con đường đi theo Đường Tăng thỉnh Kinh, đem lại lợi lạc cho muôn người; trong lúc con lừa ngại gian khổ, tránh né - nhưng đâu được yên thân hơn? Lừa đã “bị người ta bịt mắt, đánh đập” trong suốt quảng đường (và thời gian) mà ngựa đi thong dong bên Đường Tăng với nhiều niềm vui, nhiều cảm nhận mới lạ trong cuộc hành trình. Ở đời, sự sướng / khổ tùy thuộc vào cảm nhận nẩy sinh từ tâm hồn, từ ý thức; chứ không phải vì việc làm nặng nhọc hay nhẹ nhàng! Cái cảm nhận ấy, chỉ có người trực tiếp thực hiện công việc mới biết được rõ mà thôi. Từ bên ngoài nhìn vào (như cậu “bạn văn trẻ”) để phán xét (hay góp ý), đều không thể giúp gì được cho ai! Giao thiệp với người, mà không hiểu được người, đôi khi sẽ làm cho người đối diện bất bình, hay xem thường. Chuyện rằng, một ngày kia, Khổng Tử đi ra ngoài, bỗng trời muốn đổ mưa, nhưng ông không có mang theo dù, có người thưa rằng: “Tử Hạ có dù, thầy có thể mượn của Tử Hạ”. Khổng Tử vừa nghe xong, liền nói: “Không được, con người của Tử Hạ vốn rất keo kiệt, nếu như Thầy mượn mà y không cho, người khác sẽ trách móc rằng y không tôn trọng thầy của mình; còn nếu đưa cho thầy, trong lòng y nhất định sẽ khó chịu”. Hiểu người như Khổng Tử xưa nay, có lẽ hiếm?
Có nhiều trường hợp, sự lựa chọn con đường đi cho đời mình bị “lạc hướng” do thiếu tỉnh giác và nông nổi, cùng sự mê mờ trong nhận thức, hay bị cám dỗ, nên đã đem lại cho mình sự mệt mỏi và vô vị (đôi khi bệnh hoạn) trong đời sống. Để cho lòng luôn được an vui, cuộc sống luôn ý nghĩa - điều cần nhất, phải có là một tấm lòng đam mê, yêu thích những gì mình đã chon và làm, đang gắn bó, theo đuổi! Nhìn thấy ở đó một sự cần thiết phải đóng góp, cho chính bản thân và cho những người chung quanh! Giống như người bạn văn vong niên của tôi - anh ngày đêm miệt mài với cây bút bi, trên manh giấy của tập bản thảo dày ngàn trang, nhưng vẫn luôn cảm thây thoải mái, vui vẻ khi đứng dậy! (Trong lúc “cậu bạn - văn - trẻ” thì cho mệt nhọc!)
Sau năm 78 - tôi rời trường Trung học Nguyễn Huệ trở về quê, không còn cầm phấn như xưa, mà cầm kiềm, cầm dũa, cầm búa. Người bạn học cũ ở Sài Gòn một lần tìm đến thăm, thấy tôi lui cui, cắm cúi trên bàn sửa khóa; đã buồn bã, thở dài: “Sao anh lại khổ đến như vậy?”. Nghe lời bạn than thở, tôi vừa cảm thấy thương quý anh, vừa không thể nhịn cười được. Tôi nhìn anh: “Anh thấy tôi thế nào mà buồn, mà thở dài thường thựợt vậy?”. - “Anh vất vã quá, khổ sở quá! Từ xưa là một giáo sư, một nhà văn, mà bây giờ…”. Tôi cười lớn: “Anh hiểu lầm tôi quá rồi!” Tôi tâm sự với anh: “Tôi rất vui và hạnh phúc với công việc của mình! Ngày xưa làm nghề dạy học, để kiếm sống; hôm nay làm nghề sửa khóa làm chìa, cũng để kiếm sống! Hai cuộc sống không có gì khác nhau; tất cả đều là việc làm lương thiện mà tôi yêu thích!”. 
Tôi có được suy nghĩ, từ cảm nhận của người bạn, là nếu đã chọn con đường đi cho chính mình, mà còn chịu ảnh hưởng (hay chi phối) bởi người khác thì chí hướng, tâm trí không thể vững chãi, yên ổn được lâu dài! Công việc làm vì thế sẽ dở dang, hay không thể thành công! Sự lung lạc từ bên ngoài sẽ dần dần như dòng nước ngầm, chảy sói mòn tâm huyết, nghị lực; biến ta trở nên một kẻ luôn luôn đứng ngơ ngác ở ngã ba đường, cho đến đêm tối, cũng chẳng biết phải đi về hướng nào? 
Thiền sư Taisen Deshimaru (1914 - 1982) đã khẳng định:“Chân lý không ở nơi nào khác. Chân lý ở ngay đây, ngay trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính mỗi lúc, mỗi hành động là dịp để chúng ta rèn luyện sự tập trung và thực hiện sự toàn thiên”. Xem vậy, chính ta phải tự hoàn thiện con đường, hướng đi của chính mình, không thể dựa vào ai khác, cho đến khi thành tựu như ý nguyện!
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long