Một Cõi Đời Riêng
Truyện NGắn
Khắp nhìn xuống mặt sân cát còn mịn hơi sương phủ đều những cánh hoa sầu đông trắng nhụy tím thâm với nỗi ngạc nhiên nhẹ nhàng thích thú về một khám phá thêm cho căn nhà cũ của mình. Trong cơn gió sớm gây gây lạnh mùi thơm hoa sầu đông sực nức tràn đầy khứu giác anh đến nỗi nó ám ảnh rồi quyến rũ anh, khiến anh nghĩ chỉ có buổi sáng này là buổi sáng bình yên, hạnh phúc nhất từ lúc anh trở về mở toang đôi cánh cửa nhện giăng bụi phủ mà anh đã bỏ đi bặt mấy năm ròng. Thực sự phải nói rằng chính Xoa đã mang đến cho những cánh hoa sầu đông thêm màu quyến rũ, và mùi hương nồng nàn kia thêm đằm thắm. Khắp đã trở về chính cũng không do sự mời gọi của hàng sầu đông suốt mấy năm tuổi trẻ sống bưng bít chắt chiu bên hai người em tối ngày quanh quẩn trong hầm trú ẩn. Chiếc hầm trú ẩn xưa nay đã phủ lấp mất dấu bên hàng cây như những kỷ niệm xưa cũng phai nhòa, tan rã trong cuộc sống long đong rày đây mai đó của anh. Căn nhà, hàng câu sầu đông, chiếc hầm, khoảng sân, giòng nước… Tất cả bây giờ bày biện trước mắt Khắp thực im sững, ngơ ngác; không mảy may thôi thúc kéo lại được những cảm giác của mười mấy năm trước, những năm trong kháng chiến, cơ cực âm thầm. Cảnh vật nay không còn giống chút nào trong những năm tháng năm cũ, càng không dễ gợi mơ mộng như sự tưởng nghĩ của anh. Hình như cái chết của người mẹ và đứa em trai út trong căn hầm ngoài hàng cây đã chôn giữ hết mọi vết tích kỷ niệm, và sự ra đi cô lẻ biền biệt của đứa em gái theo chồng phương xa cũng cuốn phăng đi tự hồi nào những cảm xúc của Khắp; để đến chừng trở về, anh mới thực sự nhận biết. Có rất nhiều lúc, dù ở xa, Khắp cũng mong được trở về, sống lại những chuỗi ngày phẳng lặng êm ả cũ để rũ sạch hết mọi vướng bận chằng chịt có hồi đã làm anh quẩn trí, điên cuồng. Bây giờ thì Khắp đã tự tay mở rộng đôi cánh cửa của một vùng nắng gió hoa lá kỷ niệm như cõi lòng mình mở rộng, đợi chờ. Phải, Khắp đã mở cửa, và ngồi đợi Xoa từng buổi chiều với thực nhiều nỗi bàng hoàng khó xử trong lòng.
Những cánh thư Xoa gửi dồn dập mỗi lúc một rút ngắn vội vã, nóng nảy, bối rối đã bắt Khắp dù muốn quên cũng không thể quên được với từng lúc hình ảnh kỷ niệm quay về, tự nhiên, và réo gọi. Ban đầu, Khắp có vẻ khinh thị nỗi đau khổ của Xoa với những giòng thư y hệt lời lẽ của những năm cũ. Không biết sao, anh tự nghĩ rằng, người ta không thể lập lại cái thời cũ, mà không phải ngượng ngùng, giả tạo; nhất là phải lập lại những lời lẽ yêu thương. Xoa không rõ điều đó, hay nàng nghĩ có thể lừa dối mình cùng người khác ? Khắp xếp thư vào một cuốn sách đã đọc, rồi nghĩ rằng chẳng có thì giờ hay hứng thú gì phải đọc lại quyển sách, hay cái thư. Tưởng mình sẽ quên được cái thư cùng với những tình tiết của câu chuyện trong quyển sách nọ, nhưng lúc đọc xong lá thư tiếp của Xoa, Khắp phải dở lại quyển sách. Không phải để đọc lại câu chuyện (một câu chuyện yêu thương, đỏm dáng hay chiến tranh bom đạn đau khổ xa lạ nào đó) nhưng là để đọc lại cái thư. Dần dần, anh vơi bớt vẻ khinh thị, thế bằng nỗi xót thương. Sự xót thương Xoa của Khắp đã nối được sự thông cảm dễ dàng, đến nỗi anh cũng phải ngạc nhiên về sự thay đổi của chính mình. Tới buổi sáng nhận được tấm điện tín của Xoa, tới giờ phút đó, Khắp mới thực sự không còn nghi ngờ, áy náy gì nữa với nàng. Và những ngày chờ đợi được trở về, tự tay mở toang đôi cánh cửa đã đóng kỹ mấy năm, những hình ảnh của Xoa như điểm tô, nuôi giữ lòng phấn khởi tưởng đã tắt lịm lạnh băng giữa đời Khắp từ lâu.
Như một đứa trẻ bỡ ngỡ nhìn những cánh hoa lạ, Khắp cúi xuống nhặt vài cánh hoa sầu đông vừa lả tả rơi xuống trước mặt. Anh chăm chú lặng lẽ nhìn kỹ vào mầu tím nhị hoa như cố tìm lại chút hơi hướng của Xoa, mùi thơm nồng nàn của da thịt của hương hoa một đêm ẩn mình trong bóng đêm của những cành cây lấp lánh ánh trăng.
Buổi sáng tịch mịch. Đất trời ngủ quên sau những đêm thức trắng với trăng tỏ, với sao đầy. Gió bất chợt và sẽ sàng lay cuốn bay theo những cánh hoa trắng trải dày trên mặt sân. Dưới một gốc cây sầu đông dày bóng là, chiếc trường kỷ rộng, ọp ẹp cũ kỹ bỏ trống rải rác những cánh hoa rơi. Khắp tự dưng vội vã quay trở lại, bước vào nhà…
Khắp không còn nhớ bao nhiêu những lời của Xoa mỗi bận gặp gỡ nàng như thế, nhưng có điều khiến anh bận tâm, ray rức là ở giọng nói khô cứng lúng túng khẩn thiết của nàng. Ngồi bên Xoa, điều làm anh xúc động nhiều không phải ở những giọt nước mắt của nàng, mà ở cái giọng nói chất chứa thật nhiều ẩn ức khó nguôi, có hồi như nài nỉ tuyệt vọng của nàng. Ở xa, Khắp đã tính toán sai lệch hẳn như khi ngồi ôm Xoa trong tay. Gần nàng, những vướng mắc khó xử như bề bộn, dàn trải ra trước mắt từng cái một càng làm anh bối rối, dày vò. Như vậy, anh biết, đó là dấu hiệu của tuổi già và nỗi suy nhược nhưng anh cũng quả đã rời rã yếu kém như thế. Tuổi thanh xuân mù lòa vì tình yêu, của sôi nổi một thời trước anh đã dành hết cho Xoa trong những năm kháng chiến âm thầm nhưng thơ mộng, cơ cực nhưng êm đềm trôi qua như một giòng nước…
Khắp thực sự bỏ học trở về với căn nhà khi người mẹ đã kiệt sức, hấp hối vì chứng bịnh ho ra máu mấy năm trời không có thuốc chữa. Nói rằng không có thuốc trị thì không hẳn đúng. Vâng, có thuốc đó nhưng chỉ là những toa thuốc rễ cây, thuốc lá cây của những ông lang dạo thất nghiệp không còn biết sống vào nghề nào khác. Mẹ Khắp đã tiêu xài gần hết cả gia tài theo những lời mách bảo của họ hàng để chạy theo từng ông lang lẻo mép, lường gạt. Không có gì bẩn thỉu cho bằng sự lừa đảo những kẻ mình biết họ sắp lìa bỏ cõi đời; nhưng nỗi đói khổ và sự sống còn cho chính mình quá khẩn thiết đã buộc những ông lang nọ nói dối. Và những ông lang đó đã biến thành những kẻ đi rao truyền niềm hy vọng hảo cho những người bệnh như mẹ Khắp mà lấy tiền. Khi những cơn ho ra máu ngọ ngoạy từng đêm chực cắt đứt những hơi thở cuối của mẹ Khắp thì những viên đạn từ những phi cơ oanh tạc Pháp đã kết thúc cuộc đời bà ngay gần kề miệng hầm trú ẩn. Bên cạnh bà, đứa em trai lên tám của Khắp cũng tắt lịm hơi thở, máu trào từng vũng. Xoa đã đến kịp lúc để cắt nghĩa cho cái chết của người mẹ và đứa em trai của Khắp như một số mệnh. Thường ngày bác bảo không thèm chạy ra hầm chỉ nằm chờ máy bay thả bom cho chết nhưng bây giờ bác đã ra hầm để trúng đạn, không chết ở trên giường như bác mong mà lại chết ngay trên miệng hầm, anh có thấy là một cái số không? Giá bác cứ nằm ở giường như mọi khi, thì làm gì chết được, hả anh? Dù không muốn nghĩ tới những lời cắt nghĩa mệnh số dài dòng ngay chính nàng cũng không mấy tin tưởng, nhưng Khắp nghĩ tới số mệnh như một lời an ủi chua xót, bất lực chung cho cả người đã chết và kẻ còn sống. Mẹ anh chết như một mệnh số đã tới, đã đành, nhưng đứa em trai của anh thì sao? Số mệnh đâu có tới quá sớm với một đứa nhỏ lanh lợi thông minh khỏe mạnh như nó? Nếu coi số mệnh có thể cắt nghĩa được cho hầu hết những cái chết xót xa sớm sủa kia, thì chiến tranh là gã hung thần bạo ngược đã tạo ra những mệnh số chung của con người. Trong nỗi tưởng nghĩa chua chát đó, Khắp cho chuyến đi thăm soi bắp với Nguyệt (tên đứa em gái của anh) là một sắp đặt của số mệnh để bốn mẹ con anh không chết cùng một giờ như gia đình bà Hộ, lão Sum, ông Bé…
Gặp lại Xoa sau mấy năm bỏ trường, Khắp nhớ tới những mảnh giấy biểu lộ yêu thương âm thầm lén lút trao đổi rồi âm thầm lén lút đốt đi hồi còn trọ học ở Nhơn Phong để cố tránh sự dị nghị theo dõi nơi những cặp mắt cú vọ bám sát vào đời sống riêng rẽ của từng người như vuốt mèo chực vồ chuột. Những mảnh giấy nhỏ tuy không chứa hết nỗi thương yêu của những tâm hồn biển cả rạt rào tuổi mộng, nhưng cũng đã là ký hiệu tuyệt diệt gói ghém được những xao xuyến rất hiếm khi được giãi bày. Nhờ những mảnh giấy Khắp đã trải qua được một thời rạo rực ân ái. Mối tình rồi cũng lặng lờ như những mảnh giấy, và quên lãng như những bụi tro bay, ngày Khắp bỏ trường trở về với cơn hấp hối quằn quại của mẹ. Rất may, cuộc tình của anh chưa hề bị dòm ngó phê bình như những trường hợp khác. Ở giữa đám đông của những lần gặp mặt kiểm thảo, những câu chuyện tình vẫn bị coi như một thứ tội phạm ghê tởm. Một tội trạng kinh dị, khó được tha thứ êm xuôi. Sau những bận phải có mặt trong những đêm quây quần sợ hãi, quái gở đó, Khắp thường bắt gặp cảm giác vừa lờm tởm buồn nôn, vừa rã rời khắc khoải. Có đời nào trên quả đất chúng ta, tình yêu thương phải coi như một thứ xấu xa, tội lỗi không? Có con người nào, giữa chúng ta có thể sống mà chẳng cần tới một mối tình nồng để điểm tô, nối tiếp đời sống? Vậy mà vẫn những bộ mặt cũ, lạ hoắt trong chiếc mặt nạ dị dọm cứ nhô lên vung tay làm trò không nản. Khắp nghĩ, rồi thì cũng tới lúc những cái mặt nạ lạ lùng kia cũng sẽ bị nhìn thấy bởi muôn nghìn cặp mắt từ bốn hướng. Không có điều gì có thể giấu giếm được lâu dưới ánh sáng mặt trời bởi tấn tuồng nào cũng có hồi kết thúc.
Bây giờ Xoa của những mảnh thư tình lén lút đã ở gần gũi anh như những quyển truyện tình đợi anh giở lại từng trang một.
Từ căn chòi nơi cả gia đình Xoa tản cư ẩn náu đến căn nhà Khắp bằng những ngõ ngách vắng vẻ tối tăm và những con đường ngập phủ cỏ hoang. Nàng vẫn thường tìm tới Khắp vào những buổi xế chiều và trở về vào đêm. Những đêm có trăng, dưới hàng cây sầu đông rợp bóng, trong khoảng sân khép kín im lìm, nàng đã là nguồn vui sống của hai anh em Khắp. Có hôm, mãi tới lúc Nguyệt nằm kềnh ra sân ngủ, Khắp mới đưa nàng đi ngược trở lại những ngõ ngách và những con đường um tùm cây cỏ trở về. Cũng chính nơi những con đường hiu quạnh này những nụ hôn sôi bỏng đã quyện lấy cuộc tình anh. Đã ghi sâu vào tâm khảm anh hình bóng đơn lẻ của Xoa lùi lủi bước cao lên chân đê về nhà, đã cho anh sống hết tuổi thanh niên thèm khát ôm ấp yêu thương. Sống trong thời mà nỗi khổ nhọc và nỗi chết mãi bám sát vào đời sống ngùn ngụt lửa khói, được như vậy, theo anh, đã quá đủ. Và Khắp không còn nghĩ thêm cho riêng mình những gì khác ngoài hình bóng Xoa thoăn thoắt trên chân đê…
Đã hơn một tháng rồi Khắp được nhận thêm một nhiệm vụ mới đó là buổi dạy ban đêm cho những lớp bình dân của xã. Ngoài những giờ sinh hoạt với những đoàn thiếu nhi nơi sân gạch của một ngôi nhà hoang bị thiêu hủy sau một trận cháy vì bom lửa, anh cùng Nguyệt quanh quẩn trong vườn với những thửa rau, đậu, bắp. Mười mấy ký gạo mỗi tháng thu được của những đứa nhỏ học tư riêng với anh, Khắp không còn một miếng ruộng nào để có thêm nguồn lợi. Tuy thế, anh cũng ít khi bận tâm tới nếp sống bởi chung quanh anh, có đời sống nào khác hơn thế nữa đâu? Có gia đình nào mà bữa cơm không ghé bắp, ghé củ? Trong thời giặc giã được sống yên ổn tấm thân, đã là một diễm phúc. Những diễm phúc đôi lúc còn tàn tệ hơn thế nữa.
Khắp đang ngồi giữa đám trẻ tập cho chúng hát “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sức gan; đoàn kết ta bền vững, dù sắt hay là gan…” thì Nguyệt chạy vào báo tin có Xoa đến, đang ngồi đợi ở nhà; Khắp nôn nao gật đầu. Nguyệt bỏ về trước, bài hát được tập tiếp tục. Những đứa trẻ áo quần xi ta đen lam lũ ngồi say sưa vỗ tay hát theo Khắp quên bẵng tuổi thơ chúng đang trôi nổi mịt mù vô định trong hận thù và bom đạn. Tiếng hát cất cao cùng với tiếng vỗ tay rập ràng vang vang một góc xóm. Tuổi trẻ nào cũng say sưa nồng nhiệt dễ quên lãng hết mọi nỗi khó nhọc. Những buổi hội họp ca hát nhảy múa như đã làm cho đám trẻ gần gũi thân thiết quên đi những giờ khắc của tối tăm mày mặt ngoài đồng, của kinh hoàng chết điếng trong hầm trú ẩn. Nhưng riêng với Nguyệt, đã bao lần Khắp muốn em có được nỗi lãng quên ngắn ngủi tạm thời đó, nhưng Nguyệt vẫn bẽn lẽn một mực chối từ những buổi gặp gỡ đông đảo như vậy. Có thể Nguyệt có nhiều nỗi e thẹn áy náy với phút đầu len chân vào tập thể, nhưng hiểu em, Khắp biết Nguyệt không thể gắng gượng nhiều khi chỉ thêm buồn khổ cho đời mình sau đó mà thôi.
Khắp kết thúc cuộc gặp gỡ bằng những lời khuyên nhủ dặn dò, phân chia công tác, định buổi gặp tiếp theo đám trẻ rộn rã tản mát trở về. Những cái bóng đen nhỏ xíu lầm lũi vội vã dưới trăng đi sâu vào cuối xóm. Nhìn theo bọn chúng, Khắp nghĩ, anh chỉ có thể làm được chừng đó với chúng mà thôi. Không thể cứu rỗi ai, khi linh hồn mình vẫn tối tăm sầu khổ.
Xoa và Nguyệt đón Khắp nơi bãi cỏ đầu ngõ vắng, Khắp trông Nguyệt và Xoa thật thân mật. Thường ngày, Nguyệt vẫn e dè, ngượng ngùng với Xoa. Khắp ngồi xuống trên bãi cỏ bên Nguyệt.
-Hai chị em ngồi đợi có lâu không? Khắp hỏi.
Nguyệt nhìn Xoa cười, nhìn nhau im lặng.
Trônng thấy em có nét hớn hở khác biệt với gương mặt dàu dàu xa vắng xưa, Khắp cũng cười theo một cách vu vơ:
-Đêm mai anh có giấy mời đi họp, có lẽ tới mờ sáng mới về, Xoa rảnh lên chơi với Nguyệt một đêm, tha hồ…
Nguyệt chợt lên tiếng:
-Ngày mai chị Xoa đi về rồi.
Ngày mai chị Xoa đi về rồi. Đi về ? Đi về đâu? Trở về quê vùng đất cát hoang vắng, cằn khô, trơ vơ vết tích tàn phá của mấy năm sợ hãi rời bỏ để làm gì? Nhưng Xoa đã đi về thực.
Xoa đã theo gia đình hồi cư về quê tại một vùng cách thành phố miền biển vài cây số. Đó là những ngày cuối năm 1952, những trận mưa đạn từ những oanh tạc cơ đã giảm sút, những quả đạn cannon từ những chiếc tàu đậu ngoài khơi bớt bắn dồn vào nội địa. Và những hồi kiểng thôi thúc báo động những tận đổ bộ, càn quét của giặc Tây không còn rên siết làm chết điếng lòng người. Xoa đã ra đi. Vâng, nàng đã ra đi xa gia đình Khắp. Rồi cũng rất giống những cuộc tình khác, nàng đã để lại cho Khắp rất nhiều giọt nước mắt, rất nhiều hứa hẹn ở ngày mai.
Một hai tháng một lần Xoa đã tìm lên thăm Khắp và Nguyệt như tìm về cõi mộng quyến rủ khó nguôi xưa. Về với gia đình Khắp, nàng mãn nguyện thỏa thê như đã cởi bỏ dọc đường những buồn thương nhớ cũ. Rũ bỏ được hết thảy những bận tâm ấm ức mới. Gần một buổi lê gót gian nan với bao nỗi chết rình rập đây đó, Xoa thường đến gặp Khắp khi trời gần đứng bóng. Lâu ngày gặp lại Xoa, Nguyệt hớn hở thái quá ngoài dự đoán của Khắp. Anh không ngờ, trong nỗi đợi chờ mòn mỏi của anh, có cả Nguyệt cũng dõi theo mong ngóng. Nhờ Nguyệt, anh đã bắt đầu tính chuyện một ngày nào đó sẽ cưới Xoa. Một ngày nào đó sẽ có Xoa mãi mãi trong căn nhà này, ngoài vuông sân kia, dưới hàng sầu đông ngọt ngào hương gió nọ.
Sau bữa cơm và lần gặp gỡ riêng rẽ với Xoa, Nguyệt thường trở ra ngồi vắt vẻo trên chiếc cầu tre sau nhà bắt qua con sông lặng lờ nước chảy. Còn Xoa, nàng và Khắp ngồi đu đưa trên cùng một chiếc võng mắc ở hiên. Chiếc võng đã ru ngủ êm đềm cho biết bao là mộng ước của nàng.
Trời gần xế chiều, Xoa vội vã trở về…
Bẵng đi một thời gian ba tháng Xoa không còn tìm lên thăm gia đình Khắp nữa. Dĩ nhiên điều này đã làm cho Khắp buồn bã và Nguyệt lo lắng. Tin tức trong lúc này quả thực là khó biết, dù đôi lúc chỉ còn cách nhau vài cây số đường bộ. Hỏi làm sao có thể theo dõi được những cảnh đời khi con người cứ mãi nổi trôi từ phương trời này tới phương trời khác, và sự đổi thay số mệnh xảy ra trong từng phút hơi thở ? Khắp đành mù lòa trong cõi nhớ thương Xoa trong cõi âm u của làng xóm, đất trời. Còn Nguyệt, nó càng lặng lẽ hơn với từng luống rau ngoài vườn từng ngày cặm cụi vun bón.
Đột nhiên, một buổi trưa Nguyệt nhận ra dáng Xoa đon đả đi vào ngõ. Tiếng reo mừng không kiềm giữ được của Nguyệt khiến Khắp đang nằm ngủ lơ mơ ở võng thức dậy. Anh bàng hoàng đón Xoa giữa sân. Xoa như từ chốn cách trở nghìn trùng của Chức Nữ xưa trở lại. Anh đăm đăm nhìn sững lên khuôn mặt Xoa gầy gò ẩn hiển nhiều nét bối rối nghẹn ngào. Nguyệt chừng như không nhận ra điều đó, nói cười dòn tan.
Buổi trưa hôm đó Xoa không gặp riêng Nguyệt chuyện trò cười cợt như bấy khi, nàng trở ra hiên ngồi ngó mông lung ánh nắng. Khi Khắp đến ngồi gần thì nàng vỡ ra khóc nức nở. Òa lên khóc ngọt ngào. Tại sao lần này Xoa lại bảo có thể ở lại chơi một vài ngày mà không còn chút sợ sệt lo lắng ? Có quyết định nào đã xui nàng liều lĩnh buồn phiền? Tại sao em khóc, Xoa ? Khắp bồn chồn sững sờ ôm giữ Xoa trong một cánh tay rời rã, nàng vẫn rung rung đôi vai khóc ấm ức. Sao em không nói, có nỗi khổ đau nào mà anh không muốn được chia sớt với em đâu?
Xoa chợt quay lại, ngước lên nhìn Khắp dò xét – giọng ngậm ngùi:
-Anh không thể chia xẻ được nỗi khổ này của em…
Giọng Khắp vẫn trầm trầm:
-Sao lại không, em cứ nói. Không lẽ anh bất lực đến như thế sao?
-Em biết, chỉ làm anh khổ thêm.
Nàng kể lại đám cưới sắp đến của nàng với một người phương xa, chưa thấy mặt; nhưng có lẽ nội trong tháng tới gã sẽ trở về. Cha nàng bảo không còn cách nào hơn là im lặng, ưng thuận. Riêng nàng, thân con cá sống trong chậu, cũng không thể thoát khỏi được những bàn tay chờ chực giam hãm oan nghiệt. còn anh, em không muốn vì em anh phải lãnh nhận những hậu quả ghê tởm sau nầy. Dĩ nhiên, em mong chỉ một mình em chịu thôi.
Trước nỗi cay đắng đó của Xoa, Khắp thấy mình thực sự bất lực. Anh nghĩ, không có nỗi tủi hổ yếu hèn nào hơn đành chịu bó tay trước nỗi đau xót của người yêu. Bây giờ anh lại phải đang lãnh nhận những mối chua chát đó cho đời sống mình sao? Tự dưng anh nghe da mặt nóng ran, hơi thở yếu dần theo cơn ngầy ngật rời rã. Những giọt nước mắt vô tình rơi nhanh xuống đất…
Nhìn thấy Nguyệt ngồi một mình giữa cầu, Xoa nói lớn giọng:
-Tắm không em Nguyệt ?
Nguyệt nhìn về phía Xoa và Khắp, cười:
-Lạnh lắm, em sợ…
Khắp ngồi xuống cầu gần Xoa, yên lặng. Xoa chợt nắm tay Nguyệt cười rộng:
-Chị nhảy xuống sông chết luôn, hỉ Nguyệt?
Sau câu nói, nàng quay lại nhìn Khắp bùi ngùi. Trong giọng nói thấp trũng của Xoa, anh nghe lòng dạ mình héo hắt, thắt thỏm.
Cả ba người ngồi trò chuyện lông bông ngoài cầu tới khi trời chập choạng tối mới trở vào nhà. Buổi tối nặng nề vắng ngắt bên kia cánh đồng trống. Buổi tối lơ lửng âm u trên những đọt tre cao. Buổi tối mờ mịt âu lo trong từng căn nhà tối om không ánh đèn dầu. Buổi tối kín bưng riêng rẽ trong những vuông sân vắng tiếng nói cười.
Nguyệt đã ngủ trên chiếc võng mắc ở hiên. Khắp trải chiếu trên nền xi măng nằm với Xoa, cạnh đó. Xoa lại bắt đầu khóc rấm rức trên ngực Khắp. Những toan tính nào rồi cũng không ngăn được nổi những giòng nước mắt của nàng. Những giọt nước mắt khóc cho một cuộc tình thực là vô cùng. Chừng như chỉ có những giọt nước mắt vội vã tuôn nhanh đó mới có thể làm vơi đi đôi chút nỗi đau khổ dày vò nàng thôi. Cuối cùng, Khắp ngơ ngác nằm rũ vật vờ trôi nổi theo từng dòng ý tưởng cuồn cuộn nhức ran trí óc. Đêm đã cạn dần năm canh, Xoa đã ngủ vùi trong những giọt nước mắt ấp ủ. Rồi hơi ấm này, thân thể này cũng sẽ lìa xa anh như lá lìa cành, chim lìa núi. Khắp chợt trở xoay người, quàng tay ôm giữ Xoa vào lòng…
Tin đình chiến được nhiều người bàn tán xôn xao, nhưng Khắp chỉ thực sự biết rõ khi Đức đến thăm. Không gì hạnh phúc vui mừng cho bằng khi đã sống ngờm ngợp trong cảnh chết chóc, lại nghe thôi không còn bắn giết nhau nữa. Thôi không còn bom nổ trên đầu. Thôi không còn đạn vây từng bước. Thôi không còn những thùng xăng quảng xuống xóm làng, chợ búa, trường học. Thôi không còn lặn lội hôm sớm tản cư từ đầu ghềnh xuống cuối núi. Thôi tất cả mọi thủ đoạn tàn sát nhau. Thôi nuôi căm hờn. Thôi dạy ngờ vực . Tin đình chiến đến với mọi người như một liều thuốc tiên mầu nhiệm có thể cứu sống hằng nghìn sanh mạng, hằng vạn cuộc đời. Đức đến thăm Khắp và báo tin anh có thể đi tập kết ra Bắc (Đức là bạn học cũ, nhưng có nhiều liên hệ thân tình với Khắp. Ngay cả những mảnh giấy viết cho Xoa ngày nào, đôi lúc anh cũng đưa cho Đức coi thử. Còn Đức, những thương trộm nhớ thầm nào rồi cũng thổ lộ với Khắp. Rốt cuộc anh là một cái máy tốt để thu hết những bí ẩn tâm tình của Đức mà chưa một lần Đức dám nói thẳng với người mình thương. Những liên lạc tình cảm vụn vặt như thế dần dà đem họ liền sát nhau hơn. Tỉ như sự cảm thông bền vững được xây dựng bởi cái móng của những câu chuyện tình lãng mạn nhảm nhí thuở nhỏ). Đức bảo anh nửa muốn ra Bắc cho biết Hà Nội ba mươi sáu phố phường, nửa ngần ngại muốn ở lại. Đức không thuộc thành phần bắt buộc, anh chỉ được khuyến khích và kêu gọi ra đi nên nỗi do dự phân vân khiến anh bồn chồn tìm tới Kháp. Theo cậu, thì thế nào ? Khắp từ đầu vẫn nhận ra điều khó khăn đặt ra cho anh ở câu hỏi giao phó quyết định của Đức. Quyết định cho chính mình đã khó, quyết định giúp việc của kẻ khác lại khó hơn. Những quyết định vội vã hời hợt đã chẳng giúp được gì cho ai mà còn gây hại cho đời họ nữa. Hơn thế kẻ đó là Đức, một người bạn thân thiết còn lại lúc còn đi học. Khắp biết dù hiểu Đức nhưng không thể tường tận từng tâm trạng ước muốn đổi thay của Đức nên cuối cùng anh chỉ nói, theo ý nghĩa riêng của mình mà ít thấy bâng khuâng:
-Cậu đi, đã đành nhưng chắc gì Hà Nội còn ba mươi sáu phố phường như nỗi mơ tưởng dễ dãi của cậu khi cậu sống ở đó? Từ Hà Nội về tới đây rất xa dù chỉ cách một giòng sông một chiếc cầu, do đó sự chọn lựa của cậu phải được kiểm soát, suy xét lại. Tôi muốn nói thêm cậu liệu có sống yên được với sự xa cách mẹ già và hai đứa em gái cậu để chờ mãn hai năm trở về với bao muộn màn chua xót, giống như những mối tình câm lặng mà cậu đã có hồi mơ mộng, khổ sở không? Đó là chưa kể tới giữa tôi và cậu không bao giờ muốn có một nỗi nghi kị, thù hằn nào len lỏi vào tình bạn…
Khắp đã thoát khỏi câu trả lời khẳng định mà Đức trông chờ, mãi tới lúc anh theo được chiếc xe Dogde cũ kỹ xuống bến tàu mong tiễn chân Đức thì có tin Đức đã ở lại, mang xách đến tìm anh ở quê. Buổi chiều đi thờ thẫn giữa con đường phố rộng thênh nhưng trơ trụi nhà cửa, cây cỏ, Khắp đã gặp lại Xoa. Nay nàng đã có con đầu lòng. Giản dị như thế. Trong đôi mắt nàng, Khắp không mảy may muốn nghĩ tới một xao xuyến nào chảy ra từ những xúc cảm chân thành, dù anh biết, nếu anh thốt lên một lời, Xoa cũng có thể khóc được. Qua mặt Xoa, Khắp mới bắt đầu bắt gặp nhiều cảm giác tê điếng lạnh rần khắp thân thể. Nỗi lạnh nhạt dửng dưng của anh khôn giấu giếm được trái tim anh đang trống trải.
Chiếc xe Dogde chạy vòng vòng quanh vài con đường thị xã thưa thớt bóng người mở máy phóng thanh hát vang bài Chiến Thắng Điện Biên Phủ. “Chiến Thắng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui…”Từng đoàn người lũ lượt mang xách gói đùm đề kéo xuống một con đường ở một ngã ba đầu phố có vẻ buồn bã, nôn nao, bơ phờ. Gió hắt bụi bay mù một vùng trời ở cuối bãi đáp một sân bay bỏ hoang, cạnh đó là nghĩa địa chông chênh những lô cốt, nhà gác cao lêu nghêu của những vêt tích tủi nhục một thời ngang tàng hống hách của giặc Pháp. Khi đi vòng trở về nhà trọ, Khắp thấy những người thiểu số đang ồn ào đứng nằm la liệt trong một rạp hát mà mấy năm trước anh đã được nghe đồn quân ta đã giựt mìn phá sập nhà hát với nhiều sĩ quan Pháp thiệt mạng.
Không ngờ lần gặp Xoa thoáng qua giữa một đường phố với nhiều giận dỗi chưng hửng bâng quơ, là lần gặp cuối của Khắp. Chờ ngày tiếp thu được một tháng, Khắp dẫn Nguyệt vào miền trong kiếm việc làm ăn, cốt quên lãng những chuyện cũ. Cốt nuôi Nguyệt ăn học trở lại như lòng ao ước của mẹ những ngày gần cuối cùng của đời bà nơi giường bệnh vẫn nghĩ tới con cái hơn thân xác ốm o, bệnh hoạn. Nhưng “cây khô tưới nước cũng khô, vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo” - Khắp lao đao lắm mới nuôi nổi Nguyệt yên ổn đến trường hai năm. Năm sau, Nguyệt có chồng, con chim đã bay lạc phương trời.
Từ ngày mất Nguyệt, Khắp lại bắt đầu những gót chân lang thang của anh. Những bước chân xiêu lạc của con chim xa rừng. Đã nhiều lần anh muốn nằm lại nhưng anh không muốn vậy. Nghĩa là không thể như Đức đi học, làm lớn ăn hối lộ, tham lam để tạo riêng cho thân mình một nếp sống xa hoa, phù phiếm; như những con chuột. Như những con sâu độc địa, vô ích. Nếu Đức tập kết ra Bắc, thì hắn sẽ thế nào ? Những bài ca hắn vẫn mê hát những năm kháng chiến chắc sẽ chẳng còn quyết rũ êm ái như giọng Thanh Tuyền, Kim Loan, Khánh Ly, Lệ Thu - Những đêm mải mê từ phòng trà này tới nhà hàng nọ đốt cháy tuổi thanh niên tronog hơi lạnh của máy điều hòa không khí, của hơi rượu mạnh, và mùi nước hoa đàn bà. Ngày nhận được tấm carte visite của Đức với những giòng chữ gấp gáp thăm hỏi, Khắp quyết định sẽ không liên lạc với Đức nữa. Đến khi tình bằng hữu đã rút ngắn lại bằng vài ba giòng chữ trên tấm carte khoe trương chức tước giàu sang thì sự hàn gắn liên hệ đôi khi chỉ đem lại những hiểu lầm ngạo mạn. Từ những bức thư dày đầy ắp chân tình keo sơn lúc trước, tấm danh thiếp hững hờ xa lạ như bắt đầu cho những lo lắng từ trước mà Khắp không muốn nghĩ tới; hình thành rõ ràng nhanh chóng. Không ngờ tiền bạc địa vị đã dễ sai khiến, uốn nắn con người đến vậy.
Những bức thư Xoa như một cứu rỗi đúng lúc Khắp đã sắp cùng đường của những bước chân phiêu bạt lang thang, con chim đã mỏi rồi bốn phương trời bay nhảy; Khắp mong được thu thân một chốn để sống cõi đời riêng u tịch một mình. Xoa là chiếc chìa khóa để anh trở về mở rộng đôi cánh cửa đợi chờ của căn nhà tuổi nhỏ. Căn nhà có hàng sầu đông cô độc mỗi hè đơm bông ngạt ngào hương sớm. Căn nhà có chiếc hầm với nỗi chết của mẹ anh, em anh ngày nào phủ lấp tình cờ. Căn nhà, ôi biết bao nhiêu nỗi hạnh phúc và đau khổ đã vây bủa mơn trớn tuổi thơ anh. Xoa đúng là chiếc chìa khóa thúc giục anh trở về với bao nỗi tan hoang cũ mà đôi khi anh cũng đã nghĩ tới, nhưng sợ hãi vô cùng.
Khắp và Xoa vẫn ngồi ở hiên, trời sáng mỏng ánh trăng ngoài ngõ. Cỏ cây không còn um tùm hoang dại trước mắt nhưng những ngõ ngách xưa không thể mờ phai trong trí nhớ anh. Những ngõ ngách im vắng ghê rợn đã khép giữa hai cuộc đời khắng khít như những chiếc hôn bừng cháy đầu đời.
Khắp châm tiếp một điếu thuốc, nói lơ đãng :
-Anh không còn là tuổi của những ước mơ vẹn toàn tuyệt đối, nhưng anh vẫn không thể sống bên em nếu chỉ để hàn gắn những đổ vỡ cũ bằng nỗi gạt gẫm và nghi ngờ.
Giọng Xoa cứng hẳn, rõ ràng:
-Anh không hiểu em…
Khắp chợt nhìn chậm lên khuôn mặt Xoa nhạt nhòa:
-Có Thể anh chưa được hiểu em vì quãng đời lưu lạc xa cách của anh bấy lâu; có thể tiếng võng êm ái ngày nào buổi trưa hè nóng bức đã mất hút trong những khổ đau của anh; nhưng tại sao em không cho anh thêm nỗi gần gũi cần thiết?
-Anh còn bắt em phải làm gì nữa những ngày anh trở về có khi nào em không muốn như thế đâu ? Còn những điều khác, chẳng hạn như đứa con của em, anh cũng dư biết không phải là một tội lỗi của em; mà chính là nỗi bất hạnh của đời em thôi.
Dừng lại một lát, Xoa trở lại giọng nói không cung bực cũ:
-Đáng lẽ anh phải yêu thương em và con em mới phải. Giả thử nếu con em là lỗi lầm của em, do chính em gây ra, thì những ngày tháng sống trọn cho anh một đời con gái trước kia cũng không đủ xóa tan được lòng ích kỷ của anh sao?
Sau câu nói, Xoa cúi xuống khóc bất chợt. Những kỷ niệm do chính Xoa nhắc nhở đã làm Khắp nghe cảm xúc chạy rờn da thịt. Nghe lòng dạ bồi hồi, hối tiếc. Cũng trong căn nhà này những bữa cơm nghèo nàn nhưng êm ấm vô biên; cũng dưới mái hiên này những đêm mặn nồng thao thức; cũng ngoài hàng cây kia những sớm mai lờ mờ ánh sáng thơ thẩn chuyện trò. Tất cả những sống lại bây giờ càng làm anh thương yêu Xoa hơn lúc nào. Phải chăng cái thời ngồi nhớ lại những gì đã qua dễ gây cho lòng xúc động, yêu thương? Và dễ mang lại những cảm xúc chính xác có thời nào say đắm mờ mịt hoang đường? Những xúc động Khắp bây giờ vượt hẳn xưa len lỏi đằm thắm theo từng hơi thở, tia mắt nhìn hực ánh bỡ ngỡ thương yêu. Như thể mới chỉ bắt đầu cuộc tình bẻn lẻn ẩn dấu mơ ước. Ý tưởng lãng quên khinh mạn những lập lại của yêu thương ngày nào nhận được lá thư đầu tìm kiếm bộc bạch của Xoa không còn đóng mờ trí óc anh nhỏ nhen, hờn trách nữa. Xoa ngồi đó, bằng xương thịt hơi thở ngày nào ôm ấp, kỷ niệm mà anh có thể cầm nắm nối tiếp cuộc đời đang đợi chờ anh cúi xuống, đợi chờ an ủi cảnh sống bồng bềnh hoang vắng của anh. Tự dưng Khắp bỗng thấy như trong cõi đời riêng mình, một mặt trời thân yêu sắp mọc …/.
(Tạp chí Vấn Đề - 1971)