MANG VIÊN LONG


Một Trường Hợp
Truyện Ngắn

Hè này tôi đến thăm cha Kim, người anh con bà cô của tôi ở Định Thiện. Tôi thường nghe mẹ tôi nhắc tới cha Kim, khi bà nhớ tới những người trong dòng họ ba tôi, với một vẻ khâm phục. Tôi nhớ mang máng đã được gặp cha Kim một vài lần, hồi những năm kháng chiến. Ông trở về vội vã, thường là buổi sáng sớm hay xẩm tối, như sợ hãi, lẫn trốn. Thời gian tôi về sống luôn với cô dượng tôi, cha Kim không về nữa. Tôi nghe nói ông sống cô độc và quạnh quẽ trong một ngôi nhà thờ ở đâu Làng Sông, Gò Bồi gì đó. Dượng tôi ít khi nhắc và có vẻ như tránh né nhắc tới cha Kim. Dường như cha Kim là một mối nguy hại, hay tội nghiệp, thường khiến ông buồn bã, thấp thõm lo lắng. Chỉ có cô tôi thỉnh thoảng lại nhắc nhở những kỷ niệm của ba tôi với cha Kim, hồi cha Kim còn đi học thi yếu lược. Bà trẻ lại đôi chút khi được nhắc nhở, được nhớ lại thời cũ. Tôi thấy đôi mắt bà sáng. Giọng nói của bà khi nhắc tới những kỷ niệm như vậy nghe thật ấm, thật vui. Bà cười khi kể tới những trò hoang nghịch của ba tôi và cha Kim “Để cô nhớ lại coi, phải rồi, thằng cha mày thường rủ rê ổng đi chơi, có khi theo xe lửa ra tận Tourran, ở nhà ông nội mày với tao đi tìm khắp vùng quê nội ngoại…”. Những lúc được nghe kể, tôi cố hình dung đời sống, tâm tính, sự trưởng thành của ba tôi để yêu mến ông . Tôi là đứa con duy nhất của ông chỉ được thương nhớ, yêu kính ông qua những lời thuật chuyện của cô tôi, hay mẹ tôi, mà chưa hề dược thấy mặt. Có lẽ đó là một bất hạnh lớn nhất cho đời tôi chăng? “Không đâu con, mẹ không hề nghĩ như vậy, nhưng chẳng qua là một cái số…”
Chú Kim trẻ hơn là tôi nghĩ về ông: Ông trắng trẻo, mập mạp và vui tính. Trước đây vài giờ, khi người bước lên máy bay, tôi nghĩ tới cha Kim qua hình ảnh của dượng tôi: Nghiêm khắc, ít nói và kiêu căng. Thật là khổ sở, nếu ta phải sống cạnh những kẻ vừa nghiêm khắc vừa kiêu căng. Tôi thoáng ân hận vì đã nhờ mẹ tôi gởi điện báo tin tôi tới. Nếu không, tôi có thể tự do đi tìm một người bạn - là một nhà thơ chẳng hạn, đã rời Sài Gòn về đây sống ẩn đã mấy năm. Gặp một nhà thơ chắc hẳn thoải mái hơn một tu sĩ.
Tôi được cha Kim đón trên chiếc xe Jeep của ông. Trông ông lái xe, cười nói, tôi thấy ông độ lượng, cởi mở, và vui tính biết bao. Ông kể cho tôi nghe về ngôi nhà thờ do ông quản trị ở Định Thiện, những đời sống thôn dã bình lặng và nghèo khó, các biến cố đã xảy tới cho ông khi ngôi nhà thờ nằm trong vùng bị tấn công trước đây. Dọc đường từ tỉnh về quận, ông lái xe chậm, giải thích cho tôi biết rõ về các di tích Chàm, những ngọn tháp sừng sững một thời của đế chế Chiêm Thành uy linh. Nghe ông nói, tôi có cảm tưởng ngồi cạnh một người bạn, tôi nghĩ - ông còn có tâm hồn tươi mát, khoáng đạt của một nhà thơ.
Tôi hỏi:
- Thưa cha, cha sống ở đó một mình?
Ông quay nhìn tôi, giọng phấn khởi:
- Ồ, tôi quên báo tin cho chú biết, tuần qua tôi cũng tới đây đón một cô cháu. Chú có còn nhớ cô Diễm không?
Tôi đáp “Dạ nhớ” nhưng cố gắng nhớ lại cô bé tên Diễm nào đó, trong đám con của người em cha Kim. Tôi chỉ nhớ trong mấy đứa con gái của người em cha Kim, đứa nào cũng ngoan hiền và xinh đẹp. “Có phải đứa thứ ba con anh Toàn không cha ?”, tôi chờ đợi.
- Đúng rồi. Coi bộ chú không còn nhớ hết một bầy con của chú Toàn rồi.
Tôi nghĩ thầm “Làm sao nhớ hết nổi một bầy con mỗi năm một thêm của anh Toàn… ”.
- Có lẽ Diễm đi nghĩ hè?
Tôi viết thư cho chú Toàn để nó về đây sống một thời gian nó bị bệnh thần kinh.
- Bệnh thần kinh à?
- Gần như loạn trí, từ sau những cơn ngất xỉu khi có tin chồng nó bị rơi máy bay ở núi Bà Đen Tây Ninh.
- Diễm có chồng rồi sao, thưa cha?
- Có rồi. Cưới được năm tháng thì chồng nó chết. Nó vừa thi xong Tú Tài một. Hôm đám cưới và đám tang của chồng nó, cha đều có mặt. Tôi nghiệp chú Toàn…
Tôi cố nhớ ra Diễm trong mấy khuôn mặt cô gái hao hao giống nhau của bầy con anh Toàn. Diễm có khuôn mặt bầu bỉnh, cằm thon, mớ tóc cột cao giống con gái Nhật. Cô bé còn có nụ cười hai đồng tiền lún sâu, đôi mắt thường bẽn lẽn, e thẹn mỗi khi cười. Có phải đó là Diễm?
Xe chúng tôi rẽ vào một còn đường đất ra khỏi quận lỵ. Đây là một con đường dẫn về một vùng quê. Qua khỏi chiếc cầu sạp ngắn, nước đã khô, tôi đã trông thấy cánh đồng. Những chòm nhà cô tịch cạnh mấy bờ tre úa vàng vì nắng hạ. Vì gió khô. Ánh nắng ngộp và chói mắt suốt trên quảng đường đất trơ trụi. Tôi ngồi yên lặng, hình dung tới ngôi nhà thờ và Diễm chắc đang đi thơ thẩn ở đâu đó trong khu nhà thờ. “Thưa cha, cha thấy Diễm có bớt được không ạ ?”. Tôi nhìn vào nét mặt đăm chiêu của cha Kim. “Không, không đến nỗi gì đâu. Cả tuần nay, nó đã sống bình thường, tuy nhiên mỗi đêm… ”; giọng cha Kim ngập ngừng rồi im lặng.
- Thế nào, thưa cha?
- Nó vẫn hay mê sảng, và cha phải ở cạnh nó, canh chừng, tội nghiệp con nhỏ thất vọng quá sớm! Mười bảy, mười tám tuổi đầu…
Ông dặn tôi câu cuối khi cho xe leo lên sân nhà thờ: “ Chú cố gắng an ủi, coi sóc nó, giúp tôi ”.
Đó là một ngôi nhà thờ cổ, xây cất từ hồi Pháp thuộc, vẻ cố kính của những tấm cửa chạm trổ, lối kiến trúc của những ngôi nhà thờ Pháp còn sót lại, cho tôi một cảm giác yên ổn, thoải mái. Tôi ngạc nhiên vì nét cũ kỹ, và có phần hoang phế của ngôi nhà thờ. Mái ngói rêu đen một lớp dày. Bức tượng Maria phía trước mái ngói, hàng chữ “ Ave – Maria”, không được sơn quét lại, màng rêu bắt đầu mọc kín. Bầy chim sẽ tự do làm tổ dọc theo mái ngói, và ngay trên chỗ cánh tay của Đức mẹ Maria. Phía trái ngôi nhà thờ là gác chuông, chiếc chuông đồng lớn treo lủng lẳng, có chạm hình thiên thần và hàng chữ “A Nonvellet Lyon”. Bên kia hàng rào trong khu đất trống cỏ gai vẫn còn, khu “Hội Quán Hiệp Hội Thánh Mẫu ” đóng cửa. Bên phải, căn nhà dành cho cha Kim chia làm hai phần: Phòng khách, nơi làm việc, ngơi nghỉ, và một phần phía sau là chỗ ngủ. Căn phòng phía trước có một chiếc bàn ở giữa, hai chiếc ghế nhựa. Góc trái là một chiếc bàn thờ, nhỏ, bày ảnh Chúa Jesus, và tấm khung lồng kính bằng thụ phong Linh mục của cha Kim. Dọc theo hai vách tường, hai chiếc ghế mây dài, có gối dựa, và một chiếc divan bằng gỗ quý, có chạm trỗ. Hằng ngày, người trùm họ nhờ con cháu mang cơm nước tới cho chúng tôi. Thỉnh thoảng cha Kim có dùng cơm với tôi và Diễm, nhưng thường cha bảo tôi và Diễm hãy cứ dùng cơm trước. Ông ta hay lái xe đi lên quận, hay tỉnh, vì công việc.
Diễm thích trèo lên ngồi trên gác chuông mỗi buổi trưa không ngủ được. Tôi biết nàng trèo lên ngồi ở đó không để làm gì hết. Có hôm tôi ngủ dậy, nhìn thấy cái divan trống, chạy đi tìm nàng. Tôi trông thấy nàng đang chú ý tới bầy chim sẻ một cách thích thú: Nhìn nàng ngồi gọn gàng trên một thanh gỗ nơi gác chuông, tôi thấy Diễm còn quá trẻ thơ và tội nghiệp hết sức.
Nàng cười:
- Chú đi tìm Diễm phải không?
Tôi không cười, đáp:
- Chứ còn tìm ai nữa? Sao không ngủ?
Diễm tròn xoe đôi mắt nhìn tôi đăm đăm:
- Chú không thấy ngủ sưng đôi mắt rồi sao? Sao chú không đi chơi, ngủ với đọc sách hoài, không điên à?
Tôi đứng dựa vào một chiếc cột, cạnh Diễm, nhìn ngó ánh nắng heo hắt và úa vàng của những ngày hạ. Từ lâu, chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một mầu nắng buồn bã và tĩnh lặng như thế. Những xác của bông Phượng phơi đỏ mặt đất gây cho tôi một cảm giác thơ mộng hiếm hoi, và gợi nhớ những mùa hè cũ ở Huế, ở Tuy Hòa, ở Pleiku. Những mùa hè êm ả trôi qua và bị lãng quên tợ những cánh hoa phượng rơi âm thầm trên mặt đất. Tôi bỗng dưng so sánh Diễm và những cánh hoa đang nằm phơi dưới nắng. Một xúc cảm đến với tôi thực khác lạ đến nỗi tôi ái ngại không dám nhìn nàng.
Diễm gọi:
- Chú Bảo…
Tôi lơ đãng:
- Gì thế?
- Chú thấy ở đây có buồn không?
- Không đâu. Đã có Diễm rồi còn buồn gì nữa.
- Chú nói thật nhé!
- Nói thật.
- Chú đừng bỏ Diễm ở đây một mình nhé?
- Không đời nào.
- Chú hứa đi.
- Hứa gì?
- Hứa ở đây chơi hoài với Diễm…
- Thì chắc rồi, còn hứa gì nữa? Có nhiều điều không bao giờ hứa, nhưng không bao giờ chú quên.
- Thật nhé.
- Thật hoài.
Tôi hơi bàng hoàng và ngạc nhiên khi nhớ tới câu noi tối qua, trong lúc Diễm mê sảng “Chú đừng bỏ Diễm ở đây một mình nhé?”. Bây giờ nàng đã lập lại câu nói đó trong lúc thực tỉnh trí. Tôi đã thấy cha Kim gần gũi, chăm sóc, chìu chuộng Diễm hơn một tuần nay. Cha Kim thấy Diễm trở lại vui vẻ, đêm ít mê sảng hơn, đã biết vâng lời mỗi buổi sáng mở cửa nhà thờ đọc kinh với những người trong làng, ông vui mừng ra mặt. Những gì ông muốn dạy với Diễm, ông đều nhờ tôi nói lại. Chặng hạn thói quen trốn ngủ trưa, lén đi rong trong các hẻm làng, để lũ trẻ chạy theo trêu chọc, trở về hai tay cầm đầy bông hoa dại, và mếu máo khóc. Trưa nay Diễm đã không trốn đi, mà leo lên gác chuông ngồi.
Tôi ngước nhìn Diễm đang ngồi thu mình trên gác chuông:
- Diễm thích đi chơi không?
Nàng mừng rỡ:
- Đi chơi à? Cháu thích lắm. Lâu rồi cháu không được đi chơi.
- Ngày mai đón xe ngựa lên quận mua một ít sách, thăm một người bạn, rồi chiều ở ngã ba đón xe cha về…
- Thích nhỉ?
Nàng vói tay vịn lên vai tôi, nhảy xuống đất và ôm tôi nói. “Chú thương Diễm quá, cháu không thích cha Kim”. Tôi nắm lấy hai bàn tay Diễm, như những đêm nàng mê sảng.
Dân cư sống chung quanh ngôi nhà thờ đều làm nghề nông, làm phụ nghề bánh tráng, đan giỏ và mở các cửa quán tạp hóa lèo tèo có mấy thứ hàng thông dụng bỏ bừa bãi trong hộp giấy, hay mắc lên vách phên. Mỗi chiều, độ nữa tháng nay, tôi và Diễm thường chở nhau trên chiếc xe đạp kiểu mới của cha Kim mới mua, đi chơi long rong trong xóm. Lũ trẻ hết còn theo chọc Diễm. Nàng ăn mặc đẹp hơn, và tỏ ra rất yêu mến lũ trẻ. Tôi nhận thấy, trên nét mặt xanh xao của Diễm, đã mất đi rất nhiều nét hốt hoảng bất chợt, và sự đờ đẫng ám ảnh từ những cơn mê. Đồng thời, cũng giống như nhận xét của cha Kim, tôi biết Diễm không thể xa tôi được. Phần tôi, tôi không đến nỗi quá sợ hãi hay lo lắng như cha Kim, còn trái lại nữa, nhưng tôi không biết phải nói sao cho cha Kim yên lòng, tin tưởng. Ông hết nhắc tôi “Chú gắng an ủi nó, cứu vớt nó”, nhưng thường im lặng như trầm ngâm, khó xử. Một hôm ông nhờ tôi xuống tỉnh chọn mua mấy cuốn sách, và gởi mấy cái thư bảo đảm; Diễm vội vàng mặc áo quần đòi theo. Tôi không có phản ứng gì, nhưng cha Kim nhất định buộc Diễm ở nhà. Hồm đó tôi về trễ mất một tối ở nhà Diễm làm cha Kim sợ hãi quá. Ông phải nhốt nàng trong phòng của ông. Từ đêm hôm đó trở đi, mỗi đêm tôi phải kê cái ghế dựa canh di van, nằm bên nàng; nàng mới chịu nhắm mắt ngủ, chốc chốc nàng đưa tay qua tìm tôi, gọi, và nói lảm nhảm. Rất nhiều lần trong những đêm nàng mê sảng, tôi phải cố gắng nằm bên nàng, giữ hai cánh tay, để nàng yên tâm ngủ.
Tôi gọi:
- Diễm à?
Nàng ngồi phía sau xe:
- Gì đó chú?
- Có lẽ vài tuần nữa chú phải về Sài Gòn học rồi.
- Thật à? Sao chú nói không bỏ Diễm cơ mà… !
- Chú nhớ, không đời nào. Rồi chú sẽ viết thư, sẽ trở lại với Diễm mà.
- Thôi đi, chú sợ Diễm phải không?
- Diễm có cái gì mà chú phải sợ, chú yêu mến Diễm lắm Diễm không thấy sao ?
Tôi nghĩ tới ý định thú thực với cha Kim về tình yêu giữa tôi và Diễm, để ông là người có thể hiểu nhiều về tôi, chúng tôi, có thể tạo cho tôi một hoàn cảnh tốt, thuận lợi; nhưng tôi ít tìm thấy dịp nào dễ dãi để nói thẳng với ông. Tôi đoán biết ông sẽ buồn lòng, rất lo âu, có khi kinh ngạc nữa là đằng khác, khi nghe chính tôi nói tôi đã yêu Diễm như nàng yêu tôi. Sự gần gũi tha thiết của chúng tôi hằng ngày, ông đã nhìn thấy, nhưng vẫn lặng lẽ trong nét ủ rũ, buồn khổ ngày một rõ trên gương mặt ông. Vẻ thương cảm, âu sầu đó, tôi nhớ, rất giống ngày đón tôi, ông nhắc tới Diễm “Nó vẫn hay mê sảng, và cha phải ở cạnh nó, canh chừng, tội nghiệp con nhỏ thất vọng sớm quá! ”
Nàng bấu mấy ngón tay sau lưng áo tôi:
- Chú yêu Diễm thực không?
- Chắc chắn rồi.
- Ai nói dối thì sao?
- Ai nói dối, trời… đánh chết!
Diễm cười. Nàng đấm lên lưng tôi “Chú nói kỳ cục quá! cháu không muốn chú chết, muốn chú sống với cháu, như thế này… ”.
- Chú cũng ước mơ như vậy.
Nàng cúi sát mặt lên lưng tôi. Tôi cảm thấy buổi chiều thật hạnh phúc. Chắc Diễm cũng đang nghĩ như vậy, phía sau.
Ăn cơm chiều xong, cha Kim ngõ ý muốn nói chuyện riêng với tôi, ở bên khu nhà “Hội Quán Hiệp Hội Thánh Mẫu ”. Tôi linh cảm biết những gì cha Kim sắp nói với tôi, tôi không mấy ngạc nhiên, nhưng thực là khó hiểu, khi vừa nhìn thấy tôi bước vào, ông đã nói, giọng có vẻ giận: “Được rồi, tôi vừa đánh điện cho chú Toàn tới nhận con Diễm về, nó đã khá hẳn rồi, chú cũng thấy đó chứ, còn chú, bao lâu chú trở lại Sài Gòn học? ”
Tôi đáp:
- Cũng sắp rồi, thưa cha.
Ông đứng dậy:
- Là bao lâu?
Tôi đáp, giọng lơ đãng cũ:
- Có thể là ngày mai, hay mốt…
Ông nắm bàn tay tôi, tỏ vẻ biết ơn.
- Tốt. Như vậy mọi chuyện sẽ êm đẹp…
Ông rời tôi, bước ra cửa. Tôi gọi ông “Thưa cha… ”, ông thoáng quay lại, rồi tiếp tục bước về phòng. Tôi nghĩ thầm: “Cha thật tàn nhẫn… ”. Trong lúc tôi đang thất vọng thì Diễm từ bên kia khu nhà thờ, rẽ cỏ chạy qua. Nàng mặc bộ đồ ngủ màu trắng, giống như một cánh bướm. Không hiểu tại sao, tôi chạy ra giữa sân đón nàng. Chúng tôi ôm lấy nhau. Tôi cúi xuống nhìn thật sâu lên mắt nàng, trong khi cha Kim đứng trên thềm nhà thờ trông sang. Sau đó, tai tôi nghe rộn rã một hồi chuông, giống như một hồi chuông báo tử. Buổi chiều đã xuống thấp, thật êm ả và ngậm ngùi….
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long