MANG VIÊN LONG


 
 
Mùa Xuân Đến Muộn
Truyện Ngắn

Lê Khắc Thái tốt nghiệp xong khóa Tham sự Ngân hàng, về làm việc tại một ngân hàng ở Sài Gòn từ năm 1970 đến năm 1978. Cuối năm 1978, anh xin đổi về quê, đến xin việc tại một ngân hàng của tỉnh. Phòng tổ chức nhận đơn, nhưng chưa có nơi thiếu nhân viên để thu nhận, anh nằm ở quê chờ…
Khắc Thái cho việc mình phải chờ đợi là cần thiết, bởi vì anh đã đổi lấy một nơi làm việc thuận lợi ở Sài Gòn, để được về quê sống với vợ và cô con gái đầu lòng vừa lên ba. Nỗi khao khát được có một mái ấm gia đình đã nung nấu tâm hồn anh ròng rã hơn tám năm. Tám năm sống cô độc trong một căn phòng của cư xá Ngân hàng với những đêm phải say khướt mới tìm được giấc ngủ. Nếu không dùng rượu, Khắc Thái lại phải uống librium – có đêm phải uống đến hai viên.
Gia đình Lê Khắc Thái ở vùng ngoại ô một thị trấn nhỏ cũng là huyện lỵ. Ngoài gian nhà lá mái đã hai đời ông bà để lại, còn có một khu vườn rộng gần hai hécta. Cuộc sống ở đây trôi qua thật êm đềm, lướt nhẹ trong một vùng không gian tĩnh mịch. Nó không giống chút gì ở Sài Gòn. Sống trong ngôi nhà cổ với cột kèo, được chạm trổ, chiếc tràng kỷ đen bóng khảm xà cừ, dãy bàn thờ uy nghi trầm mặc; Khắc Thái tưởng mình vừa bước vào một thế giới khác lạ đầy quyến rũ.
Sau một tuần thu dọn trước sau, Khắc Thái lên thị trấn đón vợ và bé Bảo Trân về sống chung. Xưa nay, mẹ con Bảo Trân sống với ông bà ngoại. Được ông bà ngoại bảo bọc, chăm lo từng ly từng tí. Phương Chi – mẹ của bé Trân, công tác tại Ngân hàng nông nghiệp huyện chỉ cách xa nhà hai đường phố.
Khắc Thái nói với vợ :
- Em à, như thế là ước mơ của chúng ta đã thành hiện thực.
Phương Chi nhìn chồng:
- Chúng ta phải đổi lại với biết bao nỗi khổ !
- Đành vậy– Khắc Thái trầm ngâm giây lâu– nhưng có niềm vui, nguồn hạnh phúc nào không có cái giá của nó đâu ? Có điều, chúng ta phải biết sáng suốt để lựa chọn…
Phương Chi đi làm, Khắc Thái ở nhà trông con, dạy con học, lo việc cơm nước. Mọi việc hằng ngày tưởng đơn giản là vậy, nhưng với anh, là cả một chuỗi tháng năm dài mơ ước. Được lo cho con. Được săn sóc vợ. Được quét sân, dọn vườn, trồng cây – Khắc Thái làm tất cả mọi việc với cái tâm an bình, tự nguyện. Anh thường tự nhủ, không làm được việc gì lớn thì hãy làm tốt việc nhỏ. Hạnh phúc không ở quá xa. Ngay trước mặt. Ở trong từng việc làm tưởng là bình thường, nhỏ nhoi như vậy.
Thời gian chờ đợi việc làm đã gần một năm. Phương Chi nóng lòng giục :
- Sao anh không siêng lui tới hỏi thăm nhờ cậy người giúp mà cứ lui cui ở nhà hoài vậy?
- Anh không có gốc rễ gì cả, biết đâu mà nhờ? – Khắc Thái thở dài, mỉm cười.
- Vậy anh nuôi sống anh, nuôi sống con anh bằng cái gì? – Phương Chi hậm hực.
- Anh sẽ có cách của anh, em đừng quá lo xa.
Sau lúc chăm sóc bé Trân, Khắc Thái hì hục suốt ngoài vườn : anh thu dọn, chặt bớt cây thừa, lát gạch lối đi, đổ sỏi cát lên lối mòn nhỏ, quy hoạch lại vườn thành từng khu vuông vức, và bắt đầu trồng mai vào khu đất bên trái. Khắc Thái rất yêu thích hoa mai, có lẽ vì dáng vẻ thanh cao, mùi hương tinh khiết, chịu đựng được sương gió của nó chăng?
Phương Chi không hề để mắt tới những khóm mai của anh, cho dầu Khắc Thái đã hết lời ca tụng mai còn hơn Cao Bá Quát. Nhưng khu đất trồng mai của anh ngày càng đầy, âm thầm lớn lên, và đơm hoa tỏa hương dìu dặt. Khoảng sân rộng trước thềm đã được bày biện những chậu mai đủ dáng vẻ diệu kỳ được tuyển chọn từ khu vườn phía sau. Ngôi nhà trở nên ấm cúng, tươi sáng lạ thường. Khắc Thái vẫn thường nhìn chúng với đôi mắt nhìn người bạn tri âm.
Sau lần được cử đi tu nghiệp dịch vụ ngân hàng gần một năm trở về, Phương Chi bỗng trở nên khó tánh với anh. Nàng ít nói, ít cười. Đi về như một cái bóng. Ngày chủ nhật cả nhà không về thăm ông bà ngoại bé Trân nữa mà một mình anh đạp xe lên núi để tìm từng gốc cây khô, từng hòn đá bên bờ suối, chiều tối mới khệ nệ mang về…
Phương Chi sinh thêm một đứa con trai, đặt tên Khắc Thành. Khắc Thành chào đời đã không thể hàn gắn được sự rạn nứt tình cảm giữa hai người, mà ngược lại càng gay gắt, bi đát hơn. Nó như một cái mốc đánh dấu một cuộc tình.
Một hôm, vừa đi làm về, Phương Chi dừng lại giữa sân – nhìn Khắc Thái đang tỉa cây, giây lâu, giọng rắn rỏi :
- Khắc Thái, tôi với anh nên ly hôn thì hơn…
Khắc Thái đứng bật dậy, nhìn đăm đăm lên gương mặt lạnh lùng của vợ :
- Em nói thật sao ?
- Tôi đã quyết định rồi, đã suy nghĩ kỹ rồi, không nói đùa đâu!
- Vậy còn các con thì sao?
- Con của anh, sẽ giao lại cho anh!
- Phương Chi, mọi việc đâu có thể đơn giản như vậy được…
- Sao lại không? Đơn giản là tôi không còn yêu thương anh nữa! Chỉ có vậy thôi!
Khắc Thái lặng lẽ sống bên những chậu mai, gốc cây, tảng đá ròng rã hơn mười năm – Bảo Trân đã đậu vào đại học, còn Khắc Thành vừa bước lên cấp hai.
Phương Chi đi về bất thường như một người khách trọ. Khắc Thái tránh chạm mặt vợ. Anh nghĩ: “Con người chẳng được như hoa. Được chăm sóc, vun bón, hoa sẽ nở, sẽ ngạt ngào hương sắc. Còn như người…”

Trong một tuần Thu Nguyệt đến thăm gia đình Khắc Thái hai lần, cả hai lần Phương Chi đều vắng nhà.
Lần đầu, Khắc Thái tiếp Thu Nguyệt ở chiếc bàn gỗ thấp kê ở đầu hiên, nơi anh thường ngồi uống trà một mình.
Thu Nguyệt nhìn ngắm khoảng sân gạch rộng đầy hoa mai trước mặt – giọng trong trẻo:
- Phải có lòng đam mê mới sống được với hoa như thế này …
Khắc Thái cười :
- Yêu thích cũng có, mà vì sinh kế cũng có, cô à!
Anh cảm thấy nên chuyển câu chuyện về hướng khác, nếu không, anh chắc phải trả lời thêm nhiềm câu hỏi.
- Cô được thư thả quá, cô không dạy thêm sao? – Khắc Thái nhìn thoáng lên gương mặt đôn hậu của Thu Nguyệt, cảm thất có nét giống… cô giáo dạy văn cũ của mình năm đệ tứ: cả hai đều có răng khểnh, rất có duyên.
Thu Nguyệt nhìn xuống đôi bàn tay mình, giọng tâm sư:
- Học sinh ít thích học thêm Văn lắm anh à!
- Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm…
- Sự thiển cận cũng bắt đầu từ phụ huynh: họ quá thực dụng nên dễ thiếu sót.
Thu Nguyệt ngước nhìn Khắc Thái một thoáng, cười:
- Chỉ có anh là vị phụ huynh đã đến nhờ tôi dạy kèm thêm môn Văn từ năm lớp sáu cho Bảo Trân thôi…
- Không hiểu cô có nhận định thế nào, riêng tôi thấy, học sinh nào khá giỏi môn Văn, đều khá giỏi các môn khác và có vẻ thông minh, hoạt bát hơn…
-Đôi lúc tôi cũng cảm thấy vậy !
Thu Nguyệt hỏi thăm về Phương Chi, về việc học của Bảo Trân ở Sài Gòn. Sau cùng cô nhìn Khắc Thái với ánh mắt làm anh hơi bối rối :
- Còn anh? Anh cũng hạnh phúc chứ?
- Hạnh phúc, tất nhiên. Tôi có đầy cả vườn cây, hoa lá… cô không thấy sao? – Khắc Thái cười lớn và anh chợt nghĩ: Chữ “hạnh phúc” có lẽ không có trong ý nghĩ của mình. Hơn mười năm qua, đã có hơn mười lần Phương Chi buộc anh phải ký vào đơn ly hôn. Cuộc sống luôn bị bức bách chia xa như vậy làm gì có thể có được tia sáng hạnh phúc nào mà hỏi? Mới tháng trước, nhìn ba tờ giấy đã được Phương Chi viết sẵn, Khắc Thái trả lời dứt khoát với vợ: “Tôi sẽ xin ý kiến của ông bà ngoại Bảo Trân, hỏi ý kiến của các con, nếu tất cả đồng ý, tôi sẽ ký…”.
Lần thứ hai, Thu Nguyệt đến vào buổi chiều chủ nhật. Nàng mặc chiếc áo dài hoa (khác với lần trước, mặc áo dài màu xanh nhạt). Khắc Thái đang chăm sóc cho chiếc hồ bán nguyệt vừa tạo nên phía góc khu vườn. Nàng gọi Thái. Đi giữa hoa lá như bóng một nàng tiên thấp thoáng giữa nắng chiều đã nhạt, khu vườn hoa như sáng hẳn lên.
- Anh đang làm gì đấy? – Giọng nàng cất lên có vẻ hân hoan.
- À… chào cô, tôi đang sửa lại mấy tảng đá một tí! – Khắc Thái bước về phía Thu Nguyệt.
- Em vừa nhận được thư của Bảo Trân – giọng nàng vẫn hồn nhiên, tươi trẻ.
- Cháu đã viết thư thăm cô à? – Khắc Thái cảm thấy lo lắng.
- Dạ.
- Mời cô vào nhà chơi – Khắc Thái quay bước.
- Em muốn được thăm khu vườn của anh… Có được không anh?
Khắc Thái cười :
- Dĩ nhiên là được – rồi nói tiếp – Mà có gì lạ để cô xem đâu?
- Có chứ anh – nàng cười – nhiều nữa là khác… Em thích sống giữa hoa lá như thế này!
- Rồi cô sẽ cảm thấy buồn chán - Giọng Khắc Thái trầm xuống – Cuộc đời là vậy…
Gần hết buổi chiều, anh chỉ đi theo Thu Nguyệt, trả lời câu hỏi này, giải thích cái kia, không nói thêm điều gì. Thực ra, trong lòng anh lúc này đang rộn lên niềm thắc mắc, ngờ vực, lẫn lo âu mà anh chưa có thể bày tỏ ra được. Điều làm Khắc Thái phân vân trước hết là sự thay đổi trong cách xưng hô. Lần trước, nếu anh nhớ không lầm, Thu Nguyệt xưng “tôi” với anh - nay lại là “em”. Mà tiếng “em” nghe nó tự nhiên quá, tưởng chừng nàng đã gọi thế từ lâu rồi. Tiếp theo là việc Bảo Trân viết thư cho cô: con bé đã viết cho cô giáo nó những gì? Sau cùng, là tà áo dài hoa, mà bình thường trước đây, anh rất ít khi thấy Thu Nguyệt mặc…
Thu Nguyệt dừng lại bên một tảng đá có chậu bonsai là cây cừa nước mọc bên một hòn giả sơn rêu phong, rễ lớn rễ nhỏ đâm xuống mặt hồ tua tủa có vài cánh bèo. Nàng ngắm nghía giây lâu, nhìn anh cười lộ chiếc răng khểnh :
- Em xem tưởng là cảnh thật… Tĩnh lặng và thơ mộng quá!
- Cô có thích không? – Khắc Thái vui vẻ hỏi.
- Sao lại không? – Nàng cười – của “người ta” mà mình yêu thích sao được? – Nàng nhìn lướt qua gương mặt Khắc Thái như một vệt sáng.
-Tôi xin tặng cô vậy …
- Thật sao? Anh không nói đùa chứ?
- Tôi có dám nói đùa với cô bao giờ đâu – Khắc Thái ngập ngừng – Chút quà này cũng đâu xứng đáng với tấm lòng của cô.
Những tháng sau này, Thu Nguyệt tìm dịp đến thăm Khắc Thái thường xuyên. Anh vừa chuyện trò, vừa làm việc. Có khi, Thu Nguyệt giúp anh một tay, bày biện lại các chậu hoa hay thu dọn cây lá đã bị cắt tỉa.
Những hôm vắng nàng, Khắc Thái cảm thấy khu vườn hoa như lặng lẽ, tẻ nhạt hơn. Cảm giác này dường như đã có lần Thu Nguyệt cũng đã nói với anh khi mấy ngày liền không đến thăm anh được. Khắc Thái vẫn thường tự hỏi: nàng đến thăm anh chỉ vì sự nhắn gửi, tâm sự của Bảo Trân, hay vì điều gì khác? Thu Nguyệt đã ba mươi tám tuổi, nhỏ thua anh gần một giáp, nàng đến với anh vì một tình yêu đồng điệu hay vì sự cô độc nhất thời ? Làm sao anh có thể hiểu hết được…
Phải chờ đến một năm sau, chính Thu Nguyệt đã trả lời anh bằng những nụ hôn diệu kỳ – mà có lẽ chưa bao giờ trong đời anh được diễm phúc đón nhận.
Khắc Thái thường ưu tư hỏi nàng:
- Có phút giây nào em cảm thấy hối tiếc vì anh không?
- Không bao giờ , anh ạ!
Khắc Thái cảm thấy nàng như một cánh chim bé bỏng sa vào đời anh cất lên tiếng hót vô cùng ấm áp giữa những ngày xuân muộn.
MANG VIÊN LONG.
 

 
Bình Minh Nhất Trản Trà
Tạp Bút


Uống trà đã trở thành một tập tục của nhiều người trong nhiều gia đình Việt Nam - có thể coi là môt mỹ tục truyền thống đã được nhiều thế hệ tiếp nối; là một nét văn hóa rất thanh lịch đặc trưng của dân tộc. Tục ngữ cũng ghi lại sinh hoạt bình thường này trong mọi gia đình: “khách đến nhà không trà thì rượu”. 
Nếu được gặp tri kỷ, ngồi bên nhau đàm đạo, cùng uống những tách trà thơm, thì thú vị và hạnh phúc biết bao! Nếu không có bạn “đối ẩm” thì những khoảng khắc ngồi một mình bên hiên nhà, hay trong phòng vắng - nhâm nhi từng hớp trà nóng, suy nghiệm những việc đã qua những chuyện đang đến - thì cũng sẽ cảm thấy man mác một tình cảm sẻ chia, một niềm an ủi dịu dàng! Tôi vẫn thường “độc ẩm” bên hiên nhà từ sáng sớm, khi ánh bình minh còn đang mờ nhạt từ phương trời xa, khi tiếng gà vừa gáy lần hai trong sân nhà ngừơi hàng xóm, khi chim muông còn chưa vỗ cánh rời tổ; luôn nhận được những cảm giác an vui, trong sáng, làm năng lượng cho một ngày vất vả sau đó!
Có người hỏi vui: “Sao bình minh không “tứ - ngủ trà”, mà là “nhất trản trà?“. Hãy thử tưởng tượng: Sáng tinh sương, sau một giấc ngủ dài, vừa thức dậy pha một ấm trà, rót ra một tách còn đang bốc khói tỏa hương - cái thời khắc giữa đêm và ngày, giữa mơ và tỉnh, giữa quá khứ và hiện tại, đều nằm trong tách trà đầu tiên ấy! Ví dụ: Có phải nụ hôn đầu tiên với người yêu - cho dầu là một thôi, vẫn là nụ hôn đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời mình? Cảm giác mong chờ, ước mơ, hy vọng sẽ được nằm trong “nụ hôn” đầu tiên ấy! Cũng vậy, cảm giác khoan khoái, tỉnh táo, yên vui (…) cũng sẽ nằm trong những hớp trà của tách trà đầu tiên thơm nồng ấy, sau một đêm dài…Người xưa nói “nhất trản trà” là nói đến cái đặc biệt đáng nhớ ấy, cho dầu sau đó - cũng sẽ nhâm nhi, uống hết ấm trà! (Cũng giống như sau nụ hôn đầu tiên - có thể sẽ có nhiều lần được hôn người yêu nữa!).
Tôi rất nể phục sự tinh tế, nhạy cảm, dày dạn kinh nghiệm người đã lưu lại bài thơ: 
”Bán dạ tam bôi tửu, 
Bình minh nhất trản trà. 
Nhất nhật cứ như thử. 
Lương y bất đáo gia”
(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tách trà, mỗi ngày mỗi được thế, lương y không đến nhà!) 
Có dị bản là:
“Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà
Mỗi nhật y như thử
Lương y bất đáo gia”
(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày mỗi được thế, lương y không phải đến nhà!).
Ở dị bản sau, “Bình minh sổ trẩn trà” (sáng sớm một tuần trà) - một “tuần trà” là một buổi uống trà. Vẫn là ý hay, nhưng theo riêng tôi, chỉ nên nói “nhất trản trà” thôi, vì sau đó, dĩ nhiên là cũng sẽ nhâm nhi cho hết ấm trà ngon (chẳng lẽ bỏ đi?). 
Ngày xưa, trà Mạn Hảo được phổ biến nhiều ở miền Bắc vì trà có mùi vị rất hấp dẫn, nhưng đã dần dần trở nên khan hiếm. Ngày nay có trà Tân Cương -Thái Nguyên, các loại trà ở vùng Shan Tuyết cổ thụ Tây Bắc, trà Blao, Bàu Cạn…là những vùng trà đặc sản, cung cấp cho cả nước và xuất khẩu!
Về trà, cũng có nhiều huyền thoại lý thú, dường như mỗi nước đều có lưu truyền một hay hai huyền thoại về trà của xứ sở mình:Trung Hoa có chuyện vua Thần Nông thời Thượng cổ, một hôm ngồi hóng mát ở hiên cung, bỗng có gió thổi rơi vào tách nước nóng ông đang uống một số lá cây. Vua thấy nước có mùi thơm hợp khẩu vị nên truyền lịnh cho dân trồng nhiều cây này để chế nước uống gọi là trà; và chuyện vua Tần Thủy Hoàng kéo quân đánh với quân một nước láng giềng. Nhưng quân đối phương do tướng Sát Cáp Nhĩ có một con tuấn mã cực kỳ dũng mãnh gây nhiều tổn thất cho quân Tần. Vua Tần Thủy Hoàng sai Lâm Phi, một ái phi sũng ái của ông, cải trang làm cô gái bán cỏ ngựa cho ngựa Sát Cáp Nhĩ ăn, đồng thời làm mỹ nhân kế làm Sát Cáp Nhĩ mê mệt. Lâm Phi bày chuyện uống trà trảm mã. Chiều ý người đẹp, từ lúc sáng tinh mơ Sát Cáp Nhĩ cho tuấn mã lên núi cao Ma Vương Các, ăn đọt trà non còn ướt đậm hơi sương rồi cho ngựa phi về lúc mặt trời vừa lên. Đợi cho trà thấm vào bao tử ngựa rồi giết ngựa, moi trà ra ướp mật sấy khô làm trà uống vào sẽ sống lâu. Vì Sát Cáp Nhĩ muốn có trà ngon phục vụ người đẹp mà ngựa của Sát Cáp Nhĩ phải chết. Thiếu tuấn mã dũng mãnh, Sát Cáp nhĩ đành bỏ mạng ở sa trường. Ở Ấn Độ có huyền thoại truyền rằng: Thánh Bo Rát Ma vào thời gian cuối đời, quyết tâm không ngủ để thiền và tu luyện khổ hạnh. Nhưng ông lại cứ hay buồn ngủ, đã thế khi ngủ lại nằm mơ thấy được nhiều cô gái trẻ đẹp quấn quýt nuông chiều... Tỉnh giấc, thánh Bo Rát Ma giận mình không được tự chủ, bèn cầm kéo cắt hai mí mắt vất xuống đất. Hôm sau tại đó mọc lên hai cây có tàng lá xum xuê. Ngắt lá hãm trong nước sôi thì có được một chất nước uống làm hết buồn ngủ và tâm hồn thêm phần tỉnh táo. Nhật Bản nỗi tiếng là nước có truyền thống uống trà thanh cao nhất, cũng đã ghi lại huyền thoại: Ngày xưa, một danh tướng Nhật bị lâm bệnh nặng về tiêu hóa. Nhiều thầy thuốc được mời đến chữa, nhưng bệnh vẫn không lành. May được một thiền sư đến xem mạch, kê toa và khuyên nên đặc biệt uống trà. Sau vài lần uống những tách trà đậm đặc, Minamoto Sanetomo được bình phục. Từ đó dân Nhật có tập tục uống trà.
Người Việt Nam biết uống trà từ thời xa xưa, bởi ngành khảo cổ qua các khái quật tại di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa. Như thế chứng tỏ người Việt Nam thời xưa đã biết uống trà khá lâu trước thời Tống.
Sách An Nam Chí Lược từng ghi rằng: “Vào tháng Năm, năm thứ Tám niên hiệu Khai Bảo Đinh Liên có tiến cống vua nhà Tống trà thơm”.Tất nhiên trà tiến công phải là trà khô. Việc này chứng tỏ rằng từ thời xa xưa trước đó, người Việt Nam đạt được kỹ thuật cao trong việc chế biến sao cho trà có hương thơm (chậm nhất cũng khoảng thời Tống). Tất cả những sự kiện này chứng tỏ rằng tập tục uống trà của người Việt Nam không hề bắt nguồn từ văn hóa Hán.
Người Việt Nam khắp nước đều uống trà tuy rằng với nhiều phương cách khác nhau.
Trà đã đi vào văn chương rất phong phú, có thời được xem là “ưu tiên” trong sinh hoạt tinh thần, bởi nó đã khơi nguồn cảm hứng cho Tâm (bên cạnh những lợi ích thiết thực của trà cho Thân):
“Uống trà trong nắng sớm
Vườn tâm đầy hương hoa”
(Viên Ngộ)
Tuệ Sỹ đã có lần bày tỏ :
“Sương mai lịm khói trà
Gió lạnh vuốt tờ hoa
Nhè nhẹ tay nâng bút
Nghe lòng rộn âm ba”
(Tuệ Sỹ)
Và Quách Tấn:
“Hương trà chưa cạn chén hàn ôn
Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn
Ngắm vợi mây thu ùn mặt biển
Gác chuông thành cổ đọng hoàng hôn”
(Quách Tấn)
Đăc biệt, nhà thơ Mai Quang đã dành riêng một thi tập nói nhiều đến hương vị, dư âm, kỷ niệm, tình người từ cảm hứng tách trà, có tên “Mời Trà”:
“Nhặt chút hương tĩnh lặng
Hãm chung trà vô vi
Cùng cảo thơm thi bút
Mời bạn bè cố tri”
Hay:
“Mời người
chiêu ngụm trà thơm
Xem chơi cái hậu
chín hườm
trong nhau”
Những thi phẩm của Hải Thựơng Lãn Ông, Đỗ Lỗi, Viên Chiếu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Nguyễn Trải, Thiện Hùng, Đặng Phương Mai, Đặng Học, Thái Bá Tân, Phạm Thuận Thành, Nguyễn Bá Thắng, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Duy, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Thiên Thư, Yến Lan (…) nói đến trà, cảm xúc từ trà thật vô cùng thi vị! 
Trong cuộc đời thường đang vướng nhiều hệ lụy, đang bị thúc bách bởi quá nhiều cám dỗ vật chất giả tạm, đang bị giảm hãm trong “nhà lửa” trần gian ngày một ngột ngạt - Tách trà ấm mỗi sớm mai sẽ đem lại cho tất cả chúng ta phút giây an bình, tĩnh tâm - và nhất là có thời khắt “nhìn lại mình”, để từ đó tìm thấy niềm an lạc dài lâu sau tuần trà khép lại…
Những ngày cuối tháng 12.2016
MANG VIÊN LONG
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long