MANG VIÊN LONG

Ngọn Lửa Nguy Hiểm Nhất
Tạp bút

Hầu như hơn tám phần mười những người tôi gặp, đều tự nhìn nhận là họ thường dễ có “tính nóng giận”. Nóng tính và giận dữ là hai tính cách có vẻ khác nhau, nhưng thường đã “nóng” thì “giận” sẽ luôn đi kèm theo! Con số tám phần mười nầy có lẽ theo thời gian sẽ tăng dần lên, bởi trong đời sống khoa học công nghiệp hóa, mỗi ngày càng gia tăng áp lực lên tất cả. Sống vội vàng, căng thẳng, theo lập trình (…) thì còn thời gian nào dành cho “riêng mình” với gia đình, tình yêu, bằng hữu, thiên nhiên, nghệ thuật (…)? Đây cũng là một mối nguy hại, ảnh hưởng sâu đậm, và lâu dài đến việc mưu cầu hạnh phúc, an vui đích thực cho đời sống hữu hạn của mỗi người! Steve Jobs – người sáng tạo Iphone Appel, đã tâm sự trong bức thư cuối cùng của ông rằng “…Thượng Đế tạo dựng chúng ta để cảm nghiệm được tin yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo tôi được. Tôi có thể mang theo được những kỉ niệm của yêu thương. Đây mới chính là sự giàu sang sẽ có thể đồng hành với bạn, là sức mạnh, ánh sáng soi sáng cho bạn tiến tới. Tình yêu có thể đi hàng ngàn cây số và chính vì thế cuộc đời không có giới hạn. Đi, tiến đến nơi mà bạn muốn, cố gắng lên để đạt được những mục đích. Tất cả là ở trong tim và trong lòng bàn tay của bạn...”.
Thể hiện tính chất ”nóng” rất dễ nhìn thấy ở gương mặt đỏ, giọng nói to, hai tai tím tái, đôi mắt mở lớn, tim đập mạnh (…) – nói chung đó chỉ là phản ứng tự nhiên thể hiện ban đầu mỗi khi gặp điều không như ý, ít có tác hại gì nghiêm trọng, nếu chúng ta biết kiềm chế kịp thời. Tác hại chính của sự “nóng tính” có lẽ, khởi đầu, chỉ ở lời nói; mà “khẩu nghiệp” đôi khi cũng có ảnh hưởng khá sâu đậm (và nguy hại) đến tâm và ý; để tạo tác “nghiệp” xấu lâu dài! Tục ngữ xưa cũng đã nhìn nhận: “Lời nói là một đọi máu” hay “ Lời nói là một lưỡi gươm”. Giáo sư Can Tổ Vọng - người được tôn sùng như một bậc đại danh y đương đại của Trung Quốc là người đi tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa chuyên khoa Tai-Mũi-Họng của y học Trung Quốc, và cũng là người sở hữu những bí quyết dưỡng sinh vô cùng hiệu quả cho sức khỏe, đã đưa bí quyết “Đồng Tâm” lên hàng đầu (trong bốn bí quyết sống lâu là: Đồng tâm/ Nghĩ thực/ Quy dục/ Hầu hành): Theo danh y, biện pháp dưỡng thần hiệu quả nhất chính là giữ tâm hồn yên tĩnh, hồn nhiên như trẻ thơ, tức là càng đơn giản, nhiệt tình, và giảm hẳn sự nóng giận, thì càng dồi dào sức sống …
Sự “giận dữ” là mức độ cao nhất của “tính nóng”, không những chỉ thể hiện cấp độ cao ở lời nói chát chúa, gương mặt đỏ gay, điệu bộ thô bạo, mà còn lôi theo hành động chớp nhoáng, hung hãn, khó kiềm chế. Khi “cơn giận” nổi lên, thì tâm trí sẽ mờ tối! Chúng bị sự chỉ huy hoàn toàn của “thú tính” theo bản năng, và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều! Theo sự ghi nhận của các nhà tâm lý học qua các cuộc thử nghiệm, thì “Người dễ nóng giận có khả năng hoạt động của trí tuệ yếu, tần số ảnh hưởng của tâm hồn thấp, vì hẹp hòi và nông cạn!”. Biết bao thãm cảnh đối với gia đình, với bạn bè, với người thân yêu, đã xảy ra hằng ngày, cũng chỉ vì không dập tắt nổi “cơn nóng giận” đang bừng cháy sấm sét trong lòng mà thôi. Câu chuyện ngắn về vị Samurai (Samurai (tiếng Nhật: 侍; rōmaji: Samurai; phiên âm Hán-Việt: thị ) có hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, samurai là một bộ phận của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, là thuộc hạ của các shogun, daimyo, và đứng trên một số bộ phận võ sĩ khác. Samurai theo nghĩa này là cách hiểu ở Nhật Bản. Theo nghĩa thứ hai và được sử dụng phổ biến trên thế giới ngoài Nhật Bản, samurai chính là tầng lớp võ sĩ (tiếng Nhật: 武士; rōmaji: bushi; phiên âm Hán-Việt: võ sĩ ) của Nhật Bản, tức là bao gồm cả cả shogun và daimyo – Theo tự điển toàn thư mở Wikipedia) có thể giúp chúng ta hiểu thêm về tác hại của cơn “nóng giận” và giá trị to lớn của sự bình tĩnh, im lặng: “Một vị Samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả Ngài!.” Vị Samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ, và Sư phụ tôi khuyên: không nên đánh nhau khi đang tức giận!.”
Vị Samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy!. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi, chắc chắn ta sẽ giết ngươi!.”
Vị Samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình, và một kẻ lạ mặt mặc quần áo Samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên, vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ!”.Vị Samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy?. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!” Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng!.”
Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị Samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho Ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói. -“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi!.” Vị samurai trả lời, Ngươi đã trả nợ rồi !".
Trên hai ngàn sáu trăm năm trước, Đức Phật đã nói: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”. Ngài khuyên “từ bỏ nóng giận” nhưng không hề phân biệt sự nóng giận – có lý do hay không; chính vì sự “nóng giận” nào (dù hợp lý hay không), cũng sẽ tạo nên nhiều phiền não cả! Kinh Hoa Nghiêm dạy rõ: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” ( “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”) bởi vì “Nhất sân chi hoả, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” ( “Lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức”). Phật cũng đã nhắc lại trong Kinh Pháp Cú: “Biết dằn cơn giận đang lúc nổi lên, giống như người lái xe biết xe đang chạy quá mau thì bớt tốc độ lại. Như vậy mới là người lái xe giỏi”.
Ngọn lửa – đời có thể thiêu cháy một cánh rừng, một thành phố (…); cánh rừng có thể sinh trưởng lại xanh tốt, khu phố có thể xây dựng lại đàng hoàng – nhưng, nếu ngọn lửa - sân - giận đã thiêu đốt con người, thì trăm ngàn kiếp khó có thể chuyển hóa vậy!




  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long