Những Đóa Hồng Của Đời Sống
Truyện Ngắn
Căn phòng ông Lê dành cho Thái có thể đi vào bằng ba lối : Từ gian phòng khách giữa nhà, qua phòng riêng của ông Lê phía trước, có một cửa thông với phòng sau của anh. Cửa này Thái không bao giờ mở, chỉ khi nào ông Lê cần chuyện trò với anh, ông ta tự tay đẩy cửa sang mà thôi. Từ dãy hành lang ngăn khu nhà phía sau lên khu nhà trước, có một cửa lớn hai cánh. Dọc theo vách, đến phòng Thái, có một cửa nhỏ nữa. Cửa này Thái chỉ khép hờ, vì đã có tấm màn trúc che chắn. Ngọc Hạnh, Ngọc Hà- hai cô con gái út của ông Lê, thường vào phòng Thái bằng cửa này mỗi lúc cần anh dạy thêm về môn Toán. Mỗi tuần một, hai lần bà Bảy- người giúp việc, vào quét dọn lại căn phòng cho Thái theo lời dặn của bà Lê. Thỉnh thoảng, sau khi dọn hàng ở chợ về, bà Lê cũng có ghé lên phòng Thái, nhưng chỉ một chút thôi, để nhìn ngó quơ quất coi thử anh đã ăn ở ra sao và cũng để hỏi thăm vài ba câu về mẹ anh.
Thái thường dùng cửa thứ ba ở vách trái của phòng- cửa này mở ra lối đi riêng, có thể ra vườn, khu nhà tắm; hay những bận đi về bất thường lúc nhà đã đóng cửa. Kế bên khung cửa thứ ba là cửa sổ, có rèm vải che màu xanh nhạt. Thái vừa đặt chiếc bàn vuông nhỏ để có nơi làm việc. Sát vách phòng phía sau, đã có sẵn chiếc giường hộp gỗ hương.
Dọc vách với phòng trước là chiếc tủ gương theo kiểu mẹ bồng con để treo áo quần. Dựa vách bên phải, nơi cửa thứ hai, là kệ gỗ nhiều ngăn, vừa có thể để sách báo, vừa chứa được mọi thứ vật dụng lặt vặt.
Tóm lại, ở trong cái thị trấn bé nhỏ nầy, có được một nơi trọ vừa yên tịnh tiện nghi, vừa thoáng mát rộng rãi như thế, là quý lắm rồi. Thái về sống chung trong gia đình ông Lê, đã nhận được những tình cảm ưu ái đặc biệt ngay từ khi anh mới xin vào dạy hợp đồng ở trường PTTH An Thọ, cũng do vài nhân duyên may mắn : Ông Lê là bạn thân của ba Thái thời trung học ; lúc ba Thái làm việc ở bệnh viện, thì ông Lê cũng là “kế toán trưởng” cho một ngân hàng ở thị xã. Hiện nay ông Lê là Hội trưởng hội phụ huynh học sinh của trường cấp 3 An Thọ, và nhất là đang có con học lớp 12- chuẩn bị thi vào đại học.
Ngày Thái mới đến, trong bữa cơm chiều đầu tiên, hiểu được tính ý của ông Lê, Thái mới hết áy náy : Ông không có chút dính dáng gì với cái nghề kế toán trưởng chuyên tính toán chi li chuyện tiền bạc của thời trước. Anh hưởng của nghề nghiệp cũ không để lại trong ông một dấu vết nào cả. Trông ông, người ta dễ nghĩ tới hình ảnh một ông giáo già thanh nhã…
Trong bữa ăn, để có chuyện hỏi han, bàn luận cho vui ; vô tình Thái hỏi thăm ông về chuyện chơi hoa, trồng tỉa cây kiểng- ông đã được mọi người gọi đùa là “ông Lê hoa hồng” hay “ông Lê cây cảnh” ; bà Lê lườm ông, trách :
-Thôi cậu ơi, đừng có nhắc tới chuyện hoa lá nữa. Ông ấy hao tốn biết bao công sức ở trong ấy mà bác có thấy được cái lợi gì đâu ?
Ông Lê im lặng .
Ngọc Hạnh và Ngọc Hà thoáng nhìn nhau, cũng im lặng, chăm chú ăn, như không nghe thấy lời mẹ. Có lẽ hai chị em đã có đôi lần chứng kiến cảnh xung khắc giữa cha mẹ về chuyện hoa lá rườm rà này rồi.
Thái cảm thấy mình có lỗi. Thật là vô tâm khi khơi lại điều không thích hợp ngay trong bữa ăn. Anh nhìn bà Lê, cười- giọng vui vẻ :
- Bác nói vậy chứ cháu thấy cũng có nhiều cái lợi đó chứ, bác? Chẳng hạn, nhà có hoa được đẹp thêm, người nhìn hoa được vui hơn. Nơi nào có nhiều hoa lá cây cảnh nơi đó chắc cuộc sống dễ chịu hơn nhiều…
Ông Lê nhìn vợ dò xét- ông chợt cười :
- Đấy, bà nghe thấy tuổi trẻ chúng nói không ? Nếu không vui chơi cây kiểng hoa lá tôi biết giải trí bằng cái gì ? Nếu tôi rơi vào chỗ mê say cờ bạc, rượu chè… thì bà tính sao ?
Ông quay nhìn Thái :
- Lúc trươc, thấy bác cỡi xe đạp lọc cọc lên núi tìm gốc cây, phong lan , hoa lá… họ bảo bác là điên. Là tiểu tư sản. Là ăn bám. Không lo sản xuất kiếm gạo, kiếm tiền, lại đi làm chuyện vô tích sự- Ông cười lớn- bây giờ có lúc bán đi một cây một hai chỉ vàng thiên hạ lại kêu bác là thằng có trí. Bác không nhận chữ điên hay chữ trí của thiên hạ , chỉ biết lòng mình an vui là được rồi…
Qua lần gặp gỡ đầu tiên ấy, về sau, Thái tránh không nhắc chuyện hoa lá trước mặt bà Lê nữa. Anh thường nói chuyện học hành, thi cử của Ngọc Hạnh, Ngọc Hà ; mấy tin vui lạ đọc được trên báo, nghe được trên đài… Có một lần, Thái đang kể chuyện về trường lớp, về chương trình phân ban nặng nề nhưng có vài môn học chưa thiết thực, choán nhiều thời gian, anh có nhắc tới lời khen ngợi của tập thể giáo viên đối với ông Lê vì ông là người hội trưởng trong nhiều năm, nhiệt tình đóng góp xây dựng cho công tác giáo dục ở địa phương.
Bà Lê đã vội cắt ngang :
-Thôi cậu đừng nhắc tới chuyện ấy nữa. Ông ấy chỉ giỏi những công việc ngoài đường, việc nhà thì bỏ phế !
Ngọc Hạnh rụt rè lên tiếng :
- Má nói vậy chứ ba có quan tâm tới việc học của tụi con, ba mới làm như thế chứ ?
Ngọc Hà góp thêm :
- Ai cũng lo chạy áp phe, làm giàu, còn ai làm công tác nhân đạo xã hội nữa ?
Ông Lê cười hiền từ- có ý hòa giải, phân trần :
- Kiếm sống cũng lo kiếm sống, nhưng thỉnh thoảng cũng có chút thì giờ lo cho con cháu… Có tốn kém tiền bạc, thì giờ gì nhiều lắm đâu, cháu?- Ông thoáng nhìn vợ ; cười- chưa bằng tiền bà ấy xem video hàng ngày mà…
Ông bỗng cười lớn :
- Cái chức này không có bổng lộc gì, nên chẳng có ai tranh giành với bác cả. Chứ giả dụ, mỗi tháng được nhà nước phát cho vài chục ký lô gạo thôi, bác cũng đã bị hạ bệ từ khuya rồi cháu à.
Buổi tối hôm ấy, ông Lê đẩy cửa bước qua phòng Thái. Ông ngồi chơi với Thái một lúc, nhắc nhở Thái gắng giúp đỡ cho Ngọc Hạnh học, rồi ông nói nhỏ vào tai Thái : “Cháu đừng có chấp tính bác gái nhé ? Bà ấy có nhiều “ái thủ” quá nên không mập lên được nữa cháu ạ”.
Đứng trước cửa về phòng mình, ông quay lại cười, nói lớn :
- Cổ nhân có dạy : “Tri chỉ, thường chỉ, chung thân bất sĩ” mà, phải không cháu?
Ông bà Lê có cả thảy bốn người con : Người con trai trưởng làm nghề thầu xây dựng, cho dầu trước đây là kỹ sư nông lâm ; đã có vợ ba con, đang sống ở thành phố Biên Hòa. Người con trai thứ, tốt nghiệp trường đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, đang dạy học tại trường trung cấp cơ điện ở thị xã ; cũng đã có vợ một con. Ngọc Hạnh – mười tám tuổi, đang học lớp 12. Cô con gái út, Ngọc Hà- mười sáu tuổi, đang học lớp 10.
Ngọc Hạnh có dáng dấp và gương mặt giống cha ; người cao dong dỏng, mặt thon mũi thẳng, mắt sáng- nhất là có đôi môi luôn tươi đỏ như có bôi phớt một chút son. Nhờ làn da trắng, mái tóc xõa, Ngọc Hạnh rất thích hợp với chiếc áo dài trắng đi học. Có một lần, Thái đã bỡ ngỡ khi nhìn Ngọc Hạnh bước vào phòng anh với áo dài vải hoa lộng lẫy. Dường như Ngọc Hạnh cũng đã kịp nhận ra vẻ ngơ ngác của Thái khi nhìn thấy mình- cô hỏi: “Bộ anh thấy em lạ lùng lắm hay sao ?” – “Sao lại không lạ? Đi dự đám cưới à ? Em cứ tự nhìn vào gương thì biết. Trông em lớn hẳn ra và giống một thiên thần…”. Ngọc Hạnh trề môi: “Xạo, anh nhạo báng em à ?” , “Thật mà, có trời đất làm chứng…”.
Ngọc Hà khác hẳn chị, không giống cha, lại giống mẹ như đúc. Đúng như lời ông Lê nhận xét : “Ông Trời cũng công bằng: Cho một đứa giống cha, một đứa giống mẹ, để bà ấy khỏi quở trách”. Giống mẹ nên Ngọc Hà có khuôn mặt bầu bĩnh, mũi cao, mắt to tròn, đen láy. Dáng người đẫm thấp, nước da bánh mật ; cô ta thích mặc đồ tây hay jupe- chỉ mặc áo dài khi bắt buộc mà thôi. Tuy mười sáu tuổi, học lớp 10, nhưng ít khi rời mẹ. Và hình như, lúc nào Thái cũng thấy chiếc miệng nhỏ nhắn ấy nhai nhóp nhép một cái gì .
Câu chuyện về Thái và gia đình ông Lê có lẽ sẽ không có gì để nói thêm nữa, nếu không có điều bất ngờ này xảy ra : Một buổi sáng thứ hai, sau ba tiết dạy trở về, Thái vô cùng phân vân : “Ai đã đem hoa hồng cắm vào chiếc lọ thủy tinh đựng bút thước của mình?”. Hoa rất tươi. Dường như nó vừa mới được cắm vào lọ đây thôi. Những hạt nước lấm tấm như hạt sương còn đọng trên những cánh hoa. Thái nhìn chăm chú hai đóa hồng đang độ nở, như muốn tìm kiếm trong hoa hình ảnh của người nào. Giây phút này anh mới có dịp nhìn thấy rõ được hoa hồng : hoa đẹp tinh khiết và quý phái quá. Thái nằm ngả xuống giường, đầu dựa vách, nhìn sững sờ vào hai đóa hồng như tìm thấy được nơi ấy một điềm lạ, một niềm vui thật mới mẻ.
Vài ngày sau, cũng rất bất ngờ, hoa hồng lại được cắm vào chiếc lọ thủy tinh của Thái (lần này bút thước đã được lấy hết ra). Lọ hoa đã được sửa soạn chu đáo hơn, theo một kiểu dáng đặc biệt, nên mới trông vào Thái đã nhận ra vẻ khác lạ, trong sáng của hoa. Anh định đưa tay cầm lấy một bông, nhưng lại rút tay về : Thái sợ đụng chạm của mình sẽ làm tan vỡ nét tinh khiết và mầu nhiệm của hoa chăng ? Lần này thì ý nghĩ về trò chơi hoa hồng là của Ngọc Hạnh không còn nhen nhúm trong Thái nữa : Buổi sáng, chính Ngọc Hạnh đã đi đến trường trước anh đến mười lăm phút. Đến giờ nầy, Thái theo dõi thời khóa biểu (và cả chuyện ngầm để ý sự có mặt của Ngọc Hạnh tại lớp nữa), Ngọc Hạnh còn học đến tiết cuối mới trở về. Vậy thì ai đã nghĩ ra cái trò chơi lạ lùng nầy với anh ?
Nếu không phải là Ngọc Hạnh, thì Ngọc Hà không thể nào bày ra được trò chơi này với cái đầu luôn nghĩ tới một thứ gì đó để bỏ vào miệng nhai nhóp nhép.
Hơn một tháng im lặng và theo dõi những cánh hoa hồng trong chiếc lọ thủy tinh nơi bàn mình, Thái nghĩ, có lẽ không nên tìm hiểu thêm gì nữa. Không nghĩ bàn gì về những đóa hồng này, mà chỉ nên nhìn ngắm nó, tận hưởng nó- đó là niềm vui, nguồn hạnh phúc, nỗi ước mơ và là người bạn thủy chung đã lặng lẽ có mặt bên cuộc đời của anh.
Hoa hồng đã tiếp tục nở nơi bàn làm việc của Thái. Lúc thì đơn giản, chỉ có độc nhất một bông. Khi là hai cánh đều nở, có hai màu khác nhau. Cũng có nhiều lúc, ba bốn hoa, từ hoa búp hé nở, đến đang độ nở rộ. Cho dầu hoa hồng được cắm vào lọ như thế nào, Thái nghĩ , bình hoa luôn đẹp một cách trang trọng. Mùi hương hoa hồng từ vườn vào trong phòng, luôn ám ảnh anh- ngay cả trong những giấc ngủ. Thái nghe như trong mùi hương thoảng dịu dàng có cả hơi hướm của một nàng tiên nào đó đang e ấp còn ẩn hiện đâu đây, rất giống Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ.
Đã mấy tháng về sống trong phòng này, đây là lần đầu, Thái tự tay mở cánh cửa thứ nhất, bước vào phòng riêng của ông Lê : anh muốn nhìn thấy nàng Giáng Kiều, vì không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Anh muốn gặp nàng Giáng Kiều của mình- dầu chỉ một lần, một phút.
Thật là lâu, Thái nghe được tiếng bước chân sẽ sàng vào phòng anh từ cửa dẫy hành lang. Tấm màn trúc khua động như có cơn gió mạnh. Qua một miếng gạch thông gió phía trên vách ngăn, Thái đã nhìn thấy nàng Giáng Kiều của mình và những cánh hoa hồng đỏ thắm. Nàng nhẹ nhàng rút mấy đóa hoa cũ, đặt từng chiếc hoa mới vào lọ ; nhìn ngắm chúng giây lâu. Thái đẩy cửa phòng, Ngọc Hạnh quay lại. Hai bàn tay nàng để lên ngực. Nét mặt thoáng tái nhợt.
- Anh làm em hết hồn !
Thái đi về phía cô. Đứng yên trước mặt. Anh cầm lấy hai tay Ngọc Hạnh như sợ rằng hình bóng này sẽ tan biến đi. Thái đưa hai bàn tay cô lên hôn, thật lâu :
- Anh xin được cảm ơn em, Ngọc Hạnh.
Thái nhìn say đắm, lạ lẫm, lên khuôn mặt cô đang đỏ hồng dần lên, như đã có những giờ phút ngắm nhìn những đóa hồng trong phòng mình.
- Anh cho em lên trường- Ngọc Hạnh thì thầm.
- Em bỏ học à ?
- Không- cô mỉm cười, lắc đầu – giờ ra chơi mà. Nếu không nhờ bà Bảy được, em thường về vào những giờ nghỉ. Hình như hôm nay anh đã bỏ dạy ?
Ngọc Hạnh thoát ra khỏi phòng như một cơn gió. Cô nói vọng qua từ cửa sổ dọc dãy hành lang : “Nếu hôm nay bà Bảy không bị đau, anh không bỏ dạy, sức mấy mà anh gặp được em ? Đừng có hòng…”
Một buổi chiều chủ nhật nhìn thấy Ngọc Hạnh đang ngồi im lặng trước một khóm hồng sau vườn, Thái đi về phía cô.
Anh hỏi :
- Sao không học bài mà ra ngồi đây ?
Ngọc Hạnh ngước lên, cười :
-Thư giãn một chút không được sao Thầy ?
Thái nhìn lơ đãng quanh khu vườn, anh chợt cúi xuống :
- Sao hoa hồng lại có nhiều màu thế em ?
- Vì có nhiều giống, nhiều loại chứ sao…
- Có tất cả là bao nhiêu ?
- Nhiều lắm. Em nghe ba bảo có đến cả trăm loại.
-Trong vường “nhà mình” có được bao nhiêu rồi ?
- Vài chục.
- Nhiều thế à ?
- Ba đã chọn giống, sưu tầm, trao đổi hơn chục năm nay rồi mà. Ông ấy có bao giờ chịu rời vườn hồng , cây kiểng của ông lâu đâu ?
- Ba quả thật là một đóa hồng tuyệt diệu nhỉ ?
Thái ngồi xuống bên Ngọc Hạnh, đưa tay đỡ một cánh hồng đang nở rộ oằn xuống, ve vuốt nói :
- Chẳng hạn đóa này tên là gì ?
- Hồng Nhung.
- Em thích loại nào nhất, Ngọc Hạnh ?
- Ba loại : Hồng Nhung, Hoàng Yến và Hoàng Anh.
- Em có vẻ sành nhỉ ?- Thái cười, còn anh thì dốt về hoa lắm…
- Anh mà dốt ? – Ngọc Hạnh nhìn thoáng lên mắt Thái- Làm thầy mà dốt làm sao dạy được học trò ?
- Bộ em tưởng đã làm thầy thì phải biết hết mọi thứ sao ? Cái nào dốt, thì anh nói dốt, không nói khoát được…
- Em hỏi thật anh một việc nhé ?
- Được, em cứ hỏi …
- Mà anh phải nói thật lòng !
- Dĩ nhiên rồi- Thái cười- Anh có bao giờ nói dối em điều gì đâu ? Có cần anh thề không ?
-Thôi khỏi. Nhiều người thề thốt dữ lắm nhưng cũng mau quên dữ lắm…
- Về tình yêu, anh có dốt như về hoa hồng không ?
Thái im lặng .
Ngọc Hạnh quay lại, nhìn thẳng lên mắt anh lần nữa :
- Sao không chịu trả lời em đi ?
- Điều này anh thật khó trả lời em, vì anh chưa bao giờ có dịp nào trắc nghiệm khả năng của mình cả.
- Anh nói xạo…
- Bao giờ thì em cũng nghĩ xấu về anh hết. – Thái cười- cứ để thời gian trả lời em. Có người nào đó đã nói thời gian là câu trả lời đúng đắn nhất…
Ngọc Hạnh đứng dậy, rời khóm Hồng Nhung, đi chậm chạp ra phía cuối vườn- ở đó có mấy gốc cây to và một tảng đá lớn có hình dáng của hòn Vọng Phu. Thái lặng lẽ đi bên cạnh cô. Dường như Ngọc Hạnh đã nhìn thấy trong mắt Thái nhiều điều đáng tin cậy, một nỗi hồn nhiên chân chất nào đó, nên lòng cô dạt dào một niềm vui mới lạ, sáng trong. Cô phân vân nhớ đến nụ hôn nồng ấm ở đôi bàn tay cô hôm nào của Thái như vừa mới được lập lại ở đây. Nó vẫn còn nóng bỏng, in dấu đôi môi anh, không thể nào tẩy xóa được.
- Anh còn nhớ hai đóa hồng đầu tiên của em không ?
- Có nhớ.
- Đó là hai đóa Aliana kia…
- Còn hai hôm sau ?
- Đóa Hồng Ngọc và Hồng Nhung.
- Lần anh được gặp em ?
- Mấy đóa Elizabeth, Nhung Pháp, và Sen Nhật. Em không thích Sen Tây vì hoa cứng, không có mùi thơm. Sen Nhật có màu hồng nhạt, xanh dịu, đẹp hơn nhiều…
Trên lối đi, Ngọc Hạnh đã chỉ cho Thái từng loại hoa, nói rõ đặc điểm, và cả cảm nghĩ của mình nữa. Đó là mấy loại : Hồng Lưỡng Diện, Hoàng Oanh, Hồng Hoàng, Tím Đỗ Vân, Hồng Đơn, Khói Lam, Hồng Nhiễu… Thái có cảm tưởng như trong đầu mình, tim mình, được chất chứa đầy cả hoa hồng…
Ong Lê tổ chức một bữa tiệc thân mật, mời tất cả thầy cô ở trường, vài người bạn thân ; nhân dịp Ngọc Hạnh thi đậu vào trường Dược Sàigòn. Ông Lê gọi buổi họp mặt thân tình nầy là để tỏ lòng biết ơn quý thầy cô và cũng để Ngọc Hạnh được nói lời từ giã thầy cũ, bạn bè trước khi lên đường.
Trong bữa tiệc đầy ắp tiến cười, lời chúc mừng này, ông Lê đã tường thuật chớp nhoáng lại việc ông đã đưa con ra Huế thi vào trường Y, rồi chạy tiếp vào Sàigòn để kịp thi vào trường Dược như thế nào. Ông kết luận : “Đưa con đi thi mà mình còn mệt hơn chính mình đi thi nữa quý thầy à”. Tiếp theo ông đã báo cáo sơ lược kết quả. Cũng là chính thức báo tin vui đến với mọi người : Ở Huế, Ngọc Hạnh đã đạt được mười lăm điểm rưỡi, so với điểm chuẩn là mười sáu.Tại trường Dược, cô có số điểm khít khao với điểm đậu là mười bảy dành cho hạng thí sinh không có chút ưu tiên nào cả.
ng hiệu trưởng trường An Thọ, thay mặt mọi người đứng dậy bắt tay chúc mừng ông Lê và gia đình. Ông nói đùa : Ở Huế, cầu thủ của chú đá như thế là khá lắm, nhưng ngặt nỗi không có thủ môn!”.
Cuối bữa tiệc, Ngọc Hạnh được gọi lên. Trong chiếc áo dài trắng đi học thường ngày, Ngọc Hạnh đã khép nép bước ra trước mặt mọi người, đôi mắt đã đỏ hoe. “Cô ấy khóc từ bao giờ? “ Thái nhìn cô, lòng hoang mang, lo lắng.
Ngọc Hạnh đã đứng yên ở đó. Khá lâu. Mà chưa nói được lời nào. Tất cả đều hướng nhìn, chờ đợi, trân trọng. Ngước lên, tỉnh táo nhìn khắp mọi người một vòng bất chợt, Ngọc Hạnh cúi xuống, úp mặt lên hai bàn tay; tiếng cô khóc nức nở… Nước mắt cô tuôn dòng qua kẽ tay, chảy xuống bàn, tưởng như không bao giờ dứt. Những giọt nước mắt nặng tình ấy đã được ngăn giữ từ bao lâu rồi, đến nay mới được rơi xuống ? Thái nghe tim mình đập mạnh, hơi thở nặng ở lồng ngực, trí óc chếnh choáng như say. Mọi người lo lắng. Ông Lê thở dài : “Thôi, con hãy đi nghỉ đi, ngày mai sẽ đi sớm!”.
Thư đầu tiên của Ngọc Hạnh gửi về cho gia đình dài đến sáu trang pelure. Nàng kể lại đủ chuyện: nào căn gác nhỏ xíu phải chứa bốn mạng, nào phải đạp xe đi học xa gần hai mươi phút, nào nhà trường đang tổ chức thi chọn sinh ngữ nên phải vùi đầu học ôn, nào bạn bè toàn là người xa lạ và sang trọng… Nói tóm : đó là một lá thư ghi lại cái tâm sự bề bộn như cuộc sống mới của cô trong cái thành phố bề bộn ấy.
Có một đoạn tái bút ngắn của Ngọc Hạnh như sau : “Ba má dặn em Ngọc Hà mỗi buổi sáng nhớ đến cắm vào chiếc lọ thủy tinh, nơi bàn làm việc của anh Thái một đóa hồng thật đẹp, thật tươi, giúp con nhé !”.