MANG VIÊN LONG


Nỗi Khổ Không Rời
Truyện Ngắn

Năm 1971 Mẫn thi hỏng tú tài một, bị gọi vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Ra trường thì được đẩy lên xe thiêt giáp. Trung sĩ thiết giáp. Sau đó ba tháng Mẫn đã được điều động lái xe thiết giáp lên ngay Phú Bổn sống với núi rừng Tây nguyên . Trận giáp chiến cấp Sư đoàn giữa tháng 2 năm sau đã đánh bật anh rời khỏi chiếc thiết giáp về nằm chèo queo ở Quân y viện T3 mấy tháng. Cuối năm, ra hội đồng y khoa, xuất viện, rồi giải ngũ, lãnh số trợ cấp thương binh loại 2 , mỗi tháng nhận tám ngàn đồng.

Đầu năm 73, Mẫn về lại quê, gặp cô Lành – một y tá của trạm xá xã . Cô Lành nhỏ thua anh sáu tuổi, đẹp gái, cao ráo, nhưng mồ côi cả cha mẹ, được người cô họ đùm bọc cho ăn học hết bậc trung học đệ nhất cấp, rồi thi vào lớp tá viên điều dưỡng , xin một chân y tá ở xã. Chàng trai hào hoa ngày nào với chiếc mũ bê rê lệch trên mái tóc bờm sờm đã quên dần mùi súng đạn bia rượu, thường lui tới trạm xá nhờ Lành chích thuốc, săn sóc các vết thương lâu lâu trở chứng khiến Mẫn thường đau nhức.

Lành săn sóc vết thương ở ngoài , mà cũng săn sóc luôn vết thương bên trong của Mẫn nữa : Anh đã phài lòng cô y tá hiền từ đẹp người đẹp nết , nên dù các vết thưong không còn làm cho anh đau dớn, Mẫn vẫn thường lui tới trạm xá. Lúc ấy, Mẫn cảm thấy vết thương trong lòng mình làm anh ray rức, khổ đau hơn là những vết đạn trên thân thể. Một hôm, anh nói điều đó với Lành : “ Cô Lành ơi! Nhờ cô làm ơn săn sóc giúp vết thương trong trái tim tôi nhé? “.

Lành che miệng cười : “ Anh nói nghe lạ quá! “

- Nói thiệt, đâu có gì mà lạ?

- Em chỉ biết làm việc của một y tá là chích thuốc, thay băng vết thương cho anh, còn…” vết thương trong trái tim “ làm sao em thấy?

Lâu ngày, Lành cũng thấy dần “ vết thương trong trái tim “ của Mẫn. bởi dù không có việc gì để cho cô săn sóc, Mẫn vẫn thường xuyên có mặt ở trạm xá chỉ để nhìn cô làm việc rồi về! Lành lặng lẽ, không biết nói gì - mà lòng cảm thấy rất vui sướng. Cả năm lui cui ở cái trạm xá trống trải của khu xã vùng ven nghèo khó, Lành chẳng gặp được ai lạ lùng như thế. Cô không dám nghĩ đến ai, vì biết phận mình côi cút, nghèo khó, có ai mà nghĩ đến mình? . Nhưng một hôm, anh thương binh đa tình dã lén nhét vào túi xách của Lành một phong thư …

Tình yêu của họ bắt đầu như vậy – đơn giản và nhanh chóng. Của hai tâm hồn cô độc và chân thành.

Trong cảnh quạnh quẽ của làng xóm, họ như hai kẻ dứng bên lề của cuộc đời bề bộn. đang trôi chảy cuồn cuộn trước mặt trong tiếng gầm của bom đạn ngày càng ác liệt, gần kề. Người cô của Lành đã đồng ý đứng ra tổ chức một đám cưới dã chiến chỉ diễn ra trong một buổi, cả hai họ đều ngồi chung quanh một chiếc bàn tròn vỏn vẹn tám người. Sau lễ, bữa tiệc vừa dứt, anh lính thiết giáp chở cô y tá trên chiếc xe Honda 67 chạy thẳng về nhà mình ở cuối xóm.

Làng xóm vắng hoe.

Tiếng nổ mỗi ngày một gần.

Trong những ngày chộn rôn giữa năm 74, Lành sinh thằng Kiệt cũng ở ngay cái trạm xá trống trải lần đầu tiên hai người gặp nhau.

Mùa hè năm 75 đã thay đổi hẳn cuộc sống quen thuộc cũ bằng một cuộc sống khác mà Mẫn bắt đầu nhận ra từ cuốn sổ lãnh tiền trợ cấp thương binh mà anh đã cất giữ rất kỹ trước đây bỗng trở thành một tập giấy lộn vô ích. Mẫn cầm nó trên tay, có dịp nhìn lại nó như nhìn vào những vết thương của mình ngày nào : Một cảm giác vừa chua xót và ngậm ngùi tràn ngập trong lòng . Anh đem đốt cuốn sổ vô dụng, như để che dấu một chuyện gì kém may mắn, hay bị thua thiệt trong cô độc. Lành nhìn theo ngọn lửa cháy phừng phựt trên tay Mẫn, tự nhiên nước mắt cứ ràn rụa, chảy dài. Nàng biết, kể từ sau khi cuốn sổ cháy thành tro bụi rồi, gia đình Lành – nhất là bản thân của Mẫn, sẽ phải gánh lấy rất nhiều khó khổ , lận đận. Lâu nay, tuy số tiền Mẫn nhận về không nhiều, nhưng đã giúp cho gia đình được yên ấm, đắp đổi qua ngày. Bây giờ…

Lành không còn được biên chế cho làm việc tại trạm y tế xã nữa vì Mẫn là một hạ sĩ quan chế độ cũ ; cho dầu chỉ với mươi ký gạo và một ít nhu yếu phẩm phân phối hằng tháng. Cuộc sống đang bị đảo ngược bắt đầu từ mảnh giây “ lý lịch cá nhân” như một bản cáo trạng. Không ai rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho mình và gia đình. Mỗi ngày một thêm tin tức, hội họp, học tập, chỉ thị, thông báo… Mọi người đều cảm thấy xa lạ, ngơ ngác và hoang mang nhưng chẳng dám hé răng. Chì dòm ngó quanh quất. Và lầm lũi…

Hai vợ chồng Mẫn và đứa con sống nhờ vào mảnh vườn một sào đất với khu trồng rau, giàn bầu bí , mươi con gà và một con heo. Lành được gọi vào hợp tác xã, hằng ngày theo tiếng kiểng tụ tập ở sân đội sản xuất để nghe phân công việc làm, và chỉ được về nhà sau tiếng kiểng . Mẫn ở nhà vừa trông con, vừa săn sóc khu vườn, rồi cho lợn ăn, cắt rau, hái bí chờ Lành về đem ra chợ.

Kiệt lớn lên trong cảnh thiếu thốn, túng quẩn ấy, nhưng mọi ưu tiên đều dành cho nó, nên nhờ trời cũng ít ốm đau. Ăn khỏe. Chóng lớn. Mẫn và Lành đều ăn cơm dộn mì lát hay mì sợi với tô mắm và đĩa rau luột suốt tháng, dành phần cơm trắng và chút cá đồng , lạng thịt mua chui hay quả trứng gà cho Kiệt. Một lần Kiệt bị tiêu chảy vì ăn nhằm thịt heo chết. thịt đã ươn, Lành bế con chờ chực suốt buổi ở trạm xá, lãnh được mấy viên “ xuyên tâm liên “ ( bệnh nào cũng chỉ là loại thuốc tự chế ấy ) nên không cầm được tiêu chày ngày càng nhiều. Nhờ mấy năm làm y tá ở xã, Lành biết nơi, tìm này lại được 2 viên Teramycine của Pháp cho Kiệt uống. Hôm sau nó dứt bệnh. Như thần dược! Nàng dã thừa biết tiêu chuẩn thuốc đã được quy định rõ ràng bằng văn bản chì dành cho cán bộ. Chức vị càng cao, thuốc càng tốt. Còn dân thường như vợ chồng Lành thì phải tự lo liệu, nếu không muốn uống “ xuyên tâm liên”, Siro ho nấu bằng lá khuynh diệp, hay viên cảm APC to bằng ngón tay cái nữa; nhưng không thể ngồi nhìn con quằn quại vì bệnh nên đành ẵm con đi…

Mẫn đã không đành để cho Lành phải đạp xe lọc cọc hơn 20 cây số, rồi vượt suối, dốc cao , lên tận miền núi rừng An Trường để làm “ nghĩa vụ lao động “ mỗi năm 15 ngày nữa. (Theo quy định. nếu người nào không di, thì có thể thuê mướn người khác, hay nộp lúa cho xã tính theo ngày công mỗi năm 15 ngày ). Sau lần đầu Lành đùm túm gạo mắm ra đi 5 ngày, trở về bị sốt rét hành hạ cả tuần, Mẫn quyết định sẽ đăng ký đi thay vợ lần tiếp theo. Anh nghĩ, dù là một y tá, nhưng Lành không có kinh nghiêm “ sống ở rừng “ như anh. Lần ấy, Mẫn đạp xe theo đoàn người lao động ở xã từ sáng sớm, chiều tối mới mò đến được điểm dừng . Đem gói cơm vắt ra ăn vội, uống hết nừa bidong nước – Mẫn treo võng giữa hai nhánh cây to – ngủ thiếp vì mệt.

Buổi sáng, người cán bộ chỉ huy thấy anh chân đi khập khiểng, sau một lúc la hét rầy rà đã phân công cho anh lo việc cơm nước ở láng. Bảo vệ dụng cụ, tư trang cho cả đoàn. Đoàn người kéo vào rừng sâu, chặt cây, phát quang, đắp đường. Đốt rừng, làm rẫy trồng mì.

Trong lúc đoàn người chưa đến giờ trở về láng trại, Mẫn đi loanh quanh trong rừng, và phát hiện ra những dây mây to, dài – chằng chịt trong các bờ bụi, chạy dài qua bên kia những con suối. Anh dùng áo thun bao tay, rút dần thử từng sợi mây. Có sợi dài trên năm, sáu thước. Sợi ngắn nhất cũng ba thước. Trong 2 giờ được rổi rảnh buổi sáng, Mẫn rút được 20 sợi mây to. Buổi chiều, Mẫn lại tiếp tục “ trò chơi rút mây “, đi dần vào sâu trong rừng. Nhở có kinh nghiêm phát hiện lùm mây mọc. cách kéo rút từng đoạn tránh những sợi quá dài vượt qua suối có lúc không rút được đành phải bỏ – Mẫn rút dươc 28 sợi mây loại dài và 15 sợi mây ngắn. Anh gom lại, so mây bằng cách buột đầu một sợi dài nhất vào thân cây, rồi lần lượt lựa dần ra thành 3 nhóm : Dài nhất, nhì và ba. Mẫn cuộn tròn lại thành ba vòng , buột chặt gọn gàng rồi dấu dưới láng trước khi đoàn người lũ lượt rời khỏi khu lao động trở về. Sau 5 ngày của đợt công tác theo quy định, đoàn dân công dược ra về tự do - Mẫn khệ nệ tải những vòng mây ra khỏi rừng, chất hết lên xe đạp, đẩy đi. Ra khỏi bìa rừng từ sáng sớm, nhưng đến xế chiều Mẫn mới đẩy được chiếc xe cọc cạch vào ngỏ. Lành chạy vội ra đỡ xe, cằn nhằn : “ Anh di một mình đã khó, còn chở thêm những cuộn mây này… này về làm gì? “.

- Tiền đó mà, em! Mẫn nhếch môi cười, nhìn mấy cuộn mây nằm giữa sân một cách sung sướng.

- Tiền đâu không thấy, đau bệnh thì có nước chết- Lành buông thõng, thở dài.

Cho đến khi Mẫn gọi người đến xem mây, gạ bán - có được khoảng tiền xấp xỉ 5 ngày công lao động - Lành mới hiểu ra được công lao khó khổ của Mẫn đã nhọc nhằn rút từng sợi mây chằng chịt giữa rừng để tải về nhà. Lành nhớ lời của người dượng thường nói thưở nào : “ Chiến tranh, đánh nhau – người dân đen mình khổ… bứt mây! “. Khổ như bứt mây. Khổ dữ lắm! Mà Mẫn đã làm được điều ấy!

Từ dạo đó, Mẫn đã quen chịu cảnh “ bứt mây “ từ cánh rừng An Trường, rồi dần lên Vĩnh Thanh, An Khê những ngày rảnh việc trồng trọt, chăn nuôi để có thể phụ giúp cùng Lành khi ngày công của Lành mỗi mùa nhận lúa từ kho hợp tác về không đủ ăn cho đến giáp hạt dù rất dè xẻn phải dộn thêm mì lát, mì sợi…

Mùa đông năm 81, Lành sinh khó, Mẫn phải chạy thuê xe Lam chở đi bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện cũng lắc đầu, không giúp gì được khi máu cứ ra mỗi lúc một nhiều! Mẫn nhờ người ngồi sau xe Honda ôm giữ Lành để chở nàng đến cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Xe vừa chạy vào đến cổng bệnh viện, dừng lại – Mẫn quay người định ẵm Lành đến phòng xin giấy nhập viện, thì thấy gương mặt Lành tím ngắt, người lạnh băng từ bao giờ. Đôi mắt cứng đờ, trắng dã, bất dộng. Nàng đã ngồi im như vậy từ lúc nào? Mẫn bật khóc : “ Lành ơi! Em đã đi rồi sao? “.

Kiệt lên bảy tuổi, Mẫn xin cho con vào học lớp mẫu giáo ở thôn. Anh gởi con cho Hiên - cô giáo làng - suốt ngày, chiều tối mới chở con về nhà. Hằng tháng tính cả tiền ăn trưa và công dạy thêm, Mẫn đã trả cho Hiên 20 ký lô gạo. Nhờ sự giúp đỡ của Hiên, anh vẫn thường đạp xe lên An Trường, tiếp tục “ nghề “ bứt mây từ sáng sớm đến chiều tối mới lò mò về đến nhà đi đón Kiệt. Mấy năm lặn lội ở An Trường, mây ở cánh rừng thưa này đã gần cạn, chì còn lại những cọng mây nhỏ và ngắn không quá ba thước. Loại mây hạng ba này chỉ bán được một nửa tiền của mây dài. Mười sợi một vòng, hai chục vòng một cuộn – Mẫn bán được năm chục ngàn đồng – một số tiền không nhỏ cho một ngày công của anh. Trong xã, nhiều người không có việc gì làm để kiếm thêm tiền chợ, tiền áo quần, thuốc men, cho con đi học khi việc bán buôn đang bị thu hẹp dần, còn nghế nghiệp ế ẩm , công điểm ở hợp tác rẻ mạt - nên đã cùng rủ nhau theo Mẫn lên rừng bứt mây ngày càng nhiều. Mẫn đành quanh quẩn lục lọi sâu dần vào cánh rừng thưa An Trường, không lên được khu rừng già An Khê vì phải ở lại ít nhất hai ba hôm, bỏ Kiệt không ai trông nom . Càng nhớ Lành, Mẫn càng thương Kiệt. Càng thương con, anh càng đau xót. Nỗi đau thầm lặng, ray rức, khiến anh khổ sở hơn những vết đạn trên thân thể ngày nào. Nay chúng đã thành những vết thẹo lành lặn, nhưng vết thương trong tim anh thì đang rỉ máu không biết đến bao giờ ?

Kiệt học xong lớp 9, Mẫn đem cậu lên thị trấn gởi cho người anh để học nghế sửa xe đạp, Honda. Vợ chồng người anh tiếp nhận Kiệt niềm nở để có thêm một người giúp việc nhà, nhưng phần Mẫn mỗi tháng phải chở lên cho Kiệt 15 ký lô gạo trong thời gian một năm học nghề. Mẫn suốt ngày lui cui trong vườn với đám rau, giàn bầu bí, rồi đàn gà, con heo dành dụm từng đồng cho ngày học xong nghề trở về mở một tiệm sửa chữa riêng cho Kiệt như dự tính. Sức lực của Mẫn từ nhiều năm nay đã không kéo nổi một sợi mây dài ba thước nữa, nên tất cả chỉ trông cậy vào khu vườn. Đủ mọi thứ tiền phải chi phí đều nằm trong bó rau, trái bầu bí, con gà, lứa heo mỗi tháng.

Trong cảnh cô độc và nghèo khó ấy, Hiên đã đến với anh như một sự sắp xếp kì lạ của duyên số. Nàng vẫn thường đến giúp anh mang rau, quả, trứng ra khu chợ ngoài xã để bán vào mỗi sáng chủ nhật. Lần đầu tiên, Mẫn bỏ vào tay Hiên một phần tiền, gọi là “ để em mua tí quà cho cháu “ - Hiên đã sửng sốt, và tức giận : “ Anh nghĩ em thế nào mà làm vậy? “.

- Anh có nghĩ gì đâu? – Mẫn gắng cười – anh chỉ thương con của em như con của anh thôi!

Hiên đứng yên - im lặng.

- Anh muốn gởi chút quà cho con…

Hiên bật khóc.

- Anh xin lỗi em!

- Anh không có lỗi…

- Vậy sao em lại khóc, Hiên?

Hiên vẫn lặng yên.

Nàng ngập ngừng:

- Vì…em rất yêu thương anh, anh Mẫn!

Hiên đã một mình cặm cụi nuôi đứa đầu lòng từ khi Tính chính thức nộp đơn xin ly hôn ở tòa án huyện, được tòa xử chấp thuận ngay sau đó - đã hai năm. Tính được người “ cha đỡ đầu “ là giám đốc nơi anh đang công tác hứa gã cô con gái út đang học trung cấp kế toán khi cô ta ra trường, về công ty thương nghiệp của ông nhận việc. Tương lai của Tính sẽ mở ra, sáng lạn, trong lúc bao người đang lặn hụp vì miếng cơm. Tính không còn là anh nhân viên chạy hàng quèn luôn bị sai bảo, mà sẽ có cơ hội vào đảng, đi học. làm lớn ….Ai cũng nhận ra lý do Tính đòi ly hôn Hiên, nhưng chỉ thầm hiểu, thầm thương, thầm lo sợ thôi. Lý do nêu trong tờ đơn ly hôn chỉ là cái cớ che đậy một sự thật tồi tệ ở người chồng bạc tình. Xưa nay, “ chuyện bé xé ra to” hay “ ghét nhau cau sáu chẻ ra làm mười “ vẫn thường xảy ra trong đời sống của những kẻ cơ hội, tham lam, và ích kỷ để làm tấm bình phong che chắn tội lỗi.

Gần gũi Mẫn, Hiên nhận ra ở anh một nơi chốn bình yên cho cuộc đời còn lại của mình. Nàng đã thay Lành chăm sóc cho Kiệt bấy lâu – và hôm nay, vẫn kề cận bên Mẫn mỗi tuần để chia sẻ cùng anh gánh nặng mà không hề tính toán…

- Em không sợ thương anh là lính Việt Nam Cộng Hòa sao? – Mẫn đăm đăm nhìn nàng, chờ đợi.

- Tại sao em phải sợ? - Giọng Hiên quả quyết.

- Vậy thì ngày mai em dọn về nhà anh ở đi!

Hiên sà vào người anh, ôm chầm lấy anh – “ Chúng ta có bên nhau, yêu thương nhau là đủ rồi! Em không cần thứ gì khác nữa trên đời này……“ – Hiên lặng lẽ khóc…

Quê nhà, Tháng 11 năm 1990

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long