MANG VIÊN LONG
Nương Sắn
Truyện Ngắn
Sơn chạy nhanh lên triền núi được một quãng khá xa thì thấy mệt lả, hơi thở dồn dập tức tức ở lồng ngực, đôi chân mỏi. Y bước chậm, thở đều, hai tay giãn suôi xuống đong đưa. Với động tác này y cảm thấy cơn mỏi mệt giảm xuống dần, một cảm giác nao nức êm ái đến cùng lúc với những làn gió dìu dặt còn nhiều hơi nước từ phía cánh đồng, vùng biển xa. Y cũng nhận thấy được sự mỏi rã, gấp gáp ở hơi thở y không hẳn vì đã chạy lên một đoạn triền núi, nhưng đã được dồn nén từ lâu như lòng phấn khởi của một chuyến trở về không hẹn trước. Những chuyến trở về (dù có hẹn trước hay không) dễ gây xao động bất chợt nơi Sơn những phút cảm thấy bồn chồn hối hả như thế. Ở những bận bắt gặp nơi mình tương tự những xúc cảm nóng nảy, y thấy mình còn quá trẻ. Y
muốn tin vậy. Bộ đồ trận không dễ tạo y trở thành một người già, như đã huấn luyện y trở thành một người biết sử dụng các loại súng lớn nhỏ. Tuy bộ đồ trận cũng có nhiều nét phong trần như Ngân đã nói nhưng chắc là cái phong trần dày dạn kia sẽ không ở mãi trên người y. Y có thể cởi bỏ bộ áo quần tức khắc để lấy tấm áo chemise màu sặc sỡ cái quần xì gà của thằng em hippy mặc vào đến thăm Ngân như lần trước. Lần này thì y không kịp gặp thằng em để hỏi mượn cái áo rộng thùng thình rằn ri kiểu Mỹ để tìm gặp Ngân nữa. Y vội vã đến nỗi chưa cởi bỏ được bộ đồ phong trần ra khỏi người. Điều này hẳn sẽ khiến Ngân buồn? “Cái áo màu chim cò coi vui mắt hơn cái áo trận. Anh mặc bộ đồ trận trông buồn quá, sao không hỏi thằng Ân lấy cái áo hôm trước cho vui mắt?” – chắc Ngân sẽ lập lại lời đó với nụ cười buồn. Ngân đã bảo rằng nàng yêu cái áo lính, nhưng nàng không muốn y mặc cái áo lính chiến đa tình đó. Vì nhiều lẽ, “Cái áo dễ gợi cho em nhiều cảm giác ngậm ngùi. Em muốn anh ra đi, để lại cho em hình ảnh sặc sỡ của tấm áo rộng thùng thình của thằng Ân”, nàng đã căn dặn y như một câu nhắn nhủ ám ảnh. …
Từ phía trên cao, trong con đường mòn quanh co lẩn khuất cây lá, mấy người đàn bà mệt nhọc gánh những giỏ sắn vừa được nhổ hấp tấp đi xuống. Những củ sắn lớn hơn bát nước, cột lại thành chùm, đất cát và lá xanh còn bám bẩn; tình cờ gợi Sơn nhớ lại mùa sắn ba năm trước. Lúc đó ông Võ (dượng ghẻ của Ngân) đang dạy cha y quay qua chuyện trồng sắn thay vì trồng bắp. Đầu tháng giêng ông Thìn (cha của Sơn) lui cui ươm những củ sắn giống này lại của ông Võ. Cách nửa mét một củ, lấp đất vừa phủ kín phần củ phía dưới. Một tháng sau bắt giàn, tiếp tục tưới nước, bắt sâu. Tháng tư, những trái hột sắn thon dài như trái đậu đũa khô dần vỏ; ông Thìn bóc vỏ, phơi hột, lấy được hơn một dạ hột giống. Năm đó nắng muộn, ông Thìn đợi tới cuối tháng bảy mới gieo hột lên những vồng đất được thuê làm sẵn ở lưng chừng triền núi An Thạch. Khi nương sắn đã được cắt đọt tới lần thứ năm, bắt đầu chạy dây, lá trở màu xanh nhạt đang độ héo vàng; thì một buổi tối nghe có tiếng súng nổ ở phía dãy núi An Thạch. Không ngờ đêm đó nương sắn đã bị thiêu cháy, cày xới nát bấy như những xác chết nằm vắt vẻo ở bờ bụi nào đó chưa kịp mang đi. Cái mộng chiều chiều đi ngược lên núi, thơ thẩn bên nương sắn, săm soi từng vồng sắn tươi mượt đã mất hẳn trong lòng ông cùng với những xác chết rải rác bên những vồng sắn héo úa từ dạo đó. Còn Sơn, y hết nhắc nhở tới những củ sắn tươi ngon ngọt như những quả bom ăn với cối muối ớt, nhưng cái mộng làm chủ những nương sắn không bao giờ mất hẳn trong mơ ước sau này của y. Ông Thìn đã buồn rầu đợi Tết như để chấm dứt cái xui xẻo đã không ngớt đeo đẳng vào người ông từ đầu năm. Tết năm đó, với ông, để đón một hy vọng thế vào những tai ương cũ, và cũng để xóa tan cái hình ảnh đìu hiu của nương sắn cháy đen loang lổ vết máu. Riêng Sơn, cho dù nương sắn của cha không còn được trông thấy với những vồng lá xanh đến độ cắt đọt, nhưng y vẫn nuôi dưỡng một nương sắn bát ngát trên triền núi An Thạch bên giấc mộng trở về êm ái như hình dáng Ngân mỗi đêm.
Sơn bước nhẹ nhàng trên những vồng sắn đã được nhổ củ, nhìn Ngân đang lom khom phía cuối nương sắn với ba người đàn bà. Bên cạnh nàng mấy đứa nhỏ đi nhặt những củ sắn bỏ sót dưới vồng khi đã nhổ bị đứt cuống, cười nói ồn ào. Bà Võ đang ngồi buộc những bó sắn lại thành chùm lớn, ngẩng lên nhìn thấy Sơn, bà cười hớn hở: “Cháu về khi nào? Cháu mới về à?”.
Ngồi xuống cạnh đống củ sắn vừa được nhổ còn thấm ướt đất cát, y nói:
-Thưa, mới về…
-Cháu về chờ ăn Tết chắc?
-Thưa, không. Lính tráng làm gì được ăn Tết, bác.
Bà Võ đưa cho Sơn một chùm sắn lớn nói của con Ngân lựa sẵn, để dành. Y bứt một củ, lột vỏ, cắn ăn. Những miếng sắn xốp, mát, ngọt trong cổ. Y bỗng dưng thấy mất hẳn sự mỏi rã ở chân tay, hơi thở cũng đã trở lại nhịp bình thường. Y đứng dậy đi lần lên chỗ Ngân, với chùm củ sắn cầm trên tay.
Y gọi :
-Cô Ngân …
Ngân ngước lên:
-A, anh Sơn.!
-Cô chủ cho một chùm ăn đỡ khát đi, chạy từ dưới đường lên đây mệt quá rồi.
Nàng cười, không trả lời câu nói của y.
-Lại sắp sửa nhắc anh cởi cái áo này rồi phải không?
Ngân bước ra khỏi vồng sắn đang nhổ dở, đi chậm rải bên y như đang cùng y đi dạo trên triền núi. Giọng nàng nói trong tiếng cười: “Anh chưa kịp gặp thằng Ân phải không?”.
-Chưa. Nhưng chân cẳng nó như những con cò vẽ trên áo, dễ gì nằm yên ở nhà mà tìm?
-Anh mới về sáng nay à?
-Xuống xe, ào vào nhà như đi lục soát, rồi chạy lên đây ngay.
Nàng thoáng quay lại nhìn sững lên mắt Sơn. Dầu đôi mắt Sơn hơi thấp xuống, nàng vẫn thấy y có vẻ hân hoan. “Anh nói giống lúc đi hành quân”,nàng cười cung cúc. “Còn hơn lúc đi hành quân nữa. Bảy ngày phép qua một cái như nháy mắt”, y nói nhưng mắt nhìn dõi xuống cánh đồng phía bên kia đường.
-À, này… anh, sao không rán chờ cho tới gần Tết?
Y bất thần nhìn chăm chăm vào mặt Ngân khi nghe giọng nói yếu lạc của nàng. Giọng nói giống lúc trách cái áo lính, nhắc nhở tìm cái áo rằn ri của Ân hôm nào. Chỉ có những lời nói phân vân này khiến y nhớ nàng với dáng điệu co ro ở bến xe ngã ba Chí Thạnh hôm tiễn y vào Sàigòn. Cũng với những câu hỏi làm y không biết trả lời sao cho nàng tin tưởng, còn y đỡ thấy buồn. “Sao không rán chờ cho tời gần Tết?” – y chợt cười lớn:
-Tết này anh giàu…
-Anh trúng số à?
-Nghe nói có lương tháng mười ba, cộng thêm “tiền tử” truy lãnh hôm trước, không giàu à?
Y tiếp tục cười, có vẻ dửng dưng.
Nàng gắt:
-Anh lại nói nhảm.
Họ đang đi dần lên phía trên triền núi. Cây lá ở đó có màu xanh đậm hơn. Chừng như hơi lạnh của những ngày cuối đông còn vương vất trong những bụi cây dày. Nhưng nương sắn trồng muộn đang bắt đầu trổ lá già, xanh thẫm. Từ chỗ họ đứng, nhìn xuống triền núi thoai thoải, những nương sắn nằm sát trông quang đãng, đám người mua vừa nhổ sắn quay xuống đường, từng chuyến xe Thuận Thành chạy vội vã như hãi sợ những trái mìn chôn lấp đâu đó. Tiết trời gây gây lạnh. Bầu trời xám bẩn mây.
Ngẩng nhìn lên một cụm mây đang lững thững bay dạt về hướng tây, y nói:
-Anh sẽ dành tiền mua cho được vài cái áo hippy như thằng Ân, sau Tết, mặc về cho em ngó.
Nàng cười ngây ngất:
-Nhưng cũng nhớ để dành tiền mà hớt tóc. Để tóc kiểu thằng Ân dễ sợ quá chừng.
Y nhớ tới thằng em trai hippy của y đang trọ học ở Tuy Hòa. Nếu bỏ nó vào lính, nó hết có thì giờ chui vào quán café mà kêu than buồn bã. Thảy nó ở trên rừng, nó sẽ có nhiều dịp sống theo kiểu hippy mà nó thích. Nghe cha than vãn buồn rầu về nó mãi, y nghĩ y hết cách để hiểu nó. Những điều thuộc về sở thích của nó không mảy may giống ai trong dòng họ. Cha y đã kêu: “Tao không có cái nòi hippy nhưng sao lại đẻ nhằm thằng con hippy?”- để khỏa lấp nỗi buồn thất vọng răn dạy nó. Y chỉ thích nó nhiều nhất ở những tấm áo trông vui mắt Ngân. Lâu lâu, ở rừng trở về, mượn tấm áo màu rực rỡ của nó mặc vài hôm, cũng thấy bớt buồn bã đi. “Em muốn anh ra đi, để lại cho em hình ảnh sặc sỡ của tấm áo rộng thùng thình của thằng Ân”, y mỉm cười nói với ý định sẽ lãnh tháng lương cuối năm ra chợ trời ở Sàigòn mua lại một mớ áo cũ của mấy thằng Mỹ về nước, để dành mặc trong những ngày về phép.
Y nhìn nàng, đôi mắt còn lé sáng nụ cười thầm:
-Em đã sắm áo mới chưa?
-Chưa.
-À, này, em phải chọn áo màu đỏ ấy…
-Màu gì dễ sợ vậy, anh ?
-Cho nó xứng đôi. Nếu em buộc anh mặc áo rằn ri cho vui mắt thì anh cũng muốn thấy em trong cái áo dài đỏ, cho nó rực rỡ.
Tiếng bà Võ gọi vọng lên chỗ họ đang ngồi. Thấy Ngân đứngvụt dậy, bà quay trở xuống núi. Nương sắn đã được nhổ sạch. Đám trẻ hình như còn nuối tiếc, cố bươi xới từng vồng đất, chăm chỉ. Y lột một củ sắn lớn, đưa lên miệng Ngân. Nàng nhìn thoáng lên mắt y, cười, cắn một miếng thực lớn, nhai. Y bước sau nàng một quãng ngắn. Nhìn bộ tịch lùi xùi của nàng, y nhớ tới nỗi giận với thằng em tóc dài. Lúc y đang cùng Ngân từ triền núi xuống tới đường, gặp nó cỡi Honda từ Tuy Hòa về. Chiều đó nó chê Ngân đủ thứ trước mặt y. Nó hỏi y có cần người tình thời đại giống hệt Mai Lệ Huyền nó sẽ dắt về cho. Nó vừa chải vuốt lại mái tóc dài lê thê, nói : “Anh mê cô gái giữ sắn rồi à? Tệ quá, chỉ nhìn bộ đồ cũng phải nhắm mắt rồi”. Y nói thản nhiên : “Tao không thích là Hùng Cường như mày”. Thằng Ân có vẻ giận vì bị xúc phạm. Từ ngày để tóc dài, mặc áo rằn ri, nó dễ nóng nảy. Chừng như là nó tập cho hợp với tính của cao bồi? Nó nói giọng cau có: “Sao anh xài xể tôi vậy?”.
-Chính mày vô lễ với tao sao mày không hỏi.
-Tôi thương anh, tôi nói.
-Nhiều lần tao đã nói sự thương xót của mày tao không chịu được như cái đầu chờm bờm của mày rồi. Nếu mày thương tao, thương cha mẹ, thì mày đã không tốn thì giờ tập mấy bài ca rẻ tiền nhún nhẩy chướng mắt, để lo mà học.
-Nhưng có phải chị Ngân như vậy không?
-Vẻ thẩm mỹ của mày là Mai Lệ Huyền hay gì gì đó, còn tao tao khác. Mày có thấy tao chê một con bé mặc mini cong cớn nào tìm tới đây không? Tao đã cố hiểu cái tâm lý kỳ quặc của mày như vậy, nhưng sao mày ngu quá?
Y nói giọng lạnh lùng: “Kể từ ngày hôm nay, mày câm cái miệng ồn ào của mày lại đi”. Thằng Ân bỏ vào nhà, choàng vào người chiếc manteau trắng, nhảy lên chiếc Honda, đạp máy nổ, rồ ga, chạy. Y nhìn nó vụt biến mất như một cái bóng đen buồn bã.Y vừa giận nó, vừa thấy mình hết còn cách hiểu nó nữa. Đó cũng là lần y cảm thấy thất vọng như cha y. “Có lẽ mình đã quá già để không hiểu nổi được lứa tuổi đang đi sau mình mấy bước?”, y nghĩ thầm. Phải chăng thằng Ân là một biểu tượng phản kháng tuyệt vọng của tuổi trẻ như ông Tùy Anh đã viết trong bài “Tóc dài, váy ngắn, và sự phản kháng” ở một số Vấn Đề? Nó tuyệt vọng cái gì? Nó đã biết tuyệt vọng chưa?
Họ đã đi xuống tới con đường mòn băng qua một nương sắn đã nhổ trụi, những vồng đất cát xô lệch, dấu chân còn lún sâu. Mặt trời đã chui ra khỏi lớp mây màu xám. Ánh nắng ấm, trong, chiếu lan tràn khắp triền núi rộng. Khung cảnh, bầu trời, giống những ngày cuối năm nào đó trong trí nhớ êm ả của y. Y cảm thấy một niềm vui thật bất ngờ vừa hiện rõ. Y nắm một bàn tay của Ngân, nói : “Cứ coi như hôm nay là sáng mồng một cũng được”.
-Anh giỏi tưởng tượng lắm, em chịu.
Tiếng của y gấp gáp bất ngờ:
-Không giỏi tưởng tượng làm sao sống được ở trong rừng? Nhiều lúc nằm ở dưới hầm lạnh ngắt nồng nặc xác lá mục, nghĩ đang nằm ở phòng ngủ có máy điều hòa không khí. Mồng một đói meo ở trên rừng cứ cho là đang đi dạo ở một khu vườn…
-Anh chắc làm thi sĩ được.
-Hẳn là vậy. Ít ra anh cũng có viết được một bài thơ “Yêu người như yêu mây bay” để gửi tặng em đọc.
Ngân bỗng cười giòn. Chắc nàng đang nhớ tới những câu thơ bóng bẩy, tha thướt không mấy hợp với giấc mơ trở về làm chủ mấy nương sắn của y? Y chợt cười theo nàng khi nghĩ, từ dao đi lính không biết sao cái tưởng tượng có cơ phát triển trong đầu y nhiều quá vậy. (…)
-Em chê thơ anh dở?
-Ai mà chê.
-Chớ sao em lại cười?
-Cười là cười mấy câu cuối anh viết ghê quá.
-Đoạn nào em thử đọc anh nghe coi nào.
Ngân liếc nhìn y rất nhanh, nàng đọc chậm:
Ta yêu người cầm như đã chết,
Nên làm sao mơ thấy nụ cười?
Ta đã nguyện ngồi làm bia đá…
Bia đá mòn nhưng tình sao nguôi ?
Nàng khẽ rung động bàn tay trong tay y :
-Đó, anh có thấy ghê không?
Y kéo nàng sát vào người, ôm chặt – cười thực lâu:
-Chưa có gì ghê lắm đâu. Mấy ông bạn thi sĩ của anh còn nói khủng khiếp hơn nữa. Họ có một khối óc tưởng tượng lớn hơn anh nhiều.
Hai chiếc xe autobus Thuận Thành chạy vụt qua phía dưới đường. Những chuyến xe gần ngày Tết bắt đầu đầy nghẹt hành khách, kồng kềnh hàng hóa trên mui, chạy ào ào như thể sợ ngày Tết dồn đuổi. Hẳn là mấy cha tài xế sẽ đẩy cái bao tử tham lam cho tới sang giêng.
Đám người mua sắn đã đón xe Lam đi Tuy Hòa hết, còn lại bên đường mấy đứa trẻ giữ bò đang ngồi tụm lại chia nhau hút một điếu thuốc Mỹ. Y dừng lại cuối con đường mòn, chờ Ngân bước xuống. Y lấy thuốc ra hút. Nghe mùi, cả lũ trẻ chạy tới bu quanh y, chìa bàn tay đen điu ra xin. Y nhìn khắp các khuôn mặt chúng, thấy không có đứa nào già hơn thằng em út của y đang học lớp tiểu học. Y gắt: “Tao không tiếc một bao thuốc, nhưng tao không muốn nhìn thấy lũ bây trở thành ông già sớm”. Một đứa, lớn nhất trong đám, sấn tới sát y, nói : “Tui già rồi mà”. Giọng nói của nó không có vẻ gì đùa giỡn. Y cười : “Già? Là bao nhiêu tuổi rồi?”.
-Mười bốn tuổi.
Nhìn kỹ, y thấy thằng bé có nhiều nét khắc khổ của một người luống tuổi; bỗng dưng y nghĩ tới thằng Ân. “Nếu có để tóc dài phản kháng thì thằng bé này có quyền hơn nó”, y tự nhủ. Gương mặt gầy xanh, phờ phạc; dôi mắt bạc thếch, đờ đẫn, hẳn rằng nó đã chịu đói mà làm việc với nhiều mối sợ hãi bao trùm. Y lấy gói thuốc chia cho nó mấy điếu. Nó mừng quýnh lên. Y dặn: “Không được cho mấy thằng nhóc con kia hút”. Nhìn đám trẻ chạy dạt tới một lề đường, y tưởng tượng tới những ngày đón Tết của chúng ở đó, với những con bò.
-Em về…
Ngân nhìn y với đôi mắt hôm tiễn anh vào Sàigòn nhập ngũ. Y gắng giữ vẻ bình thản : “Mai anh lên thăm”.
-Chỉ còn bốn ngày nữa.
-Bốn ngày nhưng phải chia ra thực nhiều chuyện. Một ngày phép của lính như chỉ có mười hai giờ đồng hồ.
Ngân bước đi, chợt quay lại cười cười : “À, này, anh Sơn, ngày mai lên anh nhớ mặc cái áo của thằng Ân nhé?”. Y cười, gật đầu. Y muốn nói với nàng “Em cũng phải mặc cái áo dài có thêu “Trung học Nguyễn Huệ” để anh có một bóng áo dài trắng phất phơi trong những giấc ngủ trên rừng”,nhưng ngại nàng buồn, nên thôi.
(1) Đã đăng trong tạp chí Văn, số 197 (01.3.1972)