Ông Già & Con Chim Hoàng Ly
Truyện Ngắn
Một bữa nọ, trên đường từ phố chợ về nhà, lão Tư Quế mua được một con chim. Một người ăn mặc bảnh bao, có ý định mua con chim này, nhưng không sẵn mang theo đủ tiền. Gã bán chim đồng ý bán con chim cho ông ta, giá một trăm hai chục ngàn đồng, nhưng chờ mãi không thấy ông ta trở lại. Mà buổi chiều gần hết rồi…
Lão cười :” Thôi bán cho già đi…”
- Ong có tiền không ? Gã bán chim liếc nhìn lão dò xét, hỏi như thách thức.
- Có chứ sao không ! Giọng lão trở nên ngập ngừng:” Nhưng không đủ…”
- Không đủ là bao nhiêu ?
- Một trăm ngàn-Lão dõng dạc trả lời.
Gã bán chim dõi mắt nhìn vế phía cuối dãy phố, có ý trông chờ người đàn ông mua giá trăm hai- giọng bực tức :” Chắc về nhà hỏi tiền vợ không đưa rồi !”- “ Thôi, tôi bán cho ông…”. Gã quay lại nói với lão Tư Quế.
Suốt ngày vừa kiếm được ba chục, còn trong gói nilon giắt ở cạp quần bảy chục nữa. Lão móc ra, xếp ngay ngắn, trao cho gã bán chim. Nhận tiền, kiểm lại, bỏ kỹ vào túi quần sau- gã bán chim nhấc chiếc lồng treo ở guidon xe đạp- đưa về phía lão:” Tôi bán cho ông lỗ mất hai chục…”.
Vẻ hân hoan hiện rõ trên gương mặt già sọm, tốp khô của lão- trông như một đứa bé được mẹ đi chợ về cho gói kẹo cà. Gã bán chim vội vã dắt xe đi. Như chợt nhớ, lão Tư níu yên xe của gã lại-hỏi:” Mà con chim này tên là gì, cháu ?”.
- Hoàng Ly…
- Hoàng Ly à ? –Lão lẩm bẩm.
- Hoàng Ly… nhưng thỉnh thoảng ông nhớ cho nó ăn một miếng thịt, nó thèm ăn thịt lắm ! Gã bán chim cười ranh mãnh.
Lão giơ chiếc lồng chim lên ngắm nghía con Hoàng Ly một lần nữa-lầm thầm:” Hoàng Ly . À, Hoàng Ly… từ nay mày sẽ về sống với già, chơi với già, nói chuyện với già-nghe chưa ?”. Lão bỗng cười dài sung sướng.
Hoàng Ly đứng yên, hơi nghếch đầu về phía lão, nhìn lão giây lâu. Chiếc mỏ đỏ của nó như há ra. Đôi chân cùng màu đỏ cứng cáp đứng vững chải trên một nhánh cây khô. Bộ lông màu xanh lá cây lóng lánh từng mảng lông màu vàng, màu đen nhạt, trông rất quý phái.
Treo chiếc lồng phía trước một đầu đòn gánh, lão náo nức cất bước- như vừa gặp được một người bạn đồng hành vui tính.
Vừa nhìn thấy ánh sáng mặt trời là Hoàng Ly đã cất tiếng hót. Tiếng hót lảnh lót. To- khoẻ. Đôi lúc cả tràng dài, như vừa hót ca, vừa chuyện trò. Tiếng hót của Hoàng Ly làm vang vọng một góc xóm quê yên tĩnh mơ màng bấy lâu.
Lão Tư Quế xăng xái lấy bì thức ăn của gã bán chim cho ra đổ vào hũ cho đầy đặn-lão nghĩ, mày sẽ ăn trong một ngày nhé, chiều lão về mua cho miếng thịt. Lão lấy hũ nước ra súc rửa, múc đầy hũ nước mới.
Hoàng Ly lơ đãng nhìn hũ thức ăn, có vẻ chăm chú nhìn lão, nhảy qua nhảy lại luôn chân-thỉnh thoảng cất tiếng hót cao, to; khiến mấy nhà hàng xóm đều phải ngóng nhìn qua sân nhà lão Tư Quế như vừa bắt gặp một điều gì quái lạ. Mà không lạ sao được, ngôi nhà im vắng hoang lạnh bấy lâu nay lại inh ỏi, vang dội tiếng chim ?-“ Lão Tư Quế làm cái trò gì vậy cà ?”- tiếng bà Hai vọng qua hàng rào dâm bụt.” Ông “ thỉnh “ con chim ấy từ đâu về mà nó hót inh tai vậy ông Tư ?- Bà Mận bước vào sân, theo sau là hai đứa cháu ngoại trạc sáu, bảy tuổi.
Lão Tư đang loay hoay buộc chiếc giỏ nhựa đựng tản đá mài nhẵn láng sâu lõm một phần giữa vào một đầu đòn gánh- ngước lên nhìn bà mận- cười thoải mái :
“ Hà hà… người ta biết tôi sống một mình, sớm tối không có ai trò chuyện, nên mới cho tôi con chim đấy !”.
- Có con ma nào đến đây để trò chuyện với lão ?- Tiếng bà Mận buông thõng.
- Có bà không chịu qua thì thôi, cách một hàng rào mà như người lạ…
- Thôi đi ! giọng bà giẫy nẫy, ông đừng có nhiều chuyện…
Tính theo tuổi, bà Mận chỉ nhỏ thua vợ lão vài ba tuổi, nhưng về nhan sắc thì thua vợ lão xa. Vợ lão đẹp tự nhiên từ hồi 16,17- về làm vợ lão đâu được mươi năm, có ba mụn con- hai gái, một trai- rồi bỏ lão để trốn theo gã bán thuốc dạo lang bạt từ một tỉnh nào xa lắc phía Nam ; năm bà ba mươi bảy tuổi. Món gì đẹp thì ít khi bền. Không ở lâu với đời mình- nhiều người xầm xí như vậy. Đàn bà đẹp càng dễ mất sang tay người khác…
Chồng bà Mận thì nghiện rượu, say xỉn đập phá, gây náo loạn cả ngày. Ông mê rượu như vợ lão mê tiền. Ông chết thảm trong một tai nạn trên phố, tự mình đâm xe vào cột điện năm bốn mươi hai tuổi. Lão nghĩ, hễ “ say” cái nào, thì sẽ chết theo cái ấy. Chồng bà Mận” say, mê” rượu đã chết vì rượu, nhưng vợ lão “say” tiền có chết vì tiền chưa ? Lão mơ hồ thấy, trước sau gì, bà ấy cũng sẽ chết vì tiền thôi. Dần dà lão không còn nỗi căm tức vợ như bấy lâu, nhưng ngày càng xót thương người bạn đời chung chăn gối bao năm đang nổi trôi lưu lạc không biết sống chết thế nào…
Lão Tư Quế đã buộc kỹ hai đầu đòn gánh, chuẩn bị uống tách trà rồi ra đi. Tiếng bà Mận bỗng nhỏ nhẹ:” Ông đi làm rồi bỏ con chim cho ai?”.
Lão nhìn bà Mận. Bà ấy dạo này bỗng mập, trắng ra nhỉ ? Lão cười với ý nghĩ, đàn bà không chồng thì mập, còn đàn ông không vợ thì ốm-“ Ông cười nhạo tôi đấy à ?”-Bà Mận làm bộ giận.
- Không. Lão cười lớn, tôi nhạo bà thì nói chuyện với ai ?
Lão đứng dậy, bước tới một bước giáp mặt bà Mận-nói nhỏ:” Bà cho tôi gởi con chim đằng ấy nhé !- Tôi đã có đủ thức ăn cho nó cả ngày rồi, bà khỏi lo…”.
- Thôi đi. Bà hơi lùi ra xa, ông đừng có kiếm chuyện qua lại nữa…
Nói thì nói vậy, nhưng bà Mận vẫn vui vẻ xách chiếc lồng chim về nhà, theo sau là hai đứa cháu ngoại vỗ tay, cười.
Từ ngày có con Hoàng Ly, lão Tư có vẻ linh hoạt, trẻ lại năm ba tuổi. Lão thường cười vu vơ, rồi chuyện vãn với Hoàng Ly, như tâm tình với một người thân: “ Mày đừng có chê, ráng ăn cho no, cho mập mà ở với lão “. Lão chợt cười- “ Đừng có bỏ lão như mụ vợ đỏng đảnh say tiền nhé, con ! Tham thực thì cực thân thôi con à !”.
Lão vừa nhìn Hoàng Ly, vừa dùng chiếc kéo nhỏ cắt từng miếng thịt bò đã được bà hàng thịt thái mỏng. Bấy khi, đến buổi trưa, lão ghé quán cơm bình dân trong chợ ăn dĩa cơm bốn ngàn. Nay có Hoàng Ly, lão chỉ gọi dĩa ba ngàn.
- Mấy hôm ăn bốn ngàn, nay kêu ba, làm sao no được cha ?. Giọng bà chủ khô cứng càm ràm.
- Thì mình nhịn ăn một chút, cho chim nó ăn. Lão cười khà khà.
Hoàng Ly đúng là đang thèm thịt, nó nhảy chồm lại, cúi đầu xuống dĩa thịt, mổ lên một nhúm. Đè thịt dưới bàn chân, nó mổ từng miếng nhỏ, ngước cổ nuốt ực ngon lành. Nó ăn thịt có vẻ thành thạo, gắp thịt lên, đè dưới chân, sau đó rỉa từng miếng nhỏ gọn gàng. Nó vừa ăn, vừa nhảy nhót, trông như đứa trẻ liếng thoắng hám ăn.
Lão Tư pha cho mình bình trà, đặt lên chiếc bàn gỗ thấp giữa sân, vừa nhâm nhi, vừa phì phà khói thuốc. Một ngày xuôi ngược rảo bước khắp các dãy phố chợ để mài dũa những con dao cùn, những chiếc kéo của mấy cô thợ may bị “ cuốn lưỡi”, mẻ cờn để đổi lấy hai dĩa cơm. Ngày nào đắt, còn dư, ông gom góp bỏ vào trong chiếc túi nilon, phòng khi “ trái gió trở trời” không đi làm được. Lão sống một mình từ ngày đứa con trai út học nghề lái xe, rồi ưng con gái bà chủ, sống ở Sài Gòn đã hơn mười năm nay. Hai cô con gái, có chồng, rồi cũng bị cột chân ở nhà chồng dường như quên bẵng lão rồi ! Lão thương con, nhớ cháu, nhưng khó có thể sống chung với đứa nào, vì lão vẫn nghĩ, không có đứa nào hiểu được lão. Khó hiểu được tuổi già trong lúc chúng còn quá trẻ. Nước chảy xuôi, đâu có dòng nước nào chảy nguợc. Nước và người phải khác nhau chứ ?
Lão Tư Quế ngồi thầm trong bóng đêm trước sân, lắng nghe tiếng động của Hoàng Ly. Nhưng nó vẫn lặng im phăng phắc. Có lẽ nó đã ngủ ? Loài chim xinh đẹp nhưng dại dột này mỗi khi ngủ thì rúc đầu vào sâu trong cánh. Lúc đó, trông nó như một khối lông tròn, không có đầu. Ban đêm nhìn thấy nó ngủ, ai bắt cũng được. Dễ như lật bàn tay. A , mà loài nào rồi cũng có chỗ yếu, chỗ dại dột của nó. Trời sinh ra như vậy rồi mà. Lão nói thầm.
Tiếng bà Mận nói vọng sang bờ rào :
- Ông nghĩ kỹ chưa, ông Tư ! Bán quách nó đi, được lãi hai trăm ngàn. Lão Tư cười khô :
- Bán nó đi rồi ai ở với tôi ?
- Lại kiếm chuyện.
- Bà có chịu sang đây không thì tôi bán ! Lão cười lớn, cảm thấy rạo rực lạ.
Không nghe tiếng bà Mận đáp, nhưng lão biết bà đang ngoe nguẩy đi vào. Chiều chiều, từ phố chợ thị trấn, lão háo hức trở về nhà để được gặp lại Hoàng Ly, cũng là để nói vài câu bâng quơ xa gần với bà Mận, và cũng để cười cợt với hai đứa cháu ngoại của bà đang đón chờ “ Ông Ngoại” mang mấy bì Oishi về làm quà. ( Lão thường bắt hai đứa gọi lão bằng “ Ông Ngoại” để được nhận quà như thế).
Chiều nay, lại có tay đá gà trong xóm trên ghé vào nhà bà Mận xem Hoàng Ly. Tiếng hót của nó mỗi ngày càng gọi thêm khách phương xa có dịp qua làng ghé lại. Gã trả giá ba trăm ngàn ( hơn tay buôn chó một trăm) nhưng bà Mận bảo đến sáng mai sẽ trả lời. Vừa về đến cổng, bà đã đoan đả chạy ra như vợ đón chồng, lão vừa vui vừa ngạc nhiên:” Có chuyện gì vậy bà ?” “ Chuyện gì nữa ? Chuyện con Hoàng Ly ấy mà !” “ Con Hoàng Ly ra sao rồi ?”. Lão lo lắng. “ Nó có làm sao đâu, gã chọi gà trả giá ba trăm, ông đồng ý không ?”.
- Nghe có tiền lời nhiều cũng ham, nhưng người ta chơi được thì mình cũng chơi được vậy, bán làm gì ? Ba trăm ngàn cũng lớn thật, sức tôi làm cũng hơn mười ngày, nhưng bà biết đấy…
Lão bỏ lửng câu nói, phần sau chỉ nói thầm với mình :”… nhưng bà biết đấy, tôi sống cô độc, có một mình, ai làm bạn lúc đêm hôm, khi trời hừng sáng…”. Chỉ vì sợ bà Mận nghe lời tâm sự sẽ bảo ông “ kiếm chuyện” này nọ, mà đành lặng yên.
Một buổi chiều cuối thu, nắng trở màu vàng vọt, yếu ớt, báo hiệu những ngày đông dài giá rét, mưa bão. Lão Tư vội vã về nhà sớm hơn mọi ngày để tắm cho Hoàng Ly lúc còn nắng. Cả tuần rồi về muộn, không tắm cho Hoàng Ly được, lão cảm thấy bức rức. Chòm lông màu vàng mịn màng trước ngực nó đã bắt đầu ngã màu. Chiếc lồng sắt màu xanh cũng cần được lau rửa lại cho sáng sủa. Và lão cũng thèm nghe tiếng hót của nó vào buổi chiều còn hảnh nắng. Tiếng hót dài, từng tràng, âm thanh trầm bổng như ríu rít trò chuyện. Sáng sớm ra đi, chiều tối trở về, lão chỉ được nghe tiếng hót vang của nó khi trời vừa hừng sáng. Tiếng hót cao, to, khoẻ như lời gọi đàn lúc còn thong dong ở rừng núi ; đã khơi gợi cho lão một niềm vui, niềm hy vọng nào đó thật mơ hồ, nhưng cũng thật ấm áp.
Bà Mận ra ngồi ngay trước cổng vào nhà để ngóng chờ. Vừa trông thấy dáng lão hiện ra sau bờ rào bà đã chạy ào tới, bám một bàn tay vào vai lão :” Ông Tư ơi, con chim Hoàng Ly, chim Hoàng Ly bị mất cắp rồi !”. Giọng bà lạt đi, hụt hẫng.
- Sao ? . Lão hỏi như thét, bà nói Hoàng Ly bị… kẻ trộm lấy đi rồi hả ?
- Chúng lấy đi mất rồi ! Bà nói như chực khóc.
Quẳng gánh đồ nghề xuống sân, lão nhìn chăm chăm về phía hiên nhà nơi lồng chim thường được treo ở đó. “ Quân tệ bạc !“. Lão thốt lên và cơn đau thắt ngực đang bắt đầu thức dậy. Bà Mận ngồi bên cạnh lão tỉ tê thuật lại chuyện hai gã đàn ông, một ngồi trên xe honda đứng ngay trước cổng; một chạy vào nhà xách lồng chim vọt ra, lên xe, nổ máy… trong lúc bà đang ru cho đứa cháu nhỏ ngủ. Nghe tiếng chim kêu bất thường, bà vụt chạy ra, nhưng chúng đã biến dạng. Buổi trưa vắng vẻ, không một bóng người.
- Quân khốn nạn thật. Bà hậm hực.
Lão Tư ngồi im. Cảnh bắt trộm chó bằng sợi dây thòng lọng của gã ngồi phía sau xe honda, lão vẫn thường gặp trên các nẻo đường lên phố, nhưng không ngờ một cánh chim nhỏ bé như Hoàng Ly cũng không lọt khỏi đôi mắt cú vọ tham lam của chúng.
Bóng đêm đã dần dần phủ kín vuông sân, gió thổi siết và lạnh. Lão Tư vẫn còn ngồi yên giưã cơn đau, nghĩ ngợi mông lung. Hoàng Ly bị mất vì bộ lông đẹp, tiếng hót hay , cũng như vợ lão bị mất vì xinh xắn, duyên dáng. Thêm một lần nữa, lão cảm thấy bất lực trước những bất hạnh, khổ đau của đời mình như bấy lâu.
- Ông hãy quên đi, ông Tư à, tiếc làm gì cho thêm khổ. Tiếng bà Mận thì thầm như lời tự an ủi, tự trấn an mình.
- Tôi không tiếc. Lão cưỡi mơ hồ, nhưng tôi buồn…
- Tôi cũng buồn như ông vậy. Bà Mận chợt đưa tay cầm lấy bàn tay lão, siết chặt.
Mảnh trăng non đã hiện lên trên bầu trời thẩm đen như vầng sáng của một niềm hy vọng. Lão Tư thoáng nhìn lên mảnh trăng, rồi nhìn chậm lên gương mặt nhạt nhòa của bà Mận, lòng tràn ngập thương yêu.
Lão Tư Quế thở dài :” Nếu biết vậy thì tôi đã thả cho nó bay đi từ hồi nào rồi !”.
Tháng 9/2007