Quà Trung Thu Gửi Ba
Cách đây hai năm, một buổi chiều dẫn hai con đi phố để mua quà Trung Thu cho chúng; tự nhiên tôi bỗng nhớ đến ba tôi vô cùng. Có lẽ dịp lễ Vu Lan vừa qua tôi trở về vội vã và ra đi cũng vội vã, nên cảm thấy vừa tiếc nuối, vừa ân hận – tình cảm ấy cứ ẩn hiện trong tôi suốt tháng nay. Suy tính việc mua quà Trung Thu cho con khiến tôi nhớ lại những món quà mà ba tôi luôn dành sẵn cho hai chị em tôi trước cả tuần lễ, thuở trước. Và ý nghĩ này cũng chợt đến trong đầu tôi : “Tại sao mình không gửi quà Trung Thu về cho ba nhỉ? “.
Người ta thường nói: “Người già như trẻ con” – nghĩa là người già có nhiều điều giống như trẻ con. Đôi tay gầy yếu, run rẩy, hay bàn tay sưng khớp cử động không tự nhiên nên cầm nắm một vật gì cũng dễ rơi rớt. Đôi chân không bước đi lẹ làng, vững chãi nữa, nên dễ bị vấp ngã. Đôi hàm răng sếu rụng, ăn uống chậm chạp, phều phào, khó khăn. Về mặt sinh lý là vậy, nhưng phần tâm lý lại cũng có nhiều điểm giống trẻ con hơn : Hay mủi lòng và ưa hờn lẩy. Thích những lời an ủi, ngọt ngào. Mong có người trò chuyện… Tôi nghĩ thêm : Những cái “tật’ trong câu tục ngữ “già sanh tật, đất sanh cỏ” có lẽ là vậy. Rồi đây, khi tuổi già ập đến, ai ai cũng sẽ có cái “tật” như thế cả. Thời gian và kinh nghiệm sống đã cho tôi ngày càng cảm thông nhiều hơn với ba tôi.
Tôi quyết định chọn mua cho ba tôi một món quà nhỏ : Một bộ Pyjama màu vàng nhạt, và một hộp bánh Trung Thu Đông Phương.
Về nhà, tôi chỉ vào hai gói quà đã được bao bọc kỹ – hỏi cậu em tôi : “Em đoán em chị gởi quà cho ai đây? “.
-Chịu! Bạn của chị nhiều, em biết làm sao được? – Giọng lơ đãng.
-Quà Trung Thu cho ba đó – tôi đáp vội. Liếc nhìn phản ứng của cậu em.
Cậu em tôi quay lại nhìn kỹ hai gói quà – cười cười:
-Ba đã gần bảy mươi rồi mà chị vẫn luôn xem ba như là … trẻ nhỏ!
-Chứ tuổi già không phải là quay trở lại thời con nít hay sao? – Tôi cãi lại.
Tôi định sẽ giải thích thêm nhưng An – tên cậu em, đã chợt hiểu ra : “Ba đang cần niềm vui, dù rất nhỏ, từ con cháu – chị sẽ làm cho ba ngạc nhiên, có được một ngày vui đấy!” – “Thế em đi bưu điện gửi ngay cho ba chiều nay nhé!”.
Ba tôi là một người thợ rèn. Chuyện làm dao, kéo, rựa và đôi khi cả lưỡi cày nữa. Ông thường kể lại quãng đời đi học làm thợ lúc vừa thi xong bằng Premecine. Mười tám tuổi đã mở lò làm riêng. Nếu có người đặt làm thì ưu tiên ; lúc vắng thì cứ làm để đó bán sỉ lại cho bạn hàng đến mua đem ra các chợ bán lẻ. Và ông đã gặp một “bạn hàng” hiền thục, đẹp gái – ấy là mẹ tôi.
Sau ngày cưới, mẹ tôi nhận việc quảy hàng đi các chợ bán. Có chợ xa, năm mười cây số ; mẹ tôi phải thức dậy thật sớm, lo cơm nước cho cha con tôi, và giở cho mình một mo cau cơm ; ra đi từ khi trời chưa hừng sáng.
Dầu phải miệt mài làm việc suốt ngày bên bếp lò nóng hừng hực, ông vẫn luôn dành thời gian đưa tôi đi học và về rất đúng giờ. Trên chiếc xe đạp “đòn dông” hiệu Pacifice cũ kỹ, ông luôn buột sẵn một chiếc gối nhỏ để cho tôi ngồi phía trước. Ông vừa đạp xe, vừa trò chuyện với tôi. Đó cũng là thời gian tôi được gần gũi ông nhất, bởi vì trong ngày ông luôn bận bịu với những thanh sắt, còn tôi thì lo học hay phụ việc với mẹ…
Năm tôi lên cấp 2, thì An cũng bắt đầu xin vào lớp Một. Mẹ tôi dành dụm mua cho tôi một chiếc xe đạp Mini để vừa đi học, vừa đưa đón An cho ba tôi đỡ vất vả. Vui mừng vì nhìn thấy tôi tự đi học và chở An cùng đi không được một tháng thì mẹ tôi mất! Bà đã lo cho chị em tôi thật đầy đủ trước khi ra đi : Ao quần mới, căp vở mới, giày dép mới – và nhất là chiếc xe đạp mới đã tích góp biết bao là mồ hôi của mẹ trên các nẻo đường kẽo kẹt quảy hàng ra chợ.
Năm ấy ba tôi vừa đúng bốn mươi tuổi. Vắng mẹ tôi, ba tôi thường gần gũi chị em tôi hơn : Ông luôn thu xếp công việc trước xế chiều, để có thời gian cùng chúng tôi ra bến sông Trường Thi tắm giặt ; trước khi ăn cơm tối. Khi chúng tôi đã chui vào mùng ngủ thì ba tôi mới bắt đầu pha cho ông một bình trà, đặt trên chiếc bàn nhỏ, kê ở đầu hiên…
Một lần, tôi bị cảm sốt, đêm khó ngủ. Tôi thức giấc giữa khuya, nhìn qua của sổ, tôi vẫn còn thấy bóng ba tôi ngồi im lặng bên ngọn đèn dầu nhỏ. Tôi rón rén xuống giường, bước ra cửa, nhìn thấy hai mắt ba tôi đầm đìa nước mắt. Gương mặt ấy, đôi mắt ấy – những giọt nước mắt ngập tràn thương yêu ấy, đã in sâu trong tâm trí tôi đến nỗi hễ nhớ ông là y như hình ảnh ấy lại hiện lên – rõ ràng như vừa mới trông thấy. Và cũng nhờ lần gặp tình cờ này, tôi hiểu ba tôi hơn. Tôi hiểu cả nỗi cô đơn của ông, cho dầu ông đang sống bên chị em tôi. Tôi cũng hiểu tại sao bác Tâm Cảnh – bạn vong niên của ba tôi, đã mất đúng vào dịp cúng tất 100 ngày cho vợ. Lời tâm tình của bác với ba tôi mà tôi thoáng được nghe như một nỗi cay đắng lớn lao của đời người : “Không người thân, con cháu nào có thể an ủi, săn sóc mình bằng người bạn đời của mình cả anh à!” Người bạn đời nhân hậu thủy chung có lẽ là tài sản quý báu của đời người. Còn có gì hạnh phúc hơn khi đôi vợ chồng già sống keo sơn bên nhau khi đời đang xế bóng?
Hai mươi bốn năm đã trôi qua. Tôi đã lập gia đình, có hai con, đang sống và làm việc ở Sài Gòn. Còn An, hiện đang giảng dạy ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ. Hai chị em tôi đều phải sống xa ông. Lúc vừa tốt nghiệp trường Dược, tôi nuôi ý định về quê xin việc để được gần ba. Việc thì dễ xin vì Bệnh viện Đa khoa huyện chưa có dược sĩ đại học, nhưng lương thì quá ít. Làm cách nào tôi có thể giúp An học hết hơn bốn năm ở Sài Gòn ? Chính ba tôi luôn thúc đẩy tôi phải vào Sài Gòn để tìm việc. Ông nói : “Con nên nghĩ tới em hơn ba. Ba đã yên phận rồi, còn em thì đang bấp bênh…”.
Đến ngày An tốt nghiệp dầu với loại giỏi, về quê nằm cả mấy tháng, nộp đơn ba bốn chỗ – không chỗ nào gọi đi làm. Tuy địa phương vẫn có chủ trương khuyến khích sinh viên giỏi về quê, góp phần xây dưtng quê hương – nhưng từ “chủ trương chung” đến việc “thực hành riêng” cũng lắm nhiêu khê! Thế là chúng tôi đành đồng ý để An vào Sài Gòn tìm việc. Ba tôi nói : “Tương lai của em còn dài – đời ba chỉ rất ngắn, nên cho em có cơ hội làm việc, tiến bộ. Làm việc ở đâu, cũng là cho đất nước cả mà!”.
Ngày An ra đi, tôi và An đã thỏa thuận, cùng cam kết với ba là, mỗi năm chúng tôi sẽ về thăm ông ba lần : Thứ nhất, vào dịp sinh nhật của ba, thứ hai vào ngày lễ Vu Lan, thứ ba – ngày Tết Nguyên đán. Trong nhiều năm nay, chúng tôi đã cùng nhau nhắc nhở, làm tốt điều ấy.
Ba tôi đã có lần tâm sự : “Sức khỏe không còn nhiều để cầm búa, cầm dũa – ba chỉ nhận mài kéo cắt may – mỗi ngày cũng 5, 10 cái – kiếm trên mười ngàn, thế là vừa vui, vừa có tiền sống qua ngày rồi. Hai đứa cứ về chơi, không cần mang theo quà cáp, tiền bạc; các con sẽ còn lo cho con cái sau này nữa...”
Tôi suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra món gì có thể làm quà Trung Thu cho ba năm nay. Hai lần trước, đều có thứ ba “trách” . Lần đầu: “Ao quần ba còn nhiều, mặc đến ngày theo mẹ con vẫn còn thừa. Chỉ có hộp bánh – ba vui với mấy ông bạn hàng xóm một đêm đón trăng…”. Lần hai : “Hộp băng tụng kinh và thuyết pháp giúp ba đêm đêm ngủ ngon giấc hơn ; còn hộp trà sâm – con gởi làm gì cho tốn kém thế?”.
Trước tiên, tôi hỏi ý kiến của chồng tôi :
-Anh nghĩ xem, em gởi quà gì cho ba nhân dịp Trung Thu cho thích hợp nhỉ?
Anh suy nghĩ giây lâu – cười :
-Câu hỏi khó trả lời đây ! – Anh lại cười, hay là em gửi cho ba hộp Tot’héma hay Homtamingingseng cũng tốt…
Tôi bật cười :
-Quà của bác sĩ có khác! Nhưng đây cũng là một ý nghĩ hay – Em sẽ “xét” lại sau!
Tôi tìm đến chị bạn :
-Em muốn gửi quà Trung Thu cho ba em, vậy nên gởi gì cho ông, hở chị ?
Nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên – một thoáng im lặng, chị cầm tay tôi :
-Thú thật với em là chị chưa gửi quà Trung Thu cho ba chị lần nào … Em coi thử ông ấy đang cần gì, thích gì?
Sau cùng, tôi đến chung cư Cách Mạng Tháng Tám tìm gặp cậu em. An đang miệt mài ôn thi Thạc sĩ nên cả tuần không ghé lại nhà tôi chơi. Ở đất Sài Gòn rộng lớn, đông đúc thế này, nhưng chỉ có hai chị em tôi là quyến thuộc. Là nguồn an ủi của nhau. Là nơi có thể chia xẻ mọi nỗi niềm. Không đợi ba nhắc, chị em tôi vẫn gặp nhau hằng tuần. Có đám tiệc nào vui, chồng tôi vẫn điện cho An cùng tham dự. Cậu ấy đã ba mươi mà vẫn chưa chịu cưới vợ. An có quan niệm về việc cưới vợ rất già dặn : “Khi chưa có tương lai vững chắc, khi chưa có nhiều tiền, thì nên hãy khoan nghĩ tới chuyện rắc rối ấy. Có vợ, có gia đình – là hạnh phúc. Nhưng “hạnh phúc” không ai cho không, mà phải có cái gía của nó ; phải thế không chị?”.
Tôi kéo nhẹ vào cánh cửa sắt phòng An :
-An ơi, mở cửa cho chị… Có chuyện cần gấp đây!
An mở cánh cửa gỗ, trông thấy tôi – vừa tra chìa vào ổ cửa sắt, vừa hỏi : “Chị có việc gì cần vậy?”.
Tôi chưa đáp vội, hỏi lại :
-Em ở nhà mà khóa hai lần cửa làm gì?
-Em quen rồi! Ở đây cũng có nhiều việc rắc rối lắm. Tháng trước, nhà đầu dãy tầng một bị bẻ khóa, cạy cửa – An cười, nhà em thì dù chúng có bật đèn giữa ban ngày, cũng chẳng tìm ra tiền…
Tôi nhìn An – cười lớn :
-Bởi vì chính em trong túi bao giờ cũng rỗng, đúng không?.
Tôi kéo An cùng đến ngồi ở đi văng – giọng khẩn thiết : “Năm nay, theo em – chị gởi quà gì cho ba?“.
-Em cũng có nghĩ đến, nhưng chưa có quyết định nào rõ ràng – An đáp chậm chạp.
-Hay là chị em mình cùng ra phố dạo xem…
-Hay đấy… An reo lên, em sẽ đi với chị…
Trung Thu 2000