MANG VIÊN LONG

 

Quán Bên Sông
Truỵện Ngắn

 

Ngồi ở chiếc bàn dưới gốc cây hoa Sứ của quán café “Lối Về” nhìn ra con sông tĩnh lặng mầu xanh thẩm phía bên kia kè đá; những cồn cát vàng hiền từ ngoằn ngoèo phía dưới với những khóm cỏ hoe vàng, con đập cao mầu trắng như con đường nối liền hai bờ sông, từng đoạn thác nước đổ lấp lánh dưới ánh nắng buổi sớm. đàn cò chao nghiêng lượn lờ trên nền trời xanh trong từ lũy tre dài bao quanh ngôi làng yên bình và im lìm – lần nào đối diện với cái khung cảnh ấy - Đệ cũng cảm thấy có thêm điều mới lạ như từ trong sâu khuất của lòng mình có thêm một niềm an vui mơ hồ đang dấy lên, mở rộng - mong manh nhưng lan tỏa, dần dần che khuất nỗi buồn của đời sống cô quạnh mà đã gần ba năm anh ngơ ngác lặng lờ nơi căn nhà ẩm mốc và trống trải của dì Cát khi trở về lại nơi đây. Đệ đã trở về nơi đây – quanh quẩn trong ngôi nhà dì Cát như một sự cùng đường - một bến bờ phải neo lại cho đám rong bèo bồng bềnh truân chuyên …

Từ ngày cùng Tiểu Hương ngồi vào chiếc bàn nầy bên tách café buổi sớm chủ nhật còn lãng đãng sương mù – nhìn dòng sông trời mây quang đãng tĩnh lặng. chiếc cầu cũ mười lăm nhịp trơ vơ hoang phế một thời dập dìu ngựa xe, một thời khói lửa đạn bom thù hận -- Đệ đã cảm thấy mình được gần gũi hơn với một chút trời xanh, một chút nắng ấm, một chút hy vọng – nên vẫn thường lui tới quán một mình khi Tiểu Hương còn ở thành phố. Thức dậy sớm – sau lúc ra vườn chăm sóc thửa rau, cụm cây Trinh nữ hoàng cung, hàng cây đu đủ, giàn bầu bí, mấy khóm hoa – Đệ hối hả tìm đến chiếc quán đơn sơ, trống trải bên con sông này như tìm về chốn an bình chờ đợi cho dù đôi khi bước chân vào khoẳng sân thỉ sự yên vắng vẫn mênh mông, và tiếng nước từ con đập phía trên rào rào vang lại đều đều, êm ả như lời ru thủy chung cần mẫn bên làng quê còn say giấc ngủ.

Gần ba năm – hơn một ngàn ngày đêm nhìn thời gian lờ lửng trôi qua đời mình, Đệ càng nhận ra nỗi cô đơn vô vị tẻ lạnh của cuộc sống phù du ngắn ngủi – nhưng ý tưởng sẽ viết tập “ Hồi Ký Một Đời Người” đã bao lần thôi thúc trong anh như nỗi ám ảnh không rời vẫn chưa có thể bắt đầu. Đệ đã quyết định rời Saigon về lại quê ngoại khi nhận được kết quả xét nghiệm, chính cũng vì sự thôi thúc réo gọi về một tập hổi ký sẽ hình thành như niềm an ủi, niềm vui cuối – trước khi anh rời khỏi cõi tạm nầy vỉ bênh ung thư dạ dày vào cuối giai đoạn một. Thật ra, Đệ cũng đã bắt đầu nhiều lần – đã viết những trang đầu vào cuốn vở dày mang theo vào những lúc không thể ngôi yên chịu đựng nỗi cô quạnh hiu hắt quanh quẩn bên mình; nhưng, vài hôm sau – lại xé bỏ! Đọc lại, anh cảm thấy những dòng chữ trở nên khô cứng, sao mà trần trụi vô nghĩa đến thế? Những khổ đau đã quấn vào đòi anh ngay từ ngày anh vừa mới bước đi chập chững. Khổ đau và lận đận tiếp nối theo từng bước chân, từng năm tháng bơ vơ. Ngồi mà nhớ lại mọi cuộc truân chuyên trong căn nhà vắng tênh buồn thãm đìu hiu nầy qủa thật quá sức chịu đựng của Đệ. Bước chân vào ngôi nhà đã bỏ hoang của dì Cát. Đệ đã có cảm giác – ước mơ của anh về tập hồi ký thật khó thực hiện ở đây. Ngày còn ở Saigon – cảnh náo nhiệt quay cuồng có làm anh bực bội, không yên – nhưng, nó không dìm anh xuống sâu dần nỗi cô độc và dằn vặt như ở đây. Sự trống trải đến tê cứng từng ngày đã khiến Đệ thêm hoang mang, ngo ngác cho phận mình. Cứ mỗi khi nhìn mặt trời ngã dần sang hướng Tây - ánh nắng chiều vàng vọt, cánh đồng vắng người, hoàng hôn thấp dần dưới chân núi mờ xa – Đệ lại cảm thấy lo sợ! Đêm dài dặt sẽ đến. Bóng tối kín bưng của bao kỷ niệm. những lo toan, mớ suy tưởng mộng mị chập chùng, sẽ kéo dài theo giấc ngủ rời rạc của anh gần mười hai giờ…

Từ ngày gặp Tiểu Hương – lạ thay, Đệ đã cảm thấy khung cảnh quanh anh như tươi mát, gần gũi, thân thiết hơn, Anh bắt đầu nhớ đến những tháng ngày cùng San la cà trên bờ cát dưới chân đập Bẩy Yển của đoạn sông Côn chảy qua cầu Phụ Ngọc. Nhớ những chiều bơi lội dưới dòng nước trong mát, những cánh diều chấp chới, những đêm có trăng tắm xong cùng rủ nhau vào soi bẻ bắp, hay hái dưa gang trộm. Tất cả như vừa mới xảy ra, còn đó của thời tuổi trẻ hồn nhiên…Và, điều lạ lùng – Đệ đã miệt mài viết trở lại những trang hồi ký đã xé bỏ - đều đặn năm ngày trong tuần – cho đến bốn giờ chiều ngày thứ bảy. khi nhìn thấy bóng Tiểu Hương trên chiếc xe Kawaki mầu xanh thẫm gập ghềnh trên chiếc cầu ván bắt qua dòng mương nhỏ vào làng, thì mới cẩn trọng xếp lại bỏ vào ngăn tủ sách. Đã gần nửa năm nay- buổi chiều thứ bảy Tiểu Hương ghé thăm anh quay vòng như chiếc kim đồng hồ chính xác, khiến Đệ ngày càng tin yêu Tiểu Hương, khuất lấp bao nỗi ưu tư dằn vặt về nàng. Dù là năm cuối với bao lo toan, bận rộn – nhưng Tiểu Hương chưa bao giờ sai hẹn vào mối sáng sớm chủ nhật nơi chiếc quán nhỏ bên dòng sông quê dịu hiền này. Nàng không hứa thủy chung. Không thề son sắc. Nhưng cứ nhìn vào nét mặt như chiếc hoa vạn thọ hiền từ tươi tắn mối lần gặp lai, nghe giọng nói chơn chất nặng tình từ đầu ngỏ, và đón nhận từng gói quà nhỏ từ bàn tay nặng tình của Tiều Hương như ngày nào hân hoan nhận quà từ tay mẹ đi chợ về… ( Đệ vẫn thường nhờ mẹ nàng làm giúp cho hủ muối mè đen, hủ muối đậu phụng hay hủ tương đặc biệt mà bà thường bán vào những ngày mồng một và rằm – nhờ Tiểu Hương mang đến vào cuối tuần. )

Tiểu Hương đến bên đời anh rất tình cờ và khó hiểu - như cơn gió lạ buổi sớm, khi Đệ ghé chợ Cây Bông mua ít vật dụng cần thiết cho mỗi tuần. Nàng phụ mẹ bên quày hàng nhỏ, bày biện đơn sơ những thứ lỉnh kỉnh cho người dân ở các làng bên cạnh không có điều kiện về thị trấn – trong căn lều tranh dựa lưng vào vách nhà hàng xóm. Điều khiến Đệ để mắt đến Tiểu Hương không hề dính dáng đến một chút tình cảm yêu thương nào, mà do sự ngạc nhiên – dúng vậy, một nỗi ngạc nhiên như nhìn thấy một con chim lạ vừa sà xuống một vòng tình cờ trước mắt mình: Nàng có nét mặt đầy đặn, đôi mắt biết nói, và đôi má có hai “đòng tiền” biết cười! Nàng lầm lũi bên người mẹ già nơi chiếc quán đủ thứ lỉnh kỉnh (mà rất cần thiết cho đời sống thôn dã) xuềnh xoàng trong bộ áo quần vải hoa bạc mầu, mái tóc buột túm phía sau bằng sợi dây vải …Lần gặp hôm ấy – dường như Đệ chì nói chuyện với mẹ Tiểu Hương thôi – cũng chỉ là những chuyện thăm hỏi bâng quơ, những giao hẹn nhờ vã mẹ nàng giúp cho vài món mà anh không tự làm được để đủ sống trong tuần. Tiểu Hương vừa phụ bán hàng thay mẹ, vừa lóng tai nghe – thỉnh thoàng quay lại hỏi : “ Anh cũng là dân ở đây sao?” hay “ Anh đã xa quê từ bao giờ? “…Những câu hỏi trống không, như đã thân tình của Tiểu Hương khiến Đệ cảm thấy có thêm chút niềm vui nơi quê ngoại đã gần hai mươi năm cách xa…

Khi Đệ vừa được hai tuổi, một lần liều lĩnh theo chuyến xe buýt Nam Long xuống thị xã để mua vài loại thuốc cho con đang bệnh nặng – ông Trần - cha Đệ, bị chận ở trạm kiểm soát cầu Bà gi vì không đủ giấy tờ chứng minh “hợp lệ quân dịch”. Khoảng hai tuần sau – mẹ Đệ được tin ông đã bị chuyễn lên trung tâm huấn luyện Lam Sơn. Và sau mấy tháng thụ huấn – ông Trần đã trở về thăm nhà với bộ áo quần rằn ri đính huy hiệu chiếc đầu hổ, mũ bê rê mầu nâu đỏ. Được gần vợ con một tuần, ông lại vội vã đón xe đò đến trình diện bổ sung cho một đơn vị ở Pleiku. Trong bốn năm lang bạt khắp vùng núi rừng cao nguyên – ông Trần chỉ được phép về thăm nhà vài lần ( những lần quá nhớ trốn về một hai hôm không tính). Bà Sương – vợ ông, vẫn miệt mài trong chiếc quán dựng tạm bên đường để bán các loại xôi ( xôi bắp, đậu phụng, đậu xanh, đậu đen), gần ngôi trường tiểu học để lo cho Đệ, bù đắp sự thiếu vắng bàn tay chung lo của chồng trước đây.

Một lần về phép – ông Trần quyết định ở lại luôn bên gia đình khi vừa thoát chết ở mặt trận Dakto trở về! Cuộc chiến tương tàn thãm khốc ngày đêm đã cho ông thấy rõ giá trị vô giá của đời sống yêu thương bên gia đình nhỏ bé thuở nào. Ông khao khát sự yên ổn bình thường như tất cả mọi người biết bao! Ông đã bấm bụng chạy vạy nhờ làm lại thẻ căn cước lớn tuổi tốn kém gần một lượng vàng trong cảnh gia đình đang túng bấn. Yên ổn bên vợ con được hai năm – ông lại bị toán kiểm tra “đào binh” đến tận nhà xét hỏi vào giữa đêm, và bắt đi. Lần nầy, ông bị đưa vào tạm giam ở quân lao Nha trang chờ ngày ra tòa quân sự vùng 2 chiến thuật. Ở nhà, bà Sương sinh bé gái – ông Trần nghe tin, giành đặt tên cho con là “Khánh Nhật”. Khánh nhật – ngày vui, dù còn trong vòng tù tội, và cuộc sống rẩy đầy bất trắc phía trước- ông vẫn cảm thấy sự có mặt của con là một “ngày vui” nhất cho đời mình.

Ra tòa. ông Trần được trả về đơn vị cũ đang có mặt ở vùng Thạch Hãn nóng bỏng đạn bom. Năm đó, Đệ vừa thi đậu vào lớp sáu trường trung học đệ nhất cấp Dáo Duy Từ. Với chiếc xe đạp “đầm” của dì Cát cho mượn - Đệ đã đi về trong ngày, vì không có điều kiện ở nhà trọ như lũ bạn cùng xã. Rạng sáng một ngày đầu năm – tiếng súng. đạn pháo – và cả máy bay đã bất ngờ ùa đến - cày xới cả ngôi làng nhỏ bé của Đệ. Bà Sương và Khánh Nhật đã bị chết ngay trong ngôi nhà sập đổ vì pháo khi dang ngủ say . Đệ thoát chết. vì đêm trước đã về ngủ lại nhà dì Cát cho dì vui! Dì Cát - chỉ một lần không được toại nguyện khi người yêu học cùng lớp bị động viên nhập ngũ, vừa ra trường với chiếc lon chuẩn úy còn mới tinh đã bị chết trong trận dụng độ đầu tiên ở chân đèo Phù Ly; dì không mở lòng với bất cứ ai tìm đến nữa. Dì xinh xắn, dịu hiền và mời gọi như đóa sen hồng giữa đầm – nhiều ong bướm dập dìu săn đón, nhưng dì vẫn lặng lẽ chối từ…Có lẽ, tình yêu đầu đời là biến cố lớn nhất và không bao giờ quên của đời người chăng?

Dì Cát đã thay bà Sương lầm lũi trong chiếc quán nhỏ bên đường để tiếp tục lo cho Đệ ăn học ở thị xã khi gia đình nhận được giấy báo của đơn vị cho biết ông Trần đã bị mất tích trong một cuộc giao tranh kéo dài suốt ba ngày đêm ở Thạch Hãn sau ngày bà Sương và Khánh Nhật mất chưa được một tuần. May mắn ít khi đến được hai lần, mà tai họa thì luôn luôn rình rập là viễn cảnh của con người trong cuộc chiến dai dẳng bao năm! Ba năm ở bậc đệ nhị cấp dù vẫn nhận được phần tiền dành dụm ít ỏi của dì Cát gởi xuống để trả tiền cơm nhà trọ – Đệ vẫn nhận làm thêm nhiều việc như dạy kèm. chở thuê học sinh cấp một đi học, và phụ dọn hàng cho các hiệu buôn dọc phố để trang trải mọi chi phí…

Năm 78 – theo lời khuyên giải tha thiết của dì Cát – Đệ miễn cường nộp đơn xin thi vào đại học y thành phố nhu ý nguyện của cha anh. Phòng nhận đơn tuyển sinh của huyện đã gởi giấy cho gọi anh đến – yêu cầu chuyễn trường thi vì “diện” của anh – không thể dự thi vào trường này. Đệ viết lại đơn – chuyễn thi vào trường nông nghiệp theo gợi ý của người trường phòng tuyển sinh. Kết quả Đệ đã đậu vượt điểm chuẩn đến 7 điểm. nhưng một lần nữa – đơn xin cắt khẩu nhập học của anh bị từ chối vì “Con của ngụy quân bị mất tích. Lý lịch không rõ ràng”.

Nấn ná ở lại quê được hai năm làm đủ mọi nghề, mọi việc dể kiếm sống – Đệ quyết định xin dì Cát vào Saigon…Hơn mười năm lưu lạc lận đận nơi phố thị xa lạ rộng lớn rẫy đầy phiền nhiễu – cuối cùng, Đệ cũng đã được người giám đốc công ty thiết bị xây dựng nơi anh đang làm thư ký giúp đỡ cho một tờ hộ khẩu ở thành phố. Cùng vào năm ấy – anh thi đậu vào trường đại học kiến trúc. Người giám đốc tốt bụng vẫn cho anh nhận lương, theo học– nhưng làm việc vào ban đêm và các ngày nghỉ. Ngày tốt nghiệp, Đệ ưu tiên được nhận làm việc cho công ty cú – và được ông giám đốc mai mối cho người cháu gọi bằng chú đang làm thủ quỹ của công ty ông. Được quen biết Hạnh ngay từ ngày đầu vào làm việc cho công ty, nhận tháng lương đầu tiên từ tay Hạnh– nên Đệ không cảm thấy đột ngột và xa lạ. Anh chấp thuận đề nghị của người giám đốc ân nhân năm xưa với hy vọng sẽ về quê đón dì Cát vào chung sống. Nhưng, chỉ ở bên Đệ được một năm, khi mọi dự tính chưa định hình rõ ràng – Hạnh lại được gia đình thu xếp cho đi du học ở Mỹ. Là con duy nhất của gia đình cán bộ cấp cao ở thành phố - Hạnh luôn được cưng chìu. và ngoan ngoãn đi theo sự dẫn dắt của cha mẹ như một con cừu non mà không có chút phản ứng cần thiết nào. Hơn ba năm chờ đợi – ba năm có quá nhiều biến đổi bất hạnh cho anh – trong nỗi đau lớn nhất – là dì Cát qua đồi ở tuổi 56. Rồi một hôm, Đệ được cha Hạnh mời đến để “thương lượng” về chuyện Hạnh sẽ định cư lâu dài ở Mỹ - và có thể sẽ xin ly hôn với anh…

Giọng bà Thìn – mẹ Tiểu Hương, trầm nhỏ, đều đều một cung bậc – như vọng lại từ chốn xa xôi nào của bóng tối ký ức già cỗi: “ Cậu biết không, ở tuổi mười sáu, tôi đã bước vào cuộc đời khổ đau – kéo dài hơn hăm mốt năm, và cho đến hôm nay - đã trên sáu mươi sáu tuổi… ”.

Bà kể lại ngày đám cưới của bà được vội vàng tổ chức ở sân đình làng vào buổi chiều tối với người cán bộ nông hội huyện, để rồi hai ngày sau – chồng bà được lệnh đi dự cuôc họp khẩn của cán bộ toàn khu V ở Bồng Sơn. Trở về nhà. ông chỉ có đủ thời gian thu xếp mọi việc gia đình để chuẩn bị chuyến đi xa vào giữa năm 54 ở bến càng Qui nhơn…

Hai mươi mốt năm chờ đợi với bao nhớ thương và đọa đày của cuộc sống mới; bà vẫn lặng lẽ, cam chịu và mong ngóng tin ông. Bằng bặt bao năm – bà vẫn không hề nhận được tin tức gì để bám víu hy vọng đợi chờ (ngoài những “tin đồn” từ những người dân trong xã mách lại.) nhưng vẫn bền lòng son sắc cho đến ngày…

Tháng 8 năm 75 – bà nghe những người đồng hương từ miền Bắc trở về cho biết chồng bà đã chết năm 67 trên đường vào nam. Lần theo sự chỉ dẫn từ những bạn cũ của chồng năm xưa – năm sau, bà đã tìm ra Hà nội để rồi chỉ nhận được tấm giấy ghi nhận ngày tháng năm mất của chồng – “liệt sĩ Nguyễn Văn Ca”…

Ba năm sau. ở tuổi bốn mươi mốt – bà Sương đã chấp nhận lời cầu hôn của người bạn học năm xưa đã thầm yêu quý bà – nay đã là một thương binh. Và năm 81 – bà Sương sinh bé Tiểu Hương – lại bắt đầu một cuộc gian truân mới…

Đệ lặng lẽ châm thêm một điếu thuốc, lặng lẽ thở khói – nhìn lơ lửng ra con đường vắng vẻ chói chang ánh nắng, khô khốc, ngộp ngạt của ngày đầu hè. Khu chợ dã vằng hoe trong nắng. Con đường như cong lên trong cái nóng hừng hực đổ lửa. Nhìn cảnh chợ hoang vắng, nhìn những mái lều tranh, tôn, vải bạt xiêu vẹo, nhìn cái trống trải im lìm của hai dãy nhà bên đường – Đệ thở dài: “ Đời thiếm và em Tiểu Hương cũng khổ thật! “.

- Tội nghiệp con Hương – bà thì thầm, thiếm có giấy chứng nhận “ gia đình liệt sĩ”, nhưng nó không được chia sẻ cùng thiếm chút nào lại còn bị nhìn ngó, cư xử khác thường! Tình thương yêu dâu thể phân biệt phải không cháu”.

- Rõ ràng là vậy rồi! – Đệ bổng cao giọng. cuộc sống vốn đã có sẵn mầm mống khổ đau – thêm những phân biệt, thù hằn, chia rẻ - càng làm cho dời người thêm khôn đốn thôi, thiếm à! Đệ vừa an ủi bà Thìn, cũng vừa an ủi cho nỗi bất hạnh của chính mình bấy lâu.

Nhìn bà Thìn dưa chiếc khăn đang vắt ở cổ xuống lau vội những hạt nước mắt bất chợt lăn dài xuống gò má – Đệ cười:

- Cuộc đời là vậy thôi thiếm ơi! Biết đến bao giờ con người mới hết lòng thù hận. tranh gìành, để được gần gũi đằm thắm bên nhau …Bà Thìn ngước lên – thoáng nhìn Đệ, giọng phân vân:

- Đời thiếm không dài – thiếm biêt, nhưng chỉ lo cho cuộc đời con Tiểu Hương – cháu ạ! – giọng bà vẫn đều đều đến buồn bã – sau ngày nó ra trường rồi sẽ ra sao?

- Hơi sức nào mà thiếm lo quá xa vậy? – Đệ nhếch cười, rồi đâu cũng vào đấy thôi! Giọng anh to rõ - như cuộc đời của cháu đây. có khi nào cháu lại tưởng tượng ra được cái ngày trở về một mình hôm nay?

Bà Thìn im lặng.

Đệ lại lấy thêm một điếu thuốc gắn lên môi như muốn đốt cháy dần nỗi buồn đau đang thao thức trong anh…

- Em đã sáng chưa vậy?

- Chưa !- Tiêu Hương cười, à…em không bao giờ ăn sáng mà!

- Xưa nay vẫn vậy sao? Hay vì làm biếng?

- Dạ ! nàng che miệng cười, nhưng nhìn thấy hai đồng tiền lún vào đôi má đầy đặn thật rõ – Đệ cũng biết Tiểu Hương đang rất vui – nhà nghèo mà anh?

- Anh có đọc ở đâu đó một lời khuyên “ Hãy ăn sáng như một ông hoàng, ăn trua như một ông vua – và ăn tối như …một ăn mày!” – Đệ cười, có lẽ rất đúng đó em!

- Ăn sáng và ăn trưa như thế thì …đào đâu ra mà ăn chứ? – Nàng lại cười thoải mái – lời khuyên ấy có lẽ chỉ thích hợp với người giàu sang quyền chức thôi anh à!

- Dĩ nhiên là bà con mình còn nghèo – không được như ”ông hoàng, ông vua” thì cũng phải…ăn cho no chứ? Như em vậy – bênh đau có “chừa” người nghèo ra không? Hay chỉ để dành tiền mà nuôi cho bác sĩ thêm mập ra và các hiệu thuốc tây thuốc bắc ngày càng thêm giàu?

Tiểu Hương hớp từng ngụm nhỏ café sữa như thường lệ - hướng tầm mắt nhìn xa ra phía con đập đang rào rào bọt nước trắng xóa và khu xóm lặng lẽ bên kia sông. Một vài chiếc xe tải chở đất cát rầm rì qua cầu bê tông mới được xây lại kiên cố từ năm 2003 bên bờ phía dưới cây cầu cũ. Đệ nhìn hai chiếc cầu song song – cách nhau khoảng một trăm mét, nhận ra điều khác biệt: Cây cầu cũ từ thời Pháp thuộc qua bao lần bị phá sập vì bom và mìn. khẳng khiu. xiêu vẹo, trơ vơ như thân người già nua gầy gò cạn kiệt nguồn sống… Bổng Tiểu Hương quay lại – nhìn Đệ, reo lên: “ Anh có thấy con cò ở dưới chân đập không?”

- Có! - Vừa nói, Đệ gắng nhìn theo hường Tiểu Hương – nhưng sao lại chỉ một con?

- Con cò lẻ bạn mà anh…

- Cò thường bay từng đàn, đi từng tốp, đậu từng cặp…nhưng sao con cò này lại chỉ một mình vậy?

- Dâu phải bao giờ cũng có “đủ đôi, đủ đàn” anh?

- Trông nó đứng im, lặng lẽ một mình bên chân đập – thật buồn…

Đệ chợt nhớ đến lời thơ của người bạn ở Saigon đã nhắn qua máy cho anh ( anh ta vẫn thường nhắn thơ cho Đệ chứ không nhắn tin bình thường) : “ Đất- trời còn vẫn có đôi/ Cớ sao anh mãi đơn côi – một mình? “ – mỉm cười.

- Anh đang cười em sao?

- Không phải! – Đệ cười lớn, anh cười nhà thơ lãng đãng của anh ở Saigon kia mà! Ngẫm nghĩ một lúc, anh đọc chậm rải cho nàng nghe: “ Đất - trời còn vẫn có đôi / Cớ sao anh mãi đơn côi – một mình!”…

- Anh đã trả lời sao?

- Chưa - Anh cười hồn nhiên, anh dốt thơ mà! À, hay em trả lời giúp anh đi – cô giáo tương lai!

- Bằng thơ?

- Dĩ nhiên phải vậy rồi – chỉ cần 2 câu thôi! Ông nầy là thi sĩ cơ mà!

Tiểu Hương sau phút đắn đo – nét mặt nàng bổng sáng lên:

- Tạm thời như vầy – nàng lấy giọng, anh nghe có “lọt lỗ tai” không nhé: “ Lẻ loi bởi tại duyên trời/ đơn côi vì đất bời bời tang thương!”!

- Được rồi! Vậy cũng đúng y chang ý của anh mà!

Đệ không ngờ cô con gái mà bà Thìn nhiều lần nhắc đến như một “mẫu người khác thường” lại có một tâm hồn rất bình thưởng nhạy cảm. tinh tế đến vậy. Thuở bé, khi Tiểu Hương vừa lên ba – cha mất vì vết thương ở ngực của ông có mảnh đạn (hay bom?) chưa lấy ra được ngày đêm hành hạ - cô đã làm cho bà rất vất vả để nuôi nấng dạy dỗ vỉ cái tính lầm lì ngang bướng hơn cua! Tự mình làm, và quyết định mọi thứ - ngay cả chuyên ăn ngủ, sinh hoạt, học hành. Anh nhìn Tiểu Hương với ánh mắt cảm phục lẫn xót thương ngùi ngùi.

- Này em - Đệ lên tiếng, nghe em đọc thơ – anh chợt nhớ tuần trước cũng tại chiếc quán này, tình cờ gặp một người đàn ông trung niên cũng đang ngồi nhâm nhi ly café buổi sớm bàn bên kia. Thấy ông ta hí hoáy viết, rổi đưa mắt nhìn xa xăm lên đập nước. bầu trời , những áng mây…

- Ông ấy là ai?

- Anh chưa quen biết mà!

- Rồi thế nào?

- Lúc sau, ông ta bổng nhiên nhìn anh – rôi mỉm cười. rồi sang ngồi cùng bàn với anh…

- Để làm gì vậy?

- Ông ta muốn đọc cho anh nghe bài thơ mới vừa sáng tác ấy mà!

- Anh còn nhớ không?

- Dĩ nhiên là ông ta đã tự tay chép lại – gởi tặng anh một tò..

- Anh cho em xem thử - được không?

- Dĩ nhiên là được rồi! – Đệ cười thoải mái - Thơ là của chung mà!

Đệ lấy từ túi áo ra quyển lịch bỏ túi, lôi tờ giấy nhỏ bằng nửa bàn tay được xếp làm bốn, trao cho Tiểu Hương. Nàng vui vẻ mở tờ giấy ra – chăm chú đọc: “ Em cò lẻ, anh chắc gì không lẻ?/Đời mãi đi tìm một chút ấm trong mơ/ Rồi chiều đến, em về hàng tre bến đợi/ Anh mãi buâng khuâng trong gió cuốn mây tròi”(1)

- Hà hà…dù là ở đâu -đúng là đời sống luôn luôn cần đến thơ phải không Tiểu Hương?

Nàng im lặng. Khẻ gật đầu…

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long