THANH MINH Trong Tiết Tháng 3
Tạp Bút
... "Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành du xuân..."
ND
Hai chị em Thúy Kiều trong một dịp đi lễ hội Thanh minh đã gặp được Kim Trọng và từ đó cuộc đời bắt đầu đổi thay... Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đã chọn cái không gian lễ hội Thanh minh để cho Kim - Thúy gặp nhau qua đó diễn tả được bản chất đa cảm đa tình (mở đầu cho cuộc đời truân chuyên "đa sầu đa lụy" về sau) mà là một sự chọn lọc gắn bó rất tài tình: Ngày hội Thanh minh từ rất xa xưa đã là ngày lễ quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng tới sinh hoạt tình cảm của mọi gia đình trong truyền thống đầy lòng nhân ái của dân tộc Việt.
Chúng ta đều đã biết rằng Thanh minh là một tiết trong "nhị thập tứ khí" thuộc về mùa xuân. Ngày Thanh minh tiết xuân mát mẻ trời nắng hanh vàng cỏ cây hoa lá xanh tươi - rất thích hợp cho một lễ hội ngoài trời; vừa "du xuân" vừa hành lễ...
Vào ngày này mọi người sẽ cùng nhau "tảo mộ" quét dọn phát quang sửa sang lại cho những ngôi mộ vô chủ bị bỏ hoang chưa được chăm sóc trước đó. Rồi người ta sẽ thắp hương cắm hoa bày dọn bánh trái; cầu nguyện cho vong linh người đã khuất... Đó là nếp sống đầy lòng nhân ái vị tha; hết lòng vì nỗi khổ đau bất hạnh của người khác cho dù họ đã không còn có mặt trên cõi đời nay nữa... Ngày lễ Thanh minh thể hiện rõ nét tinh thần sống cho nhân nghĩa vì tình người mong cầu hạnh phúc niềm an lạc cho tất cả mà người xưa đã tôn trọng gìn giữ. Phan Kế Bính (1875 - 1921) trong bài "Am chúng sinh" (Đông Dương tạp chí lớp Mới - số 31 -32) đã ghi lại: "... Mỗi chỗ tha ma mộ địa có lập một cái am ba gian hoặc xây bệ lộ thiên đề ba chữ "Hàn lâm sở" (Sở rừng lạnh - nơi thờ chúng sinh) để thờ chung cả những mồ mả vô chủ gọi là am chúng sinh (...) thường chỗ am chúng sinh là Lệ đàn (thờ các chiến sĩ trận vong) là nơi rất thiêng liêng cho nên nói đến bách linh thì nhiều người dốc lòng làm phúc (...) đi đến chỗ mộ địa trông thấy mồ mả san sát ai là không động lòng cảm thương; mà nghĩ tới mồ mả vô chủ thì lại đau đớn thay cho người nằm dưới suối vàng...". Thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) đã viết nên "Chiêu hồn thập loại chúng sinh". - một trong những kiệt tác của ông; một lần nữa làm sáng tỏ tinh thần đạo lý của dân tộc ta về tình đồng bào đồng loại với tấm lòng rộng mở khoan dung tha thiết :
... "Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lửa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu!
... Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ chế vùi đường quan
Ngàn cây nội cỏ rầu rầu
Nào đâu điếu tế nào đâu chưng thường..."
Trong kho tàng văn chương bình dân chúng ta cũng thường tìm thấy những lời ca câu hát biểu lộ lòng nhân ái thật cao quý ấy:
"Ở cho có nghĩa có nhân
Thương người như thể thương thân mới là..."
Tình thương yêu sự cảm thông chia xẻ ấy còn mở rộng đến với loài vật :
"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy - ai mà quản công"
Và cả với vật vô tri vô giác:
"Giã ơn cái cối cái chầy...
Nửa đêm gà gáy có mày có tao
Giã ơn cái cọc cầu ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày!".
Sự hiện hữu của mỗi người luôn có tác động liên hệ trợ duyên trợ lực cho nhau chứ không thể tách rời sống riêng lẻ khép kín mà có thể tồn tại được.
Ở quê tôi vào trước ngày lễ Thanh minh mọi người đã tự nguyện quyên góp chuẩn bị tổ chức thật chu đáo. Vào sáng sớm ngày mồng 5 tháng ba (Al) đàn ông thanh niên nam nữ đã sẵn sàng cuốc rựa xẻng... tiến lên những quả gò nghĩa trang ; nhiệt tình rẫy dọn thu quén cỏ cây rác ; bồi đắp những nấm mộ hoang bị thấp trũng xoáy lở vì lũ lụt... Mỗi ngôi mộ đều được cắm hoa thắp nhang đầy thành kính... Trong lúc ấy các bà ở đình làng lo nấu nướng chưng dọn bàn thờ bày cỗ chờ đám người đi tảo mộ về...Vị trưởng lão thay mặt cho cả xóm thắp hương khấn nguyện... Sau lễ mọi người đều vào bàn tiệc cùng nhau "ăn giỗ" không phân biệt giàu- nghèo sang- hèn... Buổi chiều và tối lại có gánh hát bội được mời sẵn nổi trống kèn bắt đầu trình diễn giúp vui cho "bách linh" và bà con... Mọi người đều cảm thấy hưng phấn gần gũi cảm thông nhau hơn... Vị trưởng lão nhân dịp này cũng đã khuyên dạy con cháu: "Đối với người chết chúng ta còn biết thương biết lo nghĩ đến thì với người còn sống chúng ta càng phải hết lòng đùm bọc giúp đỡ chia sẻ nỗi bất hạnh với họ... Sống như vậy thì mới xứng đáng là người có đạo lý nhân nghĩa...".