TUY HÒA
Mùa Gió Nồm ...
Thư đưa tôi vào tới nhà giáp mặt lão Phạm thì bỏ đi xuống nhà dưới. Đang nằm tòn teng ở võng, nhận ra tôi, lão Phạm lật đật đứng dậy, mặt mừng rỡ. Lão cầm lấy một cánh tay tôi, nhìn chầm chập lên mặt, khiến tôi ngỡ ngàng. Trông ánh mắt, bộ tịch, nụ cười của lão tôi biết lão đã rất ngạc nhiên vì sự có mặt đột ngột của tôi. Một nỗi ngạc nhiên thoáng nhiều niềm vui, nhưng không mất được cơn bối rối, áy náy trong lòng. Ở nỗi ngạc nhiên rộn ràng của lão tôi lại nhớ tới người chú già nua lúc tôi thình lình ghé lại thăm ông, xớ rớ vài hôm, rồi bỗng đi mất biệt. những người già cả đã sống qua quá nhiều tai biến kinh hoàng,vẫn thường bị những âu lo kích động. Từ nỗi âu lo góp lại đó, người chú đã nhìn ngắm tôi như một khối tai ương hãi hùng. Còn tôi, đã rất lâu, tôi chẳng hề nghĩ tới một tai họa, bất trắc nào dù có thể đón chờ tôi ở sát bên kia đường, một ngã tư, hay trong một góc phố. Khi đã chịu nhiều quá tủi cực, khốn khó, tuổi trẻ dễ liều lĩnh để tự xoa dịu, an ủi cho chính mình, dù thời khắc yên lành che lấp chỉ là một giờ, một buổi. Nhờ vậy, tôi thường dửng dưng trước mọi thương xót, lo âu của kẻ khác để mong giữ được niềm bình yên ở lại. Tuổi già đã bị mất đi những liều lĩnh của thời son trẻ nên lại càng thêm thắc thỏm, ray rức. Trước mặt người chú già kia, tôi nghĩ, cứ im lặng. Hãy im lặng trước những chuyện buồn bây giờ. Đừng bao giờ nói trước những thương hại khi chính chúng ta không thấy bị nao núng, xót xa. Tôi đã nhìn thấy rõ, kể từ ngày tôi bỏ ra đi, tôi đã phải tự khuyên nhủ tôi nhiều hơn lúc nào. Đó phải chăng là dấu hiệu của một cơn tuyệt vọng không lối trấn an, kìm giữ?
Ngồi xuống bàn nước kê cạnh cửa sổ, tôi cười dễ dãi với lão Phạm, thấy lão vẫn còn nhìn tôi với nỗi ngạc nhiên, lạ lùng cũ. Lão rót nước, đặt ly nước trước mặt tôi, hỏi:
- Lâu nay cháu ở đâu?
Câu hỏi của ông chú tôi đã hỏi mỗi lúc trông thấy dáng tôi lúi cúi bước vào nhà. Qua câu hỏi này tôi hiểu thêm được tâm trạng cùng ý nghĩ đang nhen nhúm trong chiếc đầu gầy gò, khô héo, lơ thơ tóc bạc của lão Phạm. Tốt hơn, tôi nghĩ, nên lập lại những câu trả lời cũ đã nói cho người chú. Tôi hớp một ngụm nước trà, cười:
- Cháu ở nhiều chỗ, thưa bác.
- Mấy nơi đó có đánh đấm gì không?
- Dạ không.
Lão thở dài, nhẹ nhõm, đưa tay vuốt cong những sợi râu vàng khô:
- Được đó, nghe đánh đấm hoài, bác ghê quá…
Tôi uống thêm nước, lại cười:
- Không có đánh đấm gì hết bác à.
Tôi thấy Thưa đi qua cửa sổ, nàng chợt dừng lại ngó tôi cười, rồi đi thẳng ra ngõ. Trông Thưa gầy hư, già dặn, đen điu hơn xưa. Có lẽ Thư đã kể lại về tôi cho nàng nghe rồi? Được vậy, đỡ lắm. Không có gì khổ sở bằng phải lập đi lập lại những mẫu tin về đời sống lận đận, lao đao của mình cho người này người nọ. Những tin tức buồn bã chua xót không mấy hợp với đàn bà, con gái.
Từ lúc nghe tôi nói những miền tôi dừng lại không có chuyện đánh đập nào xảy ra, Lão Phạm có vẻ yên dạ, sung sướng. Lão ngồi yên khoanh chân lên ghế, mặt trầm ngâm, khó nói. Bây giờ tôi mới thấy nói dối như vậy tôi đã tránh được nhiều câu hỏi phiền nhiễu kế tiếp. Những câu hỏi, những câu trả lời chỉ gây thêm rắc rối, hoang mang cho cả hai mà thôi. Hãy để cho tuổi già còn lại của lão được yên vui. Báo thêm một tin buồn cho lão lúc này thực là vô ích. Chuyện đánh đấm ngày nào mà không có, nơi nào mà chẳng xảy ra đâu? Lúc trước tôi đã vô tình làm người chú buồn bã suốt ngày chỉ vì tôi đã nói lại những chuyện đánh đấm đã thấy. Nghe nói có chuyện lộn xộn tức thì ông ta chồm tới, mắt trợn lên, miệng há hốc hỏi liên tiếp một mớ câu hỏi mà tôi không thể trả lời êm xuôi được. (Chẳng hạn: Tại sao lại đánh nhau dữ vậy? Sao người chết nhiều thế kia? Hòa bình bao giờ mới có?) Sau cùng, tôi đành phải ở nán lại để khuyên nhủ ông với giọng hết sức lạc quan, tin tưởng. Rằng thằng Cư, thằng Can rồi sẽ trở về, yên lành cả, Hòa Bình sắp tới nơi rồi. Đó là lần khiến tôi khổ sở, ngậm ngùi với chính những lời nói của mình.
Thư đem ấm nước vừa nấu sôi lên, chế thêm nước vào bình. Nàng đã thay tấm áo dài xanh có thêu chữ, mặc chiếc áo cánh tay lụa mỏng. Màu áo lụa đã phai, rộng thùng. Tôi thấy được màu da thịt nàng qua màu lụa nhạt. Bờ ngực gợn lên, sóng sánh, êm dịu lạ thường. Gương mặt Thư đỏ ửng, lấm tấm những giọt mồ hôi, nhưng màu lụa và màu da thịt mịn màng vẫn khiến nàng có nhiều hơi hướm tươi mát, quyến rủ khó nguôi. Chế nước xong, Thư nhìn thoáng lên mắt tôi, cười bỡ ngỡ. Chắc nàng đã đọc được trong ánh mắt tôi nhiều say đắm, khát khao mới lạ? Con gái đẹp ít ai không biết tới sức lôi cuốn, hấp dẫn của mình. Tôi nghĩ, dù sao ở Thư, nàng cũng không có những niềm kiêu hãnh quá mức.
Tôi hỏi:
-Thưa bác, Thu có nơi nào chưa, bác ?
Lão Phạm quay lại, nét mặt mất hết vẻ bình thản, lặng lẽ cũ. Lão bưng chén nước uống một hơi dài, nhăn nhó:
-Thôi đừng có nhắc tới thằng đó nữa, cháu. Nó dễ dạy nhưng sao vấn đề đó lại khúc khuỷu quá không biết?
Lão nóng nảy kể lại những bận hối thúc Thu về cưới vợ, muốn con nào cũng được, mấy đám vợ chồng lão ưng bụng nó đã bỏ qua, cái thằng kỳ cục hết sức, con này con nọ lung tung, thư từ hình bóng gói cả xấp, nói tới chuyện cưới vợ là tránh trút, nghĩ thiệt kỳ.
Lão lớn tiếng:
- Cháu nghĩ coi hai bác đã dễ tới mức đó, chịu con nào cũng được; đui, què, mẻ, sứt gì nó đồng ý là làm đám liền liền. Cưới vợ bây giờ dễ dãi quá mà. Hồi xưa, muốn cưới vợ, phải biết cả dòng họ bà con xa gần của vợ, mới dám. Ngày nay, hễ gặp nhau ưng ý buổi sáng, buổi chiều bác cũng đi hỏi cho nó ngay mà. Cái thằng kỳ cục, nó không nghĩ tưởng gì tới cha mẹ già. Bác đã phân giải với nó, mắng chửi nó mấy lần, là cái eo, cái ríp, cái mập, cái ốm đâu có ăn nhằm gì. Chạy theo đầu cao, váy ngắn chỉ thêm khổ.
Lão đứng bật dậy, bước vào nhà giữa, đem ra tấm áo len dày, rộng, cũ kỹ. Lão phân trần:
- Đó, cháu thấy bác mặc vầy có đàng hoàng không?
Tôi nhìn lão torng bộ đồ bà ba trắng, choàng ở ngoài tấm áo len dầy dài xuống gối, cười:
- Mặc vậy đàng hoàng quá rồi còn gì.
- Bác ức lắm, nó khinh bác quá, nhà bác cũng chánh tổng ba đời, đâu phải không biết lễ nghĩa. Mới hôm kia đây, bác mặc đồ này, trong túi có bỏ cặp trà ngon, tới hỏi vợ cho thằng Thu, chừng về nghe nói đằng đó khinh bác không biết lễ nghĩa…
Cởi tấm áo đem cất vào chỗ cũ, lão trở ra, nét mặt vẫn còn giận:
- Bác đi là đi thăm nhà thôi, không lục lễ thì cũng ba bốn lễ chớ, bác hiểu biết mà. Vậy mà nó dám khinh, mới ức.
Thấy lão còn bất bình, tôi có ý phiền trách gia đình đàng gái không biết điều, chấp chi gói trà trong bị áo, miễn người ta thực lòng là được rồi. Bây giờ mà còn trách móc, chấp nhứt làm gì cho khổ nhau. Tôi khuyên lão nên quên, không được chỗ này hiểu thì chỗ khác, có sao đâu ? Thời nay, con gái dư mà, vội gì. Nghĩ tới việc vợ con của Thu, tôi nói giọng cười cợt:
- Còn việc vợ con của Thu, bác cứ để nó lo. Bao giờ hợp nhãn, nó chạy về lạy lục hai bác…
Đốt thêm một điếu thuốc, lão cười :
- Hợp nhãn hay quáng nhãn nữa?
- Nó có quáng nhãn, rán mà chịu chớ, bác ?
Lão nói, giọng trầm nhỏ hẳn, bác nằm đêm nghĩ thấy buồn lắm. Bác chỉ có nó là con trai, muốn thấy nó đừng làng nhàng, có gia đình đừng sựng, mãn lính rồi về nhà làm ăn với vợ con. Bác đâu còn bao nhiêu năm nữa, mà chờ? Còn năm tháng thì đâu phải năm nào cũng tốt hết để dựng vợ gả chồng? Để tránh nghe thêm những lời nóng nảy, giận dỗi nữa của lão, tôi quay về hỏi chuyện về Thưa và Thư. Tôi ướm lời:
- Còn Thưa đã có mối nào chưa, thưa bác?
Tôi thấy bóng Thư bên kia bức rèm cửa. Cánh tay trần bỏ bên này bức rèm. Tình cờ, Thư vén rèm nhìn tôi. Tôi thấy nàng cười sau cái lườm có nhiều thầm ý. Tôi đoán chắc nàng bảo tôi đừng nên đả động gì tới chuyện vợ con của anh. Tôi cười, gật đầu, lấy thêm một điếu thuốc gắn lên môi.
- Có mấy đám hồi thằng Thu còn đi học nhưng nó nói để lo cho lũ em ăn học, thủng thỉnh chớ vội vàng gì ? Nay thằng Thu đã đi lính, ba năm, chưa có đám nào. Có đám nào tới, bác gả quách cho nó xong.
Tôi nghĩ tới lòng hy sinh và sự muộn màng ế ẩm của Thưa mà thấy thương nàng. Thưa tuy không có dáng dịu dàng đài các như Thư nhưng nết na của nàng đã được lòng mọi người. Cái nết đánh chết cái đẹp, nhưng thời này ít ai chịu nghĩ tới cái nết trước khi say mê cái hào nhoáng của quần áo lượt là; bởi thế Thưa càng dễ bị bỏ quên nơi cái làng xa vắng, cách biệt này thêm. Có đám nào tới, bác gả quách cho nó xong. Gả quách cho nó xong, có lẽ lão Phạm cũng đang bồn chồn vì cảnh hẩm hiu, muộn màng của con ? Thưa có khi nào nghĩ tới nỗi cô độc đêm ngày nơi quạnh hiu tẻ lạnh này không?
Bà Phạm từ ngõ đi vào, cởi áo phơi tấm ngực nhăn nheo, đôi vú chảy dài xuống bụng. Hai ống quần bà chiếc cao, chiếc thấp; bùn đất bết dính lên tận gối. Mồ hôi vã ra từ gương mặt đỏ lưỡng, chảy từng giọt xuống cằm. Bà cầm nón, vừa đi vừa phe phẩy quạt. Đi sau bà là Thưa. Nàng gọn gàng trong bộ áo màu nâu sậm, hơi chật, nón đội sụp xuống gáy. Cười chào tôi, bà quay lại nói với chồng :
- Khổ quá, tim không có người gặt.
- Được hết đám chưa ?
- Chưa. Chiều con Thưa nó cắt thêm chút nữa, phơi đó mai cuốn.
Lão Phạm nhìn tôi, than:
- Cháu thấy đó, có lúa mà không có người gặt. Già chừng đó mà còn nai lưng ra cắt từng sào lúa, khổ ghê …
Thư nghe tiếng mẹ, mang mâm cơm đã làm sẵn, đạt lên bàn. Bà Phạm rộn ràng mời tôi ăn cơm, ăn đi con, con cháu trong nhà có gì ăn nấy, vắng thằng Thu, có mầy cũng đỡ. Tôi đỡ ly rượu trên tay lão Phạm, ngồi vào bàn. Quanh bàn ăn: Vợ chồng lão Phạm, Thưa, Thư và tôi. Tôi ngồi kề Thư, nói ngồi gần phải lo đơm cơm giúp, Thư cười nói sẵn sàng mà. Thưa có vẻ e dè hơn lúc trước. Hai vợ chồng lão Phạm nhắc nhở luôn tới việc chồng con cho Thưa: Ai thương nó, bác gả quách cho xong. Thưa cười giữ gìn, bỡ ngỡ. Nghe bà Phạm nói câu đó khi liếc nhìn lên mặt mình, tôi áy náy quá. Bà thường nhìn Thưa, cười. Nhìn tôi, cười. Tôi nghĩ, chắc vợ chồng lão Phạm muốn nói với tôi câu, nếu cháu thương nó, bác gả quách cho xong; tôi bỗng để ý tới Thưa: Nàng lặng lẽ, mỉm cười.
Lúc đưa chén cho Thư đơm cơm, tôi nói:
-Thưa bác, còn cô Thư nữa ?
Bà Phạm cười :
- Cũng vậy, một con gà chớ mấy.
Thư cự nự :
- Sức mấy mà một con gà ?
Tôi cười theo vợ chồng lão Phạm :
-Thôi, một con heo, chịu chưa ?
Thư ngồi im lặng, đôi má đỏ ửng .
Tôi bị đánh thức dậy khi Thưa đụng vào một đầu võng lúc nàng đi lên nhà giữa. Thấy tôi mở mắt, nàng quay lại nhìn tôi cười. Tôi đang mơ ngủ nhìn thấy nàng cười, cũng cười theo. Tôi nhìn ra ngoài khung cửa sổ thấy nắng còn hanh vàng gay gắt. Mấy cành hoa giấy đỏ sáng hẳn trong sắc nắng lung linh chói mắt. Lục đục tìm gì ở trong tủ một lúc, Thưa bước ra. Tôi hỏi giờ này đi đâu vậy, nàng rón rén với chiếc nón cầm tay, cười chỉ ra ngoài ngõ. Đi cắt lúa. Gần hay xa. Xa. Nàng mở khẽ cánh cửa, bước ra ngoài, cánh cửa khép lại, Thưa đi mất. Một cõi yên lặng bằn bặt bao trùm khiến tôi nghĩ, có lẽ đây là lần đầu tiên được sống trong nỗi yên lặng tươi mát, hiếm hoi. Căn nhà hơi tối, gió lọt qua khung cửa sổ mở, lão Phạm nằm ngủ ở tấm phảng kê trên mấy bao cát làm hầm, Thư và bà Phạm đâu rồi ? Tôi đứng dậy, đi về phía nhà sau tìm nước rửa mặt. Nhà giữa, nhà sau, ngoài sân, bờ giếng, không có một bóng người. Ánh nắng buổi xế chiều chiếu chênh chếch trên cành lá chuối, đọt dừa, bụi tre cao lã ngọn. Ánh nắng trong, khô, nóng, làm cho nỗi lặng lẽ của cây lá thêm màu buồn. Tôi tự dưng nhớ tới quê nhà. Lúc buồn, gặp chuyện khiến tôi nản lòng, tôi thường nhớ quê nhà quặn thắt. Nghĩ tới quê nhà, tôi được an ủi nhiều. Dù sao thì nỗi khoan dung bao la của quê kiểng cũng dễ xoa dịu được lòng hoang mang, trắc ẩn của tôi. Tôi thường ao ước được quay về, trở lại sôi nổi mỗi lúc tôi nhìn thấy sự gian nan, cô độc, giữa bao lòng tị hiềm, hiểm ác. Quê nhà vẫn là đôi cánh tay của người mẹ sẵn sàng, hết lòng đón đợi những đứa con lạc lõng, ngơ ngác trở về. Trở về để cuộn tròn, chiu chắc, khép nép bên lòng mẹ ấm cúng rào rạt thương yêu. Nhưng lúc này tôi không thể trở lại được miền đất gian truân đó nữa. Tôi đành âm thầm nhẫn nhục nhớ quê trong trí tưởng mờ xa của mình. Đó là điều làm tôi tủi thân. Bất hạnh thay cho những kẻ lưu lạc đã không còn quê hương để trở lại nữa.
Tôi đi lửng thửng qua sân gạch, giàn đậu đũa, mấy hàng thuốc lá, bước rào qua khu nhà thờ cổ. Theo lời lão Phạm kể, căn nhà được cất sau mùa lụt năm canh tý, Lụt năm canh tý: Sóng biển tràn vào đất liền, sấm nổ dữ dằn, mưa ngút trời mấy ngày đêm, mực nước lên sát mé mái nhà. Sáu huyện trong tỉnh đều bị thiệt hại nhà cửa, hoa màu, súc vật và người. Ba huyện Sông Cầu, Tuy Hòa, Tuy An là những nơi người chết la liệt dễ sợ nhất. Kỳ quặt lắm, chưa bao giờ lại có trận bão lụt dâng nước như năm đó cả. Nghe lão Nghè Cầm ở Sông Cầu nói năm giờ sáng tạnh mưa, sáu giờ đất trời mù mụt, nước biển theo gió tràn dần vào, đột ngột một tiếng nổ lớn long trời, mực nước tràn đã lên tới cửa nhà, mái ngói. Tôi bước vào ngồi trên tấm phảng kê ở hiên, căn nhà cổ của ông chánh tổng im vắng. Gió từ hướng đông nam thổi rạt rào mang nhiều hơi nước biển mát rượi, dễ chịu. Gió thổi như ru nồng thêm những giấc ngủ trưa mùa hạ. Gió thổi làm dừng cánh những đàn chim trên cành cây, bụi rậm. Tôi ngước mặt về hướng gió lộng, thấy cơn buồn ngủ váng vất đã lùi xa. Bầu trời đột ngột xâm mờ dần, gió xao động mênh mang; tôi bỗng thấy sắc trời, gió lộng hôm nay thực giống với một ngày hè nào đó, ở đâu đó, trong ký ức êm đẹp xưa. Những cơn gió mát dịu, êm ả; còn bầu trời thì màu mây xám che mờ ánh mặt trời. Tôi đốt một điếu thuốc, muốn được có nhiều giây phút bình yên mà tưởng nhớ kỷ niệm.
Ông già giữ việc nhang đèn trong căn nhà cổ chợt đẩy cửa, bước ra :
- Cậu, cho xin một điếu thuốc…
Tôi lấy thuốc niềm nở mời lão hút hỏi sao bác không ngủ. Lão ngồi xuống thềm, ngáp dài, buồn buồn nằm đó chớ đâu có ngủ được. Ngủ gì cả ngày cả đêm, cậu ? Tôi chú ý tới cánh tay cong cứng của ông già, sao tay bác cứng đơ thế kia. À, bị gãy, lâu rồi. Sao lại gãy ? Trúng đạn đại bác gãy chớ sao. Tôi nhìn lão, nhớ tới lời giới thiệu của lão Phạm, lúc dắt tôi đi thăm các căn nhà thờ, cho tôi xem từng bức ảnh, đồ cổ, di tích của ba đời chánh tổng còn sót lại. Lão già này được gia đình lão Phạm nhờ trông coi nhà cửa, nhang đèn cho những bàn thờ, giữ gìn vườn tược mỗi tháng được cấp gạo, tiền mua thức ăn, tạm đủ sống mà không phải đi lang thang đầu làng cuối xóm. Suốt ngày hết ngủ, quanh quẩn ngoài vườn, lẩn thẩn từ căn nhà thờ này tới căn nhà thờ khác trong căn nhà cổ được xây từ thuở còn tục “Tá Thổ”, mướn đất khế ước của những vị thần linh Chiêm Thành, lập đàn tràng, vật bò heo, năm ông tướng trên năm hòn đá quét vôi trắng, thầy phù thủy khất âm dương làm sớ, có Ngọc Hoàng, Thái Thượng, Hành Khiển kiểm soát, đồng làm chứng có Tả Kim Nên Hành Khiển, Hữu Thổ Địa Chánh Thần. Bây giờ, khoảng đời còn lại của lão đã gắn liền với mấy chiếc bàn thờ âm u khoảng sân gạch vắng lạnh lùng khu vườn trống trải đìu hiu đây rồi. Lão đã quên những chiếc bàn thờ của người thân lão để đêm ngày thắp đèn, đốt hương cho những chiếc bàn thờ gia đình lão Phạm. Lão có buồn không khi phải nhang đèn cho những chiếc bàn thờ có những bức ảnh lạ lùng kia? Tôi thoáng nhìn lên gương mặt tối tăm, đờ đẫn của lão già, nghĩ rằng chắc lão cũng chua xót lắm thì phải.
Lão hút một hơi thuốc dài, nhả khói, bay ngược dạt lên mặt. Lão nói bâng quơ:
- Không chết là phước. Sau đêm đó cả nhà không còn lại ai, không còn manh áo nữa…
Thư từ ngõ chính đi vào, vẫn mặc tấm áo cánh lụa. Gió thổi bay mái tóc ra trước, phủ lên vai, lòa xòa trên mặt. Nàng cố đưa tay giữ những sợi tóc rối che khuất mắt. tôi im lặng nhìn, đợi Thư tới. Nàng đến ngồi xuống bên ông già, tôi ngó lơ đãng lên cây lá ngoài vườn. Nhìn xa vắng về dãy núi Phụng Nguyên xanh thẫm bất trắc.
Tiếng Thư cười:
- Cây mận đã chín chưa, ông Tám ?
- Chín đỏ cây ngoài đó.
- Thiệt không, ông ?
- Ra ngoài đó coi…
Thư nói vọng qua tôi:
- Anh Thân, ăn mận chín không ?
- Mận chín không ăn, còn ăn cái gì?
Thư muốn rủ tôi đi hái mận, nhưng lúc đứng dậy, nàng quay lại nói, ngồi đó, em ra hái cho ăn. Tôi đứng dậy, không được, ai hái được nhiều thì ăn. Thư quay lại nhìn tôi, cười. Tôi cúi xuống nói với ông già, bác ăn không cháu hái, ông già lắc đầu.
Cây mận nằm một góc vườn, phía sau ngôi nhà. Từ những buội chuối, luống thơm tôi đã thấy thấp thoáng những trái đỏ lủng lẳng. Thư chỉ tay, mừng rỡ. Nàng vẫn còn con nít trong chuyện ăn uống. Thư bước vội vàng, đầu nghiêng, tóc đổ rũ phía trước. Tôi nghe cơn gió mát len lỏi từ những sợi tóc mềm. Gió dịu dàng như những sợi tóc Thư.
Tôi đã ngồi trên một cành cây mận quằn sai trái chín. Thư ở dưới ngước cổ lên, vói tay hái những trái thấp. Tôi định gọi nàng cùng lên ngồi chợt nhớ tới bàn chân nàng, nên im lặng. Đôi chân Thư lúc nào cũng mang đôi tất trắng để che khuất một bàn chân bị dập nát bởi một mảnh đạn. Lúc đầu nghe tôi hỏi về đôi tất, Thư ngượng ngùng, phân vân. Tới lúc tôi tự tay cởi một chiếc tất của bàn chân bị thương, nàng mới hết áy náy, e ngại. Nhìn bàn chân da thịt nhăn nheo bị cụt đi mấy ngón, tôi tự dưng thương Thư quá đỗi. Thương bàn chân trắng trẻo cũ, thương mấy ngón chân nõn nà thuở nào. Tôi đã nói: Anh thương bàn chân em vô cùng. Nói thương bàn chân Thư tức là tôi đã thương Thư, chắc nàng hiểu được vậy nên trông nàng có vẻ lúng túng. Bàn tay Thư bối rối chạm lên những ngón tay tôi đang mang chiếc tất vào lại cho nàng. Tôi bỗng có nỗi ước mong thực kỳ quặt: Muốn được ở cạnh để sẵn sàng mang tất cho nàng luôn.
Bỏ đầy hai túi mận, và thảy cho Thư mấy chùm trái lớn chịn mọng, tôi trở xuống. Thư ngồi hẳn dưới gốc, dựa lưng vào thân cây, ăn ngon lành. Hàm răng trắng cắn trên quả mận đỏ tươi làm tôi cũng đâm thèm những trái mận hơn trước. Tôi ngồi cạnh Thư, lấy từng trái ở tay nàng, ăn chậm chạp. Thư bảo sao không lấy mận ở trong túi, để dành cho ai, tham ăn quá vậy. Tôi cười nói không biết ai tham ăn đó, ăn không nghĩ tới ai cả. Anh giữ lại cho Thưa, chị Thưa. Thư cười sặc lên, em là con tham ăn nhất nhà mà. Còn nhỏ, ai mà chẳng ham ăn, cô bé ?
- À, anh có thường gặp anh Hương?
- Đừng nhắc tới cái tên đó nữa.
- Sao vậy ? Em thường gặp ảnh cặp kè với một cô gái làm trong sở Mỹ.
- Anh không muốn nói lòng vòng, em chỉ nên hiểu Hương là một kẻ tồi tệ, tráo trở không bao giờ chúng ta thân thiết được với một kẻ như vậy. Nhưng em cứ tin đi, sự man trá không lọt qua tai mắt của Trời Phật…
Ngại Thư hỏi tiếp, phải nhắc lại chuyện buồn cũ, (dù tôi có rất nhiều chứng cớ bên mình) quay lại nhìn nàng tôi cười:
- Này, trường em học có cô giáo nào xinh không ?
- Có, mà anh hỏi chỉ ?
- Hỏi chơi vậy, được không?
Suy nghĩ một lát, Thư tươi nét mặt:
- Có, cô Diệu Ánh bên trường cũ dễ thương lắm, nhỏ lắm…
- Cái gì Diệu Ánh ?
- Hình như Nguyễn Khoa Diệu Ánh thì phải.
- Cái tên đẹp, người cũng đẹp nữa, hay là em làm mai cho anh đi?
- Xí, người ta ở tận ngoài Huế lận mà.
- Tận ngoài Huế ? Ngoài Huế thì thôi…
Tôi bắt đầu lôi dần những trái mận để dành cho Thưa ra cho Thư ăn. Những cơn gió thấp thổi dạt mái tóc nàng lên vai tôi. Gió nồm. Gió tình. Tôi đưa tay ve vuốt những sợi tóc, tôi đưa tay nắm cánh tay trần nàng. Cảm giác mát dịu dưới làn da bàn tay, trong tâm hồn trống trải chai mòn tôi.
- Bao giờ thì anh đi ?
- Muốn đi hồi nào thì đi.
- Anh nói sao kỳ vậy, nhưng bây giờ anh tính đi đâu?
- Rồi sẽ liệu. Nơi nào có chỗ cho mình sống thì tới chớ biết đâu?
- Chớ ở đây không có chỗ cho anh sống hay sao ?
Nói xong, Thư quay lại, tôi thấy nàng buồn. Có, nhiều lắm, Thư à. Anh xin cám ơn em, cảm ơn gia đình em, nhưng liệu anh có thể ở lại được bao lâu để kéo dài thêm nỗi an ủi, yên ấm này ? Em đã hiểu rõ đời sống anh rồi, anh không thể ở lại lâu hơn để làm khổ gia đình em được. Em có hiểu thấu được lòng dạ anh, lúc này ? Anh làm sao yên ổn ở đây cho hết mùa Hè, cho tới mùa Thu, cho tàn mùa Đông ? Mùa Hè, mùa Thu, mùa Đông, những ngày dài đầy bất trắc cho cuộc sống anh. Anh như một cánh bèo khó lòng tấp lại đâu giữa giòng nước cuốn. Rồi anh sẽ bị cuốn trôi đi, biệt tăm như những cánh bèo bấp bênh nọ.
Tôi hôn lên cánh tay nồng. Tôi hôn lên những sợi tóc buồn. Tôi hôn lên cuộc đời lạc lõng. Thư ngồi im lặng, trái mận còn cầm xoay trở trên tay. Nắng nhạt màu trên những cành lá lay động hơi gió. Gió nồm. Gió buồn.
- Hè này em định sẽ làm gì?
- Chưa định làm gì trong ngôi làng quạnh quẽ này.
Nàng nói tiếp, giọng gấp gáp:
- Hay là anh dạy cho em học đi ?
- Để coi thử…
Tôi kéo Thư đứng dậy, nói thôi mình đi về.
Tôi quay lại thì thấy Thưa đi ra. Nàng mặc tấm áo cánh lụa nhưng trông màu lụa mới, tôi biết không phải là áo của Thư. Đợi Thưa tới gần chỗ tôi ngồi, tôi nói hai chị em ăn mặc giống nhau quá. Thưa kể chuyện về những chiếc áo dài cùng màu, nhữngđôi guốc, những tấm áo cánh tay. Nàng nói tấm áo này may một lúc với con Thư. Nhưng ít mặc nên thấy mới. Tôi nghỉ ngay tới cái dịp lâu lâu mặc áo lụa của Thưa, thấy xúc động. Có lẽ đây cũng là một dịp hiếm để nàng mặc những chiếc áo để dành?
Thưa đã mặc áo mới vì tôi sao ?
- Ngồi xuống đây chơi…
Tôi ngồi nhường một chỗ trên bực thềm cổng cho nàng. Thưa ngần ngại khi ngồi xuống. Tôi nói lơ đãng, nhìn mông ra cánh đồng phía trước mát dịu màu nắng, gió thổi rạp những thân lúa chín:
- Gió nồm thiệt mát…
- Gió này chim cũng buồn ngủ.
- Bao giờ thì có gió Nam Cồ hè ?
- Chừng tháng tám, tháng chín gì đó …
Tôi nhớ tới những trận gió “Nam Cồ” đặc biệt ở đây : Những cơn gió thổi bay mái tranh, thổi tróc ngã cây cỏ, thổi bốc bụi mịt mù, thổi mất luôn nón mũ. Gió máy như vậy, khiếp thật. Tôi nhớ tôi đã trốn những cơn gió núi độc địa này như lẫn trốn mùa mưa. Thành phố vào mùa gió Lào trông xơ xác, tiêu đìu, vắng vẻ lạ kỳ. Những ngày Thưa còn đi học, Thư còn lui tới bên tôi, Thư còn là cô bé lụng thụng bỡ ngỡ trong chiếc áo dài của năm đầu ở trung học; chúng tôi đã cỡi xe đạp ngược gió rong chơi khắp xóm, mò tới gần dưới chân núi Phụng Nguyên hoang vu, xa lắc. Những ngày mùa Hè thuở nhỏ thanh bình thật êm đẹp. Hình ảnh thơ mộng tuyệt vời in sâu đến nỗi hễ biết trời vào hè, nghe hơi mát của những cơn gió nồm lồng lộng là tôi như bị lôi cuốn, quyến rủ bởi những kỷ niệm cũ. Lớn lên, đổi thay, đi xa, tôi thấy càng dễ bị dĩ vãng của những ngày Hè ám ảnh, ray rức. Giờ đây, ngày trở lại không ngờ, ngồi bên Thưa người xưa, tôi như bị tách rời hẳn, xa lạ vô cung với mọi thứ, ngay cả căn nhà này, con đường, mương nước kia. Tất cả tưởng chừng tắt kịm mất mọi sinh động, mọi náo nức. Cũng như Thưa bên cạnh, cô gái quê, chân lấm tay bùn, bộ đồ màu nâu lùi xùi yên phận. Thưa bây giờ đã đổi khác, hết rồi những ước mơ, thôi rồi những tiếng cười dòn dã xôn xao thuở nọ.
Thưa ngồi yên, tay bức những cánh lá dâm bụt vò nát. Sự im lặng bâng khuâng khiến tôi nghĩ chắc nàng đang buồn. Tôi nhìn nét mặt lặng lẽ của Thưa, không muốn nàng mãi im lặng: Tôi thường ngại nỗi yên lặng buồn bã như vậy. Tôi nói:
- Vậy mà tôi ở đây đã bốn hôm…
Thưa quay nhìn tôi, giọng do dự:
- Bao giờ anh đi ?
- Thưa coi thử bao giờ tôi phải đi ?
- Sao anh hỏi lạ vậy ? Tôi mong anh ở …
Tôi mong anh ở lại nhiều hơn nữa, sau câu nói bỏ lửng, nàng có vẻ bối rối, e thẹn. Tôi thương nỗi ngượng ngập, mộc mạc đó quá. Qua tia nhìn chớp mắt của Thưa, qua nét lơ đãng ơ hờ trên gương mặt, tôi đoán chừng như nàng muốn khóc. Nàng sẽ khóc cho tôi ? Thưa sẽ khóc cho tôi sao ? Tôi nghe mình sửng sốt, rưng rưng khi nghĩ rằng sẽ có người khóc thương cho cuộc đời mình. Cuộc đời của một cánh rong bèo.
Gió se sắc, mênh mông. Con đường lớn ngoài mấy thửa ruộng tối mờ dần. Con đường nhỏ trước mặt không bóng người đi lại. Tiếng reo lạt sạt kèn kẹt của cây lá nhắc nhở đêm tối ảm đạm sắp đến. Tôi nghĩ tới chuyến đi dự định ngày mai mà ngậm ngùi, héo hắt. Dầu tình nghĩa chưa thể là sợi dây tơ ràng buộc, nhưng nỗi gần gũi yên ổn quen thuộc bấy lâu khó có thể dứt dời mà không khỏi xao xuyến , ngẩn ngơ. Xưa nay, hễ mỗi bận phải dời xa một chốn nào, tôi đều thấy mình lạc lõng, ngơ ngác hơn. Lòng luyến lưu thêm vào những âu sầu ray rức cũ, xui tôi như thể người lạc hồn. Tôi thường có cảm tưởng như đã bỏ mất, đánh rơi một cái gì quí báu, không hòng tìm lại được.
Vợ chồng lão Phạm ngồi dưới bực cổng thứ hai, nói cười dễ dãi. Tôi nghĩ sẽ không nói tới chuyến đi vào buổi sớm Từ ngày có tôi đến, thay chỗ cho Thu, vợ chồng lão có vẻ ưng bụng, yên tâm. Tôi không muốn ra đi để làm lão buồn lòng, nhưng tôi cũng không thể ở nán lại để lão phải gặp nhiều rắc rối, khổ cực. Đằng nào tôi cũng phải chọn một con đường. Cuộc đời có quá nhiều ngõ ngách, nhưng điều quan hệ là phải biết đi vào những lối đường thuận lợi, êm đẹp. Từ bao lâu nay tôi đã phải dò dẫm từng bước chân đi, giữ gìn từng giòng suy tính. Cuộc đời có thể lãng phí, phế bỏ, tiêu mất khi đã lỡ sa vào một ngã đường nhầy nhụa, tối tăm nào đó. Những bước chân tôi như bao giờ cũng bị vướng mắc bởi nhiều thứ giữ gìn, lựa chọn như thế. Trước mắt chúng ta, có biết bao người đã đâm sầm, ngã bổ vào những con đường khổ lụy, nhơ nhớp như thế. Trong đám bè bạn tôi, nghĩ lại, Hương đang đi dần sâu vào chốn hắc ám đó, dù đôi mắt hắn có mở to và lời nói hắn có thực là đạo đức, khôn ngoan. Tôi đã tự nhủ tôi, đừng bao giờ nói khôn khéo mà hãy suy nghĩ và làm khôn khéo. Nghĩ và làm thực đúng với tâm hồn, lòng dạ mình. Đừng vội xét nét ai. Tôi đã quyết định ra đi, rời xa gia đình lão Phạm, từ bỏ những quả mận chín mọng trên tay Thư, để xin chịu lấy một mình mọi bất hạnh mà số phần, nghiệp kiếp đã gieo xuống. Tôi không thể ở lại để phản bội một tấm lòng thành, gây phiền muộn cho những người tôi yêu quí. Thưa à, ngày mai anh sẽ đi.
Lão Phạm ngước lên hỏi:
- Thưa, hình như hôm qua con Chuyên đã làm đám cưới rồi phải không?
Nãy giờ ngồi lặng lẽ, nghe cha hỏi, Thưa như sực tỉnh lại, giọng trả lời vội vàng:
- Dạ phải .
Nàng tiếp:
- Đằng họ trai rước dâu bằng mấy cái xe Honda làm cô dâu mắc cỡ…
Bà Phạm góp vào :
- Thời này rước dâu bằng xe này xe nọ, hồi xưa thì rước dâu bằng bò.
- Rước dâu bằng bò sao bác?
Lão Phạm trả lời tôi, trái lại, giọng yếu ớt, bình thường: cháu tưởng ai cũng có đàn bò để rước dâu đâu ?
Tôi nhìn Thưa, ngầm ít chia sớt nỗi ngạc nhiên thích thú khi tưởng tượng tới cái cảnh một đàn bò được dí thả đi dềnh dàng giữa lộ, trên lưng có họ hàng và cô dâu ngồi ngất ngưỡng trông lại càng mắc cỡ hơn ngồi trên chiếc xe Honda như bây giờ. Tôi nói nhỏ với Thưa, ước gì bây giờ còn có thể rước dâu bằng bò thì vui biết mấy, sau này tới đám cưới, anh sẽ rước dâu bằng bò. Thưa nhìn tôi thực lâu, đôi mắt sáng, mơ màng.
Trời bây giờ đã thực sự tối hẳn. Cánh đồng, con đường, dãy núi một màu đen loãng, phai mờ hết mọi đường nét. Gió về đêm thổi lộng hơn, mát hơn. Những cơn gió Đông Nam thổi về Tây Bắc. Những cơn gió biển khơi thổi về núi rừng. Lão Phạm đứng dậy trước, nói thôi vào trong nhà chơi với nhau, Thưa lại đóng cửa ngõ đi con, rồi bỏ vào. Bà Phạm lẽo đẽo theo sau. Tôi và Thưa còn ngồi ở bực cổng. Một nỗi im lặng rời rạc lạnh lùng làm tôi thấy vô cùng xa cách nàng. Màn đêm cùng sự tịch mịch bao trùm chúng tôi. Đã bốn buổi chiều, bốn buổi tối tôi ngồi lại ở đây, tuy thời gian ngắn ngủi nhưng mầm rễ của bao tình thương yêu an ủi đã bắt sâu vào lòng tôi khô cằn. Tôi nghĩ, tôi khó lòng mà nhổ phăng đi những mầm rễ sâu thẳm kia, mà không khỏi phải hoang mang, nuối tiếc. Tôi chợt thấy, dù tâm hồn tôi có héo úa bởi quá nhiều bất hạnh, nhưng lại là một tâm hồn rất dễ sống cho những mầm rễ thương yêu. Những vết hằn trên tâm hồn tôi thực khó lành lặn, phai nhạt. Có lẽ, sự cô độc man man trong đời sống tôi, đã là suối nguồn mạnh mẽ cho những mầm rễ kia xanh tốt chăng?
Tôi định nói quyết định của chuyến đi ngày mai cho Thưa thì đột nhiên nàng đứng dậy. Tôi cũng đứng dậy, chờ nàng đóng cổng, rồi theo nàng vào nhà.
- Nãy giờ đi chơi đâu, anh Thân ? Thư vừa lau mặt vừa hỏi.
- Ở đây mà dám đi chơi đâu, khéo hỏi.
Thư cãi lại, cười trêu chọc:
- Bộ da thịt anh thơm lắm à ?
Tôi ngồi xuống dưới thềm nhà nói da thịt tôi không thơm tho gì nhưng tôi đã bị nhiều người săn duổi. Súng đạn và hận thù vẫn thường làm thịt những người dân quê mùa cam phận ở đây, cô nghe thấy chứ ? Thư quàng khăn lên cổ, ngồi cạnh Thưa. Tôi nghe giọng nàng thực buồn, trong bóng tối, nói vậy chứ thịt da em có thơm gì cho súng đạn, mà cũng bị lấy mất gần một bàn chân. Tôi tự dưng thấy tim mình đau nhói lên, hơi thở khó khăn mệt nhọc. Chưa bao giờ tôi lại nghe thấy một lời than làm tôi xúc động đến như vậy. Cái ước mong kỳ quặc cũ là sẽ được mang tất cho. Thư luôn luôn, thoáng lên trong đầu tôi. Nhưng ngày mai, phải, ngày mai tôi đã xa nàng. Một nỗi chia xa gần giống với lần vĩnh quyết xui tôi càng yếu đuối, lơ ngơ.
Tiếng súng lớn nổ ở đâu đo vẳng lại rền chuyển một góc trời như tiếng sấm mưa dông. Bà Phạm từ trong nhà đi ra, nhìn ngó vơ vẩn đây đó một chặp, trở vào vặn tắt ngọn đèn. Lão Phạm chắc đã đi ngủ sớm ? Tôi muốn kéo dài những giây phút của đêm này bên hai chị em Thư để chuyến ra đi ngày mai đỡ thấy bức rức, dày vò. Tôi muốn được cởi hộ đôi tất Thư lần cuối để nhìn bàn chân tật nguyền nàng là nỗi xót đau lưu luyến còn lại trong lòng tôi. Thư, rồi những bước chân lẻ loi xấu số đó sẽ đưa em đi tới đâu ?
Tiếng Thưa vang lên:
- Ngày mai anh Thân đi ăn giỗ không ?
- Đi, đi với ai ?
- Theo cha đó…
Thư ngồi gần tôi, một tay nàng đặt lên gối tôi, cười:
- Đi ăn giỗ nhớ mang về bánh ít à.
- Cái đó dĩ nhiên, cô khỏi lo mà.
Tôi tiếp, nhìn vào bóng tối phía Thư :
- Cô muốn mấy cái ?
- Càng nhiều, càng tốt.
Tôi nghe tiếng tôi cười lớn:
- Đâu có ham vậy được, nói dứt khoát đi để tôi còn liệu…
Quay về phía Thưa, tôi hỏi:
- Còn Thưa ?
- Tùy anh.
Bóng tối làm chúng tôi sợ hãi. Tiếng súng nổ lắp bắp nghe gần như ở phía đường lớn. Bốn đêm ròng tôi đã nằm đợi mặt trời. Mấy năm rồi tôi đã đợi mặt trời. Một mặt trời bình minh huy hoàng rực rỡ khắp đường quê, phố thị. Một màu sáng ấm cúng ôm ấp bao dung hết thảy mọi người. Ánh sáng soi rõ mặt nhau nồng nàn, không là điềm chỉ cho nỗi thù hằn thanh toán. Đã bao năm nay tôi đang thắt thỏm đợi chờ.
Thưa đứng dậy, nói trổng:
- Buồn quá…
Sau Thưa là Thư, cả hai gọi tôi vào ngủ. Vào ngủ sớm để mai còn đi ăn giỗ. Tôi nói ậm ự trong cổ, muốn ngồi lại một mình thêm chút nữa. Với tôi, một giây phút này là một niềm an ủi hiếm hoi. Một ngày nào đó trong những ngày mai xuôi ngược bơ vơ sắp tới, tôi có còn được trở lại ngồi dưới hiên này nữa bên nỗi an ủi phơi phới kia chăng? Ước mơ được đi đây đi đó bên tôi của Thư vào một ngày nào Hòa Bình thực vắng vẻ, buồn bã như bóng đêm dày đặc hoang vu trước mặt. Tôi nghe rõ tiếng tôi thở dài : Thôi, ngủ sớm để mai còn đi ăn giỗ.
Tôi nhớ rõ giấc mơ vừa nằm thấy thật tuyệt: Một khoảng không gian bàng bạc sương mỏng, bềnh bồng như mây làm tôi náo nức, êm đềm. Trên đỉnh núi cao ngất bóng người di động, lờ lững, nhẹ nhàng giữa buội bờ hoa lá xanh mượt. Tôi ngỡ ngàng nhập bọn, bước chân nặng nề, thô kệch. Trong lúc nỗi lạc lõng chưa mất tôi nhận ra bóng Thư. Người con gái mặc áo choàng trắng tơ mềm dưới gốc mận đỏ ửng trái chín. Tôi vội vã chạy lại, tức thì Thư quay lại cười đón tôi không chút do dự phân vân. Nhờ có Thư, tôi đã cùng nàng đi khắp đỉnh núi. Bầu không khí êm dịu, tươi mát, thấp thoáng từng mảng mây trắng đục. Tôi đã kể hết cho nàng từng ngày qua tôi đã sống khổ ải đó đây trước khi trèo lên được đỉnh núi. Thư chỉ cười. Nụ cười càng khiến tôi xiêu lòng. Tôi thấy đôi môi Thư đỏ thắm như những cánh hoa trên tay nàng. Tôi chú ý đến đôi tất trắng nàng vẫn còn mang ở chân. Tôi định hỏi về bàn chân bị đạn cũ thì đột nhiên nàng biến đâu mất.
Tôi quay nhìn về phía Thư nằm, nàng đã đi đâu rồi. Ba mẹ con Thư trải chiếu ngủ ở dưới nền, cách võng tôi nằm chừng một bước chân. Lão Phạm ngủ ở tấm phảng kê trên những bao cát. Chiếc giường dành cho tôi, một góc nhà giữa, bỏ trống. Tôi ngồi hẳn dậy, ánh sáng buổi sớm lờ mờ tĩnh mịch khắp gian nhà. Mùi ẩm ướt của hơi sương, đồng ruộng, vườn tược bay vướng vất, mơ hồ. Nghe hơi gió mát từng cơn qua song cửa mở, tôi nhớ những cơn gió đêm hôm qua : Những làn gió vời vợi mênh mang ru mùi giấc ngủ, ru nồng nỗi buồn phiền. Tôi đã mấy đêm rồi ngủ quên trên võng này, bên cánh cửa sổ mở đón từng cơn gió nồm êm dịu. Cũng trên chiếc võng êm ái này, tôi đã nằm thấy thực nhiều giấc mơ tuyệt đẹp, mà đã rất lâu, tôi chưa hề có được những giây phút mơ mộng như vậy.
Trời sáng rõ dần phía ngoài cửa sổ. Tôi chú ý mấy cánh hoa giấy đỏ sậm, lay động trong gió sớm. Bầu trời xâm hẳn mây trắng. Buổi sáng thực êm ả, bình yên. Một nỗi bình yên lạnh lẽo. Tôi đứng dậy, nhìn tới góc phảng chỗ lão Phạm ngủ: Lão còn ngủ say ở đó. Đêm này, tôi tự hỏi, sao lão không chui xuống hầm mà ngủ như mọi khi ? Mấy đêm trước, đầu hôm trông thấy lão buông mùng ngủ ở phảng, sáng ra thì đã thấy lão nằm chèo queo trong những bao cát. Tôi nghĩ, có lẽ hôm nay lão bị mệt ?
Bóng áo cánh lụa ai đi thoáng qua bên kia cửa sổ khi tôi vừa quay lại. Thư hay Thưa ? Tôi bỏ đi xuống nhà dưới tìm nước rửa mặt, dầu Thư hay Thưa, bóng áo cánh lụa, cũng là một bóng dáng hạnh phúc mà tôi sắp sửa mang theo bên suốt cuộc đời mình. Và tôi thoáng nhớ lại giấc mơ đêm hôm, Thư chỉ là một cái bóng trắng giữa sương mờ đỉnh núi cheo leo./.
Tuy Hòa, tháng 6/1972
(Tạp chí Vấn Đề . 1972)