Xin Hãy Lắng Nghe
Đời Sống Quanh Ta...
Tạp bút
Mọi người đều có đôi tai để “nghe”, nhưng bình thường chỉ “nghe” hay “chú ý nghe” thôi - ít có thời gian để “lắng nghe”! Thậm chí, theo một số thống kê cho biết, phần đông mọi người chỉ biết “nói” cứ không biết “nghe”; và người thật sự biết “lắng nghe” thì càng ít!
Mọi âm thanh vang động vào đôi tai, chúng ta “nghe” - một cách tự nhiên. Tiếng xe ầm ào trên đường phố, còi tàu hú vang, tiếng người bán mua tranh cãi trong một phiên chợ (…) là những âm thanh ngẩu nhiên “lọt” vào đôi tai ta, màng nhỉ rung chuyển, tạo ra sự “nghe biết” mà chúng ta chẳng hề để ý. “Sự nghe” ấy giống như “sự thấy” của cảnh quang nằm trong tầm nhìn của đôi mắt vậy: Đó là những hình ảnh, sắc mầu tình cờ đi qua võng mô, lưu dấu, mà không để lại một ảnh hưởng gì sâu đậm trong trí óc, hay cảm nhận gì đặc biệt nơi lòng người.
Sự “lắng nghe” thì khác - không chỉ là hoạt động bình thường của đôi tai (để “nghe”), mà chính đó là một sự liên kết vi tế, mầu nhiệm với đôi mắt, với trí não và cả trái tim nữa! Từ lâu, khoa học đã chứng minh rằng, sự “nghe” có ảnh hưởng trực tiếp đến đôi mắt, và vài vị trí của cơ thể. Hệ thống thính giác bao gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Chức năng thứ 2 (sau nghe) của tai là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta thay đổi chuyển động trong không gian, hệ thống tiền đình ảnh hưởng tới sự chuyển động của mắt và vị trí cơ thể. Nói cách khác, người biết “lắng nghe” là người biết vận hành nhuần nhuyễn giữa đôi tai, đôi mắt và cái đầu của mình!
“Lắng nghe” thực sự là thái độ im lặng để đón nhận mọi thông tin từ bên ngoài đi vào tai. Bên cạnh sự im lặng để đôi tai trực tiếp nghe, người biết lắng nghe còn nghe cả bằng ánh mắt, bằng sự phân tích, tổng hợp nhiều chiều (bộ não); bằng cảm xúc rung lên từ trái tim xao xuyến…Do vậy, thông tin (âm thanh) ấy sẽ không có giới hạn cho người biết lắng nghe. Họ còn có thể nghe “hơi gió thăm hỏi, tiếng mưa than thở, nắng reo, suối hát, chim ca. lá thở, đất thì thầm, biển gào thét (…)”- mà những người không biết lắng nghe không thể “nghe” được, cho dù có đủ hai tai rất tốt!
Biết lắng nghe, trước hết sẽ tạo cảm giác quan tâm, gần gũi, thân thiết với người đang nói và chung quanh. Đó là một sự tự trọng (và tôn trọng) cần có trong mọi giao thiệp của đời sống để đạt được sự an hòa, cảm thông sâu sắc. Ví như người bác sĩ “biết lắng nghe” thì sẽ hiểu được bệnh trạng của người bênh tốt, đầy đủ hơn; giúp cho việc chữa bệnh có kết quả nhanh chóng. Thầy trò, mẹ con, anh chị em, vợ chồng, bà con, láng giềng (…) cùng “biết lắng nghe”, sẽ tạo được một mối liên hệ thắm thiết, bền vững, an vui. Cuộc đời vì thế sẽ trở nên có ý nghĩa, hạnh phúc trọn vẹn cho chính mình và cho người.
Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm trước, sau sáu năm khổ hạnh tu tập, và 49 ngày đêm thiền định - Đức Bổn Sư của chúng ta đã chứng đạo dưới cội Bồ Đề, thuộc vùng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) gần thị trấn Gaya (nay là Bodhgaya - Bồ Đề Đạo Tràng), tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn Độ; Phạm Thiên Sahampati đã cung kính chắp tay bạch Ngài rằng: “ Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy thuyết pháp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu những vị nầy được nghe Chánh pháp họ sẽ hiểu!”.
Sau khi quán sát những bông sen trong hồ có đóa chìm dưới mặt nước bùn đen, có đóa vươn lên giữa mặt nước, có đóa ngẩng cao khỏi mặt nước tỏa hương sắc; đức Thế Tôn nói với Phạm Thiên: “Cửa bất tử rộng mở / Ai có đôi tai để nghe thì lắng nghe…”. Và từ buổi thuyết pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển, suốt 49 năm Đức Phật đã không ngưng nghỉ loan truyền Chánh Pháp để cứu độ chúng sanh đang mê muội, đắm say trong vòng trầm luân sinh tử…Nhưng tiếc thay, đã hơn 25 thế kỷ qua - loài người chỉ “nghe” mà chẳng ai biết “lắng nghe” với cả mắt, trí, và tấm lòng thành của mình! Nhân loại vẫn mãi mê trong thù hận, phân biệt, tranh giành - gieo bao khổ đau, tang thương cho con người trên khắp hành tinh nầy!
Xin tất cả hãy “lắng nghe” đời sống quanh ta - để cùng nhau chung hưởng niềm An Lạc vĩnh hằng…