MANG VIÊN LONG


Biển Của Hai Người

Xe chạy .

Khắc bắt đầu nghe những lời chọc ghẹo cô gái của đám lính. Những tiếng cười hô hố bất chợt vang lên từng chặp, sau mỗi câu pha trò sỗ sàng của một người nào đó.

Cô gái ngồi im lặng. Chịu đựng. Mắt nhìn ra cửa xe, cố ý quan sát cảnh vật hai bên đường, làm như những lời lẽ khiếm nhã kia không chui vào lỗ tai cô. Trơn tru chảy mất như những giọt nước đổ xuống lá môn.

Những lời lẽ  của đám lính đã đến lúc khiến Khắc cũng cảm thấy khó chịu. Nhưng thật là ngốc, nếu nói ra những lời khuyên bảo dịu dàng ở đây. Trong các kỳ coi thi Tú Tài, Khắc đều bị đám- lính- thí- sinh quấy nhiễu, làm cho anh phải điên đầu. Khắc vẫn ngồi yên lặng, lấy thuốc ra hút, không mảy may để ý tới đám lính ngổ ngáo ấy. Thỉnh thoảng, Khắc thấy cô gái quay lại nhìn anh rất nhanh, như một sự cầu cứu. Cần một nỗi thông cảm nào đó. Có lẽ vì sự im lặng của Khắc và những cái nhìn vội vã của cô gái, đã phần nào ngăn bớt được những lời lẽ thô lỗ, sống sượng kia…

Nhìn mái tóc xõa, tấm áo dài màu xanh còn dính huy hiệu Trung học Bồ Đ ề , nét co ro rụt rè của cô gái ; Khắc nhớ đến Ngọc Huyền ba năm trước. Đã ba năm, anh đã yêu Ngọc Huyền- cô học trò bé nhỏ, bằng tình yêu đầu đời say đắm. Tình yêu ấy như một ngọn lửa cháy bùng. Như ánh trăng mênh mang quyến rũ. Đêm nay, cũng tại cái bờ biển trống vắng của thị xã, anh sẽ được gặp lại nàng. Có thể, trước khi đưa nàng về, như mọi lần, sẽ ghé lại quán Cây Phượng để ăn đủ loại chè mà cả hai cùng thích – nhất là ly chè mà được ông chủ già đặt cho cái tên là ly chè “Tao ngộ”.

Người tài xế  cho xe chạy rẽ vào bến với lý do xe cần nghỉ  để sửa chữa. Ông ta mở cửa, nhảy xuống, nói như  ra lệnh: “Xe panh rồi, bà con xuống hết đi, sáng sớm mai trở lại…”

Tất cả lục  đục, uể oải bước xuống xe, có lẽ họ  đã quá quen thuộc với tình trạng xe cộ như thế này rồi. Xe cộ thời nào cũng thế, hễ bỏ tiền vào trong túi rồi, thì không cần để ý tới hành khách nữa. Có cằn nhằn, trách móc, cũng chỉ như gió thoảng đầu non mà thôi.

Khắc ngồi nán lại trên xe, có ý chờ gặp cô gái một chút. Sau mấy câu mời mọc cô gái cùng đi trọ ở phòng ngủ với họ, đám lính đứng ngồi lố nhố ở phía dưới chờ.

– Cô vào Nha Trang à ?

– Dạ.

– Sao lại đi một mình vậy ?

– Chị em ở  Nha Trang bị đau, đánh điện ra, má sai em vào thăm trước…

– Cô có nhà  quen nào ở đây không ?

-Thưa không .

– Nếu cô tin tôi, hãy đi theo tôi; tôi sẽ giới thiệu cho cô  một nơi nghỉ tạm…

Khắc bước xuống xe sau cô gái, cắm cúi đi, tiến về phía khu chợ. Khắc đi thong thả, lấy thuốc ra hút, không để  ý tới cô gái nữa. Anh tự coi như đã làm hết những gì cần phải làm đối với cô ta rồi. Đi được một quãng khá xa, anh quay lại nhìn, đúng là cô gái ấy đang vội vã bước theo chân anh.

Vợ chồng người bạn đón Khắc ở cửa rất niềm nở như  được gặp lại người thân yêu vắng mặt đã lâu. Anh giới thiệu ngay với họ: Đây là cô bạn nhỏ đồng hành, xe bị hỏng, sáng sớm mai mới đi tiếp vào Nha Trang được, xin anh  chị thu xếp cho cô ấy một chỗ…Người bạn không hỏi han gì thêm, sốt sắng gọi Thủy- đứa con gái lớn của anh, ra tiếp cô gái; dắt tay Khắc vào phòng.

Khắc cũng đã quên bẵng cô gái cho tới lúc vợ người bạn vào mời dùng cơm chiều . Tất cả quây quần bên chiếc bàn tròn. Bữa cơm đãi khách lạ được vợ người bạn sửa soạn tươm tất. Khắc muốn gọi Thủy vào ngồi  ăn chung cho vui, cũng là để cô bạn nhỏ mới quen bớt áy náy; nhưng cả hai vợ chồng người bạn đều từ chối. Khắc biết tính bạn, không dám nhắc lại. Đối với vợ con, người thân, bạn bè; anh đều có lối cư xử riêng: Trang nghiêm nhưng rất thân tình. Trong những năm dạy học ở đây, được sống chung trong gia đình anh; Khắc đã xem người bạn vong niên nầy như người anh ruột. Các con anh là những đứa cháu ngoan ngoãn, xinh đẹp. Có được người lớn tuổi hiểu biết, khoáng đạt, để nói chuyện; có người đàn bà đôn hậu để nhờ cậy; và có cả trẻ nhỏ lễ phép để vui đùa; Khắc biết mình đã rất may mắn.

Buổi tối, Khắc dặn Thủy ở nhà lo cho cô gái một chỗ  ngủ, đúng năm giờ kém hai mươi sáng gọi cô  ta dậy, đưa giúp lên bến xe (cho tới lúc đó, Khắc vẫn chưa biết cô gái tên là gì). Khắc dặn Thủy, anh có việc cần phải đi, có thể sẽ  ngủ lại nhà một người bạn nào đó. Thủy rất vui vẻ nhận lời.

Một lát, Thủy chạy vào phòng lúc Khắc chuẩn bị rời nhà. Cô bé  cười cười, nói nhỏ vào tai anh: “Chị Bút bảo chú về ngủ ở nhà, sáng đưa chị  ấy đi sớm…”.

– Cháu không giúp chú được à ?- Khắc ngạc nhiên.

– Cháu làm được chứ sao không- Thủy lại cười cười, nhưng chị  ấy không chịu. Chị ấy năn nỉ cháu vào nói giùm.

-Thôi được- Khắc thốt lên, cháu bảo là chú sẽ trở  về…

Đêm ấy Khắc trở về rất muộn nhưng vẫn còn nhìn thấy Thủy và Bút đang ngồi ở chiếc ghế xích đu trong sân, bên khóm lài sực nức mùi thơm. Khắc không nghe được cả hai đang nói chuyện gì, nhưng tiếng cười rúc rích của hai người như đã thân thiết từ rất lâu, làm anh cảm thấy vui vui. Đàn bà, con gái rất dễ thân nhau là vậy.

Khắc đi thẳng về phòng người bạn, thấy anh ta đang ngồi đọc báo. Khắc ngồi vào ghế đối diện, tự tay rót cho mình một tách trà. Khắc nghĩ tới cuộc chia tay với Ngọc Huyền vừa rồi ở con giốc đầu đường số 6, với ý nghĩ ngộ nghĩnh hiện lên trong đầu: “Nếu không có Tình Yêu, có lẽ con người sẽ sống kỳ dị và buồn bã lắm nhỉ?”

Có tiếng goi Khắc từ phía đầu giường. Chiếc mùng căng bị  giật nhẹ nhiều lần. Khắc mở mắt: Trong ánh sáng điện xanh mờ của bóng đèn ngủ, anh nhận ra Ngọc Bút như một cái bóng khép nép, quyến rũ.

– Sáng rồi à  ?

– Sáng rồi.

– Có trễ  không ?

– Dạ không…

Ra khỏi cổng nhà, Khắc quay lại hỏi:

– Đêm qua em ngủ  có được không ?

– Hơi khó ngủ…

– Sao vậy ?

– Có lẽ  lạ nhà…

– Cứ coi như  nhà của mình rồi ngủ ngon chứ sao đâu?

Tiếng Ngọc Bút cười rúc rích trong bóng tối phía sau. Khắc đưa tay lên ánh điện đường xem giờ: Còn sớm, mình ra bến xe kiếm cái gì ăn đã. Ngọc Bút vẫn im lặng đi bên anh như một cái bóng dịu dàng. Gió thổi lồng lộng. Mùa gió nồm đã đến: Những cơn gió nồm sớm mai đầu hè ở đây luôn làm cho người ta muốn ngủ nán thêm một chút nữa. Khắc đã yêu quý, nhớ thương cái thị xã duyên hải này, cùng với những mùa gió nồm mát rượi, yên tĩnh, mỗi lúc đi xa… Vào thời buổi chiến tranh, loạn lạc, mà có được một miền đất yên vắng như chốn này, quả thật là quý. Lúc này, đường phố như rộng thêm ra, thênh thang, trong yên vắng chỉ có bóng hai người lầm lũi bước…

Khắc không biết mình đã uống tới ly bia thứ mấy rồi, nhưng ly của anh luôn luôn đầy. Hễ anh uống quá nửa là  Ngọc Bút lại rót tiếp vào cho đầy. Im Lặng và ân cần. Khắc nhắc lại câu hỏi lần thứ ba : “Em đã sống như thế nào, Ngọc Bút?”.

-Thì như  anh đã thấy đấy- nàng gượng cười, phát tay chỉ  một vòng quanh chiếc quán nhỏ.

– Anh muốn biết kể  từ sau buổi sáng sớm đưa em đi kìa, buổi sáng mà anh chỉ kịp nắm được tay em rồi xe chạy…

Sau cùng rồi Ngọc Bút cũng đã kể cho anh nghe về cuộc đời của nàng trước ngày chọn góc biển hoang vắng giữa  đường nầy làm nơi dừng chân: Lập gia đình năm 1978, sinh đứa con đầu lòng vào năm 80. Cũng vào năm ấy, chồng nàng đã gom hết vàng bạc để thực hiện một chuyến vượt biển. Đi lọt, năm đầu, thư từ liên lạc của chồng còn đều đặn; nhưng chỉ sau một năm thôi, nàng không còn nhận được tin tức gì của chồng nữa. Nàng đã nghe nhiều tin đồn về chồng, tin nào cũng khiến nàng bàng hoàng, đau đớn. Nàng cố níu giữ niềm tin về đứa con như chiếc phao cuối cùng để khỏi bị chìm ngập trong tuyệt vọng.

Bẵng đi một thời gian dài- khoảng giữa năm 88, chính chồng nàng gửi một người quen thân mang về cho mẹ con nàng một bức thư và một nghìn đồng đô la. Lá thư tuyệt tình ngắn ngủi và số tiền đền bù kèm theo, đã làm nàng rụng rời: Anh ấy nghĩ rằng tiền bạc có thể đổi được Tình yêu và nỗi khổ đau trăm điều của em được sao? – Ngọc Bút sụt sùi khóc.

Nàng đã dấu mẹ. Dấu con. Bắt đầu xuôi ngược trên những chuyến tàu để học nghề buôn bán. Sau mấy năm lặn lội, cả vốn lẫn lời đều không cánh mà bay hết. Lẩn tránh được vài chuyến, bị dính một chuyến, kể như mất sạch. Tỉ như con cá được nuôi trong ao, chờ to béo mới được làm thịt. Trong lần bị bắt sau cùng, nàng đã phải chịu thâm nợ huê hụi, vay tiền tín dụng, không thể nào trả hết. Nàng giao nhà cho các chủ nợ, bồng con về gửi cho mẹ. Gom chút vốn liếng còn sót lại, nàng đã chọn góc biển hoang vắng dọc đường nầy, mở quán nước -“Đó là lối thoát cuối cùng của em, nếu không muốn nhảy xuống biển.”- Ngọc Bút lại khóc nức nở.

Nàng chậm chạp rót thêm bia, cầm lên, đưa ra trước mặt Khắc:

– Anh uống đi. Có  lẽ em cũng phải uống với anh cho thật say, để mừng ngày hội ngộ sau hai mươi năm… Anh thử nghĩ, nếu chiếc xe đò ấy không bị hỏng máy ở đây, thì làm sao em có thể gặp lại anh được nữa ?

Trong đầu Khắc, lúc nầy, anh cũng đang nghĩ về sự tình cờ  kỳ diệu nầy. Gần hai mươi năm, đã nhiều lần ngược xuôi trên con đường nầy, có bao giờ Khắc biết  được có ngày anh sẽ gặp lại cô bạn đồng hành bé nhỏ thuở nào ? Nếu chiếc xe không bị hỏng máy, ngay trên đoạn đường vắng vẻ nầy, thì chiều nay anh sẽ ở nơi đâu ?

Ngọc Bút hỏi thăm Khắc về Ngọc Huyền (có lẽ nàng đã biết  được qua đêm nói chuyện với Thủy năm nào chăng?). Nàng nhất định đòi anh kể chuyện về Ngọc Huyền. Khắc cảm thấy đã chếnh choáng hơi men, anh cười cười: “Hãy cùng quên quá khứ đi. Em chỉ cần biết chắc một điều là Ngọc Huyền đã bỏ anh, không còn yêu thương anh nữa. Đó là câu kết luận mà suốt mười năm trời phải chịu bao đau xót, anh mới tìm ra được”. Khắc cảm thấy một cảm giác gai lạnh nổi lên toàn thân: Đồng tiền đã làm biến dạng hết mọi thứ trên cõi đời nầy, một cách nhanh chóng và khủng khiếp.

Suốt buổi chiều không có một chuyến xe khách nào ghé lại sau chuyến xe của anh đi đã lên đường. Thỉnh thoảng, một chiếc xe lôi, chiếc ba gác, hay chiếc xe đạp thồ tấp lại để uống một ly trà đá, chai nước ngọt, hay mua vài điếu thuốc Jet lẻ ; rồi vội vã ra đi. Nhìn lại, cái quán lá lẻ loi, trống trải nầy, cũng rất giống cuộc đời của chủ nó: Thấp bé và buồn bã quá.

Khắc ngồi nhìn, đếm từng chiếc xe đò chạy vút qua đường, hối hả, như chạy trốn bóng đêm. Không có điểm dừng. Anh liên tưởng tới cả cuộc đời con người, cũng là một chuỗi dài xuôi ngược, cho đến lúc không còn sức lực để chạy được nữa như những chiếc xe kia. Khắc nghĩ tới sự dừng nghỉ của đời mình; dường như anh đã thấy được bến bờ mà đã quá nửa cuộc đời anh phải lận đận.

Mặt biển phía sau đã thẫm mầu, nổi rõ mầu trắng của bãi cát dài, mờ dần đến cuối xóm. Ngọc Bút đến chỗ  Khắc ngồi im lặng giây lâu, cúi xuống cầm lấy tay anh:

-Mình ăn cơm sớm  đi, chúng ta sẽ xuống biển chơi. Đêm nay sẽ có  trăng đấy …

Khắc giữ lấy tay Ngọc Bút. Anh muốn nói lời cảm ơn nàng, nhưng sao không nói lên được. Hình như anh đang nghe thấy tiếng chuông im vắng trong lòng nàng rung lên. Và Khắc ao ước nó mãi ngân vang, bay xa, không muốn nó bị chao động vì bất cứ một lời lẽ nào…

– Bút à !- Khắc đứng dậy, chúng ta đã được gặp nhau rồi, đã có nhau rồi. Đó cũng là một định số; một sự an bài mà. Em có vui lòng nhận anh không?

Ngọc Bút mỉm cười: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ mất nhau nữa. Hãy sống hết lòng với tâm thành của mình, đừng bao giờ nghĩ  tới một điều gì khác !”

Nàng nhắm mắt. Khắc cúi hôn lên đôi mắt ấy, thật lâu. Phía sau nhà, mặt trăng vừa nhô lên khỏi cõi sóng nước mênh mông ánh bạc.

Tháng 10 năm 1990

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long