MANG VIÊN LONG


BUỔI SÁNG, KHI THỨC DẬY...
Tạp Bút

Mặt trời hừng đông . Ngày mới lại đến. Buổi sáng bắt đầu cho một ngày mới của đời sống. Cô giáo cũ dạy Triết của tôi năm lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) đã ngoài 60 – mỗi lần đến thăm cô (hay bất ngờ gặp lại cô ở đâu đó) – Cô đều chép miệng nói : “Cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá, phải không em?”. Có lần cô tâm sự: “Buổi sáng, thức dậy, cô không muốn ra khỏi giường vì luôn cảm thấy buồn chán; cảm giác chán chường, vô vị, lạt lẽo cứ bao trùm kín mít đầu óc như một nỗi thất vọng lênh đênh kéo dài…”. Tôi hiểu cô. Đời cô đã trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay, vô thường của kiếp sống. Cuộc đời còn lại thì quá ngắn ngủi. Cuộc sống đúng là hão huyền, như hoa đóm, giọt sương!
Khác với cô giáo dạy Triết của tôi, ông bạn láng giềng mỗi sáng gặp nhau ở sân- đều cười nhạt sau cái lắc đầu : “Mở mắt ra đã thấy công việc- lật đật xuống giường nhiều lúc quên cả xỏ dép – vào phòng đánh răng rửa mặt, vội vã thay áo quần, ra mở cửa đón khách… (ông là chủ của một hiệu thuốc Tân dược). Ngồi dính vào cái quày này cho đến 10 giờ đêm…” Tôi hiểu ông. Ông đang buôn bán đắc đỏ, khách hàng ra vào nườm nượp, hằng ngày thu lợi hơn mấy trăm ngàn làm sao dám bê trễ, dứt bỏ? . Sống vội vã như bị dồn đuổi nên không biết “trời trăng mây gió” gì là phải . Và cái chứng bệnh “ăn không ngon, ngủ không yên” – luôn bồn chồn, mệt mỏi, thấp thỏm lo âu mà ông đã tốn khá nhiều tiền cho bác sĩ cũng không thuyên giảm cũng là phải!
Nhìn người, biết người – Tôi luôn có dịp “nhìn lại mình” để coi mình đã đón buổi sáng như thế nào, đã sống như thế nào trong ngày để tránh được hai thái cực nguy hại, vừa buồn thảm vừa hoang phí đời sống như thế.
Không giống cô giáo cũ, khi còn nằm trên giường biết mình đã thức dậy – Tôi luôn có niềm vui đầu tiên là “nhận biết mình còn sống!”. Tôi còn có mặt trên cõi đời này. Đó là một điều hạnh phúc. Một niềm vui lớn. Nghĩ nhớ đến mấy người bạn mà tôi vừa đưa họ lên nghĩa trang, hay vừa được mời đến “ăn giỗ” lần thứ nhất – lại cảm thấy dù gì, mình vẫn còn diễm phúc để sống, để làm việc hơn họ ít nhất là trong một buổi, một ngày. Thân còn khỏe. Trí còn sáng suốt. Tôi nghĩ mình còn có thể “mượn thân giả, làm việc, tu hành” thêm nữa. Đó là một ân huệ lớn mà mình được hưởng sao lại lãng quên, bỏ phí?
Như lệ thường, tôi thắp hương ở bàn thờ Phật, ông bà – ngồi bán già ở chiếc di van đối diện – ngửi mùi trầm thơm, nghe hơi thở đều đều nhẹ nhàng ra vô buồng phổi – để thấy giây phút buổi sáng hiện tại thật quý, thật đẹp, thật… đáng sống biết bao! (cho dù thời gian cảm nhận không lâu, cho dù sau đó, trong ngày có bận bịu với chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” muôn thuở!. Tôi thường quán niệm bài kinh ngắn “Nhất Dạ Hiền” để luôn nhắc mình hãy sống hết lòng với phút giây hiện tại, dù cho nhân duyên có như thế nào:
“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai thì chưa đến…
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển!
(…)”
Biết sống với phút giây hiện tại, tôi không cảm thấy “cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá” như lời cô giáo cũ bởi vì cùng lúc tôi cũng ý thức được, “thân người khó được” – có được rồi, thì hãy biết trân quý đời sống, để được có thời gian hoàn thiện mình. Thực hiện thêm những ước mơ cho mình, cho người dù là rất nhỏ. Tôi cũng thường âm thầm tự hỏi, những người thân của tôi, bạn hữu của tôi đã ra đi rồi, liệu họ có thể có đủ duyên lành để trở lại làm Người chăng? Hay là (…) Còn sống là còn có dịp làm điều tốt đẹp, còn có duyên gần gũi Phật pháp – sao lại có thể là “chán chường, vô vị, lạt lẽo cứ bao trùm kín mít đầu óc” nhỉ?
Vạn pháp đều do tâm ta tạo – rồi khiến ta vui hay buồn; hạnh phúc hay khổ đau ; không có phép mầu nào có thể ban phát sai khiến Tâm u tối, trì trệ,hoang mang quay cuồng như cô giáo cũ của tôi, thì luôn thấy đời “vô vị, chán chường” là hệ quả tất yếu. Còn Tâm lăng xăng toan tính tham lam vô độ của người bạn láng giềng “luôn bồn chồn, mệt mỏi, thấp thỏm lo âu” cũng là “chuyện thường ngày” phải đến.
Tôi luôn bắt đầu một ngày với niềm vui “biết mình vẫn còn hít vào thở ra” bình thường. Vẫn còn có dịp đọc kinh, niệm Phật, làm điều lành… tôi giữ nguyên niềm vui và sự tỉnh táo, thong thả bắt đầu việc mưu sinh như bao người chung quanh một cách cần mẫn. Làm gì cũng làm nhưng luôn tỉnh giác giữ tâm yên một chỗ. Gắng không cho nó xao động, chạy nhảy lung tung… Một buổi sáng yên tịnh, trong lành , tươi mát đã đem lại cho tôi suốt một ngày an vui, tha thiết với cuộc sống mà không hề có chút bận tâm nào đến ngày mai mình còn có mặt hay không tên thế gian này !


TÔI ĐẾN VỚI PHẬT
Tạp Bút 

 

Tôi đến với Phật do những gặp gỡ tình cờ - mà sau nầy ngẫm lại, tôi gọi là “duyên ngẫu nhiên mầu nhiệm”!
Tôi mồi côi cả cha mẹ từ thuở lên tám, nên không có ai dạy dỗ nhiều điều, lại gặp thời kỳ kháng chiến với Pháp (1945 - 1952) gian khổ, nghèo đói. Cơm không đủ no, quần áo không đủ mặc, sinh mạng luôn bị đe dọa ngày đêm bởi những trận bom, trận càn của giặc Pháp từ mạn biển Qui Nhơn, Đề Di…Đình chùa vắng hoe, tiêu điều, không ai dám lui tới. Mọi sinh hoạt tôn giáo đều bị gạt bỏ. Chúng tôi sống ngơ ngác từng ngày…
Trong hoàn cảnh ấy, lên tám tuổi - tôi đã kịp học được ở Mẹ tôi câu niệm Phật đầu đời trước khi bà mất, trong căn hầm trú ẩn sau nhà: “Nam mô Quan thế âm Bồ Tát”. Ngồi trong hầm núp, nghe tiếng máy bay gầm rít trên đầu, nghe tiếng súng đại bác bắn liên thanh, và những tiếng ì ầm của những trái bom đang rơi xuống ở đâu đó, quanh vùng; ai cũng đọc lớn câu niệm Phật ấy. Tôi đã đọc theo Mẹ tôi khi bà ôm tôi vào lòng…
Sau năm 1954, thỉnh thoảng, tôi có thầm đọc lại câu niệm Phật ấy, mỗi lúc buồn đau, vì nhớ Mẹ, hay gặp cảnh bất hạnh! Anh cả của tôi đã “tạo duyên” cho tôi thường xuyên niệm Phật, bởi sự nghiêm khắc, đến cộc cằn của anh với chị em tôi! Cha mẹ mất, chỉ còn lại ba anh em, lẽ ra anh phải yêu thương, an ủi, che chở chị em tôi, thì anh đã không làm vậy, và không quan tâm chia sẻ, an ủi, chăm sóc - mặc dầu cha mẹ tôi khi mất đi đã có để lại bốn gian nhà ngói, và một mẫu ruông loại tốt!
Trong những tháng năm mồ côi cô độc, và nghéo khó; năm tôi 12 tuổi - cũng “có duyên” để xuôi tôi chạy lạc vào một ngôi chùa, tránh một trận đòn của anh. Sau khi đã “dạy” tôi bằng tay, anh bắt tôi nằm dài xuống nền nhà, vội ra sau lấy chiếc roi mây gác sẵn ở mái hiên. Tôi vùng dậy, bỏ chạy ra đường. Trong đêm tối, tôi đã cố sức chạy - không biết chạy đi đâu cho yên, nhưng trước mắt tôi là một ngôi chùa cổ bên đường hiện ra; tôi đã vội lẻn vào chùa, và lần đầu tiên quỳ lạy trước nhiều tượng Phật ở chánh điện, sau đó chui ngay dưới gầm bàn thờ Phật, để trốn!
Trong một ghi nhận ngắn về mình ở bìa một tập truyện - tác phẩm thứ ba của tôi ( Tập “Phố Người” Xb năm 1971), năm 27 tuổi; tôi đã viết, “(…) Đã sống qua một thời tuổi nhỏ vô vàn đau xót: Cha mất khi còn là một bào thai non yểu quằn quại trong bụng Mẹ. Tám năm sau, một giờ sáng ngày 27 tháng 10 (âm lịch) giữa mùa mưa bão mù trời thời kháng chiến, người Mẹ đã thở hơi cuối cùng vì bệnh lao bởi đã sống khổ nhục và cô độc trong nửa cuộc đời góa bụa bị lường gạt. Từ đó, sống quấn quít nghèo khó bên anh và chị. Sống ngơ ngác lạc lõng giữa bà con họ hàng. Lớn lên như một thân cây rừng cô tịch (…)”. Quả đúng là tôi đã lớn lên trong “tình cờ & ngẫu nhiên” giữa đời! Không hề dám (và biết) nghĩ đến tương lai…
Vào tuổi ấy, rất diễm phúc - tôi đã “biết” có Phật, nhưng “không biết” tìm Phật nơi đâu?
Thời gian dạy học ở Tuy Hòa, tôi được Thầy Giác Lượng thường ghé nhà trọ thăm, trong mỗi chuyến Thầy đi công tác ở các ngôi tịnh xá thuộc các tỉnh Miền Trung và cao nguyên, trong đó có Phú Yên. Thầy tìm đến thăm tôi vì là tình đồng hương, cũng vì Thầy là một nhà thơ! Mỗi lần ghé, Thầy đều mang đến cho tôi vài tập Kinh, một tập thơ mới xuất bản. Bộ Kinh Thầy cho tôi đầu tiên là “Kinh Hoa Nghiêm”. Tôi đã đọc. Nhưng, chỉ hiểu lờ mờ; duy chỉ có một niềm vui lớn đọng lại trong tâm tôi, là lần đầu đã được đọc chính những lời Phật nói…Sau đó không lâu, cũng nhờ Thầy Giác Lượng “tạo duyên” - tôi đã được “tháp tùng” đoàn Quý Sư đi xã đảo Nhơn Châu (Cù lao xanh) một tuần; đã được nghe những bài giảng pháp đầu tiên của Quý Thầy…
Thời gian đó, lại do một “ngẫu nhiên tình cờ” không nhớ rõ - tôi được hân hạnh gặp Thầy Thiện Đạo lúc ấy đang dạy và làm Giám học của trường Trung học Bồ Đề Hiếu Xương - rồi gặp Thầy Minh Tâm (cũng đang làm Giám thị của Trường Trung học Bồ Đề Tuy Hòa)…Tôi vẫn sống bình thản “như một thân cây rừng” trong những tháng năm tuổi trẻ, với những ước mơ - như bao người tuổi trẻ có chí hướng khác. Tôi đam mê văn học, sống hết lòng cho thơ văn - coi đó là niềm vui và an ủi còn lại cho cuộc đời côi cút gian khó của mình. Tôi đã trải lòng với văn chương, với bằng hữu, với học trò - cho đến năm 1973, tôi đã xuất bản được bốn tập truyện ngắn và một tập tùy bút - cọng tác với vài tờ tạp chí, tuần báo văn học ở Saigon, và các tỉnh, thành phố khác…
Tháng Tư năm 75, trong không khí căng thẳng, bất an của thị xã ngày càng vắng - tôi đã đưa bà Ngoại các cháu, và vợ con vào tạm trú ở Viện Đại Học Duyên hải Nha Trang. Một buổi sáng, sau đêm cả thành phố rối bời trước giờ được tiếp quản - từ viện đại học Duyên Hải, tôi nhìn thấy đám đông đã phá cổng, cửa rào, tràn vào Tòa Lãnh sự Mỹ bên kia đường, tranh nhau thu dọn đồ đạc còn bỏ lại của nhân viên sứ quán, kể cả xe hơi, nhiều xe Honda, vật dụng…Tôi băng qua dường, đi dần vào bên trong, ghé nhìn các phòng của tòa Lãnh sự; chứng kiến một cảnh tượng tang thương, dâu biển - đau lòng! Trước khi quay về, thoáng nhìn ở khung gỗ gắn trên vách tường một căn phòng đã trống trơn, tôi thấy bức tượng Phật Di lặc bằng đá trắng, cao khoảng một gang tay, còn nằm ở một góc - tôi đã bước vào, và đã có “tượng Phật đầu tiên” cho đời mình…
Sau năm 1975 - tôi “quên bẳng” cây bút (thực ra là chiếc máy chữ Brother de lux), để cầm…nhiều thứ khác, kiếm ăn. Sinh hoạt gia đình tạm ổn với những thiếu hụt phải lo toan hằng ngày. Năm 78 và 81, chúng tôi có thêm hai con, một gái và một trai (út) - đời sống thêm vất vả, nhiêu khê! Tuy vậy, gia đình chưa có những xáo trộn gì lớn lao, đáng kể cả!
Sau năm 85, nghĩa là sau biến cố 75 được 10 năm - những “rạn nứt” tình cảm vợ chồng, bắt đầu xuất hiện, nhưng tôi không thể hiểu rõ nguyên nhân. Gia đình dần dần bất ổn, năm sau thêm nhiều phức tạp rối reng hơn năm trước! Không một ai trong họ hàng hai bên có thể “biết chắc” là do đâu, tại sao? Dần về sau, sau nhiều năm tháng lang bạt đó đây, tôi tin là “nhân duyên” của chúng tôi đang đến thời không thuận nữa.
Trong một dịp đi hành nghề mở khóa, làm chìa - tôi đã đến mở một khóa tủ cho cậu bạn quen đang công tác ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Khi mở xong, tôi nhìn thấy bên trong có nhiều đồ vật, tranh ảnh, chuông mõ, cờ phướng vất bừa bộn một bên. Tôi chợt nhìn thấy một tượng Phật nhỏ, cao gần hai gang tay, sơn phết rất đẹp. Tôi moi lên, biết là tượng Phật bổn sư Thích Ca - bằng gỗ, có lẽ cũng vừa được làm xong không lâu. Nhìn kỹ, nét chạm khắc không điêu luyện, nhưng tôi nhận ra ở đó là cả một tấm lòng kính ngưỡng, trải qua một thời gian chăm chút đáng trân trọng. Tôi đã hỏi xin người bạn. Sau phút do dự - cậu ấy đồng ý cho tôi, nhưng bảo nên cất kỹ trong xách đồ nghề…Đó là bức tượng Phật Thích Ca đầu tiên tôi có - hiện vẫn còn tôn trí ở bàn thờ Phật trong nhà…
Mỗi khi gia đình không được thuận hòa, căng thẳng gay gắt - tôi thường rời nhà, bỏ đi lang thang nhiều miền, làm nhiều nghề để sống - nhưng, cũng từ đó, tôi lại có dịp nhớ nghĩ đến câu niệm Phật mà Mẹ tôi đã dạy lúc 8 tuổi trong hầm trú ẩn nhiều hơn. Nơi nào đang sống có chùa ở gần, tôi thường vào ngồi hằng đêm, không biết đọc Kinh - chỉ biết yên lặng với câu niêm Phật cũ, và học thêm những câu niệm Phật nghe được…
Phải trở về nhà sau vài tháng “sóng gió” yên lặng, để tiếp tục lo lắng, chăm sóc các con còn tuổi đi học - tôi quyết đinh đưa cả gia đình đến chùa Ngọc Lộ, xin quy y. Tôi chính thức có Pháp danh là Sơn Thành, được nghe giảng năm điều răn dạy, được nhận tập Kinh nhật tụng khai tâm.
Lại thêm một “ngẫu nhiên tình cờ” đến với tôi trong hoàn cảnh quá u ám lúc nầy, là chị Diệu Thuần ở Gò Vấp (chị ruột nhà văn Y Uyên) - tự nhiên gởi cho tôi liên tiếp mấy tập Kinh sách rất quý, dầu tôi không ngỏ lời xin: Đó là bộ Kinh Pháp Hoa, Lăng Già Tâm Ấn, Kinh Kim Cang, Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất của Tổ Bồ Đề Đạt Ma (…).Tôi vui mừng như nhận được bảo vật, bởi vì - từ ấy, ngày đêm tôi đều hướng tâm đọc khi được rỗi rãnh việc kiếm sống, việc nhà - phát tâm biên chép Kinh Pháp Hoa vào mỗi tối, như một niềm an ủi, một niềm tin duy nhất cho đời mình, để tạm quên bao nỗi phiền muộn đang dai dẳng đeo bám lấy tôi!
Về sau, mỗi khi phải xa nhà, tôi không đi lang thang, mà đến xin “sống tạm” ở các ngôi chùa. Một lần ra đi, có lẽ là năm 2003 - tôi quyết đinh tìm đến thăm Thầy Thiện Đạo ở chùa Phi Lai, thuộc thôn Hòa Mỹ, xã Hòa Thịnh, quận Tây Hòa (Phú Yên) vì đã hơn hai mươi năm chưa được gặp lại Thầy. Chuyến đi sau mùa lũ lụt lớn nhất từ nhiều chục năm, rất khó khăn - cách trở, nhưng rất may, nhờ anh Trần Huiên Ân cùng đi luôn “nhắc nhở”, cuối cùng chúng tôi cũng đã vượt qua hơn 30 km đường lầy lội, bị xoáy lở nhiều đoạn - để đến Phi Lai, gặp được Thầy - và cũng bắt đầu từ “nhân duyên” ấy - tôi đã gắn bó với Phi Lai, được nhận nhiều lời khuyến dạy, trợ duyên của Thầy và đã “gặp Lục Tổ Huệ năng”…
Bên cạnh những “gặp gỡ tình cờ” ấy, là những giấc mơ kỳ diệu khó nghĩ bàn thường đến bất chợt với tôi trong thời gian trước và sau khi được quy y, đã “ngẫu nhiên” góp phần vun quén cho niềm tin của tôi với Phật, ngày càng vững chãi - đến nổi, tôi đã có lần tâm sự với các bạn thân: “Nếu tôi không gặp được Phật, có lẽ - tôi đã chết vì nhiều lý do, từ lâu rồi!”.
Ngồi mà nghĩ nhớ lại quãng đời có mặt của mình ở cõi tạm nầy, tôi tin rằng - những điều mà tôi gọi là “duyên ngẫu nhiên mầu nhiệm” - chính là “nhân duyên” kết thành từ “nhân quả” của tôi (cũng như của mỗi người), kiếp này và các kiếp trước! Có điều - lẽ huyền vi ấy, chúng ta không thể biết trước được mà thôi! Tôi “không ngẫu nhiên” mà có được hai tượng Phật, có được những bộ Kinh tạng quý, gặp được các bậc Chân tu, Thiện trí thức đã hết lòng cưu mang, giúp đỡ tôi (…) trong hoàn cảnh u tối của đời mình: Đó là “duyên lành” của những “nhân lành” chăng? Tôi cũng từng nghĩ, trước là anh trai tôi, và sau là người bạn đời của tôi và (…) - tất cả đều là những vị “Bồ tát nghịch hạnh”, đã giúp tôi vượt qua bao nỗi khổ đau, buồn phiền, nổ lực nhẫn nhục - để có thể gặp được Phật chăng?
Từ dạo ấy, cho đến hôm nay - đang ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, tôi sẽ sống mãi với Phật trọn kiếp này, và hy vọng cũng sẽ được “gần Phật” trong những kiếp sau…Một ngày được niệm Phật, được đọc một trang Kinh, được làm một việc thiện lành - đó là một ngày Hạnh Phúc của tôi…
Mùa Vu lan, Pl 2558
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long