MANG VIÊN LONG

Cánh Bèo
Truyện ngắn

   Trời sáng lờ mờ trong khu vườn, ngoài bờ rào cây keo, tôi thò tay vào hồ nước mò tìm cái ca nhựa, múc nước rửa mặt. Nước lạnh. Tôi thoáng có ý định muốn lấy gàu xách ở giếng một gàu nước ấm, nhưng lại tiếp tục rửa mặt với ca nước lạnh tê. Cái lạnh dịu dàng tan dần vào người. Và, tôi chợt nhớ tới những buổi sáng sớm, như sáng sớm vào mùa xuân, hay buổi sáng mồng một nào đó ở  quê, thức dậy thật sớm, rửa mặt bằng những gàu nước lạnh, nghe lòng lâng lâng náo nức với những niềm vui nào mơ hồ, phơn phớt, như những giọt nước giá băng. Bây giờ, buổi sớm mai tịch mịch, ánh sáng lờ mờ trên nền trời còn đục hơi sương, những giọt nước lạnh rần, tất cả những thứ đó, chợt gợi tôi nhớ lại quê nhà vô vàn. Tôi nhớ quê. Tôi nhớ kỷ niệm. Tôi nhớ hết thảy những gì đã qua, bây giờ không còn nữa. Có những điều, tôi biết, không còn mảy may nào yên ổn cho những nhớ tưởng, nhưng tôi cũng đã có nhiều phút thực say mê, rộn rã để hoài niệm như một kẻ thong dong, công thành danh toại, ngẫm nghĩ về dĩ vãng vàng son của mình. Anh Minh bảo tôi, đó là một điều lạ, tại sao một cảnh đời như ông (Anh ta vẫn thường gọi tôi bằng tiếng “ông” chân thành, chừng mực này) lại dễ dãi mơ mộng và chiu chắc với từng kỷ niệm này ? Dễ hiểu mà, có gì đâu, đó là dấu hiệu của một sự thất vọng, chán nãn, ngơ ngác tới cùng tột. Anh thấy tôi  có phải vậy không? Nếu không là vậy, chẳng lẽ anh biểu tôi mừng rỡ với cái diễm phúc trở thành một phế nhân sao ? Tôi đâu có nông nỗi vậy được. Tôi biết rõ số phận tôi mà: Cái mà bè bạn (những bè bạn qua loa, hời hợt, tầm thường) cho rằng diễm phúc (hay phước đúc, hạnh phúc gì đó) tôi hiện đang có, có vẻ hơn họ, thật đã làm cho tôi càng chán nãn, mệt mõi, đau xót hơn nữa. Là chỗ bạn bè chí thân của tôi, có lẽ anh không hiểu tôi như họ rồi. Trong tình bằng hữu, cái khó nhất theo tôi là hiểu hết, hiểu trọn, hiểu rành mạch về bạn mình. Đã có sự thấu hiểu khó khăn, cần thiết này, mọi việc khác đều qua, đều tốt đẹp. Này, tôi hỏi thật, anh có nghĩ là cái “ diễm phúc ” của tôi bây giờ (một khúc chân bị tháp gỗ, mấy vết mổ nơi bụng mỗi lền trông thấy bắt ớn lạnh) là một nỗi tuyệt vọng, một bất hạnh mênh mông cho đời tôi không? Ngày nào tiếng súng thôi làm bàn chân gãy, mảnh mìn thôi đâm xuyên vào ruột, cái chân gãy, vết tích nơi ruột tôi quả thực là một cái gì vô cùng tủi nhục, đau đớn, phải không anh? Tôi đã có nhiều lần, trong gần hai năm được trở về, tưởng tượng ra cái ngày khổ sở đó và tôi cũng mường tượng thấy, ngày đó, bàn chân tôi mới thật sự gãy lìa, vết thương nơi ruột mới thực sự mưng mủ, nhức nhói. Thú thực với anh, nỗi sợ hãi gần gũi, lớn lao tới nỗi có hồi tôi cứ ngồi nhìn bàn chân gỗ mà tưởng nó nát mục, nhìn vết thương dài quăn queo ở bụng mà nghĩ nó lở loát, sình thối ra. Anh Minh à, tới hồi đó, vết thương tôi (mà ngày nay gọi là diễm phúc, phước đức) mới được mọi người nhìn thấy rõ. Nhìn thấy sự cô độc, bất hạnh của những kẻ tàn phế. Tôi tự cảm thấy tôi không còn bình thường, tôi là một người khác những người chung quanh. Đã khác với người chung quanh mình thì còn mong gì được sự gần gũi, tha thiết? Khổ cho tôi là những người thân của họ đâu có nghĩ ra cái ngày đó, mà chắc chắn, tôi phải lảnh chịu ? Họ chê trách, và giận dỗi tôi từ ngày tôi trở về, chỉ chịu ở lại quê vài hôm, rồi lại khập khiểng ra đi. Đi mãi miết. Đi hoài hủy. Đi biệt tăm. Đi dập dềnh lưu lạc như một cách bèo trôi theo con nước lớn, có biết bờ bến nào mà dừng lại chắc chắn đâu ? Hồi nhỏ, ngày còn nhiều mộng ước, tôi không hề nghĩ tới lúc tôi phải đi với một khúc gỗ gắn vào  chân, ruột tôi phải mổ ra để may vá lại. Quả thực trong hận thù và chiến tranh, mọi mơ ước đều đảo lộn, tiêu tan; đời người như mây trời, như rong biển. Sao anh không nói, không trả lời tôi ? Tôi nhìn thấy anh phân vân, môi mấp máy rồi giữ yên lặng. Một lát, anh thở dài: Thì ông đã nói thay tôi rồi, còn gì? Quả thực như vậy sao? Tôi nghe mình rời rã, xao xuyến với nỗi cảm thông im lặng này.

Tôi trở vào, thu xếp vội vàng mớ áo quần treo ở móc, bỏ vào va ly, đốt một điếu thuốc. Tôi tìm lấy một mảnh giấy nhỏ, viết thật nhanh như thể ngại anh Minh thức dậy: “Anh Minh, tôi đi. Tôi đi sớm cho mát. Hễ tới  chốn nào. Dù chỉ dùng lại đôi ba ngày, cũng sẽ viết cho anh. À, có cái thư gởi cho T, để trên xấp bài anh đang chấm dở, nhớ chuyển giúp cho tôi. Tôi chỉ nhờ anh một lần này thôi. Anh ở lại mạnh giỏi. Mong chị và các cháu vui, khỏe. Bạn anh.”

Tôi tắt điện, khép cửa khẽ khàng, bước chân hấp tấp, sỏi đá kêu rào rào, khu vườn sáng lờ mờ, gió từng cơn lạnh buốt. Tôi mở cổng ra ngoài đường. Điện đường còn sáng. Những người lính đi trực, gác, cởi xe chạy lướt qua, cũng vội vàng. Tôi đi chậm lại khi đã vượt qua Ty Bưu Điện, tới con đường phố chính. Các hiệu buôn, quán ăn còn đóng cửa ngủ. Phố vắng. Gió lạnh. Đèn đường vàng. Tôi cắm cúi đi dưới hàng bạc hà thấp, trên lề đường. Tôi chợt có được cái cảm giác náo nức, phơi phới của những chuyến ra đi. Những bận ra đi, những dịp để cho hy vọng có thể trổi dậy, phơn phớt màu xanh sau vài ba tháng nằm ì nơi chốn nào đó, hy vọng đã chùng xuống, và nhạt màu. Tôi mỉm cười với ý nghĩ, chàng ra đi vào mùa xuân, khi mùa xuân nồng thắm sắp tới, nàng ở lại cô lẻ, nhớ nhung. Tôi nghĩ tới T.

T. là đứa học trò của anh Minh, đứa học trò mà anh Minh thường nhắc tới, kể chuyện, cho đến nỗi, dù chưa được gặp, tôi cũng đam mê mới là kỳ cục. Có thể tóm tắt lời ngợi khen của anh Minh về T như sau: Rất có duyên, vô cùng thùy mị, hoạt bát đáo để… Tôi xin nhấn mạnh những chữ “ rất, vô cùng, đáo để ” của anh Minh khi phát biểu cảm tưởng về T. Trong mấy chữ “ rất, vô cùng, đáo để ”, thực tình tôi chỉ mê có hai chữ. Đó là hai chữ “ rất, vô cùng ”. Con gái có duyên (không phải chữ đẹp làm tôi sợ) ai lại không thương? Còn thêm nết ra, đoan trang, thùy mị hỏi làm sao mà không say đắm? (Ngày xưa, học tới truyện Kiều, nghe ông thầy tả nàng Kiều đẹp thế này, thế nọ: nước da, tóc, tai, mũi, miệng, vv… rồi ông ta nói, gặp nàng con gái như vậy, các trò có thương không, lũ bạn nhao nhao lên, thương, thương. Đợi yên, tôi mới xin đứng dậy thưa rằng, tôi ghét quá. Tôi chỉ yêu nàng Kiều có một câu “ hoa cười, ngọc thốt đoan trang ” thôi, làm ông thầy già sau này cứ riểu tôi là đã phải lòng nàng Kiều… ) Ở T tôi ghét cái “ hoạt bát đáo để ” của nàng. Hoạt bát đáo để có nghĩa nói năng trôi chảy, lý luận vững vàng: thuộc loại “ ưa nói, ưa cãi ”. Con gái mà “ ưa nói, ưa cãi ” là hỏng. Tôi nghĩ con gái, càng nói nhiều càng làm mất đi nhiều cái duyên dáng đáng yêu. Tôi thường ví con gái là một lọ dầu thơm, tự nó đã quyến rũ lòng người rồi. Lọ dầu thơm đâu biết nói? Con gái, còn là một bông hoa làm người bâng khuâng. Bông hoa đâu có biết nói? Tôi muốn con gái phải biết lặng lẽ, kín đáo, e dè. Trước anh Minh, tôi ngỏ ý tiếc ở T. cái điểm “ nói năng hoạt bát đáo để ”. Ở tình yêu, đâu có cần tới lý luận? Lý luận tranh biện phải ở ngoài tình yêu. Mà con gái dùng để làm gì nhỉ? Cái xương sườn nhỏ đã nặn thành con mèo yêu dấu kia, ý Thượng đế đã không muốn cho nó biết nói. Ngài muốn nó là một khối mặn nồng thương yêu thôi.

Phải đợi tới một dịp hết sức tự nhiên ( tự nhiên như một định mệnh ), anh Minh mới gọi tôi đến gặp T. tại phòng làm việc của anh ta. Thấy tôi T đứng dậy chào hết sức tự nhiên.Tôi thấy T. quá tự nhiên, tôi đâm mất tự nhiên. Tôi ngồi xuống ghế nhìn anh Minh. Cười. T sẻ sàng nhìn tôi cười theo. Đúng như lời anh Minh đã tả: T. “ rất có duyên, vô cùng thùy mị ”. Tôi muốn nhìn thấy T. im lặng nên ngồi im lặng.

T. hỏi tôi:

– Chắc anh mới tới đây lần đầu tiên ?

Tôi cười:

– Có thể nghĩ như vậy cũng được nữa…

– Sao lạ vậy ?

– Dể hiểu mà, T. nghĩ đoán thử xem !

– Làm sao biết được người  khác nghĩ gì mà đoán ?

Đôi lúc em cũng không đoán nỗi hết những ý nghĩ của chính em mà…

– T. nói có lý. Sự thật thì như vầy, tôi tới đây nhiều lần, nhưng lần này mới gặp T.

T. liếc nhìn sang bàn anh Minh, cúi đầu, nói:

– Tại sao gặp em, anh mới cho là mới tới đây lần đầu, dù trước đó đã nhiều lần tới nhỉ?

– Cái đó cũng dễ hiểu nữa.

Điều “ dễ hiểu ” lần này tôi chắc T. đã đoán ra nên thấy nàng thoáng nhìn tôi rất nhanh và im lặng. Tôi yêu những giây phúc im lặng này nên cũng ngồi im lặng theo.

Buổi gặp gỡ hôm đó chúng tôi nói chuyện lộn xộn đủ thứ, chỉ có đoạn trên là đáng nhớ. Cái cảm tưởng của tôi khi đưa T ra ngõ trở về là vô cùng phấn khởi.

Mấy lần gặp sau này, tôi và T trở thành hai kẻ có tâm trạng xa nhau thì nhớ. Chính T, đã nói như vậy với tôi hôm tôi tới dạy thế anh Minh bởi anh bị chứng bệnh đau dạ dày tái phát. Sau giờ dạy tôi gọi T. ghé đằng nhà chơi, nàng mỉm cười.

T. đã tới. Tôi hiểu cái “mỉm cười ” của con gái hơn từ đó. Trò  chuyện vơ vẩn được một lúc, tôi nói:

– Anh muốn T. đến với anh bằng sự im lặng.

– Nghĩa là anh bảo T. làm thinh?

– Gần giống như vậy thôi.

– Em chưa hiểu rõ…

Tôi giải thích, nghĩa là chúng ta phải có nhiều nỗi cảm thông tha thiết bằng sự im lặng mênh mông. T có thấy, con gái ưa lý sự sẽ làm xa cách nhiều hơn người con gái lặng lẽ không? Thế này, không hẳn anh muốn T. “tuyệt khẩu” đâu! (Tôi nhìn T cười). Anh nghĩ, con gái, chỉ nên nói bằng một nửa hay một phần ba người con trai là đủ. Đó là một việc làm rất có lợi. Ví dụ: Một người con trai ngỏ lời yêu một người con gái “ Anh yêu em ” nghĩa là người con gái phải đợi người con trai nói tới câu thứ hai hay ba mới mở miệng. Người con trai: Anh yêu em, anh yêu em lắm, anh yêu em suốt đời. Người con gái chỉ cần nói: Em cũng vậy. Đó, T thấy như thế có phải hơn không? Em cứ tưởng tượng ra câu chuyện, một lời người con trai được đáp lại một lời của người con gái, cũng đủ thấy kỳ cục rồi, phải không?

Tôi thấy T. mĩm cười, bỡ ngỡ. Tôi kết luận.

– Nhưng, cũng đừng “ tuyệt khẩu ” luôn, như vậy thì tội nghiệp cho người ta nghe chưa?

Một tuần sau, không rõ anh Minh dò xét thế nào, về nhà rầy rà tôi “ Ông làm cho con T nó ngồi im phăng phắc không có tranh luận như mấy khi ” – và anh ta trêu “ Chiến này con nhỏ nó phải lòng ông nặng quá rồi chớ còn cóc khô gì nữa ? ”. Tôi nghe xong, cảm thấy buồn. Buồn lạ lùng. Buồn tê điếng. Buồn mang mang. Tôi có ở lại được chăng bên tình yêu của T? Ngày mai có rực rõ chăng, trong căn nhà hạnh phúc? Tôi đón đợi hy vọng và hạnh phúc, nhưng sao khi hạnh phúc và hy vọng tới, tôi lại ngại ngùng, e sợ? Phải, tôi yếu lắm, tôi không thể cầm giữ được gì chắc chắc, lâu dài cho đời tôi đâu. Làm sao tôi đứng vững được với một cái chân  gỗ mới gắn vào? Còn những khúc ruột chằm vá kia, tới khi nào mới đứt bụng ra chảy máu? Tôi chưa giữ vững được cuộc sống tôi, thì nói chi tới chuyện đem hạnh phúc, hy vọng cho kẻ khác? Tôi thấy được rằng tôi là một cánh bèo, lêu bêu và vô ích giữa dòng đời lạnh băng, như dòng sông mùa xuân trôi xuôi lặng lẽ…

( Tạp chí Ý Thức số 7 – ngày 18 tháng 01 năm 1971)

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long