MANG VIÊN LONG

Chiều Chiều Mượn Ngựa Ông Đô
Tạp Bút

Theo định kiến (và cũng theo nhận định của vài tác phẩm đã xuất bản) - thì ca dao - tục ngữ là do lớp người bình dân - có chút ít học thức thậm chí chỉ mới biết đọc biết viết làm nên rồi "truyền khẩu" lưu hành trong dân chúng. Vì vậy nên có tên gọi là "Văn chương bình dân".Tìm đọc trong kho tàng "Văn chương bình dân" này chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi có rất nhiều câu ca xuất sắc ý tình thâm sâu lại sử dụng nhiều hình thức chuyển tải rất phong phú mới lạ còn hơn cả... văn chương bác học! (Văn chương thành văn).
Tôi vẫn thường băn khoăn về vấn đề này và nghĩ rằng bên cạnh lớp người bình dân sáng tác ra ca dao còn có lớp nho sĩ thời danh - trí thức thời ấy tham gia sáng tác để lại cho nền văn học bất thành văn một giá trị to lớn...
Ví dụ như trong ca dao Phú Yên ai dám chắc có thể giải thích luận bàn một cách thông suốt câu ca sau đây:
"Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về...
Cô về chẳng lẽ về không ?
Ngựa Ô đi trước ngựa Hồng theo sau !
Ngựa Ô đi tới Quán Cau
Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều".
Tôi tìm đọc trong "Non nước Phú Yên" của ông Nguyễn Đình Tư thì không thấy nói gì. Tìm đọc trong "Phú Yên - dọc đường ca dao" (Sở VHTT Phú Yên - XB năm 1995) của ông Trần Huiền Ân (T.H.Â) thì thấy có viết thư sau : "... Ngày xưa trên đoạn đường này thường phải dùng ngựa vì những phu cáng quá vất vả khi qua đèo. Bà cô trong câu ca dao hẳn là một người quyền quý đài các Còn người cháu ra sao? Phải mượn ngựa mượn kiều nhưng mượn đến ngựa ông Đô đâu phải tay vừa ? Và mượn ngựa mượn kiều mà có cả một đoàn đón rước dài trên quan lộ thì thế nào đây?".
Tôi chưa hoàn toàn thỏa mãn với cách giải thích... bỏ lửng (và kèm theo dấu hỏi) của tác giả mà gắng tìm hiểu theo cách của mình : Trước hết xin xác định rõ "ông Đô" và "kiều" - Ông Đô có lẽ cũng quê cùng ở Tuy An nhà giàu quyền thế do đó có tiếng đồn là có nhiều ngựa quý. "Ong Đô còn có thể là một chức quan Kiều lộ nhỏ thời ấy.Còn chữ "kiều" (mượn kiều chú lính)- là "kiệu" (đồ dùng để khiêng người đi) - chú lính có "kiệu" để khiêng các quan đi công cán hay dạo chơi! (chữ "kiều" là do cách phát âm luật thơ v.v...).
Mở đầu câu ca dao là "chiều chiều"- có nghĩa là nhiều buổi chiều - chiều nào cũng vậy.
Chiều nào cũng đi mượn ngựa mượn kiệu để đưa "cô tôi" về bên kia đèo Quán Cau thì quả là khó. Không hợp tình hợp lý. Nếu "bà cô" là nhà "quyền quý đài các" (theo ông T.H.Â) và cậu cháu "không phải là tay vừa"­ - có nghĩa là cũng dòng dõi giàu sang quyền thế một vùng - thì hà tất phải đi ... mượn ngựa mượn kiệu nhiều lần cho mệt! (và cũng rất phiền người khác).
Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào? Tôi có một cách hiểu riêng như thế này :
Thực ra "cô" trong câu ca này là "cô em" chứ không phải cô ruột thông thường! (Thời xưa thường tránh né giới hạn cách xưng hô với người yêu thương)
Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn kiệu chú lính đưa em tôi về...
Cô cháu thì dầu có nhớ thương quý mến nhau cũng không thể cứ... chiều chiều là đi thăm! Chỉ có tình yêu mới có đủ mãnh lực hấp dẫn lôi cuốn nhau "Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua" thôi! Xưa hay nay - Tình yêu vẫn vậy.
Nhưng thực tế thì chàng trai hàn sĩ này không hề đi mượn ngựa ông Đô mượn kiệu chú lính lần nào cả! Cậu ta không bao giờ dám làm như thế. Tập tục thời phong kiến và nhất là hoàn cảnh hàn sĩ không cho phép chàng ta làm như thế.
Câu ca chỉ thể hiện lòng mơ ước khát khao cao tột của cậu ta trước hoàn cảnh khó khăn dồn nén mà thôi. Đó cũng chính là giấc mơ ước vọng chung của bao người ở hai bên đèo Quán Cau hiểm trở nhiều thú dữ ! Chúng ta có thể coi đó là bài thơ thuộc loại "viễn tưởng" lãng mạn đầy thơ mộng :
"...Ngựa ô đi tới Quán Cau
Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều!"
Ngựa ô thong dong đi trước võng kiệu người yêu đi giữa và sau cùng là chàng trai cưỡi ngựa hồng... đủng đỉnh theo sau tiễn đưa trong màu chiều nhạt nắng... Thật là một bức tranh trữ tình diễm tuyệt! (Không có cảnh "một đoàn đón rước dài trên quan lộ" theo ông T.H. giải thích).
Giấc mơ xưa cũ của chàng trai đa tình giàu tưởng tượng và tài hoa ở bên này đèo Quán Cau (Không đi thì mắc cái eo/ Ra đi thì ngặt cái đèo Quán Cau) ngày nay đã thành hiện thực: Đường rộng đèo không còn cao giao thương dễ dàng v.v... Câu ca dao đã trở thành một "sử liệu" quý cho các thế hệ sau này khi tìm hiểu về quê hương con người tâm tình của bao thế hệ trước. Ca dao phản ánh trung thực nhất.
Xin ghi lại vài suy nghĩ rất... chủ quan về câu ca dao khó hiểu này - rất mong được sự góp ý để có thể biết thêm nhiều nẻo đường tìm về với văn học... vốn phong phú và tế nhị của đời sống.
(Văn nghệ Phú Yên 99-2004)
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long