MANG VIÊN LONG


Chim Bay Về Đâu

Truyện ngắn
 
 
Ông Bảo gọi Thương vào phòng khách.
Ông chỉ chiếc ghế đối diện, bảo nàng ngồi xuống.
Thương ngồi xuống.
Nàng im lặng. Chờ đợi.
-         Thương, con có biết lý do tại sao phòng cho mời con đến, động viên con hãy làm đơn xin nghỉ việc không? Tiếng ông Bảo vang lên khô, rõ.
-         Thưa không. – Thương đáp, trong lòng cũng lờ mờ nhận ra cái lý do mà nàng không muốn tin.
-         Vậy là con kém cỏi quá – Ông Bảo nhìn thẳng vào mặt Thương. Đáng ra họ làm quyết định sa thải con, nhưng đó là một cách ưu đãi…
-         Con có khuyết điểm gì đâu?  Thương ngước nhìn lên, bắt gặp đôi mắt sâu với tia nhìn nghiêm khắc của ông Bảo, nàng hơi bối rối.
-         Có chứ. Lớn lắm. Con không thấy hay con không muốn thấy đó thôi –  Ông thở dài. Tất cả bắt đầu từ hai người anh trai của con.
-         Nhưng đó là anh của con, họ đã đều có gia đình, có trách nhiệm của họ, con chỉ là em – Thương nghe rõ tiếng mình bỗng vang lên. Con chịu trách nhiệm việc làm của con, con là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…
-         Cấp quốc gia cũng bỏ – Ông Bảo cười nhạt. Con còn non nớt lắm, đã qua mấy năm rồi cũng chưa được tiến bộ. Ông lại thở dài. Đã như vậy rồi con không nên tranh cãi, không nên làm khác, chỉ vô ích mà thôi.
Bằng giọng nói trầm thấp, đều đều, ông kể cho Thương nghe những kỷ niệm của chính đời ông năm năm mươi sáu – như những gợi nhớ một thời tối tăm, gian khó:
Trong một khu đất rộng vài mẫu, những lán trại đã được dựng lên, những hàng rào đã được che chắn, những cổng gác, lính canh đã được chuẩn bị để tất cả cán bộ vào chung sống ở trong ấy. Sau nhiều ngày học tập căng thẳng, đấu tranh tư tưởng, tự phê bình và đánh giá bản thân qua từng thời kỳ thật gay go, nghiêm khắc, tất cả đều phải viết lại toàn bộ cuộc đời mình, qua bản lý lịch. Cả tuần lễ vùi đầu vào việc ôn nhớ dĩ vãng, mò tìm từng mối giây liên hệ, những hình ảnh đã quá xa mờ lẩn khuất trong tâm trí cũng đã được đào lên, vạch tìm từng chút một. Đúng ngày quy định, lại đem ra trước tập thể đánh giá, góp ý, uốn nắn, sửa chữa. Có người chữ nghĩa ít, tâm trí chưa ổn định, viết cái lý lịch ba đời đối với họ thật gian nan. Ra trận cầm súng đánh nhau với thực dân Pháp còn khỏe hơn, dễ hơn, ngồi đây mày mò từng chữ, từng câu. Trước mắt ông, có rất nhiều người, đã gầy héo xanh xao thấy rõ. Vẻ hốc hác, bơ phờ, trên gương mặt mọi người không thể che giấu, khiến ông nghĩ  tới những người đã bị chìm nghỉm vì cái lý lịch của họ. Có rất nhiều người chẳng phân biệt được giai cấp của bản thân, của gia đình giòng họ, những chữ như tiểu-tư-sản, tư-sản, tư-bản, địa-chủ, phú-nông, trung-nông, bần-nông, vân vân, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Tiểu tư sản mà đem ghi lộn là tư bản thì có chết không? Riêng phần ông, cả tháng trời chỉ quanh quẩn bên bóng dáng những người bạn thân, những bạn học cũ, có thời cùng ở trọ học một nhà đã xa lắc khiến nhiều đêm không thể chợp mắt được.
Ngồi nghe ông, Thương cảm thấy thương ông, lờ mờ hiểu dần những khổ đau chồng chất mà đời ông đã trải qua thời tuổi trẻ; đồng thời nàng cũng có dịp nhớ lại đời mình: một lần đi dạy về, Thương đã nghe tiếng ông nói trong phòng với Luân: “… Con không có thái độ ngay, không chịu nghe lời ba, tương lai của con sẽ là một con số không…” Đêm ấy Thương đã dò hỏi nhưng Luân im lặng. Luân đã trở nên im lặng, có lúc thờ ơ xa vắng như thế đã hơn hai tháng nay. Thương cũng thường buồn mang mang theo nỗi buồn của chồng.
Việc Luân tránh né những câu hỏi của nàng, khiến Thương tin rằng, điều nàng nhận ra mơ hồ kia, nỗi phân vân e ngại bấy lâu, đang là một sự thật. Như khu lán trại đã tập trung những người hết lòng yêu nước như ông Bảo. Như bạn bè ông. Một sự thật đồng nghĩa với một thảm họa cho đời nàng đang xảy ra hay sao?
Bây giờ – ngồi đối diện với ông Bảo, Thương không muốn tin rằng điềm dữ ấy lại có thể bắt đầu từ trong gia đình nầy.
-         Con và thằng Luân không thể sống chung với nhau được nữa đâu – Ông Bảo trở nên cương quyết. Giọng ông có chút gì xa lạ.
-         Sao có thể như vậy được, ba? Chúng con thực lòng yêu nhau mà – Thương vụt quay lại nhìn ông chăm chăm. Ông Bảo vẫn ngồi đó, thản nhiên, như chưa hề nói một điều gì mất lòng nàng, hay tương tự thế, Ba nói những gì con không hiểu được? Thương đã cảm thấy trong người váng vất mệt, nàng như vừa choàng tỉnh sau một cơn mộng dữ.
-         Chỉ đơn giản vậy thôi: Con và Luân phải xa nhau – Ông dằn mạnh giọng. Hai đứa phải ly dị, đó là điều không thể đảo ngược.
Thương ngồi im lặng như một cái bóng. Đầu cúi xuống.
Nàng đang nhìn những tia nắng chiếu trên sàn nhà thành từng dải qua những chấn song cửa sổ. Nàng chợt nghĩ: cuộc đời chẳng qua chỉ là những cái bóng như thế nầy thôi.
-         Sao? – Ông Bảo lên tiếng. Con nghĩ thế nào ?
-         Con không biết gì cả – Thương bật khóc. Thực sự con chưa bao giờ nghĩ  tới điều đó.
-         Nhưng bây giờ con phải nghĩ, phải quyết định – Mắt ông vẫn không rời Thương.
-         Con không thể tự quyết định để sống xa anh ấy được. Điều ấy tùy ý ba, tùy ở anh Luân, con xin ba đừng bao giờ hỏi con như thế nữa… Thương vụt đứng dậy, lảo đảo chạy về phòng, đóng sập cửa lại.
-         Ba muốn con tự nguyện – Tiếng ông Bảo đuổi theo. Con phải tỏ ra có nhận thức đúng đắn trong vấn đề nầy…
 
Thương sinh đúng vào năm hiệp định đình chiến Việt - Pháp được ký kết tại Genève. Lớn lên. Đi học. Trong năm đầu tiên vào học ở trường Sư phạm, nàng đã găp Luân. Trong một buổi chiều cùng đám bạn nội trú ra bãi biển phía trước hóng gió, bắt còng, những chú còng ốm nhom ranh mãnh luôn luôn là trò chơi của bọn nàng ở phần bãi cát yên vắng nầy.
Luân tiến về phía nàng:
-         Tôi để ý thấy cô bắt còng dở quá, để tôi bắt giúp cho nhé ? – Luân cười, gợi chuyện.
-         Anh có giỏi thì hãy bắt thử coi – Thương nhìn Luân thoáng chút ngạc nhiên, cười đáp hồn nhiên.
-         Tôi coi bộ anh chạy còn thua con còng nữa mà…
Sau mấy phút rượt đuổi, té ngã trên cát, cuối cùng Luân cũng vồ được một chú còng nhỏ tội nghiệp.
-         Tôi vẫn giỏi hơn cô chứ ? – Luân đưa con còng cho nàng, cố ý để lâu tay mình trong bàn tay Thương.
-         Đồng ý – Thương lườm, vẻ trang nghiêm. Nhưng chỉ có một lần thôi nhé.
-         Tôi chỉ cần thế thôi, một lần, để được làm quen với cô.
-         Anh định đổi con còng nầy – Mắt nàng không rời chú còng nhỏ xíu đang chực chạy thoát trên tay. Anh khôn lắm…
-         Tôi thật tình. Không có khôn đâu. Tôi càng không có ý đổi chác gì cả – Luân cười lớn.
-         Còn tôi, tôi sẽ chẳng có gì để tặng lại anh đâu – Thương nói giọng hóm hỉnh.
-         Có chứ. Nhiều lắm – Luân ngồi xuống bãi cát, cạnh Thương. Chẳng hạn bắt đầu…
-         Chẳng hạn là gì?
-         Một cái tên – Luân bạo dạn.
-         Tên tôi à? Thương reo lên, cười rạng rỡ.
-         Chứ còn ai ở đây nữa đâu?
-         Điều nầy còn phải coi lại đã – Thương chợt cười, liếc nhìn Luân đang vốc cát cho chảy qua kẽ tay. À, mà tôi sẽ giới thiệu cho anh với một nhỏ bạn của tôi được không? Nhỏ ấy đẹp lắm, hiền thục đoan trang lắm…
-         Chắc là không được rồi – Luân thành thật. Tôi muốn được làm bạn với cô. Tôi chỉ muốn mình được tự chọn lấy…
Kể từ buổi chiều hôm ấy, những buổi chiều tiếp theo dầu đám bạn không còn ưa thích cái trò chơi bắt còng nữa; Thương vẫn một mình ra biển. Tìm đến tình yêu đầu đời của mình như một định mệnh. Họ đã trải qua một tháng cuối hè với gió biển, những con sóng bạc, bãi cát, những chú còng dại dột bò qua trước mặt, và những nụ hôn thấm đượm nước biển.
Giống như tất cả những kẻ mới yêu nhau, xa nhau, họ đã viết cho nhau không biết bao nhiêu là lá thư, gửi cho nhau rất nhiều hình ảnh – kể cả những tập nhật ký dầy chỉ để nói về kỷ niệm và những giấc mơ. Đó là những tác phẩm tuyệt tác của đời sống, giá như có người chịu khó thu góp, hàng tháng có thể lên tới hàng chục ngàn trang thư như thế.
Cuối năm sau, cả hai đều đã thi tốt nghiệp. Luân tốt nghiệp trường Luật Sàigòn. Thương ra trường Sư phạm. Đám cưới của họ đã được tổ chức sớm theo ý của mẹ Luân. Từ dạo đó, họ đã sống quấn quít bên nhau như đôi chim, không bao giờ chịu lạc nhau, bên cạnh người mẹ lúc nào cũng ước được ẵm bồng cháu nội.
Ông Bảo – cha Luân, từ miền Bắc trở về nhận công tác tại huyện lỵ. Luân được gặp lại cha sau hơn hai mươi năm. Suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, Luân chỉ nhớ ông lờ mờ qua những lời nhắc kể ít ỏi của mẹ, và tấm ảnh nhỏ chụp chung với nhiều người đã ố vàng. Qua từng ấy năm, sống giữa bao tai họa chiến tranh, ông lại được trở về như một phép lạ. Luân không ngớt nhìn ngó ông, theo dõi ông, ngay cả những lúc ông đang nằm ngủ. Dường như anh mong muốn tìm ở ông, ở đâu đó trong con người của ông, hình ảnh của mình. Những sợi dây liên hệ máu huyết. Những tình cảm thiêng liêng mà đã từ rất lâu anh chưa được biết đến.
Luân được bố trí làm công tác ở Huyện Đoàn, với chức vụ phó bí thư. Thương dạy tại một trường PTCS trong thị trấn. Cuộc sống của họ trôi qua êm ả, so với nhiều gia đình đang bắt đầu những xáo trộn, đổi thay. Cuộc sống cũ trong hơn hai mươi năm, cộng với chín năm kháng chiến, đang bị xốc lên, sàng lọc.
Sau gần hai năm được gặp lại chồng, được sống những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi, mẹ Luân đã qua đời. Bà chết đột ngột vì bệnh viêm gan siêu vi không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời. Hầu hết các hệ thống khám chữa bệnh thời gian nầy chỉ hoạt động cầm chừng, không đủ thuốc men phương tiện cần thiết, đang chịu ảnh hưởng sự đổi thay lớn của xã hội. Đời sống khó khăn, ngày càng giảm đi rất nhiều hoạt động bình thường của con người. Trước mắt họ là cơm và áo. Chỉ hai yêu cầu ấy đã khiến mọi người không còn nhìn thấy được thứ gì khác nữa.
Mẹ Luân chỉ kịp nói với chồng trước khi được chuyển đi bệnh viện đa khoa tỉnh: “Tôi giao thằng Luân lại cho ông…”. Tôi giao thằng Luân bé nhỏ ngày ông ra đi mới vừa được hai tuổi, lại cho ông. Tôi đã yêu thương, ôm ấp, nuôi nấng nó cho tới ngày hôm nay. Nó là tình thương yêu của tôi còn lại bên ông, dành lại cho ông. Mẹ Luân đã vĩnh viễn ra đi trên chiếc xe cấp cứu khi chưa kịp chạy vào cổng bệnh viện…
 
-         Thôi anh đừng nói nhiều nữa, anh hãy viết nhanh lên, rồi tôi sẽ ký ngay – Thương cắt ngang lời Luân, giọng bình thản.
-         Nhưng liệu em có hiểu anh, có tha thứ cho anh không? – Luân chợt thở dài…
-         Dĩ nhiên là không bao giờ – Nàng chợt cười. Nhưng mà anh cần tôi hiểu anh, tha thứ cho anh để làm gì nữa, khi chúng ta không còn nhìn mặt nhau? Thương quay lại nhìn chồng, những con còng ốm nhom đã chết hết rồi, những hạt cát đã trôi về biển cả rồi, tôi không còn gì nữa cả…
-         Điều đó anh không bao giờ nghĩ, nhưng anh không tạo ra thêm những khó khăn giữa chúng mình – Luân phân vân nhìn nàng.
-         Tôi hiểu anh, nhưng anh cũng đừng an ủi tôi như thế nữa, đó là một lối giải thích hèn nhát.
Im lặng.
Im lặng kéo dài.
Luân quay trở lại bàn, ngồi xuống, hí hoáy viết “Đơn xin ly hôn”.
Thương nhìn ngó lơ đãng ra cửa sổ: bầu trời trong xanh trên cao gợi cho nàng nhớ lại màu xanh của biển. Hình như trong gió thoảng có cả tiếng những đợt sóng ầm ì dội vào bờ; có cả tiếng reo cười trong trẻo của chính nàng nữa. Thương chìm ngập trong những giòng suy tưởng thoắt đến, thoắt đi, bất chợt như những cánh én: “Tại sao trong đám bạn chiều hôm ấy, Luân lại chọn mình, lại đến với mình chứ không phải đứa nào khác? Giá anh ấy làm quen với một đứa nào đó, không phải là mình, thì giờ nầy hai đứa đâu phải chịu khổ đau như vậy?” Thương miên man nghĩ ngợi, những tưởng nhớ xa gần nào cũng làm nàng quặn thắt. Trên gương mặt Thương, những giọt nước mắt vô tình, đã âm thầm chảy từ bao giờ nàng không hề hay biết.
Cho mãi đến lúc có mặt ở tòa án, nghe bà chánh án đọc lại lá đơn, Thương mới biết được lý do ly dị mà Luân đã ghi hôm trước: “Tư tưởng, tình cảm không hợp, sống bất hòa, không hạnh phúc”. Phiên tòa đã diễn ra không quá ba mươi phút: nhanh chóng và đơn giản. Nó không để lại trong đầu nàng một ấn tượng sâu đậm nào, ngoài sự mỏi mệt và buồn ngủ. Vậy là tình yêu của nàng, những ước mơ và hy vọng của nàng, đã kết thúc chỉ trong một buổi sáng. Ba mươi phút.
Thương bồng con trở về quê sống với cha mẹ. Sống với khu vườn, những con đường làng quanh co, những thửa ruộng trắng rợp bóng cò thuở nhỏ. Thương biết được ở nơi quạnh quẽ ấy, cha mẹ cũng đang mong chờ nàng. Cha mẹ bao giờ cũng mong chờ con như sao chờ đêm tối. Từ ngày hai người anh của nàng lần lượt vượt biển, cha mẹ nàng đã phải sống trong nỗi nghi ngờ của mọi người. Người ta sợ gần gũi gia đình nàng như sợ gần một nguồn bệnh hiểm nghèo.
Có Thương trở về với đứa cháu ngoại kháu khỉnh, cha mẹ nàng bỗng như vui vẻ lại. Tuổi xế chiều đã buồn, lại sống cô độc, suốt ngày ông chỉ tha thẩn ngoài vườn, tuy không còn việc để làm. Nay đã có con, đã có cháu, ông cảm thấy đời mình vẫn còn nhiều niềm an ủi. Ngày đầu được gặp lại con hao gầy ủ rũ, mẹ nàng đã khóc. Ông đã bảo vợ: “Bà tưởng tôi là gỗ đá hay sao? Nhưng bà phải hiểu rằng, trên cõi đời nầy, không có ai lột da sống đời được cả. Đêm nào bà cũng đọc kinh, mà không nhớ lời Đức Phật dạy là: “Van vật đều vô thường và khổ đau” sao?”
Theo lệnh của công an xã, hàng tuần Thương phải đến trình diện một lần vào chiều thứ bảy. Cha nàng nhắc: Thôi đừng có buồn, lúc trước cha đã làm như thế, giờ đến lượt con – chỉ cần một thời gian ngắn là con sẽ quen đi thôi, tất cả chỉ là những thói quen mà…
Thương thức dậy thật sớm. Thực  ra, suốt đêm qua, nàng không hề chợp mắt được. Trằn trọc và dỗ dành, nhưng giấc ngủ vẫn chỉ chờn vờn. Chập chờn. Không đến với nàng lâu được. Nàng rón rén đến bên bàn, vặn to ngọn đèn dầu, kéo hộc tủ lấy ra một tấm giấy nhỏ. Nàng bắt đầu cúi xuống,  chăm chú viết:
 
“….. Ngày 23 tháng 10 năm 1985
Kính thưa Ba Má .
Con đã đắn đo, suy nghĩ kỹ rồi, con không thể sống ở đây được nữa, con phải đi đến một nơi xa – thật xa, để kiếm một việc làm, để nuôi con, để có thể giúp đỡ ba má, để khỏi phải chết mòn vì kỷ niệm…
 
Con có để lại chút ít tiền trong ngăn tủ, ba má hãy cứ lấy ra mà chi tiêu. Con sẽ xin làm bất cứ việc gì để sống, miễn sống xa nơi này. Con xin gửi cháu Hải ở lại với ba má. Rồi con sẽ trở về đón cháu khi đã có nơi ăn ở, việc làm ổn định.
 
Con cúi xin ba má hãy thương yêu con, hãy tha thứ cho tất cả những lỗi lầm của con, như những ngày Ba Má đón con trở về…
Nguyện cầu Chư Phật hộ trì cho gia đình ta.
Đứa con bất hạnh của Ba Má
 
Nguyễn Thị Kim Thương.”

Ra khỏi cổng, đi mải miết trong những ngả đường còn vương vất bóng tối, cỏ cây chưa kịp thức giấc, Thương vội vã tiến về phía quốc lộ. Nàng không khóc, nhưng những giọt nước mắt cứ chảy ràn rụa quanh mặt, Thương phải đưa tay lên gạt lau nhiều lần. Nàng tất tả bước, bước nhanh, như sợ hãi một cái gì đang rượt đuổi theo sau.
Buổi sớm mai thật tĩnh lặng. Thương thoáng ngước nhìn lên bầu trời, những cánh cò trắng đang chao đi, vỗ cánh lặng lẽ, không biết sẽ dừng nghỉ nơi đâu? Thương chợt dừng lại: nàng quay nhìn quê nhà một lần nữa. Làng xóm đang ngủ thiếp. Vạn vật im vắng, hoang sơ, như một thuở đất trời vừa mới được tạo dựng. Thương nghĩ thầm: trong cõi đất trời mênh mông lạnh buốt này, ta sẽ đi về đâu?
 
Tháng 10 năm 1985
MANG VIÊN LONG
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long