MANG VIÊN LONG


Đọc LẠC ĐỊA Thơ HOÀNG LỘC
 Suốt Đời Luôn Trân Quý Một Chữ Tình!


Năm 1971 nhà thơ Hoàng Lộc cho xuất bản tập thơ thứ hai của anh – tập “Trái Tim Còn Lại”, và tôi có dịp được đọc. Trong bối cảnh cuộc chiến đang ác liệt, đất nước dẫy đầy tang thương, lòng người hoang mang trước viễn tượng đen tối – “Trái Tim Còn Lại” đã là luồng gió tươi mát, mới lạ - trong sinh hoạt văn học lúc bấy giờ. Nó cần thiết cho mọi người – nhất là giới trẻ… Và tôi đã kịp viết bài nhận định, giới thiệu TTCL trên tuần báo Khởi Hành… (do nhà thơ Viên Linh chủ trương).
           
Ba mươi bảy năm sau – tháng 4/2008, trong lúc lang thang trên mạng – tôi tình cờ ghé Hoangloc vnweblogs.com, đọc được bài thơ “Lạc Địa” của anh. Đây là bài thơ đầu tiên của Hoàng Lộc tôi được đọc lại sau một thời gian gần nửa đời người !
           
Tôi thầm nghĩ “Lạc Địa” là xa rời đất, rớt xa đất – rơi xuống đất hay cũng có thể hiểu là “cuộc đất lạc lõng”. Tôi tự hiểu theo ý của mình – và đặt cho nó một cái tên cho dễ nhớ : “Xa Quê”!
           
“Lạc Địa” là một bài thơ khá dài, gồm sáu đoạn thất ngôn tứ tuyệt. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần – lần nào cũng cảm thấy một nỗi buồn man mác, và sau cùng là một niềm vui sâu kín nhẹ nhàng… Buồn, vì biết nhà thơ “đang sống” như vậy – Vui, vì biết nhà thơ “đang là” như vậy.
                                   
“Cây đã già đời, đem bứng gốc,
Sót đôi chút rễ, vứt bên trời…
Tiếng kêu cứu gửi từ tâm đất,
Dơ dáng hình, cây đứng lẻ loi!”

           
Cây nhờ có đất mà sống. Cây bám rễ vào lòng đất để có dưỡng chất nuôi sống mình. Mà “cây đã già đời” thì gốc rễ càng dài, càng sâu. Nhưng, một ngày kia (…) người ta đã vô tâm “đem bứng gốc”. Và thế là cây xanh hồn nhiên kia đã trở nên là “một nạn nhân” của cuộc vô thường đảo điên nọ!
           
Rời xa đất, chỉ còn “sót đôi chút rễ”, thì bị đem “vứt bên trời” (!). Cây oằn đau kêu cứu từ lòng đất thẳm sâu, mà nào ai có nghe ? Trong Phật ngữ, “Tâm địa” (Đất Tâm), chỉ cho tâm hồn, tấm lòng của mỗi người – giữ được cho tâm như đất, nghĩa là “vô chấp” thản nhiên trước mọi đổi thay, vinh – nhục (…) là một việc khó, không phải ai cũng có thể làm được! Nhưng mà nhà thơ được xem là sứ giả - người truyền thông, nhà giao cảm có trách nhiệm phát hiện và giải bày mọi kinh nghiệm, cảm nhận của thực tế đời sống – (mà chúng ta gọi là “thực tại”). bốn câu mở đầu cho bài thơ nêu lên một thực tại nóng bỏng, đau xót – không chỉ riêng cho tác giả, mà có thể là nỗi bi thiết chung cho nhiều thân phận “Xa Quê” hôm nay (!).
 
Ta cũng già rồi, qua xứ khác,
Tiêu điều thân thế lúc cây khô!
Hiểu sao quít ngọt về Giang Bắc,
Giỏi bấy tay trồng cũng hóa chua…”.
           

Tiếp sau hình tượng cụ thể “cây đã già đời đem bứng gốc” rất sắc và mạnh – nhà thơ có một sự so sánh rất  vi tế, rất gợi cảm: “Ta cũng già rồi, qua xứ khác”. Ta và cây – có gì khác nhau đâu? Tuổi 50 của đời người cũng là tuổi “xế chiều” rồi. Đã trải qua hết hai phần ba thời gian có mặt ở trên cõi nhân gian đầy thăng trầm biến động này, nên “Tiêu điều thân thế lúc cây khô” là một hệ quả tất yếu của cuộc sinh diệt trầm luân !
           
Lại thêm một so sánh thật nhẹ, thật sâu – mở ra cho người đọc biết bao điều thầm kín mà vạn lời cũng không kể xiết : “Hiểu sao quít ngọt về Giang Bắc/ Giỏi bấy tay trồng cũng hóa chua!”. Quít ngọt Giang Nam đưa về Giang Bắc thì dù có cần mẫn chăm sóc tưới tẩm – thì làm sao mà ngọt được? Nó đã bị xa lìa miền “thổ nhưỡng/ khí hậu” cần thiết để phát triển, thì làm sao mà   “ngọt ngào” đây?
 
Cơm áo nghe ra đời quá cực,
Bỏ bê nghiên bút kể nhiều năm !
Hiểu sao “nhị cú tam niên đắc”
Chỉ nửa câu đây đủ khóc ròng!”

           
Cái “quá cực” của  chuyện cơm áo cũng không chua xót bằng việc “bỏ bê nghiên bút” đối với một nhà thơ! (của người nghệ sĩ / kẻ sĩ – nói chung). Cơm áo thì ở đâu cũng quá cực khi sống lương thiện, thanh bạch. Cơm áo nuôi thân. Nghiên bút nuôi Tâm. Nuôi thân còn dễ (vì tương rau thôi cũng đủ), nhưng nuôi Tâm thì quả là nan giải ! Xa lìa quê nhà – rời xa kỷ niệm, người thân yêu (…) để “rơi vào” một miền đất xa lạ thì làm sao không “Dơ dáng hình, cây đứng lẻ loi”?. Ngày xưa, ở Trung Hoa – thi hào Giả Đảo (793 – 865) từng tâm sự - muốn có được hai câu thơ, ông phải mất ba năm ròng rã ! (“Nhị cú tam niên đắc”). Ngày nay, Hoàng Lộc đã kêu lên : “Chỉ nửa câu thôi đủ khóc ròng”. Ôi ! một tâm tình quá đỗi bi thiết, quá đỗi lãng mạn, và cũng quá đỗi hồn nhiên!
 
Hiểu sao đắng miệng mà không uống,
Nghiêng lưng chén lớn nỗi ơ hờ…
Gió – như gió bấc bên chiều mộng,
Thương thằng bạn rượu ở quê xưa!”
           

Khát đến “đắng miệng” mà vẫn không  chịu uống. Bưng ly rượu lên mà lòng bỗng chùng xuống, bơ thờ ! Chỉ 14 chữ, hai câu thơ đã vẽ nên bức chân dung rất thực, rất đậm về tác giả. Tâm tình kia có ai hay ? Dáng dấp này có ai để ý ? Người ta đã vô tâm như đã vô tâm trước bao thảm trạng của đời người, của Đất nước!
           
Biết chia sẻ cùng ai ? – “Gió – như gió bấc bên chiều mộng”. Có gió. Gió bấc ở  đâu ? – “Bên chiều mộng”.  Gió bấc trong một chiều thơ mộng xa xưa nào đó ở chốn cũ - ở quê nhà, đã miên man tràn về tâm thức như lời réo gọi người lữ khách tha hương : “Thương thằng bạn rượu ở quê xưa”.
           
“Bạn rượu” là một cách nói thân thiết khi nghĩ đến bạn văn nghệ, bạn tri âm, bạn cũ (…) đã từng sống, từng sẻ chia bao nỗi gian truân bất hạnh, hay từng lắng nghe nhau bao khát vọng hiến dâng thầm lặng của một thời quá vãng. Nhìn ly rượu ngon, bỗng nhớ bạn hiền. Đó là một tấm lòng. Rượu ngon mà vắng bạn hiền – thì liệu rượu có còn nồng nàn, ấm áp nữa chăng ?
 
“Biết sống, dễ van cầu đắc chí,
Miễn đừng tới tấp những hư hao…
Ta vẫn đầu sông, em cuối bãi,
Chờ mãn đời đi để… mất nhau!”

           
Sau phút giây đắm chìm trong cõi nhớ thương khắc khoải – nhà thơ đã có cái nhìn tỉnh táo trở lại – ý thức rằng, dòng sống vẫn đang trôi chảy, thầm nghĩ- như lời tự nhủ : “Biết sống, dễ van cầu đắc chí / Miễn đừng tới tấp những hư hao!”. Và cái “thực tại chia lìa” kia luôn là nỗi ám ảnh cho bao trăn trở trong đời : “Ta vẫn đầu sông, em cuối bãi”. Đến đây tôi chợt nhớ một lời dạy trong kinh Phật : “Kẻ vô ơn, bạc nghĩa – dầu ở gần, cũng hóa xa. Còn người tri ân, nặng nghĩa – thì dù ở xa, cũng rất gần”. Tuy trên “hình tướng” là “đầu sông/ cuối bãi”, là “mất nhau”! (“chờ mãn đời đi để … mất nhau”)– nhưng trong cõi tâm thức uyên nguyên vô hình – nhà thơ không bao giờ xa, không bao giờ mất cả! Biết “mất” là không “mất” tí nào!
           
Đoạn kết :
“Ngồi góc quê người coi lá rớt,
Bỗng mừng khi là mắc lên cây…
Thà khô héo chết theo cành mục,
Hơn phải sa cơ rụng đất này!”

           
Bài viết về nhà thơ Hoàng Lộc (qua tập “Trái Tim Còn Lại” – 1971) tôi không còn báo, cũng không còn bản thảo- nhưng tôi nhớ như in một điều : “Hoàng Lộc chỉ làm thơ tình, vì tâm hồn anh quá thật, quá sáng – không thể nói khác hơn lời từ trái tim mình!”. Đọc 4 câu cuối của bài “Lạc Địa” hôm nay- tôi  cảm thấy mình có cơ sở để tin tưởng như vậy. Bài thơ là sự thu gọn của đời sống đang diễn tiến, đang trôi chảy, cả ánh sáng và bóng tối, nụ cười và nước mắt, mãn nguyện và thất vọng, do vậy, cho dù thực tại có như thế nào – thì nhà thơ vẫn không hề xa lìa đời sống đang là. Càng thấy rõ thực tại bao nhiêu, nhà thơ càng có những câu thơ bất hủ bấy nhiêu. Bốn câu kết trong “Lạc Địa” của Hoàng Lộc, là những câu thơ như thế !
           
Ngồi thu mình ở một góc phố xa lạ nào đó- không phải để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga lộng lẫy nhà cửa người xe, mà để … “coi lá rớt” . Phút giây tĩnh lặng trở về với chính mình, với thiên nhiên ngàn đời hồn nhiên chung thủy đã đem lại phút giây thảnh thơi kỳ diệu : “Ngồi góc quê người coi lá rớt”. Tôi tự hỏi : Có mấy ai đã từng “coi lá rớt” như thế nhỉ?
           
Sự xuất hiện tình cờ của một chiếc lá rơi, rồi chiếc lá “mắc lên cây” – đã như một giọt nước mầu nhiệm làm tràn đầy tâm thức nhà thơ đã bao năm trăn trở,  ấp ủ - phút giây “đốn ngộ” chợt đến : “Thà khô héo chết trên cành mục / Hơn phải sa cơ rụng đất này!”. Phải thiết tha sinh tử với “Tình Quê” mới có sự tỉnh giác cao độ để bật ra lời thơ thống thiết như vậy! – “Bỗng mừng”  là một sự trở về, là sự “hồi đầu bỉ ngạn” rất quan trọng của một đời người! Chúng ta hiểu, nhà thơ là người có khả năng phát hiện ý nghĩa của đời sống và diễn đạt ý nghĩa ấy ra, truyền thông cho người khác. Góp phần xây dựng đời sống trở nên tốt đẹp – trở nên “nhân bản”hơn; chứ khôn phải sử dụng kỷ xảo ngôn từ để lừa mị, để làm hoen ố đời sống. “Bỗng mừng khi lá mắc lên cây” là một trực nhận rất nhân bản, rất thực, rất Người…
           
Đọc “Lạc Địa” của Hoàng Lộc tôi vừa thương nhớ Anh, vừa trân trọng Anh. – một nhà Thơ suốt đời luôn trân quý một “chữ Tình” !
                                                                                       

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long