MANG VIÊN LONG
 

Đôi Điều Về Một Cách Sống
Để Có Hạnh Phúc Lâu Bền

Tạp Bút

 

Nhìn vào đời sống của chính mình hay của nhiều người chung quanh, chúng ta đều có thể thấy được rằng ước mơ về một đời sống Hạnh phúc đôi khi thật mong manh, hay quá ngắn ngủi, so với cả một đời người! Một người bạn tâm sự, cậu ta sống đã trên 60 năm - mà chỉ yên ổn, tạm gọi là Hạnh phúc, trước sau, chỉ vỏn vẹn có 10 năm thôi! Nhiều người giàu sang, quyền cao chức trọng, nhưng vẫn luôn tỏ ra nơm nớp lo lắng cho tương lai của minh và gia đình! Tâm trạng luôn “bất an” nầy vẫn thường nẩy sinh trong đời sống của nhiều người, nhiều gia đình - bất luận giàu hay nghèo! 
Làm thế nào để xây dựng một đời sống Hạnh phúc chân thực lâu bền cho hiện tại, và đời sau? 
Cuộc vô thường luôn diễn ra trước mắt, không ai có thể biết được rõ vận mệnh của chính mình ở ngày mai! Họ thường có câu nói với nhau “Trời thương ai, nấy hưởng/ trời kêu ai - nấy dạ” để cùng an ủi, hay xoa dịu nỗi lo lắng, ưu phiền! Câu “Lấy phước Trời mà đong” đã có từ trong tiềm thức của nhiều người, mà không hề có sự đắn đo, suy nghĩ. (Phước Trời ở đâu mà có thể thoải mái lấy được? Lấy bằng cách nào?) 
Mọi người ai cũng dễ dàng biết được điều nầy: Hễ ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, trồng lúa được lúa (vvv). Nhân là mầm, quả là hạt, từ hạt sinh ra mầm, từ mầm phát triển thành cây và từ cây cho ra trái; nhưng có bao giờ biết được rằng, ta chỉ trồng mì, mà lại mong thu hoạch lúa? (Lại nhiều khi, chẳng có công gieo trồng gì, mà chỉ mong thu hoạch!). Sự sợ hãi, lo toan trong đời sống đã bắt đầu từ ý thức nầy, mà ít ai chịu quan tâm, để chuyển hóa, đổi thay từ gốc rễ! Việc dữ đến, ngày đêm lo lắng và cầu xin Phật trời cứu giúp. Việc lành đến, ngày đêm tha hồ hưởng thụ, chẳng hề nghĩ đến ai. Việc lành / việc dữ luôn đan xen, kết nối nhau, nương vào nhau mà hình thành và tương quan mật thiết với nhau trong đời người; bởi chúng ta tạo nghiệp lành hay dữ, hạt giống lành dữ ấy không bao giờ bị mất, khi hội đủ nhân duyên, ta sẽ thọ nhận tất cả quả khổ vui do mình gây. Nếu hiểu được ngọn ngành như vậy, thì chúng ta có thể tự mình “gieo nhiều nhân lành” để có nhiều “quả lành”- xây dựng được một đời sống Hạnh phúc lâu dài, vững chắc. Cũng nên nhớ rằng, nhân quả là do nhiều nhân duyên kết hợp lại mà thành, không có cái gì một nhân mà cho ra kết quả. Ví dụ đơn giản về hạt lúa, người ta hay nói “hạt lúa sinh ra cây lúa”. Đó là lời nói rút gọn - thật ra hạt lúa phải kết hợp nhiều duyên phụ thuộc, như không khí, ánh sáng, đất, nước và sự chăm sóc của con người mới cho nhiều hạt lúa tốt, bội thu. Làm việc thiện, gieo nhân lành, cũng như vậy!
Kinh Pháp cú đã dạy rõ: “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm; dù tìm khắp thế gian nầy, chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây ra” (Phẩm Ác - câu 127 ) - vậy thì, “Chính tự mình làm chỗ nương tựa cho mình, chứ người khác làm sao nương tựa được? Tự mình khéo tu rèn mới đạt được chỗ nương tựa nhiệm mầu” (PC 160). 
Một người bạn ở nước ngoài đã kể lại câu chuyện sau đây, cho thấy “nhân và quả” hiện tiền đã có kết quả như thế nào, để chúng ta cùng nhau suy ngẫm: “Một cô gái sau khi tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống vừa đi học vừa đi làm. Dần dần, cô phát hiện hệ thống thu vé các phương tiện công cộng ở đây hoàn toàn theo tính tự giác, có nghĩa là bạn muốn đi đến nơi nào, có thể mua vé theo lịch trình đã định, các bến xe theo phương thức mở cửa, không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, đến khả năng kiểm tra vé đột xuất cũng rất thấp.
Cô đã phát hiện được lỗ hổng quản lí này, hoặc giả chính suy nghĩ của cô có lỗ hổng. Dựa vào trí thông minh của mình, cô ước tính tỉ lệ để bị bắt trốn vé chỉ khoảng ba phần trăm.
Cô vô cùng tự mãn với phát hiện này của bản thân, từ đó cô thường xuyên trốn vé. Cô còn tự tìm một lí do để bản thân thấy nhẹ nhõm: mình là sinh viên nghèo mà, giảm được chút nào hay chút nấy.
Sau bốn năm, cô đạt được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường danh giá, cô tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc.
Nhưng những công ty này không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau đều từ chối cô. Thất bại liên tiếp khiến cô tức tối. Cô nghĩ nhất định những công ty này phân biệt chủng tộc, không nhận người nước ngoài.
Cuối cùng có một lần, cô trực tiếp đến bộ phận nhân lực của một công ty, yêu cầu giám đốc đưa ra một lý do vì sao từ chối cô. Kết cục họ đưa ra một lí do khiến cô không ngờ.
“Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc, ngược lại chúng tôi rất coi trọng cô. Lúc cô đến phỏng vấn, chúng tôi đều rất hài lòng với môi trường giáo dục và trình độ học vấn của cô, thực ra nếu xét trên phương diện năng lực, cô chính là người mà chúng tôi tìm kiếm.”
“Vậy tại sao công ty ngài lại không tuyển dụng tôi?”
“Bởi chúng tôi kiểm tra lịch sử tín dụng của cô và phát hiện ra cô đã từng ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé”
“Tôi không phủ nhận điều này, nhưng chỉ vì chuyện nhỏ này, mà các anh sẵn sàng bỏ qua một nhân tài đã nhiều lần được đăng luận văn trên báo như tôi sao?”
“Chuyện nhỏ? Chúng tôi lại không cho rằng đây là chuyện nhỏ. Chúng tôi phát hiện, lần đầu tiên cô trốn vé là khi mới đến đất nước chúng tôi được một tuần, nhân viên kiểm tra đã tin rằng do cô mới đến và vẫn chưa hiểu rõ việc thu vé tự giác, cho phép cô được mua lại vé. Nhưng sau đó cô vẫn trốn vé thêm 2 lần nữa.”
“Khi đó trong túi tôi không có tiền lẻ.”
“Không, không thưa cô. Tôi không thể chấp nhận lí do này của cô, cô đang đánh giá thấp IQ của tôi ư. Tôi tin chắc trước khi bị bắt trốn vé, cô đã trốn được cả trăm lần rồi.”
“Đó cũng chẳng phải tội chết, anh sao phải cứng nhắc như vậy? Tôi sửa là được mà.”
“Không không, thưa cô. Chuyện này chứng tỏ hai điều: Một là cô không coi trọng quy tắc. Cô lợi dụng những lỗ hổng trong quy tắc và sử dụng nó. Hai, cô không xứng đáng được tin tưởng. Mà rất nhiều công việc trong công ty chúng tôi cần phải dựa vào sự tin tưởng để vận hành, nếu cô phụ trách mở một khu chợ ở một nơi nào đó, công ty sẽ cho cô toàn quyền lực phụ trách. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi sẽ không lắp đặt các thiết bị giám sát, cũng như các hệ thống xe công cộng mà cô đã thấy đó. Vì vậy chúng tôi không thể tuyển dụng cô, tôi có thể chắc chắn rằng, tại đất nước chúng tôi, thậm chí cả châu Âu này cô sẽ không thể xin vào được nổi một công ty nào đâu.”
Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng. Sau đó, điều khiến cô ghi nhớ nhất là câu nói cuối cùng của vị giám đốc này: “Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức”. Đạo đức là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là nhân cách của một người. Một người dù ưu tú đến đâu nhưng nhân cách có vấn đề, cũng sẽ mất đi niềm tin và sự ủng hộ của người khác. Trên phương diện việc làm, những hành vi mất nhân cách thế này càng đáng sợ hơn, vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá bỏ nguyên tắc, điều này chắc chắn sẽ hủy hoại tiền đồ của chính mình; trong sự nghiệp cần phải dựa vào năng lực và chân thành của bản thân, mất thứ gì cũng không bằng mất nhân phẩm.”.
Kinh Pháp Cú đã dạy: “Chớ khinh điều ác nhỏ
Rằng: “Không báo đến mình”
Nên biết nước nhỏ giọt
Lâu rồi cũng đầy bình!”
(Phẩm Ác - Câu 121)
Xây dựng một đời sống Hạnh phúc chân thật và lâu bền, cho đời nầy và đời sau, theo thiển ý - không gì bằng, tin sâu vào lý Nhân - Quả và luôn thực hành nghiêm túc miên mật trong đời sống, dù là một việc nhỏ vậy!
Tháng 01, năm 2012

MANG VIÊN LONG.

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long