MANG VIÊN LONG

 

HÃY DÀNH CHÚT THỜI GIAN CHO TÂM HỒN
Tạp Bút

 

Mỗi ngày, tôi đều dành cho việc đi bộ thư giãn, sáng chiều - mỗi lần khoảng 30 - 40 phút quanh khu dân cư thoáng mát, yên tĩnh vài vòng, sau thời gian “vui chơi” trên máy vi tính, hay “cúi xuống” bên những trang sách.
Tôi cho chuyện đi bộ như vậy là để “cân bằng” sinh hoạt, có dịp “ra ngoài” nhìn ngắm trời mây, cho đôi chân khỏe hơn sau tai nạn; dù đang dừng chờ qua đường, vẫn bị xe honda của hai cậu choai choai quẹt ngã; và cho dạ dày vận động, cho sức khỏe ổn định.
Trên đường đi, tôi thường gặp những người bạn “đồng hành” có trẻ (khảng 40 - 50) và già (trên 60, 70) quanh khu phố. Chúng tôi trò chuyện thăm hỏi, rồi “đường ai nấy đi”.
Một người bạn trẻ là giáo viên, chuyên cần đi bộ sáng chiều, nhiều giờ, cho biết: “Em không bỏ buổi nào, vì cảm thấy thiếu, khó chịu!”. Ông bạn già (trên 80) tự hào: “Tôi đi bộ hơn một giờ mới về, còn tập ở nhà thêm, rất lâu nữa”. Ông thường “biểu diễn” 100 cái hít đất trước mặt nhiều người!
Lúc đã đi mấy vòng, cảm thấy đủ - như thường lệ, tôi ghé vào uống tách café ở chiếc quán quen bên đường. Gặp lại người bạn trẻ là thầy giáo - tôi cười:
- Cậu đi bộ, luyện tập thân thể (phần xác) vậy là tốt, nhưng trong ngày cậu có dành cho trí óc (phần tâm hồn) chút thời gian nào không vậy?.
- Em lo việc nhà, đi dạy, lu bu lắm - đâu có rảnh, anh?
- Sao cậu vẫn dành cho đi bộ mỗi buổi hơn một giờ, mà không “nhín” lại 15 - 20 phút mỗi ngày cho việc đọc sách, cho tâm hồn được thư thả?
- Đi bộ lâu quen rồi anh.
- Nếu đọc sách lâu, cậu cũng quen như vậy thôi! Không có gì khó. Chỉ là cậu không “ham chuộng - & quý trọng” việc đọc sách thôi! Phải không?
- Chắc vậy, anh!
- Là thầy giáo, mà không thích đọc sách, làm sao dạy tốt? Chúng ta sẽ học được rất nhiều ở sách (Thơ - văn, biên khảo, nghiên cứu, nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục, xã hội…).
- Cứ theo giáo án cũ, năm nào cũng vậy, anh ơi!
- Tôi nghĩ, dù làm nghề gì, việc đọc & học hỏi qua sách báo cũng là đều rất tốt, rất có lợi ích cho đời sống của chỉnh mình và người quanh mình mà. Đó là “món ăn” tinh thần! Cứ mãi mê chăm chút cho tấm thân mập tròn với đủ món sơn hào hải vị, khác nào người chăn nuôi “vỗ béo’ cho đàn lợn, để mau xuất chuồng, kiếm tiền lãi?
Tôi kể cho cậu ta nghe về người bạn xòm giềng của tôi, là một kỷ sư xây dựng, đã về hưu, nhưng súc đọc của anh thật đáng nể! Anh cho biết đã “quen” đọc sách từ khi còn là học sinh trung học, sinh viên. Thời gian đi làm. vẫn đọc; trong lúc đó, cô em gái của anh là một cô giáo dạy văn –- là giáo viên dạy giỏi, lại “lười” đọc sách! Thỉnh thoảng có quyển sách hay, anh dưa cho cô, nhưng sau cả tuần, cô chỉ đọc được vài trang thôi! Cô thích dành thời gian rãnh cho các kiểu áo quần, đi picnic, dự tiệc (…).Cô thường hỏi anh, nhiều vấn đề bình thường, đơn giẳn của đời sống! Anh nói, nếu cô chịu khó đọc, cô sẽ biết thêm nhiều hơn, cuộc sống sẽ có ý nghĩa, tốt đẹp hơn lên trong việc mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình, cho gia đình, cho cac con sau nầy
Cậu bạn trẻ ngồi im lặng. Tôi cười vui: “Chắc cậu cũng đã nghe ông bà ta xưa nói rồi” - “Nói gì, anh?” - “Họ bảo: “kẻ sĩ, một ngày không đọc sách, soi gương thấy thẹn!”.
Tôi nghĩ đến ông bạn già (đã trên 90) mà còn “biễu diễn” 100 cái hít đất, mỗi lần gặp ông trên đường đi bộ; rồi nghĩ đến ông bạn trẻ là giảng viên đại học vừa bị đột quỵ vì “ham tập tạ tay lúc nằm ngửa trên ghế”, đã chết ngay không cấp cứu kịp!
Việc gì trong cuộc sống, cũng nên “biết đủ” (ngay cả chuyện uống thuốc bổ). Sinh hoạt sinh thái trong cơ thể con người rất tinh vi, nhạy bén! Chúng luôn đòi hỏi sự cân bằng, điều hòa (về vật chất - tinh thần) , mới bền vững, lâu dài. Đợi đến lúc sự chênh lệch quá mức sanh bệnh tật, mới điều chỉnh, thì có vẻ muộn!
Dù bận rộn sinh kế, căng thẳng mọi việc; chúng ta nên quan tâm đến sự “cân bằng” hằng ngày. Tôi tin rằng - rồi tất cả sẽ trở nên tốt đẹp hơn, khi đã có “một tâm hồn trong sáng, an vui, trong một thân thể tráng kiện”.
Trong phẩm Tâm - kinh Pháp cú, Đức Phật đã ân càn khuyên dạy về việc nuôi dưỡng Tâm để được an vui, hạnh phúc: “Chẳng phải cha mẹ, hay bà con nào hết; nhưng chính hành vi chánh thiện của Tâm mình, mới làm cho đời mình cao thượng, tốt đẹp hơn”. Sách là lò rèn luyện tốt nhất cho việc nuôi dưỡng Tâm; mang lại cho chúng ta nguồn kiến thức vô tận, vì đọc một quyển sách một thế giới mới như được mở ra với vô số điều mà con người khao khát được khám phá. Ông Barack Obama, cũng đã nhận định: "Vào khoảnh khắc mà chúng ta quyết thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn.”

. Mong hãy dành một chút thời gian cần thiết trong ngày, cho tâm hồn được xanh tươi, đừng để nó đang dần trở nên khô héo, buồn thảm!

Tháng cuối tháng 6-2020

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long