MANG VIÊN LONG


Hãy Sống An Vui Cho Ngày Hôm Nay
Tạp Bút

Tôi vẫn thường đi ngủ vào lúc chín giờ tối, và thức dậy vào khoảng ba giờ ba mươi, hay bốn giờ sáng. Buổi tối trong con hẻm Xóm Kẹo nầy, sau tám giờ, là “nhà nào đã vào nhà nấy” rồi; vắng và buồn! Ngồi ở hiên nhà đón gió nhìn trời mây cây lá một lúc, tôi cũng thong thả kết thúc một ngày – một ngày đã trôi qua đời tôi an bình, như mọi ngày! 
Khi chợt thức dậy, tôi nằm yên lắng nghe hơi thở vài phút, niệm một câu Kinh tri ân, rồi mở mắt, nhìn mầu xanh nhạt bóng đèn ngủ ở góc phòng, nghe tiếng chiếc quạt phía trên đầu giường quay vù vù, liếc nhìn khắp căn phòng yên tĩnh một vòng: tất cả đều hiển hiện bình thường, an nhiên – tôi mỉm cười: “Chào buổi sáng, ta hãy còn sống!”
Như lệ thường, tôi nấu ấm nước để pha bình trà và tách café cho ngày mới. Sau khi thắp hương lễ ở các bàn thờ, tôi mở cửa ra hiên nhà, ngồi ở thềm ghế đá với bình trà và tách café – nhìn buổi sáng còn mờ đục hơi sương. Con hẻm vắng lặng. Vợ chồng ông Năm bên kia đã ra chợ, còn vợ chồng lão Hai phía trong có lẽ cũng đã ra thăm ruộng sớm vì đang vào vụ mùa. Mấy nhà bên cạnh vẫn còn đóng cửa, im lìm. Giấc ngủ có lẽ đang còn đắm chìm sau một ngày tất bật. Đầu hẻm, những ngọn đèn đường đã tắt, vài chiếc xe honda vụt qua, và vài bóng người đang đi về phía công viên. Tất cả đều đang bắt đầu cho một ngày…
Tôi bắt đầu ngày mới của tôi với ý nghĩ và niềm tin xưa cũ: “Ta sẽ làm tốt công việc của hôm nay, ta sẽ có một ngày an bình, tốt đẹp!” Với ý nghĩ ấy, tôi không cảm thấy có chút gì lo lắng cho ngày mới đang dần trôi qua đời tôi như một dòng nước bình thản. Tôi có một niềm tin đơn giản mà rất vững chãi: “Rồi một ngày cũng sẽ đi qua tốt đẹp”, như bao ngày tháng của bảy mươi năm trước…
Bảy mươi năm, hai mươi lăm ngàn năm trăm năm mươi ngày, đã lướt qua cuộc sống tôi, qua bao thác ghềnh, thăng trầm – cho đến buổi sáng hôm nay. Dòng đời vẫn mãi trôi chảy, tôi cũng sẽ trôi theo dòng thời gian, như một chiếc lá; ngày từng ngày sống chăm chỉ, hết lòng cho mỗi phút giây hiện tại theo dòng nhân duyên nhiệm mầu, cùng với niềm tin: “Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp!”
Lời Phật dạy về “Nhất dạ Hiền giả” luôn vang vọng bên đời sống tôi: cuộc sống chỉ có thật trong từng sát na hiện tại, chứ không có trong quá khứ hay tương lai. Chúng ta chỉ có thể sống và “làm chủ” đời sống ta ngay bây giờ:
“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai thì chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển (…)”
(Kinh Trung Bộ - 131 Nhất dạ Hiền giả)
Tôi chào buổi sáng – đón ngày mới, với niềm hân hoan biết mình còn sống, còn hơi thở, còn làm việc, còn tu tập, còn yêu thương, còn hiến dâng (…) trong ngày hôm nay, trong khi có biết bao đời sống trên cõi tạm này đã dừng lại. Niềm vui lớn, niềm hạnh phúc lớn ấy, đã ở mãi trong tôi cho đến lúc tôi bắt đầu lên giường chờ đón giấc ngủ như để kết thúc cuộc sống mình. Tôi vẫn thường nghĩ, mỗi đêm một giấc ngủ, là một “sự chết” đi ngang qua đời mỗi người; cho đến một ngày nào đó sẽ có một “giấc ngủ sau cùng” – người ta thường gọi là “giấc ngủ ngàn thu”! Đã “chết đi” rồi được “sống lại”, qua mỗi sớm mai trong ngày – tôi có cảm nhận rằng mình quá đỗi diễm phúc, không có niềm vui nào lớn hơn. Qua mỗi lần “chết đi/sống lại” như vậy, tôi như nhận được ân huệ nhiệm mầu cho phép được “làm lại đời mình” thêm nữa! Mỗi ngày mới, là một bắt đầu… 
Và, tôi đã thức dậy để hân hoan đón nhận “Quà tặng” (Present – cũng có nghĩa là “Hiện tại”) cho ngày mới khi ánh mặt trời vừa hừng đông. Tôi bắt đầu sống với từng phút giây hiện tại của đời mình. Đồng thời, tôi cũng nhận ra, ai không sống trong hiện tại là tự mình khước từ quà tặng của cuộc sống. Cũng có nghĩa là vẫn sẽ mãi bị trôi dạt trong trong dòng sống điên đảo, quay cuồng, để hoài công kiếm tìm hạnh phúc, niềm an lạc trong vô vọng, trong khổ đau, lo toan chất chồng của bao tháng ngày cũ; bởi một lẽ dễ hiểu là ta đã không thể bình an và tự chủ trong mọi giây phút hiện tại của đời mình. Đó là hạt chuỗi đầu tiên trong tràng chuỗi của đời sống an vui, là chiếc chìa khóa mở cánh cửa của niềm vui và hạnh phúc chân chính, mà cuộc đời rẫy đầy ưu phiền đã dành cho mỗi người!
Tôi rất tâm đắc với lời nhận định của Leonard De Vinci: “Như một ngày mãn nguyện đem lại giấc ngủ ngon; một cuộc sống tốt đẹp đem đến cho ta cái chết thanh thản!” Một ngày sống trải lòng cho hiện tại là một ngày tốt đẹp. Dù giàu sang, hay quyền quý đến đâu, mà không sống cho hôm nay, không sống cho từng phút giây hiện tại, thì chẳng bao giờ cảm nhận được giá trị cao quý của cuộc đời mà chính họ đã phải trải qua rất nhiều kiếp trầm luân mới có được. Thật là một bất hạnh lớn cho đời sống!
Câu chuyện Chiếc Gương Và Cửa Sổ có thể giúp tất cả tiếp cận dễ dàng hơn về “cách nhìn & sống” để đạt được niềm hạnh phúc và an lạc chân chính ngay ở hiện tại – bây giờ, và ở đây: 
“Có một phú ông tên là Hạo Tường luôn cảm thấy trong cuộc sống của mình thiếu thốn một cái gì đó, dầu đang sống trên nhung lụa, thế nên ông quyết định lên đường tìm thiền sư để tham hỏi.
Khi gặp thiền sư: "Thưa ngài, tôi có rất nhiều tiền, muốn thứ gì thì có thứ đó, nhưng sao lại không cảm thấy vui và hạnh phúc được?"
Vị thiền sư mời ông ta đứng trước một cửa sổ được làm bằng kính và hỏi: “Ông thấy được gì?”
"Dạ, con thấy những đoàn người tất bật, hối hả qua lại trên những con đường, có khi là bằng phẳng, có khi gập gềnh, khúc khủyu nữa…"
Thiền sư chẳng nói gì và mời ông ta đứng trước một chiếc gương soi, lại hỏi: “Ông thấy được gì?”
"Con thấy chính mình!"
Thiền Sư ôn tồn nói: "Chiếc gương được làm bằng kính, cửa sổ cũng được làm bằng kính, nhưng cửa sổ thì trong suốt nên có thể thấy được bên ngoài, có thể nhìn được người, cảnh vật xung quanh ta; nhưng chiếc gương soi thì phủ một lớp son phía sau hoặc một tấm gỗ nên chỉ có thể nhìn được chính mình mà thôi, khi trong con người mình có thể gỡ bỏ đi lớp sơn hay tấm gỗ kia thì lúc đó con sẽ nhìn thấy người khác; lúc con nhìn thấy người khác, con sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có…”
(Huệ Thiện – Việt dịch)
Hãy đón chào ngày mới với một tấm lòng trong sáng hồn nhiên để sống cùng thiên nhiên vô tư và mọi người đang mỉm cười quanh mình…
Tháng 10 năm 2014

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long