MANG VIÊN LONG


"KÝ ỨC” Của TRỊNH BỬU HOÀI,
Một Bản Sắc Thơ Hồn Nhiên

Tạp Bút

Từ tập “Thơ Tình” đầu tay được xuất bản năm 1974, đến “Ký­Ức” (2002) – Trịnh Bửu Hoài đã liên tục giới thiệu với bạn đọc 18 tác phẩm. Trong số 18 tác phẩm của TBH, tôi có duyên được đọc hơn phân nửa. Sở dĩ tôi chọn “Ký Ức” để ghi lại đôi dòng cảm nhận, là vì tôi rất “mê” cái bản sắc hồn nhiên rất Nam bộ của anh qua từng trang viết! Đó là một “giọng thơ” trong trẻo, phóng khoáng, thắm tình như giọng hò trên sông nước Cửu Long mênh man, thơ mộng…
Tập thơ nhỏ nhắn, trình bày rất lạ, chỉ vỏn vẹn 16 bài thơ – nhưng tất cả đều là những khúc ca tuyệt vời vang vọng từ cõi ký ức đằm thắm, từ nghĩa tình sâu nặng, và từ sâu thẳm của trái tim:
“Ta về Pleiku một ngày đầy nắng
Thêm chút mùa đông trên má hồng
Nhớ bạn ta một thời lận đận
Trôi dạt Đồng bằng sông nước mênh mông
Lang thang Tây nguyên bồng bềnh mây trắng
Để cuối đời quê biển mịt mùng trông.
Ta về Pleiku biết ai còn đợi
Bài thơ tình để nhớ để quên
(…)
Ta về Pleiku thương người bạn cũ
Gió hạ lào thông thốc thổi mây trôi
(…)
(Về Pleiku Nhớ Bạn, trang 20)

Bài thơ này TBH dành tặng cho bạn thơ Vũ Hữu Định: Đây đích thực là nén tâm hương anh dành khóc bạn. Lời thơ tự nhiên, bình dị; xúc cảm cứ dâng lên, tràn đầy. TBH có được “thiên phú” với thơ tình (tôi nghĩ đến nhà thơ HL LP. MM…) – nên tâm hồn dễ lay động, rất bén nhạy dù chỉ với một thoáng nhìn, hay một nụ cười, một cơn gió, một áng mây xa cũng đã dạt dào thi cảm: “Ta ngó núi không buồn rót rượu/ Núi nhìn ta lạ một bóng người”
Ta lắng nghe nhà thơ cảm nhận về một người bạn (nhớ Lộc Vũ) :
… “Quanh quẩn bến quê nghèo
Gió mưa mòn chí lớn
Xem đời như giấc mộng
Bạn thả hồn trong veo !”
(Bạn Tôi, trang 5)

Với thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sở trường, TBH ngày càng thành công trong việc làm mới thơ, đi đến chỗ tột cùng của sự giản dị, nhưng đồng thời cũng đi đến chỗ tột cùng của cảm xúc, của nỗi uẩn khuất từ trái tim sâu thẳm.
“… Ai vào cuộc bể dâu
-Bạn đùa trăng vọc nước
Ai bon chen xuôi ngược
Bạn lênh đênh mái chèo!”
(Bạn Tôi)

Thơ tình TBH, dù là niềm hạnh phúc hay đớn đau, là niềm vui hay nỗi buồn – vẫn luôn trong sáng, an nhiên, dịu dàng như dòng suối lặng lẽ – âm thầm nhưng bất tuyệt:
“Bạn trở về. Về với Bắc Đuông
Nơi dòng sông chảy qua lời ru của mẹ.
Nơi câu thơ xanh màu lá trẻ
Ngọn đèn dầu soi sáng những trang văn
Quyển vở vàng thơm mùi rạ đồng bằng
Tiếng dế gáy theo vào giấc ngủ”(…)
(Đưa BạnVề Bắc Đuông, trang 46)

Bài thơ “Uống Rượu Bên Hồ Trúc Giang” (tr. 24) - tặng Tô Nhược Châu - giúp người đọc, thêm một lần nữa, nhận ra chân dung nhà thơ cùng tính chất đặc thù của người thơ phương Nam, miệt vườn đồng bằng Cửu Long: Phóng khoáng, dung dị và chí tình. Tôi nhận ra ở đây một sự “phóng khoáng” nhưng điềm tĩnh, không chút cân nhắc câu chữ mà hồn nhiên chân xác:
“… Ta vẫn uống bình say nghiêng ngả
Trúc Giang chẳng có sóng bạc đầu
Bạn mừng ta tay run rót rượu
Ta mở lòng hớp ngụm tình xưa
Bão thời gian chẳng mòn ký ức
Há chi trời đất có sang mùa?” (…)

Cũng với hơi thơ hào sảng mà đằm thắm, chất chứa nhiều xúc cảm từ một tâm hồn nhạy cảm, rộng mở – bài thơ “Hành Tây Bắc” (tr.52) dài đến 23 đoạn gồm 92 câu thơ – là một sự thể hiện rõ nét dòng thơ TBH, tuy có vài phân đoạn chỉ là một sự ghi nhận bình thường:
…Bạn tiễn ta một ly rượu cẩm
Hồn nếp đen tan vào ngực ấm
Theo ta trong suốt chuyến đi dài
Mặc mưa dầm nắng táp gió ngàn phai
… Ta thức giữa phố khuya hiu quạnh
Sương đẫm áo mà lòng không lạnh
Đôi môi người cháy đỏ đêm thâu
Quán thâm tình rượu rót cạn đâu.
… Sa Pa như thể trôi đi được
Trong dòng sông sương áo người tha thướt
Ta không yêu cũng chợt động lòng
Cô gái miền cao má ửng hồng.

Trong toàn tập, bài thơ tôi tâm đắc nhất của TBH có lẽ là bài “Yên Tử Sơn” (tr.44): Bốn đoạn tứ tuyệt thâu gồm được cái hồn man man dịu vợi của chốn thiền lâm:
“Vạch sương tìm cội
Lặn lội nghìn trùng
Ung dung đá sỏi
Hư thực vô cùng
… Hoa Yêu mà khói
An hiện chùa Đồng
Người tham tiếng mõ
Gió gõ chuông không” (…)

Kể từ tập “Giữa Hai Mùa Hẹn Ước” (1985), hình như mỗi năm TBH đều đã cho giới thiệu với bạn thơ một tác phẩm. Có năm đến 4 tác phẩm (1998). Điều này cho biết sức sáng tạo của nhà thơ là rất dồi dào, bền bỉ. Điều đáng ghi nhận ở đây là Thơ Trịnh Bửu Hoài luôn đem lại cho người đọc những phút giây đồng cảm bất ngờ tuyệt vời, bởi dòng thơ anh dường như luôn có mặt bên đời sống , gần gũi và luôn tươi mát, đằm thắm. Trong cõi tình/ cõi đời bao la ấy - TBH đã “chạm” đến - thao thức, ước mơ - rồi thầm thì sẻ chia cùng tất cả như một lời tâm sự. Thơ anh không mới - mà cũng không hề cũ; đó là Đời Sống, là Quê Nhà, là Tình Yêu, là Bằng Hữu (…) - tất cả những cái đang là chung quanh ta được anh ghi nhận một cách tỉnh giác, chân chất, và thâm trầm. Bởi vậy, Thơ Tình TBH luôn luôn mới vì Tình Yêu trong anh luôn luôn mới… Tâm hồn anh luôn rộng mở để đón nhận nó - không trùng lặp, không ước lệ, không thở than - mà chỉ là nỗi “trầm tư” sáng tạo của một người nghệ sĩ tài hoa luôn trăn trở trước cuộc đời… Tôi muốn nói thêm: “Thơ - là âm vọng của Trái Tim với cuộc sống, không thể phân chia mới- cũ! Mới./ Cũ - nếu có- chính là nó có được phát xuất từ Trái Tim thao thức Yêu Thương tinh khôi, mầu nhiệm chân thành hay không? “
Hôm nay - được chút thư thả, đọc lại thơ và nhớ anh - tôi ghi lại đôi điều cảm nhận về Thơ anh như lời tâm tình với bạn. Có một điều tôi “hơi buồn” (và tiếc) là chưa “đủ duyên” gặp Trịnh Bửu Hoài lần nào cho dù chúng tôi đã biết nhau (và đọc của nhau) từ những năm 60 của thập kỷ trước. Dầu vậy – nhưng dường như in được tác phẫm mới nào anh cũng đều chia sẻ cùng tôi! Sự ưu ái ấy cho tôi cái càm giác - dù xa nhau gần ngàn cây số - chưa được “cụng ly” làn nào - nhưng tôi luôn có cảm tưởng rất dược “gần” anh. Hiểu anh. Và rất quý mến phong cách thơ hồn nhiên và chững chạc-cũng như đời sống chan hòa chân tình của anh với tất cả.
Hôm 19 tháng 9 năm 2009, Trịnh Bửu Hoài gởi tặng tôi tập thơ mới - tác phẫm thứ 49 của anh - “KHÚC TRĂNG XƯA” (Nhà XB Phương Đông, 2009). Tôi đã đọc ngay. Đọc hết. nhưng chưa có dịp để “tâm tình đôi điều” với anh!
Buổi chiều qua, đang ngồi café với “cô học trò nhỏ” cùng bạn văn đông vui - tôi lại bỗng nhớ “Đợi người trắng một đêm nay/Hồn tôi sụp tối khi ngày bình minh/Người như sương khói vô tình/Mà tôi cố giữ riêng mình khói sương!” Đợi (tr. 20). Thơ anh đã “nói hộ” cho tôi biết bao điều – để hôm nay, thành lời.





  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long