MANG VIÊN LONG


Nhân 100 Ngày Mất 
Của Nhà Thơ ĐẶNG TẤN TỚI,
Ngồi Nhớ lại Chuyện Xưa!

Tạp Bút

 
              Nhà thơ Đặng Tấn Tới mất vào lúc 11 giờ trưa ngày 27 tháng 10 Đinh Dậu (Nhằm ngày 14.12.2017) tại nhà riêng ở Sai Gòn, hưởng thọ 75 tuổi.
            Chúng tôi tuy cùng học chung một lớp, từ trường làng tiểu học thôn Hưng Định, đến trung học Cường Để Qui Nhơn, rồi đại học Luật Sài Gòn. Chơi với nhau rất thân, chuyện đi học, chuyện đời sống, tình yêu - nhất là chuyện cùng đam mê văn học đều chia sẻ, góp ý, cho dầu Đặng Tấn Tới lớn hơn tôi một tuổi.  
          Nay, ở quê - nhân kỷ niệm 100 ngày mất của Đặng Tấn Tới, tôi chưa có điều kiện vào tiễn anh, hay dự buổi lễ nhớ 100 ngày mất; nhưng có một buổi sớm mai bên tách trà ngoài hiên nhà vắng, tẩn mẩn ngồi nhớ lại chuyện xưa với người bạn đồng hương, đồng môn, đồng chí hướng thân thiết, đã đi xa - gọi là thắp cho anh thêm nén tâm hương, tưởng nhớ. Âu cũng là một niềm an ủi lúc nầy.
          Thời tiểu học, Tới là học sinh xuất sắc về chữ viết (môn viết tập) và môn vẽ - bao giờ cũng đạt điểm 9 hay 10. Tôi thì dở hai môn nầy, vì chữ viết xấu “căn bản” và vẽ thì suốt thời tiểu học, không hề đủ tiền sắm được hộp bút mầu, hay cây bút chì loại mềm, tốt, để vẽ! Tôi chỉ nhớ rõ, cuối các năm (từ lớp Ba đến lớp Nhất) khi thầy xếp vị thứ, tôi cũng đạt ngang với Tới, nhờ môn Việt văn, toán, và chăm chỉ “gạọ” bài!
           Thuở ấy, cả tỉnh Bình Định chỉ một trường trung học công lập Cường Để ở thị xã Qui Nhơn (sau nầy có thêm trường Tăng Bạt Hổ - ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn). Lớp Nhất của chúng tôi có gần 50 cô cậu, nhưng kết quả thi vào Đệ thất, chỉ có 1 cô và 7 cậu dược ghi danh “bảng vàng” - trong đó có Tới và tôi! Ba má Tới rất thương yêu và tin tưởng tôi, có lẽ ông bà biết tôi mồ côi cha mẹ, trông bộ tịch hiền từ, lại học cũng…tốt! Nhờ vậy, tình bạn giữa chúng tôi thêm sâu đậm, lâu bền cho  mãi đến ngày hôm nay.
           Năm hai chúng tôi đang học lớp Đệ tứ, vì thích viết văn, làm thơ, nên đã cùng rủ nhau thành lập một thi văn đoàn để hoạt động cho rộng rãi, đồng ký tên vào đơn xin (ngoài tên thật, Tới lấy bút hiệu Thy Uyên - còn tôi ký Huyền Linh), gởi Ty Thông tin Bình Định. Chờ cả nửa tháng không thấy trả lời, bỗng một hôm đang giữa giờ học, giám thị đem giấy gọi của ông Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc đến, kêu chúng tôi xuống phòng riêng của ông, để “có việc cần”. Gặp nhau trước cửa phòng của Hiệu trưởng, chúng tôi nhìn nhau, lo lắng. Tôi lờ mờ nhận ra, chuyện xảy đến, sẽ có liên quan đến tờ đơn xin thành lập thi văn đoàn trước đây của chúng tôi nên đã tâm sự, chia sẻ với Tới, nhưng chưa hiểu lành - dữ thế nào, trước khi hai đứa mạnh dạn  cùng bước vào phòng.
        Đúng y như tôi đã dự đoán - ông Hiệu trưởng vui vẻ mời chúng tôi ngồi. Ông nói, giọng ôn tồn: “Thầy vừa nhận được thư trả lời của Ty thông tin về việc hai em muốn xin thành l;ập thi văn đoàn…”. Chúng tôi liếc nhìn nhau, im lặng, chờ đợi. Thầy nhìn chúng tôi với ánh mắt thân tình - khuyên: “Các em nên đợi đến tuổi trưởng thành, và lo học cho xong đã, sau đó muốn làm gì, tùy ý!”. Chúng tôi đều ngoan ngoãn “Dạ”, rồi được thầy cho trở về lớp học.
         Tuy nhiên vào cuối năm ấy, Tới tự xuất bản tập thơ đầu tay, có tựa là “Lễ Tấn Phong Tình Yêu”, đổi bút danh là Vũ Thúy Thụy Ca khi vừa 16 tuổi. (Tôi cũng bắt đầu lấy bút hiệu khác là Hoài Huyền Tiên - ghép tên của mẹ và ba tôi, từ đó). Tới tự trình bày bìa, và trông coi in, nhưng rất mỹ thuật. Đặc biệt được in trên giấy croquis, và những bài thơ tình có phong cách mới, so với nhiều tập thơ của “đàn anh” lúc đó. Tới cho tôi đọc lá thư của Nhà thơ Thanh Việt Thanh (ở Sài Gòn) gởi ra khi nhận được sách tặng, với nhận xét ngợi khen và trân trọng.
            Sau tập thơ nầy, chúng tôi tâm sự với nhau về “con đường” sẽ chọn cho mình trong tương lai: Tới chọn thơ, còn tôi chọn văn xuôi (Gồm các thể loại truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tiểu luận). Và cùng quyết định lấy tên thật làm bút danh, từ dạo đó. Tuy có sự “lựa chọn ngầm” như vậy, nhưng Tới thỉnh thoảng vẫn viết các tạp bút, tùy bút; còn tôi cũng làm thơ…lai rai! Bài tạp bút đầu tiên của tôi được chọn đăng ở tập san Cường Để (cuối năm Đệ tứ) - và bài bút ký đầu tiên đăng ba kỳ ở nhật báo Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn) do nhà báo kỳ cựu Nguyễn Kỳ Nam làm chủ nhiệun kiêm chủ bút.
           Khi mới vào học năm đầu trường Cường Để Tới chọn sinh ngữ Pháp văn, còn tôi chọn Anh văn; nên học khác lớp, nhưng đều gặp nhau mỗi ngày. Lên Đệ tam - Tới chọn Ban A (sinh vật, lý hóa là chính), trong lúc tôi chọn Ban B (toán, lý hóa…). Hai chúng tôi đều vượt qua được Kỳ thi Tú tài phần một, dầu tỷ lệ đậu năm ấy chỉ đạt 20 phần trăm. Sang năm Đệ nhất, Tới vẫn học ban A , tôi “tự chuyển ban” sang C (triết, ngoại ngữ, sử địa), vì biết mình không kham nổi môn toán (đậu Tú tài một ban B là may lắm rồi!).
            Kết quả kỳ thi Tú tài hai năm đó, Tới bị hỏng (vì chưa “gạo” hết bài); tôi may mắn đậu Ban C ngay kỳ một, cho dầu tỷ số đậu thi viết là 12 phần trăm, vào thi vấn đáp còn lại 8 phần trăm! Tôi vội ghi danh vào trường Luật Sài Gòn (và sau đó thi vào trường QGSP Qui Nhơn, vì không thể một mình tự xoay xở ở đất Sài Gòn xa lạ!). Năm sau, thi lại - Tới  đậu Tú tài hai ban A. Tới hỏi tôi trước ngày vào Sài Gòn: “Cậu ghi danh học trường nào?” - tôi trả lời “học Luật cho vui!” - “Mình cũng học Luật!”. Yêu văn chương, đâu cần gì phải vào văn khoa, mới viết được nhỉ - chúng tôi đều nghĩ vậy (nhưng vài năm sau, tôi lại ghi danh học thêm ở văn khoa, vì “ham vui”!).
            Tôi tốt nghiệp SP Qui Nhơn khóa 3 năm 66, ra trường, về dạy ở Tuy Hòa - Phú Yên; còn Tới vẫn ở Sài Gòn học Luật, tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật, và làm báo. Anh cùng vài bạn văn cho xuất bản tờ Vận Động  (khổ báo bằng nửa tờ nhật báo, 10 trang - nhưng nội dung phong phú, có phong cách mới - tiếc rằng chỉ ra được vài số rồi tự đình bản, khi tôi chưa kịp gởi bài theo lời đề nghị của Tới).
            Thị xã Tuy Hòa năm ấy rất yên tĩnh, sạch và mát - nhất là giá cả sinh hoạt rất thấp, ổn định. Ngoài giờ đến trường, tôi chăm chỉ viết, và cộng tác với vài tờ nhật báo, tuần báo, tạp chí ở Sài Gòn, cho vui! Tháng 6 năm 68 - tôi cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Trên Đỉnh Sa Mù”, trình bày bìa của Tới. Tháng 11 năm 70, tôi giới thiệu tiếp tập truyên thứ 2 “Mùa Thui Trống Trải” , tranh bìa của họa sĩ - giảng viên trường Mỹ Thuật Gia Định Lâm Triết, phác thảo chân dung tác giả của Tới. Cùng năm đó, Tới in tập thơ “Mưa Mắt Tình” (1970), rồi “Tâm Thu Kinh” - chính thức lấy tên thật Đặng Tấn Tới làm bút danh. Giữa năm 72 - Tới cho xuất bản tập thơ mỏng “Tuyệt Huyết Ca” gồm 108 câu thơ song thất lục bát, nhưng được đánh giá là xuất sắc. Nhận được sách Tới gởi tặng, ở Tuy Hòa, tôi đã viết bài nhận định về tập thơ này (cho mãi đến những năm sau 75 - gặp lại ở quê, Tới vẫn còn giữ bản thảo đánh máy bài viết của tôi, gợi ý muốn sử dụng lại trong lần tái bản tập thơ, do một người bạn học cũ đang ở nước ngoài hứa in giúp). Sau tập “Tuyêt Huyết Ca” (72) là “Thi Thiên” (1973), rồi “Trúc Biếc” (1974). Như vậy, trước năm 75 - Tới xuất bản được 6 tập thơ (tính cả tập đầu tiên ký tên VTTC mà Tới không muốn đưa vào danh mục); tôi xuất bản được 5 tác phẩm, gồm 4 tập truyện (Trên Đỉnh Sa Mù 68/ Mùa Thu Trống Trải 70/ Phố Người 71/ Có Những Mùa Trăng 72 và 1 tập tùy bút Đóa Hồng Cho Người Yêu 73).  Từ sau năm 1975 đến năm 2000, Tới đã hoàn chỉnh bản thảo tập thơ “Lửa Và Hoa, Bên Bờ Năm Tháng 2000”, được cậu con trai là kiến trúc sư in 3 bản trên giấy đặc biệt, tranh bìa của Bùi Giáng, giấy cứng, hoàn toàn thực hiện trên máy vi tính; nhưng rất công phu, mỹ thuật. Một lần ghé thăm chơi, Tới trao cho tôi giữ một quyển (hiện nay vẫn còn). Tôi cũng đã viết một bài (gọi là tạp bút) - giới thiệu “Đọc Bản thảo “Lửa và Hoa, Bên Bờ Năm Tháng 2000” của Đặng Tấn Tới” (Đã in trong tuyển tập tiểu luận - tạp bút “Như Những Giọt Sương” tập 3 của tôi, xuất bản năm 2014).
             Sau năm 2000, Tới ít làm thơ, dành thời gian để chăm sóc hoa, chơi cây kiểng, cho vui qua ngày! Tôi tuy đã “nghỉ dạy”, về quê, nhưng cuộc sống quá lận đận, nên không thường xuyên ghé nhà Tới chơi. Tôi cũng đã “tự cho phép” mình nghỉ viết  hơn 15 năm, để lo chuyện cơm áo, và ổn định đời sống. Khoảng cuối năm 2004, Tới bị tai biến nhẹ, nhưng sau đó vào bệnh viên Chợ Rẫy khám kỹ, bị phát hiện có khối u ở não. Tới mổ não lần đầu vào ngày 5 tháng 1.2005, chỉ nằm viện vài tháng, là về nhà ở An Nhơn được. Anh đi lại, sinh hoạt gần như bình thường, tuy trên đỉnh đầu, nơi bị mổ, phần xương không còn. Cứ vài tháng Duy Khương - hiền thê của anh, lại đưa anh vào Sài Gòn tái khám.
            Dường như chỉ tạm yên ổn được hơn hai năm, một lần tái khám, bác sĩ lại phát hiện khối đã mổ đang lớn dần, cần phải mổ tiếp. Tới bị phẩu thuật não lần hai. Sau lần nầy, Tới yếu dần, đi lại khó khăn. Duy Khương và các con quyết định đưa Tới vào Sài Gòn sống luôn, để bác sĩ dễ theo dõi, điều trị. Lần nào có dịp vào Sài Gòn tái khám tim, tôi cũng đều ghé nhà Tới ở khu chung cư Mỹ Thuận, để thăm. Vài lần đầu, Tới có thể đi từ giường ra phòng khách, ngồi trò chuyện, trông vui vẻ. Vài lần sau, Duy Khương phải đẩy xe lăn đưa Tới ra phòng khách. Khi Tới không còn ngồi được, Duy Khưong đã chuyển nhà từ chung cư ở quận 6 về đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, để săn sóc, cho gần cô con gái út. Tôi vẫn ghé thăm mỗi khi có dịp vào Sài Gòn. Biết tôi đến, Tới nhìn, có khi nhếch cười. Tôi gắng nói đủ chuyện vui ở quê, hay tin tức về bạn bè, cho Tới cười, nhưng  sau tia nhìn yếu ớt, nụ cười khô, Tới đã chảy nước mắt!
          Vài lần thăm sau cùng, Tới không nói được gì, mà chảy nước mắt khi thấy tôi. Duy Khương vội mời tôi ra phòng khách, vì ngại Tới quá xúc động, sẽ bị ảnh hưởng nặng. Thời gian ấy, tôi biết Tới không thể qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, nên mỗi lần nhìn thấy anh nằm im, người gầy khô, da bọc lấy xương - tôi luôn thầm cầu nguyện cho anh được ra đi thanh thản, nhanh chóng! Thân anh đã đau mà người bạn đời thủy chung son sắc của anh, cũng rất khổ! Hơn 13 năm, Duy Khương một mình đã luôn tân tụy bên anh, để chăm sóc, để an ủi, và gắng đem lại niềm tin vui cho anh. Chị đã từng trải chiếu nằm đỡ lưng mỗi đêm dưới giường của Tới ở bệnh viện Chợ Rẫy cả tháng. Những đêm khuya ra sân bệnh viện thắp hương nguyện cầu, và tháng năm sau nầy, đã luôn đi chùa niệm Phật - cầu mong an lành cho Tới..
           Sau cùng, Đặng Tấn Tới cũng đã từ giã cõi tạm, ra đi vĩnh viễn vào trưa ngày 14 tháng 12. 2017. Hôm nay, ngày 23 tháng 3. 2018 là đúng 100 ngày, nhớ bạn…
          
Quê nhà, 23,3,2018
MANG VIÊN LONG.
           
           Anh sinh năm Quí Mùi - 1943, quê ở An Nhơn - Bình Định. Đã học ở Trường Tiểu học thị trấn Bình Đinh, Trung học Cường Đễ Qui Nhơn, và Đại học Luật Sai Gòn.Từ năm 1968 đến năm 1974, Đặng Tấn Tới đã lần lượt xuất bản 5 tập thơ: Mưa Mắt Tình - Tâm Thu Kinh (1970) - Tuyệt Huyết Ca (1972) - Trúc Biếc (1974. Thi Thiên (1973) . Sau năm 1975 (đến năm 2000), anh đã hoàn chỉnh bản thảo Tập thơ “Lửa Và Hoa, Bên Bờ Năm Tháng 2000”…

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long