MANG VIÊN LONG


LÀM THƠ & VIẾT VĂN
CÁI NÀO KHÓ & CÁI NÀO DỄ?

Tạp Bút

Đi dự đám cưới con người bạn ở nhà hàng Hoàn Vũ tháng trước, bàn của chúng tôi có một nhà thơ trẻ, ưa bàn chuyện thơ văn. Chưa đến giờ cô dâu chú rễ trình diện bà con, thân hữu; nhưng “lon “ cũng đã được mở ra bôm bốp, để lấy đà! Cậu nhà thơ có thêm chất cay nồng - càng hứng khởi góp chuyện văn thơ như nước lũ. Để thư giản và chờ đợi, không có gì hấp dẫn bằng…tán gẫu thơ văn, chuyện trên trời dưới đất!. Trong câu chuyện (tôi quên “khúc mở đầu”) cậu ta xoay lại hỏi tôi: “Thưa chú, làm thơ và viết văn - cái nào khó, cái nào dễ?”.Phòng khách chứa trên 400 người đang đông dần, tiếng nói cười rào rào, liên tục- như pháo; tôi không thể trả lời câu hỏi của cậu bạn nhà thơ trẻ kia cho rõ ràng, đầy đủ. Chìu ý các bạn đang trông chờ câu trả lời, tôi cười: “Làm thơ hay viết văn, không cái nào dễ hơn, không cái nào khó hơn!”.
Hôm nay, ngồi nhớ lại câu hỏi, tôi muốn “nói thêm” đôi điều về câu trả lời “tốc hành” hôm trước cho có đầu có đuôi một chút. Tôi nghĩ như thế nầy: Dường như tất cả những người yêu mến văn học, tìm đến với văn chương chữ nghĩa cũng đều bắt đầu “gieo vân làm thơ” trước tiên. Có thể Thơ đã đến vời họ trước bằng những rung cảm đầu đời khó quên, lôi cuốn, khi có dịp thưởng thức những áng Thơ hay? Vì Thơ dễ “đi vào hồn người” non trẻ đang đầy ắp bao ước vọng nhanh hơn văn xuôi? Nhiều chương trình ngâm vịnh tao đàn được tổ chức trên sóng truyền hình, phát thanh, với nhiều nghệ sĩ diễn ngâm réo rắc hấp dẫn đã gieo vào tâm cảm họ niềm ước mơ về những bài thơ trong tương lai?. Cũng có thể khi còn ngồi ở nhà trường Trung học, họ đã được hướng dẫn để tiếp cận với Thơ trước, bằng những giờ học văn thể về luật thơ! Cũng “có thể” họ đang bắt đầu yêu (dầu bóng gió xa xôi), nên đêm ngày mày mò gieo vần, để giải bày tâm tình của mình cùng với “sương gió”? Điều cuối cùng, làm thơ có lẽ ít “khổ công” hơn ngồi cặm cụi viết cho được mấy trang giấy?
Sau một thời gian “làm quen” với Thơ, rồi sau đó, tiếp cận thêm với văn xuôi (nhất là truyện ngắn. truyện dài) - họ có thể sẽ tự phát hiên ra cái “tạng” của mình thích hợp với cái nào nhiều hơn. Năng khiếu của mình có thể “trụ vững” dược với Thơ hay Văn, để có sự lựa chọn chính xác sau cùng, mà dành nhiều thời gian học hỏi, rèn luyện, để tiến sâu vào lãnh vực mình đam mê nhất.
Dĩ nhiên là không phải khi dã tự “chọn” một trong hai lãnh vực Thơ hay Văn, là “bỏ quên” cái kia! Có rất nhiều người vừa làm thơ, vừa viết văn - rất tốt! Và, người viết văn, cũng có thể làm thơ “ngon lành” không kém ai, nếu thích! Hai lãnh vực nầy luôn bổ túc cho nhau, không hề “gây khó dễ” gì cho nhau cả! Trong lịch sử văn học, có nhiều nhà thơ nổi tiếng, viết văn, soạn kịch cũng rất xuất sắc! Đó là những tài năng đã được trui rèn bền bỉ lâu dài trong thực chứng đời sống, cùng với khả năng “thiên phú” của mình!
Tuy nhiên, nếu chỉ dành thời gian (và năng lực) cho một lãnh vực nào đó - Thơ chẳng hạng, “sống chết” với Thơ, thì có thể dễ có diều kiện tiến sâu vào lãnh vực đó hơn, để làm nên những tác phẩm tốt. Dồn nổ lực cho một lãnh vực mình đam mê, sự sáng tạo cũng sẽ có “đủ duyên” khơi nguồn cho những tác phẩm đỉnh đạt, xuất sắc; hơn là “bắt cá hai tay” mà chưa nhận thức rõ về năng lực của chính mình, cùng như chưa có kinh nghiệm cần thiết để tác phẩm trở nên giá trị - thì có khả năng, suốt đời, không được “chú cá” nào cả! Làm thơ thì làng nhàng, viết văn...cũng “chẳng tới đâu”; mỗi loại một ít, ôm đồm mà không “biết rõ mình”, không nắm vững điều kiện cơ bản nhất của mỗi lãnh vực, thì khó có thể đạt được diều mong ước và “dứng vững” lâu dài!! Viết văn, mà không phân biệt nổi những điều khác biệt giữa tiểu luận, phê bình; giữa tạp bút và tùy bút; giữa truyện ngắn với phóng sự và ký sự, bút ký (vvv) - thì thật không thể chấp nhận được!
Tóm lại: “Làm thơ hay viết văn, không cái nào dễ hơn, không cái nào khó hơn!”. Khó hay dễ. là tùy thuộc vào mỗi cá nhân khi đã quyết định tham gia “trò chơi” nào mà thôi! Làm Thơ và viết Văn đều có cái “khó” của riêng nó, không thể nói cái nào khó hơn hay dễ hơn! Nếu muốn “gói gọn” trong hai từ “khó & dễ” như vậy là đã nói theo kiểu “cân đo đong đếm” của mấy nhà “kinh doanh văn học”!
Một bài Thơ tuyệt tác (không giới hạn số câu), cũng có giá trị ngang hàng với một cái truyện ngắn (hay tiểu thuyết) xuất sắc, giá trị! Giá trị của cái Đẹp, không thể bỏ lên bàn cân, dù là cân tiểu ly, bạn ạ!
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long