MANG VIÊN LONG

Lão Tư Kéo
Truyện Ngắn

 Tên “Tư Kéo” là do người nào đó đã đặt cho lão, nhiều người nghe và gọi mãi - trở thành “tên tục” của lão. Không ai chịu bỏ thời gian để dài dòng hỏi thêm “tên chữ” của lão là gì, người làng nào, bao nhiêu tuổi, gia đình vợ con ra sao (v.v). Ngó vào đời mình còn chưa có thời gian, huống hồ ngó vào người khác - nhất là một lão già lang bạt, vô danh?  Phần lão Tư Kéo, chỉ im lặng, cười khà khà khi có ai bất chợt gặp lão đang hành nghề bên vỉa hè cất tiếng hỏi, và nghĩ thầm, ai gọi lão là gì cũng được cả. Đẹp xấu gì ở cái tên, mạng sống đây còn chưa ra gì! Và lão cứ thản nhiên sống thấp thoáng, lẻ loi, bên cạnh dòng đời phố chợ xô bồ như một cái bóng…

               Người ta chỉ biết rằng lão từ phương xa trôi dạt đến đây, là một tay mài dao kéo thuộc loại siêu đẳng; cái dao kéo nào qua đôi bàn tay lão đều trở nên sắc bén, cắt thái ngọt lịm.

           Lúc đầu, người ta lấy làm khó chịu (và khó hiểu), sau dần quen đi, và cho đó là “cái tật” của lão Tư Kéo - không ai thèm để ý đến nữa. Cái tật mà lắm người cho là kỳ quặt, là khó coi ấy là: Buổi sáng, lão quảy đồ nghề ra đi (một  bên là cái sô nhựa cũ bên trong là hòn đá mài; bên kia là chiếc thùng đạn đã hoen rỉ chứa các cuộn dây da, vải lau, các loại dũa, và một chai nước uống); lão đủng đỉnh đi dọc các dãy phố chợ của thị trấn. Có khách gọi thì ghé vào, lặng lẽ mài dũa, ai đưa bao nhiêu cũng nhận - không nói giá. Lão thường cười, đáp : “Bà con cho bao nhiêu cũng được, tui chỉ biết làm, đâu biết giá cả gì mà hỏi…”.

             Có  nhiều hôm ở thị trấn vắng khách, đi cả buổi không nghe ai gọi nhắc đến tên - lão Tư Kéo lại tiếp tục quảy gánh đủng đỉnh đi về các vùng quê ngoại ô… Trong lúc mãi miết đi, lầm lũi bước, hễ gặp nhà nào có đám cưới, đám nhà mới, tiệc mừng con thi đỗ, hay vừa trúng vé số độc đắc (v.v…); lão đều đặt gánh xuống sửa lại áo quần, vào nhà đòi gặp cho được gia chủ. Gặp chủ nhà, lão mừng rỡ nói : “Xin chúc mừng bác, chúc mừng gia đình!” - rồi lẳng lặng đi ra, tiếp tục quảy gánh lên đường, không kịp uống một hớp nước.

            Có gia đình đồng ý gặp lão cũng có nhiều gia đình từ chối, tỏ ý  khinh rẻ không cho vào nhà. Những lần chưa nói được câu “Xin chúc mừng bác, chúc mừng gia đình” - lão Tư Kéo tỏ ra buồn bã lắm, có khi dằn vặt cả ngày! Lão có cảm nghĩ, ngày hôm ấy, lão không được gặp may…

            Gặp nhà nào có đám tang, cờ xí kèn trống rập rình, dù trong túi không còn đủ tiền ăn bữa trưa, lão Tư Kéo vẫn vội vã đặt gánh, chạy tìm mua cho được bó nhang, cặp đèn sáp. Cũng vậy, có gia đình cho lão vào thắp nén hương, nói được câu : “Xin chia buồn bác, chia buồn gia đình!.­ Lại cũng có nhiều gia đình từ chối, dường như là xua đuổi lão để tránh đi một điều gì xấu, một điều gì bị xúc phạm. Những bận như vậy, lão Tư Kéo rầu rĩ giắt bó nhang vào sô nhựa, cất cặp đèn vào thùng đạn rỉ sét; tiếp tục rảo bước, thơ thẩn đi như kẻ mất hồn. Nhang đèn đã mua không trả lại được, lại không thể mang về nhà người bạn cho ngủ nhờ - lão thường ghé vào một ngôi chùa nào đó gặp trên đường, thắp hết trên bàn thờ Phật …

       Một buổi sáng giữa mùa thu tin lão Tư Kéo chết được mấy bà trong khu chợ cạnh nhà người bạn già kéo ba gác cho lão ngủ nhờ loan đi nhanh chóng. Mấy dãy phố dọc khu chợ, rồi cả cái thị trấn bé nhỏ này đều hay tin về cái chết mà nhiều người cho là “có vấn đề”, vì sự ra đi quá đột ngột của lão.

             Bà Sáu chủ quán nước đầu đường kể lại, như mọi ngày - chiều hôm trước lão vẫn đến ngồi tại góc bàn đây, uống hết hai ngàn đồng rượu thuốc, rồi lững thững đi vào . Vợ chồng người bán quán cơm ngay trước mặt nhà cũng bảo lão vừa trả hết chỗ tiền còn nợ ngày hôm trước - cười nói với vợ chồng họ : “Cả đời người đều mắc nợ nhiều thứ, làm sao trả hết được - phải không cháu?”.

               Người ta bu lại trước sân nhà người kéo ba gác mỗi lúc một đông: Trên chiếc ghế xếp đặt giữa sân, lão Tư Kéo nằm thẳng đơ, người phủ kín tấm drap màu xanh nhạt; như đang im lìm trong giấc ngủ. Người thì cho là lão đã tự vẫn, uống độc dược, chứ làm thế nào mà ngủ luôn một giấc êm ru như vậy. Kẻ khác nghi ngờ có kẻ ám hại lão. (Mà người khác ám hại lão để mà được gì? Ở đời, người ta thường giết hại nhau chỉ vì ba thứ :tiền, tình và danh vọng. Còn ở Lão Tư mài dao kéo nầy, đâu có thứ gì đẻ chiếm đoạt?). Ba thứ ma chướng dụ dỗ người si mê tham đắm ấy, lão Tư Kéo không có thứ gì cả! Lão sống như một thân cây bên đường, bên lề cuộc sống của tất cả kia mà. Lại có người tin rằng, hiền lành, tốt bụng, ngay thẳng như lão Tư - cái chết thường đến nhẹ nhàng, êm ru như thế. Suốt đời lão không thù ghét ai, nên không ai thù oán lão...Lão sống không chút oán giận, không mảy may tham lam, thì ai đi ghét lão làm gì?

              Nói gì thì nói, đó là do suy cảm của người hiếu kỳ ngoài cuộc; người đàn ông góa vợ (lại chẳng có con cháu gì) cho lão Tư ngủ nhờ bấy lâu trong căn chòi tranh vách ván cũng được Công an mời lên truy hỏi. Chính quyền buộc làm tờ tự khai, cam kết, và sau cùng là chịu trách nhiệm mai táng lão Tư vào ngày hôm sau khi toán Công an khám nghiệm tử thi có kết luận lão Tư đã chết không vì một lý do bi ám hại nào.

            Nghe chuyện, bà con trong khu chợ, dọc dãy phố thị trấn đã quyên góp hơn một triệu đồng để mua quan tài, lo việc tẩm liệm, chôn cất, đắp mộ. Lúc người bạn kéo ba gác và mấy người bạn bên cạnh lên nghĩa trang đào huyệt, thì bị người quản lý nghĩa trang ngăn cản, đuổi về. Ông cho biết, nghĩa trang này chỉ dành cho dân có hộ khẩu trong thị trấn mà thôi. Người chết ở ngoài thị trấn, muốn vào “nằm” ở đây, đều phải làm đơn, được Ban quản lý và chính quyền xét, sau đó mới được cấp phép… Gã kéo ba gác trở về, nhờ người viết giúp lá đơn trình bày rành rọt đầu đuôi, cầm lên UBND thị trấn … Tại đây, gã được trả lời, muốn chôn cất ở trong nghĩa trang, thân nhân phải “tự nguyện” nộp một khoảng tiền gọi là “quỹ xây dựng nghĩa trang”. Hỏi thăm, gã được biết, phần đóng góp có thể từ 2 triệu đến 5 triệu đồng ! Nếu bán chiếc xe ba gác cà tàng của gã, cũng chưa chắc đủ! Gã phân vân : “Nếu bán xe đi, sau đó mình sống bằng cái gì?”.

                Không rõ đã có ai đến thưa chuyện với Thầy Huyền Minh - đang trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở khu bến xe cũ; đích thân thầy (và 2 đệ tử) đến tận nhà gã kéo ba gác giúp đỡ khoảng đóng góp “Quỹ xây dựng nghĩa trang” - và tiền hành lễ tụng niệm, cầu siêu cho lão Tư Kéo. Thầy sắp xếp, chỉ huy việc chôn cất lão Tư như với một người thân.

              Buổi chiều lễ di quan, người ta thấy một chiếc xe lam 3 bánh (thường chở trái cây cho bạn hàng ở khu chợ về vùng quê), chở quan tài Lão Tư Kéo và ba thầy trò Thầy Huyền Minh. Tiếp theo sau, là một đoàn có cả hơn mười chiếc xe ba gác lặng lẽ tiến về phía nghĩa trang thị trấn, trong sắc nắng hanh vàng, hiu hắt …

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long