MANG VIÊN LONG


Mắt Nhìn Nhau Một Tối
Tạp Bút
 
Khoảng tháng bảy năm 1973, có dịp vào Nha Trang, tôi đã ghé thăm nhà thơ đồng hương Quách Tấn, như mọi lần. Lần nầy, sau vài câu thăm hỏi, ông vui vẻ mở tủ sách cho tôi xem một tập thơ khổ nhỏ của ông đã in xong, vừa nhận từ một người bạn thơ ở Pháp - đó là tập “GIỌT TRĂNG” (Paris, năm Quý Sửu - 1973).
Theo lời chia sẻ của ông, tập thơ đã được ông sáng tác từ năm 1966, đến năm 1972, gồm 60 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt; nhà thơ Thi Vũ (Paris) tự tay trình bầy, tự in lấy, lấy tên nhà xuất bản là Rừng TRúc, rồi gởi về tặng ông năm mươi cuốn. Thuở ấy, được cầm trên tay một tập thơ in trên giấy hoa văn, dày láng, mỹ thuật (mà nhà thơ Thi Vũ gọi là in trên giấy Tuyết Đào, bìa trên giấy Trúc Non) ; tôi thật khâm phục tấm lòng của nhà thơ Thi Vũ đã dành cho bạn. Nhà thơ Quách Tấn, đã cẩn trọng, đề tặng cho tôi một cuốn, in dấu triện đỏ bên chữ ký rất tài hoa của ông.
Đã trên 45 năm, nhà thơ Quách Tấn đã mất 26 năm (1992 - 2018), tôi tình cờ tìm thấy “Giọt Trăng” nhỏ nhoi nằm khiêm nhường trong đống sách cũ. Tôi vui mừng như đã được gặp lại nhà thơ mà tôi rất quý trọng.
Trang thơ đầu tiên, tôi (cũng tình cờ) mở ra là bài “Mãi Còn”.
MÃI CÒN là một bài thơ năm chữ, bốn câu - cũng là thể thơ “sở trường” của ông: Bài thơ mở đầu:
“Hoa Quỳnh sống nửa đêm”.
Hoa Quỳnh là loài hoa nở về đêm, nửa khuya, đến mờ sáng là tàn, được giới thưởng hoa rất yêu quý. Hoa Quỳnh được tượng trưng cho cái "vẻ đẹp chung thủy" (loyal beauty), vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn, cũng như tình yêu đã nguyện dâng hiến cho người tình. Các cụ ngày xưa mỗi lần biết hoa sắp nở, mời thêm vài người bạn thân đến chơi, trong khi chờ ngắm thưởng ngoạn hoa nở, các cụ thường hay trịnh trọng pha một ấm trà thật ngon, khói bốc thơm nghi ngút, vừa nhấm nháp trong khi chờ đợi khai hoa nở nhụy; chiêm ngưỡng nhan sắc của một loài hoa “mệnh yểu”, nhưng hương sắc tuyệt trần!
“Hoa Phù Dung một buổi”
Hình ảnh tiếp đến là hoa Phù Dung - hoa Phù Dung được rất nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp tinh tế, đáng yêu của nó. Buổi sáng hoa Phù Dung nở ra có màu thanh khiết, đến trưa từ từ chuyển sang hồng rồi hồng đậm. Xinh đẹp, yêu kiều là thế, nhưng hoa lại cũng chỉ có mặt bên đời một buổi, rồi vĩnh biệt!
Gieo cảm xúc đầu tiên về hai loài hoa cao quý nhưng đều mệnh bạc - nhà thơ như đã chia sẻ niềm tâm sự, nỗi ưu tư, về cõi nhân sinh vô thường, tạm thời - sớm còn, tối mất. Nhưng, ý nghĩa và giá trị của đời sống, không phải ở thời gian ngắn, hay dài - mà chính ở sự dâng hiến cao đẹp, thiêng liêng của nó cho đời! Nhân sinh quan của nhà thơ đã tinh tế nằm ẩn trong hai loài hoa Quỳnh và Phù Dung rồi vậy!
Đức Phật cũng đã dạy: "Sống lâu trăm tuổi mà không thấy được Chánh pháp, không bằng sống chỉ một ngày, mà thấy được Chánh pháp". Một nhà văn Pháp, cũng nhắc lại: "Sống lâu hay chết yểu, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là phải sống như thế nào?". Tôi nghĩ thêm, sống lâu trăm tuổi mà vô vị, ích kỷ; không ý nghĩa; không bằng sống một ngày mà lẫm liệt, vị tha"!
Tôi nhớ lại lời ông, khi nhận định về “tính chất” của thơ văn: “Văn hiện - Thi tàng”. Văn thì phải hiển hiện đời sống hiện thực như nó là; còn thơ thì tìm ẩn sau những câu chữ được chia sẻ!
“Nghìn trước, tiếp nghìn sau
Mắt nhìn nhau một tối”
Trước đây bao nhiêu nghìn năm, và sau nầy bao nhiêu nghìn năm - cuộc đời vẫn luôn luôn vậy! Trong ba yếu tố sinh tạo của cuộc đời (và vạn hữu), Đức Phật đã tuyên dạy từ hơn hai nghìn năm trăm trước là “khổ, vô thường, vô ngã” (Tam pháp ấn) vẫn mãi mãi tiếp diễn, là “chánh tư duy” mà tất cả mọi người nên suy nghiệm, để hướng đời sống “vô thường” mà cao đẹp như hoa Quỳnh và Phù Dung vậy! Cho dù “Mắt nhìn nhau một tối” ngắn ngủi, nhưng là cái nhìn cuối ngày đắm đuói, thủy chung, còn lưu luyến mãi ánh mắt nồng nàn, tinh khiết với người mình yêu, với đời sống, mà mình đã từng gắn bó! Đây là một lời tâm sự chân thành, lời nhắn nhủ khiêm tốn, đã “ẩn tàng” trong Mãi Còn”!
Bài thơ bốn câu năm chữ (theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt) - 20 chữ cả thảy, nhưng tuyệt nhiên không có một “chữ nào” là khó hiểu, sáo rỗng, hay vay mượn từ chữ Hán (tuy nhà thơ là một người uyên thâm nho học) như chúng ta vẫn thường thấy nhan nhãn! Tính chất ngôn từ bình dị mà chân xác, ý tưởng trong sáng mà sâu sắc, uyên thâm, vẫn là “tính chất” thơ của Quách Tấn, đã làm nên một phong cách đặc biệt của riêng ông.
Hôm nay, tuy nhà thơ Quách Tấn đã vĩnh viễn rời xa đời sống, rời xa chúng ta đã 26 năm - nhưng tấm lòng của ông dành cho thơ văn và đời sống, vẫn “Mãi Còn” ngát hương chân tình như mới hôm qua!
“Hoa Quỳnh sống nửa đêm
Hoa Phù Dung một buổi
Nghìn trước, tiếp nghìn sau
Mắt nhìn nhau một tối!”
(Tặng nhà thơ Ng. An Đình).

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long