MANG VIÊN LONG


Mây Hoàng Hôn

Truyện Ngắn

 

Qua khỏi khu trường Tiểu học nằm bên kia mương nước, Phúc bước lên cây cầu đá nhỏ đi dần vào khu chùa. Cỏ trước sân chùa mọc cao nghêu, xác lá mục, thân cây oằn cong gãy ngã bừa bộn. Con đường mòn nhỏ bao bọc ngôi chùa đã bị khuất lấp mất chẳng còn dấu vết. Màu rêu xanh, màu mốc bạc thếch trên vách tường, cánh cửa đóng hờ, những tấm ván dựng rải rác quanh ngôi chùa đã nói rõ với Phúc mọi đổi thay dồn dập đau lòng từ ngày anh dời làng ra đi. Lúc cỗ xe ngựa bắt đầu chạy lên nhịp cầu Phụ Ngọc đầu tiên, Phúc nhìn xuống dòng sông, con nước đang lớn, nghĩ nhớ tới lòng sông mùa khô bày trơ cát trắng những năm thuở nhỏ xa vời chiều nào cũng mang diều ra thả. Khi những cánh diều lồng lộng mơ ước đã rã cánh hoặc đứt dây bay bổng lên vòm trời xanh cao, cả bọn họp nhau lại bày đủ thứ trò chơi. U quạ mỏi miệng đến cướp cờ. Cướp cờ mỏi chân rồi ngồi quanh nói chuyện đời xưa ma quỉ hoang đường. Sau cùng, trước khi lững thững trở về nhà, bọn Phúc tìm tới một trũng sông sâu, dầm mình bơi lội. Dòng sông bây giờ đang ở mùa nước lũ, những bãi cát trắng, những cánh diều, những trũng nước sâu, những người bạn, những câu chuyện thần tiên ghê rợn thuở xưa đã cuốn trôi phăng theo dòng nước từ một đêm nào mưa gió. Cây cầu sắt chênh vênh xiêu vẹo sau lần bị phi cơ Pháp ném bom, nay đã được rứt bỏ, để thế vào một cây cầu đúc rộng rãi kiên cố. Tuy vậy, những bờ đập cao bằng đá trắng phía trên cầu hình như không có gì thay đổi: Những ngọn nước chảy rào rào trắng phếu giống dạo nào. Và sự khoáng đãng, tươi mát, tĩnh mịch hình như cũng không mất khi ở giữa cầu nhìn về hai phía dòng sông bên kia Nhơn Thọ bên này Kiên Mỹ. Gió, gió đầu đông nờm nợp gây lạnh trong ánh nắng se sắt, hanh vàng. Phúc chợt bắt gặp trong hơi gió và sắc nắng một sự quen thuộc thực thân thiết, thực nồng nàn. Cảm giác này đã xua đi được đôi phần lòng buồn nản đã có nơi Phúc khi anh bắt đầu nghĩ tới việc trở về. Anh bất giác mỉm cười như thể đang mở lòng đón nhận, mời mọc hết thảy mọi nỗi an ủi vỗ về, đang bàng bạc man mác trong ánh nắng thu đông.

Người lính gác bên này cầu mệt mỏi hạ thấp sợi dây kéo giăng qua đường cho chiếc xe chạy lên chợ. Con đường bị những vòng kẽm gai tua tủa ra hai bên nên hẹp khép lại, chiếc xe phải chạy chậm dần, lọc cọc, lắc lư trên quãng đường lồi lõm gồ ghề. Con ngựa cúi gập đầu chùi tới trước gắng kéo lê chiếc xe chở đầy người và quang gánh đồ đạc cồng kềnh. Nhìn con ngựa lặng lẽ nhẫn nại với dáng gầy gò tuổi chắc đã già, còng lưng rướn kéo cổ xe về phía trước- Phúc nghĩ tới người chủ gầy ốm đang ngồi ở gọng xe : Ông ta cũng không khác gì ngựa. Trên nhiều đoạn đường gập ghềnh, ông ta thường nhảy xuống bám đôi tay xương xẩu đen sạm lên gọng xe, cúi sát người xuống, hì hục cùng ngựa kéo chiếc xe nặng nề lăn bánh. Những lúc như vậy, Phúc thấy cuộc dời ông chẳng khác gì một con ngựa. Con ngựa kéo xe để được máng cỏ, sô nước đường đen ; ông kéo xe để được bát cơm. tấm áo. Trong cuộc sống này, Phúc nghĩ thêm, chẳng qua tất cả cũng đều là những con ngựa tuy rằng không kéo cùng một chiếc xe bánh sắt. Phúc bây giờ là một con ngựa què, anh sẽ không còn kéo theo bên mình chiếc xe trĩu nặng, nhưng chắc phải sống đời trơ vơ lang thang trên cánh đồng đã khô héo cỏ.
Phúc đoán ra khu nhà của người cô ở đầu xóm, tiếp giáp với đám ruộng- bên này là con đường ruộng hẹp, đắp cao. Vị trí của căn nhà khó có thể quên được. Phúc nghe như lòng cũng rộn rã vui mừng khi nghĩ rằng anh đã nhìn thấy, sống lại được, trong căn nhà thân yêu cũ. Sau hàng rào cây xanh cao kia, trong khu nhà vườn cây xum xuê đó, Phúc đã trải qua những tháng năm chua xót nhưng thực êm đềm. Một nỗi êm đềm của lòng nhớ tưởng, thơ mộng tựa những cánh diều mầu sắc lơi lả vi vút trên vòm trời sông Phụ Ngọc bao la.
Tại sao chiếc cổng gạch ấm cúng dạo nào lại không còn ? Phúc nghĩ thầm, lợ ngợ bước sâu xuống mấy khu nhà kế tiếp, dòm ngó, bỡ ngỡ. Anh định đi tìm một chiếc cổng gạch, nhưng chẳng có căn nhà nào còn. Bờ giậu xanh cao rườm rà lá dúi, điểm đỏ hoa dâm bụt, hoa ổ tàu. Chiếc cổng đâu ? Phúc đi ngược trở lại chú ý hơn vào các căn nhà. Không có căn nhà nào còn phảng phất nét quen thuộc trong cái tưởng nhớ cũ càng xa lắc của anh. Căn nhà ngói lớn, mái thấp, thềm cao, khoảng sân gạch xám của cô Cửu đâu? Dừng lại trước hàng giậu căn nhà đầu tiên tiếp giáp với bờ ruộng, Phúc nhớ tới chiếc cổng gạch những ngày mùa đông rét run đứng co ro trong khe cửa nhìn màn mưa dày đen kịt, mà ngậm ngùi thương nhớ mẹ. Chiếc cổng, những trưa hè ngồi dựa lưng lên vách, đọc truyện thơ “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lục Vân Tiên”- gió mát ru mùi giấc ngủ đơn lẻ lúc nào cũng không hề hay biết. Chiếc cổng, những buổi chiều ngồi nhìn đám thợ gặt làm việc náo nức rộn rã phía dưới mấy đám ruộng trước nhà. Chiếc cổng, những đêm trăng sáng cùng lũ bạn đi bẻ trộm dưa gang chín về ngồi ăn với đường tán đen, cười nói ồn ào tới khuya mới tản mát. Chiếc cổng, những hôm buồn đau ra ngồi khóc thầm đã được chị Nữ ôm ấp dỗ dành an ủi. Chiếc cổng bây giờ đâu rồi? Căn nhà của cô Cửu đâu ?
Phúc bước vào sân, người đàn ông trạc bốn mươi tuổi ló đầu ra nhìn, cười gượng gạo :
-Chú hỏi thăm ai ?
Nhìn quan sát một vòng khu nhà, anh nói :
-Tôi tìm nhà bà Cửu, ông biết nhà bà Cửu không?
Người đàn ông mừng rỡ:
-Đây rồi, có phải chú là cháu bà Cửu?
Phúc gật đầu, cúi nhìn tay nạng gỗ :
-Phải. Sao ông biết?
-Ồ, bà ấy nhắc tới chú hoài. Ông Cửu chết rồi chú hay chưa?
-Chưa. Chết rồi à?
-Chết rồi.
-Đã lâu chưa?
-Cũng mấy tháng.
-À, còn cô tôi?
-Bà ấy bây giờ không đi đứng được nữa, nằm căn nhà sau .
-Sao lạ vậy?
-Phong. Tê liệt.
Người đàn ông chợt kêu lên :
-Ấy, sao chân chú vậy?
-Gãy.
-Bị thương chắc?
-Bị thương.
-Ồ…
Phúc theo người đàn ông bước vào nhà. Căn nhà lạ hoắc. Không còn một chút đồ vật, bóng dáng nào quen thuộc với trí nhớ anh. Quả thực thời gian đã dần dà đổi thay được hết cả: Căn nhà đã khác, người dượng không còn, bà cô nằm liệt, mấy người anh vắng bặt, và Phúc khập khiễng trở về cũng không giống xưa nữa. Ngày Phúc được mẹ dẫn tới gửi cho người cô, anh mới mười tuổi. Mười tuổi, cái tuổi ngây dại lơ láo đó Phúc đã phải sống bơ vơ bên người cô xa lạ, cạnh ông dượng lèm nhèm mùi rượu, giữa những người anh bướng bỉnh, ngang ngạnh xấc xược. Mẹ Phúc tái giá với một tên sở khanh, đào mỏ. Bà ôm tất cả gia sản đi theo ông để lo “khuếch trương làm ăn”. Với tấm lòng rất dễ tin người, hảo ngọt, và tâm sự buồn bã cô độc- những lời lẽ gò gẫm hứa hẹn của người đàn ông nọ đã làm yếu mềm lòng dạ bà. Thế nhưng tình nghĩa chỉ được kết nối bằng tiền bạc thì tiền bạc cũng sẽ kết thúc nó một cách đau đớn: Mẹ Phúc sạch nhẵn vốn liếng, người đàn ông nọ đã để bà chết đi một cách dửng dưng. Trước khi biết không thể sống thêm được, bà cho gọi Phúc gần bà. Bà thường thở dài với hai dòng nước mắt lặng lẽ : “Con à, con đừng bao giờ nghe lời quyến rũ của ai, nghe con?”. Kinh nghiệm này, bà đã đổi được với một giá quá đắt bằng nửa cuộc đời cay đắng buồn thảm.
Phúc sống với bà cô như một bờ bến cuối, một nơi dừng nghỉ sau cùng, một trú nấp còn sót lại cho cuộc đời côi cút của anh. Bà con, họ hàng, bè bạn thực là xa cách, mịt mờ. Ngoài chỗ nương tựa vững chắc cho đời người là ông bà cha mẹ-có lẽ sẽ không có nơi nào yên ấm cho những cảnh đời bất hạnh như Phúc? Trước mặt Phúc bấy giờ là một đời sống cô tịch, khép kín, ngơ ngác như ý nghĩa tương lai. Một tương lai tợ như những thân cây rừng hoang dại sừng sững trơ vơ giữa trời .
Người dượng Phúc thường nói: “ Tội nghiệp thằng nhỏ, cháu hãy sống với cô dượng. Dượng thương cháu đáo để ”. Phúc đã ở lại trong tình thương yêu đó bằng cuộc sống của người ở đợ, tăm tối, cực nhọc. Ngày quần quật, vất vả, tới đêm phải thức đấm lưng, bóp chân cho người dượng nghiện rượu, có tấm lòng bao la ấy. Tuy vậy nỗi khổ tâm lớn nhất của Phúc chừng như là những sự ngang tàng, hống hách của những người anh đã ngó Phúc với đôi mắt tấm lòng dành cho kẻ thất thế xin ăn. Cái buồn tủi này đã là nguồn lực quyết định chuyến ra đi xa của Phúc năm mười lăm tuổi. Và, anh chỉ còn mang theo được hình ảnh êm ái của những buổi chiều đầu tiên mải mê trên những cồn cát trắng của dòng sông Phụ Ngọc với những cánh diều chấp chới bay cao...
Phúc ngồi xuống giường bà cô đang năm- khuất sau tấm màn :
-Cháu đây này, cô còn nhớ không?
-Thằng Phúc đó hả?
-Dạ.
-Trời ơi …
Bà sụt sùi khóc. Đôi tay bà run rẩy nắm chặt cánh tay Phúc như sợ anh vuột mất. Tiếng khóc của bà khàn đục, nghẹn ngào trong cổ. Nghe tiếng khóc ray rức quằn quại đó, Phúc biết bà đã sống những ngày gần cuối cùng của đời bà thực cô độc và ảm đạm. Đứa con út của bà- anh Thung, mà người dượng thường khoe rằng nói tiếng Tây như gõ cây, nói tiếng Mỹ như gió, học hành được nhiều chứng chỉ, quen thân với ông lớn này, bà triệu phú nọ ở đất Sài Gòn hoa lệ, tương lai rực sáng như ánh đuốc, tài ba lỗi lạc nhất vùng nhất xứ; đã vào nằm trong Thủ Đức mấy tháng nhưng bị bại lộ chứng chỉ tú tài giả, đã bôn đào biệt tăm nhiều năm nay. Thung bỏ đi, câu chuyện của ông trở nên nhạt nhẽo và ông thường lặng lẽ thở dài. Khác với lúc xưa, hễ mở miệng, việc trước tiên là ngợi ca cái tài xuất chúng của con, bĩm môi khinh bạc những người đồng lứa, nhất là những người trong họ hàng gần gũi. Ông thường nói: “Ối, cái thằng đó không bằng cái móng tay cuả thằng Thung tôi”. Bây giờ, ông đã chết, dưới huyệt sâu lạnh lẽo buồn bã, ông có biết chăng Thung đã phiêu bạt lang thang như những cái móng tay đã cắt bỏ? Lòng kiêu ngạo mù quáng kia phải chăng là sự thất vọng lớn để ông đã sớm lìa cõi đời còn mang theo một ngọn đuốc tin tưởng trước khi nhìn thấy nó thực sự chỉ là một tia lửa le lói, âm u ? Dù sao, nghĩ tới Thung, Phúc cảm thấy xót thương ông như đã cay đắng bùi ngùi cho lòng tin yêu của mẹ anh thuở trước. Mẹ cha nào lại chẳng nuôi nhiều kỳ vọng vào đàn con để được ấm lòng già nua, xế bóng ? Con cái bao giờ cũng là nơi tích chứa mọi mơ ước đã được nuôi nấng dạt dào trong lòng cha mẹ.
Người đàn ông ngồi ở sân nói chuyện với Phúc về căn nhà qua nhiều thay đổi. Lần chót, được trở về căn nhà không còn là căn nhà nữa: Cỏ cây, mối đất, rắn rết, đã biến cả căn nhà, khu vườn là một bãi hoang, ghê rợn. Này chú, lũ tôi đã phải bỏ ra ngót một tháng để dọn dẹp, chặt chây, nhổ cỏ, ủi đất, phát rào, đổ nền, dựng nhà đó. Một tháng làm việc tay táy, vội vã, ngày đêm mới trông tàm tạm như bây giờ. Chú à, nhiều lúc tôi nghĩ, giá mà phải bỏ chạy một bận nữa, chắc lũ tôi đuối sức hết chỗ nương tựa rồi. Bà Cửu có hứa với vợ chồng tôi rồi, khi bà chết, bà sẽ dành khu nhà này cho chúng tôi coi ngó. Phúc đứng dựa vào vách tường, mặt hướng ra ngõ, buổi chiều u ám mây lạnh, cánh đồng vắng vẻ ướt át, nghĩ tới những ngày kế tiếp phải sống lại nơi đây trong những biến đổi ngờm ngợp khắc khoải, Phúc tưởng mình cũng đã quá già nua khô héo. Như người cô tê liệt nằm mãi trong buồng tối, như người đàn ông quê mùa lỡ vận tản cư, như xóm làng thê lương…
Phúc mời người đàn ông một điếu thuốc, anh hỏi:
-Cây ổi bát quạt ở góc kia cũng chết rồi à?
Người đàn ông cười :
-Người còn chết huống hồ là cây cỏ …
Giọng Phúc chợt buồn:
-Tôi có khắc mấy chữ ở thân cây ổi đó, ngày tôi ra đi.
Người đàn ông do dự, im lặng. Hình như ông ta muốn nói gì nhưng lại quay mặt nhìn hờ qua bờ rào. Phúc cảm thấy không yên tâm khi biết ông ta cố lảng tránh cái nhắc nhở về cây ổi và hàng chữ cũ của mình. Thói quen im lặng của ông giống sự một nỗi cam chịu hay lạnh nhạt dửng dưng. Điều đó khiến Phúc cảm thấy khó chịu, buồn bã.
Tiếng người đàn bà hỏi từ bên kia bờ rào :
-Con Sáu đi chợ Bình Định về chưa ông Thứ?
-Chưa, có chuyện gì vậy?
-Không, hỏi thăm vậy mà.
Phúc để ý tới giọng nói của người đàn bà thực quen thuộc. Anh quay lại, nhìn qua bờ rào cao, thấy khuôn mặt của Nữ. Anh hỏi lớn, giọng bình thản :
-Có phải chị Nữ không?
-Ai đó?
-Tôi.
-Có phải cậu Phúc không?
-Đúng rồi.
-Ồ, cậu Phúc đó à? Về khi nào vậy?
-Mới về.
-Rảnh ghé lại đằng tôi chơi nhé?
-Dạ, cám ơn chị, tôi sẽ ghé mà…
Căn nhà của mẹ con Nữ đã dời lên giữa xóm, nằm cạnh đường, con đường từ nhà cô Phúc đi thẳng, dẫn lên dãy phố cũ, từ đó quẹo qua khu chợ mới được tái thiết ở bên kia hương lộ. Tối qua, nằm nói chuyện với ông Thứ, Phúc cũng đã hiểu được cảnh ngộ Nữ từ ngày anh bỏ đi tới nay. Trước khi anh dời làng này, Nữ đã có con với một gã cán bộ trong Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Đám cưới gấp gáp giữa khoảng sân nhà hoang phế vào một buổi chiều cuối xuân. Hai dãy bàn kê nối nhau, hai dãy ghế đối diện dành cho hai đám trai, gái, bè bạn liên hệ trong xóm. Mấy đĩa đèn dầu leo lét chập chờn đặt rải rác trên mặt bàn. Họ uống nước trà, ăn kẹo đậu phụng, bánh ngọt, nói lợ nhợ đủ thứ chuyện nào thi đua diệt chuột, bắt sâu, thuế má, đào hầm trú ẩn liên lạc, canh gác, hội họp, kiểm thảo, phê bình, công tác chuyển vận, dân công… Buổi tiệc cưới biến thành một cuộc thi đua thảo luận hăng hái hơn bất kỳ một buổi gặp gỡ nào bởi có mấy dĩa bánh và nước trà. Sau đêm đó, khi Nữ có thai sáu tháng, gã cán bộ xã phải xuống tàu tập kết. Theo lời ông Thứ kể, quãng sau này, nàng là vợ của một ông trung đội trưởng nghĩa quân. Gặp ông trung đội trưởng này đã có thêm hai đứa con, hai đứa con trai cả, nhưng rồi ông này đã chết… như vậy tính đến nay chồng Nữ đã mất được chẵn hai năm rồi. Nữ vẫn ở chỗ cũ ; nuôi ba đứa con. Một đứa là con của gã cán bộ tập kết, hai đứa là con của ông trung đội trưởng nghĩa quân tử trận. Ba đứa con, những mảnh tình chia sẻ, những oan nghiệt khắt khe đã bủa vây lấy cuộc đời hẩm hiu yếu đuối của Nữ. Trọn đêm qua, thấu rõ cảnh đời lận đận của Nữ, Phúc trằn trọc nhớ lại những ngày sống gần gũi Nữ như một người chị lạc lõng yêu dấu đã vỗ về mơn trớn nỗi cô độc buồn phiền của anh những ngày sống ngơ ngác trong tình thương ba hoa của người dượng. Nữ đã an ủi Phúc khi ôm anh vào lòng lau khô những giọt nước mắt thắm thiết. Nàng như chiếc cổng gạch trước nhà, sẵn sàng che chở anh, xoa dịu ngọt ngào, ôm ấp mến yêu. Phúc tưởng chừng đôi bàn tay mềm mại êm đềm kia vẫn còn phơn phớt in dấu trên khuôn mặt mình. Và hơi thở ấm, giọng nói trong, hơi hướm khác lạ Nữ đột nhiên trở lại như một quyến rũ ám ảnh Phúc cho tới lúc này.
Nữ lớn hơn Phúc bảy tuổi. Giờ thì đã có ba đứa con. Người cán bộ năm nào chắc cũng mờ mịt bóng dáng trong rừng núi Trường Sơn trùng điệp xa lắc, còn gã trung đội trưởng nghĩa quân đã yên rồi một kiếp- nhưng Nữ vẫn còn đó, lùi lũi như một chiếc bóng khốn khổ. Liệu nàng có còn phải hứng chịu thêm một tai họa buồn thảm nào khác ? Đôi bàn tay tình nghĩa bơ vơ kia chắc đã chai mòn, rời rã sau bao bất hạnh dồn dập phũ phàng ? Phúc dừng lại một lúc trước cổng nhà Nữ, nhận biết rõ lòng mình thực bồi hồi, xúc động.
Tiếng Nữ ở phía dưới khu nhà nấu ăn mừng rỡ gọi lên :
-Cậu Phúc, cậu Phúc, trời lâu quá rồi phải không?
Nàng đã ra giữa sân, áy náy hỏi:
-Cái chân cậu thế nào?
Phúc hơi cúi xuống nhìn vào bàn chân mình, cười:
-Gãy .
-Gãy à?
-Gãy. Nhưng vẫn còn đi về được để tìm thăm chị kia mà.
Nữ cười gượng gạo. Có lẽ nàng nghĩ tới thuở cũ khi nghe câu nói nặng tình kia. Chợt ngước nhìn sững lên mặt Phúc một thoảng, Nữ ngó lảng tránh chỗ khác, bối rối mời Phúc vào nhà. Phúc, cậu bé dạo nào nàng thường lau giùm nước mắt, ve vuốt gương mặt hiền hậu thông minh, thỏ thẻ vỗ về đùa nghịch như với người em bé bỏng. Phúc, hình bóng người con trai đầu tiên đã ghi lại nhiều dấu vết êm ái quyến luyến nơi tâm hồn thơ ngây, mơ mộng nàng. Phúc, gã thanh niên phong trần dày dạn đang ngồi trước mặt Nữ thực khác lạ với mọi nhớ tưởng ôm ấp cũ. Phúc, có phải cậu vẫn còn nhớ chuỗi ngày hoang dại xa xưa đó ?
Nàng đột ngột hỏi :
-Cậu định ở chơi mấy hôm nữa?
Phúc lấy điếu thuốc ra khỏi môi, nhả khói bay lãng đãng trên không, giọng nói chậm :
-Tôi ở lại luôn đây rồi, chị Nữ à.
-Cậu không nói giỡn chơi đó chứ?
-Tôi không nói giỡn với chị đâu. Tôi ở luôn với cô tôi.
Im lặng một lát. Phúc ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt Nữ:
-Có lẽ chị hiểu tôi nhiều rồi mà?
Nữ hơi luống cuống vì ánh mắt nhìn thẳng đầy ắp yêu thương và câu hỏi ngầm ý nhắc nhở khơi dậy những nhung nhớ cũ. “Có lẽ chị hiểu tôi nhiều rồi mà”, Nữ ấp úng nói:
-Tôi hiểu cậu, nhưng tôi nghĩ cậu không thể sống mãi ở đây.
-Ý chị muốn nói …
-Tôi muốn nói cậu sẽ buồn nản vì tất cả đã đổi thay một cách đau xót.
-Ngay cả chị nữa?
-Đúng vậy, ngay cả tôi nữa.
Giọng Phúc bỗng thấp hẳn, xa vắng:
-Không hề gì, phải, không hề gì chị Nữ à.
Phúc nhìn thoáng lên mặt Nữ, khuôn mặt tuy đã gầy xanh đờ đẫn, nhưng nét dịu hiền tha thiết vẫn còn ẩn kín sau đôi mắt sáng ngời. Anh thấy cái dáng dấp yêu dấu cũ chừng như không hề phai mất nơi Nữ. Trái lại, được bồi đắp thêm bởi những lời lẽ phân vân, cử chỉ ngần ngại, nụ cười chiu chắt nồng nàn, vóc dáng nẩy nở gợi cảm. Phúc hỏi :
-Chị thấy thế nào?
Nữ bàng hoàng :
-Cậu nói thấy thế nào?
Phúc cười mơ hồ :
-Tôi ở lại đây có được không?
Nữ nhìn Phúc:
-Cái đó tùy cậu…
Bên ngoài, cơn mưa đã nặng hạt dần. Màn mưa dầy , đen kịt. Căn nhà bỗng tối xầm xuống, lạnh lẽo. Phúc với tay kéo ngọn đèn lại trước mặt, đánh đêm đốt sáng. Mầu sáng vàng bệch đậu trên gương mặt hiu hắt Nữ như một người vừa ngã bệnh, hay vừa choàng tỉnh một cơn mê?
Trước khi nghe lời cô đề nghị rằng anh phải cưới Sáu, theo bà, đó là một đứa con gái hiền khô, làm lụng buôn bán giỏi, biết chìu chuộng lo lắng cho chồng con; Phúc đã có dịp gần gũi Sáu. Tại một góc nhà giữa, lúc Sáu đang bồng đứa em út ngó mông ra khung cửa sổ, Phúc lại gần nàng. Sau mấy câu hỏi bâng quơ, anh đã thử nắm vào cánh tay Sáu, nhưng nàng vẫn yên lặng. Phúc đưa tay xoa lên mái tóc, ve vuốt khoảng lưng nàng ; Sáu vẫn lặng lẽ, không hề có chút phản ứng chống chỏi. Từ đó, dầu rất thương Sáu ở cái hiền khô thơ dại, nhưng Phúc nghĩ anh không thể sống yên thắm hạnh phúc trong cái ngơ ngác, cục mịch đó. Đôi lúc, Phúc muốn cố gắng tạo nhiều sự cảm thông sâu sắc hơn, nhưng chưa có dịp bày tỏ.
Cô Phúc đã gọi anh ngồi cạnh bà, bằng một giọng ôn tồn, bà nói :
-Cháu à, cháu hãy ưng con Sáu đi. Cô muốn thấy cháu có vợ con đàng hoàng rồi cô chết cũng cam. Mẹ cháu có nói với cô…
-Thưa , mẹ cháu nói sao?
-Mẹ cháu lúc sống có gởi cháu cho cô, cô đã hứa sẽ lo cho cháu tươm tất.
-Cháu đã lớn rồi, cô đừng bận tâm tới chuyện đó, cháu có thể lo lấy được, cô à?
-Đừng. cháu không tự lo liệu được đâu, chuyện vợ con không phải dễ, vả lại cô đã nói với vợ chồng thằng Thứ rồi.
-Cô đã nói rồi?
-Nói xong rồi.
Đêm đó Phúc đã ngồi với Sáu trước hiên nhà, trên chiếc chõng tre, gần suốt đêm. Vẫn như lần trước, Sáu không mảy may phản ứng đôi tay ve vuốt, sờ soạn trên thân thể. Phúc đã dần dà tìm mọi cách ướm thử, nhưng nàng cứ ngồi yên lặng lẽ, ngơ ngác quá đỗi. Nàng chỉ có một câu trả lời Phúc “ Em không biết, anh nói với mẹ em…i” rồi cúi đầu lảng tránh, im lặng chịu đựng.
Phúc hôn lên môi Sáu thực lâu, hỏi :
-Em nghĩ thế nào?
Nàng khẻ cử động, nghiêng mình xuống, giọng lạnh lùng:
-Anh hỏi cha em…
Phúc nghe tiếng mình cười :
-Anh không muốn hỏi cha, hỏi mẹ, anh hỏi em…
-Em không biết…
Phúc thấy Sáu thực tội nghiệp: Nàng như một cục đất. Sự nghèo khó lao đao đã lần hồi lấy mất ở nàng những xao xuyến rung cảm. Nàng ngồi đây, bên cạnh Phúc, co ro lặng thinh như một bóng cây ủ rũ phiền muộn. Tuổi con gái mới lớn với những mơ tưởng tình ái hoang đường không hề ánh lên trong tia nhìn nàng, không lộ ra nơi nụ cười khô héo hiếm hoi. Anh nghĩ biết rằng mình đã thương Sáu vô vàn - lòng xót xa cho số phận khốn đốn lạc lõng của nàng nhưng đồng thời cũng thấy khó bề mà gần gũi tha thiết với tình nghĩa trăm năm như người cô đã sắp đặt. Phúc nghĩ tới Nữ và những bận lui tới : Mỗi lúc, Phúc càng nhận ra anh không thể rời xa Nữ được. Hình ảnh êm đềm khó nguôi cũ được sưởi ấm soi sáng thêm bằng những nụ hôn ngây ngất mới mẻ đã xuôi anh nhớ thương Nữ như một mối tình cuống quít tinh khiết đầu đời. Ở Nữ, Phúc tìm được thực nhiều an ủi cho cái quá khứ đen tối và đời sống hiện tại bấp bênh tật nguyền của mình. Trong tận cùng mong ước , anh đã muốn được dừng lại yên thắm bên Nữ, người con gái đầu tiên đem tới nhiều cảm xúc lạ, sâu thẳm trong đời sống anh. Và bây giờ, đang tiếp tục dẫn dắt trìu mến những bước chân khập khiễng tìm về, như đôi cánh tay thân ái đã mở rộng để đón anh vào lòng buổi sáng nào.
Bước lên hiên nhà Nữ, Phúc đã bị cơn mưa bất chợt đổ ướt sũng. Nhìn vào trong ngọn đèn dầu lay lắt vàng võ, căn nhà chập chờn bóng tối, Nữ đã đi đâu ? Phúc bước vào nhà, ngó quanh quất khắp căn nhà trống, tất cả im lìm. Tiếng mưa đổ hung tợn bên ngoài. Gió rung động hàng tre kèn kẹt, xạc xào phía sau nhà. Nữ, Phúc gọi lớn. Nữ, có ở nhà không ? Phúc ngó dáo dác ra phía nhà sau.
Tấm màn che nơi cửa buồng khẽ xao động: Nữ mệt mỏi luống cuống bước ra. Dưới ánh đèn chập chờn khuôn mặt Nữ chừng như nhợt nhạt, đờ đẫn hơn. Những trũng tối dưới sống mũi, đôi mắt, phía cằm không che khuất hẳn một nét mặt buồn bã. Phúc để ý thấy dưới trũng mắt, trên gò má cao, màu da láng ướt, ánh rõ lên. Anh nắm bàn tay Nữ, lay mạnh :
-Tại sao Nữ lại khóc?
- …
-Tôi đã làm cho Nữ khổ?
-…
Bất giác, nàng ngước lên, lặng lẽ nhìn Phúc thực lâu. Nàng gượng cười :
-Không, Phúc đừng nghĩ thế.
-Tôi buộc phải nghĩ thế.
-Tốt hơn Phúc nghe theo lời cô đi.
-Bây giờ, Nữ đừng nên khuyên tôi như hồi còn thơ trẻ, có lẽ Nữ đã hiểu rõ tôi hơn ai hết rồi.
Gió thổi tắt phụt ngọn đèn ở bàn. Phúc dìu Nữ ra phía ngoài cửa. Trời một màu sáng đục nước mưa. Hai người đứng dựa lưng vào vách, tất cả im lặng. Phúc chú ý tới bờ tre lả ngọn rập rình lay lắc cuối xóm. Thân tre ngã cong về phía dãy núi, ngẩng lên cúi xuống, đều đặn theo từng cơn gió cuốn. Nhìn lâu, anh nghĩ đó là những con người khổng lồ áo quần lòa xòa, đang di chuyển âm thầm trong màn mưa đục. Đoàn người lũ lượt lay động đi trong mưa trĩu hạt giữa những đám mây chiều u ám, buồn tênh. Phúc tưởng tới những câu chuyện hoang đường mà Nữ vẫn thường kể cho anh nghe lúc trước: Những toán người triều đình phục sức dềnh dàng võng lọng xênh xang đi rước một hoàng hậu là cô gái rừng núi nghèo khó về cho thỏa lòng mơ ước của một ông vua lãng mạn si tình.
Mắt vẫn không rời hàng tre xa mờ sau màn nước mưa dày, Phúc hỏi :
-Thằng Việt chiều nay không về sao?
Tiếng Nữ trả lời :
-Không. Nó ở nhà trọ, ít khi về.
-Hôm nay là thứ bảy.
-Tôi thường xuống dưới đó thăm nó.
- Hai đứa nhỏ chắc đã về bên nội?
- Về bên nội .
Gió thổi dạt những giọt nước mưa vào chỗ hai người . Tấm áo ướt rũ của Phúc đã dần khô , tuy vậy , anh đã bắt đầu cảm thấy lạnh . Một nỗi rét mướt âm ỉ ray rức bốc lên từ trong lòng anh; trong lúc đó ngòai đường không một bóng người qua lại - mưa vẫn mờ mịt dữ tợn phủ xuống một lớp dày đục. Phúc bỗng thấy căn nhà Nữ như nhỏ sụp xuống , tách biệt hẳn, trơ vơ lac lõng như dáng dấp nàng. Anh quay lại nhìn sững lên khuôn mặt Nữ - nàng giương lớn đôi mắt ngó lên. Trong đôi mắt đó, Phúc như đọc thấy những rung cảm say đắm , thiết tha . Và anh xoay hẳn người , ôm lấy khuôn mặt Nữ- hôn lên đôi mắt nồng nàn mời gọi nóng bỏng ấy thật lâu .
Phúc nói :
- Trời tối rồi , chúng ta vào nhà kẻo lạnh ...
Tiếng Nữ hỏi phía sau :
- Trời mưa qúa , làm sao Phúc về?
- Tôi không về.. .
Phúc quay lại ôm choàng Nữ trong đôi tay siết chặt :
- Tôi không về, được không?
Nữ rạo rực cúi đầu -nhìn bóng tối dưới chân mình :
- Chuyện đó tùy Phúc ...
Có tiếng Phúc cười rất khẽ trong bóng tối lạnh lẽo , kín bưng . Dù tiếng cười rất nhỏ , cả Phúc và Nữ cũng nghe rõ được trong tiếng cười tất cả niềm xao xuyến , khát khao hạnh phúc đang đến rất gần….

Tháng 10/1970 

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long