MANG VIÊN LONG

 

Một Thời Để Thương Yêu
Truyện Ngắn

 

Ăn chén cơm sáng vừa xong thì từ đầu cổng trại đã vang lên tiếng còi thật to, thật khỏe của gã sĩ quan quản trại có dáng người đẫm thấp rắn chắc của một nông dân chất phác- làm lay động khu rừng buổi sớm còn mờ sương. Đã thành lệ, khi tiếng còi của ông vang lên giữa núi đồi yên vắng này như tiếng thét dõng dạc đầy uy quyền, thì tất cả đều biết rằng sẽ có chuyện gì quan trọng sắp xảy ra- và họ đều khẩn trương tập họp ngay-không ai được chễnh mãng. Kha đã vào hàng- im lặng- và nghĩ tới các tin đồn buổi chiều hôm qua được rỉ tai nhau rằng sắp dời trại đi nơi khác. Kha có thoáng nghe, nhưng không hề để ý, hay bàn tán rầm rì với gương mặt đầy lo lắng như những anh em khác. Có lẽ, vì không biết chuyện gì nữa để “ bàn tán” với nhau-nên họ thường ngồi tụ lại vài ba người, bàn tin này-tán chuyện kia chung quanh, nhưng không được vượt ra ngoài khu trại đang bị giam hãm. Với Kha, biết thêm tin tức gì lúc này, cũng có vẻ như một sự lố bịch, hài hước, hay vô ích! Ở đây-hay dời đi chốn nào- cũng vậy thôi. Cũng núi rừng vây hãm…

Đúng như tin đồn-gã sĩ quan trưởng trại đứng trước đám tù binh-ra lệnh: “ Hôm nay chúng ta dời khỏi khu trại tập trung này, để biên chế đến các trại quản lý của quân khu- để bắt đầu bước vào học tập cải tạo.. Tôi cho anh em 15 phút về lán thu xếp đồ đạc, tập họp lại khi nghe tiếng còi! “.

Mọi người ùa trở về lán, vội vàng thu xếp những vật dụng lỉnh kỉnh vào xách tay, hay ba lô-hay trong bao bố chứa gạo xin được từ nhà bếp. Đa số bị dồn bắt từ các mặt trân Tây Nguyên, Duyên hải Trung phần được đưa về đây, ngoài bộ quân phục trên mình, không ai có gì.. Qua mấy tháng tập trung, có người được người thân biết tin lui tới thăm nuôi mang cho những chiếc lon Guigoze, lon sữa, hay bình đoong, cà mèn nhôm, chiếc mùng, vài bộ áo quần civil; nhưng phần đông gia đình của những anh em gốc gác miền Nam, hay phía bắc-không ai biết được tin tức, nên không tìm đến thăm được. Họ tự chế ra những vật dụng cho mình bằng những thứ gì nhặt được trên đường đi khuân vác gạo, thực phẩm, hay ở những đống rác dọc đường.

Trong những chuyến đi chuyển gạo, vác mì, hay làm nương gần đường liên huyện-họ đã tìm xin được những chiếc lon thiết cũ sét, những bao ny lông gói hàng, hay những cái chén đất nung về kì cọ chế biến để sử dụng hằng ngày như một vật bất ly thân. Kha thuộc nhóm người nhập trại tập trung sau cùng nên những vật dụng cá nhân đã được Khánh chuẩn bị chu đáo.

Hôm nhìn Khánh loay hoay với những thứ lỉnh kỉnh mỗi lúc một nhiều-Kha cười: “ Em làm như đi là đi biệt sao mà bắt anh mang nhiều thứ vậy? Chỉ vài tuần là anh sẽ về thôi mà-cán bộ tiếp nhận ở phường đã nói vậy rồi! “.-Khánh lặng yên-vẫn cứ điềm nhiên làm theo ý mình. Khi đã cột xong dây buột ba lô căng phồng-nàng nhìn Kha đăm đắm: “ Anh chịu khó mang theo đi! Lên ở trên núi rồi, khi cần thì anh biết tìm ở đâu? “. Và, quả vậy- khi mới nhập vào trại chưa được một tháng-Kha cảm thấy, những món Khánh bỏ vào ba lô, không có món nào thừa-ngay cả chai dầu Miên mà anh cứ nằng nặc đòi bỏ lại cho nàng, ngay cả hộp đựng kim chỉ, những hạt nút rời mà Kha nói đùa là “ Em muốn anh trở thành thợ may hay sao? “ Lên trại, chiếc ba lô của anh treo ở đầu lán nơi góc sạp nằm ngủ là “ địa chỉ” của cả lán mỗi khi họ có việc cần. Từ chiếc hộp dao cạo râu, ống nhựa đựng kim chỉ, cho đến những vỉ thuốc kháng sinh trị bá chứng..

Theo hàng một, cả trại lũ lượt., thầm lặng, với túi xách lỉnh kỉnh mang xách luộm thuộm vượt qua khu rừng đèo dốc khe suối, tiến ra con lộ dẫn xuống huyện lỵ Minh Xuân. Dọc con đường, đã có 9 chiếc xe hàng nối đuôi nhau nằm chờ từ lúc nào. Theo lệnh của gã sĩ quan quản lý, từng nhóm lên xe-ngồi yên vị trí, để được kiểm diện lần cuối. Ngồi yên trên xe, điều Kha nhận ra đầu tiên là “ không khí “. Không khí ở đây-cách xa khu rừng chỉ vài cây số, nhưng nghe “ rất lạ”! Nó hình như nhẹ hơn, tươi, và mát mẻ hơn! Kha hít thở, thoải mái như chưa từng được hít thở, cho dầu anh chỉ mới được nhập trại tập trung non 3 tháng. Cái cảm giác này, khác lúc vào nhập trại-chỉ mới qua một ngày thôi-Kha đã cảm thấy da bụng mình dày lên. Da mặt cũng dày và nằng nặng. Toàn thân như được bao trùm cả một màn dày không khí u trầm, nặng nề! Cùng lúc, Kha cũng cảm thấy bước chân mình cũng không nhẹ nhàng như xưa nữa. Những anh em bị dồn về đây ngay từ ngày đầu, đã hơn 6 tháng-nên trông họ xanh mướt, da như bị căng phù, và đã có người đã nằm lại vì những cơn sốt ác tính quật ngã dễ dàng. Ba tháng đầu, ngày nào cũng vậy-sáng ra, là có lệnh “ công tác đột xuất”. Khi thì đi chôn một người. Có ngày đến hai người. Chỉ bó túm người chết trong mảnh chiếu, áo quần của họ-rồi đào lấp sơ sài quanh sườn núi. Có một trường hợp- Kha nghe người bạn cùng lán nằm gần kề kể lại-khi người mẹ trẻ tuổi, dáng rất trí thức, từ trong Nam nghe tin con đang bị tập trung lặn lội ra thăm, thì được anh dẫn ra chỉ cho nấm mộ sỏi đá. Bà lặng người đi giây lâu, không khóc- như thầm thì với mình: “ Vậy là một giọt máu của mẹ đã đi vào hư vô! “, rồi bà điềm nhiên xuống làng mua cổ quan, thuê người bốc mộ con-cũng lặng lẽ, không một giọt nước mắt!

Đoàn xe đã chạy xuống huyện lỵ Minh Xuân. Những đôi mắt hai bên dãy phố bàng hoàng nhìn theo. Những đôi mắt trong xe ngậm ngùi nhìn xuống. Xe chạy. Rẽ qua quộc lộ, thẳng hướng về thị xã. Có người hiểu rõ vị trí địa lý của tỉnh, đã xầm xì đoán ra nơi họ sẽ đến là một miền rừng núi của huyện lỵ Minh Sơn nằm dọc liên tình lộ với Darkto.

Khi xe chạy ngang qua đoạn đường dọc thị xã, Kha bỗng nhận ra Khánh đang chạy chiếc Yamaha xanh đuổi theo chiếc xe của anh. Vì khúc đường này đông người, xe cộ qua lại tù vùng quê lên thị xã băng ngang, nên xe chạy chậm hơn. Kha nhoài người ra vẫy tay gọi Khánh. Khánh nhận biết, gắng cho xe chạy áp sát vào xe của Kha: “ Anh sẽ đi về đâu? “-“ Không biết!”-“ Em sẽ theo xe cho đến nơi anh dừng lại!”-“ Không được đâu! Em về đi!”-“ Không! Mặc em!”…

Chiếc xe Yamaha mầu xanh của Khánh đã bị che khuất sau đoàn xe nhưng mắt Kha vẫn cứ ngoái hướng xuôi theo đoàn xe dài nối đuôi nhau đang rầm rập chạy thổi bụi, bốc lên mù mịt hai bên đường. Con đường dẫn lên huyện lỵ Minh Sơn đã bị bó phế từ nhiều năm trong chiến tranh nên trông gồ ghề, lở lói, thấp trũng nhiều chỗ như những vết thương trên thân thể gầy còm khô kiệt. Có lẽ tài xế có lệnh không được giảm vận tốc để đến địa điểm đúng giờ quy định nên vẫn cứ rú ga lao tới khiến cả bọn trên xe lắc lư bị nhồi lên dằn xuống ê ẩm cả người. Riêng Kha-anh vẫn đăm đăm nhìn ra ngoài cửa xe với nỗi thương cảm quặn thắt …

Khi đoàn xe vừa dừng nơi bãi đất trống cạnh bìa rừng là điểm tập kết để xe trở về lại thị xã, còn người thì được nghỉ ngơi đôi chút trước khi nhận cơm vắt ăn trưa để sau đó theo đường mòn vào trại đã được thông báo còn cách xa năm cây số, thì xe Khánh chạy ào đến. Trông người và xe bạc thếch vì nắng và bụi, nhưng trên gương mặt đắm đuối kiếm tìm kia- trong ánh mắt lạc loài thương cảm nọ, vẫn ngời lên một tình yêu thương da diết, son sắc không nguôi. Kha vội chạy đến “ báo cáo” cùng người du kích đang ngồi canh gác dưới gốc cây đầu đường mòn để được gặp người thân. Sau một lúc giải bày, nài nỉ- Kha cũng được phép đến gặp Khánh đang tần ngần đứng chờ bên một tảng đá cao nắng gắt. Kha kéo Khánh đến một bui cây to, bóng mát đủ để che cho cả hai ngồi. Khánh nhìn Kha không chớp - nàng nhìn, im lặng- như muốn thu hút hình ảnh Kha vào tận trong tâm khảm mình--giọng ướt sũng: “ Anh có được khỏe không? “-Kha cầm lấy bàn tay Khánh-cúi nhìn, như thể để tìm kiếm một điều gì đã vuột mất: “ Hai hôm rồi anh không được khỏe! Hình như bị sốt…”-“ Mấy viên Fancida em gói theo cho anh, anh đã uống chưa? “ – “Chưa!”-“Sao anh không uống ngay đi? “” Anh đã cho người bạn rồi! “-“ Lúc nào trại thông báo cho thân nhân được thăm nuôi, em sẽ mang lên cho anh nhé?”- “ Vậy cũng được!”.

Kha giở vắt cơm ra, lấy chiếc muỗng cắt làm đôi-trao cho Khánh một nửa. Nàng lắt đầu: “ Anh ăn đi! Em không đói!”- Nàng chợt cười: “ Em muốn được nhìn anh ăn! “ Khánh nhớ đến hai ổ bánh mì mua vội dọc đường, và mấy bì lương khô-vội chạy đến xe-mang đến đặt trên tờ giáy báo trải trước mặt Kha: “ Anh ăn đi!”. Kha cầm một chiếc bánh lép xẹp- kéo tay Khánh, ấn vào: “ Trưa rồi, dọc đường không có gì ăn đâu, em ăn với anh nhé? “. Khánh nhìn đứng lên mặt Kha với tia nhìn dịu dàng:“ Anh ăn với em đi!”.

Tiếng còi bỗng vang lên-khu rừng lay dộng, tiếng gã sĩ quan áp tải ra lệnh tập hợp như thét-mọi người đã chui ra từ các bờ đá, lùm cây- đang sắp thành hàng mà Khánh vẫn còn nắm chặt lấy tay Kha .Nàng không muốn rời. Mọi người ngạc nhiên nhìn sững về phía hai người. Kha vội vàng đưa bàn tay Khánh lên môi-anh đã hôn lên bàn tay ấy thật lâu cho dầu đoàn người đã bắt đầu được lệnh di chuyển…

Sau gần hai tháng ổn định lán trại, và các sinh hoạt thường ngày để bước vào học tập-trại đã thông báo cho phép thân nhân đến thăm nuôi, nửa tháng một lần. Khánh đã kịp đến thăm Kha trong buổi sáng chủ nhật đầu tiên. Nhìn thấy Kha xanh mướt, phờ phạc-và có vẻ như lơ đễnh-Khánh xốn xang, gặng hỏi. Kha nhếch cười: “ Anh đang bị những cơn sốt hành hạ!”. Khánh cầm lấy bàn tay khô gầy của Kha- giọng lo lắng, phân vân :“ Trong gói quà vừa gởi cho anh-em đã có mua thêm thuốc sốt rét, thuốc bổ các loại, anh nhớ uống thường xuyên nhé? “.
- Rất may là bác sĩ Hải cùng lán của anh được biên chế làm trường trạm y tế, anh ấy săn sóc anh rất chu đaó, nhưng ngặt nỗi…-Kha bỏ lửng câu nói, thẩn thờ nhìn Khánh.
- Là… thế nào? Khánh bồn chồn.
- Không đủ điều kiện, em à! Kha buông thỏng, thở dài.
Anh móc từ túi áo ra một tấm giấy, mở ra nhìn, rồi chợt hỏi: “ Em xem mấy loại thuốc Hải ghi trong toa này, em có thể mua được không? “

Khánh rút tờ giấy từ tay Kha-liếc nhìn giây lâu-“ Không mua ở đây được, em sẽ vào Nha trang hay Saigon mà, anh!”. “ Em có đủ tiền để mua hết toa thuốc này không? “ -Khánh không trả lời câu hỏi của Kha- đôi mắt nàng chợt sáng lên-“ Em sẽ xin giấy giới thiệu của địa phương, đến xin phép trại được ở lại săn sóc cho anh. Làm được gì cho anh, em cũng sẽ làm cho dù phải chết!” .”.Khánh thì thầm trong tia nhìn đắm đuối: “ Đời em chỉ có anh thôi! Mất anh, em còn sống làm gì nữa trên cõi đời này? “
- Không được đâu, Khánh à! Kha đăm đăm nhìn Khánh-Em ở lại không tiện mà, vã lại còn bé Tâm…Anh lo lắm!
- Em đã gởi bé Tâm cho ông bà ngoài từ lâu rồi!- nàng bỗng cười-con bé thích ở với ông bà hơn nhà mình…

Sau hơn một giờ quy định cho thăm nuôi đã hết mà Kha vẫn chưa thuyết phục được Khánh từ bỏ ý định lên ở lại trại để chăm sóc cho anh. Trong đầu anh ẩn hiện bao chuyện khó khổ, phiền lụy mà Khánh không thể chịu đựng nổi khi phải chung sống ở đây với núi rừng khắc nghiệt…

Nhưng Khánh đã xin lên ở lại bên Kha khi nhận được tin của bác sĩ Hải cho biết Kha đã nằm mê man gần nửa tháng nay, đang chống chọi từng ngày với những cơn sốt ác tính ngày càng nặng và sự suy kiệt trầm trọng.. Hải cho biết, anh đã cố gắng hết sức để cứu sống Kha, nhưng Kha vẫn nằm im, bất động-đến nỗi, lưng anh đang bắt đầu bị thâm lỡ .Trong bức thư ngắn nhờ người thăm nuôi chuyễn giúp-Hải viết: “ (…) Trong những cơn sốt cao, Kha rất tỉnh táo gọi tên “ Khánh ơi!..”-sau đó mê sản nhắc kể lại mọi chuyên, nói cười sang sảng như đang chuyện trò với người mình yêu vậy-anh rất đau lòng nhưng không thể làm gì được! “ .

Khánh đã ở bên Kha để săn cho anh đến hơn một tuần, Kha mới mở mắt tỉnh táo nhận ra. Anh chỉ nhìn, rồi khép đôi mắt lại- nhưng những hạt nước mắt sau đó ứa ra long lanh như những giọt máu. Khánh đã mang lên trại không những đầy đủ những gì Hải dặn, mà còn chuẩn bị thêm rất nhiều vật dụng để săn sóc vết thương bị lở ở lưng của Kha, chăn màn thay đổi, áo quần , và cả những cục xà phòng Dove quý hiếm còn lại để dành tắm cho bé Tâm mỗi ngày.

Khi Hải đã chuyền xong đến bình rerium thứ 4, Kha có thể tự ngồi dậy, không cần Khánh nâng đỡ như mọi ngày nữa. Anh ngồi dựa lưng lên vách nang tre nhìn bâng quơ ra sân trại, quang cảnh núi rừng, với đôi mắt ngỡ ngàng, xa lạ-và đượm buồn. Khánh không dấu được niềm vui đang nẩy mầm xanh lại trong tâm hồn mình-luôn cười nói mơ ước về một ngày mai Kha được trở về…Kha lắng nghe, mà lòng vẫn nao nao buồn: “ Anh cám ơn em ,Khánh ạ!”-“ Anh lại nói nhảm gì vậy? “ – Nàng cười :” Bác sĩ Hải đã cam đoan với em là anh đã qua khỏi hẳn rồi-đâu còn mê sảng nữa ?” – “ Cám ơn em đã yêu thương anh đến vậy!”- “ Trong tình yêu, làm gì có sự hàm ơn hả anh?”- Khánh nhìn thoáng lên dãi nắng chiều vàng vợt trên vạt sân cỏ giữa trại-giọng mơ hồ: “ Cuộc đời này, rút lại-chỉ còn tình yêu thương thôi anh ạ!”-Nàng mỉm cười: “ Chúng ta đã sống cho nhau như vậy, mà anh? “.
Khánh đã hết hạn được phép ở lại trại..

Buổi sáng cuối cùng nàng đã cùng Kha đi dạo quanh lán khi mọi người đã được phân công từng toán đi công tác ngoài nương rẫy, hay đốn cây, chặt tre trong rừng – Kha nói: “ Em gắng săn sóc bé Tâm em nhé? “
- Vắng anh, bé Tâm là số một mà!-Khánh cười dòn-ngước lên nhìn Kha-nhưng anh cũng phải bảo trọng nhé?
- Tất nhiên rồi-Kha quay lại nhìn đứng lên gương mặt xanh xao sau bao ngày không ngủ của Khánh-anh không thể làm khổ em thêm nữa!
- Anh đừng nghĩ vậy-nàng lườm Kha âu yếm-em rất hạnh phúc được ở bên anh mà…

 

Trở lại nhà được một tuần thì Khánh cảm thấy người bị sốt-cơn sốt váng vất kèm theo cơn nhức đầu . Theo dõi, nàng thấy cơn sốt cao điểm vào đầu giờ buổi chiều kéo dài khoảng hai giờ. Khánh nghĩ, có lẽ cơ thể bị suy nhược vì những đêm khó ngủ ở chốn rừng núi xa lạ, cộng với nỗi lo buồn thấp thỏm theo từng cơn sốt mê sảng của Kha-nên nhờ y tá chuyền cho bình đạm, trộn với vài loại thuốc bổ. Nhưng cơn sốt quái ác không lùi bước, mà ngày mỗi đến-liên tục, và kéo dài nặng nề hơn.

Ngày Khánh được cha chở đến bệnh viện thì nàng đã bị mê sảng-cười nói lảm nhảm như một người mất trí. Nàng gầy đét, và xanh xao như người bị bệnh lâu ngày. Bệnh viện không có thuốc đặc trị dành cho bệnh nhân thường dân bị sốt ác tính nên ngoài những viên thuốc giảm nhiệt, hạ sốt thông thường-là vài loại vitamine mói dược sản xuất từ các cơ sở quốc doanh.

Khánh vẫn nằm im-bất động, hai mắt nhắm nghiền- hơi thở thoi thóp, nặng nhọc.
Chỉ có người cha đã trên sáu mươi ngày đêm ngồi bên giường Khánh với chiếc quạt giấy phe phẩy.
Sau đúng ba ngày kể từ lúc nhập viện-trong một cơn sốt cao kèm theo co giật - Khánh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc nửa đêm. Đó là ngày Mồng 4 tháng 6 năm 1977…/.

 

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long