MANG VIÊN LONG


Một Thời Lãng Đãng


Ngồi trước một người con gái vừa quen đẹp như Diễm, Tuyên có nhiều khám phá về mình, kiểm soát tỉ mỉ những cử chỉ, từng lời nói của mình hơn. Tuyên cảm thấy, tia nhìn như bị vướng gai nhọn, anh buột phải tạo vài cử chỉ để khỏa lấp. Vồn vã, hoạt bác, nhưng Tuyên dễ bị bất chợt nhận ra cái vô duyên, vụng về của mình, và anh cũng cảm thấy khó chịu, bực mình. Tuyên thường nhận ra sau mỗi lúc nói nhiều, dừng lại, nhưng không nhìn thấy Diễm phản ứng gì. Có lẽ, trước một người con gài đẹp như Diễm, tốt hơn là không nên nói nhiều? Vẻ tự nhiên điềm đạm của Diễm làm Tuyên thắc mắc quá. Với một người con gái còn nhỏ tuổi như nàng thì sẽ khó giữ được vẻ bình thản trước tình yêu. Nhưng Diễm thì khác.Tuyên lớn tuổi hơn Diễm, điều đó không chứng tỏ hắn cứng cỏi, kinh nghiệm hơn Diễm khi nghĩ về chuyện tình ái. Rõ ràng trước mắt, Tuyên đang ngồi lặng thinh, kiểm soát những cử chỉ. Diễm trải dài hai tay trên quyển sách mở rộng, nhìn Tuyên chờ đợi. Biết bắt đầu bằng những gì? Nghĩ ngợi nhiều lắm Tuyên mới tìm cho mình một lối thoát; hắn xin Diễm một mảnh giấy vở viết cái thư nhờ Diễm trao cho dì Tâm. Dì Tâm biết hắn yêu Diễm nhưng dì chưa nói điều đó cho Diễm, dù sao dì cũng phân vân chưa biết Tuyên yêu Diễm thực tình hay không. Cái trách nhiệm của một bà dì vẫn nặng khi Diễm không còn ba. Tuyên loay hoay tạo một bức thư sao cho lời lẽ phải nói được với hai người. Tuyên muốn nói với cả Diễm và dì Tâm, nhưng với Diễm là điều cốt yếu, vì dì Tâm đã biết rõ hắn yêu Diễm rồi, không cần phải dài dòng văn tự. Tin tưởng vào sự hiệu nghiệm đó, Tuyên xếp thư kỹ, trao cho Diễm, không còn lý do ở lại…
Tuy lớn tuổi hơn diễm đến sáu năm, Tuyên vẫn sợ gặp mặt Diễm. Nỗi sợ bắt đầu từ sự ái ngại và ngượng ngùng. Đeo đẳng ray rứt suốt trong những lần ngồi không suy nghĩ về Diễm. Tình yêu của Diễm đến với Tuyên từ một sự nhỏ nhặt, và bất ngờ. Ngày Diễm quyết định trọ hẳn tại nhà dì Tâm để đi học thì Tuyên gặp nàng. Rời khỏi lớp học dạy hè chật chội, Tuyên muốn đi một vòng chợ phiên để nhìn ngắm lại cái náo nhiệt đã lâu Tuyên không được sống. Rời quê vào Sài Gòn học ba năm, ba mùa hè Tuyên đều trở về, không có gì thay đổi. Dì Tâm bảo Tuyên không bị mất gốc, giỏi thật. Dì nói tiếp, sống ở Sài Gòn mà “cái tính” không Sài Gòn, khối người vào đó trở về y như người xa lạ. Xa lạ ngay trong cách ăn mặc, cử chỉ, nhất là lời nói. Tuyên thì nghĩ dì Tâm đã có mặc cảm, đôi khi nghĩ lầm, nhưng từ lúc dì trưng ra cái bằng cớ là tụi thằng Hào, thằng Thanh, thằng Minh, có quá nhiều điều sỗ sàng khi chọc ghẹo Diễm thì Tuyên tin điều dì Tâm nói đúng một phần. Nếp sống phóng khoáng, tự do của Sài Gòn đã tập chúng quá dạn dĩ, đôi khi như kiêu căng.
Đi lan man theo làn sóng người dồn đẩy đã mỏi chân, Tuyên nhận ra khu chợ đúng là lớn nhất miền Trung. Hồi chín năm kháng chiến thì khu chợ bị phá hoại, chỉ còn trơ những sườn xi măng cốt sắt, đứng chênh vênh bên những hàng gòn; đến khi tiếp thu sau năm tư, khu chợ được thiết lập trước tiên, nhưng những hàng gòn thì đã bị đốn ngã. Khu chợ vì thế bây giờ trơ trụi ánh nắng. Khu chợ gồm hai dãy dài những lều xây đúc theo kiểu cũ, lợp ngói âm dương. Mỗi dãy đếm cả thảy bảy lều dài, cách nhau một khoảng khá rộng. Khỏang giữa là con đường lớn, ngày thường xe hơi có thể vào bỏ hàng chờ ngày hợp phiên. Cứ năm ngày lại đến một phiên chính, tụ họp những bạn hàng từ miền cao nguyên, và các tỉnh lân cận. Dọc con đường xuyên qua chợ đó, có nhữngkiosque dành cho những hiệu may nhỏ, những quán bán đồ dùng gia dụng, tạp hóa. Đi qua khỏi chiếc kiosque cuối, Tuyên gặp dì Tâm. Dì kéo Tuyên ghé nhà ăn dưa gan chín, Tuyên cười:
– Hễ gặp dì là có đồ ăn, buổi sáng ra đi dạy đã gặp đàn ông rồi mà.
– Gớm, Tuyên về cả tuần mà không thấy ló mặt tới.
– Đã nói ngại dì tốn kém nên chần chờ, chớ dạy rồi về nằm đọc kiếm hiệp, có làm được trò trống gì đâu?
– Dạy đằng ấy có vui không?
– Cũng vui …Lớp học có nhiều cô xinh lắm!
– Ví dụ như những “cô” nào?
– Lớp đệ tam, có Như Hoa, Minh Nhã, Thanh Ngữ, Hương…
– Vậy thầy có “chấm” được cô nào không?
– Thầy không dám “chấm” điểm vụ này đâu…
– Tại sao?
– Vì nghèo…
Tuyên nhớ lại căn nhà sau mọi khi vẫn thường làm nhà ăn, nay kê thêm những tấm ván dài, để thêm những chiếc băng lỏng chỏng, treo thêm một tấm cửa làm bảng … Cái lớp học chật ních những học trò. Chật ních tiếng ồn. Ngày mới được mời đến dạy, ông Huệ, giáo sư các trường tư thục chuyên mở các lớp luyện thi và dạy hè môn toán, đã phân công:
– Hai giờ đầu tôi dạy căn bên, hai giờ đầu anh dạy căn nầy; hai giờ sau tôi dạy căn nầy, hai giờ sau anh dạy căn bên …
Nghe lối phân công dài dòng Tuyên đã đề nghị không nên thay đổi nhiều, nhưng ôngg Huệ bảo học trò chúng phong bì; cuối cùng Tuyên phải chìu tụi học trò. Bây giờ phải chìu tụi học trò là chuyện thường. Tuyên đinh ninh lời ông Huệ nói là đúng, vì ông đã làm giáo sư tư thục hơn mười năm nay. Vì thế Tuyên ít thấy khó chịu khi có vài đứa học trò vắt chân trên chiếc giường kê gần cửa sổ để học. Cũng có năm ba đứa hút thuốc phì phèo. Nhìn chung, tất cả đều tỏ ra chịu khó học và chăm, nhất là nữ sinh. Tuyên chen chân đi theo dì Tâm về nhà. Trước khi bước vào cửa, dì quay lại nhắc đến tên Hoa. Tuyên bỗng nhớ dì Tâm đã xúc động khi anh vẫn giữ tiếng dì. Và tên Hoa cũng sống lại trong trí từ đó.
Hoa từ chiếc tủ để giữa nhà chắn ngang làm vách, hiện ra cười chào, nghiêng đầu e lệ, làm mái tóc đổ xuống. Diễm ngồi ở phảng ủi đồ thoáng ngước, cúi xuống theo dõi từng đường bàn ủi, không lộ vẻ chú ý. Suốt buổi nói chuyện với dì Tâm, với Hoa, Tuyên nhìn hoài chiếc áo rách hở vai của Diễm. Tấm áo cũng có vá nhiều chỗ, hơi chật. Buổi nói chuyện kéo dài chắc dì Tâm hiểu được là Tuyên đã vì Diễm chớ không phải Hoa. Đưa Tuyên đi một quãng, dì Tâm nói:
– Tuyên lôi thôi lắm đó nghen ?
– Dì nói ai lôi thôi ? Cháu mặc áo …
– Đừng có qua mắt …
Tuyên biết khi không thể dối Diễm, điều tốt nhất là nên thú thật tất cả. Vả con gái rất nhạy cảm, dại gì không biết những câu nói, cái nhìn mình đã muốn nói tới Diễm, khi nàng không tham dự buổi nói chuyện. Đang không đi hỏi han tên tuổi “người ta”, đụng chạm đến người ta, mà không có ý gì sao ?
– Cháu không có ý dấu nhưng chưa tiện nói ra, ăn xong nửa trái dưa, cháu thấy thương Diễm hết sức.
– Con người gì hay thay đổi, à… không phải vậy, người đa tình quá …
Tuyên muốn nói hắn yêu Diễm từ khi nhìn thấy nàng mặc chiếc áo rách hở vai, hơi chật, nhưng nghĩ sao đó nên yên lặng.
– Rảnh nhớ ghé chơi nghen thầy ?
– Nhất định, nhờ dì …
– Hoài …
Dò xét những lần gặp Diễm sau nầy, Tuyên tin là dì Tâm chưa giúp mình điều mình nhờ. Diễm vẫn giữ vẻ tự nhiên điềm đạm trong lúc anh càng tỏ ra bối rối, khó chịu. Tuyên nhớ hoài câu nói của Diễm làm anh cứng cổ, không biết trả lời ra sao. Trong lớp dạy, Tuyên vẫn tỏ ra nói năng lưu loát, sành sỏi, nhưng khi Diễm hỏi gặn Tuyên một câu, thì chỉ biết cười trừ. À, hôm đó ra đi vẫn nhằm hướng nhà Diễm, đến nơi không dám ghé (vì ngày nào cũng ghé, coi kỳ) Tuyên làm ngơ đi thẳng, Diễm đứng ở ngõ trông thấy, hỏi, anh Tuyên đi đâu ngã đó vậy? Đi lên nhà Diễm, lại lộn đường. Người gì mà hay quên dữ vậy ?. Lúc đó Tuyên thấy ngượng, sau đó thấy vui. Có lẽ Diễm đã nghe dì Tâm nói lại rồi? Người gì hay quên dữ vậy?. Một lởi trách vui, nhẹ nhàng – nhưng với anh, thật đau! Sau “cái đau” là niềm hạnh phúc nẩy mầm. Như vậy đỡ cho mình. Làm cho người khác biết mình đã yêu họ quả khó, nhưng bây giờ Diễm đã rõ. Tuyên mong như thế lắm nhưng cứ mỗi lần ngồi trước Diễm, Tuyên lại có nhiều khám phá về mình, kiểm soát tỉ mỉ những cử chỉ, ngôn ngữ của mình hơn; trong lúc Diễm vẫn tỏ tự nhiên điềm đạm. Gần đến lúc Tuyên thấy ghét ghét cái vẻ bình thản, thơ ngây của Diễm thì hắn nghĩ ra chuyện viết thư cho dì Tâm.
Chắc chắn là Diễm phải đọc. Diễm đã đọc thực. Nàng cảm thấy từ lâu chưa lúc nào nàng bị cô đơn như lúc nầy. Như rơi vào một khỏang không gian mênh mông, không bàn tay, không tiếng nói. Quyết định một mình dễ làm Diễm lúng túng, nhưng càng yêu Tuyên hơn. Yêu Tuyên nhưng giấc mơ trở thành cô giáo vẫn ám ảnh. Diễm vì thế mãi tạo cho mình vẻ tự nhiên điềm đạm. Những ước đoán của Diễm đã được Tuyên nói ra không dấu diếm với dì khiến Diễm nửa mừng nửa thẹn. Nàng đã biết đọc truyện tình thì nàng phải rung động trước mối tình của mình, hắn nghĩ, thấy ái ngại khi trông rõ Diễm ngồi cắm cúi trên quyển sách. Gặp Tuyên, Diễm gấp sách, trở vào sau chiếc tủ gọi dì Tâm. Dì Tâm là tấm bình phong để cả hai che giấu những xúc động yêu thương của mình. Nhưng tấm bình phong có ngày phải vén lên, cho cả hai nhìn mặt rõ. Tuyên cũng đang chờ. Diễm trở ra đã mặc áo dài, có thêu nữ trung học, chào dì Tâm, chào Tuyên, bước ra khỏi cửa. Ngày chờ đợi của Tuyên đã đến trùng với ngày Diễm về quê thăm nhà. Tuyên nghe lời dì Tâm bỏ một buổi dạy, bỏ ngượng ngùng, quyết đi theo Diễm, như đi theo những hy vọng ám ảnh nhất. Nhưng hy vọng đó đã tắt sớm hơn sự trông đợi. Diễm thấy Tuyên, đã rẽ sang một lối khác. Nàng đã chọn con đường khác với con đường Tuyên đi sao? Nàng đã chọn tương lai khác tương lai Tuyên đã vẽ ra à? Tuyên tin là hai con đường chắc sẽ có lúc gặp, như hai con đường đều dẫn về nhà nàng, nên vẫn gắng. Có sự thành công nào vẻ vang mà không có khó khăn? Con đường chông gai nguy hiểm nhất – Tuyên vẫn nghe anh nói, là con đường đi vào tình yêu. Con đường đi vào cuộc đời. Tuyên thường nghe anh tâm sự, anh đã chọn sai con đường. Tuyên không nghĩ ngợi dài dòng về con đường sai hay đúng, nhưng hai con đường của Diễm và anh chắc phải gặp. Và Tuyên đã gặp Diễn trên con đường rẽ rợp bóng tre, hai bên tỏa mùi thơm hoa ổ tàu; vú dẻ… Diễm thoáng cười, kéo nón thấp một chút. Trông nàng có vẻ ngại ngùng. Tuyên thấy mình mạnh dạn. Tuyên đi gần kề Diễm, hỏi bâng quơ về một loại hoa hái cầm tay, về nguồn gốc ngôi chùa cổ trước mặt. Diễm lặng thinh, bước đi hơi vội. Không có ý từ chối, nhưng có ý lẩn trốn. Nhìn Diễm vừa rảo bước vừa ngắt những cánh lá dọc đường vò nát rồi thả bay xuống đất. Tuyên đã nói hết những gì đã dự định sẵn; trong đó đã có câu “Anh rất thương Diễm, anh yêu Diễm …!”. Khi nói xong hết những gì thầm kín bấy lâu; Tuyên từ giã, trở về, vừa đi vừa nhìn bóng chiều đã xuống rất thấp trên cánh đồng lộng gió. Diễm im lặng, lầm lui bước vào khỏang vườn trước sân nhà.
Sau lần gặp gỡ đó Tuyên vắng mặt ở nhà dì Tâm cả tuần. Ngoài giờ dạy, Tuyên kéo một lũ học trò đi tắm ngoài sông Sita, tắm xong trở về chơi với lũ cháu, và mải miết thuê truyện kiếm hiệp. Tuyên thấy không thể bỏ những quyển truyện kiếm hiệp dang dở cũng như không thể bỏ Diễm dọc đường. Truyện kiếm hiệp thì có thể sai đứa cháu đi lấy, còn Diễm, ai thay mình để lên gặp? Tuyên không thể rời xa Diễm, không quên chiếc áo rách hở vai, hơi chật, và cái cảm giác sau khi ăn xong nửa trái dưa. Những săn đón của Nga, của Nhung, của Tuyết sao mình không dừng lại? Những chìu chuộng của Bạch, của Huệ sao mình không nằm xuống? Tự dưng Tuyên nhớ Bạch và một buổi dạo phố ở đường Tự Do. Sao Bạch không mặc màu áo hồng? Em ngỡ áo nầy anh vẫn thích, sao không báo trước? Màu áo nầy anh không thích sao? Em về thay áo anh nhé? Thôi áo nào cũng được. Tuyên biết câu trả lời của mình hơi kỳ cục, nhưng đi tới một chút sẽ khó tính. Tính Tuyên vẫn e ngại như vậy, nhưng với Diễm, Tuyên như mất hẳn mọi đắn đo. Tuyên viết một bức thư ngắn, thay lần gặp, bảo đứa cháu gái mang lên cho Diễm – câu cuối, Tuyên kết thúc : “(…)Xin lỗi Diễm về những gì tôi đã làm Diễm Phật lòng. Hãy chấm dứt mọi lời, chấm dứt tất cả, xa Diễm!”. Nhờ bức thư nên Tuyên ở nhà được yên hơn. Còn phần dì Tâm, dì có vẻ trách Diễm. trách con bé khó tính. Ở nhà với dì Tâm, Diễm cũng chỉ là con bé vừa thi xong bằng trung học. Diễm thường bị trách cứ nặng và thường khóc. Nàng khóc trong sự thăng hoa của tình yêu. Tình yêu do Tuyên đem lại. Sau buổi dạy, Tuyên ghé lại quán café nằm ở ngã ba vào Thành, định uống để trưa thức đọc truyện thì Kim bước vào, vẻ ngần ngại. Không tin là Kim vào quán để giải khát một mình, Tuyên cũng hỏi:
– Bỏ học hai giờ sau vào đây ngồi à ?
– Dạ không, chị Diễm …
Nghe gọi tên, Tuyên hơi xúc động:
– Thế nào ?
– Gởi thầy cái thư.
– Quen nhau à?
– Dạ thân.
– Cám ơn Kim …
Kim vụt chạy ra ngoài, Tuyên thoáng thấy bóng cả một lũ học trò gái đứng chờ ở gốc dừa, bên đường. Với chúng, Tuyên vẫn coi là những đứa trẻ nhỏ, Tuyên mở thư đọc …
“Nhìn thấy … hai chữ xa Diễm em đau khổ vô cùng. Nước mắt ở đâu thấm ướt trang thư, em thương anh nhiều lắm nhưng không biểu lộ, nghĩ chỉ nên tha thiết kín đáo, trong tim… Nếu không người ngoài dị nghị, trong lúc em còn đi học, sẽ thành một cô giáo. Nếu anh thực tình quyết định xa Diễm, thì Diễm nguyện là người như Thơm trong “Những người đau khổ” của Dương Hà…”. Tuyên mỉm cười, nốc cạn tách café, trả tiền, đứng dậy vội. Diễm nguyện là người nhưThơm trong “Những người đau khổ” của Dương Hà. Nhân vật Thơm của ông Dương Hà thế nào mà Diễm nguyện như thế nhỉ? Tuyên tìm đọc ngay quyển truyện đó, thấy Thơm yêu một kỹ sư, còn mình, còn mình, có làm gì ra tiền lúc nầy? Mình sẽ trở thành luật sư à? Tuyên ngại cái lối yêu thương éo le thời thượng của những nhân vật đó nên hơi giận Diễm. Nhất là cái ám ảnh sẽ trở nên cô giáo. Để làm gì? Tuyên thường xâm phạm tới những ước mơ của Diễm, nếu không phải là với mình. Sau bức thư đó, Diễm nói năng nhiều hơn, vui cười nhiều hơn với Tuyên. Đôi lúc bình tâm, Tuyên yêu thương Diễm nhất ở những cố gắng đó. Cái cố gắng để giữ tình yêu lại cho mình.
Tuyên nhận được thư của người anh đang đi lính ở Nha Trang: “…Anh rất vui khi biết em đã yêu và được yêu. Ngày má mất, Má chỉ nghĩ đến câu chuyện vợ con của em, và bây giờ điều quan tâm của anh cũng là chuyện đó. Em hãy suy nghĩ kỹ, hãy sáng suốt đừng để những mù quáng che đậy, đi lạc đường như anh(…)”. Dĩ nhiên là Tuyên không thấy mình mù quáng bao giờ. Khi yêu, con người càng mù quáng. Tuyên biết câu nói đó đã lâu, nhưng mù quáng là gì? Diễm hiện ra trong sáng đầm ấm trong cuộc sống anh cằn khô mồ côi cha mẹ. Tuyên quyết định xin đi dạy để cưới Diễm. Cưới người con gái mặc áo rách hở vai, hơi chật. Đám hỏi trước, đám cưới sau.
Đám cưới đến như ước mơ tột đỉnh với Diễm, sau đó không còn gì nữa. Tuyên được gọi đi dạy tại một tỉnh lẻ, sát miền duyên hải. Sự hạnh phúc của gia đình phần lớn do người đàn ông, phần lớn do Tuyên định đọat; nhưng với Tuyên còn quá nhiều dự định, còn quá nhiều hy vọng, còn nuôi nhiều ảo ảnh cho nên Diễm đã say đắm cùng Tuyên trong những thứ quá nhiều đó. Trong một căn nhà ai vào cũng khen xứng với hai ông bà. Tuyên siêng năng trong những công việc chọn vải làm màn cửa như siêng viết thư cho Diễm trước đây. Diễm đi chợ mang về một lọ hoa trang điểm cho phòng khách, như trang điểm cho nét mặt mình khi đi dạo với Tuyên trước đây. Nói tóm, nhiều điều trước đây Tuyên và Diễm vẫn giữ. Diễm hiền thục trong việc nội trợ, trồng trọt, và giúp Tuyên đánh máy những bản thảo. Ngoài giờ ở trường, Tuyên lấy chuyện viết lách làm niềm vui. Từ chuyện viết lách đó trải ra cho Tuyên những dự định, những hy vọng. Diễm thì nghĩ đến những hi vọng của Tuyên cùng lúc với những đứa con. Hy vọng có thể cầm giữ, bồng ẵm được. Thực tế đó của Diễm bắt đầu từ những tháng năm sau nầy, khi tính lại không thấy chút dư dã.
– Ở nhà thuê mãi, suốt đời làm gì mình kiếm được căn nhà há anh?
– Chứ nhà nào đây?
– Nhà của mình kia …
– Căn nhà thì dễ tìm nhưng được như lũ mình thì khó kiếm chứ em?
Tuyên muốn nói căn nhà đẹp, có ý nghĩa hay không là do ở lòng người, do hai tâm hồn, do hai đời sống nguyện thương yêu; miếng đất nào cũng có thể dựng nên một căn nhà. Sau những lần bày tỏ của Diễm, Tuyên cũng nghĩ đến nỗi lo của vợ, nhưng Tuyên còn quá nhiều dự định, còn quá nhiều ước vọng, nên dễ quên. Và Diễm thì đã trở lại với tính ngây thơ của mình, nguồn gốc của lãng quên và hi vọng.
Lần nào đi dạy về Tuyên cũng nhận ra vẻ nhẫn nại của Diễm trước bàn đánh máy. Trong căn nhà chỉ một mình Diễm lui cui, Tuyên thấy sự cách biệt của Diễm với những sinh hạot bên ngoài, với nhữngh người con gái lấy phố xá làm nguồn vui. Tuyên an tâm. Tuyên thường vẽ ra một nếp sống thật giản dị và trầm lặng để mong ít bị lôi cuốn, bận rộn với những tiện nghi quá nhiều lúc nầy, để lo cho những dự định của hai đứa. Điễm đồng ý và khi nhìn nàng tự tay gieo những luống cải, trồng những cây ớt, cây đậu, Tuyên ngồi sát bên vợ nói nịnh :
– Ôi, cô Thơm của anh thật tuyệt.
Diễm dừng trồng, giơ tay bết đất trước mặt Tuyên, cười:
– Cô Thơm nào ?
– Thơm trong những người đau khổ đó …
– Thôi cứ nhạo người ta hoài.
Trong ánh mắt nụ cười Diễm, Tuyên tìm lại cái cảm giác khi vừa ăn xong nửa trái dưa. Ghì Diễm vào lòng, Tuyên hôn thật dài như cái hôn trong đêm làm lễ cưới, trước khi bước lên giường. Diễm kêu Tuyên buông ra, nhưng sau đó chính nàng lại hôn Tuyên.
– Để em trồng xong mấy cây ớt đi, anh thích ăn ớt lắm mà, đây rồi mặc sức mà ăn đó, em còn đi chợ nữa chớ?
– Vợ anh nhất thế giới rồi …
– Lại nhạo em há? À, anh thích ăn gì để em mua?
– Cho gì ăn đó.
– Nói đi…
– Nói rồi.
Nàng gườm Tuyên, tỏ trách nhưng đôi mắt tự nhiêu và điềm đạm quá thành ra Tuyên bật cười.
– Trông em giận thật đẹp…
– Vào chuẩn bị để đi chợ với em đi…
– Đi với em, với cô vợ đẹp anh đâu cần chuẩn bị…
Những buổi chiều rỗi đi chợ với Diễm như thế nàng tỏ vui lắm nên Tuyên gắng dành thì giờ để theo nàng xách giỏ, theo nàng chọn mua thức ăn. Dần quen đi chợ với Diễm như lúc nhỏ chạy sau đôi gánh mẹ. Tuyên biết thương chiều Diễm như thế. Diễm à, lúc này chính là lúc chúng mình hãy thực hiện những gì đã nói với nhau trước đây.
Tuyên rời cửa sổ, đẩy cửa bước vào. Diễm xoay lại cười gượng:
– Anh đã dạy về rồi à ?
– Nghỉ hai giờ sau, học trò đi đón ông tướng. À, em đánh máy gì thế?
– Ở không buồn quá, lục mấy bài báo cũ của anh đánh lại…
-Ồ… Những thứ đó bỏ đi, sao lại chi mệt? Em có mệt lắm không? Trông em lừ đừ kia… Nằm nghỉ đi.
– Nằm hoài mệt hơn chứ.
Tuyên thì mong cho Diễm có nhiều giờ rảnh để nghĩ, để đọc sách, viết thư về nhà thay mình; còn Diễm thì chán cái ở không. Nằm không mệt hơn chứ. Tuyên ao ước tới ngày chủ nhật để ở nhà quanh quẩn bên tập bản thảo, chờ ngày vào lính. Ngày vào lính càng lúc càng thôi thúc, rút ngắn, khiến Tuyên nghĩ những ngày bên Diễm qua mau và quá ít ỏi. Nghĩ đến tên vài người bạn cưới vợ một tuần đã nhận lệnh, nghĩ đến tên những người bạn cưới vợ vừa có con đã chết, nghĩ lẩn quẩn Tuyên không đủ sáng suốt quyết định được ngày mai của mình. Không tưởng tượng ra tương lai của những người cùng sống trong lửa đạn với mình. Tuyên vì thế sống chắc chiu với tình yêu của Diễm. Một thứ hạnh phúc gần gũi với Tuyên nhất; Tuyên ngại không nói ra điều đó với Diễm, nhưng từ khi có Thiệp dự vào cuộc sống chung, thì anh không còn muốn dấu diếm. Anh nói thực có ý gợi sự tưởng nghĩ của Diễm hơn.
– Anh không còn ai, chỉ còn người anh và mấy đứa cháu, nay Thiệp về sống với tụi mình có đỡ buồn cho gia đình không? Trong lúc chưa có con, nuôi cháu cũng là điều cần. Và lúc trước anh Hoài đã thay má nuôi anh, anh đã hứa dù ảnh không đòi hỏi…
Diễm nằm úp mặt sát gối, khóc rung hai vai từng chặp. Những giọt nước mắt Diễm làm Tuyên bối rối, nhưng sự buồn chán cũng bắt đầu dấy lên, nhẹ nhàng.
-Tại sao em lại khóc ? Anh làm em buồn?
Diễm lắc đầu.
– Sự thiếu thốn làm em khóc ?
Diễm lắc đầu.
– Chuyện Thiệp về đây ?
Diễm lắc đầu.
– Những giọt nước mắt của em hẳn phải có lý do chớ? Anh không hiểu gì ngoài những giọt nước mắt đó…
Và Tuyên nhớ mơ hồ một lời nói thật xa nào đó cua Diễm. em không thích lo cho ai ngoài anh, em không chịu khổ cho ai ngoài anh. Trong thoáng chốc, Tuyên nghĩ đến dì Yến. Tấm bình phong giờ đã vén lên quá phũ phàng. Chiếc màn đã kéo, bi kịch bắt đầu diễn, bắt đầu bằng những giọt nước mắt của Diễm. Bắt đầu từ người con gái mặc chiếc áo rách hở vai, hơi chật. Chiếc áo đó, theo lời Diễm nói là của dì Yến cho. Chính dì Yến đã làm Tuyên yêu Diễm như số mạng an bài. Chiếc áo rách hở vai, hơi chật. À đã lâu Tuyên không nhìn thấy Diễm khóc, từ lúc Diễm còn sống với dì Yến, còn bị dì Yến mắng. Và cũng từ nhưng giọt nước mắt nầy Tuyên không làm gì được, gát bỏ mọi dự định. Đó là điều khiến anh đau khổ hơn những khi Diễm nằm úp mặt, khóc rung hai vai. Căn nhà xứng với hai ông bà bây giờ không còn kiều diễm, và hình ảnh Diễm mặc chiếc áo rách hở vai, hơi chật như lùi vào dĩ vãng của một câu chuyện cổ tích mà Tuyên ham thích lúc nhỏ …
Một hôm, tình cờ Tuyên tìm thấy tập nhật ký của Diễm để ở một góc tủ sách – anh đọc trang đầu:
“Chiều ngày … Một buổi … chiều ngồi không, mình thấy buồn, nước mắt cứ chảy quanh. Muốn chết đi nhưng còn nghĩ lại, lớn lên chưa làm gì nên việc, bỏ mẹ ra đi với chồng, cũng chưa giúp được chồng làm gì cả. Mình sống xa gia đình, xa người thân, vợ chồng sống với nhau ở nơi đất khách, đau ốm không ai nương tựa, biết vay mượn ai những lúc như thế, khi tất cả là những kẻ xa lạ… Chuyện đó làm cho tính trẻ con của mình biết phòng xa, và tiết kiệm. Đã có chồng thì sẽ có con, nhưng đứa con đầu lòng ra đời chẳng lẽ bắt chúng phải bắt đầu với những túng thiếu, đói rách sao được? Càng làm mình phải biết lo hơn nữa, nhưng chồng mình đã tỏ ít chú ý… không hiểu cho mình. Biết làm sao bây giờ ?”
Mỗi lần nhắc mũi Tuyên đều đưa tay lên xem giờ, sau khi ấn định được những hoạt động tương ứng của Diễm ở nhà. Tuyên thấy nỗi thương nhớ ngùi ngùi sôi nổi trong lòng. Ôn lại những công việc thường nhật từ ngày đưa Diễm trở về quê, Tuyên thấy chúng rời rạc, xa xăm. Những giờ đến trường, những giấc ngủ trưa nặng nhọc khô cháy tâm hồn, nhưng buổi chiều lên phố trông thư … Tuyên thấy chúng rã rời, xa xăm quá. Xa như ngày tháng chung sống ở đây với Diễm. Dì Yến như tách rời khỏi trí nhớ trong cuộc sống quá đều đặn, quá rảnh rỗi của Tuyên. Sống một đời quay đều như chiếc kim đồng hồ, sống một đời ở không như những người già, Tuyên thấy quá khó, cần nhiều cố gắng mới chịu được. Còn Diễm, người con gái mặc áo rách hở vai, hơi chật, đó là ai? Người nào? Tuyên không thể nghi ngờ sự đổi thay hay nản lòng nào ở Diễm được. Những điểm số trong thông tín bạ, những vị thứ hàng tháng trong mỗi tờ ghi nhận cho anh thấy bằng con số tình yêu Diễm dành cho anh. Tình yêu của Diễm với Tuyên tỉ lệ nghịch với vị thứ và điểm số đã ghi, đó là đồ biểu của tình yêu, của sự hy sinh đối với một nữ sinh quanh năm đứng nhất, giấc mộng là một cô giáo. Tuyên sờ tay vào túi quần mò tìm ve dầu Song thập, nghiêng cho dầu xuống ướt đầu ngón tay trỏ, bôi lên mũi nhiều lần. Mùi dầu bốc nóng khó chịu nhưng yên lặng sao đó. Một nỗi lặng yên nhẹ nhàng thoáng chút khổ đau, và chợt Tuyên thấy sự lo lắng của mình là trẻ con. Nhất là Diễm. Anh phải để trong túi một ve dầu, một ve giữ ở valise; trong túi vừa hết nửa thì anh phải đổi ở valise mua ve khác cất … Và Diễm giấu cả thảy bốn ve dầu trong xách của Tuyên, trước khi nàng trở về quê. Nói tóm, sự lo lắng của Diễm với Tuyên thật trẻ con. Tuyên đôi lúc bị Diễm ám ảnh, tưởng mình chưa có vợ. Những suy nghĩ như vậy thường giữ Tuyên nằm yên lặng, ai cũng ngỡ là ngủ. Tuyên thường quấn chăn trùm kín đầu, trong khoảng tối suy tưởng của riêng mình như vậy những giờ không đến trường.
Tuyên trở ra sau tìm nước rửa mặt, nhìn ánh nắng buổi chiều chói chang buồn nôn trên các chòm cây cao. Những luống cải do Diễm gieo đã xanh lá, những cây ớt đã ra hoa kết trái, nỗi buồn anh cũng xanh mướt. Trong mỗi tia nhìn, mỗi cử động, Tuyên đều thấy có sự góp mặt của Diễm. Đưa tay lên chải lại tóc, cố gắng rẽ cho suôi, ngay thẳng (điều đó ít khi hắn làm) tự dưng hắn thấy mình ích kỷ. Ích kỷ như những sợi tóc. Còn Diễm, người con gái mặc chiếc áo rách hở vai, hơi chật là ai? Người nào?
Tuyên quyết định trước khi đến trường phải ghé nhà bưu điện dánh cho Diễm một điện tín.
 
Tuy Hòa,tháng 4/1969
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long