MANG VIÊN LONG


Mùa Xuân Rồi Sẽ Đến
Truyện Ngắn

(...._) Trong những đêm không ngủ được, Kháng say mê đọc kinh sách Phật, sách giảng dạy về Thiền, tập thiền quán để dỗ giấc ngủ. Quả thật, những giờ phút miệt mài theo kinh sách, những buổi tập thiền định đã thổi vào trí óc anh, tâm hồn anh một luồng gió mới, tươi mát, tin tưởng, và yên tĩnh lạ lùng. Nó dần dà thay đổi những suy nghĩ, tình cảm ưu tư buồn phiền trong anh như một người bệnh được bình phục. Anh không còn tuyệt vọng. Giảm bớt hẳn sự nóng giận. Thêm sức chịu đựng. Và nhất là làm tăng lên tình yêu thương của anh đối với Liễu. Kháng đã chép một đoạn trong cuốn “Sáu cửa vào động Thiếu thất” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma ; để mượn nghịch cảnh mà rèn luyện thân tâm. Anh đã dán lời này lên vách : “Ta từ bao kiếp buông lung không học, bỏ gốc theo ngọn, trôi giạt vật chất, nặng lòng thương ghét, gây hại không cùng. Đời này, tuy ta không phạm lỗi, nhưng nghiệp dữ gieo từ kiếp trước nay kết trái chín, điều ấy nào phải do trời hoặc người tạo ra đâu ; vậy ta đành nhẫn nhục chịu khổ, đừng nên oán trách”. Kháng luôn nghĩ rằng : Thân ta tuy ở ngoài phố chợ, nhưng tâm ta luôn ở trong tịnh thất thanh tịnh ; để tự nhắc nhở mình mỗi ngày… luôn sống hết lòng cho từng sát ra hiện tại…
Đang lúi cúi hái hoa lài ngoài vườn để ướp cho bận trà cuối bán Tết, nghe tiếng con Lu và Tô sủa dữ, tôi ngẩng lên nhìn ra ngõ, nhưng không thấy bóng ai. Tôi thường không mang kính lúc ra làm việc ở ngoài vườn, cho dầu mắt tôi đã trên mười độ.
Đứa cháu đứng ngoài bờ rào gọi vào :
- Ông ngoại, ông ngoại- Có khách …
Tôi rất vui mừng khi gặp Kháng ở sân ; không ngờ rằng anh còn có thời gian, sự yên ổn để nghĩ tới tôi. Tôi bám chặt hai tay vào vai Kháng : “Cơn gió nào hôm nay đã thổi anh đến đây vậy ?”.
- Có gió máy gì đâu ? – Kháng cười, chỗ ông ở kỹ quá, phải hỏi ba bốn người mới tìm thấy chiếc cầu mầu trắng… Tôi đã nói sẽ có lúc tôi đến thăm ông mà!
Tôi tiếp Kháng ở hiên nhà, bên bộ ghế mây cũ, với bình trà nóng. Tôi rót trà ra tách : “Ông uống thử chút trà do tôi ướp coi như thế nào ?”. Kháng uống một hớp dài : “Chưa uống, chỉ nhìn thấy nước và nghe mùi, cũng đủ biết là loại đặc biệt rồi”.
- Có lẽ lại có chuyện gì nữa hay sao ? Tôi áy náy hỏi.
Kháng cúi xuống ẵm con Mướp đang nằm cọ quạy dưới chân, để vào lòng, vuốt ve. Nhìn tôi, anh nói : “Ông sống hạnh phúc quá!”.
- Sao anh có thể biết chắc được ?
- Thì đó : Hai con chó vui tính kia, con mèo hiền lành này, những chậu hoa, cây kiểng quanh đây đã nói hết với tôi như thế còn gì ?
-Thật ra thì không hẳn như thế đâu- Tôi tâm sự, mình cũng có những điều rất khổ tâm…
- Hẳn là vậy rồi ! Ông nên biết đó là một yếu tính không thể thay đổi của kiếp người. Câu Phật đã dạy : “Vạn vật là vô thường và khổ đau” là một định luật bất di bất dịch. Nhưng, tôi muốn ông thực hành câu “dục an, tắc an”, để thân tâm được an lạc mà tiếp tục làm việc…
Uống hết tách trà tôi mới rót, Kháng tự mình rót thêm một tách nữa – Anh cười : “Ông hãy nhìn vào tôi, nhìn vào những người kém may mắn hơn, để tự thấy mình đã có nhiều an ủi rồi. Tự làm khổ mình thêm, có ích gì ?”.
Tôi vui vẻ móc trong túi áo ra một tấm giấy xếp nhàu nhò, kề sát vào mắt : “Để tôi đọc cho anh nghe một bài thơ tôi vừa mới làm sáng nay nhé!”
Kháng nhiệt tình : “Như thế có phải hạnh phúc hơn không ?”
- Bài thơ có tựa đề là “Cuốc đất”. Đi đâu, gặp bạn bè, tôi cũng đều nghe hỏi “Nay ông làm gì ? Làm gì ?”; tôi trở về làm bài này :
Ta về ta cuốc ruộng quê ta ,
Trồng trọt, chăn nuôi- góp việc nhà…
Đất cũ cuốc lên thành đất mới,
Nghề thầy đổi lại nghiệp nông gia !
Nước về, ếch nhái đua kèn trống…
Đồng hẹp, cò chim lảng tránh xa !
Cuốc đã no công nằm nghểnh cán,
Chợp mình cây lúa đã đơm hoa.
Tối hôm đó tôi đã ngồi bên Kháng, không với ấm trà buổi chiều, mà là ve rượu tôi vừa nấu tháng trước, có ngâm thuốc, chờ Tết. Tôi đặt tên cho loại rượu đặc biệt này là “rượu Thiên Phúc”. Tôi muốn Kháng có chút hơi ấm cho giấc ngủ khi thời tiết đang trở lạnh, và lòng anh cũng đang trống trải.
Kháng nâng ly rượu lên, cười :
- Xin chúc mừng sự gặp gỡ- dừng một lát, nhưng cho dầu là “Thiên Phúc” – Phước Trời , thì mình cũng không nên tham lam quá nhé…
Chúng tôi ngồi nhớ lại bạn bè cũ, nhắc kể những chuyện vui, những năm tôi đang học ở Văn Khoa, còn anh đang học năm cuối ở Phú Thọ. Những lần xuống đường. Tuyệt thực. Những tờ báo quay ronéo lén lút. Những năm tháng xa cách khi tôi đổi về dạy ở trường Sư phạm. Còn anh lên tận Tây Nguyên. Những nhắc kể nào của quá khứ, của kỷ niệm, cũng làm hai chúng tôi dạt dào cảm xúc. Tuổi trẻ của chúng tôi thật hào hứng. Say sưa. Ngay cả trong tình yêu…
Kháng chợt hỏi : “Cây phong lan nầy tên là gì nhỉ ? Trông nó lạ quá, ông ? “.
-Tôi đặt là Phượng vĩ, vì hoa nở đỏ, dày một màu như hoa Phượng. Tên sách vở của nó là Lan Bò Cạp…
Tôi chỉ tay vào vách tường bên cạnh chùm hoa, bài thơ viết bằng chữ Hán tôi đã làm được hôm tôi mới mang cành Lan từ núi về – nói : “Ông đọc xem bài thơ có được không ?”.
- Không dám phê bình thơ ông đâu- Kháng cười, ông viết bằng chữ Hán làm sao tôi hiểu hết được ?
-Tôi phiên âm ra vậy :
“Lục diệp kiên cường vô uyển phong
Đan hoa điểm điểm hỏa đăng hồng.
Thâm sơn nhược thọ thần tâm pháp,
Phố thị hồi quang tự tánh không ”.
-Tôi thích nhất ở hai câu cuối : “Thâm sơn nhược thọ thần tâm pháp ; Phố thị hồi quang tự tánh không” ; nó đã tóm lược được cái cốt lõi của Tối Thượng Thừa.
Vợ chồng tôi đã đưa Kháng ra đi vào buổi sáng sớm dầu chúng tôi đã cố nài anh ở chơi thêm một vài hôm nữa. Ngoài trời, mưa lất phất, gió thổi mạnh. Hình như cái giá rét, bão lụt dữ dội của mùa đông vừa qua, vẫn còn nấn ná trong những đám mây đen vần vũ tháng Chạp.
Chúng tôi đã thay nhau nhắc lại câu dặn dò buổi tối, nhưng Kháng vẫn im lặng, mỉm cười. Kháng đã ra đến đầu ngõ, vợ tôi nói vọng tới : “Thế nào Tết anh cũng phải về, đừng bỏ các cháu, tội nghiệp…” Kháng vẫn im lặng, bước dần về phía chiếc cầu trắng…
Bẵng đi một thời gian khá lâu- khoảng chừng hai năm sau, tôi nhận được thư của Kháng. Mừng rỡ bóc thư ra, nhưng không có thư, mà là một bài thơ. Bài thơ có tựa đề “Về Thăm Quê Vợ” –gởi tặng tôi; nhân dịp hai vợ chồng Kháng về thăm Phong Điền ; Thừa Thiên- Huế ; sau nhiều năm xa cách …
“…Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương”.
Chế Lan Viên
Từ phương xa trở về thăm quê vợ …
Quê hương nào cũng tình nghĩa không quên !
Kết tóc, xe tơ- chung gối, chung giường,
Đời gian khó, lúc an nhàn chung sống !
Tuổi năm mươi mà nghĩa tình đằm thắm,
Nói mà chi những lứa trẻ lọc lừa…
Mấy mươi năm ao ước được trở về,
Giờ kỷ niệm bước từng đôi sống lại !
Trời tháng Hạ, nắng reo mà ngỡ lạ,
Mát như trăng, hương đồng nội dạt dào,
Từng thôn xóm, lối mòn- quê đổi mới…
Bên bờ tre quán cũ mất đâu rồi ?
Người còn đó, vai vẫn oằn gánh nặng,
Đời thôn quê còn chưa hết nỗi buồn !
Còn bương chải, còn còng lưng sớm tối,
Mà miếng ăn chưa được chút mùi ngon ?
Kìa, thấp thoáng gò cao- người đã khuất,
Phần mộ ông bà, cô bác, cháu em…
Nguyện đến thắp từng nén nhang nhớ tưởng,
Khói hương trầm lãng đãng chuyện xa xăm!
Tôi từ phương xa, về thăm quê vợ…
Tình nghĩa vợ chồng : Muối mặn, gừng cay!
Đời dâu bể- cuộc vô thường là thế,
Mà tình yêu vẫn sáng mãi tim này !
Tháng 2- 1988
MANG VIÊN LONG
Thơ của một người bạn Anh Đàm Khánh Hỷ
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long