MANG VIÊN LONG
 

    Nghĩ Về Những Nụ Cười
Tạp Bút

 

           Năm tôi học Đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) giáo sư dạy Văn lớp chúng tôi là một cô giáo, người Huế. Dáng cô thon gầy, tóc cắt ngắn, xinh xắn trong tà áo dài lụa vàng – nhất là trên khuôn mặt cô luôn nở nụ cười tươi vui, chúng tôi đều thấy rõ chiếc răng khểnh trắng tinh, nhỏ nhắn, như e lệ, muốn ẩn dấu một điều gì. Tên cô là Thu Nguyệt, có lẽ chỉ khoảng hai mươi hai, vì cô vừa mới ra trường sư phạm…

          Chúng tôi đều mong đến giờ cô dạy, để chỉ được nhìn khuôn mặt như hoa nở, nhìn nụ cười và chiếc răng khểnh duyên dáng đó! Cậu bạn ngồi cạnh tôi nói: “Cô có chiếc răng khểnh quý, đẹp, nên thường cười để khoe ấy mà!”. Tôi cười: “Nếu vậy thì cần phải cảm ơn chiếc răng khểnh “trời cho” ấy chứ sao?”. Cô bạn ngồi bàn trên nghe chúng tôi “bình luận”, liền quay xuống: “Hai ông nói sai hết trơn rồi! Nụ cười của cô tự nhiên, thơ ngây, như hoa tươi vậy, làm gì có chuyện “cười để khoe” răng khểnh chứ?”.

           Tôi phải cảm phục nhận xét của cô bạn học nhỏ ấy, bởi chính tôi cũng đã đôi lần nghĩ vậy: Nụ cười của cô sao mà đẹp, thân thiết, trải lòng đến vậy? Mấy năm học sau, chúng tôi không được học với cô Thu Nguyệt nữa – tuy xa cô, nhưng vẫn luôn “nhớ nụ cười nồng ấm, tươi trẻ”; luôn tìm dịp “gặp cô” để được…nhìn ngắm những nụ cười gần gũi hồn nhiên nơi khuôn mặt nhân hậu ấy thêm nữa!

            Năm Đệ nhị (lớp 11 bây  giờ), thầy dạy văn chúng tôi có nét mặt hoàn toàn trái ngược lại với cô Thu Nguyệt: Khuôn mặt im lìm, luôn lầm lì, trông khắc khổ – nhất là chẳng hề thấy trên đôi môi ông nở một nụ cười nào, dầu ông còn rất trẻ! Suốt năm học, chín tháng trời, chúng tôi cũng không một lần thấy ông nhoẻn miệng cười, vui! Giờ văn của ông trở nên nặng trịch, căng thẳng, như giọng nói “khô khốc” của ông! Ở phòng giáo sư, ông thường ngồi một mình, một góc, ít trò chuyện với ai. Nét mặt cứng nhắc, lặng lẽ, (nhưng không phải là vô tư); chỉ có đôi mắt là còn cử động! Ông ngồi khép kín đôi môi, lạnh lùng; chẳng ai biết trong cái đầu của ông đang toan tính điều gì?

           Chúng tôi thường tự hỏi: Sao ông lại “hà tiện” đến nụ cười với đám học trò của mình? Nhưng, với người yêu của ông thì sao? Về nhà, với người thân, chòm xóm ông sẽ sống thế nào? Rồi với vợ, con, sau nầy…?

           Lớn dần lên,  vào đời – tôi đã trả lời cho những “tự hỏi” năm xưa bằng kinh nghiệm sống, với mối quan hệ hằng ngày, và nhất là “dõi theo” cuộc đời của ông thầy cũ dạy văn năm ấy…

           Tôi hiểu ra, nụ cười – đơn giản là vậy, nhưng không phải ai cũng có thể “cười vui & hồn nhiên” được! Nụ cười là bông hoa phát tiết từ mảnh đất tâm phong phú giàu tình thương yêu, nhiều cảm thông gần gũi, và cả nỗi bao dung sẻ chia chân thành nữa! Nếu trong “mảnh đất tâm” mà khô cằn, không hề có những “hạt mầm” ấy, thì nụ cười cũng hiếm khi được nở ra! Mà nếu có “nở nụ” thì cũng chỉ là sự gượng gạo, ép buộc; không tỏa được hương thơm cho người đối diện! Những nụ cười ấy, giống như những đóa hoa ny lông đầy bụi!

           Tôi lại nghĩ, người có đời sống cao thượng, tâm hồn từ bi rộng lớn chừng nào, thì nụ cười càng ngát hương lâu dài chừng ấy! Nụ cười sẽ cảm hóa được người, sẽ gắn kết tình thân, sẽ ở lại mãi bên người. Nụ cười trên gương mặt Đức Phật là nụ cười đẹp nhất, vĩ đại nhất, mà toàn nhân loại đang phải noi theo! Nụ cười đã “nói thay” cho Đức Phật bao điều sâu kín, mầu nhiệm với nhân loại, suốt hơn hai ngàn sáu trăm ba mươi chín năm. Và mãi còn đang âm vọng!

           Một người bạn đã tâm sự: “Nếu một ngày nào Đức Phật xuống thăm thế gian này, tôi cũng như bao Phật tử tất nhiên sẽ tìm mọi cách để được diện kiến Ngài…

          Tôi nghĩ mọi người sẽ giống tôi, không mong đợi Ngài sẽ nói điều gì thêm nữa, chỉ mong được nhìn Ngài mỉm cười thôi! Vậy là quá đủ! Vậy là quá hạnh phúc rồi. 

          Ôi nụ cười từ bi của Đức Phật! Nụ cười ấy trên tranh tượng đã sưởi ấm đem lại an lạc cho loài người. Được chiêm ngưỡng nụ cười thật, sẽ không thể nào dùng ngôn từ miêu tả, diễn bày (…)”.

          Người “không biết cười” với đời, với người, sẽ bị thiệt thòi nhiều thứ đã đành, mà cuộc sống chắc chắn sẽ buồn thãm, lắm ưu phiền, khổ đau, bởi trong lòng đã chứa chất quá đầy những lo toan, đố kỵ, luôn nhận chìm họ vào cõi tối tăm, lạnh lẽo, mà chẳng được chia sẻ!

          Ngược lại, người “biết cười” với đời, với người, chắc rằng sẽ được cuộc đời và mọi người đáp lại bằng niềm tin yêu, gắn bó; bởi trong lòng họ sáng trong, tươi mát, mời gọi, sẵn sàng kết thân; luôn nâng họ lên cõi an vui, hạnh phúc!

           Hình tượng Đức Phật có mặt khắp nơi luôn cười với chúng ta, nhắc nhở chúng ta hãy cười từ ái với nhau. Một sớm mai bước ra khỏi nhà, chung quanh ta luôn có nụ cười, một thế giới đẹp an lạc làm sao!

           Cảnh giới Tây phương Cực lạc ta chưa đến, nhưng Ta-bà thanh tịnh là đây.

          Cầu mong mọi người luôn gặp nhau trong nụ cười từ ái đầy tình thương yêu, tỉnh thức của Đức Thế Tôn…

 

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long