MANG VIÊN LONG

Ngõ Hoa
Truyện Ngắn

Cô bạn giới thiệu cho Thuận căn phòng có chiều dài 5 mét, chiều rộng 4,5 mét - tổng cọng hơn 22 mét vuông, như ở tầng trên. Đến xem, Thuận đề nghị lấy phòng dưới đất, bởi còn chút khoảng sân có bóng cây, có thể đi lui đi tới được. Bà chủ nói đã nhận lời một cô giáo mới vừa chuyển đến dạy ở thị xã niên khóa nầy rồi, đành chịu.
Lúc đứng ở khoảng hành lang hẹp tầng trên, Thuận nhìn sang dãy phố đối diện, thấy ngôi nhà kiểu vila thời Pháp có trồng nhiều hoa, nghĩ có thể thư giãn đôi chút mỗi sáng khi vừa thức dậy. Căn phòng nầy là phòng trọ thứ ba Thuận đi tìm thưê trong gần tuần lễ nay tương đối tốt, nên đã đặt cọc tiền trước ba tháng cho bà chủ nhà. 
Quanh thị xã, nhất là ở các ngõ hẻm, đường nhỏ - nhiều gia đình thừa đất vườn, xây thêm nhiều nhà cấp bốn, chia dãy dài nhiều phòng, từ 20 - 30 mét vuông, để cho thuê khi không biết (hay không thể) kinh doanh mua bán gì thêm. Nhà tôn, phòng hẹp, không có cửa sổ, ít bóng cây, giống những chiếc hộp. Cả dãy phòng dài nhưng sinh hoạt vệ sinh chung một phòng cuối dãy, rất bất tiện, tuy giá có thấp hơn căn phòng Thuận đang xem. Thuận nghĩ, những căn phòng nầy chỉ thích hợp với học sinh, sinh viên ở trọ, hay người thường có công việc làm ngoài đường hơn ở nhà mà thôi. Còn Thuận, ngoài giờ có mặt ở văn phòng đại diện một buổi, anh được ở nhà nhiều hơn nên trong 22 mét vuông, có đủ phòng vệ sinh nhà tắm, khu nấu ăn nhỏ bên cạnh, và khoảng rộng phía trước, có thể kê chiếc bàn thấp, vài chiếc ghế, và đặt một tấm nệm, xem ra tiện hơn nhiều. Hơn nữa, căn phòng Thuận thuê nằm chung trong khu đất còn thừa phía sau căn nhà mặt tiền của chủ nhà, chỉ có hai căn cho thuê, nên biệt lập và ít ồn. Chiếc cầu thang đúc nhỏ dẫn lên phòng Thuận nằm trong khoảng đất trống bên cạnh, được rào chắn chung quanh trông ngăn nắp.
Hai ngày sau khi Thuận dọn đến ở, một buổi sáng sớm anh đã nhìn thấy dọc con đường trồng hoa từ cổng nhà bên kia đường, có dáng một thiếu nữ trong bộ áo quần ngủ rộng mầu trắng, đi thơ thẩn ra vào bên cạnh người đàn bà thường ngày vẫn cầm vòi nước, tưới hoa miệt mài quanh những bụi hoa, chậu hoa rải rác từ cổng vào sân nhà. Cô gái chỉ xuất hiện khoảng hơn mười lăm phút, là mất hút sau khu tiền sảnh.
Từ trên hành lang hẹp, Thuận theo dõi cô gái, nhưng cô ta chỉ thấp thoáng quanh những chậu hoa buổi sáng sớm mà thôi. Thuận biết thêm, trong căn nhà ấy, có lẽ chỉ có ba người đang sống - mẹ và người cha của cô gái. Khu nhà tương đối yên vắng, khép kín bên con đường phố hai chiều nhộn nhịp người xe qua lại nhất thị xã. 
Gần một tháng sau, Thuận trong bộ áo quần đi bộ thể dục bước nhanh qua đường, khi vừa trông thấy cô gái bước dần ra cổng. 
-Chào em…
-Dạ, chào anh! Anh hỏi ai?
-Anh hỏi em!
-Hỏi em? - giọng cô gái ngạc nhiên.
-Đúng rồi! 
-Mà có việc gì vậy?
-Anh muốn hỏi xin một nhánh gốc cây hoa hoàng lan, hay bông giấy tím.
-À! Xin lỗi cô gái quay lại định bước đi - anh hỏi xin dì Tư nhé! 
-Anh nhờ em nói giúp.
-Được, được - giọng cô gái ngập ngừng, lát nữa em sẽ nói.
Cô gái đã đi vào trong khu tiền sảnh, nhưng Thuận vẫn đứng yên, nhìn theo. Thuận cảm thấy vui vui với ý nghĩ, dầu chưa xin được hoàng lan, nhưng đã thấy rõ được gương mặt thanh tú, duyên dáng, một vẻ đẹp nhân hậu, đằm thắm của cô gái thay cho hoa rồi. Thuận đoán nàng chỉ trên hai mươi một chút.
* * *
Sáng sớm hôm sau, Thuận lại có mặt ở cổng, chờ - nhưng không thấy bóng cô gái ra vườn, Dì Tư bước lại mở cổng, tiếp Thuận.
-Cậu xin hoa hoàng lan hôm qua phải không?
-Dạ, đúng!
-Tôi đã có sẵn một gốc nhỏ, về nhà trồng sẽ sống ngay.
-Cảm ơm dì!
-Cậu cảm ơn cô Trinh ấy, tôi làm theo lời dặn thôi mà!
-Cô Trinh dặn thế nào, dì?
-Cô ấy nói, nếu có ai đến hỏi nhận hoa hoàng lan, thì dì tìm một gốc, để gởi cho họ. Mình chia hoa, cũng như chia niềm vui với mọi người dì à!
-Hôm nay cô Trinh đâu rồi không thấy ra vườn?
-Chi vậy?
-Cháu muốn cảm ơn.
-Tôi sẽ chuyển lời cho, cậu yên tâm. Cô ấy không muốn nhận ơn ai bao giờ! Cô ấy không được khỏe.
Ba ngày sau, Thuận phải về Sài Gòn dự họp, để báo cáo lại tình trạng hoạt động của văn phòng sau hơn một tháng khai trương; anh mang chậu hoa xuống nhờ cô giáo ở trọ phòng dưới tưới nước giúp mỗi sáng. Cô giáo khẽ cười; “Anh Thuận yêu hoa quá nhỉ!”
-Đã trồng rồi, phải chăm sóc chứ em!
-Không siêng chăm sóc, hoa sẽ héo.
-Cô giáo nói hay lắm! Tình yêu cũng vậy.
-Anh Thuận có vẻ sành sỏi nhỉ!
-Cũng nghe người ta nói vậy thôi, chứ trong tình yêu, ai dám nói mình đã sành sỏi, em?
-Có ông bạn dạy ở trường em “tuyên bố” ông ta rất “lão luyện” trong tình trường, không ai có thể qua mặt được.
-Một là ông ấy nói dóc - Thuận cười, hai là ông ấy chẳng biết gì về tình yêu cả!
* * *
Khoảng mười hôm sau ngày trở lại nhà trọ, Thuận luôn nhìn sang ngõ hoa Hoàng lan của ngôi biệt thự đối diện, nhưng không hề thấy bóng cô gái. Trinh đã đi đâu? 
-Dì Tư ơi!
-Cậu Thuận đó hả?
-Dạ, cháu!
-Có chuyện gì không? Dì Tư đặt ống nước trên thềm nhà, bước dần ra cổng.
-Dạ, có.
-Ông bà chủ căn dặn - dì nhỏ giọng, ở nhà không được mở cổng cho ai, nhưng biết cậu là người hàng xóm hiền từ, tôi…
-Cảm ơn dì - Thuận hỏi ngay, Cô Trinh có ở nhà không, dì?
-Trời ơi! Tội con nhỏ - Gương mặt dì Tư chợt tái nhợt, hai hôm rồi mà chưa tỉnh được.
Thuận theo chân dì vào ngồi ở bậc thềm nhà.
Dì kể đã đến giúp việc cho gia dình ông Phú hơn ba năm 8 tháng, từ ngày Trinh vừa lên lớp 10, đến nay đang học năm thứ nhất Đại học Ngân hàng. Ông Phú làm chủ nhiệm HTX Tín dụng Tân Tiến, bà Phú còn gần một năm nữa mới được nghỉ hưu. Anh trai của Trinh đang làm giám đốc cho Ngân hàng Argribank ở một quận trong thành phố. Thi xong học kỳ I, chuẩn bị về thăm nhà, Trinh bị đột quỵ ngay trong phòng riêng nhà người anh; cậu ấy phải đưa đi nhập viện cấp cứu. Ngỡ là Trinh chỉ bị đột quỵ nhẹ, nhưng sau đó, bệnh viện đã phát hiện Trinh đang bị ảnh hưởng của K phổi.
Cả ông bà Phú đều bay vào Sài Gòn. Nghe nhiều người bạn mách bảo, ông bà quyết định đưa Trinh sang Singapore điều trị, để họ phẩu thuật cắt bỏ phần lá phổi bị nhiễm virus, ngăn chận các tế bào K phát triển thêm, đồng thời tiêm thuốc tiêu diệt dần các tế bào cũ; nhưng Trinh cương quyết không đi. Cả nhà năn nỉ mấy lần cô bé cũng không chịu nghe, đến lúc cậu anh phải nói thật hết lời của bác sĩ đã nói riêng với gia đình cho cô ấy nghe, rằng “ cháu chỉ còn sống không quá 6 tháng nữa thôi”, cô ấy đã trả lời: “Con chỉ muốn được về sống ở nhà trong 6 tháng ấy thôi, không đi đâu hết!”. Dì Tư sụt sùi: ” Đến nay, cũng gần 6 tháng rồi, cậu ơi!”.
* * *
Đầu giờ buổi chiều, Thuận tìm đến phòng cấp cứu bệnh viện để thăm Trinh. Phòng cấp cứu cho biết bệnh nhân đã được chuyển sang phòng hồi sức sáng nay. Thuận đẩy cửa phòng hồi sức, đến ngay bên giường Trinh đang nằm chuyền nước. Anh gọi: “Em!”.
Trinh hé mở đôi mắt, mở to dần - gương mặt bỗng tươi sáng hẳn lên trước sự ngạc nhiên của bà Phú. Thuận đến bên cạnh bà Phú, khẽ nói: “Cháu xin lỗi bác!”.
-Không - bà nhìn đăm đăm lên nét mặt vẫn điềm nhiên của Thuận, cháu không có lỗi gì.
-Cháu muốn được thăm Trinh và săn sóc cô ấy.
-Bác cảm ơn cháu - giọng bà ướt sũng, cháu làm được gì cho Trinh vui, là bác biết ơn cháu rồi!
Theo chỉ định của bác sĩ, sau một tuần hồi phục, bệnh nhân có thể xuất viện, nhưng Trinh đã nhờ Thuận nói với mẹ, làm giấy tờ để nàng xuất viện về nhà sớm hơn 2 ngày. “Em muốn được sống ở nhà, anh ạ” - nàng đã trìu mến thì thầm với Thuận trong buổi sáng ngày thứ 5 ở phòng hồi sức, khi anh vào thăm như mọi hôm.
Từ sau buổi sáng hôm ấy Trinh được về nhà, Thuận đều có mặt đúng 6 giờ sáng, để đưa nàng đến một quán café ngoại ô mà Trinh rất thích, vì “như được ngồi ở nhà mình”. Một hôm, nhìn Thuận giây lâu với ánh mắt xa xăm, khác lạ - nàng nhìn lơ đễnh ra ngoài vườn hoa, thì thầm: “Em rất tiếc, anh ạ!”.
-Em lại tiếc điều gì?
-Em không thể đem hạnh phúc đến cho anh lâu dài.
-Đừng nghĩ vậy, em! Thuận hơi bối rối - có phải là chúng mình đang vui, đang hạnh phúc không? 
-Dạ - Trinh mỉm cười, nói như với chính mình - cuộc sống của em ngắn quá!
-Cuộc đời của tất cả đều ngắn, thậm chí chỉ dài trong một hơi thở - Thuận nhìn lên gương mặt đăm chiêu của Trinh, nhưng hai mươi bốn giờ trôi qua phải sống như thế nào mới là quan trọng em à!
-Cảm ơn anh - nàng thở nhẹ, đôi lúc được bên anh, em cũng nghĩ như vậy.
-Anh muốn em phải luôn nghĩ như vậy, em yêu!
-Dạ!
Được hơn một giờ ba mươi phút buổi sáng ngồi bên nhau ở quán café, và hai giờ buổi chiều trong sân vườn sau chiếc cổng hoa hoàng lan với bộ bình trà dì Tư pha sẵn nơi chiếc bàn đá dưới gốc bông giấy tím - Trinh luôn được dì săn sóc trang điểm với những chiếc váy mới, xinh xắn, hay bộ áo quần thể thao gọn gàng, trẻ trung của bà Phú vừa mua cho nàng.
-Em rất sợ buổi chiều mau hết, bóng đêm đến -Trinh cầm lấy bàn tay Thuận ve vuốt. 
-Lúc khó ngủ, em hãy gọi cho anh.
-Em đã làm vậy - nàng ngước lên, nhìn Thuận, giọng ngập ngừng, nhưng em sợ anh khó ngủ. 
-Được nói chuyện với em, anh ngủ ngon mà - im lặng giây lâu, Thuận cười, em biết là anh chờ tin em hằng đêm còn hơn ngày xưa chờ mẹ đi chợ về!
Gương mặt Trinh chợt sáng hồng niềm vui khiến Thuận bàng hoàng. Anh không muốn nhớ lại cảm giác buổi chiều lúc Trinh tiễn anh ra khỏi cổng hoa, về lại nhà trọ. Mấy câu thơ anh nhẩm thầm trong đầu bỗng trở về: “Cổng hoa hương sắc vẫn tươi - Mà em nay đã là người xa xăm!”.
Đã hơn một năm trôi qua, chiều nay Trinh vẫn dịu dàng ngồi bên anh nơi gốc Bông giấy tím, khẽ khàng rót mời anh từng tách trà.
Chia sẻ cùng Em!
Quê nhà, những ngày cuối tháng 6.2018
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long