MANG VIÊN LONG

Người Chị
Truyện ngắn

Sau buổi chiều một mình đi lang thang, đi ngơ ngác hết mấy con đường phố cũ, gặp được vài người bạn quen thuở trước; Trường có được một nhận xét : Thành phố này thực tàn tạ, và những người bạn thì xa lạ quá đỗi. Trường cố nhớ lại, hình như con đường nào anh đã đi qua cũng bụi bặm, rắc rến nhầy nhụa, căn nhà nào cũng xây thêm lầu, đóng lưới. Trên những tấm lưới chằng chịt bụi mốc đó, thường đếu có treo tấm bảng sơn đỏ đã nhạt màu : “House for rent, room for rent”. Những tấm lưới sắt bao bọc căn nhà trông giống như một chiếc lồng khổng lồ. Những chiếc lồng dành riêng cho Mỹ, và Đại Hàn. Những chiếc lồng bưng bít, bịt bùng đó cũng cho Trường biết thêm, lúc này mọi người đều nghĩ tới việc thu thân, co rút, khép kín, ích kỷ hơn bao giờ. House for rent, room for rent, car for rent, rồi tới cái gì for rent nữa ? Thời này, cái gì cũng dành cho thuê, quả tiền bạc đã làm đảo lộn hết thảy, làm lung lạc đời sống êm đềm cũ. For rent, cho thuê, đời sống lúc này cũng chỉ là một gắng gượng tạm bợ và vồ vập như thế cả. Trường cảm thấy mình lạc lõng hơn nỗi tưởng tượng của mình khi nhận được tờ điện tín của chị, quyết định trở về. Điều làm cho Trường buồn bã, lạc lõng nhất cũng chỉ là hình ảnh của những người bạn quen, giờ trông thực xa lạ và dị kỳ. Dường như người quen nào anh gặp cũng đeo cravate, mặc veste, và cầm dù. Nếu không chưng diện theo kiểu trưởng giả đó, thì cũng ăn mặc đúng “mốt”. Lúc nhìn tấm áo veste chật chẽn, xả lai, xếp lưng mới tinh; cái dù cầm trịnh trọng trong tay Sự, Trường muốn bật lên cười. Cái anh chàng lắt chắt, non choẹt, ngớ ngẩn hồi nào mới đây đã tứ thời đeo cravate, mặc veste, cầm dù rồi.Anh cố giữ nụ cười chừng mực, vồn vã hỏi han Sự về việc dạy dỗ, việc bồ bịch, và những vụ “áp phe”. Có lẽ Sự đã tìm thấy nơi Trường cái xuềnh xoàng, lùi xùi cũ của anh lúc còn dạy ở Tuy Hòa- anh ta lúng túng. Sự cách biệt giữa vẻ trịnh trọng hào hoa với lối giản dị lùi xùi chắc đã làm Sự thấy rõ bộ áo quần tây tân thời cồng kềnh, và cái dù đen thừa thãi cầm nơi tay; anh bối rối khi dừng lại bên Trường. Nhìn Sự, người ta dễ nghĩ tới một đứa trẻ nghịch ngợm vác dù của ông bà đi chơi phố. Với Trường, anh cũng thấy bỡ ngỡ khó chịu bởi nỗi ngượng ngùng không khỏa lấp được của bạn; anh cười, bắt tay Sự:
-Thôi, chúc cậu thành công mọi mặt…
Lúc đó Sự mới lấy được điềm tĩnh, nói trong nỗi cởi mở muộn màng, trong giọng cười hụt:
-Tôi cũng chúc anh thành công mọi mặt…
Trường rời tay bạn:
-Cám ơn cậu, mình thì chả có mặt nào để thành công cả, ngoài mặt vợ con!
Sau Sự, sau hình ảnh đỏm dáng xa lạ của những chiếc cravate, những tấm áo veste hợp thời, những cây dù đen trịnh trọng; Trường còn bắt gặp vài nét mặt quen quen lặng lẽ trong các quán cà- phê, đầu tóc bờm sờm, râu ria lởm chởm. Trông dáng điệu áo quần, Trường thấy họ cũng xa lạ quá đỗi. Nếu không quen được với cái dù đen của Sự, thì Trường thấy mình cũng chẳng gần gũi được với bộ đồ lính. Hai hình ảnh đó chắc chắn không phải của tuổi trẻ như anh. Khi gặp Sự, anh đã ngỡ ngàng với cái dù đen kỳ quặc, thì anh cũng khó lòng mà nhận ra những người quen đội mũ rằn ri lụp xụp che khuất trán trong quán cà phê Dung. Trường nhận thấy rằng, cả cái dù đen và bộ đồ kaki xanh không mảy may hợp với những người bạn anh đã gặp.
Leo lên căn gác gỗ rộng thênh của gia đình Viện tản cư chiếm đất cất tạm trong xóm chài lưới sát mé biển, Trường bắt đầu nhớ tới nét mặt dàu dàu, xanh xao, hốt hoảng của người chị ở Đập Đá. Phải nói gương mặt bệnh hoạn, sầu khổ của người chị tới lúc Trường đặt lưng xuống chiếc ghế bố, nhắm mắt thờ dài, mới hiện rõ, nở to, bám sát trí óc anh. Nhận được tấm điện tín đột ngột hiếm hoi của chị, Trường dẹp bỏ hết mọi chuyện, gác qua những hiểm nguy đã nghe thấy- theo chuyến xe đầu ngày trở về. Đã lâu lắm rồi, Trường ít khi nhận được thư chị. Thình lình không rõ bao nhiêu tháng một lần, Trường bắt được những giòng thư yếu đuối, nguệch ngoạc nhưng đầy ắp nỗi nhớ thương nồng thắm. Qua những giòng thư khó khăn, ngắn ngủi, lập lại đó, Trường như trông thấy rõ nỗi xót xa thôi thúc nơi đời sống lẻ loi, buồn bã của chị ở quê. Việc tình cờ nhận được thư chị khi đã lãng quên, không chút mong đợi, hy vọng, đã khiến Trường cảm thấy hết mọi nỗi gian truân của chị từ khi chị có chồng. Những hỏi han, dặn dò, cầu nguyện, mong đợi của chị đã viết, khiến Trường biết đến giờ chị vẫn xem mình như lúc còn nhỏ. Chị càng coi Trường như trẻ con khi nỗi xa cách đã làm cho tình thương nhớ mỗi lúc một khó nguôi, ray rứt, dật dờ trong lòng chị. Cũng có thể, sống giữa những khổ ải liên tiếp, trong những tai vạ mất hồn, chị dễ sinh lòng lo lắng cho Trường – đứa em lưu lạc, côi cút, hẩm hiu.
Bây giờ chị đã kiệt lực: Sau gần hai tháng ngã bệnh, cái thai hành hạ rỉ máu, đứa con sinh non máu me đầy mình đã tắt thở; quanh chị không bóng một người thân gần gũi (ngoài hai đứa con còn nhỏ thấp thoáng khóc la như gợi lại nhiều nỗi nhớ nhung cay đắng). Lúc Trường đẩy mạnh cánh cửa buồng, nghe tiếng Trường hỏi han, sau giây phút bàng hoàng ngơ ngác, chị đã khóc ròng. Khóc mùi mẫn. Khóc uất ức. Ngồi nghe tiếng khóc nấc nghẹn ngào đòi đoạn của chị, tự dưng Trường cũng thấy nước mắt mình chảy. Chảy tình cờ. Chảy bàng hoàng. Trước mặt anh: căn buồng tối lờ mờ, hôi hám, bừa bộn rác giấy, áo quần, ve thuốc. Anh nhìn sững sờ lên từng đồ vật im lìm, ngổn ngang, trơ trọi như đã nhìn vào từng nỗi khốn khó, cô đơn, buồn bã của chị. Chúng đã thiếu một bàn tay chăm sóc, thu dọn, tợ như chị bất động trong cơn bệnh hiểm nghèo của mình. Tiếng khóc của chị đã lắng xuống. Đã tàn hơi. Một quãng im lặng, chị bắt đầu nói tới đứa con đã mang nặng bảy tháng có khuôn mặt khôi ngô, có chiếc mũi cao giống anh Thi, có vầng tráng rộng giống Trường, có thân thể mập mạp dễ thương đã tắt thở sau khi sanh độ vài giờ. Đã từ giã mẹ cha khi chưa nhìn được mặt. Đã không cười được một lần sau tiếng khóc đầu đời ngắn ngủi, đắng cay.
Đột ngột, chị xoay trở người về phía Trường, giọng gấp gáp:
-Còn anh Thi, làm sao em nhắn về giùm chị…
Tiếng Trường nói rõ:
-Vâng, em sẽ đi ngay bây giờ. Xe Châu Thành giờ này vẫn còn chớ?
Chị thở dài:
-Còn, nhưng ảnh đã đi Dakto…
-Đi Dakto rồi?
-Đã hai ba tháng nay.
Chị đưa tay mò tìm dưới chiếc gối lấy một bức thư đã nhàu nát, đưa cho Trường, nói thư của anh Thi nhờ người lính mang về hôm tháng trước. Trường đỡ lấy thư, đẩy hé cánh cửa sổ, đọc vội vã : Thương em, trước đây dù anh rất thương em, nhớ con nhưng không thể viết thư được bởi lẽ ở đây không có trạm bưu điện nào. Nay nhân có người lính của anh về lại trung đoàn, anh vội viết thư này về thăm em và hai con. Tin cho em biết là anh đã nhận được gói đồ, cùng thư em gửi do người quen mang lên. Mười gói mì tôm, anh đã chia ngay cho mấy người bạn trong đại đội. Phần anh còn lại ba gói, lại chia cho người lính nấu cơm của anh một gói nữa. Ở đây, tụi anh có gì đều chia nhau mà ăn cả. Như đã từng chia nhau nỗi buồn, lo, trong đời sống bấp bênh, lận đận bấy lâu. Anh lại muốn được ăn những món ăn em đã gửi cho trong cái ồn ào, đùa giỡn hơn phải ngậm ngùi mà tuyệt vọng. Nếu ngồi lâu một mình bên những món đã tự tay em lo lắng dành dụm gói cột kỹ lưỡng, anh cũng đủ ứa nước mắt rồi. Cũng đủ khiến anh xốn xang bâng khuâng suốt buổi nhớ tưởng những ngày còn ở nhà, bên em và con. Anh đã có những người bạn rất chân tình, rất chung thủy. Tụi anh đã thương yêu lẫn nhau như thể để thương và an ủi cho chính nỗi khốn đốn của đời mình. Thực sự, trước đây, anh chưa bao giờ có được những tình bạn cao quý như vậy. Có thể, trong nỗi gian truân kề cận nỗi chết, tụi anh đã tìm lại được thứ tình thương thơ dại chí tình. Nhiều lúc, nhìn lũ bạn, và nhìn lại chính hình dáng bơ phờ, đày đọa của mình, anh cảm thấy tụi anh lạc lõng, ngơ ngác quá. Sao ? em vẫn còn bệnh à? Nghe tin em vẫn còn bệnh, và con vừa đau, anh lo quá. Làm sao anh có thể trở về? Làm sao anh được có mặt trong những giờ phút em cần đến sự lo lắng, xoa dịu của anh? Anh thấy anh thực có lỗi khi phải xa em và con lúc này. Nhưng, anh không còn cách nào hơn là phải chuẩn bị sẵn ba lô, và súng đạn để chờ lệnh. Hơn một tuần nay, ở trên đồi, tụi anh đã sống khát: một nón sắt nước, chia nhau uống tới bảy tám đứa. Thức ăn khô khó nuốt trôi trong cảnh núi non buồn bã. Thời tiết thay đổi lạ kỳ: tối lạnh buốt xương, buổi trưa nóng bức ngột ngạt không tưởng. Suốt ngày nằm mãi trong hầm trông ra núi rừng biên giới trùng điệp âu sầu mà thấy cách xa em quá sức . Thôi, em cho anh tạm dừng ở đây. Nói nhiều càng thêm buồn, không ích gì. Anh chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện. Cầu nguyện cho tới khi chết…”. Chuyện khổ của đời lính, Trường đã có lúc trải qua, đã nghe nhiều người kể, nhưng lần này đọc thư của anh Thi và nghe chị kể, sao anh thấy xót xa, khổ ải quá. Chiến tranh trở thành quen thuộc với những người đàn bà quê mùa, hiền hậu như chị. Những khổ nhọc của đời lính, qua giọng nói muộn phiền kinh hoàng của chị, đã khơi dậy những tưởng nhớ tối tăm của mấy năm băng rừng, lội suối, vượt đèo, leo dốc, ngủ hầm, ngủ bụi của Trường. Bây giờ anh Thi đang ở Dakto? Anh đang làm gì trên ngọn đồi lẻ loi, biệt lập, bất trắc đó ? Trong giây phút , Trường chợt thấy mình như đã cùng bám theo từng gót chân lặn lội, đày đọa của anh Thi, với một đám người lặng lẽ trong một cánh rừng già nào đó …
Trường hỏi:
-Chị chôn cất cháu ở đâu ?
-Nằm bên cạnh ông nội…
Đứa cháu bảy tháng đã nằm chung một chỗ với ông nội nó đã bị đạn pháo trước đó. Lúc còn, ông có ngờ rằng sẽ có một đứa cháu bảy tháng bỏ cha mẹ ra nằm với mình không? Chắc được nằm bên ông nội, nó sẽ không đến nỗi lạnh lẽo, cô độc. Chiến tranh đã lần lượt giết chết tất cả. Giết chết người lớn. Giết chết trẻ con. Trường nhìn chị qua cơn quặt thắt, nghĩ giá có anh Thi ở nhà, chắc chắn đứa trẻ khôi ngô, mũi cao, trán rộng, mập mạp kia khôngchết oan ức sớm sủa như thế. Vừa lìa khỏi bụng mẹ sau bảy tháng ấm cúng, hy vọng, nó đã tắt thở sau vài giờ. Cuộc sống của nó chỉ có bảy tháng và vài giờ đồng hồ. Trường không ngờ, lúc này, một đời người đôi lúc chỉ là vài tháng âu yếm, nồng nàn. Đòi sống của một đứa trẻ mới hôm nào đây, chỉ được bảy tháng. Đã bao nhiêu năm nay, những đời sống mong manh, ngắn ngủi như vậy kể làm sao cho xiết? Bảy tháng: đứa trẻ chỉ biết khóc, không được cười một lần bên nôi mây chờ đón êm đềm. Bảy tháng: đứa trẻ chưa được người mẹ xanh xao kia bồng ẵm một lần. Bảy tháng: đứa bé chưa được người cha bị đày ải nọ nhìn mặt một thoáng. Bảy tháng, một đời.
Trường buột miệng, nói:
-Nếu có anh Thi ở nhà…
Phải, nếu có anh Thi ở nhà, chắc thằng nhỏ kia không chết. Trong nỗi cô độc, nghèo khó một mình, chị làm gì có thể giữ lại được con ?. Trường định hỏi chị về mấy người bà con ở gần, nhưng lại nghĩ tới chuyện buồn cũ của chị, đành thôi. Anh nhớ, có lần nhắc tới những người bà con, chị đã vội nói “Thôi, đừng nhắc tới chuyện bà con nữa”. Thôi, em đừng nhắc tới chuyện bà con nữa. Vâng, em sẽ không nói tới những người bà con bạc bẽo đó nữa đâu. Nói tới làm gì cho thêm buồn, phải không chị? Trường chợt nhớ tới vài nét mặt quen gặp của mấy người bà con phía chồng của chị. Người chị dâu có đôi mắt hom hem, đỏ kè, lời nói ngọt như rót mật vào tai nhưng tâm địa lại hẹp hòi, xoắn như con ốc!. Chị ta ưa sanh sự, bắt bẻ, nhỏ mọn. Bà cô già trở chứng muốn chửi bới, gào thét lúc nào tùy ý. Ông cậu là bợm nhậu đã hạch sách chị trong một bữa kỵ về chuyện giỗ chay, giỗ mặn. Đứa em gái thường trở về bĩu môi khinh khỉnh xúc phạm tới sự côi cút, nghèo khó của chị dâu mình bên nỗi ganh tị được nhen nhúm ray rứt từ những đám ruộng, đám soi hương hỏa. Giữa những bà con cô bác như thế thì làm gì có được một bàn tay xoa dịu, một câu nói an ủi chị trong cơn tối tăm, ngặt nghèo này? Vâng, em sẽ không nhắc tới những người bà con nữa đâu. Suốt một đời chúng ta, ngoài hai chị em còn lại, chúng ta đâu có thấy một người bà con cật ruột nào tốt bụng, hảo tâm phải không?
Cánh cửa buồng bị gió đóng sập lại. Căn buồng mất ánh sáng, tối lờ mờ. Trường vén mùng, đặt một bàn tay lên trán chị. Đặt một bàn tay lên nỗi đau đớn, lạc lõng của chị. Trường giữ yên bàn tay, muốn giữ lại thật lâu. Anh muốn để cho chị biết rằng, chị sẽ không bơ vơ nữa. Chị còn có môt người chồng đi lính ở xa chưa về kịp. Chị đang có một người em ngồi cạnh hết lòng yêu thương chị. Em không làm sao quên được mái tóc chị óng ả thả dài dưới lưng, nụ cười chị hiền thục ấm cúng, trong những ngày âm thầm chiu chắt bên nhau ở H.Đ. Chị của mười năm kháng chiến như một con chim líu lo quấn quít bên đứa em ngơ ngác. Chị của mấy năm tiếp thu lầm lũi cúi xuống bên những nhọc nhằn túng quẫn, chăm sóc em như một người mẹ thơ ngây, nặng tình. Chị của những ngày có chồng khóc ròng khi rời khỏi tay đứa em đã mười mấy năm trời lận đận, gắn bó. Chị của vùng trời tuổi thơ, chị của bóng mát yêu dấu, bây giờ gầy hư, gian khổ như thế sao? Vẫn đặt bàn tay trên trán chị, Trường hỏi:
-Chị thấy trong người như thế nào?
-Cũng thường.
-Có còn mệt lắm không?
-Không.
Cũng thường. Cũng thường là thế nào? Không. Không. Có bao giờ chị nói tiếng “có” đâu? Cũng thường, không- Trường chưa bao giờ nghe chị than vãn, kêu ca, nhờ cậy tới những người chị yêu thương cả. Dường như đã bao năm qua, chị chưa bao giờ nghĩ tới cho thân chị, cho niềm vui, hạnh phúc của riêng chị một lần. Sao chị lạ lùng thế ? Sao chị kỳ quặt vậy ? Chị có biết thân chị quí biết bao cho cuộc đời côi cút, hẩm hiu của em không?
Im lặng một lát, chị nói:
-Em xuống pha cho chị một ly sữa…
Trường rụt tay lại khỏi trán chị, đứng dậy. Em xuống pha cho chị ly sữa. Nếu chị sai bảo em chuyện gì nặng nhọc mấy em cũng làm huống là đi pha sữa. Xưa nay, đây là lần đầu tiên, chị mở miệng nhờ đỡ tới Trường. Điều này khiến anh yên tâm, vui sướng. Và, kế đó, cũng đã khiến anh bâng khuâng, lo lắng hơn cho bệnh tình của chị. Bấy lâu, chị đã không có nhờ ai pha sữa ? Chắc chị đang đói và khát lắm ? Nếu không có mình, ai sẽ pha sữa cho chi bây giờ? Mấy tháng đau yếu, chị chỉ cần một ly sữa thôi sao? Trường mở tủ tìm sữa theo lời chỉ của chị, nhưng sữa đã hết. Anh vội vã chạy ra trạm xe bus mua lại bốn hộp sữa và bốn trái cam…
Tiếng Hương từ dưới thang gác nói vọng lên:
-Anh Trường, anh Trường ởi, má nói mời anh xuống ăn cơm.
Trời đã tối? Trường mở bừng đôi mắt: bóng tối lãng đãng mờ nhạt trên căn gác rộng. Gió biển thổi lạnh rần. Anh ngồi dậy, xốc lại áo quần, nghĩ bụng ăn chút đỉnh rồi sẽ lên phố đi tìm mua thuốc cho chị.
Người lính đẩy cửa bước vào, thấy Trường, anh ta gật đầu chào. Anh ta có vẻ do dự, ngỡ ngàng. Tới khi mời anh ta vào hẳn trong nhà, Trường mới thấy cái huy hiệu chuẩn úy sơn đen đã sờn tróc, loang lổ ánh đồng. Người lính gắng gượng tươi cười:
-Xin lỗi, đây có phải nhà Thiếu úy Thi…
-Phải, phải, anh – Trường vồn vã, nóng nảy.
Người lính mím chặt đôi môi- im lặng một lát, giọng ngại ngùng:
-Anh có nhận được tin gì về anh Thi chưa?
-Chưa. Sao? Anh có biết gì…
Người lính cúi xuống nhìn mũi giầy mình, giọng chậm chạp:
-Tôi ở cùng đại đội với anh Thi.
-Sao ? Anh Thi bây giờ thế nào? Tôi nghe nói trên đó đánh dữ lắm?
-Vâng, đánh từ hôm ngày 3, bây giờ đã hơn một tuần lễ Tiểu đoàn chúng tôi bị vây dưới ngọn đồi khi đang di quân. Chúng tôi ở cùng đại đội, lúc được lệnh mở đường máu, chúng tôi cùng chạy một bọn với nhau. Sau đó, bị pháo quá, chúng tôi lại thất lạc. Nhưng một hồi, lại gặp. Lúc gặp lần sau, tôi thấy anh Thi mang thêm một chiếc ba lô, hỏi của ai, anh ta nói của người lính nấu cơm. Người lính nấu cơm bị thương, phải chạy tạt lên đồi, vất ba lô.Thấy vậy, anh ta mang hộ. Tới lúc tán loạn bởi pháo, và đủ loại súng ồ ạt, tôi bảo anh ta vấ ba lô đi, anh ta mới chịu. Tụi nó hễ thấy ba lô là nhào lại lấy. Có lẽ chúng cũng đói quá rồi. Chúng đã chết vì dành lấy ba lô cũng nhiều lắm…
-Nhưng bây giờ anh Thi thế nào? Trường nóng nẩy hỏi.
Giọng người lính đượm buồn, nhưng rõ :
-Không, anh ấy vẫn khỏe…
-Nghĩa là không có hề gì chứ anh?
-Vâng, lúc sau này, trước khi thất lạc lần chót, anh ta vẫn khỏe…
Trường đoán biết có nhiều nỗi áy náy, dấu diếm nơi những cử chỉ gắng gượng, khó xử, buồn bã của người lính. Mỗi khi nghe câu hỏi của Trường, anh ta trả lời có vẻ khó khăn, ngẫm nghĩ giây lâu. Sao anh ta lại hỏi “Anh có nhận được tin gì về anh Thi chưa?” khi đã ở cùng đại đội, đã kề cận nhau trong những giây phút bị vây hãm, ác liệt như vậy? “Không, anh ấy vẫn khỏe…” câu nói không chút dứt khoát lại ẩn nhiều bối rối, ngập ngừng. Trường còn nhìn thấy rõ những gai lạnh rờn nổi lên ở dưới cổ, trên nét mặt anh. Trường hỏi tiếp:
-Nhưng hiện nay anh Thi thế nào, anh cứ nói thật cho tôi biết…
-Khi tôi bị thương, được người bạn dìu lên đồi, kiểm điểm lại sau đó không thấy thiếu úy Thi…
Trường nghe bủn rủn cả người. Cơn lạnh toát ra từ chỗ lồng ngực dồn dập hơi thở. Kiểm điểm lại sau đó không thấy thiếu úy Thi?
-Vậy anh Thi đã mất tích?
-Đoán chừng vậy…
Người lính nhìn chậm lên mắt Trường, thở dài. Nghe tiếng chị gọi trong buồng, Trường rời người lính. Lát sau, Trường dẫn anh ta vào chỗ nằm của chị. Sau câu giới thiệu của Trường về người lính, chuẩn úy, cùng đại đội với anh Thi, bị thương trở về, chị như muốn chồm ngồi dậy. Trường phải dằn chị nằm xuống.
-Nhà tôi bây giờ ra sao, anh ?
-Vẫn khỏe, chị.
-Ảnh có nhận được gói đồ tôi gửi rồi mà…
-Vâng, có. Buổi chiều nhận được gói quà anh có chia cho tôi hai gói mì…
Người lính với giọng Bắc chậm rãi, nặng nề, chừng mực, làm Trường thấy khác lạ với gương mặt trẻ măng, thư sinh của anh. Có lẽ nỗi gian truân đã biến anh thành chai sạn, già dặn nhiều đi.
-Anh bị thương à…
-Tôi bị thương ở chân, cũng nhẹ thôi. Tôi nằm ở quân y viện Kon Tum gần một tuần, mới được chở về đây hôm qua…
-Nhà tôi sao không bị thương hả anh? Tiếng chị cất lên, thảng thốt.
Người lính cười mơ hồ:
-Không.
-Chừng nào trung đoàn lại trở về Phù Mỹ, anh? Trường hỏi, giọng bối rối.
-Có lẽ cũng sắp…
-Trời, cầu mong cho anh Thi được trở về - chị thở dài, lặng lẽ.
Trường đưa người lính trở ra, nghĩ tới sự trở về của một người bị mất tích từ vùng lửa đạn ngợp trời của núi đồi Dakto mà thấy thương cho ước mong của chị. “Trời, cầu mong cho anh Thi được trở về”. Tấm điện tín mà Trường đã gửi ra trung đoàn, hậu cứ của tiểu đoàn, nhờ gọi anh Thi về vì vợ đang sẩy thai, đau nặng, chắc gì anh ta nhận được? Anh đã bị mất tích lung linh ở hốc đá, xó rừng nào ở đó? Hay anh đã chết thảm trong bụi bờ khe suối bạt ngàn lạnh lẽo?. Trường mời người lính ngồi lại bàn, giọng rất khẽ :
-Có hy vọng nào sống sót không anh ?
-Cũng khó …
-Khó lắm à ?
-Anh nghĩ, với bom đạn kiểu đó, làm gì …
-Vậy làm sao tôi có thể biết thêm được tin tức ?
-Vô ích.! – Tiếng người lính buông thõng, khô khốc.
Vô ích. Vô ích. Anh ta còn kể lại chuyện người lính thám báo bị thương nằm thoi thóp dọc đường cũng bị bỏ rơi giữa rừng, anh trung sĩ gãy một chân không lê gót nổi bị những nhát dao chém xuống, ngọn đồi cao dựng đứng đầy vết đạn cày, từng bước máu đổ …. Qua lời anh, Trường không tìm được một chỗ nào yên lành dành cho sự sống của anh Thi ẩn núp cả. Vô ích. Chín phần mười nỗi chết đã chiếm mất anh ta rồi. Một phần còn lại dành cho sự sống lúc này mong manh quá đỗi !
Theo lời chị - Trường nài nỉ người lính cùng đi ra trung đoàn để hỏi thăm tin tức của anh Thi. Ban đầu anh ta từ chối, rồi hẹn, nhưng với lòng thành khẩn, mong mỏi của chị Trường, anh ta đành nhận lời.. Lúc nhận chịu đi, anh ta phân trần nói đáng lý ra đó là bổn phận của anh đối với bạn bè, nhưng… nhưng lúc này, cái chân anh vẫn còn mảnh đạn, đang đau nhức. Đi lại còn khó khăn
Chiếc xe autobus Châu Thành chạy suốt Bồng Sơn chở hai người từ Đập Đá qua Gò Găng, Phù Cát, Chợ Gồm, Phù Ly, Nhà Đá dừng lại trước cổng trung đoàn lúc 11 giờ 45 phút. Người lính dặn Trường tới ngồi đợi ở quán Tuyết Mai của cô Lãnh nào đó xa cổng trung đoàn để anh tiện vào lục hỏi tin tức. Trường bước vào quán, cô gái (chắc tên Lãnh như lời người lính nói) cười, đón mời. Trường uể oải ngồi xuống ghế, nhìn lơ đãng ra ngoài. Ánh nắng oi nồng, héo hắt, vắng lặng từ phía đường trống. Con đường vắng. Chiếc quán vắng. Trường hỏi:
-Cô Lãnh còn nhớ tôi không? Cô gái cười chúm môi, ngạc nhiên:
-Sao ông lại biết tên tui ?
-Cô dễ quên quá, Trường cười dễ dãi sau câu nói.
Im lặng một lát, Trường nhìn quanh quán, nói:
-Lính đi, quán vắng quá hả cô ?
-Dạ …
-Cô có người thân nào lên trên đó không?
-Không, nhưng có người anh làm ở hậu cứ.
Ý Trường muốn hỏi cô Lãnh có người tình, người chồng nào đang ở Dakto không, nhưng cô gái trả lời khác. Làm gì một cô gái xinh xắn, dịu dàng như vậy lại không có một người tình? Trường bỗng cười dòn:
-Cô không có người tình nào đang dự trận trên đó chứ ?
Cô gái thấy Trường dạn dĩ, ngang nhiên, nói năng cười cợt bất thường, bẽn lẽn cúi đầu. Khá. Còn ngượng ngùng e lệ khi nói tới tình yêu như thế là đã hiếm lắm rồi. Đợi cô gái ngẩng lên, Trường nhắc:
-Tôi hỏi thiệt đó, không nói giỡn đâu…
-Không, làm gì có ! 
-Chưa có bồ thiệt à ?
-Thiệt mà…
Cô gái lại cười. Khó tin mấy cô lắm. Hơi sức đâu mà tin mấy cô về chuyện bồ bịch. Nghĩ vậy, Trường ngôi yên, sau khi gọi cho mình một ly soda chanh. Trường xem đồng hồ, đã 12 giờ đúng. Anh nóng ruột ngó mông lung ra đường chờ người lính quay trở lại. Ở nhà chắc chị cũng đang bồn chồn, nóng nảy đợi chờ ? Trời, cầu mong cho anh Thi được trở về. Trường cúi đầu: Em cũng cầu mong như thế.
Cô gái ngồi sau quày hàng, lấm lét nhìn Trường. Chợt, anh nghe giọng cô mừng rỡ:
-A, anh Hùng…
Anh Hùng, người lính đã trở lại. Hùng kiễng chân bước xuống dốc, vào quán. Trường đặt mạnh ly nước xuống bàn, đứng bật dậy:
-Chết rồi!
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long