MANG VIÊN LONG
 
Thầy Tôi
Truyện Ngắn
 
 

Trong cuộc sống bề bộn, và cũng lắm gian nan của mình, tôi vẫn thường có những giờ phút ngồi yên lặng một mình – nơi đầu hiên nhà, bên gốc cây vú sữa rợp bóng mát ngoài vườn, hay một góc quán café nào đó ; để nhớ lại “chuyện cũ”. Cái “bệnh” ưa nhớ lại dĩ vãng, kỷ niệm của tôi ngày một “nặng” hơn khi bước qua tuổi năm mươi ! Khi có dịp nhớ lại quãng đời tuổi nhỏ còn ngày hai buổi cắp vở đến trường – ròng rã 12 năm, tôi luôn nhớ đến Thầy Phan Trọng Văn. Tên của Thầy là “Văn” mà thầy cũng dạy chúng tôi môn Văn. Riêng ở lớp tôi, Thầy dạy luôn môn tiếng Anh – nên là giáo sư (thuở ấy dạy cấp 2 và 3 đều gọi là “giáo sư” đệ nhất, đệ nhị cấp) hướng dẫn ; vì có nhiều giờ đến với lớp.
          Thuở ấy, đa số giáo viên đi dạy, đều ăn mặc sang trọng – nhất là quý thầy cô trẻ. Nữ giáo viên luôn mặc áo dài. Nam giáo viên luôn thắt cravate. Có giáo viên mỗi ngày thay hai màu cravate, một tuần có đến chín mười chiếc cravate khác nhau. Riêng thầy Văn, chúng tôi để ý thấy, Thầy chỉ đeo “con mực khô” ấy vào hai dịp khai giảng và bế giảng. Thường ngày chỉ áo sơ mi ngắn tay, chiếc quần mầu nâu thẫm; nếu là mùa lạnh, thì khoát thêm tấm áo veston cũ bằng vải nĩ dày mầu vàng đậm, kẻ sọc vuông xanh nhạt. Bộ y phục ấy dường như “tứ thời” vẫn thế, khiến chúng tôi luôn nhớ  rõ, và đặt cho thầy một cái tên thân mật “Thầy Văn độc y” (thật ra thì thầy vẫn có nhiều y phục, nhưng model, màu sắc thì  gần giống nhau).
          Thầy dạy và hướng dẫn lớp tôi vào năm lớp 9 – chuẩn bị thi Trung học. Nếu đậu, thì sẽ được lên lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) ; nếu hỏng, thì sẽ vào học lại trường tư thục nếu có tiền ! Mà kỳ thi trung học tỷ lệ đậu năm nào cũng không cao hơn 60 phần trăm cho trường công và 40 phần trăm ở trường tư.
          Trong giờ sinh hoạt lớp đầu tiên, thầy lướt nhìn qua sổ điểm danh, chậm rãi nói : “Lớp có 45 em, vậy trong số này có em nào mồ côi cả cha lẫn mẹ không?”. – Có cả thảy tám học sinh giơ tay, trong số ấy có tôi. Thầy cẩn thận hỏi và ghi tên từng người.
          -Em nào mồ côi  mẹ ? – Thầy hỏi tiếp.
          Lớp có 5 học sinh giơ tay.
          -Em nào mồ côi cha ?
          Lớp có 10 học sinh giơ tay.
          Thầy ghi tên tất cả vào quyển sổ nhỏ, rồi mới bắt đầu bầu chọn lớp trưởng, lớp phó và các trưởng ban phụ trách công việc của lớp…
 
          Việc thầy ghi tên những học sinh mồ côi cha mẹ chỉ trong gần một tháng sau, là chúng tôi biết được ý định của thầy : Khi kiểm tra bài, làm bài, thầy luôn chú ý nhắc nhở ; luôn có sự rộng lượng hơn những học sinh có hoàn cảnh tốt. Trong số tám học sinh mồ côi cả cha mẹ, thầy tìm đến nhà trọ thăm tôi đầu tiên. Lúc ấy, cả tỉnh chỉ có một trường trung học công lập, học sinh ở các xã, quận như chúng tôi phải giở gạo mắm lên tỉnh trọ học.
          Đầu giờ sáng thứ hai hôm sau, ghé lại chỗ tôi, thầy dặn : “Khoảng 6 giờ chiều nay, em đến nhà trọ của thầy để có chút việc nhé!”. Sau giờ học, lũ bạn bu quanh tôi hỏi chuyện. Chính tôi cũng không rõ “chút việc” của thầy là việc gì, làm sao có thể trả lời thỏa mãn cho các bạn được?
          Lời thầy dặn như in trong trí, không bao giờ chúng tôi làm sai hẹn. Tôi hồi họp chờ đợi suốt buổi chiều. Tôi cũng  thử đoán “Việc gì sẽ xảy ra” nhưng dò dẫm mãi cũng không rõ. Tôi nhớ lại buổi chiều chủ nhật vừa qua – thầy chỉ đến thăm tôi, hỏi qua hoàn cảnh, sinh hoạt ăn học hiện tại, rồi thầy trò chia tay. Nhìn tôi mắt đăm chiêu của thầy, tôi cũng nhận ra được phần nào nỗi cảm thông sâu sắc của thầy đã dành cho tôi.
          Tôi rụt rè bước vào phòng riêng của thầy, khép nép ngồi xuống ghế. Thầy vui vẻ hỏi ngay :
          -Em có thích làm précepteur không?
-Thưa thầy, thích… nhưng… - tôi ấp úng trả lời.
          -Vậy là tốt rồi – thầy mỉm cười, em học khá, có thể tự học tốt và dạy thêm. Thầy có một người bạn quen, đang cần người dạy kèm…
          -Thưa thầy, lớp mấy ạ ? Tôi cảm thấy rất vui.
          -Lớp Năm. Em dạy được không ? Chỉ một môn toán thôi – Dừng một lát, thầy tiếp – mỗi tuần 3 buổi tối, em sẽ có thêm hàng tháng 50 đồng !
          Thế là tôi miệt mài đi dạy thêm, có khoảng tiền đủ để mua gạo và chi phí lặt vặt mỗi lần phải đi xe về thăm quê. Ngoài tôi, sau này thầy còn giới thiệu cho  Viên ăn ở luôn tại nhà một vị phụ huynh để kèm dạy thêm cho hai đứa nhỏ. Thỉnh thoảng, thầy lại “treo giải thưởng” cho người nào có bài luận văn hay, bài soạn đầy đủ, hay trả lời được câu hỏi khó khi thầy giảng văn ở lớp…Phần thưởng thường là một tập truyện, tập thơ hay một cây bút máy… Sau này, khi thầy không còn dạy lớp tôi nữa, vài đứa bạn còn cho biết – thỉnh thoảng thầy còn “bỏ tiền” vào vở làm bài mang về nhà cho mấy đứa có hoàn cảnh khó khăn với lời dặn dò thân thiết…
          Sau năm 1978, với chủ trương giảm biên chế giáo viên cũ, nhất là các môn xã hội – Thầy về quê. Mãi đến năm 1990, chúng tôi mới được tin vợ chồng thầy đã ly hôn. Viên còn kể rõ, chính vợ thầy – cô gái trẻ đẹp ngày nào làm thâu ngân cho Pharmacie Thảo Phương đã một mình làm đơn  yêu cầu tòa cho  xử  ly hôn. Thầy không đồng ý ký vào đơn. Ngọc Huyền còn bảo, thầy đã trả lời dứt khoát với vợ : “Nếu cô muốn thì hãy làm theo ý mình, tôi không bao giờ chịu bước chân đến nơi ấy, vì lẽ tôi rất yêu cô!”.
 
          Tôi không rõ mấy đứa bạn đã “sưu tầm” các tin tức về thầy từ nơi nào, nhưng tin nào cũng làm cho tôi cảm thấy buồn bã và thương nhớ thầy da diết. Chúng tôi đã trưởng thành vào đời – đứa nào cũng có gia đình, có công việc riêng để lo toan bận rộn, nên chưa có ai đi tìm để thăm lại thầy. Nhất là sau lần chính Hạo nhân đi công tác, tìm về quê thầy, nhưng lại có tin thầy đã lang bạt ở nơi nào rồi !
          Chúng tôi thật vui mừng khi Bích Nguyệt trong chuyến tham quan Đà Lạt, đã tình cờ gặp thầy ở một góc phố bên cái tủ nhỏ “sửa chữa kính đeo mắt”… Có sẵn địa chỉ rõ ràng, lại có  Nguyệt xung phong hướng dẫn, đoàn chúng tôi thuê một chiếc xe 16 chỗ ngồi lên đường đi Đà Lạt ngay.
          Xe đến thành phố đã hơn 5 giờ chiều, tất cả đều đồng ý đến ngay chỗ thầy làm việc – không đợi được đến sáng hôm sau. Nhìn thấy được chiếc tủ kính nhỏ và dáng thầy đang lúi húi mài dũa phía sau ; chúng tôi mở cửa xe, chạy ào đến bu quanh thầy.
          Với nét mặt ngạc nhiên và bàng hoàng, thầy đưa mắt nhìn khắp một lượt chúng tôi – như cố nhớ lại, rồi kêu lên : “À… các em!” . Hơn ba mươi năm mới được gặp lại thầy, chúng tôi cũng nhìn thầy từ đầu đến chân: “Tóc thầy để dài hơn, râu thầy nhiều hơn, nhưng gương mặt và đôi mắt thì luôn mỉm cười!”.
          Chúng tôi chờ thầy thu dọn tủ đồ nghề, đẩy đến gởi vào nhà một người cháu ở gần đó. – Tiểu Hương lễ phép thưa :
          -Thưa thầy, từ khi xa thầy, chúng con rất nhớ, nhưng không thể tìm đến thăm thầy được – mong thầy tha thứ. Hôm nay, nhờ chị Nguyệt hướng dẫn, chúng con đến thăm thầy. Chúng con xin chúc thầy dồi dào sức khỏe và hạnh phúc…
          Thầy lại nhìn một lượt chúng tôi, một thoáng do dự – thầy cười :
          -Thầy cảm ơn các em. Nhưng lời chúc của Tiểu Hương thầy chỉ xin nhận một nửa !
          -Sao lại một nửa, thưa thầy ? – Thủy kêu lên.
          -Thầy chỉ nhận “sức khỏe”, còn “hạnh phúc” thì xin gởi lại cho các em…
          Chúng tôi đều ngầm hiểu ý thầy, khi nhớ lại những tin tức về thầy trước đây. Tiểu Hương đã “văn vẻ” và cẩn thận quá, nên đã lỡ chạm vào nỗi đau của thầy rồi.
          Thầy vui vẻ nhận lời mời của chúng tôi, cùng lên xe, đến một nhà hàng gần khu chợ Hòa Bình. Thật là một cuộc sum họp đầm ấm, hạnh phúc biết bao cho cả thầy trò chúng tôi. Được ngồi lại bên nhau khi tóc thầy đã bạc. Khi chúng tôi đã trải qua hơn nửa đời người. Khi cuộc sống có biết bao đổi thay, mà tình thương vẫn còn nồng nàn muôn thuở.
          Sau vài lần cụng ly trăm phần trăm với Hùng, với Thọ, với Quảng – tôi  đề nghị thầy đọc thơ cho chúng tôi nghe.
          Thầy cười :
          -Thầy chỉ dạy văn, yêu thơ – chứ có biết … thơ thẩn gì đâu?
          -Có! Thủy lại kêu lên – thầy “dấu nghề” mà…
          Đưa ly bia lên hớp một ngụm, thầy đăm chiêu nói: “Được rồi, để ghi nhớ lần gặp gỡ khó quên nầy, và cũng để đáp lại tấm lòng các em, thầy xin đọc tặng các em 4 câu…”
          Tất cả chúng tôi đều vỗ tay – chờ đợi…
          -Nhưng thầy cũng “chú thích” thêm, đây chỉ là 4 câu, chưa biết có phải là… thơ hay không đó nhé!
          -Thưa thầy, chỉ cần 4 câu thôi – gịong Hùng lừ đừ, mặt đã đỏ như gấc.
          Trước khi đọc, thầy lại đề nghị tất cả chúng tôi đều nâng ly lên, cụng ly chúc mừng ; khi các ly bia đều cạn – thầy đọc, giọng trầm trầm :
          “Chữ thơ, chữ thợ cũng gần
          Làm thơ, làm thợ – thầy mần cả hai!
          Làm thợ thì để sinh nhai,
          Làm thơ thì để… lai rai đỡ buồn!”
          Tất cả chúng tôi đều vỗ tay  rộ lên cười…
          Những ly bia sóng sánh vàng lại tiếp tục nâng lên – nâng lên …

 
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long