MANG VIÊN LONG


Thương Nhớ Bến Tre

Miền tây nam bộ gồm có 12 tỉnh và một thành phố, nhưng tôi chỉ được “biết và nhớ” ba tỉnh là Cần Thơ, Bến Tre và An Giang. Năm đầu vào học ở Sài Gòn, tôi có quen với một cô bạn người Miền Tây đang học bên Văn Khoa tên HNP ở đường PTG, thành phố Cần Thơ. Mùa hè năm ấy, trước khi quyết định trở về học ở trường QGSP Qui Nhơn, tôi có tìm đến Cần Thơ để từ biệt nàng. Thuở ấy, từ Sai Gòn đi Cần Thơ phải qua hai bắc Mỹ Thuận và Cần Thơ, có khi ngồi chờ qua mỗi phà mất gần hai giờ. Như vậy, khởi hành chuyến sớm đầu ngày, gần chiều tối mới vào được thành phố.
Một ngày ở Cần Thơ, chúng tôi chỉ chở nhau trên chiếc xe Velo solex đi quanh quẩn trong thành phố, rồi ngồi suốt buổi ở Bến Ninh Kiều nhìn ghe thuyền ra vào và hóng gió biển! Bến Ninh Kiều thuở ấy vắng, hơi luộm thuộm, nhịp sống êm ả, quang cảnh an bình, như nhiều thị xã, thị trấn khác ở vùng đồng bằng sông nước xanh ngát, tươi trẻ! Cần Thơ vì thế chỉ còn đọng lại trong tôi gương mặt nhu hiền của người bạn gái qua bao tháng năm. Rồi hình bóng “người xưa” cũng mờ dần theo năm tháng khi nàng mất liên lạc với tôi sau đó. Năm 1970 - một dịp tình cờ khác, qua tạp chí Văn, tôi nhận được thư của một nữ độc giả quê Bến Tre nhưng đang làm việc tại Sài Gòn…
Sau gần một năm thư qua tin lại, tôi vào Sài Gòn dự thi ở trường Luật, được gặp nàng, cùng nhau café ở Kim Sơn, và sau đó, được mời về Bến Tre thăm quê nàng nhân ngày Chủ Nhật. Năm ấy, gia đình nàng phải dời nhà từ bên kia sông, sang sống bên này sông, gần một khu chợ nhỏ, cách xa huyện lỵ Mỏ Cày hơn ba chục cây số.
Tôi đứng bên này dòng Tiên Thủy, có thể nhìn thấy Khánh Hội với xóm nhà lá trong vùng cây trái xanh biếc, cách bờ sông không xa. Xóm nhà dọc bờ sông bạt ngàn dừa, im vắng. Vài chuyến đò ngang thưa thớt, lặng lẽ vượt sóng nước cuồn cuộn ngầu đỏ, trong ánh chiều êm đềm, thơ mộng…Tôi chợt nhớ đến câu ca “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/ Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày”, cùng lời tự tình mộc mạc nhưng thật chí tình của cô gái nào đó:
“Chừng nào Cầu Đá rã tan
Sông Hàm Luông lấp cạn mới quên lời thề!”
Cảm thấy thương quý vô cùng vùng đất trời phương xa lần đầu tiên được đặt chân đến. Tôi nhớ, Chế Lan Viên cũng có lần bày tỏ “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, thì với tôi, sao khỏi nặng lòng với những tấm chân tình như thế này:
“(…)Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà em”
(Ca dao Bến Tre)
Tôi đã biết từ lâu đất Bến Tre nổi tiếng với cụ Đồ Chiểu (1822 – 1888), Sương Nguyệt Ánh (1864 - 1921) của vùng đất Ba Tri, và anh hùng chống Pháp - lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1822 - 1888) của Giồng Trôm; nhưng được nhìn thấy tận mắt đất trời của một vùng non nước bao la, xinh đẹp - nhất là những con người của vùng đồng bằng mênh mông sông nước rất “hào hiệp trong cuộc sống, bình đẳng trong giao tiếp, ít bào thủ” (1), mới thật sự nhận chân được giá trị của những tấm gương dũng cảm của tiền nhân đã hy sinh cho cuộc đất mới ngày càng phồn vinh như hôm nay…
Sau lần về Bến Tre với “Tiên Thủy” ngày ấy (tôi đã tạm gọi nàng bằng cái tên mới này), chúng tôi ít có cơ hội gặp lại nhau, dù ở Sagion, bởi tôi bị cuốn hút vào những tháng năm bất an lao đao thời chiến. Chúng tôi chỉ thư thăm nhau, ròng rã ba năm, thì đến ngày 30 tháng 4.1975. Sau cơn dâu biển ấy, chúng tôi hoàn toàn thất lạc nhau.
Trong gần ba năm lận đận (1972 - 1975), rày đây mai đó, tôi thường gởi cho nàng “giữ hộ” những bản thảo viết tay (trước đây viết bằng máy chữ ba bản để lưu giữ). Đó là những truyện ngắn, tạp bút, viết xong chưa kịp đọc lại. Có truyện, gặp dịp, tôi tự gởi cho các tạp chí thường cộng tác như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề (…). Tôi viết, và gởi đi - như một chia sẻ, cho vui; không nghĩ gì thêm. Cuộc sống trước mắt chưa yên, làm sao nghĩ được đến chuyện ngày mai?
Mãi đến năm 91, trong một lần lang bạt vào Sài Gòn, gặp lại Vượng - cậu em út của nhà văn Y Uyên. (Khi tôi ghé thăm nhà Y Uyên ở khu Xóm mới Gò Vấp năm 68, thì cậu ta còn rất nhỏ). Anh em gặp lại nhau, rất mừng. Vượng hỏi tôi “Anh muốn đi thăm đâu, em chở anh đi?”. Sẵn có chiếc xe của công ty Vượng đang làm việc, tôi cười: “Đi Bến Tre nhé?”. Vượng vui vẻ nhận lời…
Khi xe rẽ vào con đường rải đá nhỏ giữa rừng cây, rừng mía, còn hoang vắng để vào Khánh Hội, Vượng hỏi: “Ông anh tìm thăm ai vậy?” - “Người bạn văn năm xưa thôi!”. Xe dừng lại bên này sông Tiên Thủy. Con đò duy nhất đang quay mũi trở lại. Vượng nói: “Anh đi với Tân nhé! Cậu ấy là tái xế, nhưng là “chuyên gia” tìm địa chỉ của công ty (2) em đấy!”.
Lên đò, lênh đênh giữa dòng nước cuồn cuộn, tôi nhớ quá bến sông năm xưa, đã cùng Tiên Thủy ngắm nhìn. Cũng dòng nước chảy siết, cũng màu nước đục ngầu, cũng bầu trời lãng đãng mây nhưng lúc này sao hiu quạnh, lạnh lẽo quá! Tôi rất nóng lòng gặp lại nàng sau hơn hai mươi năm biền biệt!
Trong hai mươi năm ấy, tôi đã viết được mấy truyện “Người Lưu Giữ Bản Thảo”, “Phố Nhỏ, Những Ngày Mưa”. “Tiên Thủy” - thấp thoáng hình bóng nàng…
Chúng tôi không khó để tìm thấy ngôi nhà nằm giữa vườn cây yên tĩnh mà Tiên Thủy đang sống với các em. Nhà trước khá rộng, nhà cấp bốn nhưng kiên cố, thoáng mát. Gặp cậu em (mà tôi chỉ liên lạc qua thư, nhờ chuyển, trước đây) đang lai rai với mấy người bạn hàng xóm, gắng níu kéo tôi vào bàn nhậu. Tôi phải mấy lượt xin lỗi, vì thời gian ghé thăm không nhiều, còn người bạn đang chờ bên kia sông. Cậu em hướng dẫn chúng tôi qua ngôi nhà lá nằm sâu hút tận cuối vườn, phải qua hai cây cầu khỉ cheo leo.
Tiên Thủy bước ra cửa, ngỡ ngàng: “Chào hai anh!”.
- Chào em…
- Anh khỏe không?
- Anh xin lỗi, tìm đến thăm em muộn…
Tôi nhìn thấy nàng gầy, xanh xao lạ thường!
Sau hai giờ ngồi ở hiên nhà thăm hỏi tin nhau, ăn nhãn lồng và chôm chôm vừa được cô em gái ra sau vườn hái mang vào, chúng tôi tạm biệt…
Sau lần gặp nhau ấy, tôi không có dịp trở lại Bến Tre. Năm 1995 - Tiên Thủy gởi lại cho tôi những xấp bản thảo tôi đã gởi cho nàng trước đây, và những tờ tạp chí có đăng truyện của tôi mà nàng đã mua được lúc còn ở Sài Gòn; với một mảnh giấy nhỏ, ghi vỏn vẹn dòng chữ: “Em xin gởi lại cho anh”. Ít lâu sau, tôi nhận được điện thoại (thuở ấy vẫn dùng điện thoại bàn thôi) của cô em gái Tiên Thủy, báo tin nàng bị ung thư, đang trong thời gian điều trị. Tôi đề nghị được nói chuyện với nàng nhưng cô em nêu nhiều lý do, từ chối! Cô cho biết, ngày mai, sẽ theo lời chị, gởi cho tôi một gói bảo đảm gồm những bức thư của tôi đã gởi cho Tiên Thủy trước đây, vừa tìm thấy trong rương…
Dường như vào giữa Thu năm 2007, tôi lại nhận điện điện thoại của cô em, báo tin Tiên Thủy đã mất…
Cho đến hôm nay, ngồi viết lại trang này, tôi vẫn chưa được về lại Bến Tre để đến thăm mộ nàng và thắp cho nàng nén hương từ biệt…

(1) Theo “Người Miền Tây Nam Bộ Với Câu Nói, Tiếng Cười” của Trần Minh Thương.
(2) Công ty Dược Phẩm kiêm dịch vụ chuyển tiền gởi cho thân nhân từ nước ngoài về nước.

 

 

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long