MANG VIÊN LONG


Tô Bánh Canh Tôm
Truyện ngắn
(Kinh tặng người chị duy nhất thân yêu của tôi)

Những lúc buồn, tôi vẫn thường cởi xe ra thị trấn Đập Đá thăm chị. Tôi thăm chị, bởi chị là nơi tôi tin tưởng sẽ được an vui duy nhất. Tôi thăm chị, bởi tôi cũng biết chị sẽ rất vui, hạnh phúc khi gặp lại tôi – đứa em út lao đao, bất hạnh… 
Cuộc sống mồ côi và lận đận trong hạnh phúc gia đình từ nhiều chục năm, thường làm tôi có những lúc – nhất là buổi chiều, cảm thấy trống trải và buồn nản; không hề muốn làm chuyện gì nữa (cho dầu công việc hằng ngày vẫn được tôi ghi lên giấy, đặt ngay trên bàn viết). Nỗi buồn không thể lấp đầy, tôi có cảm giác như ngày càng xói mòn thêm tâm hồn, sâu rộng và che phủ cả cuộc đời mình.
Thả người ngồi vào chiếc ghế mousse rộng, dài – nhìn chị, tôi cười: “Có thứ gì ăn không?”
- Em thích ăn thứ gì?
- Nhà có thứ gì, ăn thứ đó…Tôi cười – ăn cho vui thôi!
- Nhà không có, nhưng em thích món gì nói, chị đi mua…
Vẫn lời nói, giọng nói từ thuở nào còn đó. Không hề thay đổi.
- Vậy thì thôi, mất công lắm…
- Ngay đầu hẻm đây mà!
- À! món nào chị thấy…hấp dẫn, thì mua!
Chị nôn nã xuống nhà dưới lấy tô và đội nón, bước vội ra cửa. Nhìn theo, tôi nghĩ: “Mình đã trên tuổi sáu mươi, đã tự lo được từ thuở nào rồi, đã lang bạt qua bao nhiêu thành phố; ăn bao nhiêu món ngon dở, kể cả các loại đặc sản, hải sản; nhưng lại rất thèm được ăn món chị đi mua…”.
Tô bánh canh tôm được đặt lên bàn, trước mặt tôi. Chị đi lấy muỗng và đũa, trao cho tôi – cười: “Ăn đi, cho nóng!”. Nụ cười khẽ, nhưng trông gương mặt, đôi mắt chị rất hả hê, vui sướng! Ăn đi, cho nóng. Vẫn giọng nói thoáng qua, nhẹ, nhưng sao âm vang của nó cứ xoáy vào lòng tôi, xốn xang: Ngày chị có chồng tôi còn đi học trung học, ngày chị mât chồng, tôi còn lang thang đó đây. Sau những năm xáo trộn đổi thay, ngọn gió nhân duyên lại thổi tôi về lại quê, được sống gần chị…
Nhìn tô bánh canh còn bốc khói, ẩn hiện vài miếng tôm được cắt nhỏ, mấy cọng rau thơm, mầu nước sánh vàng dầu mỡ và ớt; tôi cười: “Mới nhìn đã thấy ngon rồi!”
- Em ăn đi, hết chị mua tô khác! Có năm ngàn đồng…
- Trời ơi! Ôm một tô là no luôn đến tối, chị kêu hai tô bụng nào mà chứa? – Tôi nhìn thật chậm lên gương mặt tươi tắn, rạn rỡ của chị giây lâu - chỉ có năm ngàn, thì người ta còn có được đồng bạc lời nào đâu?
Chị cười:
- Ở nhà quê, kiếm được đồng bạc khó lắm, em ạ!
- Thôi, chị lấy giúp cho em cái chén…
- Để làm gì vậy?
- Em sớt bớt cho chị ăn giúp một nửa…
- Ôi! ối – không được đâu, ở đây chị ăn hoài mà!
Ở đây chị ăn hoài – dường như tôi đã nghe lời ấy chị đã nói với tôi nhiều lần thuở hai chị em còn sống chung một nhà với người anh cả nghiêm khắt. Những năm phải xuống thị xã Qui Nhơn trọ học, ngày thứ bảy bạn bè rủ nhau về quê thăm chơi hết, tôi còn ở lại một mình. Lâu lâu, tôi cũng phải gắng về quê một lần dầu biết rằng ngoài chị ra, không còn ai mong gặp lại tôi cả; nhưng ngặt nỗi không thể chịu đựng lời bà chủ nhà trọ phàn nàn, trách móc gần xa mỗi lúc ngồi vào bàn ăn! Góp cho được mấy đồng mua cái vé xe buýt dành cho học sinh, về đến nhà là tôi không còn đồng nào dính túi! Biết vậy, chị đã moi mấy đồng bạc lẻ đi chợ còn thừa để dành trong bao áo gối, mua cho tôi những món tôi thèm ăn: Mấy trái xoài chín, vài cái bánh bò to, hay một cuốn bánh xèo. Số tiền còn dư bao giờ cũng đúng một cái vé xe buýt cho tôi trở lại nhà trọ vào chiều chủ nhật…”Ở đây chị ăn hòai” – tôi cười: “Em có thấy chị ăn hồi nào đâu mà ăn hoài?”.
Chị cười: “Chị ăn thứ gì mà không được?”
Nhìn tô bánh canh tôm, bất giác tôi nhớ đến những tô bánh canh tôm có bốn miếng chả tôm cắt hình thoi dày, thơm ngọt, của bà Tám ở xóm Chùa Ông, mà mẹ tôi đã thường mua cho hai chị em mỗi buổi sáng dậy sớm, cùng rủ chạy ào xuống căn lều hàng xén của me ở góc phố thời chín năm kháng chiến. Bánh canh tôm của bà Tám rất thơm ngon, không ai bì kịp. Nồi bánh và dĩa chả tôm nhỏ xíu chỉ đủ cho khoảng hai mươi tô thôi. Nghe mẹ tôi nói, ở dãy phố nầy chỉ còn vài chục nóc nhà, hoang vắng, bấy nhiêu bánh có buổi bà không bán hết, vì không phải ai cũng ăn sáng được cà! Có một lần, tôi nghe bà noi: ”Mẹ cũng rất thích ăn bánh canh tôm, sau nầy mẹ mất, tụi con chỉ cần cúng một tô bánh canh tôm là được rồi!”. Mẹ đã mất hơn sáu chục năm, sao chị vẫn còn nhớ tô bánh canh tôm mà mua cho tôi?
Tôi cắm cúi múc từng muỗng…
Chị ngồi nhìn tôi ăn chậm rải từng muỗng bánh canh mà như chị cũng đang cùng tôi ăn vậy!
  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long