MANG VIÊN LONG
 

Võ Hồng, Những Lần gặp Gỡ
(Kỷ Niệm 4 năm ngày mất: 31/3/2013 - 31/3/2017)

Xin chia sẻ cùng Bạn Đọc & lần nữa thắp nén hương
thương nhớ Võ Hồng…

Cuối tháng 6-73, tôi trở về Tuy Hòa thăm chốn cũ – nơi tôi đã sống trên bảy năm với nhiều bè bạn và kỷ niệm nhất, được nghe anh Trần Huiền Ân nhắc tới số báo Văn đặc biệt viết về Võ Hồng. Sau đó, tôi lại được Phạm Ngọc Lư nhắc nữa. Tôi cảm thấy vui, bởi vì, cái ý kiến mà tôi đã viết cho Văn từ lâu (lúc anh Trần Phong Giao còn làm thư ký tòa soạn) để mong Văn làm những số đặc biệt về những người viết còn sống, đang có những sinh hoạt gần gũi và cần thiết, khi nhìn thấy Văn có những số chủ đề viết về bốn mùa, viết về những người đã chết (đã chết rất lâu, có nhiều báo đã viết rồi) đang thực hiện. Tuy vậy tôi không nghĩ là từ nay tới lúc Văn in số đặc biệt này tôi được yên để viết một đôi điều về Võ Hồng, bởi vì tôi còn phai đi nhiều nơi, làm nhiều việc mà trong hơn một năm, từ Trung Tâm 3 nhập ngũ ra nằm ở trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, tôi đã bỏ bê. Tôi có bổn phận đốc thúc quí vị ở Tuy Hòa viết, vì nghĩ rằng, Võ Hồng quê ở Phú Yên, có liên lạc thường xuyên và mật thiết với Tuy Hòa, thì nên nhân đây mà viết cho vui. Tôi trở vào Sài Gòn, và về lại Tuy Hòa vào khoảng trung tuần tháng 7. Ở đây, tôi được gặp hai anh Mai Thảo, Duyên Anh, trên đường du hành Pleiku ghé lại. Bận này, anh Mai Thảo cũng có nói tới số báo Văn đặc biệt về Võ Hồng, anh bảo có cái gì viết cho Võ Hồng thì viết gởi Văn. Có lẽ sau số viết về kịch tác giả Vũ Khắc Khoan. Về tới Quy Nhơn, công chuyện nhà cửa nhì nhằng, tôi biết lại không được yên để ngồi nhớ lại mà viết cho được đầy đủ. Ít ra cũng ghi lại những nét chính, những nhận xét quan trọng về Võ Hồng. Thế là tôi viết thư thúc ông Trần Huiền Ân, nhắc nhở Nhã Nam, Khánh Linh, Phạm Ngọc Lư… Tôi hy vọng rằng, nếu tôi không có dịp đóng góp được, thì quí vị ấy sẽ nói thế tôi. Tôi có chuyện phải đi Huế và Đà Nẵng sau đó. Trở vào Tuy Hòa để kịp khai giảng vào ngày 26-9. Tôi hỏi thăm lại Trần Huiền Ân, Nhã Nam thì quí vị ấy chỉ cười, than : “Bận rộn quá, cứ định viết rồi lại hẹn, tới nay có lẽ đã trễ rồi”. Tôi viết thư hỏi thăm anh Mai Thảo coi thử số báo ấy sẽ ra vào tháng nào để có thể cùng anh em góp bài cho nó sum họp. Chưa được tin anh Mai Thảo, tôi nhận được của Võ Hồng một thư hồi âm lá thư tôi tạ lỗi bởi lúc vừa ra khỏi cổng “Trường Hạ Sĩ Quan”, tôi không kịp ghé anh mà đã đón xe Thuận Thành về thẳng Tuy Hòa. Tôi cũng đã tỏ sự hối tiếc rằng không nói được đôi điều cho vui trong số Văn viết về anh, vì đã trễ. Anh cho biết : “Số Văn viết về tôi, ban đầu tòa soạn dự tính tháng 10 nhưng theo lời đề nghị của mấy cây bút ở xa thì ông Nguyễn Đình Vượng hoãn vào Février hay Janvier, có lẽ Février. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu anh thích viết chơi thì anh cứ bắt đầu đi và viết xong là gởi cho Nguyễn Xuân Hoàng”. Cũng trong thư này, anh đã tâm sự : “Tôi thì vui ít buồn nhiều, có nghe thiên hạ bà con tặng cho lời khen khi mình còn chính tai nghe được thì cũng là một niềm an ủi trên bước đường calvaire dài dặc của mình. “An ủi”, bởi chính chữ “an ủi” đã ngầm chứa bao nhiêu thê thảm rồi.” (thư ngày 20-10-73).
Được thư buổi chiều, buổi tối tôi viết ngay. Tôi cảm thấy sung sướng được “viết chơi” về anh, trong lúc chưa có dịp ghé lại “nói chuyện chơi” với anh như những lần trước. Có lẽ tôi đã ảnh hưởng ở anh về tính chất của những nụ cười nhẹ, dí dỏm mà cũng thật bùi ngùi.
Tôi liên lạc với Võ Hồng lần đầu, vào đầu năm 1969. Thư đầu tiên, ngày 15-3-69 Võ Hồng đã đề nghị: “Xin anh cho phép được xưng hô như vậy cho đỡ khách sáo”, dầu tuổi tác giữa chúng tôi rất chênh lệch. Trong lá thư đó, anh viết cho tôi hai điều, trước anh nói tới những việc làm của chúng tôi ở Tuy Hòa “… Đồng thời cũng mở đường cho đàn em ở Phú Yên – là tỉnh Quê Hương của tôi, thêm tin tưởng, thêm hăng hái để học, để hành, để phụng sự. Về mặt đó, tôi xin cảm tạ sự hăng hái của anh”; việc kế tiếp: “Văn sẽ ra một số tưởng niệm Y Uyên. Anh có quen thân với Y Uyên mong anh viết lại những kỷ niệm. chúng ta có bổn phận yêu mến và biết ơn những người như vậy, làm việc âm thầm và hưởng thu rất ít trong cuộc đời”. Mãi tới năm 71, khi in xong tập “Mùa Thu Trống Trải”, nhân mùa hè ghé thăm người anh làm việc ở Nha Trang, tôi mới ghé lại thăm anh lần đầu tiên. Thực ra, tôi cũng có nhiều dịp phải vào Nha Trang, trước đây, nhưng bởi những bận rộn và ngắn ngủi quá thành thử không kịp thăm anh được. Tôi muốn có những giờ phút thực yên tĩnh, thực rỗi rảnh để ghé anh. Thư nào anh viết, cũng “mời anh có dịp ghé tôi chơi”, nhưng rồi thư nào trả lời, sau lời xin lỗi, cũng hẹn “thế nào cũng ghé anh”.
Tôi được anh tiếp ở phòng làm việc, cũng là phòng ngủ của anh. Căn phòng kế bên, dành cho cô con gái. Để được yên tĩnh và biệt lập. Nhận ra tôi, anh cười : “Ngó ông ở ngoài trẻ đẹp thế này, sao trong ảnh tôi coi bộ già cả quá vậy? “ Tôi đáp : “Tốt hơn anh đừng nhìn vào cái bề ngoài”.
Bộ bàn ghế dành để tiếp khách đặt phía trước bàn làm việc, phía sau bàn là chiếc giường ngủ. Trong phòng, trên mặt bàn, tôi thấy bừa bộn sách báo, thư từ, bản thảo đang viết dang dở. Giường ngủ thì chăn mềm càng lộn xộn. anh mời tôi ngồi, rồi đi dọn lại mấy tập sách trên bàn, thu xếp lại chăn mền, mỗi thứ sắp xếp lại một chút.
Anh nói :
- Xin lỗi anh, nhà cửa tôi mất trật tự quá. Ở một mình, khổ cái nỗi này.
Tôi cười :
- Như vậy là anh đã khá rồi. Ở một mình như chúng tôi, mùng màn buông rũ quanh năm không vén lên, nhà cửa suốt tháng không buồn quét dọn.
Anh vẫn tiếp tục thu dọn đồ đạc, tôi thấy đã ái ngại. Anh nói chuyện với tôi trong lúc lo sắp sửa mấy lá thư bỏ vung vãi trên mặt bàn : “Tôi bận quá, mỗi việc một chút, riết rồi mình bỏ phế hết. Anh nghĩ thử, việc nhà cửa, làm lụng gì cũng chỉ có một mình, cũng mệt lắm chứ ?”. Tôi hỏi sao anh không nhờ đến một người giúp việc, anh cười : “Nó đâu có chịu ở với mình lâu? Ở năm mười hôm, lại coi chỗ có nhiều tiền hơn, bỏ đi. Thời bây giờ nó đi làm ở sở Mỹ đã có nhiều tiền, còn có cơ mở mày mở mặt nữa”. Tôi vừa nghe anh, vừa nhớ tới một truyền anh viết những nhận xét về những người giúp việc; cảm thấy thông cảm với hoàn cảnh đơn độc của anh nhiều hơn.
Chúng tôi nói chuyện về đời sống hiện tại của nhau, những khó khăn của gia đình, những nỗi lo cứ mỗi ngày một dồn thúc bởi sự sinh hoạt chung quanh. Anh tính cho tôi nghe “bản chi tiêu hàng tháng” mà anh phải gánh lấy: Tiền gởi cho người con du học ở Tây Đức, một cô con gái đi học ở Sàigòn, và hai cha con ở đây. Tiền dạy học của anh không đủ vào đâu cả. Năm này hối xuất Dollar lại tăng. Mỗi năm lại tăng lên một vài bực. Đời sống cũng đắt đỏ hơn. Chỉ có tiền lương nhận được hằng tháng là cố định. Bởi vậy, nhà Lá Bối, hằng năm, đã nhận in hoặc tái bản của anh vài ba cuốn sách, anh mới mong có đủ tiền chi phí mọi việc Anh kể cho tôi nghe lòng tốt của một độc giả tình cờ quen ở phi trường, hứa giúp vốn, cọng tác mở một cái Phar-macie. Chuyện một người bạn mới quen, cũng tình cờ, rủ lập nông trại làm vườn ở Đà Lạt bởi anh ta có nhiều đất ở trên đó. Anh ta sẽ nguyện giúp đỡ hết, tạo cơ hội cho anh sáng tác, khỏi phải bận tâm nhiều tới sinh kế, tới con cái như lúc này. Nhưng rồi rốt cuộc, anh ngần ngại, không dám làm phiền tới ai, đành sống với số tiền đi dạy, in sách, và một căn nhà cho thuê.
Hôm đó, chúng tôi có đề cập tới “một bóng hồng” trong đời sống thầm lặng, buồn bã của anh. Anh nói : “Đôi lúc buồn bã quá, cũng nghĩ tới việc đó chứ ? Có đàn bà ở trong nhà, đỡ cho mình nhiều việc lắm. Anh nghĩ coi, thì giờ đi dạy, thì giờ viết, thì giờ làm việc nhà, đâu có chút thì giờ nào được yên nghỉ ? Đến nỗi tôi phải làm những việc vặt vãnh, tẩn mẩn của đàn bà nữa. Tôi bây giờ chỉ còn biết nghĩ tới lũ con.”. Nghe anh, tôi nghĩ tới người đàn bà đã đi qua đời anh, đã mất sớm từ mấy chục năm trước. Đó là một người đàn bà toàn hảo, một mẫu người đảm đang, hiền thục, và trí thức. Có lẽ, anh đã nghĩ khó có thể tìm kiểm một ai thay thế được hình ảnh rực rỡ đó trong đời, nên không nghĩ tới việc tục huyền khi anh còn trẻ và cần thiết cho hoàn cảnh anh ? Nghĩ vậy, tôi nói:: “Có đàn bà, cũng có thể anh sẽ được yên hơn, đời sống vui hơn, nhưng cũng có thể anh sẽ… mệt hơn khi sống một mình.”. Anh cười đắc ý : “Đó, chính là như vậy.”.
Dầu đường Tuy Hòa – Nha Trang chỉ cách nhau hơn hai giờ xe đò, chúng tôi cũng ít khi ra vào, bởi ai cũng có những bận rộn và lo lắng trước mặt. Tuy vậy, thư từ vẫn đều đặn, để biết tin tức hay tâm sự. Võ Hồng dầu ở xa quê, đó là một điều đã làm anh hối tiếc, nhưng luôn luôn theo dõi tin tức ở quê nhà. Từ chuyện bạn đồng hương, chuyện làng xóm, tới mọi sinh hoạt văn nghệ. Chúng tôi cũng thường thông báo cho anh những gì cần thiết, để gọi là “cùng nắm một sợi dây thân ái” (thư 16-6-71). Nếu lâu không có thư cho nhau, anh thường e ngại, đến nỗi làm người được thư cũng áy náy. Anh viết : “… xin anh thứ lỗi đã không kịp trả lời một bức thư gần đây của anh. Tính tôi không được trật tự, để cái này, quên cái kia, lạc cái nọ chắc anh cũng miễn chấp.” Anh bày tỏ ý kiến về một sinh hoạt của Phú Yên như sau : “Hôm trước đây anh Trần Huiền Ân có gởi cho tôi đọc đặc san muà Hạ của Bồ Đề Tuy Hòa – Hiếu Xương. Ấn hành đều đặn bằng typo, lại được các anh góp tay viết gần như đông đủ, tôi thấy sinh hoạt của Tình mình thật đáng mừng. Có cái gắn bó dễ yêu trong đó. Thành phố lớn hơn một chút, thì sự chia rẽ bự hơn một chút.” (thư 16-6-71).
Trước ngày khai giảng, tôi lại có việc vào Nha Trang. Tôi ghé thăm Võ Hồng. Tôi gặp anh trước bàn viết. Anh rời bàn viết, tìm nước uống. Hôm đó chúng tôi uống bia. Anh mặc một chiếc áo chemise dài tay, quần Pijama màu xanh đã nhạt. Tôi nhìn thấy trên gương mặt anh vẻ gì như mỏi mệt, nhừ thờ thẫn buồn phiền. anh cho biết đang bị cảm. Việc nhà, việc riêng bù đầu. Anh nói : “Mình phải lo cho mình chứ còn ai vô nữa? Anh nghĩ coi, tôi còn bầy con, lỡ có mệnh hệ gì thì sao ? Con nó khổ …”
Tôi góp ý kiến:
- Dầu sao thì các con anh cũng đã lớn, cũng trưởng thành rồi. Nghe nói Thủy (con gái út của anh) cũng đã đậu xong Tú Tài hai, việc gì anh sợ?
Anh cười nụ cười xuề xòa, nhưng không phải dễ bị chinh phục:
-Vậy mà mình còn nhiều trọng trách lắm chứ. Nó đâu đã yên bề gì. Nếu đã yên, tôi đã. .. lên chùa tu quách cho nó khỏe.
Tôi nói :
-Tôi tưởng anh sống chung với gia đình của chúng sau này, chúng mới thấy ấm cúng và hạnh phúc. Hạnh phúc không được chia sẻ cho anh, chắc hẳn chúng sẽ thấy thiếu, và ân hận.
Anh im lặng.
Sau một lúc nói chuyện về gia đình, nhà cửa, chúng tôi nói tới một vài sinh hoạt văn nghệ đáng chú ý. Anh than phiền về một cuốn sách của anh bị kẹt. Anh nói tới tin tức của những người bạn văn ở xa. Dịp này, anh cho biết, mỗi khi viêt gặp câu khó anh phải “penser à Francaise”, mới viết được. Đó là cái thói quen. Văn anh gọn và giản dị, trong sáng, một phần cũng nhờ vậy. Tôi bày tỏ sự hối tiếc về những khó khăn cho một sinh hoạt phong phú, đông đảo của văn chương. Tôi nói tới những ước mơ trong một hoàn cảnh sáng sủa. Chúng tôi nhận thấy đều phải nhẫn nại, âm thầm làm việc. anh thố lộ : “Nếu chúng ta được sống gần gũi, gặp nhau, nói chuyện, góp ý và phê phán xây dựng nhau, thì tốt quá. Trong anh em với nhau mà không chịu được sự góp ý, phê phán thì làm sao chịu được cả quần chúng độc giả? “. Tôi nhận thấy ở anh một phong thái cao nhã, một lo lắng chân tình đối với những người bạn văn, dầu là những kẻ mới bước những bước đi sau.
Nói chuyện văn chương chữ nghĩa coi đã mệt, tôi muốn hỏi anh một câu mà lúc ở Tuy Hòa, tôi được nghe một người bạn nói lại. Tôi nhìn anh, hỏi sau một nụ cười : “Nghe nói anh có hỏi thăm tới cô K.?”.
Anh lộ vẻ ngạc nhiên, cười khỏa lấp:
-Ông nghe ai nói ?
Tôi điềm tĩnh:
-Nghe thiên hạ nói lại. Có phải vậy không?
Anh giải thích, xong hỏi :
-Ông coi được bao nhiêu điểm ? Theo ông chấm được mấy điểm ?
Tôi cười :
-Cô đó với tôi là chỗ quen biết, nhưng anh hỏi điểm về hạnh kiểm hay là con người?
Anh trách:
- Anh khó tính quá thôi. Thôi, ông cứ cho điểm, cả hai.
- Trung bình cọng nhé ?
- Điểm tổng quát đi.
- Cỡ sáu trên mười .
- Vậy là khá lắm rồi.
Anh cười:
- Có mấy người bạn cũng nhận thấy tôi sống vầy, nói giỡn vậy mà. Tôi đâu có dám đèo bồng nữa.
Tôi cười:
= Tôi giới thiệu anh một cô bạn, ở Sàigòn, được không?
- Thôi, tôi không dám. Gặp nhau, tình cờ, vẫn hay hơn. Cái vụ giới thiệu qua lại, không ai hiểu biết ai, mệt lắm…
Tôi biết anh hễ nhân nói, thì nói cho nó vui vậy, thực tình tôi nhận thấy anh không hề tha thiết tới việc này. Nếu anh muốn, anh đã có từ lâu. Tôi cũng nghĩ, anh khó tìm lại được một ai thế vào hình bóng cũ, mà anh đã sống rất đằm thắm, rất hạnh phúc thuở trước. Thương anh, có lẽ ai cũng muốn anh sống khác hơn cuộc sống quạnh quẽ mà anh hiện sống, vậy thôi. Anh không phải là người dễ thuyết phục, hay không biết dự tính cho đời sống của mình.
Khoảng một tháng sau, tôi lại được anh em trong Hội Ái Hữu Học Sinh Phú Yên “phái” đi Nha Tang với trọng trách hướng dẫn quí vị văn hữu ở Nha Trang ra Tuy Hòa tham dự buổi sinh hoạt, và nói chuyện do Hội này tổ chức. Thực ra thì đã có thư từ, hứa hẹn từ trước, tôi chỉ là kẻ đến nhắc lại lời mời, và “hộ tống” quí vị ấy đến Tuy Hòa mà thôi. Những người mà tôi ghé đến ở Nha Trang, gồm có Võ Hồng, Dương Kiền, và một hai vị khác nữa. Tôi đến tìm Võ Hồng trước tiên.
Dịp này, tôi được nghe anh than thở nhiều hơn về việc nhà cửa không ai coi ngó giúp, đường sá không rõ ra sao, công việc cứ dồn lại chưa thanh toán kịp, vân vân. Tôi làm kẻ “du thuyết” bất đắc dĩ bởi nghĩ tới anh em ở Tuy Hòa đang tin tưởng và mong đợi. Họ đã tổ chức đâu vào đấy đàng hoàng, gà vịt đã chết, khách khứa đã mời. chẳng lẽ tôi ra đi rồi lại trở về không? Sau rốt, kẻ du thuyết bị thuyết phục. Võ Hồng hẹn khi khác sẽ ra Tuy Hòa. Lúc ấy có thể là mùa hè. Anh nhờ tôi xin lỗi hộ với tất cả anh chi ẹm ngoài đó. Bận này, tôi nghĩ, anh cẩn thận và lo xa quá đỗi. Tôi hiểu, tại sao truyện “Chuyến về tuy Hòa” của anh là một việc quan trọng: Anh ít xê dịch, ngại đường sá, và lo xa. Có thể, anh nghĩ tới cảnh quạnh vắng buồn tẻ của mình, đồng thời bổn phận phải lo với con, nên bản tính đã cẩn trọng giờ thêm ngại ngùng, dè dặt ? Bây giờ, phải sống trong những kinh nghiệm, tôi mới hiểu anh thêm. Tuy vậy, tôi cũng đã đôi lần đề nghị với anh một cuộc sống khả dĩ sẽ làm giảm bớt sự buồn bã cô độc, bằng sự đi lại, lui tới với bè bạn, tham dự những đêm lang thang, vân vân. Anh nói cũng rất thích, nhưng ngại tuổi tác và đời sông không cho phép.
Tâm trạng này, anh đã có lần viết cho tôi “… Thư nhận vào dịp Tết nhộn nhịp nên không kịp hồi âm. Mong anh thứ lỗi khiếm nhã. Tôi vốn không đến nỗi lười nhưng mà những ngày tháng gần đây cũng thêm heo hút cô đơn nên tôi lì tôi bỏ phế hết. Cả đến chuyện viết lách và làm ăn.” (thư 27-2-72). Anh cũng đã nhắc lại ước mong đã có lần nói tới : “… Chớ chi ở gần gũi, chúng ta họp nhau năm ba anh em thân, cùng đọc và cùng góp nhận xét với nhau. Cái nào nghe được thì nghe, không chịu được thì thôi… như vậy có lợi cho người viết mà tình anh em cũng thêm gắn bó.” (thư 27-2-72).
Trong một thư viết gởi tôi nhân nhận được cuốn truyện tôi gởi tặng anh (tập “Phố Người”), anh lại viết cái nhận xét lần gặp tôi đầu tiên : “… Ngoài đời anh đẹp trai mà sao anh đưa hình vẽ anh phải phong trần (trang cuối Phố Người) với râu ria (trong một bức ảnh). Tôi nghĩ rằng mặt mày sáng sủa, trắng trẻo, trẻ… cũng được lắm chứ “thư 2-9-71). Cũng nhân nói tới việc sách báo, phê bình, anh tâm sự : “… Ông Đỗ Quí Toàn trên báo Đời có nêu những khuyết điểm của Như Cánh Chim Bay, những khuyết điểm tôi công nhận bởi tôi đã biết trước, tôi đã “dọn mình” trước. Tôi phải chịu “bó tay” để bộ truyện của tôi được người đọc tin là “có thiệt”. Vì nó dính dáng tới nhiều những sự kiện lịch sử gần đây, mà các sự kiện đo điều bị hai bên nói mâu thuẫn nhau hết nên tôi phải giữ thái độ trung thực, mà muốn trung thực thì câu chuyện cũng đừng éo le thái quá, giả tạo thái quá. Đó, phải tự nguyện bó tay là như vậy”. (thư 2-9-71).
Đoạn cuối lá thư, anh cũng đã kể thêm : “Trước đây nửa tháng anh Trần Huiền Ân có gởi cho tôi bài đọc sách của Thục Khưu. Tôi xin cảm tạ anh T.H.Ân ở nơi này (Anh có thể trao cả bức thư cho anh đọc) Anh Thục Khưu có phê bình nhẹ nhàng về một lời quảng cáo “… đọc Trầm Mặc Cây Rừng để thấy truyện ngắn Việt Nam không thua…”. Thật ra thì lời quảng cáo cũng không đến nỗi đao to búa lớn. Nó đề cao cả truyện ngắn V.N. chớ không chỉ của V.H. Và “không thua” có thể là “mới gần bằng”. Tuy nhiên, tôi cũng có chút ngượng ngùng chân thành, dù đó là lời nhà xuất bản đứng ra quảng cáo. Mà lại thay tôi vừa ngượng mà lại vừa muốn viết thư cảm ơn ông Thục Khưu đã viết lời phê bình với một giọng điềm đạm hòa nhã, thái độ của người có tri thức”. (thư 2-9-71).
Cuối tháng chín, tôi vào Nha Trang vì nghe tin người anh đang làm việc bị đổi đến Ban Mê Thuột. Xong việc nhà, tôi lại ghé thăm Võ Hồng trước khi về Tuy Hòa. Lần này tôi có mang theo đứa cháu gái, học lớp mười, muốn biết mặt nhà văn Võ Hồng. Chúng tôi, như thường lệ, hỏi han và nói chuyện với nhau về gia đình, việc làm ăn, tin tức của những người bạn xa. Hôm ấy, tôi nhớ anh đã hút thuốc nhiều (thường anh rất ít hút), đem những câu chuyện nhỏ về gia đình, với con cái, ra kể. Anh nhắc tới Thủy – cô con gái út, buồn bã thổ lộ nỗi lo lắng cho những thua sút về mặt tình cảm của nó. Những sự thiếu thốn (rất nhỏ nhặt: như một bữa ăn ngon, một buổi đưa đón, vân vân) đó khiến anh ngậm ngùi thương con, và tủi thân. Gặp anh, nghe chuyện anh, lần nào tôi cũng dễ tưởng nghĩ tới một đời sống heo hút, cô đơn, bùi ngùi. Và cũng hễ gặp anh, được ngồi trong căn phòng anh, tôi lại thôi không muốn phiêu bạt. tôi ao ước một đời sống rất bình dị, rất sum vầy, để gắng hưởng lấy chút an ủi, ấm cúng mà dường như từ nhỏ đến bây giờ, tôi chưa bao giờ được hưởng.
Chúng tôi có nói tới tình trạng kiểm duyệt, sinh hoạt báo chí, xuất bản, hoạt động của Hội Đồng Văn Hòa Giáo Dục, viêc sáng tác. Tôi học được ở anh rất nhiều kinh nghiệm, trong những lần thảo luận, tâm sự như vậy. Về việc xuất bản, anh nói - dí dỏm : “Có thể dần dần, mỗi cuốn sách in ra, đều phải … dán một con tem đóng thuế, sau khi đã bị nhiều thứ thuế khác”. Khi nói tới sáng tác và phê bình, anh bày tỏ: “Khi viết, dĩ nhiên làm sao mỗi dòng chữ được ghi lại, một trang giấy được viết, phải bày tỏ một điều gì mới lạ, sâu sắc,có ích lợi cho người đọc. Tâm sự của chính mình, chưa hẳn là của người khác, khiến người khác thích đọc và xúc động. Còn vấn đề phê bình, điều này rất khó, phải làm sao xứng đáng với chữ “văn chương.”. Cách dùng những condition-nel mode, subjonetif mode làm sao cho lời phê phán được giảm nhẹ, ý nghĩ của mình khỏi cứng nhắc, khắc khe quá.” Anh cười : “Tôi không có năng khiếu phê bình. Năm xưa tôi viết mấy lời về cuốn sách của anh là có ý giới thiệu một bạn văn đi bước sau mình một chút. Cũng như khi viết về cuốn “Một Cách Buồn Phiền” của Lê Văn Thiện. Tôi chỉ mong các bạn mình được vui vẻ mà dấn bước, khắc phục khó khăn, tạo thêm ưu điểm. Chớ cái việc văn chương hưởng thụ cơm áo danh giá chi trong đó mà lắm kẻ kèn cựa một cách hậm hực?”. Tôi nhớ lại một ý kiến của anh, trong một lần gặp khác, đã nói : “Làm văn nghệ, cái thú vui duy nhất là có nhiều bạn bè, anh em để vui chơi. Đi đến đâu, cũng có dăm ba người bạn mặc tình vui thú, nói chuyện. Chớ nếu làm văn nghệm và không có cái thú vui bạn bè đó, thì quả là một cái khổ lớn”.
Ngày 15-6-72, tôi phải vào Sàigòn trình diện ở Trung Tâm 3 theo lệnh tổng động viên. Nằm ở đó chờ trên một tháng vẫn chưa được đi học. Lúc đó, tình trạng khó khăn, sinh viên trình diện tập thể một ngày lên tới hai ba ngàn, nên các quân trường đều kẹt. Tôi được phép hai tuần lễ. Dịp này, tôi ra lại Trung. Xe dừng ở Nha Trang bởi trời đã tối. Tôi tìm chỗ ăn uống xong, đến nhà Võ Hồng. Mục đích : Ngụ tạm một đêm, sáng sẽ khởi hành đi Quy Nhơn. Sở dĩ tôi phải lo việc cơm nước trước, bởi tôi biết Võ Hồng đơn chiếc, ăn cơm tháng nhờ mang đến nhà, việc nấu nướng là một trở ngại cho anh. Vả lại, nếu tránh không làm phiền ai được điều gì, thì hãy nên tránh. Trong mấy lần gặp anh trước đây, tôi đã từ chối hết thảy những ân cần tiếp đãi của anh. Tôi cũng nghĩ đó là một hình thức không mấy cần thiết, trong lúc tôi tìm tới thăm anh, chỉ vì cái tình. Anh có vẻ rất tiếc, và áy náy, như hôm đầu đến thăm, anh phải bỏ mất mấy phút thu dọn đồ đạc.
Đêm đó, anh phải đi mượn cho tôi chiếc ghế bố, khi tôi từ chối ngủ chung ở chiếc giường sau bàn làm việc riêng của anh. Anh tỏ ân hận: “Ông đến xui xẻo quá, căn nhà lúc trước tôi vẫn dành cho bạn bè nơi xa tới nghỉ, vừa mới cho thuê cách đây hai hôm. Có mấy người khách cũng vừa đi. Lúc trước vợ chồng Doãn Dân cũng ngụ ở đó.” Tôi cho anh biết tôi khoái ngủ ngoài hiên. Như vậy mát và thoải mái. Anh ngăn cản tôi, không cho để ngoài trời, bởi vì sẽ bị sương hoặc gió. Tôi nói đùa, sương gió mùa này đâu thấm thía gì, nay mai thành lính ngủ rừng ngủ bụi thì sao. Anh cười : “Ở, chừng nào ngủ rừng ngủ bụi hãy hay chớ, về thành phố cũng ngủ mùng ngủ nệm cho nó khỏe cái đã”. Cuối cùng, chìu tôi, anh giúp tôi treo mùng dưới gốc cây trứng cá trước sân nhà. Chúng tôi nói chuyện tới khuya. Tôi biết đã phá rầy sự yên tĩnh của anh và khiến anh phải bỏ việc một buổi tối, nên thúc anh đi nghỉ sớm. Buổi sáng, anh dậy thực sớm. Lúc tôi rửa mặt vào, thấy anh đang lui cui cạo râu, mặc áo quần vào. Tôi hỏi anh tính đi đâu giờ này. Anh bảo đưa ông đi tới bến xe. Tôi từ chối. Bởi vì, từ nhà anh đến bến xe cũng gần, hơn nữa, tôi thấy không phải chuyện làm anh bận tâm. Tôi phải từ giã anh sớm. Anh theo đưa tôi ra tới đường.
Tháng 8-72, tôi được đưa ra Trường Hạ Sĩ quan cùng với hai tiểu đoàn khác, để thụ huấn vì ở Thủ Đức không còn chỗ chứa nữa. Ở đây, tôi gặp nhà thơ Duy Năng, hết lòng giúp đỡ. Tôi cũng nhận được thư của Võ Hồng gửi vào để gọi là “ủy lạo tinh thần”, trong lúc tôi chưa có phép để ra Nha Trang thăm anh.
Sau này, mỗi lần có phép (ngày Chủ Nhật từ 8 giờ sáng tờ 4 giờ chiều), nếu không bận rộn ở phố với những việc cần phải lo mua sắm, tôi tới thăm Võ Hồng. Một hôm , tôi vừa đến trước cổng thì thấy anh ngồi bên gốc trúc. Anh đang loay hoay vun gốc, tưới nước. Trông anh cần mẫn với bụi trúc, tôi bỗng thấy anh già. Và tôi cũng chợt hiểu được sự cô độc, quạnh quẽ của anh. Gặp nhau, có gì anh cũng mang ra. Uống nước trà, hút thuốc, nói chuyện. Được ngồi với anh một vài giờ, tôi lấy lại được cái điềm tĩnh chịu đựng, hết thấy buồn bã lo lắng điều gì. Tôi thường dùng những giờ phép ít oi đó để thăm anh, ghé anh Duy Năng ăn một bữa cơm no nê, hoặc đến nhà anh Dương Kiển. Có hôm, tôi nằm lại nhà anh Huy Hoàng, tới hết phép mới trở vào trại.
Tại nhà anh Huy Hoàng, tôi gặp Hồ Ngạc Ngữ. Một hôm, tôi hẹn Hồ Ngọc Ngữ sẽ nhờ anh Duy Năng xin cho cái phép đêm thứ bảy, để cùng lang thang cho thỏa thích. Đêm đó, sau môt hồi ngồi ở quán café Chiều Tím, đi long rong đó đây, cả hai không biết phải vào nhà nào ngủ nhờ. Về nhà anh Duy Năng thì có lẽ cửa cũng đã đóng. Khu vực “Bụi Đời” đằng anh Huy Hoàng cũng không chắc còn chỗ đủ cho hai đứa nằm. Tôi rủ Hồ Ngạc Ngữ tìm tới nhà Võ Hồng, sau khi đã mua sẵn mỗi người một ổ bánh mì cầm ở tay. Tôi đến gõ cửa nhà Võ Hồng. Gặp tôi, anh ngạc nhiên. Chúng tôi nói chuyện về thơ, sau khi tôi giới thiệu với anh Hồ Ngạc Ngữ là một nhà thơ. Khi chuyện đã mãn, tôi hỏi xin anh được tạm nghỉ lại. anh có vẻ áy náy, bởi vì, tôi nghĩ, anh đang thấy một sự thiếu sót cho hai người khách… lang thang bất chợt ghé lại. Nhà không sẵn giường chiếu. Tôi hỏi mượn tạm chiếc chiếu, thu dọn ghế ngồi, trải xuống đất. Anh mang mền gối của anh ra cho chúng tôi. Anh không ngớt băn khoăn, e ngại, khi thấy chúng tôi chỉ cần một chiếc chiếu là đủ. Tôi xin anh tự nhiên đi nghỉ. Còn lại, chúng tôi tiếp tục uống nước trà. Dở bánh mì ra ăn, và nằm kểnh dưới đất… đọc sách báo. Sau này, tôi có cùng Huy Tưởng đến thăm Võ Hồng, trước ngày tôi được mãn khóa. Một tuần lễ trước ngày ra trường, tôi có đi phố mua một chai champagne gởi anh Duy Năng, hẹn đêm trước khi “qui cố hương” sẽ tới rủ Võ Hồng say sưa một bữa. Nhưng rồi, ngày ra khỏi “Trường Hạ Sĩ Quan nung chí người trai” tôi có việc phải ra Tuy Hòa gấp. Không kịp ghé anh Duy Năng. Chai Champagne vẫn chưa mở. Mới đây, anh Duy Năng có viết thư gọi tôi tìm dịp vào Nha Trang chơi vài ba hôm, để lại khui chai Champagne mừng tôi trở về. Tới bây giờ, vì bận việc dạy dỗ, tôi chưa thể vào Nhà Trang được. Có lẽ, ngày mai, tôi sẽ viết cho anh Duy Năng một cái thư, nhớ anh xách chai rượu tới nhà Võ Hồng, cùng uống giúp tôi. Chừng nào có dịp vào lại Nha Trang, tôi sẽ mang theo một chai rượu khác. Tôi muốn được trông thấy Võ Hồng uống rượu, nếu cần, say rượu…
Tuy Hòa, đêm cuối tháng 10-73

  Trở lại chuyên mục của : Mang Viên Long