Chiếc Lá Đắng
Rời ni viện, đức Phật trở lại Sảnh Đường Nóc Nhọn ở Mahāvana thì thấy chư tăng trong vùng đã tìm đến và đợi ngài rất đông. Các vị tôn giả ở trú xứ này và các vùng lân cận tìm đến đảnh lễ và vấn an sức khỏe của ngài.
Đức Phật thấy các vị có số đã già yếu như Kondañña, Vappa, Assaji... ngài khuyên không cần thiết phải ta bà khổ hạnh trì bình khất thực nơi này và nơi kia nữa; nên ở một trú xứ, thường là có tứ sự đầy đủ để cho chư tăng nương nhờ, y chỉ. Các vị trưởng lão khác như Gayākassapa, Nadīkassapa... cũng không cần thiết phải thọ trì hết tất cả các pháp đầu-đà, tuổi tác và khí huyết suy nhược sẽ không kham nổi nắng mưa, sương gió - nếu bệnh mà nằm xuống là thiếu mất những bậc giáo thọ uy nghi, gương mẫu và nhiều kinh nghiệm.
Các vị cúi đầu, tuân mệnh.
Buổi chiều, một vị vua trong số ba vua Licchavī dẫn một hoàng tử còn trẻ đến yết kiến đức Phật. Vị vua tâu nhỏ rằng, hoàng tử, con của ông cứng đầu khó dạy bảo quá; nguy hiểm nhất là nó lại rất độc ác. Sự phẫn nộ, hung dữ của nó thật không còn ai chịu đựng nổi. Với tay chân thuộc hạ xung quanh, khi mà nó nổi trận lôi đình lên thì nó đánh nó đập với đùi với gậy, với cả gươm đao nữa. Nó độc hơn cả một con rắn độc! Nó điên cuồng hơn cả một con voi động dục! Cha mẹ, anh em, họ hàng không những không khuyên lơn gì được - mà nó còn coi chúng tôi không ra gì! Nghe đức Tôn Sư đến, chúng tôi rất mừng. Cả hội đồng hoàng gia họp kín, nói rằng, chỉ may ra đức Tôn Sư mới giáo hóa nó nổi mà thôi! Vậy, trăm lạy Tôn Sư, ngàn lạy tôn sư, vạn lạy Tôn Sư hãy mở tâm Đại Từ Bi và Đại Trí Tuệ cứu độ, tiếp độ con của chúng tôi!
Thấy vị vua già sụp lạy với cái trán lộp độp dưới đất, đức Phật đứng dậy, kéo tay ông, chỉ vào một chiếc ghế bên cạnh, nói rằng:
- Hãy bình tĩnh ngồi xuống, thư giãn một chút đi. Chuyện đâu còn có đó. Ừ, Như Lai sẽ giúp đức vua!
Nói xong, đức Phật tản bộ ra ngoài sân, thấy hoàng tử trẻ đang dùng lửa đốt một ổ mối, ngài biết là ác độc đã như là một cái gì bẩm sinh - do nghiệp quá khứ chi phối - đã trở thành quán tính mất rồi! Khởi một làn sóng tâm từ bao trùm “ ông hoàng con” rồi ngài dịu dàng nắm tay chú bé kéo dậy. Thấy vị đại sa-môn với nụ cười tươi rạng, đồng thời cảm nhận một cái gì đó mát mẻ cả châu thân, chú bé vui vẻ... bước theo ngài, không cưỡng được. Rồi từng bước một, từng bước một, họ đi dạo như hai người bạn thân.
- Tiểu hoàng tử thấy dễ chịu khi đi bên Như Lai chứ?
- Dạ thưa vâng, rất dễ chịu!
- Ở trong chỗ hoàng cung cao sang, tiểu hoàng tử thường thấy mình dễ chịu hay khó chịu?
- Thưa, ít lắm - lúc nào con cũng nóng nảy, bực bội, muốn đập một cái gì đó, muốn đánh một cái gì đó... cho đã nư, cho hả dạ!
- Những lúc như vậy chắc trong lòng tiểu hoàng tử “nóng” lắm nhỉ?
- Thưa vâng, nóng lắm, nóng như có lửa đốt bên trong!
- Ừ, vậy thì khi nào nóng nảy quá thì đến đây đi dạo với Như Lai. Không có Như Lai thì đi dạo với các vị trưởng lão, để cho cái lửa ấy nó nguội đi, được chăng?
- Thưa vâng! Đức Phật mỉm cười, mỉm cười với tâm từ:
- Tiểu hoàng tử đã tỏ ra rất ngoan ngoãn! Vậy thì đi dạo với Như Lai một chút nữa nhé! Như Lai muốn cho tiểu hoàng tử xem cái này!
Dừng lại bên một mầm cây Nimba - có vị đắng kinh khiếp - vừa nhú lên hai lá, đức Phật nói với chú bé:
- Tiểu hoàng tử có thấy cái mầm cây nhỏ bé mà trông rất sung sức ấy không?
- Thưa, thấy ạ!
- Tiểu hoàng tử hãy nhấm chiếc lá của cái cây ấy xem thử mùi vị nó như thế nào?
Chú bé cúi xuống rứt chiếc lá. Trong lúc ấy thì đức Phật trả lại tâm tính tự nhiên cho chú bé, không sử dụng năng lực của tâm từ nữa. Chú bé đưa vào miệng, vừa cắn một chút từ đầu lưỡi, chú vội vàng nhả ra, vừa nhổ xuống đất vừa phun phì phì - kèm theo lời nguyền rủa:
- Cái lá chết tiệt! Cái lá giết người!
Đức Phật mỉm cười:
- Tiểu hoàng tử cảm nhận chiếc lá ấy ra sao?
Chú bé nhăn mày đáp:
- Thưa đại sa môn! Lá ấy đúng là thuốc độc chết người; nếu mà nó lớn lên, không biết sẽ làm chết bao nhiêu người khác nữa!
Nói xong, chú bực bội nhổ cây Nimba lên, chà nát nó trong hai tay của mình với dáng vẻ vô cùng tức giận. Rồi chú chỉ vào xác lá, đọc lên một câu kệ:
“ - Chỉ chiếc lá tỉ ti!
Cách đất bốn đốt tay
Mà sao lại độc ác
Lớn lên tích sự gì?”
Biết nhận thức đúng đắn trong tâm chú bé đã khởi động, đức Phật dịu dàng nói:
- Cây Nimba nhỏ bé này, vị nó đắng chát chết người, lớn lên sẽ chẳng làm được gì, là đồ ăn hại, có phải thế không, tiểu hoàng tử?
- Thưa, đúng vậy! Là đồ ăn hại, nên con đã hủy diệt nó rồi, thưa đại sa-môn!
Đức Phật lại ân cần nắm tay chú bé, về lại sảnh đường nhưng lại rẽ sang hướng khác.
- Này tiểu hoàng tử! Chiếc lá đắng của cây Nimba vừa giúp cho Như Lai một bài học, không biết tiểu hoàng tử có muốn chia sẻ điều ấy với Như Lai không?
- Dạ, muốn lắm!
- Chiếc lá cũng được ví như người! Trên thế gian này có biết bao nhiêu là người có tâm tính cũng đắng chát như chiếc lá ấy - và nếu lớn lên, không biết họ làm được tích sự gì; hay là cứ nhổ hết, cứ chà nát, vò nát hết trong tay như tiểu hoàng tử đã làm?
- Không nên! Chú bé chợt lắc đầu - Với người thì không nên vò nát hết như chiếc lá kia được!
- Vậy thì phải làm sao - cứ để chúng lớn mạnh, đâm nhánh nẩy cành rồi mọc ra hằng trăm, hàng ngàn chiếc lá độc chết người ấy hay sao?
- Con người thì có lẽ phải giáo dục từ từ, thưa Đại sa-môn! Con nghe những bậc giáo thọ trong hoàng cung thường nói như thế!
Đức Phật khen ngợi:
- Giáo dục! Hay! Giáo dục thì đúng quá rồi! Tiểu hoàng tử giỏi lắm!
Chú bé nở mũi, nhưng lại đáp rất khiêm tốn:
- Không dám ạ!
Thế rồi, đức Phật lại bước đi, nói như tâm sự:
- Tiểu hoàng tử biết không, giáo hội của Như Lai có mặt trên cuộc đời - cũng nhằm vào chỗ giáo dục như tiểu hoàng tử vừa nói đó. Hằng trăm hằng ngàn sa-môn sống đời xuất gia phạm hạnh mà hoàng tử trông thấy nơi này và nơi kia - ngoại trừ những bậc tối thượng, còn đa phần họ đắng lắm, không đắng kiểu này thì đắng kiểu khác. Thế là Như Lai phải chế từng loại thuốc cho họ uống. Đúng như tiểu hoàng tử vừa nói là phải giáo dục từ từ... Vậy nên, rất đông, không phải hằng trăm mà hằng ngàn chiếc lá không còn đắng nữa. Mà lại còn ngon, còn ngọt, còn bùi, còn béo, còn thơm nữa đấy!
- Thật là kỳ diệu - chú bé thốt lên! Nhưng con chưa hiểu là họ đắng như thế nào?
- Có người rất độc ác, bạo tàn, hay đánh mắng người, chửi rủa người. Không những họ hành hạ người mà còn hành hạ vật, giết vật để thỏa tính hung dữ của họ nữa...
Tiểu hoàng tử chợt cau mặt lại, có vẻ trầm ngâm - lát sau, chú hỏi:
- Vậy thì những người rất đắng nọ, sau khi giáo dục từ từ, uống thuốc từ từ - thì họ ngon, ngọt, béo, bùi, thơm - con cũng chưa hiểu ngon, ngọt, béo, bùi, thơm ấy là thế nào!
- Họ trở nên dịu dàng, mát mẻ; sống có tình, có nghĩa; biết tôn kính các bậc tôn trưởng, cha mẹ; biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông và đùm bọc những người xung quanh mình... Họ trở nên là người tốt, rất tốt đấy, tiểu hoàng tử ạ!
Đến ngang đây, chú bé chợt quỳ sụp xuống, sụt sùi nước mắt, đảnh lễ đức Phật rất mực tôn kính rồi cất giọng nghẹn ngào:
- Chiếc lá đắng ấy là con, là chính con chứ không ai khác! Thưa Đại sa-môn - con xin cất lời hứa thiêng liêng là từ rày về sau, con sẽ làm chiếc lá ngon ngọt hữu dụng cho cuộc đời!
Đức Phật lại ân cần nắm tay, cất giọng dịu dàng như giọng người mẹ hiền: - Ừ, Như Lai biết là tiểu hoàng tử làm được mà! Ai cũng muốn sống sao cho người khác kính thương, cảm mến - không ai lại dại gì sống cho người khác kinh sợ, ghét bỏ và xa lánh - phải vậy không nào, chú bé con?
Nghe đức Phật gọi mình là chú bé con – tiểu hoàng tử bây giờ mới cảm nhận mình chỉ là chú bé con thật sự, tâm tính ngây thơ trở về, chú chợt lấy hai tay ôm choàng đức Phật vô cùng thân thiết, có cảm giác như với cha, với mẹ - mà chú đã bỏ quên quá lâu!
Trở lại sảnh đường, các hàng trưởng lão và đức vua Licchavī vô cùng ngạc nhiên - khi thấy hoàng tử đi bên đức Phật hiền lành, ngoan ngoãn như một chú bê con, như một chú nai hiền - không còn tìm thấy đâu là bóng dáng của một hoàng tử nổi tiếng ác độc nữa.
Đức Phật nắm tay hoàng tử trao cho đức vua:
- Như Lai mượn hoàng tử dạo chơi một lát - bây giờ, Như Lai trả lại cho đức vua một hoàng tử - không còn là chiếc lá đắng nữa mà sẽ là chiếc lá ngọt!
Rồi quay sang hoàng tử , đức Phật nói:
- Phải vậy không, chú bé con?
Hoàng tử gật đầu mạnh mẽ:
- Đúng vậy, thưa Đại sa-môn! Rất nhiều người không hiểu chuyện gì vừa xảy ra?
Chẳng rõ đức Phật giáo dục cái kiểu gì mà chỉ trong thời gian đi dạo rất ngắn lại phát sanh điều kỳ diệu như thế chứ! Khi đức Phật về hương phòng, trưởng lão Kondañña mới nói với chư tỳ-khưu xung quanh:
- Khêu gợi cho trẻ một nhận thức đúng đắn - sau đó, tự nó sẽ tự tri, tự giác - thì sự chuyển đổi, cải hoán mới chắc thật, mới vững bền! Đấy là một trong nhiều phương cách giáo huấn của đức Tôn Sư!
Theo: Một cuộc đời - Một vầng nhật nguyệt 3