MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Nhà Chùa & Thư pháp Việt
Nhà Chùa & Thư pháp Việt
Cuộc hội thảo ngày hôm nay sẽ có những bài tham luận(1) đóng góp về mặt tư tưởng, lý luận cho loại hình nghệ thuật còn quá non trẻ của chúng ta. Lại còn chia sẻ kiến thức, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển nền thư pháp Việt, truyền bá văn hóa bản sắc gì đó nữa… theo như đề cương đặt ra của Ban tổ chức. Tất cả những việc làm có ý nghĩa và đáng trân trọng ấy, thảo luận về các lãnh vực ấy, tôi không am tường cho lắm. Tôi mạo muội muốn nói đến cái khác, cái tạm gọi là “Nhà chùa và thư pháp Việt”.
Thật là lạ lùng, đây là một cuộc hội thảo nghiêm túc, có tầm vóc “quốc gia”, nhưng bản thân tôi lại băn khoăn về hai từ tham luận. Tham là dự vào, xen vào – ai cũng biết. Và luận là lời bàn, bàn luận, bàn thảo; kể cả luận suy, luận thức, luận tri, luận chứng, luận vấn… Cả thế gian này, xã hội này ở đâu cũng tham và luận. Nếu tham và luận nhiều quá thì nó sẽ rách việc. Nếu tham và luận chừng mực, hay, nhưng không hành động, không thực hiện được thì cũng coi như không. Có nhà tư tưởng nào đó nói rằng, ý nghĩ và lời nói chỉ là lá và hoa, nhưng hành động mới là trái và quả. Tất cả chư vị thức giả ở đây đã hiểu điều ấy. Nên tham và luận ấy cần phải được định hướng. Rồi cùng nhau bắt tay thực hiện. Nhưng, mũi tên nhắm đúng tiêu điểm chưa chắc đã trúng vì còn tùy thuộc mắt nhắm, cơ bắp và các tốc độ gió tương tác. Hành động cũng phải quyền biến tùy duyên cơ. Chiếc thuyền thư pháp Việt ra khơi để hội nhập với biển lớn để làm được cái gì đó, cũng tương tợ như vậy.
Còn nữa, nghệ thuật viết chữ là đi tìm kiếm Cái Đẹp, nó thuộc phạm trù mỹ học. Nhưng chúng ta thường tìm kiếm Cái Đẹp ấy bằng công cụ gì? Phương tiện nào? Ai cũng biết là phải sử dụng cảm tính, kiến thức và trí năng – mà chúng là hiện thân của khiếm khuyết và bất toàn. Bi kịch ấy là bi kịch của nhân loại, của mọi chân lý chủ quan trên cuộc đời này. Khoa học cũng thế, nó không khách quan đâu, nó tin vào các thiết bị đo đạc, trắc lượng, kiểm chứng do cảm giác, tri giác và lý trí cung cấp – mà bao giờ chúng cũng sai lạc, không trung thực. Nó cũng khiếm khuyết và bất toàn vậy! Các nhà quang học, thần kinh học và vật lý lượng tử cho biết như thế. Cái Đẹp cũng vậy, nói chung là mỹ học, cả Đông hay Tây đều đang trên đường tìm kiếm, còn lắm tranh luận bất đồng. Do vậy, theo tôi, mỗi người hãy đi theo Cái Đẹp của mình. Ai cũng nên tìm kiếm cái tận thiện, tận mỹ trong lòng mình. Tận thiện, tận mỹ của cây xoài là vị ngọt của trái xoài. Tận thiện, tận mỹ của cây mít là vị ngọt của múi mít. Cam, chuối, đu đủ… đều có sự tận thiện, tận mỹ đặc thù, cá biệt tính của chúng. Nếu mà giống nhau thì nguy to! Các vị ngọt dù khác nhau nhưng anh nào cũng tận thiện, tận mỹ cả. Vậy mới thực là đẹp, mới thực là phong phú cho cái cuộc đời nhiều khổ ít vui này.
Đạo Phật là đạo như chân, như thực. Tôi yêu cái chân và cái thực! Nhưng xin thưa rằng, cuộc đời này không dễ gì thấy được cái thực, cái chân đâu! Nếu mà hy hữu có được cái chân cái thực “tương đối” ấy thì để mà sống thầm lặng trong lòng mình; nhưng thiện và mỹ là sống với cuộc đời, dành cho thế gian lúc nào cũng cần những liều thuốc văn hóa để bồi dưỡng hoặc thăng hoa những sinh hoạt tinh thần; lại còn cần tình thương và sự đùm bọc, sẻ chia bằng trái tim nhân ái nữa! Nói cho nó logic và “biện chứng” một chút thì lộ trình ấy phải được đi từ mỹ, đến thiện rồi mới đến chân!
Do vậy, hôm nay, những tư tưởng thâm uyên, những lý luận cao diệu, những đóng góp kiến thức, đường hướng phát triển, gìn giữ bản sắc, quảng bá văn hóa nghệ thuật gì gì đó, xin để dành cho những bài viết của các vị trí thức khác; riêng tôi, tôi chỉ muốn được kể lại cuộc đời mấy mươi năm viết chữ của mình, như một trao đổi thông tin, một tự sự, như một chia sẻ của một người trên dưới 30 năm viết chữ. Nó không phải là những tư tưởng có lửa, những lý luận có cánh; chỉ là kinh nghiệm và cảm nhận riêng tư, cái nhìn phiến diện, được giới hạn trong nhà chùa mà thôi vậy.
Tôi học chữ Hán khi còn bò toài trên bộ “phản ngựa” do cha tôi dạy với cây roi mây để bên! Lớn lên, 10 năm đèn sách phổ thông, nhiều năm học sư phạm, dạy học – nó quên hết, đến khi đọc chữ Hán thì nó nhìn tôi, tôi nhìn nó mà không ai hiểu ai! Sau này, khi đi tu rồi tôi mới có dịp học chữ Hán và tập viết thư pháp Hán. Lúc rảnh rỗi lại lật những danh tác của các thư pháp gia Tàu, Nhật để xem. Tôi mê mẩn. Mấy ngón tay cứ bị hấp lực của những con chữ lôi cuốn, từ trang này sang trang khác. Chữ như từng nhát kiếm. Chữ như từng đốt trúc. Chữ như rồng lượn, liền lạc một hơi không bị đứt khúc. Chữ lại thô tháo, vụng về nhưng nhìn một hồi lại toát ra cái chân mộc, thuần phác và điềm đạm, vô sự đến không ngờ! Tập viết mãi cũng chẳng giống ai; mà giống ai đó thì chết rồi, thà đừng viết còn hơn! Mà dẫu viết có đẹp thì cũng chẳng thể nào theo kịp anh Tàu và anh Nhật! Còn nữa, do sau này (khoảng năm 1992-1993) viết hoài cũng không thể bằng thầy Châu Lâm, nên tôi bỏ.
Trở lại với chuyện viết chữ Việt bằng bút lông. Tôi không còn nhớ chính xác, chỉ khoảng đâu trước năm 1975, tôi được thấy nét bút lông của nhà thơ Đông Hồ, sau đó là nét bút sắc của nhà văn Nhất Linh và nhà thơ Vũ Hoàng Chương trên tạp chí Ngày Nay. Nét bút lông nhỏ nhắn, chân phương của nhà thơ Đông Hồ chỉ mới là người sử dụng bút lông để viết chữ Việt, có tính cách khám phá chứ chưa phải là thư pháp. Nét bút sắc của nhà văn Nhất Linh và nhà thơ Vũ Hoàng Chương được cái là phóng khoáng, vượt ra ngoài khuôn thước nhưng lại không phải bút lông, cũng chưa được gọi là thư pháp! Tuy nhiên, gộp cả hai cách thể hiện, họ là những người gợi ý đầu tiên giúp tôi sử dụng bút lông để viết chữ Việt cho có nghệ thuật hơn một chút.
Những năm 1977-1978, tình cờ đâu đó, lúc vào Sài-gòn, dường như tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức thì phải – tôi bắt gặp nét bút lông sắc sảo, góc cạnh của nhà thơ Trụ Vũ. Khí bút của nhà thơ Trụ Vũ mạnh mẽ, nhiều nét như nhát kiếm, dứt khoát nhưng những nét đuôi đi sau thì mềm mại, liền lạc tạo nên sự cương nhu, âm dương hài hòa. Phải nói là sau khi xem bút của nhà thơ Trụ Vũ – tuy hơi khó đọc, phải đoán – tôi mới thật sự tập tành nét bút của mình, tuy còn rất thô xấu, vụng về.
Các năm 1979-1980, vườn chùa Huyền Không ở Huế treo đầy thư pháp Việt và cả chùa Bửu Quang, Thủ Đức – vì vị trụ trì ở đây là Sư Thiện Quang, bạn thân của tôi. Tại chùa Bửu Quang, nghe sư Thiện Quang kể lại, là nhà thơ Trụ Vũ có đến xem, ông không có ý kiến gì về nội dung thơ, nhưng chê là nét bút còn non. Đúng vậy, không những là còn non mà phong cách cũng chưa ra dáng ra hồn gì!
Thuở ấy, ở Huế, tôi chỉ chơi thi bút một mình, rất cô đơn. Và có lẽ, tại Sài Gòn, nhà thơ Trụ Vũ cũng rất cô đơn; thi bút của ông chỉ xuất hiện lác đác trong các ngôi chùa thân quen, chưa lan ra ngoài xã hội. Nhà thơ Trụ Vũ ở Sài Gòn nên có chất liệu giấy, bút, mực khá hơn. Còn tôi ở Huế thì quá nghèo nàn – Huế thơ, Huế mộng, Huế chộng bộng hai đầu – thì đừng nói đến văn phòng tứ bảo! Giấy không có, mực không có và bút triện gì cũng không có luôn. Cứ bạ gì dùng nấy. Tôi cũng chẳng hề nghĩ đến nó là thư pháp Việt. Chính vì tôi là người thích làm thơ nên hễ có câu thơ nào nghe đường được, thế là viết, là treo lên để đọc chơi nơi một góc làng quê ít người lui tới. Cuộc đời mệt mỏi quá, nhiều chuyện bức xúc quá; nên dẫu ăn khoai, ăn sắn qua ngày nhưng chúng tôi cũng chơi lan, chơi đá, chơi cảnh, chơi thơ, chơi chữ, đọc sách, cờ tướng, uống trà…
Tuy nhiên, những năm 1980-1985, cái vườn chùa quê mùa và lặng lẽ này lại được mọi người ưa thích. Ban đầu là lác đác một vài người bạn cũ, các nhà giáo, một vài thầy rồi lại xuất hiện thêm một số nhà văn, nhà thơ… Hóa ra, có một số câu thơ viết bằng bút lông, đặt để chỗ thích hợp lại tạo nên một cảm xúc sâu đậm trong lòng mọi người.
Sau tôi, ở Huế có nhà thơ Nguyệt Đình xuất hiện; ở Sài Gòn có nhà thơ Song Nguyên vi vút phóng bút. Tôi không còn nhớ có ai khác nữa không, xuất hiện từ lúc nào – nhưng từ đó, phong trào thư pháp lan rộng ra – kết quả đó là nhờ vào các vị trưởng lão như Trụ Vũ, Nguyệt Đình, Song Nguyên, Vũ Hối… được xem như là những con chim đầu đàn. Và cho đến khi Chính Văn, Thanh Sơn, Y Sa… xuất hiện thì thư pháp Việt mới trở nên xôm trò.
Lúc này thì phong trào thư pháp đã rầm rộ khắp cả nước do sự xuất hiện của các thư pháp gia trẻ tuổi, tôi chỉ nhớ tên một số vị như Bùi Hiến, Nguyễn Thiên Chương, Hồ Công Khanh, Tuấn Hải… Chính nhờ sự xuất hiện của họ mà thư pháp Việt bước lên một cấp độ mới, năng động hơn, trẻ trung hơn.
Chúng tôi, thế hệ viết chữ đi trước đã già rồi. Ví dụ như nhà thơ Trụ Vũ thì nét bút đã định hình một phong cách, không thể lẫn lộn với ai được. Mà khi đã định hình thì không còn biến hóa được nữa, chỉ có tinh và thuần hơn mà thôi. Nguyệt Đình, Song Nguyên, Vũ Hối, Chính Văn, Thanh Sơn, Y Sa… cũng tương tợ thế. Chỉ thế hệ trẻ đi sau là có tư duy nghệ thuật vững vàng, không ngừng tìm kiếm và sáng tạo nên tiếp cận được hơi thở của thời đại. Thế rồi các CLB thư pháp, thư họa nườm nượp ra đời – mà rôm rả nhất là Sài Gòn và Đà Nẵng. Tiếp theo là do nhờ các CLB trên mở lớp dạy thư pháp nên bộ môn nghệ thuật chơi chữ này được dịp len lỏi vào các ngõ ngách của nhân sinh, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong các chùa, thiền đường, am cốc, lễ, Tết, Phật Đản, Vu Lan, mừng thọ, lạc thành tân gia, lạc thành nhà hàng, thành hôn, hiếu hỷ, quà tặng đi xa, lịch treo tường, lịch để bàn, phòng trà, phòng khách, phòng làm việc, trên mạng, tên cửa hiệu và cả quảng cáo, minh họa nữa. Thú vị thế đấy.
Để tiếp truyền sinh lực và hơi thở cho nghệ thuật viết chữ, các nhà thư pháp có trình độ đã viết sách dạy thư pháp để quảng bá thêm; sách lý luận, nghiên cứu để đào sâu về tư tưởng… Tôi có viết giới thiệu cho một vài. Trong số sách tôi được đọc trước khi xuất bản, có hai quyển, đối với tôi là có ấn tượng nhất. Một là của tác giả Đăng Lan, hai là của Nguyễn Hiếu Tín.
Nữ tác gia Đăng Lan viết những bài có tính lý luận, gợi mở một vài chiều sâu của tư tưởng cho bộ môn thư pháp. Tuy chỉ mới một vài phác thảo khiêm tốn, có tính mở đường nhưng đã hé lộ được một phần nào đó chiều sâu của tư tưởng cho bộ môn thư pháp làm chỗ sở y. Cái chất Đông phương và chất Thiền bàng bạc ở trong những trang sách làm cho tôi có cảm tưởng Đăng Lan đã mở hé được cánh cửa đã bị phong kín từ quá khứ – để cho loại hình thư pháp có giá trị mỹ học tâm linh cổ xưa tràn về.
Nguyễn Hiếu Tín là nhà thư pháp trẻ, đã dám cả gan lấy đề tài thư pháp để viết luận văn thạc sĩ cho mình. Đây là cả một công trình biên khảo dài hơi, được đánh giá là xuất sắc của hội đồng giám khảo trường Khoa học Xã hội & Nhân văn. Đọc công trình nghiên cứu này, ta có dịp biết đến, tuy khái quát nhưng rất tiêu biểu của các trường phái thư pháp Đông và Tây. Hóa ra, thư pháp không phải là độc quyền của Tàu và các nước đồng văn! Mẫu chữ Ả Rập cũng có thể viết đẹp, mang tính trừu tượng khá cao. Mẫu tự la tinh của các nước Âu Mỹ với nhiều phong cách thể hiện cũng mang tính thực tế, ứng dụng rất đa năng, đa hiệu trong nghệ thuật trang trí và minh họa.
Vậy thì mẫu tự la tinh chữ Việt của chúng ta được dịp cất cánh bay cao, bay xa cũng là nhu cầu của thời đại rất đúng lúc và đúng thời. Các thư pháp gia trẻ tuổi ngày nay tha hồ ngẫu hứng biến hóa, đã bày ra một cuộc chơi mới mà thế hệ già chúng tôi không theo kịp. Từ thư pháp, họ bước qua thư họa; từ thư họa họ biến ra những con chữ phá cách, ngộ nghĩnh, đôi khi sắp xếp chúng trong một không gian khá nhiều ấn tượng. Được xem một vài tác phẩm của các bạn trẻ, tôi có cảm tưởng họ còn muốn hướng bộ môn viết chữ này đến nghệ thuật hậu hiện đại – mà ở đó – người ta không còn đọc, hiểu nữa mà phải là cảm nhận. Các con chữ được sắp xếp – như nghệ thuật sắp đặt – chúng vừa logic vừa phi logic, vừa hữu thức vừa vô thức. Ở đây, các con chữ tồn tại giữa không gian không tĩnh tại tuyệt đối, mà nó vận động, mà nó không ngừng biến hóa. Đây là điều đáng mừng. Đẹp, xấu hoặc có giá trị như thế nào thì tùy thuộc thời gian và công luận; nhưng chắc chắn một điều: Chẳng có góc độ nhãn quan mỹ học nào có thể định giá – nhưng cái gì đi được vào lòng mọi người thì nó tồn tại!
Nghĩ cũng vui. Câu thơ vốn vô hồn nhưng khi đọc lên, ngâm lên thì nó có hồn. Các con chữ chỉ là ký tự sắp xếp vô nghĩa nhưng khi viết lên, với nghệ thuật, bố cụ thế nào đó thì nó là cả một bức tranh chữ, ngắm nhìn hoài không chán. Nhà chùa nhờ hoa, nhờ cảnh, nhờ thơ, nhờ nét bút mà tạo nên một không gian văn hóa, nghệ thuật riêng, u nhã và thanh bình. Tôi là nhà sư. Bạn tôi, cố trụ trì chùa Châu Lâm, là nhà thư pháp Hán. Y Sa là một vị Ni sư. Trụ Vũ là nhà thơ Phật tử kỳ cựu. Nguyệt Đình, Song Nguyên cũng vậy. Và ở đây tôi còn thấy khá đông chư Tăng Ni và Phật tử nữa. Tuy không tuyệt đối nhưng đa phần các nhà thư pháp, cũ và mới dường như đều là con Phật cả. Cũng lạ kỳ! Vậy thì giữa thư pháp và nhà chùa có liên hệ gì mà xuất hiện đông đảo chư Tăng Ni và Phật tử yêu mến bộ môn này? Tôi sẽ có một vài cảm nhận về điều ấy.
Một người viết chữ thuần thục, tinh luyện bao giờ cũng đi qua ba giai đoạn – xin mượn thuật ngữ của đạo gia để cô đọng ý tưởng ấy – là Tinh, Khí và Thần (tinh thành khí, khí hóa thần, thần hoàn hư). Tinh là toàn bộ hình thức, bố cục, kỹ thuật viết chữ. Khí là toàn bộ tâm hồn, ý khí để thực hiện nét chữ ấy. Và Thần là đã đạt được sự thượng thừa của nghệ thuật chữ. Nếu viết chữ đẹp không thôi, thì chỉ mới là Tinh. Viết chữ đẹp rồi nhưng biểu lộ được cá tính, phong cách, tâm hồn của mình nữa mới là Khí. Ở đây, sự thể hiện linh hồn của con chữ, tùy thuộc từng người, từng lúc, từng khi; đôi khi tùy thuộc chữ và nghĩa, cả ý thơ nữa – cho nên, có rất nhiều phong cách khác nhau. Có những nét chữ như: Dịu dàng, mềm mại, phóng khoáng, phiêu bồng, điệu dáng, kiểu cách, xương kính, phụng vũ, rồng bay, mạnh mẽ, sóng cuộn, đứt khúc, gãy vụn, cọng cỏ lau gió thổi, dáng trúc đứng hiên ngang, trần lụy, rối rắm, đoan nghiêm, chân mộc, giản phác, thanh thản… Nó nhiều lắm. Còn giai đoạn Thần thì không nói gì được nữa – vì Thần là hoàn hư – nên người ta thường trầm trồ và tán thán: Ồ! Đúng là thần bút! Và không còn ngôn ngữ nào để diễn đạt được nữa!
Vậy, đến đây, tôi tạm kết luận rằng, thần bút là đích điểm tuyệt đối của nghệ thuật viết chữ, ấy là chân trời hướng đến của thư pháp, xưa cũng như nay!
Tuy nhiên, thư pháp trong nhà chùa nó không dừng lại ở đó, ở nơi cái mỹ học hình thức ấy. Nó còn có cả một đại dụng nữa kìa! Điều tôi sắp nói đây chính là chữ và nghĩa.
Cho chữ nhưng mà chữ gì? Nghĩa chữ ra sao? Ai viết? Ai cho? Đối với Đông phương nói chung, Việt Nam nói riêng, chúng quan trọng lắm. Có một vài cư sĩ lớn tuổi, đến tôi xin chữ, khi cho chữ Đức, họ có “cường điệu” chăng, khi không dám nhận, nói rằng: Con xét mình, nhà mình chưa có Đức gì nên không dám treo chữ Đức – xin sư cho con xin chữ Tâm để hằng ngày nhìn vào tâm mình mà tu tập. Và rồi, đa phần họ xin chữ nhẫn, chữ phúc, chữ an, chữ lạc, chữ thường, chữ trí, chữ định, chữ nhân, chữ hiếu, chữ tín, chữ nghĩa… Còn các chữ thiền, đạo, Phật, thánh, tuệ, giác ngộ, giải thoát… họ không dám treo!
Thư pháp nhà chùa, chữ Hán, được cái đắc thể là nó đa tầng, đa nghĩa, đọng, sâu, rộng, khái quát – nên đôi khi chỉ phóng bút vài ba chữ mà chúng ta phải suy gẫm cả đời, học cả đời không hết. Thơ, đối chữ Hán cũng vậy. Ở nơi cửa Phật, cửa Thiền, có rất nhiều chữ, nhiều câu nó âm trầm, sâu sắc, u huyền vô cùng… Nó rung động sâu xa đến tế bào óc, tế bào tim. Như một nhát đao chém ngọt vào hữu thức thường nghiệm. Như mở ra một hố thẳm tuyệt lộ cho danh lý và ngữ ngôn. Như gợi nhắc thâm sâu con đường trầm luân của nhân thế. Như mở một cánh cửa nhìn ra phương trời mây trắng… vân vân và vân vân. Nhưng rất tiếc, chúng ta không có đủ thì giờ rong chơi, ngoạn du vào thế giới này, nên chỉ xin được biểu trưng khái lược rằng: Nó nuôi dưỡng tâm hồn. Nó giữ gìn khí tiết. Nó nhắc nhở thầm lặng lộ trình tu tập. Nó là cuộc chơi tri thức và chữ nghĩa. Nó giáo dục nhân văn và giáo dục tâm linh. Nó giáo dục đạo đức, nhân lý cho cuộc đời. Nó hướng thiện và hướng thượng cho xã hội đang tha hóa, sa đọa vì vật chất và tiền tài. Là cuộc chơi giữa ngàn cao sương khói, chỉ có gió trăng và nước mây thanh bình, tĩnh mặc!
Trở lại với thư pháp Việt. Tạm gọi là thế, vì tôi cũng chưa biết thư pháp Việt đã đạt được nội hàm của hai từ “thư pháp” hay chưa! Tuy nhiên, thì nó cũng chữ, cũng thơ, cũng đối, cũng mang vác sứ mạng cao cả và linh thiêng đâu có thua kém gì thư pháp Hán? Nhiều câu thơ, đối chữ Nôm, chữ Việt cũng thần tình, cũng cổ lục và cảo thơm lắm! Nhưng mà nghe chừng – Tinh, Khí, Thần thì chúng ta có thể đạt; hồn chữ, hồn thơ, hồn bút, thần bút gì đó, chúng ta cũng có thể không thua ai; nhưng chữ và nghĩa thì sao? Dĩ nhiên chỉ nói chữ và nghĩa trên thị trường, đang quảng bá giữa đại chúng mà thôi! Theo cái nhìn hơi nghiêm khắc của nhà chùa, tình thật mà nói rằng, tôi có xem nơi này và nơi kia – thì nói chung, chữ và nghĩa một vài nơi đâu đó còn yếu lắm; nó tràn lan phúc, lộc, tài, thọ, thịnh vượng, an khang; một câu đối không ra đối, một câu thơ không có thơ; một sự lặp lại đâu đó thiếu nghiêm túc, đôi khi là đạo văn, tá văn đáng buồn! Nói chung là nó thiếu cả một, hai tầng văn hóa, đó là chưa nói đến văn hóa tâm linh! Chữ và nghĩa phải nâng cuộc đời này lên, chứ không phải cúi xuống để vừa tầm thị hiếu dung tục của cuộc đời. Chúng ta phải học. Chúng ta phải sáng tạo. Chúng ta phải khổ hạnh để tư duy, tìm kiếm ngữ nghĩa. Nói cường điệu và ngoa ngôn một chút, chúng ta phải đọc cả thư viện kim cổ Đông Tây để nắm cái sáng, cái khôn của nhân loại, mới xứng đáng là người cho chữ. Điều này thì nên học tiền nhân, họ cho chữ đắc lắm! Cái ấy không còn để dành cho thế hệ chúng tôi, đã già, mà phải nhường cho các thế hệ trẻ có đầy đủ sức khỏe, sinh lực, thời gian, ý chí và cọng cả ước mơ. Phải có ước mơ các bạn ạ! Làm việc, viết chữ, giao lưu văn hóa mà không có ước mơ thì sẽ trần trụi, khô chết. Đừng nên xem nó là một nghề để kinh doanh, mua bán – như viết đại vài câu để kiếm tiền! Nó là cả một bộ môn nghệ thuật thể hiện cái mỹ và cái thiện phụng hiến cho cuộc đời! Tuổi trẻ là tuổi của màu xanh, của hy vọng; cái gì tuổi trẻ cũng có thể làm được. Tôi rất tin tưởng vào sự tìm kiếm, sự thăng hoa, sự biến tấu đa dạng và phong phú của các bạn trong nghệ thuật chữ. Tương lai thư pháp Việt nó đang nằm trong tay các bạn đó. Khi cái cây đã nẩy mầm, lớn lên, thì nó tự biết hút nhựa luyện để tự nuôi sống mình, tự nó thích ứng với khí hậu, thời tiết, tự nó biết cách chen chân với đồng loại rồi vươn ra ánh sáng để tăng trưởng, để tìm sự tận thiện, tận mỹ cho chính mình. Mỗi nhà thư pháp trẻ – Hán và Việt, cũng y như vậy, rồi ai cũng tự định hình cho mình một phong cách, có cần ai hướng dẫn, vạch lối, soi đường cho đâu. Đấy, tôi gọi đấy là tự do và sáng tạo. Có tự do và có sáng tạo – tự thân, nó đã nội hàm văn hóa, nghệ thuật, bản sắc, nhân văn, nhân tính đầy đủ cả. Ngay chính sự hội nhập đa văn hóa toàn cầu cũng y như vậy. Chiếc thuyền thư pháp ra khơi cũng y như thế chứ có khác gì đâu!
Đến đây, tôi xin thưa rằng, tuy thần bút là mục đích cao vời của thư pháp, là Cái Đẹp cuối cùng của thư pháp, nhưng đối với nhà chùa thì nó cần bước lên một tầng mức là chữ và nghĩa nữa – nhưng chữ và nghĩa ấy cũng cần phải hướng thiện, hướng thượng để nâng đỡ cuộc đời đang tha hóa và sa đọa nầy! Trong trường hợp này, với xã hội và con người đương đại, Cái Đẹp dễ gì mà cứu chuộc được cuộc đời như Dostoyevski đã nói! Mỹ mà không có Thiện dắt dìu thì nó chỉ đơn thuần là chuyện thưởng ngoạn, giải trí, mua vui, bán buôn tại những bảo tàng nghệ thuật sang trọng, quý phái; tại các gian hàng trưng bày tiếp thị, quảng cáo tác giả và tác phẩm mà thôi. Còn Chân thì có lẽ nhà văn hào Nga hiện thực chủ nghĩa này cũng chưa với tay tới được!
Riêng tại nhà chùa thì nó còn đòi hỏi cao hơn, nghiêm khắc hơn thế nữa. Tinh, khí, thần chưa đủ. Thêm chữ, nghĩa nữa vẫn chưa đủ. Cả thiện, mỹ nữa cũng chưa đủ. Nó phải có chất Phật, chất Thiền! Khi nói đến chất Phật thì chư thư pháp gia thường nắm được, thể hiện được. Nhưng chất Thiền thì rất nhiều vị phải ngọng nghịu, ú ớ, phều phào… Có người viết chữ Phật, chữ Thiền, chữ Ngộ, chữ Zen, chữ Satori, chữ Giác… để chứng tỏ là có Thiền! Xin thưa, tâm sao thì cảnh vậy, người sao thì chữ vậy! Thiền không thể mô phỏng, bắt chước được. Các vị thiền sư họ sống với thiền, thở với thiền nên một nét phẩy, một nét chấm, một nét móc, một vòng tròn, một cọng cỏ lau, một đám mây trôi, một giọt sương rơi… tự nó đã viên mãn. Vì chúng đầy đủ tinh khí thần, đầy đủ chân thiện mỹ, đầy đủ chữ và nghĩa và cả không cần chữ và nghĩa, đầy đủ sơn hà nhật nguyệt, sum la vạn tượng; và rốt cùng, tuyệt bích và vi diệu nhất là nói ra được ngôn ngữ thượng thừa, ngôn ngữ chân đế, ngôn ngữ ở ngoài ngôn ngữ. Để minh họa về điều ấy, tôi xin kể một chuyện chữ tròn và méo:
“- Lão sư Eido Tai Shimano là thư pháp gia Nhật Bản, ông lấy bút lông quệt cái vòng tròn – mà chẳng tròn – rồi đề hai chữ: Viên tướng! Lão sư Kogetsu Tani bình, đại lược như sau: Không nhất thiết phải tròn. Tất nhiên là nó không hoàn hảo. Thậm chí, hình tam giác, tứ giác hay bất cứ cái hình gì trong phối cảnh tâm linh thì chúng cũng đều phải tròn cả. Trong con mắt thiền, mọi điều kiên tâm linh, tâm lý, xúc cảm, mọi sự, mọi vật đều hoàn hảo, tự nhiên như nhiên, như chân như thật! Mặt trăng tròn sao? Thế thì cái mặt méo kia cũng tròn chứ?” (2)
Thiền “tào lao” và “bội lý” như vậy đấy! Ai kham nhẫn được nhỉ?
Cuối cùng, tôi xin được kết luận bằng một bài thơ về chữ và nghĩa, về bút và mực:
“- Nghĩa nằm sau câu chữ
Bới lửa dưới tàn tro
Bút, mực chèo và chống
Qua sông chẳng lụy đò!”
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Chú thích:
(1) Bài tham luận này được viết ra để đọc trong buổi hội thảo về thư pháp Việt tại chùa Bái Đính ngày 4/3 đến 6/3/2010 – nhưng sau đó tác giả không tham dự.
(2) Tác giả có góp thêm một vài ý trong lời bình này! Xin độc giả tham khảo: “Ngôn Ngữ Thiền, Thư Pháp Thiền” của Eido Tai Shimano & Kogetsu Tani – Bản Việt ngữ của Hạnh Viên, năm 2000.