MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH


 
Tìm Lại
Chút Hương Non Xanh Mây Tía

*Điêu bất túc, cẩu vĩ tục!
 
Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Những cội tùng già cỗi cằn, khô gầy ngạo nghễ giữa thời gian và năm tháng. Ồ, bên này là rừng trúc và bên kia là triền đá dựng. Có phải ở đây mà thuở trước là Cửa che giáo ngọc sum ngàn mẫu. Đá trải lược châu lửng nửa vời(1) (Nguyễn Trãi) Theo từng dốc đá rêu phong, tôi lần bước leo lên, leo lên mãi... Mệt, thở chút đã! Dấu chân của vị vua xem ngai vàng như đôi dép rách dường như còn in dấu ở đâu đây? Chỗ này, chỗ ông ngồi nghỉ! Tôi cúi xuống, thò tay lên từng bậc đá. Phảng phất trong cảm thức, tôi còn nghe mơ hồ hương thơm hơn 700 năm đọng lại đâu đó trong sương mù, trong từng kẽ đá, trong cả từng viên sỏi lạo xạo dưới chân! Ôi! Sương khói, mây mù... tất cả đều xanh, xanh một màu: Xanh mơ màng, xanh tía, xanh lam, xanh thủy mặc, xanh tiêu sơ, xanh hư thực, xanh mộng ảo... tầng tầng, lớp lớp... Trời đất mắt vời ngoài biển biếc. Nói cười người ở giữa mây xanh(2) (Nguyễn Trãi). Tịch mịch, cô quạnh. Càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Dường như đã lên đến gần trời rồi thì phải! Cái chỗ chót vót đỉnh Yên Tử mà hễ ai nói to hoặc đánh một tiếng chuông là trời đổ mưa? Hay là cái chỗ có cái am xưa của vị thiền sư thi sĩ tài hoa, Am kề hơi khí lạnh. Cửa mở tít tầng mây(3) (Huyền Quang). Rồi ở đây, ở kia - có rất nhiều nhánh, nhiều cụm, nhiều nụ lan thảo thấp thoáng trong sương? Và còn có biết bao nhiêu là tiếng chim nhẩn nha, tíu tít hồn nhiên giữa cô tịch? Ồ, đây đúng là tứ thơ Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian (Nguyễn Trung Ngạn) chăng? Trời đất sao mà thanh nhàn quá nhỉ? Chim thanh nhàn hay ông thiền sư thi sĩ tài hoa phất rũ áo mão Trạng nguyên cùng chốn quan trường hệ lụy mà tìm cõi thanh nhàn? Rừng trúc nhiều chim ngủ. Quá nửa bạn nhàn tăng(4) (Huyền Quang)... Còn nữa, còn ở đâu nữa, nơi cái am Vân Yên hay Tử Tiêu mà một vị vua anh minh đã cảm khái tán thán: Này trăng, này gió, này người. Hợp thành tam tuyệt dưới trời là đây!(5)(Trần Anh Tông).
Thế rồi, gần hai mươi năm sau tôi mới trở lại. Tôi bần thần. Ngắm nhìn ngơ ngác. Yên Tử bây giờ đẹp quá! Ôi! Biết bao nhiêu là công phu và tâm huyết! Tuy nhiên, có cái gì đó đã đổi khác hoặc có cái gì đó đã mất đi. Sừng sững những công trình xây dựng nhiều tài lực, lắm công của: Chùa viện tôn nghiêm, cáp treo tiện nghi, hiện đại lên tận chùa Đồng; nhiều lối đi thênh thang, nhiều quán nhà, cột đình sắc màu láng lẩy và sân vườn to rộng... Và cụm chùa Lân xưa – bây giờ là Trúc Lâm Yên Tử thì sao mà nguy nga và hoằng viễn quá! Nhưng như thế này thì tôi ngại rằng, không bao lâu nữa, ở đây rồi cũng sẽ như chùa Hương. Không! Hy vọng là không phải thế! Hy vọng là các bậc thức giả và chư Tăng ở đây sẽ biết cách bảo vệ hồn thơ, hồn thiền và hồn minh triết Việt! Hy vọng đừng có nhiều khói hương vàng mã, nhiều hòm công đức, nhiều dịch vụ thần linh, xin xăm, cúng sớ; nhiều dịch vụ ăn uống, đặc sản thú rừng, rao hàng, quảng cáo; nhiều tiền giấy bạc lẻ rải trắng đó đây, nhiều tiền đô-la âm phủ và roi rói phồn hoa, lấm lem bụi tục!...
 
Không nhớ ai đó đã có nói rằng (tôi không nhớ) , thế giới đương đại đang bị tách lìa hai âm tố Das và Sein nơi chữ Dasein(6) trong triết học Đức để cho hiện thể, tồn thể, thực tại bản nguyên bị tách lìa tâm, vật? Thế gian triết lý, khoa học vật lý, văn hóa, xã hội, nhân sinh, kinh tế thị trường... tất thảy đều đã ôm vật mà quên tâm cả chăng? Nói cách khác, cũng cùng lý tận tính, nhưng thiên hạ đã chạy theo vật lý mà bỏ quên đạo lý(7) chăng? Cái tinh thần siêu việt, thượng thừa, cái minh triết trong vắt, cao cả của hồn thiền, của minh triết Việt, nói theo Heidegger là đã bị vật thể hóa - nên nó mới huy hoàng phàm tục mộng triệu như thế sao? Một ông vua từ bỏ ngai vàng lên non cao động vắng, sống đời bần hàn, Ăn rau trái, mặc áo sồi, coi nửa gian lều bằng nửa thiên cung(8); và, Khuất tịch non cao. Náu mình sơn dã. Vượn mừng hủ hỉ. Làm bạn cùng ta(9); rồi cái cảnh sống hằng ngày ở Yên Tử, Mặc cà-sa, nằm trướng giấy. Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương. Quên ngọc thực, bỏ hương giao. Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ(10) thì đâu có tương hợp với những công trình vật chất quy mô tráng lệ, đâu có tương thích với cảnh ngựa xe như nước, áo quần như nêm như tiết thanh minh tảo mộ của Tố Như tiên sinh?
 
Tôi lại thở dài. Đúng là xã hội bây giờ nó vậy. Thời nào con người nấy. Tâm như vậy, cảnh như vậy. Ở đâu cũng thế cả thôi. Mình không thể hy vọng hão huyền là chúng sẽ khác đi. Phải trân trọng và cảm ơn mới phải. Cảm ơn những công trình hoành tráng, kiên cố, vững chắc của thời đại. Những giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được trùng kiến, trùng tu, bảo vệ, gìn giữ! Tôi chỉ buồn cho mình thôi! Có lẽ là mình đã đầu thai nhầm thế kỷ (Vũ Hoàng Chương). Người ta đã nói đúng. Minh triết là cái tro xám, nguội lạnh; là cái già nua, nghèo nàn!(11) Đi tìm những cái hồn, những cái thơ, cái thẩn giữa thời đại văn minh này thì quả là tâm thần, là thần kinh! Nó là những chuyện tẻ nhạt, ỉu xìu, cùn mòn, ngán ngẩm, nguội lạnh và lẩn thẩn... như một số triết gia Tây phương đã nói. Bánh xe lịch sử không cưỡng cầu được. Tôi chỉ là người bơ ngơ, vô vị - đi mịt mờ, hoang liêu giữa thế giới đầy đặc sương mù với cảm thức không có trăng, không có sao; và vẫn mong rằng, ở nơi này và nơi kia, các giá trị minh triết đừng bị che khuất, bị giấu kín đằng sau mọi hiện tượng được gọi văn minh sổi, văn minh sượng, văn minh vội vã là quý hóa lắm rồi! Nhân gian thì khả thứ còn núi non thiền thì không thể!
 
Ôi! Tôi nhớ làm sao là cái cảnh Vân Yên(12) thuở trước. Cái cảnh mà được tả là, Hồ sen trương tán lục. Suối trúc bấm đàn tranh. Ngự sử mai hai hàng chầu rập. Trượng phu tùng mấy khóm phò quanh...(Huyền Quang). Ai cũng biết, sen thanh khiết, trúc ruột rỗng, mai khí tiết và tùng là quân tử; vậy thì đây đâu phải là nơi cho bọn phàm phu tục tử như chúng tôi héo lánh đến! Hoặc, Chim gọi bạn cắn hoa cúng Phật. Vượn bồng con kề cửa nghe kinh(13) (Huyền Quang). Đúng là cõi Phật rồi!

Tôi cũng nhớ câu chuyện Thị Bích dựng chuyện tình vằng vặc trăng mai ánh nước làm cho Huyền Quang bị hàm oan. Nhưng trên đàn tế lễ hội Vô Già, Huyền Quang đã nhờ pháp lực mật niệm thần chú làm cho mọi thứ tạp vật (vàng bạc châu ngọc) trên pháp điện đều đã bị cuốn bay mất hết chỉ còn lại hương đăng và lục cúng(14) mới lấy lại danh dự. Ồ, cái thuở ấy, vàng bạc châu ngọc được coi là tạp vật, còn bây giờ cái tạp vật ấy lại là mục đích, lý tưởng của đời người!
Tôi đã quá lời. Xin lỗi thế gian. Tôi đã già nua, lẩm cẩm mất rồi, có phải thế không? Không! Tôi đang đi tìm cái hồn của minh triết! Cái hồn minh triết ấy là nội hàm của tất thảy cái gọi là vô vi, vô vị, bình đạm, vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô ý, vô cố, vô tất,(15) vô niệm, vô thủ, vô xả, vô cấu, vô không, vô hữu... là tập đại thành tư tưởng của Phật, Khổng, Lão; là chỗ tiếp thu toàn bộ thiền học Khương Tăng Hội, Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường; lại còn là nơi dung chứa toàn bộ Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, minh triết ẩn tàng của Trần Thánh Tông cùng tư tưởng thiền học phóng khoáng, phiêu bồng của Tuệ Trung thượng sĩ để tạo nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của thiền sư thi sĩ Trần Nhân Tông. Ông đã tiếp thu trọn vẹn cái biển học thời ấy, rồi quên nó đi hoặc tiêu hóa nó và biến nó thành máu huyết, hơi thở, thành thơ, thành thiền, thành đạo lý sống, chân lý sống cho cuộc đời hành động minh triết chẳng hữu, chẳng vô của mình.
 
Cuộc đời hành động
Thuở nhỏ, Trần Nhân Tông có lẽ chưa thâm ngộ gì về Phật học nên sau này ông có nói, Tuổi trẻ chưa từng hiểu có, không. Hoa xuân trăm vẻ rộn tơ lòng. Chúa Đông, nay đã nhìn quen mặt. Nệm cỏ, sàng thiền ngắm rụng hồng!(16) Quả thật là kỳ lạ. Chưa hiểu gì về Phật mà đã trốn vào Yên Tử đòi đi tu? Rồi khi bị ép làm vua thì ông từ chối, muốn nhường ngôi lại cho em. Đối với người vợ mới cưới ông ta cũng rất lạnh lùng, lạt lẽo! Vậy, kiếp tu đã có sẵn tiền căn rồi. Là Kim Phật. Có hoa sen vàng to như bánh xe mọc nơi lỗ rốn! Rồi còn sứ mạng lịch sử nào đây với thanh gươm ngắn mà thần linh trao? Và quả đúng như vậy. Mới lên ngôi được vài tháng thì vua đã phải đối phó với phái bộ của Hốt Tất Liệt là tên Sài Thung ngạo nghễ và xấc xược. Vua đã vừa cương vừa nhu trong cách đối xử phải lẽ với sứ giả, đồng thời thảo những lá thư ngoại giao khéo léo để tránh cho đất nước khỏi nạn can qua. Quả là một đống công việc, nhà vua trẻ phải lao tâm tổn sức vì sự sống còn của Đại Việt(17). Năm 1287, việc nước đang bề bộn, đang chuẩn bị cấp tập, ráo riết như dầu sôi lửa bỏng ở bên lưng(18) thì Hoàng thái hậu mất. Vua kể lại rằng, từ lâu đã đội ơn dạy dỗ của Tuệ Trung thượng sĩ(19), nhân lúc cư tang đau buồn bèn cho người mời ngài đến. Trong dịp này vua còn đủ tâm trí để học đạo, hỏi thiền. Thượng sĩ đã ân cần trao cho hai bộ ngữ lục bảo phải cố gắng nghiên cứu ngày đêm(20). Vua ngờ vực quá - vì thấy đời sống của thượng sĩ rất phàm tục(21) nên đã tò mò dọ hỏi về việc tu hành. Và nhờ cuộc tiếp xúc, trao đổi này mà nhà vua dường như nắm được yếu chỉ tâm pháp của thiền Trúc Lâm tại núi Yên Tử - mà nghe đâu Tuệ Trung, cũng chính là Huệ Tuệ kế pháp truyền đăng, tục diệm(22) đời thứ năm(23). Như vậy, chứng tỏ nhà vua vừa chăm lo việc nước, vừa đánh giặc vừa nghiên cứu Phật học.
 
Thật là lạ lùng. Nhà vua dường như làm mà không làm tương tợ vô vi nhi vô bất vi của Lão. Nhà vua dường như tùy công việc mà khởi tâm, mà tùy duyên, lấy tâm của muôn dân (thiên hạ chi tâm) làm tâm của mình như Trúc Lâm quốc sư dạy bảo cho vua Trần Thái Tông, chứ không có ý riêng, không có nguyên tắc, không chủ trương quan niệm riêng; và cuối cùng là để cái tôi, cái bản ngã của mình ra ngoài - thì có khác gì vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã trong tứ tuyệt tứ của Khổng?(24) Vậy đó! Sau trận chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai - 1288(25), đứng trước ngôi mộ của ông nội đã bị giặc đào phá, đức vua cảm khái: “Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng”(26) mà cảm thấy nhẹ nhõm, dường như thanh gươm ngắn của thần linh trao đã làm xong sứ mạng của nó!
 
Như thế là chàng trai thanh niên trải qua hai cuộc chiến kinh hoàng khi tuổi vừa mới ba mươi! Thắng giặc đã khó khăn mà ổn định đất nước, xây dựng cơ đồ, tế thế an bang sau can qua đổ nát cũng không phải dễ dàng gì. Đức vua trẻ tuổi đã có một kế lược hậu chiến quy mô và hoàn bị(27) nên chỉ trong vòng 5 năm, dẫu trải qua hai trận mất mùa đói kém, người con trai tài hoa và trí dũng của chúng ta đã phát triển đất nước giàu đẹp từ đống đổ nát, điêu tàn của binh lửa. Công cuộc ngoại giao gìn giữ và bảo vệ hòa bình cũng đã đến hồi thắng lợi. Hốt Tất Liệt chết, mộng xâm lược Đại Việt cũng chết theo, Nguyên Thành Tổ lên ngôi gởi thư báo về việc bãi binh. Thế là nhân dân Đại Việt yên ổn làm ăn, bắt đầu của thời thái bình, thịnh trị.
...
Chú thích:
(1) Ủng môn sáo ngọc sâm thiên mẫu. Quải thạch châu sơ lạc bán không (Xin ghi chú: Tất cả những bài thơ dịch trong tiểu luận này đều là của người viết).
(2) Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại. Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
(3) Am bức thanh tiêu lãnh. Môn khai vân thượng tằng
(4) Trúc lâm đa túc điểu. Quá bán bạn nhàn tăng.
(5) Thử phong, thử nguyệt, thử dữ nhân. Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt!
(6) Das: Cái đó, vật ấy (vật); Sein: Thì, là, hiện hữu, tồn tại. Dasein: Sự sống, sự hiện hữu, sự sinh tồn, tồn thể, hiện thể, thực tại bản nguyên...
(7) Cùng lý tận tính và cách vật trí tri - nói chung là tư tưởng của triết lý Đông phương. Người ta đã bàn cãi, tranh luận từ xưa đến nay, tốn rất nhiều giấy mực - nhưng chữ lý và vật ấy, ai đồng ý với ai chưa thì không rõ. Có nhà nghiên cứu đã nói rằng, Nhật Bản giải thích chữ lý ấy là vật lý nên họ tiến bộ về khoa học kỹ thuật; Trung Quốc hiểu chữ lý ấy là đạo lý, suốt mấy ngàn năm cứ chi hồ giả dã nên chậm tiến, lạc hậu, đói nghèo! Nhưng theo một vị sư - Đại sư Viên Minh, trụ trì chùa Bửu Long, tp.HCM - sự sa đọa của tư tưởng nhân loại - nó đi theo sự tiệm giảm như thế này: Đạo học (minh triết) đạo lý, triết học, triết lý... Lão Tử cũng nói: Thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ... Phù lễ giả trung tín chi bạc, nhi loạn vi thủ! (lễ là tất cả mọi hình thức, lễ nghi..., cái định đặt của con người)
( Cư trần lạc đạo phú - hội 3.
(9) Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.
(10) Vịnh Vân Yên tự phú.
(11) Xem Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây của Francois Jullien - GS. Hoàng Ngọc Hiến và GS. Lê Hữu Khóa chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2004.
(12) Thế kỷ XV mới đổi thành Hoa Yên.
(13) Vịnh Vân Yên tự phú - Huyền Quang - Thơ văn Lý Trần.
(14) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Q.1 của Nguyễn Lang, trang 432.
(15) Xem Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây, Sđd..
(16) Niên thiếu hà tằng liễu sắc không. Nhất xuân, tâm tại bách hoa trung. Như kim khám phá đông hoàng diện. Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
(17) Thế rồi, mới 27 tuổi đầu, 1285, Trần Nhân Tông đã cùng cha lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc, mà nói theo các sử gia là rút lui có chiến lược. Nói thế thôi, chứ do quân địch mạnh quá, nó đánh cho quân ta tả tơi, mà chúng thì da ngựa bọc thây cũng không phải ít! Thế là, quân ta phải khôn khéo, thận trọng để bảo toàn lực lượng. Sau đó, nói theo thượng tướng Trần Nhật Duật là “Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân Hồ...”. Thế rồi, cuộc chiến thắng khải hoàn trở lại Thăng Long, xây dựng lại hầu như toàn bộ kinh thành bị đổ nát Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, khi vết thương vừa lành, vừa phục hồi những công trình xây dựng, vừa mới ổn định đời sống kinh tế, an sinh xã hội - vua lại tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1288.
(18) Nghe tin Hốt Tất Liệt trả thù ghê gớm hơn với một đội quân thiện chiến 100 ngàn người. Lần này thì quân Nguyên đã từ Tây bắc, Đông bắc đánh xuống do Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích chỉ huy. Chưa thôi, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp lại chỉ huy cánh thủy quân từ biển, theo đường sông đánh vào.
(19) Là em ruột của Tuệ Trung, là hoàng hậu của Trần Thánh Tông, mẹ Trần Nhân Tông.
(20)Là Tuyết Đậu và Dã Hiên.
(21) Là một cư sĩ, không những ăn thịt, uống rượu mà còn là một vị tướng quân lỗi lạc, đang sát cánh chung vai cầm quân với ông em là Trần Quốc Tuấn.
(22) Truyền đèn nối lửa.
(23) Lấy ý từ Trần Nhân Tông toàn tập của GS. Lê Mạnh Thát.
(24) Xem Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây-Sđd.
(25) Các trận Vạn Kiếp, Bạch Đằng làm cho Thoát Hoan táng đởm kinh hồn chui vào ống đồng mà trốn chạy về nước, còn Ô Mã Nhi thì trở về trong hũ cốt tro!
(26) Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(27) Công bố đại xá cho cả nước, miễn giảm tô thuế, tạp dịch.
- Sử dụng chữ Hán và chữ Việt; và chính vua là người làm thơ Nôm để khuyến khích văn học. Đức vua rất có ý thức độc lập và tự chủ cả trong ngôn ngữ, văn tự.
- Thưởng thì phân minh, chừng mực; phạt thì bao dung, khoan thứ. Vua cha còn cho đốt hết tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc - hầu trấn an mọi người cùng ra tay xây dựng đất nước.
- Tổ chức bộ máy hành chánh dân sự - đều là những quan văn hiểu biết pháp luật và có khă năng tổ chức đời sống cho dân. Bộ máy phải gọn nhẹ, năng động chứ không trở thành bộ máy cồng kềnh bòn rút máu mỡ của dân (Lê Mạnh Thát), hoặc quan nhiều thì dân chết (Ngô Thời Nhiệm).
- Khuyến khích phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công, công nghiệp dân sự, công nghiệp quân sự, thương mãi giao lưu các nơi, kể cả nước ngoài, các loại hàng tiêu dùng rất phồn vinh.
- Xây dựng lại kinh thành Thăng Long, hạ tầng cơ sở cũng như cầu kỳ giao thông. Cung điện cũng được thiết kế, trùng kiến lại, hầu như toàn bộ cho có quy mô, tầm vóc, bề thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường.
- Phong thần cho 27 anh hùng liệt nữ, từ xưa đến nay, kể cả thần núi, thần sông, thần đất... để giáo dục cội nguồn và lòng yêu nước cho các thế hệ đi sau.
- Cho thả 9 nghìn tù binh về nước, đồng thời gởi hàng loạt văn thư ngoại giao vừa cứng vừa mềm, liên tục cử sứ giả đi cống phương vật để xoa dịu cơn thịnh nộ của triều Nguyên.
---------
Trích từ tập tiểu luận TIẾNG HÚ TRÊN ĐỈNH CÔ PHONG
(còn nữa)

  Trở lại chuyên mục của : M.ĐTriều Tâm Ảnh