MINH LÂM


Còn Sống Hay Đã Chết

Tôi ngạc nhiên đến không ngờ chỉ bằng một vết cắt ngang trên nhánh thân của nó tưởng chừng như không gây cho nó một chút đau đớn có thể làm tổn thương đến cái thân to lớn, cao lêu nghêu đứng lừng lững hiên ngang giữa trời nắng mưa, gió bão trong bao nhiêu năm qua, vậy mà chỉ một vết cắt nhẹ nhàng ấy vô tình đã điểm trúng huyết mạch cuối cùng khiến nó ngã quỵ xuống, chịu đựng nỗi đớn đau quằn quại thân xác từng phút từng giờ rồi sẽ đến một giây phút nào đó nó không còn sức sống nữa, nó sẽ ra đi vĩnh viễn.
Suốt đêm qua, tôi trằn trọc mãi không sao nhắm mắt ngủ yên giấc vì mãi suy nghĩ cái lý do tại sao nó có thể chết một cách “ bất đắc kỳ tử “ dễ dàng như thế. Chỉ vì một vết cắt nhẹ nhàng thôi ư ? Vô lý! Thật là vô lý. Bởi cái vết chém ấy không phải lần đầu tiên nó bị nhận lãnh, mà nó đã từng can đảm chịu đựng những đòn tấn công dữ tợn bằng đủ thứ binh khí từ thô sơ như dao chặt thịt, cưa lát, cưa máy, thậm chí gần đây nhất người ta phải xử dụng đến máy cắt hạng nặng tấn công sâu vào nội tạng của nó, nhưng nó vẫn không hề hấn gì, mặc dù tôi biết nó đang bị tổn thương khá nặng, nhưng nó sẽ nhanh chóng hồi phục.
Tôi nhớ ngày nó mới an vị trên cái vùng đất mới có hàng chục ngôi nhà vừa mới xây cất xong trông rất khang trang , đẹp đẽ, nó cùng đồng loại của nó lấy làm sung sướng và hãnh diện lắm khi được giao cho cái nhiệm vụ đứng dọc theo con đường mới như anh vệ sĩ đứng canh gác đường phố. Sau khi xóm nhà được chính thức giao cho những người chủ, tôi là người chịu trách nhiệm quản lý nó cùng một người em đứng cạnh nó cách khoảng mười mét. Hai anh em giống hệt như anh em sinh đôi.
Lúc còn nhỏ, cả hai đều trông gầy yếu mong manh không chịu đựng nỗi sức gió nên người ta dùng hai thanh gỗ nẹp hai bên thân nó như hai chiếc nạng chống đỡ, giúp nó đứng vững sẽ không bị còng lưng khi nó lớn lên. Nhờ chăm sóc kỷ lưỡng, ăn uống hít thở không khí  trong lành mỗi ngày nên hai anh em nó rất khỏe mạnh không có bệnh tật gì. Ai đi ngang qua nhìn thấy hai anh em nó cũng đều trầm trồ khen ngợi và mong chúng chóng lớn để được nhờ cậy vì chúng mang đến sự lợi ích cho môi trường trong sạch. Những tàn lá xanh um của chúng sẽ phủ đầy bóng mát chung quanh căn nhà, và hơi thở của nó còn mang đến làn hơi đầy chất dưỡng khí nuôi sống con người và thiên nhiên. Vì biết sự lợi ích ấy nên tôi yêu quý nó, mong nó được tồn tại suốt hàng trăm năm cho đến khi nào tôi không còn lý do để ở bên cạnh nó nữa.
Năm năm từ một cậu bé gày nhom nó vươn lên thành một người lớn cao to, thân hình vạm vỡ nở nang, những cánh thân vươn dài cao vút gần đụng tới nóc nhà. Lúc bấy giờ nó có thể nhìn thấy cảnh vật chung quanh mà trước kia khi còn bé nó chưa nhìn thấy hết. Nó phát hiện ra một điều rất thú vị là đối diện trước mặt nó bên kia đường là một công viên cỏ xanh mướt có nhiều đồng loại của nó đã có mặt trên khu đất này từ lâu, nó nhìn thấy cả một đại gia tộc trải qua nhiều thế hệ từ đời ông cố đến đời cháu chắt vẫn còn tồn tại trong bao nhiêu năm sống an nhàn trên một thế giới tự do riêng tư không ai có quyền xâm phạm.
Lúc còn nhỏ nó đã tưởng nó được may mắn an vị bên xóm nhà khang trang đẹp đẽ ấy là sự tốt lành, nhưng khí lớn lên nó đã nhìn ra một sự thật khiến nó ý thức rõ ràng nó không phải là kẻ may mắn, chính những đồng loại của nó ở bên kia công viên mới đích thực là kẻ may mắn. Bỡi chúng được hưởng cuộc sống tự do mà không sợ bất cứ quyền lực nào có thể áp bức, hà hiếp để buộc chúng phải gánh lấy sự bất công thiệt thòi. Hãy quan sát thì sẽ thấy rõ sự nhận xét đó là đúng không thể chối cãi được. Ngay từ lúc đầu, người ta đã trải thảm cỏ xanh mướt dưới chân bọn chúng, ngày ngày chúng được hưởng những giọt nước mát phun lên từ hệ thống phun tự động, nước thấm sâu xuống lòng đất, chúng không cần phải vất vả vươn những cánh tay dài luồn sâu dưới lòng đất để tìm nguồn sống. Chúng được tự do tung tẩy mà không bị xiềng xích tay chân bởi khối bê tông cốt sắt đè nặng dưới chân chúng. Thành ra chúng an nhiên tự tại, không phải lo âu, sợ hãi điều gì, ngoài việc “ngồi mát ăn bát vàng “ để tận hưởng những giây phút thần tiên trong suốt cả cuộc đời. Chúng ngửi được mùi thịt nước thơm lừng bốc lên từ lò nướng, nghe tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ chơi trong sân playground, và những ngày vui mừng “ Happy Birth Day “ của mọi người, và các ngày lễ lớn Happy Mother’s Day, Father’s Day, và ngày Lễ Độc Lập July Fourth của Hoa Kỳ, ngày New Year rộn ràng tiếng pháo hoa sáng rực cả bầu trời. Ngày nào cũng là ngày vui của chúng.
Trong khi ấy nó đứng bên kia đường với tấm thân bị chôn chặt dưới lòng đường đưa đôi mắt buồn nhìn qua phía bên kia công viên lòng đầy ganh tỵ. Trong bao nhiêu năm nó mới biết cuộc sống của nó không được sự tự do. Nó phải tự bươn chải tìm sự sống không còn phải lệ thuộc vào bất kỳ ai. Lòng ganh tỵ biến nó thành một kẻ ngang tàng bạo ngược không sợ bất kỳ trước sức mạnh nào. Nó phải vùng dậy đứng lên để sống và tồn tại. Dưới sức nặng xi măng cốt sắt không đè bẹp nó được, nó gồng mình vươn lên từ dưới lòng đất, những nhánh thân tua tủa như những gọng kềm đủ sức mạnh để xuyên thủng mọi thành trì. Tôi là người đầu tiên phát hiện một vết nứt dài cắt đôi nền xi măng phía sân sau nhà. Tôi ra ngoài quan sát tình hình phát hiện thêm một đoạn dài trên lối đi xi măng đã bị nó đội lên từ lúc nào. Ở cạnh thân gốc của nó còn ngang nhiên mọc trồi ra một nhánh to sần sù trườn trên mặt đất, uốn lượn như một con rắn khổng lồ tìm đường chúi đầu nhọn đâm xuống đất. Tôi lo lắng rồi đây nó sẽ còn tiếp tục “ tung hoành quậy phá “ cho đến khi nào thì mới chịu ngừng lại, lúc ấy không chừng căn nhà của tôi sẽ bị nó nhấc hỏng lên trên mặt đất.
Tôi ngước mặt nhìn lên chót vót tuốt trên ngọn cao mới thấy sức mạnh của những nhánh thân vươn dài đang đâm chỉa một cách vô trật tự. Đúng là nó đang gây tai họa nếu tôi không tìm cách “ xử lý “ nó. Dù sao thì tôi cũng đã mang ơn nó trong bao nhiêu năm, nếu không có nó, căn nhà của tôi cũng đã phải hứng chịu sức nóng từ ông mặt rời phả xuống giữa trưa hè nóng bức, hoặc phải hứng chịu bụi, khói độc thải ra từ lưu lượng xe hơi chạy băng ngang và xa lộ cách đó không xa. Tôi chỉ muốn nó biết rõ thân phận của nó, phải biết dừng lại, nếu không trước sau gì nó cũng phải gánh chịu cái hậu quả nghiệm trọng cho những gì nó đã gây ra.
Việc đầu tiên là tôi ra lệnh một “ lực lượng “ khá hùng hậu, chính tôi là người cầm đầu chỉ huy cuộc “ trừng phạt ‘ nó. Tôi đeo găng tay, bịt mặt , tay lăm lăm cầm cán dao chặt thịt cùng những tên tay sai cầm rìu, cưa xông tới chém, chặt, cắt, cứa tới tắp vào thân nó, chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau nó đã bị tôi cùng những tên tay sai lặt hết lông lá trên người nó. Đó là lần đầu tiên nó chịu đựng những vết chém trên thân thể nó, những nó chẳng biết đau đớn gì, chẳng qua chỉ là gãi đã ngứa cho nó thôi. Nó thì thầm nói với tôi :
        - Này ! Ông chủ ạ. Tôi biết ông yêu mến tôi. Nhưng ! Ồng cũng nên đối xử công bằng đối với tôi chứ. Ông hãy nhìn qua bên kia công viên mà xem nào. Những người anh em của tôi đã được chăm sóc tử tế, trông chúng đẹp biết là dường nào. Còn tôi ông hãy nhìn lại xem ông đối xử với tôi như thế nào rồi. Tôi bây giờ chẳng khác nào như con cho ghẻ lác.
Tôi nhìn lại những gì tôi đã làm, quả thật nó nói đúng lắm. Vì không khéo tay nên  tôi đã tự tiện vung tay chém chặt bừa bãi khiến cho nó sức đầu mẻ trán, những thân cành chỗ cụt chỗ ngắn khiến nó trông dị họm mất đi cái vẻ đẹp hùng dũng oai phong lúc ban đầu. Thằng em nó đứng cách nó mười mét cũng cùng chung một số phận như nó, nhưng thằng em tính tình nhu mì hiền lành ít khi than vãn, chỉ biết an phận không dám quậy phá như anh nó. Có điều không ai biết thằng em được trời ban cho có một  linh tính vô cùng nhạy bén và chính xác. Nó đang lo lắng sẽ có một  tai họa sắp sửa xảy ra. Nơi nó đứng nhìn xéo qua góc nhà đối diện trước nhà tôi là nhà của lão Nung. Trước nhà lão Nung cũng có một anh bạn đồng loại của anh em nhà nó đứng duy nhất một thân một mình “ riêng một góc trời “, và có lẽ nằm đúng vùng “ cơ địa “ tốt nên anh bạn trông rất đẹp tướng : Thân tròn lẳn đứng thẳng vừa tầm không cao chót vót, thân cành tỏa rộng tròn vạnh xanh tươi mơn mởn. Đứng bên hong nhà tôi nhìn qua, thằng em thấy rõ toàn cảnh nhà lão Nung. Mỗi buổi sáng thức dậy, lão Nung mở cửa đứng trước nhà chắp tay sau lưng  ngước mặt nhìn lên cái thân hình đồ sộ của anh bạn đứng án ngữ ngay trước nhà lão đã bao nhiêu năm nay. Lão nhìn với cặp mắt đôi lúc tươi cười, đôi lúc leo nheo đăm chiêu, đôi lúc lão chắp tay đi lòng vòng dưới thân gốc rồi ngước mặt nhìn lên suy nghĩ, không ai biết lão Nung đang nghĩ gì.
Tôi nghĩ chắc là lão Nung cũng nghĩ như tôi là lão rất hài lòng với những lợi ích mà anh em nhà nó cùng đồng loại đã mang lại. Tôi thấy rõ điều đó vì chung quanh trước mặt nhà tôi chỉ có một thân nhà lão Nung bao phủ một vùng bóng mát rộng lớn, nhà tôi là được hưởng lợi nhiều nhất vì khi mặt trời lặn về hướng tây, toàn thể bóng mát hắt xuống sân cỏ nhà tôi mát rười rượi. Nếu không có “ sự cố “ xảy ra hôm ấy, hoặc lão Nung không phải là một tên “ sát thủ “ đáng sợ thì có lẽ mọi sự sẽ êm đẹp như lúc ban đầu. Trời xui  đất khiến sao cả hai đều xảy ra cùng một lúc.
Một hôm, một cơn gió mạnh vô tình thổi qua đập mạnh và thân cây khiến cho một nhánh lớn ngã bổ nhào xuống đất, bụi đất văng tung tóe. Lão Nung từ trong nhà xồng xộc tung cửa bước ra ngoài, lúc này tôi mới thấy rõ khuôn mặt của lão tái xanh, đôi mắt long lên sòng sọc, miệng lầm bầm chửi thề. Lão Nung lăng xăng như gà mắc đẻ, hết chạy vô rồi chạy ra tay xách một con dao chặt thịt ngắn cũn cỡn, lão xông vào chặt chém túi bụi không một chút nương tay. Lão Nung chặt một phát mạnh, chặt đến đâu thân cành rụng tới đó. Nhìn cái thái độ hùng hục hăng máu của lão cũng đủ biết lão ấm ức căm hờn bấy lâu nay chỉ vì muốn tiêu diệt dòng họ nhà nó nhưng chưa có cơ hội, nay cơn gió mạnh thổi phăng cành như giọt nước tràn ly. Lão Nung chẳng yêu quý gì chúng, lão cho chúng là đồ thứ “ ăn hại “, lão ghét cay ghét đắng vừa vung tay vừa chửi bằng câu tiếng anh : Xì túp phịch, Xì túp phịch.
Tôi chứng kiến lão Nung “ thế thiên hành đạo “ cũng đủ cho tôi biết đã gần xấp xỉ bảy mươi mà lão vẫn còn khỏe mạnh như trâu. Nghe nói ở Việt Nam gia đình sống đâu ở vùng biên giới Việt-Trung Cao Bằng- Lạng Sơn. Giòng họ lâu đời có dòng máu Trung Hoa từ Quãng Tây di cư sang Việt Nam cách đây ba trăm năm. Lão Nung đã trải qua dòng lịch sử lâu dài trong mối quan hệ Việt -Trung trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm1978 quan hệ hai nước xấu đi cho đến tháng hai năm 1979 chiến tranh biến giới xảy ra giữa hai nước, gia đình lão Nung sống sót sau đó theo dòng người Việt gốc Hoa đến Hải Phòng  vượt biên sang Hong Kong. Gia đình lão Nung may mắn được định cư ở Mỹ. Trong suốt thời gian ở Mỹ, lão Nung làm một công việc duy nhất ở một siêu thị trong khâu hàng chặt thịt cho đến ngày lão về hưu.
Sau khi dẹp xong đống cây đã cắt thành khúc nhỏ, lão Nung đã nghĩ ngay đến việc phải “ nhổ tận gốc, trốc tận rễ “ nếu không thì nó sẽ gây cho lão nhiều phiền toái sau này. Ngày hôm sau lão Nung vác chiếc thang ra ngoài, nhìn cái dáng vẻ cương quyết của lão tôi biết ngay là lão đang hăng máu hận thù chuẩn bị “ chiến đấu “ với một “ gã khổng lồ “ so với cái dáng người vừa mập vừa lùn của lão.
Lão Nung mặc chiếc quần đùi cụt cũn cỡn với chiếc áo thun ba lỗ bó sát vào thân người trùng trục, lão dùng một chiếc khăn lông nhúng vào sô nước lạnh buộc lên đầu, một tay cầm dao một tay cầm một chiếc cưa lá đứng dưới gốc nhìn lên ngắm nghía một lát rồi lão leo lên chiến thang trèo phóc lên cây. Hai chân lão Nung đứng dạng ra trên vạt cây rồi lão hùng hổ cưa, thân hình lão chắc nịch của lão bám dính trên cây thỉnh thoảng  lắc lư, hai tay đẩy tới đẩy lui cái lưỡi cưa bám chặt vào nhánh cây, chỉ trong chốc lát đường nứt trên thân cây rách toạt ra, tôi nghe rõ tiếng kêu răng rắc như tiếng thét đau đớn phát ra từ con vật bị cắt tiết. Một tiết động lớn vang lên khi cành cây ngã nhào xuống, nó vẫn còn bám dính vào cành chưa chịu đứt lìa, lão Nung dùng dao chặt phập như chặt một khúc xương heo, cành cây ngã rụi xuống đất. Lão Nung leo lên cành cao hơn, một chân cao một chân thấp, một tay nắm chặt vào thân cây, lão tiếp tục hì hục cưa, mồ hôi nhễ nhại nhỏ giọt thấm ướt hết áo. Tôi đứng trên lầu nhìn qua cửa sổ chứng kiến lão Nung liều mạng quyết hạ gục từng nhánh thân cây to bằng bắp đùi của lão khiến tôi rùng mình.
Tôi chưa nhìn thấy ai liều mạng như lão Nung dám xem thường mạng sống để đùa giỡn với sự nguy hiểm. Lão Nung có thể chết hoặc bị thương tích nặng nếu lão mất thân bằng trượt chân rơi xuống đất, đầu đập xuống nền xi măng vỡ sọ não, máu bắn tung tóe thấy mà ớn lạnh xương sống, hoặc một nhánh cây bị chặt rơi xuống đâm ngược vào người cũng đủ làm cho lão tan da nát thịt. Không phải chỉ có một mình tôi lo lắng cho lão mà còn có nhiều người đang đứng bên lề đường nhìn lão Nung mà lòng nơm nớp lo sợ. Trong số người đang đứng nhìn, tôi thấy có hai người đang đứng trước sân nhà tôi, một ông cựu chiến binh người Mỹ ngồi trên chiếc xe lăn máy có cắm cờ Hoa Kỳ, tôi vẫn thường nói chuyện với ông mỗi khi ông đi ngang qua nhà tôi, một người khác là thằng Raphael, người Mễ kế bên nhà làm nghề chặt cây, cắt cỏ cho một công ty Landscape. Tôi nhìn khuôn mặt thằng Raphael coi bộ căng thẳng lắm, nó vừa nói vừa đưa tay chỉ trỏ với ông Mỹ. Có lẽ thẳng Raphael đang “ méo mó nghề nghiệp “ giải thích điều gì đó cho ông cựu chiến binh Mỹ nghe. Dù không nghe họ nói gì, nhưng tôi đoán biết thằng Raphael cho rằng lão Nung là một tên liều mạng, đúng là “ điếc không sợ súng “. Muốn “ xử lý “ một cây to như thế người ta phải sử dụng đến nhiều dụng cụ máy móc như cần thang đưa người lên đến tận ngọn để dùng cưa máy cắt cưa một cách an toàn. Xong họ nghiền nát từng khúc cây cho vào xe chở đi, nhanh và gọn. Đằng này lão Nung chỉ cầm trên tay một cái cưa lá mong manh và một con dao chặt thịt, vậy mà lão đã can đảm “ chiến đấu “đến cùng, chém sạch hết những cành lá mọc từ thân cây rơi rụng nằm ngổn ngang dưới đất. Cuối cùng chỉ còn lại cái thân cây trơ trụi to đùng đứng thẳng đứng đang chờ đợi thách thức lão Nung.
Đưa mắt nhìn chằm chằm lên tận ngọn cây, lão Nung lấy con dao chặt thịt chém vào thân cây liên tục phập phập mấy cái, vỏ cây khô nức rơi xuống từng mảng, lão ném con dao xuống đất, hai tay cầm cưa lá dùng hết sức lực kéo rẹt rẹt. Lúc này thằng Raphael há hốc mòm trợn mắt nhìn, trong khi ông cựu chiến binh người Mỹ mặt mày căng thẳng trước cảnh tượng nguy hiểm sắp xảy ra. Thú thật lúc ấy tôi rùng mình rợn tóc gáy, không dám nhìn, kéo màn cửa lại, tôi đứng bên trong chờ đợi giây phút cuối cùng của “ trận chiến “ giữa lão Nung với “ gã khổng lồ “.  Không ai có thể đoán được cái thân cây to cao chót vót kia sẽ ngã về hướng nào, trong khi ấy lão Nung đứng lưng chừng giữa hai vạt cây cụt vừa bị chặt đứt khúc. Nếu thân cây ngã về hướng lão Nung, chắc chắn ngực lão sẽ bị dập nát trước khi rơi xuống đất cắm phập vào ngọn cây chỏng ngược phía dưới. Sự tưởng tượng làm tôi toát mồ hôi lạnh.
Tiếng cưa rẹt rẹt vẫn còn vang lên từ bên ngoài, một lát sau tôi nghe tiếng cây toét ra kêu răng rắc, tiếp theo là một tiếng động mạnh của thân cây kéo theo những nhánh lá cuối cùng trên ngọn ngã rạp xuống đất một cái ầm. Tôi kéo màn cửa nhìn ra ngoài thấy lão Nung vẫn còn hiên ngang đứng dạng hai chân trên cây đã bị cưa cụt hết cành nhánh, lúc bấy giờ trông nó giống như một con vật khổng lồ vừa bị chém bay đi nữa thân mình.
Lão Nung bước xuống đất, dưới bàn chân của lão những thân cây, cành lá nằm chồng chất ngổn ngang khắp mặt đường. Lão Nung đưa tay tháo chiếc khăn cột trên đầu nhúng vào xô nước lạnh lâu khắp thân thể từ đầu mình đến chân tay. Nghĩ ngơi một lát lão Nung tiếp tục công việc còn lại là chặt từng khúc nhỏ gom chúng lại để bên lề đường chờ xe hốt cây mang chúng đi.
Chứng kiến lão Nung hoàn thành công việc mà có lẽ không có người thứ hai nào dám liều mạng như lão. Dù sao không có ”sự cố “ đáng tiếc nào xảy ra, duy chỉ có điều trước nhà lão Nung lúc bấy giờ đã không còn một bóng mát màu xanh phủ xuống trước sân nhà; vòm cây đã mất đi, thân cây đứng trơ trụi như một bộ xương khô phơi dưới trời nắng nóng. Dù đã bị cắt cụt nửa thân người, nó vẫn còn sống nếu không ai làm phiền đến nó. Một thời gian sau, cành lá non chưa kịp mọc ra, tôi nhìn thấy có một tờ giấy dán trên thân cây, đến gần đọc tôi mới biết đó là một tờ giấy của thành phố gởi thông báo cho cư dân trong khu vực nếu muốn giữ lại thân cây “ tàn phế “ này thì cùng ký tên vào tờ “ kiến nghị “ nếu trong thời gian ấn định không ai ký tên, nó sẽ bị bứng đi để trồng một cây mới. Cuối cùng chẳng cư dân nào màng đến chuyến sống chết của một thân cây “ xấu số “mà lão Nung đã ra tay hạ xát nó. Một thời gian sau thân cây đã bị bứng đi, lão Nung đã trồng thế một loại giống cây khác trước khi lão dọn nhà  ra đi. Tôi kể đầu đuôi câu chuyện lão Nung chặt cây bừa bãi không xin phép bị thành phố phạt cho Tuyền nghe, chính nàng là người “ phẫn nộ “ nhất. Nàng nói :
      - Anh à. Lão Nung là một người dốt nát không biết sự lợi ích của bóng mát cây xanh. Lão chỉ sợ rễ cây phá hư lề đường nhà lão thôi. Hư thì sửa chữa lại nhưng bù lại nó mang đến sự lợi ích thì thì vẫn xứng đáng, phải không anh ?
Đồng ý với Tuyền điều ấy nên tôi và nàng quyết định không làm gì để “ xâm hại “ đến hai anh em nhà nó, điều đó khiến cho nó cảm thấy an tâm. Nó đã quá sợ hãi chứng kiến cảnh “ đồng loại “ nó bị sát hại, nhưng bây giờ tên “ sát thủ “ không còn ở đây nữa, hy vọng cuộc sống sẽ được mãi mãi bình yên.  Để chứng tỏ sự yêu mến đối với hai anh em nhà nó, tôi cho người đến cắt  tỉa  “tân trang diện mạo “ lại. Đó là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm trường đứng dưới trời nắng mưa gió bão nó được hưởng cái giây phút sung sướng hạnh phúc được bàn tay của người thợ cắt khéo léo o bế tỉ mỉ, và sau khi hoàn tất, anh em nhà nó đã thay hình đổi dạng trông đẹp mã chẳng thua gì những “ Người anh em “ đứng bên kia công viên. Người vui nhất cũng là Tuyền, sau khi nàng đứng ngắm nghía cái dáng thon gọn cân đối, thanh mảnh toát ra sự cao sang tô điểm thêm vẻ đẹp cho căn nhà khiến nàng hài lòng bảo :
      -  Anh thấy không ? Tất cả là do sự hiểu biết của con người. Nếu mọi người đều có  “ý thức thẩm mỹ “  biết  gìn giữ bảo tồn những giá trị mà thiên nhiên đã ban cho con người thì tất cả mọi thứ hiện hữu trên thế gian này chúng ta đều có thể sẽ làm cho nó tốt đẹp hơn.
Tôi yêu mến Tuyền với ý nghĩ trong sáng ấy nên nàng luôn luôn thể hiện cái vẻ đẹp bề ngoài cũng như trong sâu thẳm của trái tim nàng một hình ảnh đẹp của cuộc đời. Nhưng đời đâu có đẹp như là mơ. Một hôm có một đoàn quân kéo qua làm rúng động cả một không gian yên tĩnh ; những bước chân  rầm rập của những “ âm binh “  trang bị  các loại “ vũ khí lạ “ bắn vào mục tiêu trên lề đường đủ các loại ám hiệu màu : xanh, đỏ, vàng, tím và ở  những“ vùng nguy hiểm “ đều bị đánh dấu mật mã, cắm cờ đỏ hình tam giác, dù chưa bị khoanh vùng bằng hàng rào, nhưng anh em nhà nó hiểu ngay ngày “ tận thế “ đã đến. Đây chính là lệnh của “ Trung ương” đưa xuống thực hiện một cuộc “ Tổng tấn công “ vào thành trì nơi có anh em và đồng loại của nó nằm trong phạm vi bị “ phong tỏa “ phải chịu án tử hình.   
Tôi nhận được một lá thư thông báo của thành phố, đọc mới biết là những hàng cây cao to phá hỏng lề đường sẽ bị đốn chặt trước khi lề đường được sửa chữa lại. Tôi buồn và Tuyền cũng lo lắng cho số phận anh em nhà nó rồi đây sẽ đi đến tận đường cùng không có lối thoát. Tôi không có quyền gì để có thể can thiệp để cứu vãn nó bước ra khỏi án “ tử hình”. Chắc hẳn nó phải biết tội của nó, dù sao đây chính là luật “ nhân quả “, kẻ gieo gió sẽ gặp bão. Chuyện gì đến rồi sẽ đến, tôi nhìn thấy hai tờ giấy màu vàng thi hành “ án tử hình “ được dáng lên trên thân hai “ anh bạn “ cách anh em nhà nó khoảng bốn căn nhà. Nó rung sợ chờ đợi chứng kiến một cuộc “ tàn sát tập thể “ sắp sửa diễn ra. Không lâu, lực lượng “ hành quyết “ mang đến những máy móc, dụng cụ là những thứ vũ khí tối tân để tiêu diệt “ nhổ tận gốc, trốc tận rễ “ một cách tàn độc. Chứng kiến cảnh “ hành quyết dã man “ từng khúc thịt rơi rụng xuống, những cánh tay bị chặt từng khúc rồi tống vào máy nghiền nát thành tro bụi. Nó nhận ra rằng không có gì đau đớn hơn bằng sự chờ đợi cái chết đến từ sự bất lực, chết từng giây từng phút không được quyền tự quyết bằng phát súng ân huệ bắn vào đầu. Nó chợt rơi nước mắt.
Sau vụ “ hành quyết “ mọi sự rơi vào im lặng. Tôi hoài nghi về một sự lầm lẫn nào đó có thể làm thay đổi tình thế chăng ? Một hôm đang ngồi đọc sách tôi nghe tiếng động cơ vang lên ầm ầm, mặt đất rung chuyển tưởng chừng như trời sập đến nơi. Tôi hé màn cửa nhìn ra ngoài thấy một đoàn xe tải chở theo máy cào, máy cắt , máy xúc cùng một tốp người vai u thịt bắp đeo găng tay, bịt mủi xông vào tấn công hai anh em nó một cách bất ngờ không trở tay kịp. Cuộc tấn công chớp nhón “ tiền pháo hậu xung “. Tiếng va chạm sắt đá vang lên chan chát, khói lửa mịt mùng bốc lên. Lưỡi cào giáng mạnh xuống nền xi măng  vở nát, kéo lên từng mảng mang đi, để trơ ra một lổ hỏng dài thọc sâu vào  “ nội tạng “ của nó để lộ ba đường huyết mạnh to gần bằng thân của nó đang còn thấm ướt  “ máu huyết “ tươi thắm.
Tôi bước ra ngoài để muốn nhìn tận mắt thân thể cuồn cuộn của nó chôn sâu dưới lòng đất và chứng kiến giây phút cuối cùng trước khi nó bị “ hành quyết “ mà chính tôi chưa biết số phận của nó sẽ ra sao. Tôi nói với gã “ chỉ huy “ đang ngồi trên chiếc xe  tải đang ghi ghi chép chép vào một tờ giấy. Tôi giới thiệu cho gã chỉ huy biết tôi là “ chủ nhân “ của nó. Và tôi muốn biết tình trạng và số phận của nó ra sao. Gã chỉ huy cho biết gã không được lệnh từ cấp trên “ tử hình” nó mà gã chỉ làm theo quy định ghi sẵn trong hồ sơ là làm lại con đường mới. Gã đưa tay chỉ xuống ba đường “ gân máu “ cuồn cuộn chỉa ngang dọc dưới lòng đất rồi nói với tôi:
      -  Sau khi cắt bỏ ba đường ‘ huyết mạch “ này chắc là nó sẽ không chịu đựng nổi sự tổn thương nặng. Tốt hơn hết là nên “ hủy “ nó đi. Nếu nó sống sót tôi e rằng nó sẽ vùng dậy còn dữ dội hơn. Và sự thiệt hại chính là anh. Nếu quyết định ký vào hồ sơ, tôi sẽ chuyển lên cấp trên cấp phép để “ xử  “ nó.
Nghe xong lời gã chỉ huy, tôi mới biết chính tôi là người có quyền tối thượng để quyết định sự sống chết của nó. Cuối cùng tôi nói với gã chỉ huy hãy cho tôi một thời gian suy nghĩ kỷ để có thể quyết định những lời đề nghị của gã. Tôi đưa mắt nhìn lên dáng đứng hơi nghiêng nghiêng về hướng mặt đường trông nó có vẻ yếu sức không còn muốn đứng vững được nữa. Có lẽ nó đã nghe hết câu chuyện giữa tôi nói với gã chỉ huy khi nãy nên trong lòng nó vui mừng vì được thoát  án “ tử hình “.  Sự thoát chết khiến nó vững tâm dù biết không bao lâu nữa nó sẽ phải cắn răng chịu đựng sự đau đớn tột cùng khi người ta mang lưỡi cưa “ khổng lồ “ đến cắt ba đường huyết mạnh dưới chân của nó. Một tuần lễ sau, ba đường huyết mạch đã bị cắt bỏ, nó đau đớn chảy nước mắt, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng để được sống còn, và cuối cùng nó đã vượt qua được một sự thử thách đầy cam go để được hồi sinh.
Lề đường đi bộ đã được sửa chữa mới thẳng thớm, tôi và Tuyền đi bộ dưới bóng mát của hai hàng cây xanh phủ kín cả căn nhà. Tôi không hiểu sau khi bị chấn thương nặng, liệu nó có thể hồi sức lại hay sẽ ngã quỵ xuống như sự tiên đoán trước đó.
Một năm trôi qua, trải qua một mùa Thu thay lá rồi đến mùa Đông lạnh buốt lá rụng trơ cành khô đét, đến mùa Xuân lá xanh non đã mọc trở lại, tôi biết  vết thương trong cơ thể của nó đã lành. Tôi hy vọng nó biết thân biết phận sẽ không còn “ quạy phá “ như trước nữa. Tuy nhiên, ngay dưới gốc thân cây từ lâu đã mọc ra một nhánh rễ lớn trườn dài chia thành hai nhánh như con rắn hai đầu mỗi ngày càng phình to ra trông nó dị họm, xấu xí như một miếng thịt thừa trên thân thể xinh đẹp của một lực sĩ. Tốt hơn hết là nên cắt bỏ nó đi, để nó không còn ăn sâu xuống lòng đất thêm được nữa, và ngăn ngừa không cho nó “ tung hoành “ dưới lòng đất. Tôi dùng cưa máy cắt nhẹ một đường gươm ngọt xớt như cắt đứt đầu một con rắn. Tôi nghĩ vết cắt nhẹ ấy chẳng nhầm nhòa gì đối với những gì nó đã chịu đựng trong bao nhiều năm qua. Vậy mà…
Mùa thu lại về những hàng cây hai bên đường và phía bên kia công viên lá trên cành vẫn còn xanh tươi chưa ngã màu vàng úa. Vài hôm sau tôi ra sân sau nhà bất chợt nhìn thấy những chiếc lá trên nhánh thân của nó đột ngột đổi thành màu vàng một cách bất thường. Tôi bâng khuâng suy nghĩ lẽ nào nhánh rễ mà tôi cho là dư thừa ấy phải chăng chính là đường huyết mạch cuối cùng đang nuôi dưỡng nó trong những ngày nó bị tổn thương nặng; những vết thương trong lòng sâu chưa hoàn toàn hồi phục, vậy mà tôi đã vô tình cắt đứt mạch sống của nó. Nó đau đớn nhận ra rằng người thương yêu nó nhất là tôi đã cứu nó thoát ra khỏi bản án tử hình, nhưng tôi lại là người vô tình giết chết nó trong lúc niềm hy vọng được sống vui sống mạnh trong những chuỗi ngày bình yên trong vòng tay thương yêu của tôi.Tôi không cảm nhận được cảm giác của nó lúc tôi đặt lưỡi cưa xuống chạm nhẹ vào lớp vỏ của nhánh rễ nằm trồi lên trên mặt đất để chuẩn bị cắt, có lẽ lúc ấy nó rùng mình vì đường huyết mạch ấy dẫn vào trái tim chuyền hơi thở và sự sống của nó. Tôi nào nghe được tiếng vang xin cầu cứu của nó : Xin đừng giết tôi! Xin đừng giết tôi! Tôi thật sự hối hận chính tôi là người đã giết chết nó.
Mỗi ngày tôi đều ra ngoài sân đứng nhìn mỗi lúc càng thấy nó héo rũ nhiều hơn. Có vài chiếc lá khô héo bắt đầu rơi rụng xuống đất mỗi khi có một cơn gió nhẹ thổi qua. Tôi định bước vô nhà báo cho Tuyền biết là nó đã chết, bất thần có một cơn gió mạnh thổi qua khiến toàn thân cây rung chuyển cành lá va chạm phát ra tiếng kêu xào xạt, một đám lá từ trên ngọn cây rơi ào xuống như một cơn mưa. Tôi đứng yên bất động mặc cho những chiếc lá cuốn vào nhau tiếp tục rơi cho đến khi cơn gió ngừng hẳn. Dưới chân tôi lá vàng phủ ngập đầy sân. Tuyền từ trong nhà chạy ra thấy tôi đứng giữa sân ngập đầy lá vàng, nàng sửng sốt đưa mắt nhìn tôi và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Tôi kể cho Tuyền nghe hết đầu đuôi câu chuyện về cái chết “ bất đắc kỳ tử “ của nó, và nếu nó đã thực sự chết thật thì không sớm thì muộn nó phải bị bứng đi để tránh sự nguy hiểm không xảy khi nó bất ngờ ngã xuống nằm bẹp trên mặt đường. Tuyên ngăn không cho tôi chặt nó đi, nàng lạc quan bảo :
     - Em nghĩ là nó chưa chết đâu anh ạ. Hãy đợi xem sao.
Tôi nghe lời Tuyền chờ đợi, nhưng phải đợi đến mùa Xuân năm sau độ chừng cuối tháng tư chồi non mới lú ra, lá mới sẽ mọc trở lại theo chu kỳ mỗi năm nó đã từng trải qua. Tôi không đoán chắc là nó có thể chịu đựng được cho đến mùa Xuân năm sau. Nhưng giờ đây nó đang đứng trước mặt tôi cùng với những hàng cây dọc theo con đường và hàng cây bên kia công viên lá vẫn còn xanh. Và chỉ riêng một mình nó đứng trơ trơ khô đét như một bộ xương khô. Cho đến đầu tháng mười, tất cả những hàng cây bắt đầu chuyển màu, lá bắt đầu rơi nhiều, cho đến khi nào lá rụng hết, mùa Đông đã thật sự đã tở về. Tôi không biết là nó đang nghĩ gì, chỉ có nó mới biết rõ số phận của nó đang từng phút từng giờ chờ đợi cái chết đang gần kề hay nó đang cố gắng chống cự lại cái “ định mệnh “ khắc nghiệt giáng xuống cuộc đời của nó. Tôi không biết bằng cách nào có thể giúp nó được.
Dự báo thời biết cho biết đêm nay sẽ có mưa to và gió lớn. Nữa đêm tôi giậc mình thức giấc nghe tiếng gió thổi mạnh như đang có một trận bão lớn kéo qua. Tiếng mưa, tiếng gió quay cuồng trên không xoáy mạnh vào những hàng cây vật vã, nghiêng ngã trong màn đêm; gió cuốn theo những tiếng động khua vang ầm ầm đập mạnh vào khung cửa kính khiến tôi có cảm tưởng trong màn đêm bên ngoài cảnh vật đang chìm đắm trong mưa gió kéo dài suốt cả đêm. Tôi nằm lắng nghe những âm thanh mưa gió bên ngoài một lúc rồi ngủ thiếp đi hồi nào không hay biết. Sáng thức dậy, tôi vội vàng mở cửa ra ngoài thấy một cảnh tượng “ hoang tàn đổ nát “ sau trận bão hôm qua :  Cây gẫy nằm ngổn ngang khắp nơi; lá rụng vươn vãi phủ ngập mặt đường; chậu cây cũng bị gió hất tung ngã đỗ xuống, những chiếc xe đậu bên đường cũng phủ đầy lá vụn và bụi cát. Nhiều nơi có những cây cổ thụ bị bứng trốc rễ ngã ập xuống đè xập một bức tường.
Tin tức cho biết trận bão hôm qua đã gây một số thiệt hại nhỏ, một người bị cây đè chết, và nhiều khu vực đã mất hết điện. Tôi đứng nhìn cảnh tượng “ hoang tàn đổ nát “ nghĩ đến một trận chiến ác liệt vừa xảy ra đêm qua, tất cả anh em, bạn bè, đồng loại của nó đã cùng nhau anh dũng chiến đấu đương đầu với một cuộc chiến chống “ ngoại xâm “ từ biển Đông ập vào. Một trận chiến khốc liệt mà nó đã phải dốc hết sức tàn lực để  chống lại “ đoàn quân “ hùng hậu đến hơi thở cuối cùng.
Tôi ngạc nhiên khi thấy nó vẫn còn sống sót đứng vững dù thân thể đã bị bầm dập nhiều vết thương khá nặng. Một nhánh cây lớn ngã quập dưới chân nó, đó là hậu quả của cuộc chiến đấu hôm qua. Tôi kéo những cành cây gom lại như kéo những xác chết của các binh sĩ. Riêng phần thân thể của nó khá to, tôi nhặt lên nhìn, lớp vỏ bên ngoài đã khô héo, nhưng khi tôi dùng hai tay bẻ nó, nó chống cự một cách mãnh liệt không thể nào bẻ gẫy nó được. Tôi để nó xuống nền xi măng tìm một thế “ đòn bẩy “ dùng chân đè cổ nó bẻ quập một cái, một tiếng rắc khô khốc kêu lên, nó gẫy ra làm đôi. Tôi cầm lên xem phát hiện bên trong lỏi cây vẫn còn xanh tươi. Một dấu hiệu cho thấy nó vẫn còn sống.
Tôi vội chạy vào nhà báo cho Tuyền biết điều tôi vừa mới khám phá. Tuyền mỉm cười không nói gì chỉ nhìn khuôn mặt “ khẩn trương “ của tôi mà trong lòng vừa buồn cười vừa nhìn tôi bằng đôi mắt thương thương trìu mến. Tuyền nói từ hơn một năm nay kể từ lúc thành phố quyết định làm lại lề đường, hàng cây có nguy cơ bị chặt bỏ đi, và cho đến lúc nó được thoát khỏi “ tầm nhắm “ và được sống sót, mọi chuyện tưởng như đã xong, vậy mà cái quyết định thiếu sự suy nghĩ khiến tôi vô tình chặt đứt mạch sống cuối cùng của nó. Và nếu không có Tuyền ngăn cản, có lẽ giờ này thân xác nó đã biến thành tro bụi. Suy cho cùng thì số nó vẫn còn may mắn đã được hai lần thoát chết. Và trận bão hôm qua đã chứng minh cho tôi thấy nó vẫn còn sức chịu đựng dai dẳn trước sức mạnh tàn phá của con người và thiên nhiên.
Tuy nhiên thời gian hãy còn quá sớm, vì nó phải còn trải qua một mùa Đông giá buốt kéo dài nhiều ngày tháng để phải đương đầu với một cuộc chiến  thầm lặng không “ gươm đao súng đạn “, không “ máu đỗ thịt rơi “, nhưng sự hủy diệt chẳng khác nào như cơ thể đang bị “ đầu độc “, chết dần chết mòn còn ghê gớm hơn gấp trăm lần những trận chiến mà nó đã trải qua. Tôi không biết trong trận chiến sắp tới nó còn sức lực để anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng hay không? Tôi phải kiên nhẫn chờ đợi đến mùa Xuân năm sau mới biết chắc được nó còn sống hay đã chết.
Minh Lâm
10/2018        
 
 
    
            
      
 
 
 
 
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Minh Lâm