MINH LÂM
Giữa Hai Bóng Hình
Chương 1
Ngưỡng cửa con tim
Giữa Hai Bóng Hình
Chương 1
Ngưỡng cửa con tim
Chiếc xe bus ngừng trước một trạm xe bên lề đường, cách ngôi Nhà thờ một khoảng đường ngắn, hai cánh cửa tự động mở dạt ra, người tài xế da đen mỉm cười nhìn người thiếu nữ Á Đông đang ôm tập sách trên tay vội vàng bước xuống xe. Người thiếu nữ ấy tên là Thuyên.
Thuyên bước từng bước chậm, đi dọc theo lề đường một đoạn ngắn rồi bước vào bên trong bãi đậu xe sau cánh cổng sắt. Chiếc xe bus rồ máy phun cột khói đen kịt tiếp tục lăn bánh trên tuyến đường dài im vắng mà mỗi ngày nó vẫn kiên nhẫn, ù lì, mang tấm thân sắt cồng kềnh phóng mình vun vút trên những tuyến đường dài đã qui định. Chuyến xe đưa Thuyên từ nơi nàng cư ngụ đến ngôi Nhà thờ để vào lớp học Anh văn dành cho người di dân vừa mới đặt chân đến nước Mỹ vào mỗi buổi sáng, đã hơn ba tháng nay.
Bãi đậu xe hôm nay vắng tanh. Cảnh vật chung quanh chìm lắng trong tĩnh lặng, không một bóng người qua lại. Ánh nắng mặt trời vàng rực tỏa hơi ấm dịu dàng, hòa trong từng cơn gió mát của một mùa hè sắp sửa đi qua. Mùa hè đầu tiên trên đất Mỹ đến với Thuyên trong một cảm giác buồn bã, cô đơn của một người vừa mới đặt chân đến nơi đất khách quê người.
Một mùa hè không có màu hoa phượng vĩ đỏ rực dọc hai bên đường, không có tiếng ve sầu rên rỉ, nức nở trên những con đường thơ mộng rợp đầy bóng mát cùng với những tiếng cười nói hồn nhiên của tuổi học trò năm nao. Một mùa hè với những cơn nắng nóng liên tục kéo dài nhiều ngày, một mình, một bóng cô đơn, đứng chờ xe bus, sáng đi chiều về, Thuyên bắt đầu cảm nhận nỗi buồn cô đơn, thờ ơ lạnh nhạt bên cạnh những chiếc bóng im lìm ngồi ngủ gà, ngủ gật trên chiếc xe bus. Thuyên cảm thấy mình cũng thế, lạc lõng, cô đơn như một người câm điếc.
Nhớ lại ngày đầu tiên đến lớp học, đi đến cuối dãy nhà hai tầng có nhiều ô cửa kính khép kín, Thuyên đẩy cánh cửa gỗ to lớn, bước lên cầu thang trải thảm dày dẫn lên tầng hai của tòa nhà hai tầng. Lớp học là căn phòng đầu tiên luôn luôn có ánh đèn neon tỏa sáng bên trong. Nhìn xuống dãy hành lang dài hun hút mờ tối, Thuyên đứng khựng lại, đưa mắt tò mò nhìn sâu vào khoảng không gian tối om không có bóng người. Thuyên liên tưởng đến một ngôi nhà hoang ma quái trong một bộ phim kinh dị khiến Thuyên rùng mình. Thỉnh thoảng Thuyên thường nghe vài thứ âm thanh lạ, phát ra từ nhiều thứ nhạc cụ hỗn loạn khua lên từng chập rồi im bặt. Âm thanh tắt nghẹn như những tiếng nấc ai oán, không nói lên lời.
Tò mò bước tới, nhìn qua cánh cửa khép hờ, Thuyên thoáng nhìn thấy một đám người khuyết tật, độ tuổi thiếu niên, ngồi la liệt dưới nền nhà trải thảm. Những khuôn mặt ngờ nghệch, ngây ngô, nhìn nhau bằng những cặp mắt lơ mơ đầy vẻ hoang dại; có điều gì đó không bình thường trong đôi mắt của họ. Những thân hình cục mịch câm nín, cam phận tật nguyền, ngồi lắng nghe những thứ âm thanh phát ra từ những nhạc cụ đặc trưng tự chế được điều khiển từ những ngón tay lèo khoèo của những người bạn đồng cảnh ngộ. Họ đến đây để được chia sẻ tình thương, chia sẻ nỗi lo âu, phiền muộn của những kẻ tật nguyền. Họ đến để chờ đợi một niềm vui nhỏ nhoi từ những tâm hồn trong trắng, thơ ngây. Họ đến để học đàn, học hát, để ráp nối từng cung điệu từ trái tim cô đơn của họ.
Ở một căn phòng khác,Thuyên còn nhìn thấy một ông họa sĩ già, râu tóc xồm xoàm đang đứng sau cái giá vẽ kê cạnh cửa sổ, nơi có nhiều ô cửa kiến lớn mở toang, hứng ánh mặt trời tỏa xuống như những tia hào quang sáng rực. Những khuôn mặt ngây ngô khác ngồi riêng rẻ một góc phòng đang há toác mồm nhìn người họa sĩ vẽ tranh. Thuyên không biết người họa sĩ đang vẽ những gì. Tất cả những hình ảnh Thuyên đang nhìn thấy toát ra một vẻ ưu tư, trầm lắng khiến tâm hồn nàng xao xuyến, rung động trước những một mảnh đời bất hạnh của những con người khuyết tật sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Dù sao họ vẫn còn may mắn được sống trong một thế giới tự do, bình đẳng, và được đối xử công bằng trong một xã hội tự do giàu lòng nhân ái.
Ngày đầu tiên bước vào lớp học Anh văn, Thuyên cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng giữa một nhóm người xa lạ, đủ mọi sắc dân, họ nói chuyện huyên thuyên bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Nhìn chung quanh, Thuyên thấy một chiếc ghế còn trống bên cạnh cụ già người gốc Á Châu. Tóc cụ bạc trắng, khuôn mặt gầy xương phủ lên một lớp da xếp chồng nhiều nếp nhăn trên vầng trán cao. Đôi mắt cụ sâu, sáng rực, trông cụ vẫn còn khỏe mạnh, và yêu đời lắm.
Cụ ngồi thản nhiên nói chuyện với người ngồi bên cạnh là một chàng thanh niên trẻ, vóc dáng thư sinh nho nhã. Chàng thanh niên với vẻ mặt điềm đạm đang ngồi lắng nghe cụ nói. Thuyên nghe họ nói bằng tiếng Việt, tạo cho Thuyên cảm giác thân gần như vừa bất chợt tìm thấy một niềm vui thân quen, nhẹ nhàng len lỏi, chìm sâu vào trong tâm hồn cô đơn của nàng.
Thấy chiếc ghế bên cạnh còn để trống, Thuyên mạnh dạn lễ phép cất tiếng chào cụ:
- Thưa bác, cháu ngồi ở đây có được không ạ?
Bất chợt cụ già quay sang nhìn Thuyên, nở một nụ cười hiếu khách:
- Cháu cứ tự nhiên.
Nói xong, cụ quay sang tiếp tục câu chuyện với chàng thanh niên trẻ đang ngồi chăm chú với vẻ mặt đăm chiêu, đôi mắt mơ màng thả hồn nhìn về phương trời Hà Nội xa xưa qua lời kể của cụ về cuộc sống của cụ thời niên thiếu ở Hà Nội. Một Hà Nội trong trí nhớ mù sương đã phủ lên màu rêu phong thời gian vẫn còn hằn sâu trong tâm hồn tha hương những hình ảnh, âm thanh, hương vị của Hà Nội xưa: Hồ Gươm,Văn Miếu, Ô Quan Trưởng, Phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân, và tiếng còi tàu xe điện leng keng chạy qua các tuyến phố, gợi lại hình ảnh Hà Nội xưa thời niên thiếu của cụ đã trôi qua, biết bao những kỷ niệm một thời vẫn còn đẹp mãi, khắc sâu trong lòng của cụ già đang sống ở một phương trời xa xôi. Hà Nội bây giờ ra sao sau bao năm vật đổi sao dời? Thuyên không biết gì về Hà Nội nên nàng không thể hình dung ra được nét đẹp Hà Nội ra làm sao, có lẽ nét đẹp xa xưa ấy chỉ còn tồn động trong trí nhớ một nét đẹp cổ kính, thơ mộng như một bức tranh cổ, chỉ còn in dấu trong những áng thơ văn của một thời xa xưa đã qua.
Ngồi im lặng thả hồn lắng đọng trong phút giây buồn bã, cô đơn, bỗng phút chốc Thuyên cảm thấy một chút gì nồng ấm thân quen vây bủa xung quanh nàng. Khuôn mặt điềm đạm phiêu hốt của cụ già, vóc dáng thanh tú của chàng thanh niên đang ngồi bên cạnh, vẽ lên trong ý nghĩ thầm kín của Thuyên một hình ảnh một ông đồ già và cậu thư sinh nho nhã đang trôi dạt giữa một khung trời lạc lõng nơi xứ lạ quê người, khiến Thuyên chạnh lòng cảm động, xót xa.
Đặt cuốn tập vở mới lên bàn, Thuyên cẩn thận rút cây viết chì từ trong ví xắc tay ra, ngồi cúi mặt cặm cụi nắn nót viết tên mình vào tập sách. Những trang giấy trắng sẽ mở đầu bài học vở lòng đầu tiên trên đất Mỹ, nhắc nhở cho Thuyên biết cuộc đời của Thuyên thật sự đang bước vào khung trời mới trên một đất nước an bình, tự do.
Thuyên đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, nắng vàng mùa hè chói chang rực rỡ hắt hơi nóng xuống mặt đường phẳng lì, chạy dọc chạy ngang nối dài qua một khu phố yên tĩnh, không một bóng người đi bộ trên vĩa hè. Ngôi Nhà thờ xây trên bậc thềm cao núp bóng dưới hàng cây cọ cao ngất ngưởng, ba ngọn tháp chuông vươn cao ngập nắng vàng chói chang, mang hình dáng kiến trúc tựa như Thiên Cung Thánh Đường xây dựng vào đầu thế kỷ 20; những cánh cửa gỗ lớn đã khóa chặt, cổng tường đã đóng kín. Dáng vẻ uy nghiêm tỏa sáng xung quanh một hào quang thiêng liêng thánh thiện. Cách bãi đầu xe tráng nhựa rộng thênh thang, bên kia là Nhà thờ, bên này là dãy nhà hai tầng có nhiều phòng ốc, một số được trưng dụng làm phòng học dạy Anh văn, và một số khác được dùng cho các hoạt động từ thiện khác. Trong lớp học Anh văn đủ mọi sắc dân đang ngồi im lặng chờ đợi. Chiếc đồng hồ treo trên tường chỉ gần một giờ trưa, lớp học sắp bắt đầu, nhưng chưa thấy thầy hay cô đến. Thuyên hồi hộp ngồi chờ.
Lớp học giờ phút này bỗng chìm trong yên lặng. Mọi người đang ngồi cặm cụi đọc sách. Cụ già nghiêng đầu quay sang người thanh niên tiếp tục câu chuyện hoài cổ của cụ. Hình như cụ đang giải thích ý nghĩa một từ chữ Hán trong một bài thơ Đường, Thuyên nghe loáng thoáng mà không hiểu mô tê gì hết. Tiếng cụ già thì thầm cho đến khi cánh cửa bật mở. Thuyên ngẩng mặt nhìn lên, bất chợt nhìn thấy một cô thiếu nữ, vóc dáng mảnh khảnh thon gọn, tóc cắt ngắn có khuôn mặt khá xinh, đôi mắt to với hai hàng mi cong vút, chiếc mũi cao kín đáo và một làn môi đầy đặn mọng đỏ. Người thiếu nữ mặc quần jeans và chiếc áo phông màu hồng phấn, cổ xẻ khá sâu, ôm sát thân hình cân đối, tay xách chiếc backpack đi đến đứng bên cạnh người thanh niên ném ánh nhìn bực bội.
Người thiếu nữ đặt cái backpack xuống đất, nét mặt cau có:
- Anh Khang! Sao anh không đến đón em?
Chàng thanh niên tên Khang vẫn giữ vẻ mặt bình thản, mắt vẫn chăm chú nhìn vào câu đối chữ Nho mà cụ già vừa mới viết xong lúc nãy. Người thiếu nữ nhìn vào hàng chữ “rồng bay phượng múa”, và từ sự giận dữ lúc ban đầu liền chuyển sang một ý nghĩ châm biếm hài hước:
- Anh Khang! Đây là lớp học Anh văn chứ đâu phải là Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Câu nói bất ngờ khiến Khang bật cười thành tiếng, và cụ già cũng vậy, không nín được, cụ cũng cười tủm tỉm. Khang ngước mặt nhìn lên, thản nhiên cười:
- Hằng! Em ngồi xuống đi.
Hằng lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Khang, nét mặt cô nàng đã tươi tỉnh trở lại, nhiệt độ trong người hạ thấp nhờ hơi gió mát lạnh phả ra từ hệ thống điều hòa không khí trong phòng, khiến Hằng cảm thấy dễ chịu hơn, và có cảm giác lâng lâng buồn ngủ. Đôi mắt Hằng lim dim. Cơn giận trong lòng Hằng cũng đã hòa tan vào làn hơi gió mát lạnh trong gian phòng đang chìm vào sự yên lặng chờ đợi. Chiếc đồng hồ treo trên tường chỉ đúng một giờ trưa. Cánh cửa bật mở. Cô giáo già lụm khụm bước vô lớp học, tay khệ nệ ôm tập sách bước lên bảng đen. Bà nhìn xuống lớp học, miệng mở nụ cười tươi, cất tiếng chào:
- Good afternoon.
Cả lớp đồng loạt đáp lại như một phản ứng máy móc dây chuyền. Cô giáo kéo cặp kính lão trệ xuống, nheo mắt nhìn vào bảng danh sách lớp học. Bà bắt đầu điểm danh. Thuyên cầm tờ giấy ghi danh, chờ bà điểm danh xong, nàng đứng dậy bước lên chỗ bà ngồi, tự giới thiệu tên mình. Bà giáo kéo cặp kính lão xuống nhìn Thuyên mỉm cười rồi nói với Thuyên vài câu xã giao. Thuyên bẽn lẽn gật đầu mỉm cười đáp lại, trong lúc ấy những cặp mắt tò mò nhìn lên, Thuyên thẹn đỏ cả mặt. Và lớp học Anh văn đầu tiên trên đất Mỹ của Thuyên bắt đầu từ ngày ấy.
Từ ngày đến lớp học Anh văn, Thuyên cảm thấy có một điều gì đó đang thay đổi trong tâm hồn của nàng. Hình ảnh chàng thanh niên ngồi bên cạnh cụ già thao thao bất tuyệt hết thơ Đường đến luận truyện Kiều, như thể họ là đôi bạn “vong niên tha hương gặp cố tri”. Họ say mê nói chuyện ngày này qua ngày khác. Thuyên ngồi bên cạnh chìm trong cảm giác cô đơn, lạc lõng. Nhìn xung quanh, Thuyên không thấy bóng Hằng đến lớp, đã nhiều ngày như thế, sự thay đổi ở Hằng như thời tiết Cali. nóng lạnh bất chợt, không dự đoán trước được. Học được vài tuần, Hằng biệt tích hẳn luôn. Hôm nào đến lớp sớm, Thuyên được dịp ngồi trò chuyện với cụ già, và từ giây phút ấy, Thuyên biết thêm về cụ.
Biết Thuyên là người “chân ướt chân ráo” mới đến định cư, cụ rất vui vẻ tiếp chuyện, ân cần dặn dò:
- Mình đến được nước Mỹ là một ơn phước lớn. Cố gắng học hỏi để vươn lên. Các cháu còn trẻ còn nhiều cơ hội lắm.
Lời cụ Bảng dặn dò là một điều thiết thực. Biết bao nhiêu người đang mơ ước được đặt chân lên xứ Mỹ dù chỉ được một lần trong đời để tận mắt nhìn thấy ngọn đuốc soi đường của bức tượng Nữ Thần Tự Do. Với Thuyên cũng như bao nhiêu người Việt tỵ nạn khác đang sống tạm dung trong các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á,chờ mong ngày được lên đường định cư, dù đến bất cứ ở nơi đâu trên thế giới, sự đón nhận ấy là một ân tình lớn. Như Thuyên đã thấy mỗi ngày đến lớp học, không khí hòa điệu của những màu da sắc tộc cùng nói chung một ngôn ngữ tiếng Anh như chính họ đang xây đắp nhịp cầu nối dài giữa những con người với một trái tim không biên giới. Thuyên đã tìm thấy những giây phút thật vui trong lớp học. Mỗi buổi chiều thứ Sáu cuối giờ, bà giáo già dành riêng một giờ để tổ chức trò chơi bingo có trúng thưởng. Lần chơi đầu tiên, Thuyên đã bingo trúng được một hộp kẹo chocolate, nàng mang ra chia đều hết cho cả lớp.
Cụ Bảng hòa đồng vào lớp học với đám người trẻ rất hăng say. Mắt cụ sáng lên niềm vui. Trái tim cụ vẫn còn hừng hực sức sống yêu đời. Cụ tự lái xe băng băng trên xa lộ dù tuổi cụ năm nay đã ngoài bảy mươi. Riêng Khang vẫn là một người trầm tĩnh, tiết kiệm lời nói, mắt lúc nào cũng cúi nhìn chăm chú đọc sách. Ấn tượng lần đầu khi nhìn thấy Khang trong lớp học, trông anh chàng có vẻ thư sinh nho nhã. Thuyên không ngạc nhiên lắm khi thấy Khang ngồi nói chuyện với cụ Bảng như thể Khang là một anh học trò chăm chỉ đang lắng nghe sự truyền đạt kiến thức yêm thâm bác học của thầy.
Khang có vóc dáng người cao ráo, thân hình cân đối, khuôn mặt khá điển trai, trông Khang không giống bất cứ một người thanh niên nào mà Thuyên đã từng gặp ở trại tỵ nạn Palawan. Sự khác biệt ấy có lẽ là ở làn da trắng mát của Khang. Nước da không phải là của người dầm mưa dãi nắng. Bàn tay thon dài là của người cầm bút, không phải là của người cầy sâu cuốc bẩm. Thuyên nghĩ vậy. Và trí tưởng tượng của Thuyên còn bay xa hơn nữa khi thấy Hằng xuất hiện quấn quít bên cạnh Khang. Thuyên tự hỏi: Người con gái bé nhỏ xinh xinh kia có phải là người yêu của Khang? Nhìn cử chỉ chắc là họ thân nhau lắm.
Học được vài tuần thì Hằng không đến lớp nữa. Vài hôm sau cả cụ Bảng và Khang đột ngột vắng mặt luôn. Sáng hôm sau, Thuyên thấy Khang đến lớp nói chuyện với cô giáo. Bà kéo cặp kính lão xệ xuống chóp mũi, nhìn Khang bằng nét mặt đăm chiêu:
- I am sorry...
Khang trao đổi với bà vài câu ngắn rồi bước thẳng ra khỏi lớp. Suốt một tuần lễ trong lớp học, Thuyên ngồi một mình với tâm trạng buồn rầu, ủ rũ, đưa mắt nhìn xung quanh toàn những người dù đã quen mặt, nhưng Thuyên vẫn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó khiến tâm hồn nàng vốn trống trải càng thêm trống vắng cô đơn hơn. Nhìn cuốn sách đặt trên bàn, Thuyên mở ra đọc được vài dòng chữ rồi ngán ngẩm khép sách lại, đưa mắt nhìn bâng quơ qua khung cửa sổ.
Trời ngập đầy nắng ấm, gió thổi trên những tán lá xanh mang hơi mát tỏa xuống làm dịu bớt ánh nắng gay gắt của mùa hè. Từ bãi đậu xe, bất chợt Thuyên nhìn thấy Khang tay ôm tập sách đang từng bước lững thững băng qua bãi đậu xe đi về hướng lớp học. Thuyên vội mừng không phải vì Thuyên đang mong đợi Khang mà Thuyên muốn gặp “chàng thanh niên xa lạ này” chỉ để hỏi thăm cụ Bảng. Dường như có chuyện gì đang xảy ra cho cụ.
Khang đặt tập sách xuống bàn, rồi từ từ ngồi xuống với vẻ mặt đăm chiêu, nghĩ ngợi. Không đợi lâu,Thuyên hỏi:
- Cụ Bảng đâu anh? Sao không thấy cụ đến lớp?
Khang quay mặt nhìn Thuyên, đáp:
- Cụ bệnh phải nhập viện. Hôm nay cụ đỡ nhiều lắm.
Thuyên hỏi thêm:
- Cụ sống một mình hả anh?
- Không. Cụ sống với gia đình. Con cháu cụ rất đông. Bà cụ mới mất năm ngoái, cụ buồn lắm nên đến lớp học cho vui. Cụ rất thích trò chuyện.
Thuyên nhìn khang, cười:
- Có anh chắc cụ vui lắm. Đúng không?
Khang im lặng đưa mắt nhìn lên chiếc bảng đen. Giờ học đã bắt đầu. Suốt buổi trưa hôm ấy, Thuyên cảm nhận một niềm vui bất chợt đến với nàng như một cơn gió nhè nhẹ thổi qua tâm hồn phẳng lặng của nàng. Những đợt sóng trong tâm hồn lăn tăn,vang lên những âm điệu yên vui của một ngày bình yên.
Chiều hôm ấy, khi lớp học chỉ còn Thuyên với Khang là hai người Việt duy nhất còn lại trong lớp học,Thuyên mạnh dạn nói chuyện với Khang nhiều hơn. Khang đã phá vỡ cái bức tường ngăn cách im lặng lúc đầu bằng những cử chỉ thân thiện, khiến Thuyên tự nhiên hơn. Thuyên cảm nhận ở Khang sự thân tình như đã có từ thủa kiếp nào.
Một hôm, giữa một buổi trưa hè nắng ấm, Thuyên cùng Khang đi xuống con đường im vắng, hai bên đường có những hàng cây lá xanh phủ đầy bóng mát. Thuyên bước nhẹ đi bên Khang từng bước đi chậm rãi, Thuyên cảm thấy tâm hồn nàng đang mở rộng đón nhận niềm vui đi bên cạnh Khang. Bất chợt, Thuyên nhìn thấy dưới bóng mát cây sồi già, đôi tình nhân trẻ đang ngồi trên sân cỏ ôm nhau quấn quít, hôn say đắm. Thuyên mắc cở quay mặt nhìn xuống con đường đổ dốc, phía trên có một cây cầu bắt ngang bưng bít như một bức tường thành.
Đó là tuyến đường xe lửa chạy băng ngang qua con suối cạn nước, dưới lòng suối đã khô cạn, phô bày lồ lộ những tảng đá nằm chồng chất, lổn ngổn, phủ đầy lá mục, cành khô, đất cát, và bụi rác. Hai bóng người đi về hướng cây cầu, đứng trên thành cầu nhìn xuống lòng suối khô cạn, không nhìn thấy cái vẻ đẹp trước sự lụi tàn của mùa khô. Hai người bỏ đi cùng bước qua lòng cầu như một cánh cổng dẫn qua một khu phố nhỏ, hai bên đường những cửa hiệu buôn bán đã mở cửa với tấm bảng nhỏ treo lủng lẳng trước khung cửa kính “We’re open”. Sinh hoạt đầu ngày của một khu phố nhỏ thật yên lặng và bình yên.
Thành phố San Jose với những con đường ngang dọc, dọc ngang như bàn cờ, nhà cửa xây cất theo quy hoạch rất đồng bộ, như hầu hết các đô thị lớn trên toàn nước Mỹ. Nó có bộ mặt rất giống nhau từ kiểu dáng đến màu sắc, bờ tường, mái ngói, sân vườn, cây cảnh thảy đều thẳng thớm, cắt xén đều đặn theo quy hoạch, khiến nhìn đâu đâu cũng thấy giống nhau nên Thuyên mù mờ không định hướng được. Thuyên chỉ nhớ duy nhất tuyến đường xe bus từ ngôi nhà nơi nàng tá túc đến ngôi nhà thờ vào lớp học Anh văn. Ấy vậy mà hôm đó trên con đường xa lạ ấy, dường như Thuyên thấy nó gần gũi, và thân quen biết bao, khiến Thuyên liên tưởng đến con đường thân thương nàng đã đi qua trong ký ức.
Bất chợt Khang hỏi:
- Thuyên mới đến Cali.?
Thuyên bẽn lẽn đáp:
- Em mới đến vài tháng trước, lúc trời còn lạnh. Bây trời trời nóng quá anh há. Anh đến Mỹ lâu chưa?
Khang mỉm cười, đưa mắt nhìn lên bầu trời có những đám mây trắng bay qua một vùng trời xanh biếc:
- Khí hậu Cali là khí hậu sa mạc. Nhưng so với nơi anh ở thì trời ở đây mát hơn nhiều lắm.
Thuyên ngạc nhiên:
- Em tưởng anh ở đây đã lâu rồi chứ. Nơi nào mà nóng dữ vậy anh?
Khang đáp không suy nghĩ:
- Vùng ngoại ô Dallas.
Thuyên hỏi:
- Anh làm gì ở đó?
Khang đáp không cần suy nghĩ:
- Làm việc ở một nông trại. Lái máy cầy ủi đất. Chăn ngựa. Làm đủ thứ mọi công việc cho ông chủ bảo trợ mình.
Thuyên cười tinh nghịch:
- Anh là Cowboy chăn bò, đúng không?
Khang cười im lặng trước câu hỏi ngây ngô, dí dỏm của Thuyên và ngạc nhiên đưa mắt nhìn Khang vì nàng tưởng Khang đang nói đùa. Những dự đoán về Khang trước đó cho Thuyên thấy Khang không phải là típ người vai u thịt bắp, chịu cực khổ, dãi nắng dầm mưa, nhưng hoàn cảnh của người tỵ nạn đôi khi phải tạm thời chấp nhận một vài công việc ngoài sự mong đợi của họ. Một số các nhà bảo trợ cá nhân đưa những người tỵ nạn đến các vùng nông trường làm việc như thuê mướn một nhân công trả lương, bao nơi ăn chốn ở, cực quá họ trốn bỏ đi.
Trường hợp Khang không phải vậy. Sự may mắn đến với Khang có lẽ là nhờ vào cái bản tính hiền lành, thật thà, chất phác, và bằng một tâm hồn luôn luôn mở rộng đón nhận cuộc sống tươi đẹp nên Khang được nhiều người cảm mến. Khang không mơ một lý tưởng cao đẹp to lớn gì, chàng thích sống một cuộc đời bình dị, đơn giản. Thuyên đọc được ý nghĩ của Khang. Từ trong đôi mắt rất gần gũi. Từ sự biểu hiện trong tâm tính cởi mở, thân thiện. Từ trái tim rất ngây thơ và chân thật. Thuyên cảm nhận điều ấy trong thầm lặng ở một góc riêng trong trái tim của nàng.
Theo lời Khang kể: Cách đây hơn một năm, từ trại tỵ nạn Hong Kong, sống ở đó hơn một năm, Khang đã thích nghi cuộc sống sinh hoạt náo nhiệt của một thành phố văn minh hiện đại, với một hệ thống xa lộ tân kỳ, xe cộ tấp nập nườm nượp băng qua đường hầm, cầu cao bắt chéo ngang dọc giữa những tòa nhà cao chọc trời đứng sừng sững trong một khu đất chật hẹp, và dưới những lòng đường, dòng người đông như lũ kiến, chen lấn đi trên vĩa hè dọc theo một khu phố mua sắm ồn ào ngày đêm, kéo dài cái ồn động ấy tưởng như không bao giờ chấm dứt.
Ngày đầu tiên được cấp thẻ tự do sau một tháng trời bị nhốt trong trại tỵ nạn Hồng Kong, Khang được tự do ra phố đi chuyến xe bus đầu tiên đến một khu phố cách trại một đoạn đường ngắn. Khang đi quanh quẩn đưa mắt nhìn ngắm phố xá đông vui tấp nập, người buôn kẻ bán nói chuyện la ó inh ỏi, lòng Khang thấy vui vui.
Dừng chân đứng trước một cửa hiệu bán áo quần, giày dép thời trang, Khang ngẩn ngơ nhìn những bộ áo quần đẹp, đủ màu, đủ kiểu được trưng bày trông tủ kính trông rất bắt mắt. Khang thầm nghĩ khi nào kiếm được việc làm, có tiền tha hồ mà mua sắm. Bỗng chốc Khang thấy yêu đời lạ thường. Nhìn xuống đôi chân mang dép kẹp màu xanh “made in China” do trại tỵ nạn cấp phát, trông mình giống như một gã nhà quê lên tỉnh, Khang nhún vai tự chế giễu, cười một mình.
Một hôm, trên đoạn đường đi về trại hôm ấy, trời đang tối dần, ngồi trên chiếc xe bus hai tầng nhìn ra khu phố Hong Kong rực rỡ ánh đèn về đêm, tỏa sáng từ những cao ốc, Khang bị thu hút bởi cái vẻ đẹp của thành phố Hương Cảng như một cô gái kiêu sa lộng lẫy, khêu gợi một cách đam mê quyến rũ. Bất chợt, Khang nhớ về những chuyến tàu xe lửa về đêm, từ một trạm ga nhỏ ở ngoại ô thành phố Nha Trang trở về sau một ngày lao động cực nhọc ở nương rẫy trên một sườn đồi thoai thoải trồng toàn cây mãng cầu mà mẹ Khang đã mua lại bằng một lượng vàng sau năm 1975.
Ngồi trên chiếc tàu đêm nhìn qua ô cửa, cảnh vật bên ngoài chìm trong màn đêm sâu thẳm âm u, nó mang một vẻ buồn trầm lắng của một làng quê nghèo khổ, khiến lòng Khang chùng xuống, cảm nhận một thương cảm xót xa trong lòng. Nhìn những ánh đèn leo lét hắt ánh sáng vàng mờ mờ từ những ngôi nhà lụp xụp nằm dọc theo trên tuyến đường tàu đi qua, đập vào mắt Khang một hình ảnh làng quê nghèo khổ, chìm trong màn đêm trầm lắng, u buồn. Hình dung từ những căn nhà bé nhỏ ấy là một đời sống khép kín, lặng lờ trôi theo dòng đời nổi trôi trước những thay đổi của thời cuộc. Cuộc sống còn nhiều gian nan, khốn khó sau cuộc chiến tranh vừa mới chấm dứt.
Sau năm 1975, Hoàn cảnh gia đình Khang cũng bị thay đổi. Giấc mộng làm giàu của cha Khang hoàn toàn bị sụp đổ khi cách mạng vào “giải phóng” miền Nam. Cha Khang lâm bệnh nặng, thuốc men thiếu thốn, nằm trên giường bệnh chờ chết trong những giây phút đau đớn, tuyệt vọng. Sau cái chết của cha, Khang không còn tha thiết gì với cuộc sống dưới chế độ mới nữa, nỗi lo về một tương lai vô định khiến Khang chán nản bỏ học, bỏ cả giấc mơ mà cậu bé ngày nào đam mê màu sắc, mơ ước khi lớn lên mình sẽ trở thành một họa sĩ cũng tan thành mây khói. Bởi tất cả “thần tượng” đã chết, chôn theo cái kho tàng một thời vàng son vào quá khứ. Khang ngậm ngùi cay đắng không biết phải làm gì hơn đành chấp nhận sự thay đổi của số phận.
Vì không có việc làm, sợ chính quyền địa phương chú ý, ngày ngày Khang phải theo mẹ ra nương rẫy làm công việc lao động chân tay. Nhiều lúc Khang nghĩ, lẽ nào cuộc sống tương lai của Khang sẽ không còn ước mơ nào khác nữa ư? Trong khi đó ngoài kia bọn thanh niên đang hò hét hăng say cho cuộc lên đường hòa nhập vào cuộc sống mới với một ý thức mới, con người mới Xã hội chủ nghĩa sau khi được nghe lời kêu gọi tuyên truyền của Đảng và Nhà nước: yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Con người có quyền tự do để lựa chọn: một là chấp nhận cuộc sống mới dưới chế độ Cộng sản, hai là tìm đường vượt biên đi tìm cuộc sống tự do bên kia bờ đại dương.
Đã có hằng triệu người bỏ nước ra đi, và họ vẫn bất chấp mọi hiểm nguy tiếp tục tìm đường vượt biên. Khang chưa bao giờ dám nghĩ đến con đường lựa chọn nguy hiểm ấy. Thế nhưng, một hôm mẹ Khang tiết lộ một bí mật, bảo Khang ra nương rẫy đào vàng mà mẹ chàng đã chôn giấu trước đó. Có lẽ mẹ Khang sợ nhà nước đổi tiền nên bà cố tình giấu vàng chăng? Khang không biết rõ có bao nhiêu vàng mẹ Khang đang chôn giấu? Nhưng Khang tin chắc số vàng ấy là một gia tài to lớn của mẹ để lại sau bao nhiêu năm buôn bán cơ cực trước năm 1975, chắt chiu tích lũy được.
Suốt ngày hôm ấy, Khang hì hụt đào xới đất nơi mẹ Khang chôn vàng. Đào mãi suốt cả buổi sáng vẫn chưa thấy vàng, Khang thất vọng nằm vật xuống đất thở dài, chán nản. Đến gần trưa, Khang mới tìm được nơi chôn vàng mà mẹ Khang đã giấu dưới một tảng đá lớn dưới gốc một bụi cây rậm. Khang đã tìm thấy một chiếc hộp thiếc trong đó có nhiều thỏi vàng được gói chặt trong nhiều lớp vải bọc xung quanh. Số vàng ấy mẹ Khang đã mua cho Khang một chỗ ngồi trên một chuyến tàu vượt biên bán chính thức năm 1979 khi nhà nước Việt Nam cho phép người Việt gốc Hoa rời khỏi Việt Nam.
Đêm ấy, Khang đã âm thầm lặng lẽ ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những hình ảnh đầy ắp kỷ niệm của một khoảng đời ngắn ngủi sống trên quê hương yêu dấu của Khang. Mẹ Khang đành phải hy sinh ở lại chăm nom bà nội đã ngoài bảy mươi tuổi đang lâm bệnh nặng. Khang đau xót nhớ lại những khuôn mặt người thân, bạn bè còn đang còn ở lại nơi quê nhà sống trong cảnh lầm than cơ cực, và trong lòng Khang thầm biết ơn mẹ đã hy sinh cuộc đời mình cho đứa con trai duy nhất của bà tìm thấy được cuộc sống tự do bên phương trời xa. Cảm nhận ấy Khang thấy rất rõ khi chàng đặt chân lên trại tỵ nạn Hong Kong.
Trong thời gian sống tạm dung chờ đợi đi định cư trong trại tỵ nạn, Khang tình cờ quen biết Hằng. Khang nhớ hôm ấy từ khu phố Kowloon đón xe bus trở về trại, Khang ngồi bên cạnh Hằng. Hằng đã mạnh dạn chủ động làm quen, và kể từ ngày hôm ấy, Hằng trở thành người bạn thân thiết với Khang. Sống ở trại tỵ nạn được hơn một năm, Khang rời trại từ giã Hằng lên đường đi Mỹ định cư qua sự bảo trợ của hội đạo mà ông bà Andrew đứng ra bảo lãnh. Khang được đưa về một trang trại to lớn ở vùng ngọai ô Dallas, tạm thời sống chung với người bảo trợ trong một ngôi nhà khang trang trong một trang trại rộng lớn. Đời sống tuy xa lạ nhưng tạm ổn. Ngoài giờ đi học, Khang phải vào trang trại phụ giúp công việc lặt vặt rồi về sau được ông bà cho học lái xe, lái máy ủi đất. Sự siêng năng và tính nết hiền lành của Khang khiến ông bà Andrew mừng lắm, họ xem Khang như một người thân trong gia đình, thậm chí họ còn muốn nhận Khang làm con nuôi vì ông bà Andrew không có con cái.
Một hôm, bà Andrew phát hiện mấy bức tranh do chính Khang vẽ treo trên tường trong phòng ngủ của Khang. Bà trố mắt kinh ngạc thốt lên:
- Khang! Cậu vẽ đấy ư! Cậu đã làm cho tôi không thể tin mắt mình được. Đẹp quá. Tuyệt vời quá. Cậu quả là một tài năng thiên phú. You are so gifted.
Từ phút giây ấy, Khang được ông bà Andrew nhìn bằng cặp mắt đầy tin yêu, ngưỡng mộ, cảm mến, và từ trong tận đáy lòng, ông bà thầm cám ơn Thượng Đế đã soi sáng trái tim con người đến gần với nhau trong vòng tay thương yêu của Ngài. Lậy chúa tôi! Bà Andrew thốt lên trong niềm sung sướng trước một khám phá bất ngờ về tài năng của Khang. Bà nhủ thầm: “làn sóng người tỵ nạn Việt Nam đã mang đến đất nước Hoa kỳ một họa sĩ tài ba”. Những ngày sau đó, Khang được phép dành nhiều thời gian để vẽ tranh. Ông Bà Andrew mở party mời bạn bè đến chung vui ngày sinh nhật của ông. Niềm vui, nụ cười, những lời khen tặng khiến tâm hồn Khang ngập tràn niềm vui hạnh phúc.
Mùa hè khí hậu nơi Khang ở, một thị trấn nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố Dallas đang phủ lên những luồng khí nóng thiêu cháy những cánh đồng cỏ vàng úa, héo khô. Từng cơn gió nóng hừng hực thổi tung bụi cát mịt mù, thành phố chìm trong bụi cát. Nửa đêm, ông Andrew lên cơn đau tim được xe cấp cứu chở vào bệnh viện. Bịnh tình không nguy cấp, ông xuất viện vài ngày sau đó. Ở lại với người bảo trợ được một thời gian ngắn rồi Khang xin phép ông bà bay sang Cali. để tìm gặp lại “cô em gái nhỏ” vừa mới sang Mỹ định cư. Thật ra là Khang muốn trốn chạy cái nóng như ngọn lửa rượt đuổi phía sau lưng, tìm đến Cali khí hậu ôn hòa, nơi có Hằng, cô em gái nhỏ đang ngày đêm mong gặp lại Khang sau khi hai người chia tay ở trại tỵ nạn Hong Kong. Đến Cali. Hằng rủ Khang xin vào học lớp Anh văn dành cho người di dân vừa mới đến Mỹ định cư. Buổi học hôm ấy, Khang tình cờ gặp Thuyên ngồi bên cạnh đã làm Khang chú ý. Hai người làm quen trước khi họ bất ngờ chia tay.
Thấm thoắt thời gian ngắn ngủi trôi qua, lớp học Anh văn mùa hè đã đến ngày kết thúc. Thuyên chuẩn bị ghi danh vào học đại học trong niên khóa mua thu tới, trong khi ấy Khang nhận được tin nhắn cho biết ông Andrew lại đang lâm bệnh nặng. Khang quyết định mua vé máy bay quay về lại trang trại thăm ông bà bảo trợ như trước đây chàng đã hứa sẽ trở về. Thuyên không hỏi gì thêm về chuyến đi của Khang, chỉ tiếc rằng Khang đi bất ngờ quá. Mọi sự diễn ra như hình bóng lướt qua trên khung cửa của một con tàu vùn vụt lướt nhanh trên đường ray, ném hết thảy những gì Thuyên nhìn thấy rơi vào khoảng trống của thời gian lùi dần về phía sau.
Trên đoạn đường ngắn đi với Khang, Thuyên chưa đi hết qua con đường đổ dốc băng qua một đoạn đường hầm, và cây cầu bắt ngang qua một con đường là bức tường thành kiên cố ngăn cách, nó chưa phá vỡ được những khát khao rạo rực của con tim bé bỏng của Thuyên, và nó không đủ sức xô ngả những khoảng cách vô hình trên con đường Thuyên đã vô tình đi qua để đến gần ngưỡng cửa con tim đang hé mở, va chạm một chút cảm giác rung động của tình yêu. Thuyên hụt hẫng chơi vơi như cảm giác lần đầu bước chân chạm nhẹ xuống làn nước biển trong một đêm “định mệnh”, đã đẩy Thuyên xa lìa vĩnh viễn tình thân của gia đình. Người con gái duy nhất của mẹ như một chiếc lá mong manh lìa khỏi cành, trôi dạt lênh đênh, ngơ ngác giữa dòng đời tha phương nơi xứ lạ quê người. Ở một nơi Thuyên phải sống nương tựa vào tấm lòng từ thiện của những người rất mực yêu thương Thuyên. Ân tình ấy Thuyên mãi mãi khắc sâu trong lòng, không bao giờ quên.
Tiếng nhạc mang âm điệu vui tươi phát ra từ lớp học mang Thuyên trở lại thực tại. Bước vào bên trong lớp học, Thuyên thấy mọi người đang cười vui quây quần bên cạnh bà giáo già cười đùa, nói chuyện huyên thuyên giữa không gian lớp học ngập tràn không khí thân mật, ấm cúng của một buổi tiệc luyến tiếc chia tay. Những khuôn mặt mang nhiều màu da sắc tộc đến từ nhiều miền vùng đất nước xa xôi, họ đến đây để tìm cho mình một ước mơ tương lai tươi sáng trên đất nước Mỹ yên bình tự do.
Hôm nay là ngày cuối cùng sau một khóa học ba tháng hè ngắn ngủi đã kết thúc. Giờ phút chia tay có điều gì để quyến luyến? Thuyên không đọc được hết ý nghĩ trong đôi mắt của họ. Có lẽ vì bức tường ngôn ngữ ngăn chặn dòng cảm xúc của Thuyên chăng? Thuyên vẫn luôn luôn cảm thấy tâm hồn trống rỗng cô đơn giữa đám đông hội tụ, có thể cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ khiến Thuyên chưa tập trung một thói quen mới trước cuộc sống đa màu đa sắc ở đây. Chỉ có đôi mắt của bà giáo già tròn xoe màu hạt dẻ luôn luôn nhìn Thuyên mỉm cười khiến cho lòng Thuyên ấm lại.
Bà giáo già có mái tóc màu bạch kim chải uốn cẩn thận, điểm trên khuôn mặt trắng hồng thánh thiện; đôi môi son đỏ lúc nào cũng nở nụ cười thiện cảm. Thuyên ngưỡng mộ sự kiên nhẫn và lòng tận tụy của bà giáo, bà dạy Anh ngữ với tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ những người mới nhập cư vừa mới đặt chân đến nước Mỹ. Bà đang tươi cười hớn hở, trên tay cầm chiếc bánh kem đặt lên bàn đã bày biện sẵn những hoa quả, nước soda. Bà chúc mừng mọi người đến đây để dự buổi tiệc chia tay hôm nay. Mọi người trò chuyện, cười vui, không biết họ có còn cơ hội nào để gặp lại nhau.
Cuối bữa tiệc, trước khi chia tay, bà giáo tuyên bố sẽ có quà đặc biệt dành tặng cho mọi người. Bà lui khui mở thùng giấy lấy ra từng hộp kẹo chocolate, tận tay trao cho từng người. Bà đã làm cho mọi người ngạc nhiên thích thú trước tấm lòng tốt đầy thiện cảm mà bà đã dành cho họ suốt cả khóa học. Thuyên ôm chằm lấy bà, lòng cảm động nói lời cám ơn. Bà chúc Thuyên cùng mọi người tiến đến cuộc sống tương lai, gặt hái được nhiều sự thành công. Buổi tiệc kết thúc, mọi người luyến tiếc chia tay.
Ngồi trên chiếc xe bus từ ngôi Nhà thờ trở về nhà, Thuyên cảm thấy trong lòng hớn hở, vui sướng khi nghĩ đến cuộc đời tươi đẹp biết bao. Ước muốn được nếm thử hương vị cuộc đời ngọt bùi, cay đắng như thỏi kẹo chocolate khiến tâm hồn Thuyên vụt cánh bay lên giữa một không gian mênh mông đầy mộng mơ. Cuộc đời có tươi đẹp như Thuyên đang nghĩ không? Những gì Thuyên đã trải qua trong chuyến vượt biên đã cho Thuyên nhìn thấy cuộc sống bao la rộng lớn chứa đựng quá nhiều điều mà tâm hồn bé nhỏ của Thuyên chưa thấu hiểu hết được. Về đời sống. Về con người. Và về thân phận của Thuyền nhân bỏ nước ra đi.
Những bước đường ngắn ngủi Thuyên vừa mới đi qua chưa đủ chín mùi để Thuyên có thể cảm nhận được nỗi buồn vui, vui buồn của cô bé vừa tròn hai mươi tuổi sống cô đơn một mình, một hình một bóng trên xứ lạ quê người. Dù sao đi nữa những gì Thuyên đã và đang nhận được từ tấm lòng thương yêu của những người xa lạ, không phải là người thân ruột thịt, nhưng đã mang lại cho Thuyên một niềm tin yêu rất lớn. Tuy nhiên, đôi lúc trong phút giây yếu đuối, mủi lòng nhớ mẹ, nhớ quê hương, Thuyên tủi thân khóc thầm một mình. Và hình ảnh mơ hồ giữa hạnh phúc và đau khổ, nỗi sợ hãi và niềm hy vọng bỗng hiện lên lung linh như hai bóng hình quyện vào nhau vẫn thường ám ảnh Thuyên trong giấc ngủ chiêm bao.
Thuyên nhắm mắt lại cố tìm một giây phút thật sự yên bình trong tâm hồn để lắng nghe từng nhịp đập con tim và hơi thở đang chờ đợi cuộc đời tươi đẹp này, nó đang mở rộng phía trước với hai cánh tay rộng mở, đón chào Thuyên đang chập chững bước vào cuộc sống mới. Có điều gì đó không rõ ràng, mơ hồ làm cho Thuyên hối tiếc ngoảnh mặt quay lại nhìn con đường phía sau lưng, như đang muốn tìm kiếm điều gì đó rất đổi xa lạ, mơ hồ. Một điều không rõ ràng Thuyên vừa mới đánh mất? Chiếc bóng ai đó vừa hòa vào cơn gió nhẹ nhàng thênh thang, cuốn đi mất hút ở cuối đường.
Một ngày sắp sửa khép lại, bóng tối sẽ phủ chụp xuống chờ một ngày mới, bình minh rạng rỡ sẽ mở ra trang sách mới, ghi dấu cuộc hành trình của người con gái đang bước vào ngưỡng cửa của lứa tuổi thanh xuân.
Minh Lâm
* Trích từ Tiểu Thuyết- Giữa Hai Bóng Hình.