NP PHAN
AM CHÚA Và MIẾU BÀ Quê Tôi
AM CHÚA Và MIẾU BÀ Quê Tôi
Di tích Am Chúa ngày nay không còn xa lạ với nhiều người trong và ngoài nước.
Đây là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Di tích này đã được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia” vào năm 1999, là một trong những di tích lịch sử văn hoá linh thiêng của cả nước.
Am Chúa đặc biệt nổi tiếng với lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút nhiều khách hành hương trong cả nước. Còn lễ hội Tháp Bà Ponagar hay lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay lễ vía Bà được tổ chức với quy mô lớn tại Tháp Bà Ponagar hàng năm vào ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch.
Ngày 1/3 âm lịch là ngày Bà Thiên Y Thánh Mẫu giáng trần, ngày 20/3 là ngày Bà hiển thánh. Chính vì vậy, tại Khánh Hoà từ lâu đã lưu truyền câu “Am Chúa hiển nhơn, Tháp Bà hiển thánh”.
Am Chúa tọa lạc trên lưng chừng một ngọn núi thấp còn gọi là Qua Sơn hay núi Dưa, trong vùng núi Đại An quê tôi: xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà - cách trung tâm thành phố Nha Trang 14 km. Đó là nơi phát tích truyền thuyết về Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na, gắn liền với câu chuyện nổi tiếng từ xa xưa về hai vợ chồng ông Tiều và cô con gái nuôi vốn là tiên nữ xuống trần, sau trở thành bà Mẹ xứ sở, tức là Mẫu Thiên Y A Na, đã khai sáng và truyền dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống.
Am Chúa ngày nay, qua nhiều đợt trùng tu đã trở thành một khu di tích lịch sử văn hoá hoàn chỉnh, khang trang, không thua kém các quần thể di tích khác trong cả nước.
Thế nhưng trước đây, trong chiến tranh (trước năm 1975) thì nơi này là một khu vực không mấy ai dám tới. Vùng Tứ thôn Đại Điền quê tôi là một vùng chiến tranh ác liệt vào bậc nhất của cả tỉnh Khánh Hoà, là vùng tranh chấp của cả hai bên.
Tôi nghe nói, phía trên cao của núi Đại An hồi đó có một đồn đóng quân của lính Đại Hàn, một đồng minh của chính quyền VNCH. Khu vực Am Chúa lúc ấy là một nơi hoang tàn, đổ nát, không được hương khói, phụng thờ, nhất là từ sau khi có lệnh “Cấm núi” của chính quyền, nhằm ngăn việc tiếp xúc của người dân với “bên kia”.
Bọn trẻ chúng tôi, lúc ấy khoảng hơn mười 14, 15 tuổi đã có lần mạo hiểm leo lên núi, đi sâu vô trong rừng, tắm suối Lồ Ồ (hay Ồ Ồ, có hai dòng thác nước từ trên cao chảy xuống ồ ồ suốt ngày đêm như tên gọi, sau này là nguồn nước chính cho Hồ Am chúa). Bọn tôi leo cả lên tận Am Chúa. Trong trí nhớ của tôi, lúc ấy Am Chúa hoang vắng, tiêu điều, đổ nát. Tôi vào tận trong điện thờ, nhìn tận mắt tượng Bà. Có một điều kỳ lạ mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ, cho dù đã hơn năm mươi năm: phần mái lợp ngói trên am bị bom đạn thủng lỗ chỗ, có mảng lớn nhìn thấy trời xanh, gãy cả rui mè, chỉ duy nhất gian chính giữa, ngay phía trên tượng Bà là VẪN CÒN NGUYÊN VẸN.
Tôi nghĩ, đó không phải là một sự ngẫu nhiên.
Có điều gì đó một điều linh thiêng, huyền bí, không thể giải thích theo suy luận thông thường.
Một điều nữa, ít người biết rằng ở quê tôi, ngoài Am Chúa tọa lạc trên núi Đại An, còn có một nơi thờ phụng khác. Đó là Miếu Bà (dân quê tôi vẫn gọi là miễu thay vì miếu), nằm ở thôn Đại Điền Đông, xã Diên Điền, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19.
Miếu thờ Bà Thánh Mẫu được xây dựng ở nhiều nơi trên quê hương Khánh Hoà, đặc biệt là ở Diên Khánh và Nha Trang, chẳng hạn ở Diên Phú, Diên Lạc, Vĩnh Trung… Tuy nhiên, với tôi, Miếu Bà ở quê tôi to đẹp hơn hẳn.
Thuở nhỏ, đối với tôi, đó là một nơi âm u, linh thiêng, huyền bí, có cây cao bóng cả chở che. Có lần tôi theo cha xem lễ hội Miếu Bà được tổ chức vào ban đêm ở ngôi miếu này. Tôi không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ mang máng là rất nhiều người, đông vui, đèn măng sông sáng trưng, người lớn áo thụng quỳ lạy, các bà cô múa hát tưng bừng…
Miếu Bà hiện nay, so với ngôi miếu trong ký ức tuổi thơ tôi không còn âm u, huyền bí nữa. Miếu đã được trùng tu nhiều lần, xây dựng thêm nhiều hạng mục như miếu Ngũ hành, miếu Sơn lâm, Nghi môn, Án phong… trong một không gian mở, rộng rãi, thoáng đãng.
Lễ hội Miếu Bà được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ngôi miếu vẫn còn giữ được hai đạo sắc phong của triều Nguyễn ban cho Thiên Y A Na:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852)
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924)
Miếu Bà được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2009.
NP phan