NP PHAN
 

Từ Cánh Đồng Quê

 
Tôi gặp tấm ảnh này trên mạng, trong một album ảnh cũ về Nha Trang - Khánh Hoà trước năm 1975. Tấm ảnh được chụp trên đồi Trại Thuỷ, từ phía sau lưng Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật trắng), có lẽ vào quãng những cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
 
Tấm ảnh chụp vùng quê Diên Khánh, nằm ở phía tây thị xã Nha Trang, đó là vùng tứ thôn Đại Điền quê tôi, trong thời chiến tranh. Trong ảnh là nhà cửa, làng mạc vùng cận Nha Trang, xa xa là cánh đồng Đại Điền mênh mông và vùng rừng núi phía tây: núi Hòn Ngang, Hòn Dữ và vùng núi Đại An, có Am Chúa, nơi phát tích của Bà Thiên Y Thánh Mẫu.
 
Ấn tượng nhất trong tấm ảnh, đối với tôi, không phải là nhà cửa, làng mạc hay đồng ruộng, núi rừng mà chính là hình ảnh của một chiếc máy bay trực thăng (helicopter) đang bay trên trời, có lẽ là một chiếc HU1A, mà người dân quê tôi thường gọi là máy bay “cán gáo” vì nó rất giống với một cái gáo múc nước. Đó là một trong những biểu tượng của chiến tranh.
 
Những năm đó, chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt trên quê hương Đại Điền của tôi. Biết bao nhiêu bom đạn của cả hai bên cày nát ruộng đồng, rừng núi. Tôi vẫn còn nhớ rõ những hố bom, vết bánh xe thiết giáp cày trên cánh đồng, những ánh hỏa châu, ánh lửa từ những trái bom “chụp”, những lằn đạn xé rách bầu trời trong đêm. Trên trời, tôi thường thấy những chiếc máy bay “cào cào” hay “bà già” (L19) bay đi rải truyền đơn kêu gọi những người bên kia chiến tuyến “trở về với chánh nghĩa quốc gia”, hoặc bay do thám, bắt gặp “mục tiêu” khả nghi thì thả trái khói màu để máy bay tới ném bom. Tôi đã nhìn thấy hầu hết các loại máy bay trên trời, từ máy bay Chinook chở quân, vận tải C130, các loại máy bay ném bom F105, F111, và cả… B52 thả bom đâu đó rồi bay trở về căn cứ ở Thái Lan.
 
Với tôi, chiếc máy bay trực thăng “cán gáo” gắn với một kỷ niệm tôi không thể quên được. Năm đó, tôi đang học trung học, khoảng 13, 14 tuổi. Một buổi chiều, tôi nghe có tiếng nổ rất lớn từ cánh đồng phía sau nhà rồi khói lửa bốc lên nghi ngút. Một chiếc máy bay “cán gáo” bị bắn hạ ngay trên bầu trời làng tôi, giáp với vùng núi Đại An. Độ hai hôm sau, nhân bữa tôi nghỉ học, cha tôi nói “Con rảnh thì đi với cha ra đồng một lúc”. Tôi hỏi “Có việc gì không cha?”. Cha tôi chỉ nói gọn “Đi rồi biết”. Cha tôi đem theo cái túi “dết” rồi dẫn tôi đi ra đồng.
 
Hai cha con cùng đi tới chỗ chiếc máy bay trực thăng cháy hôm trước. Chiếc máy bay chỉ còn lại bộ khung sườn bằng kim loại, đặc biệt còn bộ cánh quạt trước bằng một loại hợp kim nhôm đặc biệt. Cha tôi lấy ra chiếc cưa sắt kèm theo mấy lưỡi cưa dự phòng và một cái ca đựng nước. Rồi hai cha con thay phiên nhau (thực ra chủ yếu là cha tôi) cưa chiếc cánh quạt máy bay làm mấy tấm. Xong việc, hai cha con cùng khiêng một tấm ra về. Số còn lại, mấy hôm sau, cha tiếp tục đem về. Những tấm nhôm này, sau đó ít lâu, được những người thu gom phế liệu mua.
 
Chao ôi, chuyện cũng đã trên 50 năm mà tôi vẫn còn nhớ như in, vì lẽ nó gắn liền với hình ảnh người cha thân yêu, một người nông dân chân lắm tay bùn, người luôn bảo bọc, che chở cho tôi, luôn đứng sau tôi trong mọi nỗ lực học hành, vươn lên làm người hữu dụng, đặc biệt trong những năm tháng vất vả, khó khăn, trong bom đạn ngút trời.
 
Chiến tranh cũng đã lùi xa lắm rồi mà sao lòng người vẫn còn ngổn ngang:
chao ôi năm tháng là năm tháng
lệ đã rơi và xương máu rơi
cuộc cờ nhân thế sao chưa vãn
đốt hết làm sao ngọn lửa trời!
(khúc tháng năm - NP phan)
 
Cha tôi đã yên nghỉ nơi đồng đất quê nhà từ mười năm trước. Mẹ tôi cũng đã về bên người bốn năm sau đó. Xin thắp một nén tâm hương tưởng nhớ đấng sinh thành:
nén nhang này con thắp bằng lửa trái tim
giữa đồng chiều, mắt con nhoà lệ
xin một lạy nơi mẹ cha yên nghỉ
và một lạy này, xin lạy tạ quê hương
(khúc từ ly - NP phan)
 
NP phan
 


  Trở lại chuyên mục của : NP Phan