NGÃ DU TỬ

BA THẰNG BẠN

BA THẰNG BẠN
Triển là đứa bé có cá tính, nếu bạn bè đứa nào ỷ mạnh hiếp yếu là nó dũng cảm đương đầu chống lại, dù kẻ ấy là ai.
Nó là người ở quê, về thành để trọ học, người quắc thước, hơi lùn bờ vai to cổ lớn, da ngăm ngăm đen, đôi mắt sáng cương nghị.
Nó học trung bình không giỏi cũng chẳng dỡ, thường giúp đỡ bạn bè nên trong lớp nó có biệt danh rất oai: ‘Triển hào hiệp’. Một sự tương phản khá rõ nét với nó là Thương, Thương thì nhút nhát, không hoạt bát, nhưng chăm chỉ và cần mẫn nên vị thứ trong lớp bao giờ cũng ở tốp five, người trông ốm yếu và đặc biệt da trắng, ít nói. Nhưng khi nói lập luận chắc nịch, khó ai trong lớp bì kịp. Tuy vậy khi cần nó giúp, nó rất chân thành không vụ lợi bất cứ điều gì.
* *
Hôm Triển bị thầy giám thị gọi lên văn phòng trong giờ ra chơi, Thương có vẻ sợ sệt hẳn ra, nó ngang qua, ngang lại cửa văn phòng hình như thăm chừng chuyện thằng Triển, trong lòng lo sợ vẩn vơ:
- Liệu rằng thầy có kỷ luật thằng Triển thì tội nó quá, câu chuyện vừa rồi chẳng dính dáng với nó, nếu như nó đừng can thiệp chuyện nội bộ của Thương và Tý.
Chẳng là hôm qua khi tan trường thằng Tý gây gỗ với Thương bởi vì Thương chỉ giúp bài cho thằng Hải mà không chỉ cho thằng Tý, trong ý nghĩ của Thương sau khi xong cho bạn Hải rồi sẽ giúp tiếp cho Tý, ai ngờ trống trường báo hiệu giờ ra chơi nên khi tiếp tục vào lớp Tý nhìn chằm chằm có vẻ khiêu khích, căm ghét: “Tại sao không chỉ trước cho nó” và đợi tan trường là Tý đón Thương, lời qua tiếng lại phân trần, nhưng cục giận nổi lên, “Mặt đỏ như Trương Phi”, ánh mắt giận dữ bừng bừng. Thường kẻ quá giận mất khôn, thế là Tý đánh Thương, da nó vốn đã trắng đến lúc bị thằng Tý đánh da nó bạch tạng như người người chết rồi. Mặt nó trông thiểu não, Thương định gọi cầu cứu. Đúng lúc ấy, Triển ra khỏi cổng thấy thế vội đến can thiệp. Nó nắm cổ áo Tý, tại sao mầy đánh thằng Thương? Đừng ức hiếp đứa hiền lành như Thương nhé, có giỏi đánh tao nè! Và rồi Triển đánh thằng Tý một trận. Thằng Tý bắt nạt được thằng Thương ‘thư sinh bạch diện’ ấy chứ gặp thằng Triển là ngán ngay, trước khi bỏ về Tý còn vênh váo rằng :
- ‘Ba tao làm cán bộ trên tỉnh, tao nói ba tao là ổng bắt mầy cho coi’
- Tao chẳng sợ ba mầy đâu, cứ về nói ổng đi.
* *
Thầy Giám thị bước vào văn phòng, thằng Triển hai tay khoanh trước ngực, cúi mặt xuống nhìn bàn chân mình, không tỏ vẻ sợ sệt, trong khi bên ngoài hiên thằng Thương lại hồi họp vô cùng.
– Em tới đây thầy biểu, thầy từ tốn nói.
Hú hồn thằng Thương, nó thấp thỏm ngoài hiên lo cho bạn vì tính cao thượng đã phải bị gọi lên văn phòng có lẽ sẽ bị phạt, nghe giọng thầy nhẹ nhàng nó tỏ ra có hy vọng, chắc chẳng sao đâu, nó đứng sát tường chủ ý là để nghe thầy kỷ luật Triển thế nào?
- Dạ, Triển chậm rãi đến bên thầy
- Hôm qua em đánh bạn Tý phải không?
- Dạ
- Vì sao em lại làm thế?
- Thưa thầy, bạn Tý là bạn xấu chỉ vì bạn Thương không chỉ bài cho bạn Tý và bạn Tý ỷ mạnh hiếp bạn Thương, em không chịu được thói xấu ấy, nên em bênh vực cho bạn Thương, chứ em không cố tình đánh bạn Tý.
- Thật như vậy hả, nếu không phải thì sao?
- Thưa thầy thật như vậy, nếu sai em sẽ chịu bất kỳ hình phạt nào của thầy – dù nặng nề nhất,
Tý thẳng thắn nói với giọng bình tĩnh đầy bản lĩnh cho thầy nghe.
Thầy Giám thị vội ra cửa nhờ ai đó xuống lớp gọi Tý lên, vừa ra tới cửa thấy Thương đứng khép nép thầy gọi lại,
- Em học lớp Bảy/ 4 phải không?
- Dạ,
- Vậy nhờ em xuống lớp gọi em Tý lên thầy gặp.
Thằng Tý lên với mặt mày xanh lè, khúm núm – Thường những kẻ hiếp yếu đều vậy cả, hùm hổ vời kẻ yếu, đến khi gặp người cao hơn khúm núm, sợ sệt. Nó bước vào văn phòng gặp thầy Giám thị, miệng lí nhí:
- Thưa thầy, Thầy gọi em
- Đúng vậy, hôm qua tại sao em bị Triển đánh lúc ra về, lý do gì? Em phải nói thật, nếu không thầy sẽ mời phụ huynh lên nhà trường.
Nghe nói mời phụ huynh lên gặp nhà trường là thẳng Tý cúm, lắp bắp trong miệng không ra lời…đứng như trời trồng… khá lâu thầy lại nhắc:
- Sao em không trả lời
- Thưa …thầy… đừng mời ba em lên, về nhà ba em đánh em chết
- Vậy, vì sao Triển đánh em?
- Tại em đánh bạn Thương
- Tại sao em đánh bạn Thương? Thầy gắt giọng
- Vì bạn Thương chỉ bài cho bạn Hải mà không chỉ cho em
- Vậy em biết vì sao bạn Triển đánh em?
- Vì bạn Triển bênh vực bạn Thương
- Em biết nguyên nhân đánh lộn ngoài cổng trường làm mất tính “đạo đức học trò của nhà trường”, lỗi nầy do ai?
- Thưa thầy em biết lỗi rồi, bây giờ thì Tý đã bình tĩnh trả lời
Thằng Thương bên ngoài hiên văn phòng rưng rưng nước mắt vui sướng vì thằng Triển sẽ không bị thầy phạt, chẳng lẽ một người tốt mà bị oan thì phi lý quá, trong lòng nó nễ phục thầy Giám thị vô cùng, chỉ mấy câu hỏi thầy đã tìm ra nguyên nhân mà không ai bị oan cả.
- Tý, em biết lỗi rồi vậy em có oán giận bạn Triển không?
Tý nhìn Triển hình như có vẻ hổ thẹn:
- Dạ, em không giận bạn Triển, ngược lại em thấy xấu hổ
Quay sang Triển, thầy hỏi:
- Triển, em còn ghét bạn Tý nữa không?
- Dạ, thưa thầy em không ghét bạn Tý, ngược lại em còn quý bạn vì bạn Tý dũng cảm nhận cái sai trái của mình bắt nạt người yếu.
Từ đó Triển, Thương và Tý thân nhau cho đến hết thời học sinh.
Chỉ những ai nhận ra sự sai trái của mình thì người ấy mới tiến bộ và thăng hoa, làm vừa lòng những người quanh mình.
Sau này, mãi đến năm 2000 ba bạn: Tý, Triển và Thương gặp nhau trong buổi họp lớp, thời gian còn rảnh rỗi, ba thằng ngồi lại một quán café gần đó, Tý nhắc lại chuyện trẻ con thời trung học nông nổi nhưng hồn nhiên và gắn bó. Đứa nào cũng cười xòa vui vẻ vì lâu lắm – Mấy mươi năm mới được gặp nhau.
Dòng đời cứ trôi yên ả, mỗi người có đời sống khác nhau, đứa làm quan, đứa công nhân, đứa nông dân, đứa phó thường dân nhưng tựu trung vẫn nhớ nhau thuở học sinh hoa mộng nhiều mơ ước và hồn nhiên thuở hoa niên.
Ai cũng một lần bước qua ngưỡng cửa học trò, nhiều nông nổi có điều ai cũng yêu mến tuổi mộng mơ thuở thiếu thời. Mong rằng có thời gian gặp lại để sớt chia buồn vui cuộc đời mang lại.
(2002)
NDT