NGÃ DU TỬ

 
Đọc MÌNH ƠI - TỦ SÁCH KIẾN THỨC
Của KHA TIỆM LY
 
Nhà văn Kha Tiệm Ly trở lại làm thơ, viết văn từ 2008, thế nhưng sức viết của anh khá sung mãn lẫn tần suất xuất bản, hình như sau thời gian ngưng nghỉ anh công phu tu tập văn công nên mới gần 12 năm nội lực thâm hậu anh đã cho ra đời 5 tác phẩm cả thơ lẫn văn, điều nầy khá đáng nể, tuy chưa phải là kỳ hoa dị thảo song cũng làm hài lòng các độc giả khó tính với lời văn mộc mạc mà chân thành không màu mè chữ nghĩa, thuần chất Nam bộ tính.
 
Lần nầy anh ra mắt bạn đọc: Mình ơi!, một tác phẩm văn nữa, một copy của nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ trong mục “Hỏi đáp” của vợ chồng ông Tú, trong nguyệt san Phổ Thông (1958) nhằm giải đáp những thắc mắc của phụ nữ khá dí dõm, cũng như trau dồi kiến thức cho độc giả. 
 
Trong Lời thưa Trước khi vào chuyện, anh viết như lời xin lỗi trước nhà văn, nhà báo quá cố Nguyễn Vỹ đa tài, có lẽ dưới suối vàng nhà văn cũng ưng cái bụng lắm bởi có kẻ hậu học đã làm theo ông một thời ông cũng đã từng, nhưng rất lễ: “So với nhà văn Nguyễn Vỹ chúng tôi chỉ đáng là học trò, còn về kiến thức thì nhà văn là trời, còn chúng tôi chỉ là là vực”. 
 
Xuyên suốt 20 chuyện tâm tình và giải thích cho hiền thê, Cao Thám Hoa lúc nào cũng pha trò và dí dõm, chính điều nầy cũng làm vui người đọc, nhưng cuối câu chuyện độc giả cũng thấy được sự hữu ích khi nhìn ra một vấn đề về kiến thức phổ thông thường thức, hay tâm lý. 
 
Với lối hành văn Nam bộ thuần chất, mộc mạc vấn đáp và diễn giải nên ai đọc cũng hiểu ngay không cần phải nhọc nhằn suy nghĩ, khác với Xóm cô hồn (2016) anh viết với tính cách của truyền kỳ là mượn một câu chuyện xưa để nói chuyện nay nhằm phê phán hay nhắc nhở một vấn đề xã hội, hoặc Hương xưa còn đó (2017) là tản văn hay tiểu luận về những chuyện của nông thôn miền tây Nam bộ, mà anh từng trãi ở vùng đất châu thổ Cửu Long với phù sa tươi tốt và sông nước chằng chịt, bạt ngàn cá tôm, chuột đồng và bản chất hào phóng, thật thà của người dân xứ sông nước ấy. Tôi cho rằng cách hành văn của anh khác nhau trong từng tác phẩm một, điều đó cho thấy anh khá thận trọng cân nhắc trong cách viết là làm sao không trùng lặp cách hành văn cho từng tác phẩm. 
 
Lần nầy anh cố gắng bày biện “tiệm tạp hóa kiến thức” với mục đích giải trí nhiều hơn là tính văn chương, tuy vậy chúng ta cũng thấy sự nổ lực của anh tìm tòi nghiên cứu. Ví dụ: câu chuyện “Dài nhất của một con sông” cả một vấn đề về khoa học tự nhiên, từ làm sao để hiểu nơi phát nguyên, làm thế nào đo chiều dài của con sông, tận cùng của sông là đâu? Không phải ai cũng hiểu nếu anh không viết ra trong phạm vi thường thức, hay “Tại sao buổi chiều người ta hay buồn? Phải chăng, nếp gấp suy nghĩ từ ban sơ của con người Việt Nam nói riêng quá nhỏ bé trên thế gian sợ nhiều sự việc trước cái sống cam go và gian nan chống lại muôn loài cầm thú, bóng đêm và muỗi mòng và dịch bệnh…nên lưu truyền từ thế hệ nầy đến thế hệ khác v,v.. may thay, bây giờ khoa học quá tiến bộ nên nổi sợ bớt đi…hoặc “ tại sao phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông, nó xuất phát từ sinh hoạt và tâm lý, diễn tiến ấy cứ kế tục chọn lọc hết thế hệ nầy sang thế hệ khác, và anh cũng cố gắng tìm hiểu sách vở về tâm lý học để làm sao lý giải cho phu nhân - nghĩa là lý giải cho độc giả tương đối chấp nhận.
 
Cuối cùng anh đưa ra nhận xét khá tinh tế: “nói ít hay nhiều không là vấn đề mà nói đúng hay sai mới là chuyện đáng quan tâm”, cả sự phê phán nhẹ nhàng nhưng ý nhị.
 
Những câu chuyện khác như “Phép lịch sự trong bàn ăn”, Tản mạn về bà chúa Xứ núi Sam, Cải lương có từ khi nào?” cho đến “Dạ cổ hoài lang, chợ nổi Cái Răng”…anh cố gắng truyền trao lại những điều anh hiểu biết là kho báu kiến thức của vùng Nam bộ sông nước mà hơn ai hết chính anh đã thực chứng từ nhỏ đến lớn với biết bao buồn vui trong cuộc làm người với quan điểm của anh.
 
Câu chuyện “Trường sinh bất tử là phúc cho con người?” thì thế nào, anh lý luận rất đơn giản để người đọc có cơ hội hiểu tại sao vậy? Lẽ nào vị quan ngự y Từ Phúc (210 TCN) nhân hậu lại tìm ra được thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng trị vì hoài, mà chính vị quan nầy ngao ngán với cách trị nước bá đạo và bất nhân ấy, chỉ là ông muốn tìm nơi tự do cho chính ông và đoàn người gần 3000 đó thôi, may thay, ông tìm ra vài hòn đảo của Nhật Bản bây giờ, và ngày ấy ông làm vua một xứ sở, hóa ra quan ngự y Từ Phúc mới là người bất tử trường sinh, khá lý thú.
 
Còn khá nhiều chuyện như thế nữa mong độc giả có trên tay để tìm hiểu thêm nhà thơ, nhà văn đậm chất Nam bộ nầy viết thế nào, ra làm sao nhé.
 
Tóm lại với tập truyện Mình ơi! vài trăm trang chuyên chở hai mươi câu chuyện bổ sung cho kiến thức mỗi độc giả đọc được nó quả là quý hóa, tuy là kiến thức phổ thông nhưng không học, đọc làm sao có thể biết được, phải không các bạn?
 
Chúc mừng nhà văn, nhà thơ Kha Tiệm Ly có thêm đầu sách mới nữa và hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Ngã Du Tử
Sài Gòn
Mưa chiều hạ 14/6/2020
  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử