NGÃ DU TỬ


Đọc MỜI TRÀ Của Mai Quang

5 năm sau khi xuất bản thi phẩm, chúng tôi mới có dịp gặp nhau tác giả Mai Quang và Song Nguyên, đã tặng tôi tập thơ MỜI TRÀ với tôi là khá thú vị bởi tập thiền thi nầy lại được anh Song Nguyên nhà thơ, nhà thư pháp trình bày đẹp mắt một bên là in chữ quốc ngữ, bên kia là chữ thư pháp quốc ngữ. Bìa cứng trang trọng được nhà thơ, thư pháp gia sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh vẽ và trình bày bìa rất nho nhã, thanh lịch. Cảm nhận của tôi là một thi tập đẹp đáng được bày biện trên kệ sách gia đình.Thi tập gồm 90 bài thơ ngắn được tác giả Mai Quang trân trọng đặt trên 185 trang giấy láng trắng tinh, và còn có một bài mở đầu cảm nhận "ngôn ngữ trà" của tác giả, bài thơ ĐỀ TỪ của nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh chưn cất giùm trước khi anh Mai Quang mời bằng hữu cố tri nhâm nhi thưởng ngoạn toàn thi tập:
"Nhặt chút hương tĩnh lặng
hãm chung trà vô vi
cùng cảo thơm thi bút
mời bằng hữu cố tri".
( Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Anh cũng có khá nhiều trước tác hay dịch lại các tác giả cổ thi theo phong cách của anh nhưng tất thảy đều đậm chất đạo vị của ngôn ngữ thiền thi, một vài thí dụ là bài "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch mà có lẽ bạn văn nào cũng biết nếu đọc cổ thi "Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cúi đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương" (có lẽ anh đánh máy lộn chữ CỬ thành chữ CÚI chăng ? Trang 80, 81) hoặc bài Tầm Ẩn Giả bất ngộ của Giả Đảo : Tùng hạ vấn đồng tử/ ngôn sư thái dược khứ/ chỉ tại thử sơn trung/ vân thâm bất kiến xứ. ( Trang 78, 79) Tôi đọc và nghiền ngẫm mấy ngày để thẩm thấu được cái hương, cái hậu vị ngọt ngào của tố chất " ngôn ngữ trà" mà anh Mai Quang đã trân trọng mời thân hữu, khách làng văn, Ôi chao sao gần gủi, sát rạt với Haiku, hay Busho của Nhật Bản vậy, ví dụ bài Cánh Bướm: " Một cánh hoa rơi xuống/ bỗng bay lên/ ồ, con bướm" ( Haiku) Ngôn ngữ trong thi tập nầy bày biện ít nhưng cảnh vật, ý tứ cảm xúc ấy tùy theo cảm thức thi ca của mỗi người cảm nhận có khi vô biên, có khi mênh mông bát ngát như rừng phong thu.
Các bạn đọc một bài của anh cùng tôi nhé:" Bươi lò nhật nguyệt / xem chơi/ trong tro lạnh / đã nhuyễn nhừ / vô ngôn" ( Nhuyễn nhừ, trang 06) Nếu chưa chứng nghiệm cuộc đời bể dâu đa gian nan nầy có lẽ ít ai hiểu nổi trong "tro tàn lạnh lẽo" ấy biết bao sự bi thiết lẫn hùng tráng, thống khổ lẫn vinh quang, buồn đau lẫn sung sướng... và cả ý thức lẫn tâm thức đã nhuyển nhừ bởi ngôn ngữ không còn diễn tả hết nổi ấy được bèn suy niệm cho một vòng quay mới luân hồi của nhật nguyệt, của vũ trụ nhưng cũng chỉ xem chơi mà thôi chứ nào có hờn giận, ghét ghen hay oán trách mà làm chi cho thêm mỏi mệt một đời bởi vốn tranh đấu với đời đã mệt mỏi dường nào. Thế mới thấy cái vô biên, cái mênh mông của thiên thi, nghĩa là suy diễn cách nào cũng thấy hơp lý tùy từng mỗi cái nhìn qua lăng kính thẩm thấu của người đọc,
Tiếp diễn hành trình thi tứ của anh còn gì nữa không nào, hãy đọc một bài ngắn nữa các bạn nhé, này, này chỉ "Một sắc mai vàng" thôi mà làm cho cành nhớ vươn dài theo nổi đầy vơi phận người của anh ( hay của ai đó nữa), anh ở xa ngoài quê hương vạn dặm, mùa đông nơi anh ở ấy là mùa xuân tràn trề ở quê nhà vạn nẻo, mà xuân quê nhà như thế nào các bạn thừa biết, biết nhiều sự lý trong cái tết Việt nguyên đán rồi - nỗi nhớ ấy chạy về với tiềm thức anh để cảm xúc được nâng lên với ngất ngây niềm nhớ quê nhà xa xăm trong sắc mai vàng sao mà thấm đẫm cả vị chan chứa cho quê hương xa lắc xa lơ ấy, nếu không có cảnh nhiều năm xa quê khó mà có một ý thơ như vậy phải không các bạn? "Tết ở quê nhà/ Đông ở đây/ ( Ngàn thông xanh lá. Hoa tuyết bay)/ Đơn sơ chỉ vậy/ trong cành nhớ/ một sắc mai vàng/ hồn/ cổ thi" ( Một sắc mai vàng, trang 84 ), có điều anh ngắt câu cho sự đơn độc chữ "hồn" theo thiển ý tôi làm cho ý tứ của "hồn cổ thi" bị ngắt quãng cảm xúc độc giả. Có khi tác giả cũng khá cân nhắc như thế sẽ lạ lẫm nhưng rồi mỗi người một ý, "văn mình vợ người" là vậy. Và rồi như tôi nói ở trên bày biện ngôn ngữ ít nhưng khá nhiều viễn ý, các bạn cùng tôi hãy đọc thêm bài thơ ngắn - cực ngắn nữa nhé để cảm nhận cùng Ngã Du Tử tôi. Đầu cành/ bẽn lẽn sương mai/ Đào phô cành biếc/ một vài đóa/ Xuân ( Xuân, trang 146), ở đây anh Mai Quang ngắt câu bày biện " một vài đóa" rất hơp lý để độc giả thấy xuân tức thì hiển hiện trước mặt khác với "hồn cổ thi" như tôi trình bày ở trên. Thật thú vị đầu cành giọt sương e ấp, bẽn lẽn còn vương lại sắp tan trước ánh nắng bình minh của ngày mới, tác giả thong dong tự tại trong cái xuân an bình, cành đào trong vườn phô bày cành lá xanh biếc với nhân gian bỗng dưng " một vài đóa" đào khoe khiêm tốn - chỉ vài đóa thôi mà thấy mùa xuân đã về rồi ư, thái độ an nhiên tự tại quên cả xuân tới, quên cả tháng ngày bởi biết ngày phải qua, tháng phải tới xuân sẽ về và rồi xuân cũng sẽ đi ấy là lẽ vô thường của vạn vật, của tạo hóa trong cái vĩnh cửu của bất biến thường hằng thì ấy là lẽ đương nhiên thế thì bận tâm làm gì? ô hay xuân đến, ừ xuân đến thế thôi, còn tâm bình thì thế giới bình trong thiên hà vạn thể.
Cái hay của thiền thi là vậy, cái đẹp của thiền thi là thế, tùy tâm, tùy cảnh mà hiển bày như công phu của mỗi tha nhân trong thế gian tùy theo sự chứng nghiệm, tu tập mà ngộ được ở từng thứ cấp, chứ nào phải ai cũng như ai. Nếu độc giả nào cầm trên tay tập thơ MỜI TRÀ của nhà thơ MAI QUANG hãy nhấm nháp dặt dè từng hớp để thưởng ngoạn cái phong vị tao nhã của thiền thi bởi trang viết có hạn nên ý văn tôi dừng bút.

  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử