NGÃ DU TỬ


Đọc: Mùa Quả Ngọt
Của Lê Sinh Dân

Thơ lấy tình làm gốc (triết lý nhân văn), ngôn ngữ làm thân, thể loại làm cành nhánh và ngọn nguồn là ý nghĩa tư tưởng
 
MÙA QỦA NGỌT
 
Tăng ban đồng hương Nghiã Hành: Thu Hồng.
Ngã Du Tử, Phạm Đăng Khương. Ngô Phương Phương...
 
Về Nghiã Hành cùng anh thăm Bến Đá.
Ghé Chợ Chùa mua chút kỷ niêm quê.
Con đường ngày xưa mòn gót mẹ về.
Bàn chân đất buốt tê chiều tháng chạp.
Anh lớn lên từ vồng khoai khô tóp.
Cha trộn mồ hôi trên những luống cày.
Mo nước chè tươi điếu thuốc vấn tay.
Chiều khói toả nhà ai vươn mái nóc.
Về Nghiã Hành cùng anh thăm Bến Thóc.
Quê hương anh những bàn tay khó nhọc..
Vun màu xanh trên đất bạc phù sa..
Bao năm anh đã đi xa...
Nhớ con đương làng mùa mưa nhảo nhoet.
Mùa Đông về những bàn chân se thắt.
Trộn buồn vui trên mảnh đất quê nghèo.
Ngày anh đi mẹ giấu lệ nhìn theo.
Nhét vào tay con nửa mùa quả đắng..
Tay mẹ cạn mà cái nhìn sâu lắng.
Thả vaò anh gieo những bước ngâp ngừng.
Tháng năm buồn kỷ niệm cũng rưng rưng.
Bao nỗi nhớ thương nhuốm màu tóc bạc.
Chiều Đồng Dinh anh về nghe lúa hát.
Nghiã Hành ơi.. Thương nhớ đến nao lòng.
Em có về chia anh nổi long đong.
Qua Bến Lở mới hay tình nguyên vẹn.
Anh lo sợ một lần em lỗi hẹn.
Phước Giang dùng dằng con nước rẽ làm đôi.
Thương nhớ chia hai sông cũng bồi hồi.
Ôi nhớ quá những lần theo chân mẹ.
Thân ái lắm suốt một thời son trẻ
Phiên chợ quê nghèo tan hợp giấu buồn vui...
Thương con sông quê lòng bỗng ngậm ngùi.
Mùa quả ngọt chăt chiu từng nổi nhớ.
Bãi mía nương dâu đêm dài trăn trở.
Nghiã Hành ơi..thương nhớ đến bao giờ.
(LÊ SINH DÂN) 
 
Thi sĩ Chế Lan Viên tài hoa về thơ, về ngôn ngữ thi ca điều ấy không thể chối cải, dù rằng lĩnh vực tư tưởng có thể còn nhiều tranh luận, có điều đặc biệt là ông có 2 câu thơ đã đi vào văn học cũng như văn hóa dân tộc Việt : “ khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” . Sau cuộc di chuyển của lịch sử của hàng triệu người rời quê hương thì nổi tha hương ấy càng thấm thía hơn, thế mới thấy cụ Nguyễn Du tài hoa cở nào khi nói về triết lý nhân sinh trong Kiều; “ Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, tôi là một trong số ấy và nổi nhớ càng da diết hơn khi đọc một bài thơ của quê hương Nghĩa Hành với tựa đề mùa quả ngọt của Lê Sinh Dân người cùng quê hương.
Ngày xưa, ở thập niên 80 khi đọc bài thơ Quê ngoại Nghĩa Hành của Nguyễn Quang Cương bài thơ có bề dày của một quận huyện với những địa danh rất nhiều diện mạo lịch sử, ví dụ Gò Đu nơi thị trấn Nghĩa Hành bây giờ là nơi dân Chiêm Thành đã từng làm nơi sinh hoạt cộng đồng và vui chơi, hay như Hành Phước là nơi trồng dâu nuôi tằm lớn nhất Nghĩa Hành… tôi đã thấy hay quá, có lẽ người Nghĩa Hành chân thành trong tình người nên Cương lấy tựa đề coi như một sự đền ơn chăng, cũng có nhiều nghiên cứu của tác giả đến đây dạy học mặc dầu khi ấy tôi từ phố Quảng Ngãi về Nghĩa Hành sau năm 1975. Giờ đây mấy mươi năm sau tôi đọc bài thơ Mùa quả ngọt của Lê Sinh Dân lại thấy thấm thía ở tầng suất cao hơn dù rằng bài thơ giới hạn ở khung cảnh một chợ huyện và vùng lân cận tác giả đi qua. Cũng có thể tôi xúc cảm mạnh vì tôi là người rời quê hương quá lâu.
Mở đầu anh viết như một hoài niệm đáng nhớ trong ký ức còn lưu giữ cho đến bây giờ, ồ chỉ là kỷ niệm cũ của một thời khó nhọc thôi mà sao phải ‘mua’ có cái gì trong quá khứ không mua, bởi thời gian đã làm nhòe hoặc xóa nhòa tất cả nên phải mua, phải mua bằng đồng tiền danh dự của văn chương cho thời gian đi qua, nếu như không mua chắc sẽ không có những vần thơ đẹp của văn, tôi cho rằng chữ “mua” của tác giả rất tuyệt.
Ai cũng có thời khó nhọc đi qua, nhưng nhiều kẻ trưởng giả học làm sang khi khá khá là quên những kỷ niệm nghèo khó có khi coi ấy là sự xấu hổ, những tưởng bắt đầu bằng nhung gấm thế nhưng cuối cùng thì bàn chân trần cũng ló những vết nứt khốn khó, đôi khi tội nghiệp họ vì tính học làm sang, ngược lại Lê Sinh dân không như vậy có sao viết vậy không ồn ào, không màu mè chữ nghĩa, mộc mạc đầy tính thực thà có khi thiếu tính kỹ thuật thi ca nhưng tràn trề xúc cảm trái tim.
Một chút với Chợ Chùa các bạn nhé, thời trước bọn tôi còn rất trẻ chợ Chùa mỗi lần vào dịp hè trái cây nơi đây được tập trung từ những miền như Hành Tín, Hành Phước, Hành Thiện, Hành Minh, Hành Dũng, Hành Đức .. ôi chao mùa ấy ai đến chợ Chùa, Nghĩa Hành mà không mê, hàng chục loài từ mít, nhãn, dâu, mận, xoài, thơm, chuối…như mời gọi khôn nguôi, từng đoàn xe tấp nập, lũ lượt chở về phố Quảng Ngãi mùi thơm cứ vấn vít trên mủi nghe thơm nức của mùi quả chín đến nao lòng.
Tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều lần như vậy, bâng khuâng nhớ hoài trong tiềm thức về quê nhà nên đồng cảm bài thơ MÙA QUẢ NGỌT cùa Lê Sinh Dân
Cho dù lớn lên từ mồ hôi của mẹ cha với chiều lịch sử địa lý của quê hương khô cằn, vồng khoai khô top vẫn yên bình cho anh thành người trong sự lãng mạn của mộng mái nhà e ấp nóc nhà tranh, và khói lam chiều ôm ấp nóc nhà ai như một hình ảnh thơ mộng của thi ca Việt Nam.
Về Nghiã Hành cùng anh thăm Bến Đá.
Ghé Chợ Chùa mua chút kỷ niêm quê.
Con đường ngày xưa mòn gót mẹ về.
Bàn chân đất buốt tê chiều tháng chạp.
Anh lớn lên từ vồng khoai khô tóp.
Cha trộn mồ hôi trên những luống cày.
Mo nước chè tươi điếu thuốc vấn tay.
Chiều khói toả nhà ai vươn mái nóc.
Sự tiếp diễn trong tự tình quê hương của bố cục còn những điều thú vị nữa dù có lắm nhọc nhằn trong chất liệu cuộc sống của làng quê khó, hơn nữa khắc nghiệt thời tiếc là mưa bùn nhão nhoẹt, hay nắng rát bụi mù anh đã hiểu rằng những con người ấy yêu quê vẫn” vun màu xanh” trong bất kỳ điều kiện nào.
Về Nghiã Hành cùng anh thăm Bến Thóc.
Quê hương anh những bàn tay khó nhọc..
Vun màu xanh trên đất bạc phù sa..
Và rồi cuộc sống có những dịch chuyển theo dòng dịch hóa của nhân sinh và xã hội, không ai có quyền chọn nơi mình sinh ra nhưng có quyền chọn một nơi sinh sống Lê Sinh Dân cũng vậy, thế là anh quyết định đi xa như một lẽ thực thể cho sự tự tồn của kiếp người mặc dù vẫn nhớ bao kỷ niệm cũ còn loang loáng trong trái tim chân thành của đời sống quê nhà, và hình như đã thấm đẫm tính buồn vui trên mảnh đất quê nghèo, ấy vậy và mình cũng lớn khôn . Vốn người đi thì bịn rịn, quyến luyến nổi chia ly dù biết rằng tụ tán là chuyện thường tình từ nhân duyên . Mẹ giấu lệ nhìn theo bởi qui luật Mẹ Việt Nam nào chẳng bao giờ muốn con mẹ vụt khỏi tay mình dù là con đã nên hình, đẹp vóc, ai có ra đi được mẹ tiễn chân mới hiểu tình mẹ bao la và thiêng liêng cỡ nào và rằng chẳng có gì to tát trước giờ con đi “Nhét vào tay con nửa mùa quả đắng” mà như một kỷ niệm để rồi còn mãi với tâm hồn mình trong suốt chiều dài hành trình đời sống riêng tư và với nhiều sóng cao giá cả cuộc đời đang chờ chực trong tương lai. Chao ôi, sao mà triết lý quá “Tay mẹ cạn mà cái nhìn sâu lắng/ Thả vaò anh gieo những bước ngâp ngừng” Đây là câu thơ tới hay không cầu kỳ chữ nghĩa nhưng rõ ràng thi ảnh và thi tâm đến mức độ khá cao và tính triết lý sống cũng không kém . những động từ, hư từ như : “giấu, nhét, mà, thả, gieo” tôi cho anh dùng khá đắc địa trong khổ thơ đầy hình ảnh nầy. Tôi nhắc lại rằng ai có ra đi xa được mẹ tiễn chân mới hiểu nổi, bằng không sẽ nói rằng tôi cường điệu .
Thực vậy đến khi tuổi con có thể lớn hơn tuổi mẹ ngày tiễn con năm xưa, tóc con giờ đã bạc, hoa giáp đã tròn vòng nhưng vết hằn ngày ấy còn in sâu trong tâm khảm cho đến tận bây giờ.
Bao năm anh đã đi xa
Nhớ con đường làng mùa mưa nhảo nhoet.
Mùa Đông về những bàn chân se thắt.
Trộn buồn vui trên mảnh đất quê nghèo.
Ngày anh đi mẹ giấu lệ nhìn theo.
Nhét vào tay con nửa mùa quả đắng..
Tay mẹ cạn mà cái nhìn sâu lắng.
Thả vaò anh gieo những bước ngâp ngừng.
Tháng năm buồn kỷ niệm cũng rưng rưng.
Bao nỗi nhớ thương nhuốm màu tóc bạc.
Ngày trở về tri kiến lại cảnh hôm nay nhớ lại ngày xưa bồi hồi những tháng năm đi qua theo lẽ thường đời sống, đồng Dinh với vũ điệu của lúa đang hát ca thanh bình đã làm vui trong trái tim người thơ đến cảm xúc dạt dào.
Chiều Đồng Dinh anh về nghe lúa hát.
Nghiã Hành ơi.. Thương nhớ đến nao lòng.
Bến Lở, có lẽ ngày xưa người ta đặt tên cho nó vì không được nguyên vẹn chăng, nhưng với người thơ Dân thì khẳng định rằng “ qua bến Lỡ mới hay tình nguyên vẹn” nguyên vẹn chữ tình trong cách long đong của phận người trước tác động xã hội vô biên
Em có về chia anh nổi long đong.
Qua Bến Lở mới hay tình nguyên vẹn.
Và rồi, một lần lỡ hẹn của em thôi cũng có thể xảy ra nhiều điều không như ý nguyện trong mai sau nên anh sợ lắm định mệnh vô cùng nhân sinh làm sao biết được, hơn nữa anh chỉ là một gã viết kịch, viết nhạc, lai rai làm thơ nên lo sợ, như sông Phước giang quê mình sở dĩ con nước dùng dằng chì vì con nước chia hai ngã, một nhánh chảy về Bến Đá, hòa vào sông Bàu Giang cho Tư Nghĩa đầy mầu mở phù sa của cánh đồng phì nhiêu làm mát mắt những khách ngược xuôi vào Nam ra Bắc trên quốc lộ 1náo nhiệt đêm ngày, còn nhánh kia chảy về cầu Dài hòa vào sông Vệ: dòng sông nổi tiếng về thi ca của Quảng Ngãi chỉ chịu đứng sau sông Trà Khúc bất diệt của văn thơ Quảng Ngãi bất tận.
Những phiên chợ nghèo không có “ lá đa lác đác bên lều / vài ba vết máu loang chiều mùa đông” như của Hoàng Cầm bên con sông Đuống miền Bắc mà chỉ có tan hợp buồn vui theo phận quê của chợ Phiên Hành Dũng suốt một thời trai trẻ của tác giả mang theo đến tận bây giờ. .
Anh lo sợ một lần em lỗi hẹn.
Phước Giang dùng dằng con nước rẽ làm đôi.
Thương nhớ chia hai sông cũng bồi hồi.
Ôi nhớ quá những lần theo chân mẹ.
Thân ái lắm suốt một thời son trẻ
Phiên chợ quê nghèo tan hợp giấu buồn vui...
Kết thúc bài thơ lòng thi nhân vẫn nôn nao như thời gió mưa son trẻ tràn trề, một thời sôi nổi mà vụng dại, trong sáng và thơ mộng, trẻ trung mà lãng mạn, ở cái tuổi không còn trẻ nữa lòng bỗng rưng rưng ngậm ngùi trong thể điệu thi ca.
Thương con sông quê lòng bỗng ngậm ngùi.
Mùa quả ngọt chăt chiu từng nổi nhớ.
Bãi mía nương dâu đêm dài trăn trở.
Nghiã Hành ơi..thương nhớ đến bao giờ.
Sông quê còn gì mà ngậm ngùi? phải chăng người ta khai thác tùy tiện đến cạn kiệt. Quê hương đã nghèo mà túi tham của thiên hạ lớn quá nên tất cả những dòng sông hình như đã khánh tận tài nguyên. Nổi đau nầy chắc ai cũng đồng cảm với tác giả chân thành viết nên dòng thơ phiêu hốt mà ý nhị, thật thà mà chơn chất tình quê, tình người trên quê hương xứ sở
Bãi mía nương dâu ư? Một thời đất Quảng Ngãi nổi tiếng với mía đường tốt bậc nhất Việt Nam bây giờ cũng đã thành huyền thoại và cổ tích, không trăn trở sao được phải không các bạn yêu quê hương như một thông điệp nhẹ nhàng trong thi ca tình quê đầy hò hẹn cho Mùa Quả Ngọt, thôi thì chắt chiu từng nổi nhớ về Nghĩa Hành quê mẹ để cùng hòa nhịp thi ca trong cuộc sống hữu hạn của đời người nơi quán trọ trần gian vô lượng .
Lê Sinh Dân không làm nhiều thơ nhưng đã làm thì tố chất thi ca luôn hiển hiện trên mặt giấy với ngôn ngữ mộc mạc mà chân thành không cầu kỳ đánh đố con chữ như những người khác lý sự chữ nghĩa nhưng thiếu vắng chất tình.
  Trở lại chuyên mục của : Ngã Du Tử